ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-UBND
|
Hải
Dương, ngày 12 tháng 9 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Trong những năm qua, công tác đầu tư
xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác quản lý
trật tự xây dựng từng bước đi vào nề nếp, trách nhiệm của
cán bộ, công chức cũng như ý thức của người dân có những chuyển biến tích cực,
góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tình trạng xây dựng công
trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trái
phép trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ còn khá cao;
nhiều công trình vi phạm không được phát hiện, thậm chí phát hiện nhưng không
ngăn chặn kịp thời, xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm.
Sự phối hợp trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các công trình vi phạm trật
tự xây dựng giữa các cơ quan chuyên môn, giữa các cấp, các ngành chưa tốt, chưa
thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định pháp luật. Một số
nơi còn có biểu hiện buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh, đùn đẩy trách
nhiệm; dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn tái diễn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên,
làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý
quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, nhằm tăng cường công tác quản lý,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả, lập lại kỷ cương về trật tự xây dựng; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Xây dựng
1.1. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn
về nghiệp vụ chuyên môn đối với các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự
xây dựng tại các huyện, thành phố và lực lượng thanh tra sở; tuyên truyền phổ biến pháp luật, kịp thời chấn
chỉnh khắc phục những tồn tại trong công tác kiểm tra, xử lý và áp dụng các
biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
1.2. Chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường
kiểm tra, phát hiện những trường hợp vi phạm trật tự xây
dựng trên địa bàn tỉnh, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với
những công trình vi phạm trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định kịp thời. Kiến
nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trách nhiệm của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức, cá nhân
được phân công quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm
theo quy định.
1.3. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải và UBND cấp huyện giám sát, tổng hợp báo cáo Ban An toàn giao thông tỉnh tình hình vi phạm quy định trong
quản lý quy hoạch và xây dựng liên quan đến trật tự an toàn giao thông, chống
ùn tắc giao thông.
1.4. Tham mưu xây dựng quy chế phối
hợp trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên tổ chức kiểm
tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà
nước về xây dựng, đặc biệt chú trọng công tác quản lý trật tự xây dựng; Tăng
cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các ngành liên quan và UBND cấp
huyện để xử lý đồng bộ các công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm hành
lang an toàn giao thông.
2. Các Sở, Ban, ngành liên quan
2.1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:
Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với công trình xây dựng trong các
khu công nghiệp; phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng xử lý kịp thời các hành vi
vi phạm trong hoạt động xây dựng tại các Khu công nghiệp.
2.2. Sở Giao
thông Vận tải
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên
ngành phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã xử lý kiên quyết các trường hợp xây dựng công trình vi phạm hành lang
bảo vệ đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tầng giao thông khác trên địa bàn
tỉnh.
- Phối hợp với Sở Xây dựng giám sát,
tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình vi phạm quy định trong quản lý quy hoạch
và xây dựng liên quan đến trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông
trên địa bàn tỉnh.
2.3. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh cân đối bố trí nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng ở địa
phương, trong đó có công tác tổ chức công bố, công khai các đồ án quy hoạch và
cắm mốc ngoài thực địa; phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện
tham mưu hỗ trợ, trang bị các phương tiện cần thiết cho thanh
tra xây dựng và các cơ quan quản lý trật tự xây dựng khác để thực hiện nhiệm vụ
kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
2.4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc
quản lý đất đai, ngăn chặn kịp thời việc xây dựng trên đất
không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Thường xuyên thanh
tra, kiểm tra công tác sử dụng đất, chỉ đạo Thanh tra sở xử lý nghiêm các
trường hợp sử dụng đất trái phép, không đúng mục đích.
- Không xem xét, tham mưu cấp giấy
chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công
trình vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư chưa chấp hành đầy đủ nội dung
quyết định xử lý vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền.
2.5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản,
quy định trong quản lý hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Tăng cường thanh tra, kiểm
tra việc thực hiện quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động và phối hợp các cơ
quan liên quan đôn đốc, xử lý các vi phạm về xây dựng gây mất an toàn và đảm
bảo mỹ quan đô thị trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình trên địa bàn tổ chức thông tin, tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của các tầng lớp
nhân dân trong việc thực hiện pháp luật về trật tự xây dựng; chú trọng việc
giám sát, phát hiện, đưa tin, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp
thời các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng và cảnh quan đô thị trên địa bàn
tỉnh.
2.6. Sở Công thương
- Chủ trì, phối
hợp với Công an tỉnh, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và đơn vị quản
lý đường dây 500KV xây dựng phương án bảo vệ công trình đường dây tải điện
500KV thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên
ngành phối hợp với các ngành chức năng, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương và
các địa phương kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các
công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo không đúng quy định vi phạm hành
lang bảo vệ lưới điện, gây mất an toàn điện và mỹ quan đô thị.
2.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng
cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời và kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, các công trình vi phạm hành lang bảo vệ các
công trình thủy lợi theo quy định.
2.8. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương
tăng cường kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời các trường hợp lắp đặt biển
quảng cáo không đúng quy định gây mất an toàn và mỹ quan đô thị; thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về quảng cáo, tuyên truyền pháp luật về quảng cáo; hướng
dẫn quảng cáo ngoài trời gắn với các công trình, quản lý tuyến phố, lắp đặt,
dựng, treo biển, băng rôn có nội dung tuyên truyền, quảng cáo phù hợp; hướng
dẫn thực hiện thủ tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với bảng
quảng cáo, băng rôn theo quy định.
2.9. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng
Công an tham gia, phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự công
tác cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm và xử lý theo quy định.
2.10. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức
cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng,
thực hiện nghiêm các yêu cầu trong quyết định cưỡng chế
phá dỡ công trình vi phạm của cấp có thẩm quyền.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố
3.1. Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến kiến thức pháp luật trong hoạt động xây dựng, nâng cao ý thức, nhận
thức của cộng đồng về chấp hành trật tự xây dựng; thường xuyên tổ chức tập huấn
về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng và
công chức địa chính.
3.2. Tổ chức lập, thẩm định, phê
duyệt hoặc trình phê duyệt đồng bộ các quy hoạch xây dựng,
quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc làm cơ sở để quản lý trật tự xây dựng; bảo
đảm khả năng đáp ứng, kết nối giao thông, quy mô diện tích đỗ xe, vỉa hè, lối đi bộ và các yêu cầu khác về an toàn giao thông. Thực hiện
nghiêm việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan
khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; công bố, công khai các đồ án quy hoạch
xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng
đô thị; đồng thời tổ chức cắm mốc giới tại thực địa theo quy định để mọi người
dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát thực hiện.
3.3. Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã, Trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa
bàn (kể cả các công trình, dự án do các cơ quan cấp trên quyết định chủ trương
đầu tư, thẩm định, cấp giấy phép xây dựng); kịp thời phát
hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và giám sát việc dừng thi công xây dựng
công trình vi phạm; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm
quyền, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
của cấp có thẩm quyền, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi
phạm theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo cấp trên để xử lý ngay từ khi mới phát sinh vi phạm, khắc phục tình trạng lập biên bản vi phạm hành chính nhiều lần, quyết định
xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn để cho “tồn tại”; kịp thời ban hành và tổ chức
thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm, công trình xây dựng trái
phép trong phạm vi đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông theo quy
định pháp luật nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp
luật của tổ chức, công dân.
3.4. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê tất cả các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng
chưa xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa dứt điểm để phân loại, xem xét, xử lý theo
đúng quy định.
3.5. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh khi để tiếp tục phát sinh vi phạm trật tự xây
dựng trên địa bàn. Đồng thời xem xét làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp
xã, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn theo quy định pháp luật khi để xảy ra
vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý hoặc xử lý
không kịp thời dứt điểm, để tái diễn hành vi vi phạm.
3.6. Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc
theo yêu cầu đột xuất thực hiện báo cáo tình hình, kết quả
thực hiện Chỉ thị về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ
Xây dựng.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức quán
triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị này.
4.2. Giao Sở Xây
dựng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng; (để báo
cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để báo
cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; (để
báo cáo)
- Các sở, ban, ngành, hội đoàn
thể tỉnh;
- Báo Hải Dương, Đài PT& TH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh;
- L.đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT. Khanh (60b).
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Dương Thái
|