CHỈ THỊ
VỀ NÂNG CAO HIÊU
QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Ngày 23 tháng 5 năm 2013, Bộ Xây dựng có Văn bản
số 942/BXD-KTQH về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công
trình trên địa bàn tỉnh, thành phố. Theo nội dung Văn bản này, Bộ Xây dựng đề
nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tổ chức triển khai Thông tư
06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn nội dung
thiết kế đô thị; đồng thời cần khẩn trương khắc phục những tồn tại trong công
tác quản lý về chất lượng kiến trúc công trình xây dựng, kiểm soát tốt hơn chất
lượng thiết kế công trình.
Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong những năm
qua, công tác quản lý chất lượng công trình kiến trúc trên địa bàn tỉnh đã được
các cấp, các ngành quan tâm. Bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khang trang
và đang từng bước hình thành theo hướng đồng bộ, có hệ thống, thể hiện một diện
mạo mới, hiện đại, văn minh, có bản sắc theo đúng định hướng quy hoạch của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được,
trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục tổ chức nghiên
cứu, có biện pháp khắc phục để đạt kết quả tốt hơn. Những tồn tại, hạn chế đó
là:
- Công tác tổ chức lập quy chế quản lý quy
hoạch, kiến trúc đô thị; thiết kế đô thị theo yêu cầu của Nghị định số
38/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian,
kiến trúc, cảnh quan đô thị vẫn còn chậm. Đến thời điểm nay trên địa bàn tỉnh
mới chỉ có 03 đô thị có quy chế được duyệt gồm: Vũng Tàu, Đất Đỏ và Phước Hải
(huyện Đất Đỏ); chưa có đô thị nào có thiết kế đô thị riêng được duyệt;
- Việc cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở
riêng lẻ trong các đô thị còn thiếu các cơ sở thực hiện (quy hoạch chi tiết,
quy chế quản lý, thiết kế đô thị,...), vì vậy kiến trúc các trục phố, các đô
thị vẫn còn có tình trạng chắp vá, thiếu tính đồng bộ;
- Các dự án phát triển nhà ở trong các đô thị trên
địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, có thiết kế công trình mẫu
cho từng dãy phố, từng ô phố trong phạm vi dự án, song việc đầu tư xây dựng cũng
chưa đồng bộ; bên cạnh đó việc thiết kế, thẩm định các công trình mẫu còn mang
tính hình thức, thiếu đầu tư nghiên cứu, chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc
phải điều chỉnh mẫu kiến trúc nhiều lần;
- Còn nhiều dự án công cộng sử dụng vốn ngân
sách; công trình do các doanh nghiệp đầu tư có quy mô, nguồn vốn đầu tư lớn, có
ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị, song chất lượng thẩm mỹ kiến trúc và
hiệu quả khai thác sử dụng chưa cao.
Để từng bước chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại
nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các sở, ban, ngành có liên
quan triển khai thực hiện một số công việc sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Đối với các đô thị chưa duyệt quy chế quản lý
quy hoạch – kiến trúc, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức
hoàn thiện trình duyệt trong quý I năm 2015. Riêng các trường hợp phải xin ý
kiến Bộ Xây dựng thì chậm nhất trong tháng 5 năm 2015 phải phê duyệt;
- Tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, đẩy nhanh
công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi
tiết 1/500, thiết kế đô thị theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số
8183/UBND-VP ngày 04 tháng 11 năm 2014 và Văn bản số 1098/UBND-VP ngày 12 tháng
02 năm 2015; Riêng Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu cần tập trung chỉ đạo tổ
chức lập, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu
1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 dải cây xanh đường Ba Tháng Hai, quy hoạch
khu rừng ngập mặn Phước Cơ trong năm 2015;
- Kiện toàn và nâng cao năng lực phòng chuyên
môn phụ trách công tác quản lý kiến trúc, xây dựng; rà soát năng lực cán bộ, sớm
xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu
cầu ngày càng cao trong công tác quản lý.
2. Sở Xây dựng:
- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy
phạm pháp luật về kiến trúc, xây dựng để các tổ chức, cá nhân nắm bắt và thực
hiện;
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc hoặc đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý kiến trúc, xây dựng trên
từng địa bàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý về công tác thẩm định, lựa chọn phương
án kiến trúc đối với các công trình có ý nghĩa, vị trí quan trọng, các công
trình có quy mô lớn,., để đảm bảo lựa chọn được những phương án tối ưu nhất.
3. Những vấn đề chung liên quan khác:
- Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố có trách nhiệm công khai minh bạch các thủ tục cấp giấy phép xây dựng; thủ
tục tuyển chọn, thông qua phương án kiến trúc; tạo điều kiện để các tổ chức, cá
nhân thuận lợi trong quá trình liên hệ giải quyết theo yêu cầu;
- Việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình,
nhà ở riêng lẻ của dân phải tuân thủ quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị,
quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc và quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành;
- Các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà
ở thương mại phải đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc theo
quy định của Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở và các quy định có liên quan khác.
Yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải đầu tư, nghiên cứu kỹ việc thiết kế và
lựa chọn các công trình nhà mẫu. Đối với những trường hợp được phân lô, chuyển
nhượng nền cho dân tự xây thì phải thực hiện theo thiết kế đô thị, quy định
quản lý theo đồ án, theo thiết kế mẫu; đối với những dự án, trục phố đã có mẫu
nhà được duyệt (theo dự án) nhưng nếu xét thấy không còn phù hợp (do điều chỉnh
quy hoạch, thay đổi công năng, ...) thì cần nghiên cứu điều chỉnh lại, hoặc lồng
ghép vào trong hồ sơ thiết kế đô thị để làm căn cứ quản lý, giải quyết thủ tục
liên quan đảm bảo phù hợp, thuận lợi hơn; cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh
thiết kế nhiều lần dẫn đến tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ về kiến trúc;
- Khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ
đầu tư phải tổ chức thi tuyển (đối với công trình bắt buộc thi tuyển) phương án
kiến trúc công trình theo quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2009/TT-BXD ngay 16
tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án
thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
Những công trình không thuộc diện bắt buộc phải
thi tuyển nhưng xét thấy công trình có yêu cầu cao về công năng sử dụng, có ý
nghĩa quan trọng về thẩm mỹ kiến trúc thì khuyến khích tổ chức thi tuyển như
quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2009/TT-BXD nêu trên. Trường hợp vì lý do nào
đó không tổ chức thi tuyển thì phải tổ chức nghiên cứu nhiều phương án khác nhau;
tổ chức hội đồng lựa chọn với thành phần tham gia của các nhà quản lý, Hội Kiến
trúc sư, Hội Xây dựng và các chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc,
cần thiết thì phải thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch của tỉnh;
- Khi thiết kế công trình, nhất là đối với công
trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn đơn vị
tư vấn có năng lực đảm bảo, có bề dày kinh nghiệm thiết kế công trình có quy mô
và tính chất tương tự với công trình cần thiết kế;
- Việc lựa chọn phương án phải xét toàn diện các
tiêu chí về công năng sử dụng, thẩm mỹ, kinh tế và bền vững; tránh tình trạng
công trình đưa vào khai thác sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký. Thủ trưởng các
sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc
tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai Chi
thị này.
Giao Sở Xây dựng chịu
trách nhiệm phổ biến, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này;
định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo./.