ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Đắk
Lắk, ngày 03 tháng 05 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC LẬP, QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Những năm gần đây, việc đô thị hóa,
phát triển đô thị và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả
nhất định, tốc độ xây dựng và phát triển của các đô thị trên địa bàn tỉnh diễn
ra khá nhanh, các đô thị được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng hạ tầng kỹ
thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng từng bước được nâng lên; công tác quản
lý đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng,
quy hoạch đô thị (gọi chung là quy hoạch xây dựng) được cải thiện và đã bám sát
yêu cầu, mục tiêu đặt ra, thể hiện được tầm nhìn và tư duy phát triển; tỷ lệ phủ
kín quy hoạch tăng lên tạo tiền đề đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư mở ra các
định hướng, cơ hội mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập, quản lý quy hoạch
xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập hạn chế như: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch
phân khu, quy hoạch chi tiết còn thấp; tiến độ, chất lượng lập, thẩm định, phê
duyệt quy hoạch chưa cao, chưa thể hiện được tầm nhìn, tư duy phát triển; một số
đồ án quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết chưa được tổ chức công bố công khai
theo quy định; thiết kế đô thị và xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nhất
là các không gian công cộng, các trục đường chính đô thị chưa được quan tâm;
tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng theo dự án đầu tư mà không theo
trình tự quy định còn phổ biến.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
trên là do nhận thức vai trò công tác quy hoạch của các ngành, các địa phương
chưa đúng mức, tư duy đổi mới còn chậm, chưa dám đột phá để phát triển; công tác chỉ đạo, điều hành của các địa
phương chưa được quan tâm; nguồn lực bố trí cho công tác quy hoạch xây dựng còn
hạn chế; trình độ, năng lực cán bộ, công chức làm công tác quản lý quy hoạch
xây dựng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; chất lượng tư vấn còn hạn
chế, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm
tra về quy hoạch xây dựng chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành
trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng chưa thường
xuyên, chưa chặt chẽ; kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với kế hoạch thực hiện quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải;
công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng, quản lý phát
triển đô thị ở một số địa phương còn buông lỏng; xử lý vi phạm chưa nghiêm túc,
chưa kịp thời.
Để tăng cường chấn chỉnh công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở xây dựng:
a) Rà soát các văn bản, quy định
trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng để
tham mưu UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện
thực tế của địa phương trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, bảo
đảm tính minh bạch, thống nhất, loại
bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng được yêu cầu phát
triển của thực tiễn và hội nhập;
b) Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các
văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng để
các tổ chức, cá nhân nắm bắt, thực hiện; phối
hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp
vụ, pháp luật về quy hoạch xây dựng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác
quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở UBND các huyện, thị
xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn;
c) Nghiên cứu đổi mới phương pháp quy
hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng công tác quy
hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế xã hội;
d) Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành
chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị
nhằm loại bỏ cơ chế xin cho;
e) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra về lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý hoạt động xây dựng;
kiểm tra, rà soát, đánh giá quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch
và kế hoạch tại các đô thị được nâng loại, mở rộng phạm vi hành chính và xử lý
nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy
hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch
xây dựng được duyệt nếu không đáp ứng tiêu chí cần thiết phải điều chỉnh; tiếp
tục thực hiện tốt công tác công bố, công khai quy hoạch
xây dựng được duyệt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện quy
hoạch xây dựng.
g) Xây dựng Biểu mẫu để hướng dẫn các
cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện 6 tháng và hằng
năm.
2. Sở Tài nguyên
và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng
dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã,
phường, thị trấn trong việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
theo quy hoạch xây dựng được duyệt để đảm bảo sự đồng bộ,
thống nhất. Chỉ đạo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với
Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra các huyện, thị xã, thành
phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất
đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
3. Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch:
Chỉ đạo Thanh tra Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra các huyện, thị xã,
thành phố tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các khu vực bảo vệ
di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch cấp quốc gia trên địa
bàn tỉnh để kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai trong khu
vực bảo vệ.
4. Sở Tài chính:
Bố trí chi phí
đánh giá quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Sở Kế hoạch Đầu
tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra kế hoạch,
chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư công, đảm bảo gắn
kết giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, các chương trình, dự án phát triển đô thị
được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Bố trí chi phí lập, thẩm định, phê
duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy
định của pháp luật về đầu tư công.
6. Các Sở, ban,
ngành khác:
Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được
giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và chính quyền địa phương trong
công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.
7. UBND các huyện,
thị xã, thành phố:
a) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các
quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về
công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng;
b) Tổ chức rà soát, điều chỉnh các
quy hoạch xây dựng đến thời hạn phải rà soát điều chỉnh theo quy định; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,
thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc
quản lý phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng. Tổ chức lập, thẩm định,
phê duyệt các đồ án quy hoạch theo thẩm quyền đảm bảo đúng trình tự, thủ tục
quy định; nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến người dân, cộng đồng,
cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Tăng cường
sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, đại biểu HĐND
các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự
xây dựng; thực hiện đầy đủ việc công bố công khai các đồ
án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ
án quy hoạch chi tiết và gửi hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng cho
các cơ quan, đơn vị có liên quan để theo dõi, quản lý; tổ chức cắm mốc giới tại
thực địa theo quy định để các tổ chức và cá nhân biết, thực
hiện và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch. Thực hiện nghiêm các quy định về
điều kiện năng lực trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng; kiên quyết
không lựa chọn các đơn vị thiếu năng lực, kinh nghiệm và thực hiện công việc chậm tiến độ tại các đồ án tương tự từ 02
lần trở lên;
c) Tổ chức lập quy hoạch chi tiết để
cụ thể hóa các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, đảm bảo
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt; quản lý, sử dụng đất để phát triển đô thị theo
đúng quy định pháp luật. Lập Chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển
đô thị và ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định, hoàn thành trước
năm 2020.
d) Cân đối nguồn
lực, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn
vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ
thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị. Bảo đảm kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô
thị cũng như với các khu vực phụ cận. Từng bước thiết lập hệ thống theo dõi,
giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ chỉ tiêu về xây dựng đô thị
tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi
khí hậu;
e) Tăng cường kiểm
soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với
khu vực đô thị mở rộng;
g) Nâng cao chất lượng công tác đấu
thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực;
h) Thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng
theo quy định pháp luật;
i) Kiện toàn và nâng cao năng lực cho
đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng
thuộc thẩm quyền, đảm bảo đồ án khi được phê duyệt đạt chất
lượng cao, phục vụ tốt cho công tác quản lý theo quy hoạch cũng như đầu tư xây
dựng; hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch mới được phê duyệt;
k) Tăng cường công tác kiểm tra,
thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý
nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương;
l) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, tổ chức
kiểm tra các công trình xây dựng lấn chiếm đất công, hành lang bảo vệ công
trình đê điều, thủy lợi, hành lang an toàn giao thông lấn chiếm đất di tích lịch
sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch cấp quốc gia,... thuộc địa bàn mình quản lý. Trên cơ sở đó tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự
giác tháo dỡ công trình vi phạm, trường hợp không chấp hành thì thực hiện
nghiêm việc cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm và xử lý theo đúng quy định của
pháp luật.
8. Ban Quản lý
các khu công nghiệp tỉnh:
Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy
định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu
kinh tế và các văn bản hướng dẫn
về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng. Sớm hoàn thành việc
tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp trên bàn
tỉnh, làm cơ sở cho việc quản lý và kêu gọi, thu hút dự án đầu tư. Chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan trong việc quản lý quy hoạch
chung xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
9. Tổ chức thực
hiện:
a) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của
tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ
chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị này;
b) Sở Xây dựng đôn đốc, kiểm tra việc
tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc các đơn vị phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; 06 tháng, hằng năm các cơ quan, đơn vị có
liên quan báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo
cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Đắk Lắk; Đài PTTH tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh, TT công báo tỉnh;
- Phòng NNMT;
- Lưu: VT, CN (VT-75).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Cảnh
|