BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2017/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 01 năm 2017
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VIỆC QUẢN LÝ, TẠM ỨNG VÀ HOÀN TRẢ CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT
VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật Ngân
sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP
ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn
việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và
hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết
định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường
hợp không áp dụng xử phạt (sau đây gọi là cưỡng chế) theo quy định tại Nghị định
số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính
phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau
đây gọi là Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).
2. Thông tư này không áp dụng đối với chi phí cưỡng chế trong lĩnh vực thuế,
hải quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người ra quyết định cưỡng chế.
2. Cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế, cơ quan
thi hành quyết định cưỡng chế.
3. Tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế (sau đây gọi là đối
tượng bị cưỡng chế).
4. Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp.
5. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thi hành
cưỡng chế.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý chi
phí cưỡng chế
1. Đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho
hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định
số 166/2013/NĐ-CP.
2. Đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp toàn bộ
chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế theo quy định của Thông
tư này.
3. Đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc
nộp chưa đủ chi phí hoặc nộp chậm thời hạn theo thông báo của cơ quan thi hành quyết
định cưỡng chế thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có quyền
ban hành tiếp quyết định cưỡng chế để thu hồi chi phí cưỡng chế bằng các biện
pháp quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm
hành chính.
Điều 4. Nội dung và mức chi chi
phí cưỡng chế
1. Việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo
quy định tại Điều 39 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, bao gồm
các chi phí sau:
a) Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng
chế: chi phí bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện cưỡng chế và bảo vệ
cưỡng chế;
b) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ
vật, tài sản;
c) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản kê biên;
d) Chi phí thù lao cho các chuyên gia tham gia định
giá để tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật;
đ) Chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản:
- Chi phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật trong
trường hợp người ra quyết định cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức
bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản bị kê biên để bán đấu giá;
- Tiền thuê địa điểm, phương tiện phục vụ tổ chức
bán đấu giá, niêm yết, công khai việc bán đấu giá trường hợp thành lập Hội đồng
bán đấu giá tài sản.
e) Chi phí thực tế khác liên quan đến thực hiện cưỡng
chế (nếu có).
2. Mức chi:
a) Chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực
tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế:
- Cán bộ, công chức của cơ quan thi hành quyết định
cưỡng chế được huy động thực hiện cưỡng chế, lực lượng công an, dân quân tự vệ,
đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế: người chủ trì mức
150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, đối tượng khác mức 100.000 đồng/người/ngày
tham gia cưỡng chế.
- Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn và các đối tượng
khác được người ra quyết định cưỡng chế huy động tham gia cưỡng chế: 100.000 đồng/người/ngày
tham gia cưỡng chế.
b) Các chi phí quy định tại điểm b, c, d, đ, e khoản
1 Điều này được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn
giao tài sản kê biên (đối với chi phí bảo quản tài sản kê biên quy định tại điểm
c khoản 1 Điều này), hóa đơn, chứng từ
chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành, phù hợp với giá cả
trên địa bàn trong cùng thời kỳ và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
Điều 5. Tạm ứng chi phí cưỡng
chế
1. Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan thi
hành quyết định cưỡng chế phải trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự
trù chi phí cưỡng chế. Dự trù kinh phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp
cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng
chế, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.
Dự trù chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải
được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế để nộp
chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh
toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng
chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác).
2. Trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối
tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp, căn cứ dự trù
chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế tạm ứng
chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế của cơ quan của người ra quyết
định cưỡng chế. Mức tạm ứng tối đa bằng mức dự trù chi phí được duyệt của cuộc
cưỡng chế trong phạm vi dự toán kinh phí cưỡng chế được giao của cơ quan của
người ra quyết định cưỡng chế.
Hồ sơ tạm ứng bao gồm dự toán năm được cấp có thẩm
quyền giao và giấy rút dự toán ngân sách (tạm ứng) theo quy định.
Điều 6. Hoàn trả tạm ứng chi
phí cưỡng chế
1. Khi kết thúc việc thi hành quyết định cưỡng chế,
cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế trình người ra quyết định cưỡng chế phê
duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế. Cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế có
trách nhiệm gửi quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cho đối tượng bị cưỡng
chế (trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã nộp chi phí cưỡng chế).
2. Trường hợp đã thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế
theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, căn cứ quyết
toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành cưỡng chế có thông báo
bằng văn bản về quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt gửi cho đối tượng bị
cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số
tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu
thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác).
Chậm nhất 10 ngày từ khi nhận được thông báo quyết
toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp
chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế. Khi thu được tiền
từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải làm thủ tục
hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng chi cưỡng chế cho cơ quan của người ra quyết
định cưỡng chế để hoàn ứng cho ngân sách nhà nước.
3. Trường hợp thu được tiền chi phí cưỡng chế từ tiền
bán đấu giá tài sản (theo quy định tại Điều 18, Điều 26 Nghị định
số 166/2013/NĐ-CP), sau khi đã đảm bảo thực hiện đầy đủ các khoản tiền xử
phạt vi phạm hành chính thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện
hoàn trả chi phí cưỡng chế cho cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế theo
quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã thực hiện nộp
chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế trả lại số tiền chi
phí cưỡng chế từ bán đấu giá tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế.
4. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện
hoàn trả hoặc hoàn trả chưa đủ chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết
định cưỡng chế ra quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm a,
b, c khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính.
5. Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng
chế do đối tượng bị cưỡng chế bị chết, mất tích (đối với cá nhân) hoặc bị phá sản,
giải thể (đối với tổ chức) mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế
và không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định của
pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng
chế báo cáo người ra quyết định cưỡng chế theo quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Định kỳ hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân
sách nhà nước, người ra quyết định cưỡng chế báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng
để thực hiện việc cưỡng chế bao gồm: số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu
hồi được; số kinh phí chưa thu hồi được; số kinh phí không có khả năng thu hồi
(nếu có); nguyên nhân chưa thu hồi và kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên và
cơ quan tài chính cùng cấp.
Hồ sơ, biểu mẫu về hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế xử
phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều
5 Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành về hoàn tạm ứng dự toán.
Điều 7. Lập dự toán, chấp hành
và quyết toán
Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán chi thường
xuyên hàng năm của cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy
định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn
bản hướng dẫn. Kinh phí cưỡng chế được giao vào phần kinh phí không thực hiện
chế độ tự chủ trong dự toán hàng năm của cơ quan của người ra quyết định cưỡng
chế.
Cuối năm, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn, số dư dự toán chưa sử dụng sẽ bị hủy bỏ theo quy định, số dư tạm ứng chi phí cưỡng
chế còn lại sẽ thu hồi bằng cách chuyển vào số tạm ứng năm sau trong phạm vi dự
toán hàng năm của cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02
tháng 03 năm 2017.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng
mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố
trực thuộc TW;
- Ủy ban giám sát Tài chính;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ (để đăng website);
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|