ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
51/2019/QĐ-UBND
|
Thái Nguyên,
ngày 31 tháng 12 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm
hành chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số
81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số
97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số
166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số
20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu
quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Thông tư số 13/2016/TT-BTP ngày
30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận,
cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử
lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày
28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi
hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Thông tư số
16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế
độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi
hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2020 và thay thế Quyết định số
58/2016/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối
hợp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái
Nguyên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng
Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thái
Nguyên;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh,
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên; Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, NC.Sơn
Sonnh/QD01/TP.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Vũ Hồng Bắc
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI
CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI
NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 51/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019
của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Chương
I.
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định
nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong
quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng
quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Cơ quan quản lý người có thẩm
quyền xử lý vi phạm hành chính.
3. Người có thẩm quyền xử lý vi
phạm hành chính.
4. Các cơ quan, tổ chức và cá
nhân có liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ các quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Không làm ảnh hưởng đến chức
năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Bảo đảm công tác quản lý và
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Điều 4. Nội
dung phối hợp
1. Tổ chức thực hiện văn bản
quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp
vụ về xử lý vi phạm hành chính.
2. Thực hiện giải quyết, xử lý
vi phạm hành chính.
3. Công bố công khai trên các
phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm
hành chính.
4. Kiểm tra, thanh tra việc thi
hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Cung cấp, tiếp nhận, cập nhật
thông tin và thực hiện thống kê về xử lý vi phạm hành chính.
6. Xây dựng báo cáo công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5.
Hình thức phối hợp
1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản;
cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành
chính theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Tổ chức, tham gia họp liên
ngành; hội nghị sơ kết, tổng kết.
3. Thành lập, tham gia các đoàn
kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính.
4. Tham gia triển khai thực hiện
áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây
ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (sau đây gọi chung là cưỡng chế).
Chương II
TRÁCH NHIỆM
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI
PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 6. Tổ
chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và tập
huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các sở, ban,
ngành thuộc tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh;
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là UBND cấp
huyện) trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức phổ biến,
giáo dục pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính.
b) Chủ động xây dựng chương
trình, kế hoạch hoặc đề xuất nội dung phối hợp liên ngành; tổng kết, đánh giá kết
quả việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đề
ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.
c) Tổng hợp các khó khăn, vướng
mắc của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng
trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét,
hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu
quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp
huyện có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Tư pháp hoặc
các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật
và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý
vi phạm hành chính theo phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
b) Theo dõi tình hình áp dụng
các văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp các phản ánh, kiến nghị về những khó
khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động rà soát,
kịp thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các
quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn, chồng chéo hoặc mâu thuẫn.
c) Hàng năm xây dựng kế hoạch
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực,
địa bàn quản lý.
3. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo
dục pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
xử lý vi phạm hành chính với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ
thể.
4. Báo Thái Nguyên, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh có trách nhiệm cập nhật, đưa tin, bài phản ánh tình
hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân
trên địa bàn tỉnh, đồng thời dành thời lượng thích hợp để giới thiệu các văn bản
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 7. Thực
hiện giải quyết, xử lý vi phạm hành chính
1. Người có thẩm quyền đang giải
quyết vụ việc chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết,
xử lý theo thẩm quyền được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn
bản hướng dẫn thi hành và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp phải kéo dài hoặc
gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì được thực hiện
theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 13 Điều
1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải thường xuyên
kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý đối với vi phạm của người có thẩm quyền xử
lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình; giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện quyết định về xử
lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót phải kịp thời sửa
đổi, bổ sung, đính chính hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền
quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 8, 9, 10,
11, 12 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Người có thẩm quyền đã ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu
quả và quyết định cưỡng chế có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành
quyết định của cá nhân, tổ chức bị xử lý và thông báo kết quả thi hành xong quyết
định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư
pháp, cơ quan tư pháp địa phương.
4. Các cơ quan, tổ chức và cá
nhân liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền đã ra quyết định xử
phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết
định cưỡng chế triển khai thực hiện việc: Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính bị tịch thu theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính
và quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; cử cán bộ, công chức tham gia Hội
đồng xác định giá trị, xử lý tang vật vi phạm hành chính theo quy định; tổ chức
thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp
khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế theo quy định.
Trường hợp các cơ quan, tổ chức
và cá nhân được giao chủ trì tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế có
trách nhiệm triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quyết định của người có thẩm
quyền.
5. Khi Tòa án yêu cầu, UBND cấp
xã và các cơ quan, đơn vị liên quan phải cử người đại diện tham gia phiên họp để
trình bày ý kiến về các vấn đề có liên quan trước khi xem xét, quyết định áp dụng
các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục
bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân theo quy định.
Điều 8.
Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt vi phạm
hành chính đối với cá nhân, tổ chức
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của
người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu
cần thiết về vụ việc theo đề nghị của cơ quan phối hợp.
b) Gửi văn bản về việc công bố
công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp
vi phạm về: An toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh,
chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi
trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả
mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội đến người phụ trách
Báo Thái Nguyên hoặc Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh trong thời hạn
03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt để công bố công khai việc xử
phạt.
c) Chịu trách nhiệm về nội dung
thông tin công bố công khai; đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 ngày
làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính.
2. Người phụ trách Báo Thái
Nguyên hoặc Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh khi nhận được văn bản đề
nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần
công khai.
Nội dung thông tin công bố công
khai được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 9. Kiểm
tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
1. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đề
xuất Chủ tịch UBND cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật về
xử lý vi phạm hành chính.
a) Quyết định kiểm tra phải ghi
rõ thành phần đoàn kiểm tra; thời gian, nội dung, địa điểm kiểm tra; tên
cơ quan, đơn vị được kiểm tra; trách nhiệm của đoàn kiểm tra và được gửi tới cơ
quan, đơn vị được kiểm tra để thực hiện.
b) Báo cáo kết quả kiểm tra:
Chậm nhất là 15 ngày, kể từ
ngày kết thúc cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải có văn bản báo cáo kết
quả kiểm tra gửi người đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời gửi
đến cơ quan được kiểm tra. Trường hợp trong báo cáo kết quả kiểm tra có đề nghị
cơ quan được kiểm tra xem xét xử lý các kiến nghị của đoàn kiểm tra, thì chậm
nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan được kiểm tra phải xem
xét xử lý các kiến nghị và gửi báo cáo kết quả đến người đã ra quyết định thành
lập đoàn kiểm tra;
Báo cáo kết quả kiểm tra phải
có các nội dung sau đây: Tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
kết quả đạt được; hạn chế, bất cập; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; kiến
nghị, đề xuất.
2. Sở Tư pháp phối hợp với các
cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng
trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính khi có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về
việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Điều 10.
Cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và thực hiện thống kê về xử lý vi phạm
hành chính
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tham mưu giúp UBND tỉnh hướng
dẫn việc cập nhật thông tin, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm
hành chính của tỉnh và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm
hành chính tại Bộ Tư pháp theo quy định tại Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày
30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành
chính và Thông tư số 13/2016/TT-BTP ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử
dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
b) Phối hợp với các sở, ban,
ngành thuộc tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh
và UBND cấp huyện thực hiện việc thống kê theo quy định để đánh giá tình hình,
dự báo xu hướng viphạm pháp luật hành chính, đề xuất giải pháp khắc phục, hoàn
thiện chính sách, pháp luật, phục vụ công tác báo cáo thi hành pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
2. Cơ quan của người có thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi
hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, cơ quan quyết
định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cơ quan thi hành quyết định áp dụng
các biện pháp xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm bố trí đội ngũ cán bộ,
công chức có năng lực, đồng thời trang bị cơ sở vật chất, triển khai việc ứng
dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, cung cấp, cập nhật thông tin và
thực hiện thống kê về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý được giao
theo quy định.
Điều 11.
Xây dựng báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
1. Báo cáo công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
a) Báo cáo công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm báo cáo về tình hình xử phạt
vi phạm hành chính và báo cáo về tình hình áp dụng các biện pháp xử lý
hành chính, được thực hiện định kỳ 06 tháng và hàng năm.
Nội dung báo cáo và thời điểm lấy
số liệu đối với báo cáo được thực hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ Tư pháp
và Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Báo cáo được gửi đến cơ quan
nhận báo cáo bằng văn bản (là bản có chữ ký, họ tên của Thủ trưởng cơ quan
báo cáo và đóng dấu phát hành theo quy định); các biểu mẫu tổng hợp số liệu
kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai. Đồng thời, gửi kèm theo file điện
tử thông qua hộp thư điện tử của cơ quan nhận báo cáo.
Trường hợp phải chỉnh lý, bổ
sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi
báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh
lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu.
2. Trách nhiệm thực hiện:
a) Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý của địa phương mình đến UBND cấp huyện (qua Phòng Tư
pháp).
b) Thủ trưởng các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa
bàn tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình gửi về Sở
Tư pháp.
c) Sở Tư pháp tham mưu giúp Chủ
tịch UBND tỉnh thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính trên địa bàn toàn tỉnh gửi Bộ Tư pháp.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 12.
Kinh phí thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính
1. Kinh phí thực hiện quản lý
nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc ngân
sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và được bố trí trong dự toán ngân sách
nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Cán bộ, công chức thuộc Sở
Tư pháp, Phòng Tư pháp được phân công làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản,
tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều
8 của Quy chế này được chi hỗ trợ theo mức quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 4
Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định
việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước
cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 21/7/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên quy định
việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước
cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính
trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Kinh phí chi hỗ trợ được bố trí
trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.
Hàng năm, căn cứ vào số lượng hồ
sơ mà Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện đã ra quyết định xử phạt vi
phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền
trong năm trước, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp xây dựng dự toán ngân sách chi hỗ trợ
theo hồ sơ vụ việc cho năm sau, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Điều 13.
Điều khoản thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành thuộc tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh
và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chủ động trong việc tổ chức, triển khai thực
hiện Quy chế này.
2. Đề nghị Tòa án nhân dân hai
cấp trên địa bàn tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp cùng
các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các nội dung theo quy định tại Khoản 6
Điều 17 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Đề nghị HĐND tỉnh, đại biểu
Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức
thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền xử
lý vi phạm hành chính; khi phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người
có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì yêu cầu, kiến nghị với cơ quan, người
có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Giao Sở Tư pháp tham mưu
giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ
quan, đơn vị triển khai thực hiện Quy chế và tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong
quá trình thực hiện báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.