Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2401/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Hoàng Quốc Khánh
Ngày ban hành: 11/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2401/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 11 tháng 10 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14/11/2022;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 18/01/2024;

Căn cứ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm;

Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều;

Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Thông tư số 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018;

Căn cứ Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 05/01/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 307/TTr-SNN&PTNT.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC-KS, KTN.
D:\Dropbox\minh tam b\Nam 2024\Quyet dinh\10 09 ban hanh Quy che phoi hop trong xu ly vi pham cong trinh thuy loi.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số 2401/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2024 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nội dung, trách nhiệm phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Công an tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện).

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã).

4. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam, Chi cục Thủy lợi và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác có liên quan đến công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Bảo đảm sự thống nhất, không chồng chéo trong quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm, đảm bảo đúng quy trình. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THỦY LỢI

Mục 1. CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA

Điều 4. Phối hợp trong công tác tuyên truyền

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

b) Nghiên cứu, đề xuất và triển khai các biện pháp, giải pháp (công trình và phi công trình) nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi.

2. UBND cấp huyện

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi trên địa bàn.

3. UBND cấp xã

a) Chủ trì, phối hợp với tổ chức khai thác công trình thủy lợi để thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của pháp luật về thủy lợi.

b) Định kỳ phát các tin, bài về tình hình vi phạm và công tác xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi trên đài truyền thanh cấp xã.

4. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam

a) Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn bị tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được cấp có thẩm quyền giao khai thác.

b) Phối hợp cung cấp các tin, bài, tài liệu liên quan đến vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được cấp có thẩm quyền giao khai thác để UBND cấp xã phát trên đài truyền thanh.

c) Vận động tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 5. Phối hợp trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình thủy lợi được giao khai thác lập kế hoạch, công bố công khai phương án cắm mốc chỉ giới đã được UBND tỉnh phê duyệt và giao quản lý; tổ chức, triển khai cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên thực địa và thông báo cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ mốc; có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới và lưu trữ hồ sơ cắm mốc; hằng năm tổ chức kiểm tra, bảo trì mốc chỉ giới, khôi phục các mốc chỉ giới bị mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc chỉ giới được phê duyệt.

2. UBND cấp huyện chủ trì tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các công trình được UBND tỉnh giao UBND cấp huyện làm chủ sở hữu.

3. UBND cấp xã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam, các tổ chức thủy lợi cơ sở bảo vệ các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện hằng năm tổ chức kiểm tra việc thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ngoài thực địa.

Điều 6. Phối hợp trong công tác kiểm tra và lập hồ sơ vi phạm

1. Nguyên tắc chung

Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi, các tác động tự nhiên (như: mưa lũ gây sạt, trượt mái kênh mương; thấm lớn đập hồ chứa; cây cối, vật cản làm giảm khả năng thoát lũ các công trình,...) hoặc các trường hợp cố ý (xả nước thải không đúng quy định vào công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước…) gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn của công trình thủy lợi phải báo ngay cho tổ chức, cá nhân khai thác, quản lý công trình thủy lợi hoặc UBND nơi gần nhất.

Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi phải có biện pháp ngăn chặn hoặc phối hợp với UBND cấp xã để ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. UBND các cấp có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn quản lý.

2. Đối với công trình thủy lợi

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hàng năm, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý hoặc tổ chức thanh tra đột xuất để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thì lập biên bản báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

b) Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các tổ chức thủy lợi cơ sở: Thực hiện trách nhiệm của chủ thể khai thác công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật; xây dựng trình phê duyệt và thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định. Phối hợp với UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi vi phạm tiến hành lập biên bản làm việc ghi nhận sự việc vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được giao quản lý (trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì phải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 của Nghị định số 118/2021/NĐ- CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và báo cáo cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

c) UBND cấp huyện: Thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017, Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu xem xét trong quá trình thẩm định, cấp giấy phép môi trường đối với các cơ sở phải tuân thủ theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

d) UBND cấp xã: Thực hiện trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc thẩm quyền quản lý, phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các tổ chức thủy lợi cơ sở trong việc kiểm tra và xác lập biên bản làm việc tại hiện trường để ghi nhận sự việc, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.

đ) Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an cấp huyện, Công an cấp xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam kiểm tra các công trình thủy lợi phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi theo thẩm quyền.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và tổ chức thủy lợi cơ sở xem xét, đánh giá nguồn thải vào môi trường nước mặt (trong đó có công trình thủy lợi) phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt. Không được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm theo đúng quy định.

4. Sở Xây dựng: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải đô thị; khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp trên địa bàn.

5. Các Sở, ngành có liên quan: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cử cán bộ, công chức, viên chức có năng lực tham gia cùng đoàn liên ngành về công tác kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc theo đề nghị của UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

MỤC 2. CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 7. Phối hợp trong công tác xử lý vi phạm

1. Chủ tịch UBND cấp xã

a) Khi nhận được hồ sơ vi phạm (Biên bản làm việc ghi nhận vi phạm pháp luật về thủy lợi tại hiện trường, các văn bản kiến nghị xử lý vi phạm) do các Chi nhánh Thủy lợi, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi; tổ chức thủy lợi cơ sở; các tổ chức, cá nhân được cấp thẩm quyền giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi chuyển đến; Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời chỉ đạo các lực lượng của xã kiểm tra, xác minh vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành các trình tự, thủ tục xử lý theo các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

b) Xử phạt vi phạm hành chính về thủy lợi theo thẩm quyền quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì lập hồ sơ, chuyển vụ việc cho người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện

a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã, cơ quan Công an và các lực lượng chức năng thuộc thẩm quyền, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

b) Khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm và đề nghị xử lý của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tiến hành các trình tự, thủ tục xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản khác quy phạm pháp luật có liên quan.

c) Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và tham mưu xử lý nếu thuộc thẩm quyền cấp huyện hoặc chỉ đạo UBND cấp xã xử lý theo thẩm quyền.

d) Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thủy lợi theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì lập hợp hồ sơ, chuyển vụ việc cho người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm có tính chất phức tạp, tổ chức họp liên ngành để phối hợp xử lý.

đ) Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo đôn đốc, giám sát xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn quản lý.

3. Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam

a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các Chi nhánh Thủy lợi trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xác minh biên bản vi phạm hành chính về thủy lợi. Theo dõi, nắm bắt tình hình xử lý vi phạm và kịp thời có văn bản kiến nghị UBND cấp xã, UBND cấp huyện tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra trên các hệ thống công trình thủy lợi được giao trách nhiệm khai thác.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thực hiện nhiệm vụ là chủ quản lý các công trình thủy lợi đối với các công trình do UBND tỉnh làm chủ sở hữu như sau:

a) Chỉ đạo thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận thông tin, hồ sơ vụ việc vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt thì hồ sơ vụ việc phải được chuyển ngay cho cấp có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

b) Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh đôn đốc UBND cấp huyện xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi.

c) Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về thủy lợi và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

d) Đề nghị UBND các cấp xem xét, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi khi nhận được báo cáo đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, Chi cục Thủy lợi, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

đ) Đối với công trình do UBND cấp huyện làm chủ sở hữu, chủ quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp trong công tác xử lý vi phạm; theo dõi, tổng hợp tình hình xử lý vi phạm của chính quyền địa phương.

5. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo Công an huyện, Công an xã; các đơn vị, lực lượng, phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Xử phạt các vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi theo đúng thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, lập hồ sơ vụ việc, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo quy định.

6. Các Sở, ngành có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực quản lý, chủ trì tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

7. Chính quyền các địa phương (UBND cấp huyện, cấp xã), người đứng đầu các địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, trước quy định của pháp luật nếu không xử lý kịp thời các vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.

Điều 9. Phối hợp trong công tác cưỡng chế, khắc phục hậu quả

1. Các cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy lợi nếu không tự nguyện chấp hành và đã quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do người có thẩm quyền ban hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì bị cưỡng chế.

2. UBND cấp xã

a) Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức, thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả theo thẩm quyền và theo phân công của Chủ tịch UBND cấp huyện.

b) Chỉ đạo, phân công các lực lượng cấp xã, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp xã phối hợp xây dựng kế hoạch, thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả theo đề nghị của người có thẩm quyền.

c) Phối hợp các phòng chuyên môn cấp huyện, các Chi nhánh Thủy lợi để xác định mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang thoát lũ; các vấn đề kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình làm cơ sở cho việc cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm hành chính.

d) Khi cần thiết báo cáo UBND cấp huyện để hỗ trợ lực lượng tham gia cưỡng chế giải tỏa vi phạm.

3. UBND cấp huyện

a) Tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

b) Chỉ đạo, phân công các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền quản lý, xây dựng kế hoạch, thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả vi phạm theo đề nghị của người có thẩm quyền.

c) Phối hợp Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, Chi cục Thủy lợi để xác định mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình làm cơ sở cho việc cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm hành chính.

4. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi

a) Chỉ đạo, phân công các phòng chuyên môn, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp với UBND cấp xã trong việc tổ chức cưỡng chế khắc phục hậu quả để giải tỏa các vi phạm.

b) Xác định mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; vấn đề chuyên môn kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình thủy lợi để làm cơ sở cho việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi phối hợp với UBND cấp xã, UBND cấp huyện trong việc tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi.

b) Giao Chi cục Thủy lợi phối hợp các phòng chuyên môn cấp huyện, các bộ phận chức năng cấp xã, xác định mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình làm cơ sở cho việc cưỡng chế khắc phục hậu quả để giải tỏa các vi phạm.

Điều 10. Phối hợp trong công tác theo dõi tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi.

1. UBND cấp xã

Tổ chức thực hiện theo dõi tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi xảy ra trên địa bàn quản lý để chủ động trong việc tổng hợp báo cáo khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về sự chính xác của số liệu do mình cung cấp.

2. UBND cấp huyện: Đôn đốc UBND cấp xã việc theo dõi tình hình vi phạm pháp luật và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn quản lý.

3. Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam: Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình vi phạm pháp luật về thủy lợi đối với các công trình được giao chủ khai thác; chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã rà soát, phân loại, thống kê số liệu vi phạm pháp luật về thủy lợi để chủ động trong việc tổng hợp báo cáo khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

4. Chi cục Thủy lợi: Tổ chức thực hiện theo dõi tình hình vi phạm và phối hợp với Thanh tra Sở xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi thuộc phạm vi quản lý.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo dõi, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế này để hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2401/QĐ-UBND ngày 11/10/2024 về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


601

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.203.175
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!