QUY CHẾ
VỀ PHÂN CÔNG VÀ
PHỐI HỢP TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUỘC LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG, QUẢN
LÝ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG ĐÔ THỊ VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
THUẬN THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 126/2004/NĐ-CP NGÀY 26/5/2004 CỦA CHÍNH PHỦ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 240/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2006
của UBND tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này phân công và điều chỉnh các hoạt
động phối hợp của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy
ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và của Thanh tra chuyên ngành Xây dựng (sau
đây gọi tắt là Thanh tra sở Xây dựng) liên quan đến công tác kiểm tra xử lý vi
phạm hành chính thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng
đô thị và quản lý sử dụng nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo Nghị định số
126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ.
Điều 2. Việc tổ chức thực hiện công tác
kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình
hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận của các cấp
chính quyền và Thanh tra Xây dựng phải thực hiện theo các quy định tại Nghị
định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của chính phủ; Nghị định số 37/2005/NĐ-CP
ngày 18/3/2005 của Chính phủ và các quy định tại Quy chế này.
Chương II
PHÂN CÔNG KIỂM TRA XỬ LÝ VÀ PHỐI HỢP TRONG QUÁ TRÌNH
THỰC HIỆN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ, CẤP HUYỆN VÀ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH SỞ
XÂY DỰNG
Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và Thanh tra
viên chuyên ngành xây dựng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về quản lý hoạt
động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà phải
thực hiện theo đúng thẩm quyền được quy định tại các Điều 43, Điều 44, Điều 46
của Nghị định số 126/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ và sự phân cấp quản lý
về cấp phép xây dựng quy định tại Quyết định số 137/2006/QĐ-UBND ngày 13/6/2006
của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình về trình tự, thủ tục cấp giấy phép
xây dựng nhà ở, công trình trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; sự phân cấp về thẩm
quyền lập, thẩm định, phê duyệt quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh
theo Quyết định số 157/2006/QĐ-UBND ngày 23/6/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 4. Trách nhiệm phối hợp:
1. Trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp
xã:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm
phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện như sau:
a) Lập biên bản và đình chỉ ngay hành vi vi
phạm, đồng thời thông báo kịp thời và chuyển hồ sơ về Ủy ban nhân dân cấp huyện
hoặc Thanh tra Xây dựng để xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm không
thuộc thẩm quyền xử lý hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp mình, chậm nhất
trong thời gian 2 ngày sau khi biên bản được xác lập;
b) Cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân
dân cấp huyện và Thanh tra Xây dựng khi các đơn vị này tổ chức kiểm tra trên
địa bàn do mình quản lý theo lịch của các đơn vị thông báo;
c) Cử lực lượng hỗ trợ cùng với Ủy ban nhân dân
cấp huyện và Thanh tra Xây dựng khi các đơn vị này thực hiện việc tổ chức cưỡng
chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp tổ
chức, cá nhân vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt trên địa bàn do cấp
mình quản lý.
2. Trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp
huyện:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách
nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện như sau:
a) Lập biên bản và đình chỉ ngay hành vi vi
phạm, đồng thời thông báo kịp thời và chuyển hồ sơ về Thanh tra Xây dựng hoặc
Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm không
thuộc thẩm quyền xử lý hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp mình, chậm nhất
trong thời gian 2 ngày sau khi biên bản được xác lập;
b) Cử lực lượng hỗ trợ cùng với Ủy ban nhân dân
cấp xã và Thanh tra Xây dựng khi các đơn vị này thực hiện việc tổ chức cưỡng
chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp tổ
chức, cá nhân vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt.
3. Trách nhiệm phối hợp của Thanh tra Sở Xây
dựng:
Chánh Thanh tra Xây dựng chịu trách nhiệm phối
hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện như sau:
a) Lập biên bản và đình chỉ ngay hành vi vi
phạm, đồng thời thông báo kịp thời và chuyển hồ sơ về Ủy ban nhân dân cấp huyện
hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm
không thuộc thẩm quyền xử lý hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp mình,
chậm nhất trong thời gian 2 ngày sau khi biên bản được xác lập;
b) Cử cán bộ tham gia cùng với Ủy ban nhân dân
cấp huyện khi đơn vị này thực hiện việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm
không chấp hành quyết định xử phạt.
Điều 5. Chế độ báo cáo:
1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:
Thực hiện báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng,
năm) bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện về kết quả thực hiện công tác
xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng
đô thị và quản lý sử dụng nhà thuộc địa bàn do mình quản lý.
2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thanh
tra Xây dựng:
Thực hiện báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, năm)
đối với công tác xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng,
quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà theo quy định tại
Thông tư số 01/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Sở Xây dựng và các đơn vị có liên
quan.
Thực hiện việc sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên
đề trong phạm vi do địa phương, đơn vị mình quản lý theo yêu cầu của Ủy ban
nhân dân tỉnh và các ngành chức năng.
3. Đối với Sở Xây dựng:
Chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện trên
địa bàn toàn tỉnh theo định kỳ (6 tháng, năm) báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ
Xây dựng và các cơ quan có liên quan.
Thực hiện việc sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên
đề trong phạm toàn tỉnh theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc
phân công, phân cấp quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
2. Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng thực hiện đúng
chức năng, nhiệm vụ và sự phân công, phối hợp tại quy chế này trong xử lý vi
phạm hành chính về hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và
quản lý sử dụng nhà.
3. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho
lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã và Thanh tra Xây dựng để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật và quy
chế này.
4. Chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc
thi hành quy chế này.
Điều 7. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân
cấp xã và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
1. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Cử cán bộ có phẩm chất, năng lực để thực hiện
công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại quy chế này;
b) Phối hợp với các lực lượng chuyên môn của Uỷ
ban nhân dân cấp huyện và Thanh tra Xây dựng trong quá trình các đơn vị này
thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn do mình quản lý.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng
trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời bố trí đủ lực lượng và trang,
thiết bị cần thiết đáp ứng cho quá trình thực hiện quản lý trật tự xây dựng,
quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà theo quy định tại quy
chế này;
b) Tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính
trên địa bàn do mình quản lý, đồng thời thực hiện phối hợp với các cấp các
ngành có liên quan theo quy định tại quy chế này.
Điều 8. Trách nhiệm của một số cơ quan
khác có liên quan
1. Kho bạc Nhà nước tỉnh và các huyện, thị xã
thực hiện việc thu phạt xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
2. Các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh có trách
nhiệm hỗ trợ Uỷ ban nhân dân các cấp và Thanh tra Xây dựng trong việc khấu trừ
tiền gửi từ tài khoản của các tổ chức, cá nhân để thực hiện cưỡng chế thi hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính nếu tổ chức, cá nhân bị xử phạt không tự nguyện
chấp hành quyết định.
3. Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thực
hiện việc định giá tài sản bị kê biên để bán đấu giá thực hiện quyết định xử
phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Lực lượng Cảnh sát nhân dân các cấp có trách nhiệm
tham gia bảo đảm trật tự, an toàn cho chính quyền các cấp và Thanh tra Xây dựng
trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ bộ phận công trình,
công trình xây dựng vi phạm.
Điều 9. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Xây
dựng căn cứ phân công và trách nhiệm phối hợp được giao tại Quy chế này triển
khai tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để
xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý công
trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà trên địa bàn đã được phân công,
phân cấp quản lý.
Trong quá trình thực hiện phải kịp thời bổ sung
những quy định về phân cấp quản lý có liên quan đến hoạt động xây dựng, quản lý
các công trình hạ tầng đô thị, quản lý sử dụng nhà do các cấp, các ngành ban
hành để điều chỉnh và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Mọi vướng mắc, khó khăn phải kịp thời phản ánh
về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết hoặc xin ý
kiến của Bộ Xây dựng.
Điều 10. Việc khiếu nại, tố cáo và giải
quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu
nại, tố cáo.
Công tác khen thưởng, xử lý vi phạm thực hiện
theo quy định hiện hành của pháp luật./.