ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2025/QĐ-UBND
|
Hải Phòng, ngày
17 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử
lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng
3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng
02 năm 2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng
12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng
4 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng
4 năm 2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 238/TTr-SNN ngày 18 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành
phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 02 năm 2025.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủy Nguyên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (B/c);
- Bộ Tư Pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- TTTU, TT HĐND thành phố (B/c);
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Đoàn ĐBQHTP Hải Phòng;
- UB MTTQ Việt Nam thành phố;
- Công báo Hải Phòng;
- Báo Hải Phòng;
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng;
- CVP, các PCVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu: VT, NNTNMT. TL.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tùng
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ VI
PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Kèm theo Quyết định số 02/2025/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2025 của Ủy ban
nhân dân thành phố Hải Phòng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung
phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành thành phố, các tổ
chức, cá nhân có liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy
sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, người
có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ các quy định pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
2. Bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy
sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng được thông suốt, kịp thời, chặt chẽ, đúng
quy định pháp luật.
3. Chủ động, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin,
kịp thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các bên liên quan hoàn thành tốt
nhiệm vụ được giao và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến công tác nghiệp vụ của
mỗi bên.
Điều 4. Chuyển thông tin, tiếp nhận, xác minh
thông tin, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành
chính về khai thác thủy sản
1. Chuyển thông tin, tiếp nhận, xác minh thông tin,
kiểm tra, kiểm soát, áp dụng biện pháp ngăn chặn
a) Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện có trách
nhiệm: thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm hành chính về
khai thác thủy sản, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành
chính theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở) và các cơ quan có liên quan rà soát,
xác minh hành vi vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.
b) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng (Đồn Biên
phòng, Trạm Kiểm soát Biên phòng) có trách nhiệm: kiểm soát tất cả tàu cá tại các
cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nơi tàu cá neo đậu trên địa bàn
quản lý kịp thời phát hiện hành vi vi phạm; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
xã, cơ quan có liên quan để áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chi cục Thủy sản có trách nhiệm: chủ trì thực hiện kiểm
tra, kiểm soát kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm thông qua Hệ thống giám
sát hành trình tàu cá quốc gia (VMS). Tiếp nhận thông tin từ Cục Thủy sản đối
với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên và tiếp nhận thông tin từ đơn
vị cung cấp dịch vụ, thiết bị giám sát tàu cá, các tổ chức, cá nhân; thông báo
thông tin tàu cá vi phạm đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Phối hợp với Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng, Công
an xã, tổ chức quản lý cảng cá kiểm tra, xác minh thông tin về hành vi vi phạm
hành chính.
Thanh tra Sở thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp
thời phát hiện các hành vi vi phạm hành chính về khai thác thủy sản; tiếp nhận
hồ sơ vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền do các phòng, đơn vị trực thuộc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đến, xử lý theo quy định.
2. Xử lý vi phạm hành chính về khai thác thủy sản thực
hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn
thi hành luật.
Điều 5. Tiếp nhận thông tin, kiểm tra, phát
hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về nuôi trồng thủy
sản
1. Tiếp nhận thông tin, kiểm tra, phát hiện, áp
dụng biện pháp ngăn chặn
Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện chủ trì hoặc phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan: tiếp nhận thông tin, kiểm tra, kịp thời phát
hiện hành vi vi phạm hành chính về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, áp dụng
biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp
luật.
2. Xử lý vi phạm hành chính về nuôi trồng thủy sản thực
hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn
thi hành luật.
Điều 6. Trách nhiệm phối hợp
xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Chủ trì xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ
vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
theo quy định của pháp luật.
c) Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải chuyển biên bản
và các tài liệu khác có liên quan của vụ việc đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện theo quy định; trường hợp thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành
phố thực hiện theo điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế phối hợp thực hiện quản lý
nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa
bàn thành phố Hải Phòng (kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 15/02/2023
của Ủy ban nhân dân thành phố).
d) Đôn đốc, giám sát đối tượng bị xử phạt chấp hành
quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chủ trì xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;
kiểm tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành chính đảm bảo thời hạn theo
quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền thì thực hiện theo quy định tại Điều 12
Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng (kèm theo Quyết
định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 15/02/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố).
b) Tiếp nhận, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật; đôn đốc, giám sát đối tượng bị xử phạt
chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chỉ đạo Chi cục Thủy sản chủ trì, xác minh,
thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính chuyển người có thẩm quyền xử phạt;
cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về hành vi vi phạm khi được các đơn
vị, địa phương chủ trì giải quyết vụ việc đề nghị.
b) Chỉ đạo Thanh tra Sở chủ trì xử phạt vi phạm
hành chính thuộc thẩm quyền; Tiếp nhận thông tin vi phạm, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền.
c) Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử phạt theo quy định.
d) Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật; tham mưu, đôn đốc các cơ quan chức năng
xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; giám sát
đối tượng bị xử phạt chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
a) Chỉ đạo Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm soát Biên
phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập hồ sơ xử phạt vi phạm
hành chính thuộc thẩm quyền; báo cáo Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng thành
phố xử phạt hoặc chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đến Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố xem xét, xử phạt theo quy định tại Quyết định số
07/2023/QĐ-UBND ngày 15/02/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy
chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
b) Tiếp nhận, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật; đôn đốc, giám sát đối tượng bị xử phạt
chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Điều 7. Xử lý vi phạm hành chính theo lĩnh vực
chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thủy sản
1. Các Sở: Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao
thông vận tải, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị trực
thuộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, ngăn chặn, xử lý
hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý.
2. Cảnh sát biển Việt Nam khi thi hành nhiệm vụ
trên biển kịp thời kiểm tra, phát hiện xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi
phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính.
3. Hải quan, Quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm
quyền khác xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về chuyên
ngành và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
4. Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức
năng kiểm tra, phát hiện, xử lý; phối hợp các đơn vị liên quan khác kiểm tra,
xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản.
Điều 8. Chỉ đạo, xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
1. Đối với hồ sơ vi phạm hành chính thuộc thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố: thủ
trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện theo
quy định tại Điều 12 Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hài Phòng
(kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 15/02/2023 của Ủy ban nhân dân
thành phố).
2. Giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố xem xét xử lý
trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm liên quan
đến trách nhiệm quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ theo phân cấp về quản lý
cán bộ, công chức, viên chức của thành phố khi có kết luận chính thức về hành
vi vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn
thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao có trách nhiệm thực
hiện Quy chế này theo đúng quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu phát sinh khó
khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp./.