Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 44/2002/PL-UBTVQH10

Số hiệu: 44/2002/PL-UBTVQH10 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 02/07/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 44/2002/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2002

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 44/2002/PL-UBTVQH10 NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Để đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;
Pháp lệnh này quy định về xử lý vi phạm hành chính.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Xử lý vi phạm hành chính

1. Xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác.

2. Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

3. Các biện pháp xử lý hành chính khác được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.

Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Cá nhân chỉ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nếu thuộc một trong các đối tượng được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.

3. Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

5. Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

6. Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính

1. Cơ quan, tổ chức và mọi công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên thuộc cơ quan, tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, các quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong cơ quan, tổ chức mình.

2. Khi phát hiện có vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xử lý vi phạm đó theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính.

3. Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm hành chính và hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

4. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Giám sát, kiểm tra trong xử lý vi phạm hành chính

1. Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính.

2. Thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với các công dân khác; trong trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số giấy phép hoạt động vì mục đích quốc phòng, an ninh thì người xử phạt không trực tiếp xử lý mà đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an có thẩm quyền xử lý theo Điều lệnh kỷ luật;

b) Tổ chức bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý của người đó theo quy định của pháp luật;

c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

2. Đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác là những người được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.

Các biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại Pháp lệnh này không áp dụng đối với người nước ngoài.

Điều 7. Xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính

1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo.

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này. Khi phạt tiền đối với họ thì mức tiền phạt không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên; trong trường hợp họ không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay.

2. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh này thì bị xử lý theo quy định tại các điều khoản đó.

3. Người chưa thành niên vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tình tiết giảm nhẹ

1. Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:

a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi;

c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;

d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

đ) Người vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

e) Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

g) Vi phạm do trình độ lạc hậu.

2. Ngoài những tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ có thể quy định những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trong các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 9. Tình tiết tăng nặng

Chỉ những tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng:

1. Vi phạm có tổ chức;

2. Vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực hoặc tái phạm trong cùng lĩnh vực;

3. Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm;

4. Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;

6. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;

7. Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;

8. Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

9. Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.

Điều 10. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, xây dựng, môi trường, an toàn và kiểm soát bức xạ, nhà ở, đất đai, đê điều, xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh hoặc vi phạm hành chính là hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả thì thời hiệu là hai năm; nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh này.

2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện vi phạm hành chính mới trong cùng lĩnh vực trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác được quy định tại các điều 23, 24, 25 và 26 của Pháp lệnh này.

Điều 11. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, nếu qua hai năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không thực hiện hành vi được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đó.

Chương 2:

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 12. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

d) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

đ) Các biện pháp khác do Chính phủ quy định.

4. Người nước ngoài vi phạm hành chính còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.

Điều 13. Cảnh cáo

Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.

Điều 14. Phạt tiền

1. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 5.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

2. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định như sau:

a) Phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: trật tự, an toàn xã hội; quản lý và bảo vệ các công trình giao thông; quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi; lao động; đo lường và chất lượng hàng hoá; kế toán; thống kê; tư pháp; bảo hiểm xã hội;

b) Phạt tiền tối đa đến 30.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; văn hoá - thông tin; du lịch; phòng, chống tệ nạn xã hội; đất đai; đê điều phòng chống lụt, bão; y tế; giá; điện lực; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; thú y; quản lý, bảo vệ rừng, lâm sản; quốc phòng; an ninh;

c) Phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: thương mại; hải quan; bảo vệ môi trường; an toàn và kiểm soát bức xạ; trật tự, an toàn giao thông đường sắt; xây dựng; bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện; chứng khoán; ngân hàng; chuyển giao công nghệ;

d) Phạt tiền tối đa đến 100.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: khoáng sản; sở hữu trí tuệ; hàng hải; hàng không dân dụng; thuế (trừ trường hợp các luật về thuế có quy định khác);

đ) Phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, thăm dò, khai thác nguồn lợi hải sản, dầu khí, các tài nguyên thiên nhiên khác.

3. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được quy định tại khoản 2 Điều này thì Chính phủ quy định mức phạt tiền, nhưng tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng.

Điều 15. Trục xuất

Trục xuất là buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính phủ quy định thủ tục trục xuất.

Điều 16. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Điều 17. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là việc sung vào quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

2. Không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.

Điều 18. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép

Cá nhân, tổ chức phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra hoặc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Điều 19. Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải đình chỉ ngay các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh và phải thực hiện các biện pháp để khắc phục; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Điều 20. Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện

Hàng hoá, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc hàng tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật thì bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí để thực hiện biện pháp này.

Điều 21. Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại

Vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại là tang vật vi phạm hành chính phải bị tiêu huỷ. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Chương 3:

CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH KHÁC

Điều 22. Các biện pháp xử lý hành chính khác

Các biện pháp xử lý hành chính khác bao gồm:

1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

2. Đưa vào trường giáo dưỡng;

3. Đưa vào cơ sở giáo dục;

4. Đưa vào cơ sở chữa bệnh;

5. Quản chế hành chính.

Điều 23. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) quyết định đối với những người được quy định tại khoản 2 Điều này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú.

Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ ba tháng đến sáu tháng.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự;

b) Người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng;

c) Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên, người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú nhất định;

d) Người trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh này.

3. Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là sáu tháng, kể từ khi thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a hoặc kể từ khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này; thời hiệu nói trên cũng được áp dụng đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này, kể từ khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh này.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tại cơ sở và gia đình quản lý, giáo dục các đối tượng này.

5. Bộ Công an thống nhất chỉ đạo việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 24. Đưa vào trường giáo dưỡng

1. Đưa vào trường giáo dưỡng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 Điều này để học văn hoá, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của trường.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là từ sáu tháng đến hai năm.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự;

b) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định;

c) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định.

3. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được quy định như sau:

a) Một năm kể từ khi thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Sáu tháng kể từ khi thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b hoặc kể từ khi thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Bộ Công an thành lập các trường giáo dưỡng theo khu vực; trong trường hợp địa phương có nhu cầu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) đề nghị Bộ Công an thành lập trường giáo dưỡng tại địa phương mình.

Bộ Công an thống nhất quản lý các trường giáo dưỡng, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức, quản lý các trường giáo dưỡng phù hợp với lứa tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 15 tuổi và từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Điều 25. Đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 Điều này để lao động, học văn hoá, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là từ sáu tháng đến hai năm.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài, vi phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định.

Không đưa vào cơ sở giáo dục người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi.

3. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là một năm, kể từ khi thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Bộ Công an thành lập các cơ sở giáo dục theo khu vực; trong trường hợp địa phương có nhu cầu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Bộ Công an thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương mình.

Bộ Công an thống nhất quản lý các cơ sở giáo dục, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức, quản lý các cơ sở giáo dục.

Điều 26. Đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Đưa vào cơ sở chữa bệnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 Điều này để lao động, học văn hoá, học nghề và chữa bệnh dưới sự quản lý của cơ sở chữa bệnh.

Cơ sở chữa bệnh phải tổ chức khu vực dành riêng cho người dưới 18 tuổi.

Cơ sở chữa bệnh phải thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện ma tuý là từ một năm đến hai năm, đối với người bán dâm là từ ba tháng đến mười tám tháng.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bao gồm:

a) Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định;

b) Người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định.

Không đưa vào cơ sở chữa bệnh người bán dâm dưới 16 tuổi hoặc trên 55 tuổi.

3. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là sáu tháng kể từ khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều này.

Nếu sau ba tháng kể từ khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm mà người vi phạm có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và quản lý cơ sở chữa bệnh theo địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam trong việc xây dựng chương trình học tập, lao động, chữa bệnh phù hợp với từng loại đối tượng trong các cơ sở chữa bệnh.

Điều 27. Quản chế hành chính

1. Quản chế hành chính do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị quản chế hành chính phải cư trú, làm ăn, sinh sống tại một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương.

Thời hạn quản chế hành chính là từ sáu tháng đến hai năm.

2. Không áp dụng quản chế hành chính đối với người dưới 18 tuổi.

3. Bộ Công an thống nhất chỉ đạo việc quản chế hành chính.

Chương 4:

THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 28. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 500.000 đồng;

3. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

4. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

5. Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

6. Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

7. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 29. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

4. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

5. áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này;

6. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

7. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Điều 30. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

4. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

5. áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này;

6. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

7. Quyết định áp dụng biện pháp quản chế hành chính.

Điều 31. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Công an nhân dân

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã được áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh này, trừ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Trưởng Công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

5. Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

6. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

8. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Điều 32. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng

1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 33. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát biển

1. Cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

6. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 34. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Hải quan

1. Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan), Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.

3. Cục trưởng Cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

4. Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực hải quan, thuế quy định tại các điểm c và d khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 35. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Kiểm lâm

1. Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.

3. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm lâm sản, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

4. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

5. Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, lâm sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 36. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Thuế

Trừ trường hợp luật có quy định khác về mức phạt, những người sau đây có quyền:

1. Nhân viên thuế vụ đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Trạm trưởng Trạm Thuế, Đội trưởng Đội Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

3. Chi cục trưởng Chi cục Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Cục trưởng Cục Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thuế quy định tại điểm d khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Điều 37. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường

1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30.000.000 đồng;

d) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

3. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

4. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thương mại quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

Điều 38. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền :

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

2. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

3. Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 39. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ thuỷ nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không

Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ thuỷ nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

4. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 40. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Toà án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự

1. Thẩm phán chủ toạ phiên toà có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

2. Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội thi hành án dân sự có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

4. Trưởng phòng thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng phòng thi hành án Quân khu và cấp tương đương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

Điều 41. Uỷ quyền xử lý vi phạm hành chính

Trong trường hợp những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định tại các điều 28, 29 và 30, các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 31, các khoản 2, 3 và 4 Điều 32, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 33, Điều 34, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 35, các khoản 2, 3 và 4 Điều 36, các khoản 2, 3 và 4 Điều 37, các khoản 2 và 3 Điều 38, Điều 39, các khoản 3 và 4 Điều 40 của Pháp lệnh này vắng mặt thì cấp phó được uỷ quyền có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 42. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ Điều 31 đến Điều 40 của Pháp lệnh này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.

Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại các điều từ Điều 28 đến Điều 40 của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Chương 5:

CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BẢO ĐẢM VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 43. Các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính

1. Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:

a) Tạm giữ người;

b) Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Khám người;

d) Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

đ) Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

e) Bảo lãnh hành chính;

g) Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

h) Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trong trường hợp bỏ trốn.

2. Khi áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các điều từ Điều 44 đến Điều 52 của Pháp lệnh này; nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh này.

Điều 44. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính.

2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ.

Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

4. Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 6 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.

5. Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

6. Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Điều 45. Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, Trưởng Công an phường;

b) Trưởng Công an cấp huyện;

c) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Công an cấp tỉnh;

d) Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu;

đ) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động;

e) Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan;

g) Đội trưởng Đội Quản lý thị trường;

h) Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;

i) Hải đội trưởng, Hải đoàn trưởng Cảnh sát biển;

k) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng.

2. Trong trường hợp những người quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt thì cấp phó được uỷ quyền có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 46. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.

Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này, Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở và Chánh Thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, nhân viên Hải quan, kiểm soát viên thị trường hoặc thanh tra viên chuyên ngành được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều này và được sự đồng ý bằng văn bản của người đó; trong trường hợp không được sự đồng ý của họ thì người đã ra quyết định tạm giữ phải huỷ ngay quyết định tạm giữ và trả lại vật, tiền, hàng hoá, phương tiện đã bị tạm giữ.

3. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

4. Đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý, các chất ma tuý và những vật thuộc chế độ quản lý đặc biệt khác, thì việc bảo quản được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với tang vật vi phạm hành chính là loại hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh này.

5. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người được quy định tại khoản 1 Điều này quyết định.

6. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.

Điều 47. Khám người theo thủ tục hành chính

1. Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này có quyền quyết định khám người theo thủ tục hành chính.

Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ, thì ngoài những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính và báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng của mình là một trong những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.

3. Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều này.

4. Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

5. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám một bản.

Điều 48. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính

1.Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

2. Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, nhân viên thuế vụ, kiểm soát viên thị trường, thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật trong phạm vi thẩm quyền của mình.

3. Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và một người chứng kiến; trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.

4. Mọi trường hợp khám phương tiện vận tải, đồ vật đều phải lập biên bản và phải giao cho chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải một bản.

Điều 49. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước khi tiến hành.

3. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến.

4. Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

5. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biên bản phải được giao cho người chủ nơi bị khám một bản.

Điều 50. Bảo lãnh hành chính

1. Bảo lãnh hành chính là việc giao cho gia đình, tổ chức xã hội nhận quản lý, giám sát người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trong thời gian cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp này nếu người đó có nơi cư trú nhất định.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú. Trong trường hợp đối tượng là người chưa thành niên thì trách nhiệm bảo lãnh hành chính được giao cho cha mẹ hoặc người giám hộ.

Gia đình, tổ chức xã hội, người được giao trách nhiệm bảo lãnh hành chính có trách nhiệm không để đối tượng tiếp tục vi phạm pháp luật và bảo đảm sự có mặt của đối tượng tại nơi cư trú khi được yêu cầu.

Việc bảo lãnh hành chính chấm dứt khi hết thời hạn bảo lãnh ghi trong quyết định giao bảo lãnh hoặc khi đối tượng được đưa đi chấp hành biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định cụ thể về bảo lãnh hành chính.

Điều 51. Quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

Việc quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất do Chính phủ quy định.

Điều 52. Truy tìm đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trong trường hợp bỏ trốn

1. Trong trường hợp người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh bỏ trốn trước khi được đưa vào trường hoặc cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi người đó cư trú ra quyết định truy tìm đối tượng.

Trong trường hợp người đang chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại trường hoặc cơ sở.

2. Đối với người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng quy định tại khoản 1 Điều này, nếu khi bị bắt lại mà người đó đã đủ 18 tuổi thì Trưởng Công an cấp huyện đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện huỷ quyết định đưa vào trường giáo dưỡng và lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục.

Chương 6:

THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT

Điều 53. Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính

Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm hành chính.

Điều 54. Thủ tục đơn giản

Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ.

Quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Quyết định này phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp nộp tiền phạt tại chỗ thì được nhận biên lai thu tiền phạt.

Điều 55. Lập biên bản về vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển thì người chỉ huy tàu bay, tàu biển có trách nhiệm lập biên bản để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt khi tàu bay, tàu biển về đến sân bay, bến cảng.

2. Trong biên bản về vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.

3. Biên bản phải được lập thành ít nhất hai bản; phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trong trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Biên bản lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm một bản; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt.

Điều 56. Quyết định xử phạt

1. Thời hạn ra quyết định xử phạt là mười ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Trong trường hợp xét cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá ba mươi ngày. Quá thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp xử phạt trục xuất; trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì vẫn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.

Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh này.

2. Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.

3. Trong quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung (nếu có), các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); thời hạn, nơi thi hành quyết định xử phạt và chữ ký của người ra quyết định xử phạt.

Trong quyết định xử phạt cũng phải ghi rõ cá nhân, tổ chức bị xử phạt nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.

5. Quyết định xử phạt được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

Điều 57. Thủ tục phạt tiền

1.Việc phạt tiền trên 100.000 đồng phải theo đúng quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Pháp lệnh này.

2. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

3. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

4. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền phải nộp tiền phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

5. Tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước.

6. Chính phủ quy định việc quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt.

Điều 58. Nơi nộp tiền phạt

1. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ và những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn, thì người thu tiền phạt tại chỗ có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được tại Kho bạc nhà nước trong thời hạn không quá bảy ngày, kể từ ngày thu tiền phạt; đối với các trường hợp khác thì thời hạn trên là không quá hai ngày. Trong trường hợp thu tiền phạt trên sông, trên biển, người thu tiền phạt phải nộp tại Kho bạc nhà nước trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày vào đến bờ.

Điều 59. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề

1. Khi tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền xử phạt thu giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề được ghi trong quyết định xử phạt và thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết.

2. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.

3. Khi phát hiện giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay, đồng thời báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết.

Điều 60. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến.

Trong trường hợp cần niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm thì phải tiến hành ngay trước mặt người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; nếu người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.

Điều 61. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì người quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện .

Nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì người quyết định tịch thu phải giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi có tang vật, phương tiện bị tịch thu. Nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10.000.000 đồng thì người quyết định tịch thu phải giao cho cơ quan tài chính cấp huyện tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, sau khi trừ các chi phí theo quy định của pháp luật, phải được nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng bị buộc tiêu huỷ thì người có thẩm quyền phải lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ. Tuỳ thuộc vào tính chất của tang vật, phương tiện, thành phần Hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được lập biên bản có chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý.

Đối với hàng hoá, vật phẩm, phương tiện bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc bị buộc tái xuất, thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn ghi trong quyết định xử phạt.

3. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trong trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ tang vật, phương tiện quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu; trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo được niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

6. Chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các khoản chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc không áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.

Điều 62. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.

2. Đối với trường hợp đã ra quyết định xử phạt, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định xử phạt, phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Điều 63. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính

Trong trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó lại có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ vụ vi phạm và đề nghị xử phạt hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 64. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

Điều 65. Hoãn chấp hành quyết định phạt tiền

1. Cá nhân bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định xử phạt trong trường hợp đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận.

2. Thời hạn hoãn chấp hành quyết định phạt tiền không quá ba tháng, kể từ khi có quyết định hoãn.

3. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định hoãn chấp hành quyết định phạt tiền đó.

4. Người được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 57 của Pháp lệnh này.

Điều 66. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp sau đây:

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện, buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

2. Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế.

3. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

4. Việc cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải được thông báo bằng văn bản trước khi thi hành cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

5. Các cơ quan chức năng của Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo sự phân công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

6. Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan khác của Nhà nước khi được các cơ quan đó yêu cầu.

7. Thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế do Chính phủ quy định.

Điều 67. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế

Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;

2. Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh;

3. Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát biển;

4. Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan;

5. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

6. Cục trưởng Cục Thuế;

7. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường;

8. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

9. Thẩm phán chủ toạ phiên toà, Trưởng phòng thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng phòng thi hành án Quân khu và cấp tương đương.

Điều 68. Chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở một địa phương nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa phương khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt, thì quyết định xử phạt được chuyển đến nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để chấp hành theo quy định của Chính phủ.

Điều 69. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt; quá thời hạn này mà quyết định đó không được thi hành thì không thi hành quyết định xử phạt nữa nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Chương 7:

THỦ TỤC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH KHÁC

Mục 1: THỦ TỤC GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 70. Quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tự mình hoặc theo đề nghị của một trong các cơ quan, tổ chức sau đây quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Trưởng Công an cấp xã;

b) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị dân cư ở cơ sở.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cũng có thể quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên cơ sở hồ sơ, biên bản về hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh cung cấp.

2. Trước khi quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp gồm Trưởng Công an cấp xã, đại diện Ban Tư pháp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở, gia đình của người được đề nghị giáo dục để xem xét việc áp dụng biện pháp này.

3. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp quy định tại khoản 2 Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tuỳ theo từng đối tượng mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định giao người được giáo dục cho cơ quan, tổ chức, gia đình quản lý, giáo dục.

4. Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người được giáo dục, gia đình người đó, Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 71. Nội dung quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được giáo dục; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng, thời hạn áp dụng, ngày thi hành quyết định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình được giao giáo dục, quản lý người được giáo dục; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Điều 72. Thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục phải tổ chức cuộc họp để thi hành quyết định đó đối với người được giáo dục. Tuỳ từng đối tượng được giáo dục mà cuộc họp có sự tham gia của đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, cơ quan Công an, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên ở cơ sở, nhà trường và gia đình người được giáo dục.
Sau cuộc họp, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục có trách nhiệm giúp đỡ, động viên người được giáo dục trong cuộc sống, giúp đỡ họ tìm kiếm việc làm hoặc đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện, tìm kiếm việc làm cho người được giáo dục.

Mỗi tháng một lần, cơ quan, tổ chức, gia đình được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc thi hành quyết định; nếu người được giáo dục có tiến bộ rõ rệt thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 73. Thời hiệu thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn hết thời hiệu thi hành sau sáu tháng, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn cố tình trốn tránh việc thi hành, thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.

Điều 74. Hết hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Khi người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành xong quyết định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận cho người đó.

Mục 2: THỦ TỤC ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

Điều 75. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng

1. Đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh này cần đưa vào trường giáo dưỡng thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, biện pháp giáo dục đã áp dụng, nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của nhà trường, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Ban Dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở, của cha mẹ hoặc người giám hộ.

2. Đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú nhất định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Trong trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng thì cơ quan Công an đang thụ lý phải xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, bản trích lục tiền án, tiền sự, biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có).

3. Cơ quan Công an có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu và lập hồ sơ.

4. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hoặc biên bản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao cho Trưởng Công an cùng cấp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra, thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ và gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng tư vấn.

Điều 76. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào trường giáo dưỡng

1. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào trường giáo dưỡng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập gồm Trưởng Công an, Trưởng phòng Tư pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em cấp huyện; Trưởng Công an là thường trực Hội đồng tư vấn.

2. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét hồ sơ và tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ.

Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, kết luận theo đa số. Các ý kiến khác nhau phải ghi vào biên bản cuộc họp kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Điều 77. Quyết định việc đưa vào trường giáo dưỡng

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào trường giáo dưỡng trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.

2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người được đưa vào trường giáo dưỡng, cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó, cơ quan Công an cấp huyện, Hội đồng nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Điều 78. Nội dung quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được đưa vào trường giáo dưỡng; hành vi vi phạm pháp luật của người đó và điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.

Điều 79. Thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với gia đình hoặc người giám hộ đưa người phải chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng.

2. Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng được tính từ ngày người phải chấp hành quyết định được đưa đi trường giáo dưỡng.

Điều 80. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

1. Người được đưa vào trường giáo dưỡng được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Gia đình đang có khó khăn đặc biệt có đơn đề nghị, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành; nếu trong thời gian được hoãn, người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công, thì có thể được miễn chấp hành quyết định.

2. Người được đưa vào trường giáo dưỡng được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Đang có thai có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao cho Trưởng Công an cùng cấp thẩm tra trước khi quyết định.

Điều 81. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng

1. Người được đưa vào trường giáo dưỡng đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

2. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời gian thi hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ sáu tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành tại cơ sở. Đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc phụ nữ có thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

3. Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quy định tại khoản 1và khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng. Quyết định này được gửi cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.

Điều 82. Thời hiệu thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hết thời hiệu thi hành sau một năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cố tình trốn tránh việc thi hành, thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.

Điều 83. Hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Khi người được đưa vào trường giáo dưỡng đã chấp hành xong quyết định thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng cấp giấy chứng nhận cho người đó và gửi bản sao giấy chứng nhận cho Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và cho gia đình người đó.

Mục 3: THỦ TỤC ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

Điều 84. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh này cần đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xem xét, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, các biện pháp giáo dục đã áp dụng, nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan.

2. Đối với người không có nơi cư trú nhất định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Trong trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, thì cơ quan Công an đang thụ lý phải xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, bản trích lục tiền án, tiền sự, biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có).

3. Cơ quan Công an có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ.

4. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng tư vấn. Trong trường hợp cơ quan Công an cấp tỉnh đã lập hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này thì báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng tư vấn.

Điều 85. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục

1. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập gồm Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh; Giám đốc Công an là thường trực Hội đồng tư vấn.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét hồ sơ và tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ.

Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, kết luận theo đa số. Các ý kiến khác nhau phải được ghi vào biên bản cuộc họp kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 86. Quyết định việc đưa vào cơ sở giáo dục

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở giáo dục trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.

2. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người bị đưa vào cơ sở giáo dục, cơ quan Công an cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Điều 87. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị đưa vào cơ sở giáo dục; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Điều 88. Thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở giáo dục.

2. Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tính từ ngày người bị áp dụng biện pháp này được đưa đi cơ sở giáo dục.

Điều 89. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Người bị đưa vào cơ sở giáo dục được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Đang có thai có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận;

c) Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Khi điều kiện hoãn chấp hành không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.

2. Người bị đưa vào cơ sở giáo dục được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội;

b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Giám đốc Công an cùng cấp thẩm tra các trường hợp cụ thể quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi ra quyết định.

Điều 90. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở giáo dục

1. Người bị đưa vào cơ sở giáo dục đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

2. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ ba tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành tại cơ sở. Đối với phụ nữ có thai thì được tạm đình chỉ thi hành quyết định cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Đối với người mắc bệnh hiểm nghèo thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

3. Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của Giám đốc cơ sở giáo dục. Quyết định này được gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 91. Thời hiệu thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hết thời hiệu thi hành sau một năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người bị đưa vào cơ sở giáo dục cố tình trốn tránh việc thi hành thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.

Điều 92. Hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

Khi người bị đưa vào cơ sở giáo dục đã chấp hành xong quyết định thì Giám đốc cơ sở giáo dục cấp giấy chứng nhận cho người đó và gửi bản sao giấy chứng nhận đến Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Mục 4: THỦ TỤC ĐƯA VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Điều 93. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh này cần áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xem xét, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, bệnh án (nếu có), tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó và các biện pháp giáo dục đã áp dụng, nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan.

2. Đối với người không có nơi cư trú nhất định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Trong trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ quan Công an đang thụ lý phải xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, bệnh án (nếu có), tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có).

3. Cơ quan Công an có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu và lập hồ sơ.

4. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hoặc biên bản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp thẩm tra hồ sơ , thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ và gửi hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng tư vấn.

Điều 94. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập gồm Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng Công an, Chủ tịch Hội phụ nữ cấp huyện. Trong trường hợp đối tượng được đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh là người chưa thành niên thì Hội đồng tư vấn phải có sự tham gia của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em cấp huyện. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là thường trực Hội đồng tư vấn.

2. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét hồ sơ và tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ.

Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, kết luận theo đa số. Các ý kiến khác nhau phải được ghi vào biên bản cuộc họp kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Điều 95. Quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.

2. Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh, gia đình người đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Hội đồng nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trong trường hợp đối tượng là người chưa thành niên thì quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh phải được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Điều 96. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh

Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người được đưa vào cơ sở chữa bệnh; hành vi vi phạm pháp luật của người đó và điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 97. Thi hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở chữa bệnh.

2. Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh được tính từ ngày người phải chấp hành quyết định được đưa đi cơ sở chữa bệnh.

Điều 98. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Đang có thai có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có đơn đề nghị được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Khi điều kiện hoãn chấp hành không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.

2. Người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trưởng Công an cấp huyện thẩm tra các trường hợp cụ thể quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi ra quyết định.

Điều 99. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở chữa bệnh

1. Người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

2. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở chữa bệnh bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ ba tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành tại cơ sở. Đối với phụ nữ có thai thì được tạm đình chỉ thi hành quyết định cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Đối với người mắc bệnh hiểm nghèo thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn việc chấp hành quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của Giám đốc cơ sở chữa bệnh.

Điều 100. Thời hiệu thi hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh

Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh hết thời hiệu thi hành sau một năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh cố tình trốn tránh việc thi hành, thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.

Điều 101. Hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh

Khi người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh đã chấp hành xong quyết định thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh cấp giấy chứng nhận cho người đó và gửi bản sao giấy chứng nhận cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và cho gia đình người đó.

Mục 5: THỦ TỤC ÁP DỤNG QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH

Điều 102. Lập hồ sơ đề nghị quản chế hành chính

1. Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này cần quản chế hành chính, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi người đó cư trú xem xét, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Hồ sơ gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, nhận xét của cơ quan Công an cấp huyện, ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

3. Cơ quan Công an cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ.

4. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao hồ sơ cho Giám đốc Công an cấp tỉnh. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ và gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng tư vấn.

Điều 103. Hội đồng tư vấn về việc quản chế hành chính

1. Hội đồng tư vấn về việc quản chế hành chính do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập gồm Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh; Giám đốc Công an là thường trực Hội đồng tư vấn.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét hồ sơ và tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ.

Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, kết luận theo đa số. Các ý kiến khác nhau phải được ghi vào biên bản cuộc họp kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 104. Quyết định quản chế hành chính

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc quản chế hành chính trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.

2. Quyết định quản chế hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người bị quản chế hành chính, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi lập hồ sơ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và nơi thi hành quyết định quản chế.

Điều 105. Nội dung quyết định quản chế hành chính

Quyết định quản chế hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị quản chế hành chính; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định quản chế hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 106. Thi hành quyết định quản chế hành chính

1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định quản chế hành chính.

2. Thời hạn chấp hành quyết định quản chế hành chính được tính từ ngày người bị áp dụng quản chế hành chính bắt đầu chấp hành quyết định. Trong thời gian chấp hành quyết định, người bị quản chế phải chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền cấp xã và nhân dân địa phương nơi chấp hành quyết định quản chế hành chính.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị quản chế chấp hành quyết định có trách nhiệm quản lý, giáo dục người bị quản chế; định kỳ ba tháng một lần báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 107. Giảm thời hạn quản chế hành chính

1. Người bị quản chế hành chính đã chấp hành được một nửa thời hạn quản chế, nếu có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công thì có thể được xét giảm thời hạn quản chế.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định quản chế hành chính xem xét, quyết định giảm thời hạn quản chế cho người bị quản chế trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi người đó đang chấp hành quyết định quản chế.

Điều 108. Thời hiệu thi hành quyết định quản chế hành chính

Quyết định quản chế hành chính hết thời hiệu thi hành sau một năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người bị quản chế hành chính cố tình trốn tránh việc thi hành, thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.

Điều 109. Hết hạn quản chế hành chính

Khi người bị quản chế hành chính đã chấp hành xong quyết định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thi hành quyết định quản chế cấp giấy chứng nhận cho người đó và gửi bản sao giấy chứng nhận đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã lập hồ sơ.

Mục 6: CÁC QUY ĐỊNH KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Điều 110. Tạm thời đưa người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh ra khỏi nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

1. Theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục, Giám đốc cơ sở chữa bệnh quyết định tạm thời đưa người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính ra khỏi nơi chấp hành các biện pháp đó để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó.

2. Thời gian tạm thời đưa ra khỏi nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp đó.

Điều 111. Chuyển hồ sơ của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi xem xét hồ sơ của đối tượng để quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, nếu xét thấy các hành vi vi phạm của người đó có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

2. Đối với trường hợp đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm của người bị áp dụng biện pháp này có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định phải chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Trong trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Hai ngày chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh được tính bằng một ngày chấp hành hình phạt tù.

Điều 112. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính khác

Trong trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định, thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, người đã ra quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản chế hành chính hoặc Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục, Giám đốc cơ sở chữa bệnh phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác; nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù thì người đó có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác.

Điều 113. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh

Trong trường hợp một người thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Cơ quan đã thụ lý hồ sơ có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ về người đó cho Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh để tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

GIÁM SÁT, KIỂM TRA VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 114. Giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội

Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Giám sát việc xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan báo cáo tình hình xử lý vi phạm hành chính;

2. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì yêu cầu người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và báo cáo về việc giải quyết đó; trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết thì kiến nghị với thủ trưởng cấp trên của người đó để yêu cầu giải quyết;

3. Trong khi tiến hành giám sát, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm và xem xét trách nhiệm của người vi phạm.

Điều 115. Giám sát của Hội đồng nhân dân

Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Giám sát việc xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương;

2. Định kỳ xem xét các báo cáo của Uỷ ban nhân dân cùng cấp về tình hình xử lý vi phạm hành chính tại địa phương;

3. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì yêu cầu người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và báo cáo về việc giải quyết đó;

4. Trong khi tiến hành giám sát việc xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm và xem xét trách nhiệm của người vi phạm.

Điều 116. Kiểm tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:

1. Thường xuyên kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình;

2. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách theo quy định của pháp luật;

3. Xử lý kỷ luật đối với người có sai phạm trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình;

4. Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình vi phạm hành chính trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 117. Kiểm tra của ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

1. Thường xuyên kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình;

2. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính tại địa phương theo quy định của pháp luật;

3. Xử lý kỷ luật đối với người có sai phạm trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình;

4. Định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình xử lý vi phạm hành chính ở địa phương.

Chương 9:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 118. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

2. Người bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về việc áp dụng biện pháp đó.

3. Mọi công dân có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính.

4. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 119. Khởi kiện hành chính

Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 120. Khen thưởng

Cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng.

Điều 121. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 122. Xử lý vi phạm đối với người bị xử lý vi phạm hành chính

Người bị xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 10:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 123. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2002.

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.

Những quy định về xử lý vi phạm hành chính trước đây trái với Pháp lệnh này đều bị bãi bỏ. Trong trường hợp luật có quy định khác thì áp dụng theo quy định của luật.

Điều 124. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 44/2002/PL-UBTVQH10

Hanoi, July 02, 2002

 

ORDINANCE

ON HANDLING OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS
(No. 44/2002/PL-UBTVQH10 of July 2, 2002)

In order to prevent and combat administrative violations, contributing to maintaining security, social order and safety, protecting the interests of the State as well as the legitimate rights and interests of individuals and organizations, enhancing the socialist legislation and raising the State management effectiveness;
Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001 of the Xth National Assembly, the 10th session;
Pursuant to the Resolution of the Xth National Assembly, 10th session, on the 2002 law- and ordinance-making program;
This Ordinance prescribes the handling of administrative violations.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Handling of administrative violations

1. Handling of administrative violations shall include the administrative sanctions and other administrative handling measures.

2. The administrative sanctions shall apply to individuals, agencies and organizations (hereinafter referred collectively to as individuals and organizations), that intentionally or unintentionally commit acts of violating law provisions on State management, which, however, do not constitute crimes and, as required by law, must be administratively sanctioned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Competence to prescribe acts of administrative violation and the regime of application of other administrative handling measures

The Government shall prescribe acts of administrative violation, sanctioning forms, consequence-overcoming measures applicable to each act of administrative violation in the field of State management; prescribe the regime of application of measure of education at communes, wards, district towns, sending to reformatories, education establishments or medical treatment establishments, and placing under administrative probation.

Article 3.- Principles for handling administrative violations

1. All administrative violations must be detected in time and stopped immediately. The handling of administrative violations must be effected swiftly, fairly and absolutely; all consequences caused by administrative violations must be overcome strictly according to law provisions.

2. Individuals and organizations shall be administratively sanctioned only when they commit administrative violations prescribed by law.

Individuals shall be subject to the application of other administrative handling measures only if they belong to one of the subjects prescribed in Articles 23, 24, 25, 26 and 27 of this Ordinance.

3. The handling of administrative violations must be effected by competent persons strictly according to law provisions.

4. An act of administrative violation shall be administratively sanctioned only once.

If many persons commit the same act of administrative violation, each of the violators shall be sanctioned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The handling of administrative violations must be based on the nature and seriousness of the violations, the personal identity of the violators and the extenuating as well as aggravating circumstances in order to decide on appropriate handling forms and measures.

6. Administrative violations committed in cases of emergency circumstances, legitimate self-defense, unexpected incident or in cases where the violators are suffering from mental diseases or other ailments, which deprive them of the capability to be aware of or control their acts.

Article 4.- Responsibilities to combat, prevent and oppose administrative violations

1. Agencies, organizations and all citizens must strictly abide by the law provisions on handling of administrative violations. Agencies and organizations are obliged to educate their members in the sense of defending and abiding by laws, the rules of social life, and take prompt measures to preclude causes and conditions for committing administrative violations in their agencies and organizations.

2. Upon detection of any administrative violations, the persons with competence to handle administrative violations shall have to handle such violations strictly according to the provisions of law.

It is strictly forbidden to abuse ones positions and/or powers to harass, tolerate, cover up and/or unseverely and unjustly handle administrative violations.

3. Citizens have the rights and obligations to detect, denounce all acts of administrative violations and acts of law offenses committed by persons competent to handle administrative violations.

4 The Vietnam Fatherland Front Committee and the Front’s member organizations shall, within the ambit of their respective functions, tasks and powers, have to supervise the law observance in handling administrative violations.

Article 5.- Supervision and inspection in handling of administrative violations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The heads of State bodies shall have to regularly inspect the handling of administrative violations by persons competent to handle administrative violations under their respective management, timely handle law offenses and settle complaints and denunciations in the handling of administrative violations according to law provisions.

Article 6.- Subjects handled for administrative violations

1. The subjects sanctioned for administrative violations include:

a) Persons aged between full 14 and under 16 shall be administratively sanctioned for intentional administrative violations; persons aged full 16 or older shall be administratively sanctioned for all administrative violation acts they have committed.

Active-service army men, reserve army men during the time of concentrated training and persons of the people’s police force, who commit administrative violations, shall be handled like other citizens; in cases where it is necessary to apply the sanctioning form of stripping off the right to use a number of operation permits for defense and security purposes, the sanctioning persons shall not directly handle but propose the competent agencies, army units or police units to handle according to discipline regulations;

b) Organizations shall be administratively sanctioned for all administrative violations they have committed. After serving the sanctioning decisions, the sanctioned organizations shall determine individuals who have committed the administrative violations in order to determine their legal liability according to law provisions;

c) Foreign individuals and organizations that commit administrative violations within the territory, the exclusive economic zone and/or continental shelf of the Socialist Republic of Vietnam shall be administratively sanctioned according to the provisions of Vietnamese laws, except otherwise provided for by international treaties which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to.

2. Subjects liable to the application of other administrative handling measures are persons defined in Articles 23, 24, 25, 26 and 27 of this Ordinance.

The other administrative handling measures prescribed in this Ordinance shall not apply to foreigners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Persons aged between full 14 and under 16 who commit administrative violations shall be sanctioned with warning.

Persons aged between full 16 and under 18 who commit administrative violations may be subject to the application of the administrative-violation sanctioning forms prescribed in Article 12 of this Ordinance. When imposing fines on them, the fine levels must not exceed half of the fine levels applicable to the majors; where they have no money to pay the fines, their parents or guardians shall have to pay instead.

2. Minors who commit acts of law offenses prescribed in Clause 2 of Article 23, Clause 2 of Article 24, Point b, Clause 2, Article 26 of this Ordinance shall be handled according to the regulations therein.

3. Minors who commit administrative violations thus causing damage shall have to pay the compensations therefor according to the provisions of law.

Article 8.- Extenuating circumstances

1. The following circumstances shall be the extenuating circumstances:

a) The violators have prevented or reduced harms done by the violations or volunteer to overcome the consequences, pay compensations;

b) The violators have voluntarily reported their violations, honestly repenting their mistakes;

c) The violators commit violations in the state of being spiritually incited by other persons illegal acts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e) The violators are pregnant women, old and weak persons, persons suffering from ailment or disability which restrict their capacity to perceive or to control their acts;

f) The violators commit violations due to particularly difficult plights brought upon them not by themselves;

g) The violations are committed due to backwardness.

2. Apart from the circumstances prescribed in Clause 1 of this Article, the Government may define others as the extenuating circumstances in documents prescribing the sanctioning of administrative violations.

Article 9.- Aggravating circumstances

Only the following circumstances are aggravating circumstances:

1. The violations are committed in an organized manner;

2. The violations are committed many times in the same domain or repeated in the same domains;

3. Inciting, dragging minors to commit violations, forcing materially or spiritually dependent persons to commit violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Abusing one’s positions and powers to commit violations;

6. Taking advantage of war, natural disaster circumstances or other special difficulties of the society to commit violations;

7. Committing violations while serving criminal sentences or decisions on handling of administrative violations;

8. Continuing to commit administrative violations though the competent persons have requested the termination of such acts;

9. After the violations, having committed acts of fleeing or concealing the administrative violations.

Article 10.- Statute of limitations for handling of administrative violations

1. The statute of limitations for sanctioning an administrative violation shall be one year as from the date such administrative violation is committed; for administrative violations in the fields of finance, securities, intellectual property, construction, environment, radiation safety and control, dwelling houses, land, dykes, publication, export, import, exit, entry or administrative violations being acts of smuggling, producing and/or trading in fake goods, the statute of limitations shall be two years; past the above-mentioned time limits, no sanction shall be imposed but other consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b, c, d and e of Clause 3, Article 12 of this Ordinance shall still apply.

If the persons with sanctioning competence are at fault in letting the statue of limitations for sanctioning administrative violations expire, they shall be handled according to the provisions in Article 121 of this Ordinance.

2. For individuals who were sued, prosecuted or got decisions to be brought to trial according to criminal procedures, but later got decisions to suspend investigation or suspend the cases where acts of violation show signs of administrative violations, they shall be administratively sanctioned; within three days as from the date of issuing the decisions to suspend the investigation, suspend the cases, the decision issuers must send the decisions to the persons with sanctioning competence; for this case, the statute of limitations for sanctioning administrative violations shall be three months as from the date the persons with sanctioning competence receive the suspension decisions and the dossiers on the violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The statute of limitations for application of other administrative handling measures are prescribed in Articles 23, 24, 25 and 26 of this Ordinance.

Article 11.- Time limits for being considered not yet administratively sanctioned

1. One year as from the date of completely serving the sanctioning decisions or the date of expiry of the statute of limitations for executing the sanctioning decisions, if the individuals and organizations sanctioned for administrative violations do not repeat their violations, they shall be considered not yet being administratively sanctioned.

2. Two years as from the date of completely serving the handling decisions or the date of expiry of the statute of limitations for executing the handling decisions, if the individuals subject to the application of other administrative handling measures do not commit acts prescribed in Articles 23, 24, 25, 26 and 27 of this Ordinance, they shall be considered not yet subject to the application of those measures.

Chapter II

FORMS OF SANCTIONING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AND MEASURES TO OVERCOME CONSEQUENCES

Article 12.- Forms of sanctioning administrative violations and measures to overcome consequences

1. For each act of administrative violation, the violating individuals or organizations must be subject to one of the following principal sanctioning forms:

a) Warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Depending on the nature and seriousness of their violations, individuals and/or organizations that commit administrative violations may also be subject to the application of one or both of the following additional sanctioning forms:

a) Stripping off the right to use permits, professional practice certificates;

b) Confiscating material evidences and/or means used to commit administrative violations.

3. Apart from the sanctioning forms prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, the violating individuals and organizations may also be subject to the application of one or many of the following consequence-overcoming measures:

a) Forcible restoration of the initial state altered due to the administrative violations or forcible dismantling of illegally constructed works;

b) Forcible application of measures to overcome the environmental pollution, epidemic spreads, caused by the administrative violations;

c) Forcible bringing out of the Vietnamese territory or forcible re-export of goods, articles and means;

d) Forcible destruction of articles which cause harms to human health, domestic animals and cultivated plants, and harmful cultural products;

e) Other measures prescribed by the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Warning

Warning shall be applied to individuals and organizations that commit minor administrative violations for the first time with extenuating circumstances or to acts of administrative violation committed by minors aged between full 14 and under 16. Warning shall be decided in writing.

Article 14.- Fines

1. The fine levels in sanctioning administrative violations range from VND 5,000 to VND 500,000,000.

2. Depending on the nature and seriousness of violations, the maximum fine levels in the field of State management are prescribed as follows:

a) A fine of up to VND 20,000,000 shall apply to acts of administrative violation in the fields of social order and safety; traffic works management and protection; irrigation works management and protection; labor; measurement and goods quality; accounting; statistics; justice; social insurance;

b) A fine of up to VND 30,000,000 shall apply to acts of administrative violation in the fields of land road and waterway traffic order and safety; culture and information; tourism; social 0evils prevention and combat; land; dykes and flood as well as storm prevention and fighting; health; pricing; electricity; plant protection and quarantine; aquatic resource protection; veterinary; forest and forest product management and protection; defense; security;

c) A fine of up to VND 70,000,000 shall apply to acts of administrative violation in the fields of trade; customs; environmental protection; radiation safety and control; railways traffic order and safety; construction; post, telecommunications and radio frequencies; securities; banking; technology transfer;

d) A fine of up to VND 100,000,000 shall apply to acts of administrative violation in the fields of minerals; intellectual property; maritime; civil aviation; taxation (except otherwise provided for by tax laws);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. For acts of administrative violation in the State management fields not yet prescribed in Clause 2 of this Article, the Government shall stipulate the fine levels which, however, shall not exceed VND 100,000,000.

Article 15.- Expulsion

Expulsion means compelling foreigners who have committed acts of violating Vietnamese law to leave the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

The Government shall prescribe the expulsion procedures.

Article 16.- Deprivation of the right to use licenses, professional practice certificates

The definite or indefinite deprivation of the right to use licenses or professional practice certificates shall apply to individuals and organizations that have seriously violated the provisions on the use of licenses and/or professional practice certificates. While being deprived of the right to use licenses and/or professional practice certificates, individuals and organizations must not carry out activities prescribed in the licenses or professional practice certificates.

Article 17.- Confiscation of material evidences and means used for commission of administrative violations

1. Confiscating material evidences and means used to commit administrative violations means the requisition of things, money, goods and/or means directly involved in the administrative violations into the State fund.

2. Not confiscating material evidences and/or means which have been appropriated or used illegally but returning them to their lawful owners, managers or users.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Individuals and organizations must restore the initial state altered due to their administrative violations or must dismantle works they have constructed illegally; if violating individuals and/or organizations fail to do so voluntarily, coercive measures shall be applied. The violating individuals and/or organizations shall bear all expenses for the application of coercive measures.

Article 19.- Forcible overcoming of environmental pollution or epidemic spread due to administrative violations

Individuals and organizations committing administrative violations must immediately stop their violation acts which cause environmental pollution or epidemic spread and have to apply remedial measures; if violating individuals and/or organizations fail to do so voluntarily, coercive measures shall be applied. They shall have to bear all expenses for the application of the coercive measures.

Article 20.- Forcible bringing out of Vietnamese territory or forcible re-export of goods, articles, means

Goods, articles and/or means which are introduced into Vietnamese territory or imported in contravention of law provisions or goods temporarily imported for re-export but not re-exported under the provisions of law shall be forcibly taken out of Vietnamese territory or re-exported. The violating individuals and organizations must bear all expenses for the application of these measures.

Article 21.- Forcible destruction of articles which cause harms to human health, domestic animals and cultivated plants, and harmful cultural products

Articles which cause harms to human health, domestic animals and cultivated plants, and harmful cultural products, which are material evidences of administrative violations must be destroyed. If violating individuals and/or organizations fail to do so voluntarily, coercive measures shall be applied. The violating individuals and/or organizations must bear all expenses for the application of coercive measures.

Chapter III

OTHER ADMINISTRATIVE HANDLING MEASURES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Other administrative handling measures include:

1. Education at communes, wards, district towns;

2. Sending to reformatories;

3. Sending to education establishments;

4. Sending to medical treatment establishments;

5. Administrative probation.

Article 23.- Education at communes, wards, district towns

1. The education at communes, wards or district towns shall be decided by presidents of the People’s Committees of communes, wards or district towns (hereinafter referred collectively to as the commune-level) and applicable to persons prescribed in Clause 2 of this Article in order to educate and manage them at their residence places.

The time limits for application of the measure of education at communes, wards or district towns shall range from three to six months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Persons aged between full 12 and under 16 who have intentionally committed acts with signs of serious crimes prescribed in the Penal Code;

b) Persons aged full 12 or older who have repeatedly committed acts of petty larceny, petty swindle, petty gambling, causing public disorder;

c) Drug addicts aged full 18 or older, regular prostitutes aged full 14 or older and having given residence places;

d) Women aged over 55 and men aged over 60, who have committed acts of law offense prescribed in Clause 2, Article 25 of this Ordinance.

3. The statute of limitations for application of measure of education at communes, wards or district towns shall be six months as from the time of committing violation acts prescribed at Point a or from the last time of committing the violation acts prescribed at Points b and c, Clause 2 of this Article; the above-said statute of limitations shall also apply to cases prescribed at Point d, Clause 2 of this Article, as from the last time of committing the violation acts prescribed in Clause 2, Article 25 of this Ordinance.

4. The commune-level People’s Committee presidents shall have to organize the implementation of measure of education at communes, wards or district towns; coordinate with concerned local agencies and organizations as well as families in managing and educating these subjects.

5. The Ministry of Public Security shall uniformly direct the application of measure of education at communes, wards and district towns.

Article 24.- Sending to reformatories

1. The sending of minors who have committed acts of law offense prescribed in Clause 2 of this Article to reformatories to have their general education, vocational education, job training, labor and activities under the management and education by the reformatories shall be decided by presidents of the People’s Committees of rural districts, urban districts, provincial capitals or towns (hereinafter referred collectively to as the district level).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Subjects to whom the measure of sending to reformatories shall apply include:

a) Persons aged between full 12 and under 14, who have committed acts with signs of very serious crimes or particularly serious crimes, as prescribed in the Penal Code;

b) Persons aged between full 12 and under 16, who have committed acts with signs of less serious crimes or serious crimes, as prescribed in the Penal Code, and had previously been subject to the application of measure of education at communes, wards or district towns or not yet been subject to the application of this measure but having no given residence places;

c) Persons aged between full 14 and under 18, who have repeatedly committed acts of petty theft, petty swindle, petty gambling, causing public disorder, and had previously been subject to the application of measure of education at communes, wards or district towns or not yet been subject to the application of this measure but have no given residence places.

3. The statute of limitations for application of measure of sending to reformatories are prescribed as follows:

a) One year as from the time of committing the violation acts prescribed at Point a, Clause 2 of this Article;

b) Six months as from the time of committing violation acts prescribed at Point b or from the last time of committing one of the violation acts prescribed at Point c, Clause 2 of this Article.

4. The Ministry of Public Security shall set up reformatories according to regions; in cases where localities have the demand, the presidents of the People’s Committees of provinces or centrally- run cities (hereinafter referred collectively to as the provincial level) shall propose the Ministry of Public Security to set up reformatories in their localities.

The Ministry of Public Security shall uniformly manage the reformatories and coordinate with the Ministry of Education and Training, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Vietnam Committee for Child Protection and Care and the concerned agencies and organizations in organizing and managing reformatories suitable to the age groups of between full 12 and under 15 and between full 15 and under 18.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The sending of persons who have committed acts of law offense prescribed in Clause 2 of this Article to education establishments to labor, have their general education, job training and activities under the management of the education establishments shall be decided by provincial-level People’s Committee presidents.

The time limits for application of measure of sending to education establishments shall range from six months to two years.

2. Subjects to whom the measure of sending to education establishments shall apply are persons who have committed acts of infringing upon the properties of domestic or foreign organizations, the properties, health, honor and/or dignity of citizens or foreigners, breaking social order and safety regularly but not to the extent of being examined for penal liability, and who have been subject to the application of measure of education at communes, wards or district towns or not yet subject to the application of this measure but have no given residence places.

Persons under 18, women of over 55 and men of over 60 years old shall not be sent to education establishments.

3. The statute of limitations for application of measure of sending to education establishments shall be one year as from the last time of committing one of the violation acts prescribed in Clause 2 of this Article.

4. The Ministry of Public Security shall set up education establishments according to regions; where localities have the demand, the provincial-level People’s Committee presidents shall propose the Ministry of Public Security to set up education establishments in their respective localities.

The Ministry of Public Security shall uniformly manage the education establishments and coordinate with the Ministry of Education and Training and the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in organizing and managing the education establishments.

Article 26.- Sending to medical treatment establishments

1. The sending of persons who have committed acts of law offense prescribed in Clause 2 of this Article to medical treatment establishments to labor, have their general education, job learning and medical treatment under the medical treatment establishments management shall be decided by the district-level People’s Committee presidents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The medical treatment establishments must apply measures to prevent and combat the spread of HIV/AIDS and other contagious diseases.

The time limits for application of measure of sending to medical treatment establishments shall range from one to two years for drug addicts, and from three months to eighteen months for prostitutes.

2. Subjects to whom the measure of sending to medical treatment establishments shall apply include:

a) Drug addicts aged full 18 or older who have already been subject to the application of measure of education at communes, wards or district towns, or have not yet been subject to the application of this measure but have no given residence places;

b) Regular prostitutes aged full 16 or older, who have been subject to the application of measure of education at communes, wards or district towns or have not yet been subject to the application of this measure but have no given residence places.

Prostitutes of under 16 or over 55 shall not be sent to medical treatment establishments.

3. The statute of limitations for the application of measure of sending to medical treatment establishments shall be six months as from the last time of committing violation acts prescribed at Points a and b of Clause 2 of this Article.

If within three months from the last time of committing violation acts the violators make marked progress in the observance of law, the measure of sending to medical treatment establishments shall not apply.

4. The provincial-level People’s Committee presidents shall set up and manage medical treatment establishments according to provinces and centrally-run cities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27.- Administrative probation

1. The administrative probation applicable to persons who have committed acts of law offense detrimental to the national security but not to the extent of being examined for penal liability shall be decided by the provincial-level People’s Committee presidents. Persons put under administrative probation must reside, work and earn their living in certain localities and be subject to the management and education by the local administration and people.

The administrative probation time limits shall range from six months to two years.

2. Administrative probation shall not apply to persons under 18.

3. The Ministry of Public Security shall uniformly direct the administrative probation.

Chapter IV

COMPETENCE TO HANDLE ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 28.- The commune-level People’s Committee presidents competence to handle administrative violations

The commune-level People’s Committee presidents shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Impose fines of up to VND 500,000;

3. Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of up to VND 500,000;

4. Compel the restoration of initial state altered due to administrative violations;

5. Compel the application of measure of overcoming the environmental pollution or epidemic spread, caused by the administrative violations;

6. Compel the destruction of articles which cause harms to human health, domestic animals and cultivated plants; and harmful cultural products;

7. Decide on the application of measure of education at communes, wards or district towns.

Article 29.- The district-level People’s Committee presidents competence to handle administrative violations

The district-level People’s Committee presidents shall have the right to:

1. Impose warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

4. Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

5. Apply consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance;

6. Decide to apply measure of sending to reformatories;

7. Decide to apply measure of sending to medical treatment establishments.

Article 30.- The provincial-level People’s Committee presidents competence to handle administrative violations

The provincial-level People’s Committee presidents shall have the right to:

1. Impose warning;

2. Impose fines of up to the maximum level for fields prescribed in Clauses 2 and 3 of Article 14 of this Ordinance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

5. Apply consequence-overcoming measures prescribed in Clause 3, Article 12 of this Ordinance;

6. Decide to apply measure of sending to education establishments;

7. Decide to apply administrative probation measure.

Article 31.- People’s Police’s competence to handle administrative violations

1. People’s Police officers being on official duty shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 100,000.

2. The station heads and team heads of the persons defined in Clause 1 of this Article shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 200,000.

3. The commune-level police chiefs may apply the administrative violation- handling measures prescribed in Article 28 of this Ordinance, except measure of education at communes, wards or district towns.

4. The district-level police chiefs shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 10,000,000;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d of Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

5. Heads of the Police Bureaus for Administrative Management of Social Order, heads of Traffic Police Bureaus, heads of the Fire-Fighting Police Bureaus, heads of the Economic Police Bureaus, heads of the Criminal Police Bureaus, heads of Police Bureaus for Prevention and Combat of Drug- Related Crimes, heads of the Exit and Entry Management Bureaus, heads of the Mobile Police units of the company or higher level operating independently, heads of the Police Stations at border gates or export-processing zones, shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 10,000,000;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

6. The directors of the provincial-level Police Departments shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 20,000,000;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. The director of the Police Department for Administrative Management of Social Order, the director of the Traffic Police Department, the director of the Fire-Fighting Police Department, the director of the Economic Police Department, the director of the Criminal Police Department, the director of Police Department for Prevention and Combat of Drug-Related Crimes, the director of the Exit and Entry Management Department, shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to the maximum levels in the fields under their respective management as prescribed at Points a, b, c and d of Clause 2 and Clause 3 of Article 14 of this Ordinance;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Point a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

8. The Minister of Public Security shall decide on the application of the sanctioning form of expulsion.

Article 32.- Border guards competence to handle administrative violations

1. Border guard combatants being on official duties have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 100,000.

2. The team leaders of the persons prescribed in Clause 1 of this Article have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 200,000.

3. Border post chiefs, border flotilla commanders and border sub-region commanders shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 10,000,000;

c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

d) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Impose warning;

b) Impose fines of up to the maximum level for the fields under their respective management, as prescribed at Points a, b, c and d of Clause 2 and Clause 3 of Article 14 of this Ordinance;

c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

d) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

Article 33.- Coast Guards competence to handle administrative violations

1. Policemen of the Coast Guard operation teams, being on official duties, shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 200,000.

2. Heads of the operation units of the Coast Guard shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 500,000.

3. Heads of the operation teams of the Coast Guard shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 2,000,000.

4. The Coast Guard flotilla captains shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 5,000,000;

c) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

5. The Coast Guard fleet commanders shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 10,000,000;

c) Confiscate material evidences and means used for administrative violations;

d) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

6. The Coast Guard region commanders shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 20,000,000;

c) Confiscate material evidences and means used for administrative violations;

d) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

7. The director of the Coast Guard Department shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to the maximum levels for the fields under his/her respective management, as prescribed at Clauses 2 and 3, Article 14 of this Ordinance;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

Article 34.- The Customs competence to handle administrative violations

1. The Operation Team leaders under the Customs Sub-Departments shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 500,000.

2. The Customs Sub-Department heads, leaders of the Inspection Teams of the provincial, inter-provincial, municipal Customs Departments (hereinafter referred collectively to as the Customs Departments), the Anti-Smuggling Inspection Team leaders and commanders of the Sea Control Flotillas under the Anti-Smuggle Investigation Department of the General Department of Customs shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 10,000,000;

c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with the value of up to VND 20,000,000.

3. The Customs Department directors shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 20,000,000;

c) Strip off the right to use licenses under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points c and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

4. The director of the Anti-Smuggling Investigation Department of the General Department of Customs shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to the maximum levels for customs and taxation fields, as prescribed at Points c and d, Clause 2, Article 14 of this Ordinance;

c) Strip off the right to use licenses under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points c and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

Article 35.- The Ranger s competence to handle administrative violations

1. Ranger officers being on official duties shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 100,000.

2. Ranger Station chiefs shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 2,000,000;

c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with the value of up to VND 10,000,000.

3. The heads of the Ranger units, the directors of the Forest Products Re-Inspection Sub-Departments and leaders of the Mobile Ranger teams shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 10,000,000;

c) Confiscate of material evidences and/or means used for administrative violations, with value of up to VND 20,000,000;

d) Compel the restoration of the initial state altered due to the administrative violations.

4. Directors of the Ranger Sub-Departments shall have the right to:

a) Impose warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

5. The director of the Ranger Department shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to the maximum levels in the field of forest and forest product management and protection prescribed at Point b, Clause 2, Article 14 of this Ordinance;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under his/her jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Except when the fine levels are otherwise prescribed by law, the following persons shall have the rights:

1. Tax officials performing public duties shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 100,000.

2. The Tax Station chiefs and the Tax Team leaders shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 2,000,000.

3. The Tax Sub-Department heads shall have the right to:

a) Impose warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations.

4. The Tax Department directors shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to the maximum levels for the taxation field prescribed at Point d, Clause 2, Article 14 of this Ordinance;

c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations.

Article 37.- The Market Management Forces competence to handle administrative violations

1. The market controllers being on official duties shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 200,000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 5,000,000;

c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with the value of up to VND 30,000,000;

d) Compel the destruction of articles causing harms to human health, domestic animals and cultivated plants, harmful cultural products.

3. The Market Management Sub-Department heads shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 20,000,000;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The director of the Market Management Department shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to the maximum levels in the trade field, prescribed at Point c, Clause 2, Article 14 of this Ordinance;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under his/her jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Compel the destruction of articles which cause harms to human health, domestic animals and cultivated plants, harmful cultural products.

Article 38.- Specialized Inspectorates competence to handle administrative violations

1. The specialized inspectors being on official duty shall have the right to:

a) Impose warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with the value of up to VND 2,000,000;

d) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

2. Specialized chief inspectors of the provincial-level Services shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 20,000,000;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

3. The specialized chief inspectors of the ministries, the ministerial-level agencies or the agencies attached to the Government shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to the maximum levels for the fields under their respective management, as prescribed at Points a, b, c and d, Clause 2 and Clause 3, Article 14 of this Ordinance;

c) Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;

e) Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

Article 39.- The competence of the directors of the Maritime Port Authorities, the directors of the Inland River Port Authorities, the directors of the Airport Authorities to handle administrative violations

The directors of the Maritime Port Authorities, the directors of the Inland River Port Authorities and the directors of the Airport Authorities shall have the right to:

1. Impose warning;

2. Impose fines of up to VND 10,000,000;

3. Strip off the right to use licenses, professional practice certificates under their jurisdiction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Apply the consequence-overcoming measures prescribed at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of this Ordinance.

Article 40.- The competence of the Peoples Courts and civil judgment-executing bodies to handle administrative violations

1. The judges chairing the court sessions shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 1,000,000.

2. The civil judgment executors being on official duty shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 200,000.

3. Civil judgment-executing team leaders shall have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Impose fines of up to VND 500,000.

4. The heads of the provincial-level civil judgment- executing bureaus and the heads of the judgment executing bureaus of the military zone or equivalent level shall have the right to:

a) Impose warning;

b) Impose fines of up to VND 1,000,000.

Article 41.- Authorization to handle administrative violations

In cases where the persons competent to handle administrative violations, defined in Articles 28, 29 and 30, Clauses 2, 3, 4, 5, 6 and 7 of Article 31, Clauses 2, 3 and 4 of Article 32, Clause 3, 4, 5, 6 and 7 of Article 33, Article 34, Clauses 2, 3, 4 and 5 of Article 35, Clauses 2, 3 and 4 of Article 36, Clause 2, 3 and 4 of Article 37, Clauses 2 and 3 of Article 38, Article 39, Clauses 3 and 4 of Article 40, of this Ordinance are absent, their authorized deputies shall have competence to handle administrative violations and be accountable for their decisions.

Article 42.- Principles for determining the competence to handle administrative violations

1. The presidents of the People Committees of all levels are competent to sanction administrative violations in the field of State management in their respective localities.

Persons competent to sanction administrative violations, defined in Articles 31 thru 40 of this Ordinance, shall be competent to sanction administrative violations in the fields and branches under their respective management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The sanctioning competence of the persons defined in Articles 28 thru 40 of this Ordinance is the competence applicable to an act of administrative violation. In case of fine, the sanctioning competence shall be determined on the basis of the maximum level of the fine table prescribed for each specific act of violation.

3. Where a person is sanctioned for many acts of administrative violation, the sanctioning competence shall be determined on the following principles:

a) If the sanctioning form and level prescribed for each act are under the competence of the sanctioning person, the sanctioning competence also belongs to such person;

b) If the sanctioning form and level prescribed for one of the acts are beyond the competence of the sanctioning person, he/she shall have to transfer the case of violation to the authority with sanctioning competence;

c) If acts fall within the sanctioning competence of many persons in different branches, the sanctioning competence shall belong to the Peoples Committee presidents with sanctioning competence in the localities where the violations are committed.

Chapter V

MEASURES TO PREVENT ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AND ENSURE THE HANDLING OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 43.- Measures to prevent administrative violations and ensure the handling of administrative violations

1. In cases where it is necessary to promptly prevent administrative violations or to ensure the handling of administrative violations, the competent persons may apply the following measures according to administrative procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Custody of material evidences and/or means of the administrative violations;

c) Body search;

d) Inspection of transport means and objects;

e) Search of places where material evidences and/or means of administrative violations are hidden;

f) Administrative bail;

g) Management of foreigners who have violated Vietnamese law while the expulsion procedures are carried out;

h) Hunt for subjects who have to serve decisions on sending to reformatories, education establishments or medical treatment establishments if they escape.

2. When applying the measures prescribed in Clause 1 of this Article, the competent persons must strictly abide by the provisions in Articles 44 thru 52 of this Ordinance; if committing violations, they shall be handled according to the provisions in Article 121 of this Ordinance.

Article 44.- Human custody according to administrative procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. All cases of human custody must be decided in writing and copies of the decisions must be handed over to the persons subject to custody.

3. The time limit for human custody according to administrative procedures must not exceed 12 hours as from the time of starting to keep the violators; in case of necessity, the custody time limit can be prolonged but must not exceed 24 hours.

For persons who violate border regulations or commit administrative violations in distant, secluded mountain or island areas, the custody time limit may be longer, but must not exceed 48 hours as from the date of starting to keep the violators.

4. At the request of the persons in custody, the persons who have issued the custody decisions must notify their families and organizations where they work or study thereof. In case of custody of minors, who have committed administrative violations, at night or for more than 6 hours, the persons who have issued the custody decisions must immediately notify their parents or guardians thereof.

5. It is strictly forbidden to keep persons who have committed administrative violations in criminal custody rooms or temporary detention rooms or in places unhygienic and unsafe for custody persons.

6. The Government shall promulgate Regulation on human custody according to administrative procedures.

Article 45.- Competence to keep persons in custody according to administrative procedures

1. The following persons are entitled to decide on human custody according to administrative procedures:

a) The commune/district town Peoples Committee presidents, the ward police chiefs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) The heads of the Police Bureaus for Administrative Management of Social Order, the heads of the Traffic Police Bureaus, the heads of the Economic Police Bureaus, the heads of the Criminal Police Bureaus, the heads of the Police Bureaus for Prevention and Combat of Drug-Related Crimes, the heads of the Exit and Entry Management Bureaus of the provincial-level Police Departments;

d) The heads of mobile police units of company or higher levels operating independently, the heads of the border-gate police stations;

e) The heads of the ranger units, the leaders of the mobile ranger teams;

f) The heads of the Customs Sub- Departments, the leaders of the Control Teams of the Customs Departments, the leaders of the Anti-Smuggling Inspection Teams and the leaders of the sea patrol flotillas under the Anti-Smuggling Investigation Department of the General Department of Customs;

g) The leaders of the Market Management teams;

h) The commanders of the border sub-regions, the commanders of the border fleets, commanders of the border flotillas, the heads of the border posts and the commanders of the border guard units stationing in border and island regions;

i) Commanders of the Coast Guard flotillas, fleets;

j) Airplane or ship captains when airplanes or ships leave airports or sea ports.

2. Where the persons defined in Clause 1 of this Article are absent, their authorized deputies are entitled to decide on human custody according to administrative procedures and must be accountable for their decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The custody of material evidences and/or means of administrative violations shall apply only to cases where it is necessary to verify circumstances which serve as bases for deciding to handle or immediately stop the administrative violations.

Persons defined in Article 45 of this Ordinance, the chief specialized inspectors of provincial-level Services and the chief specialized inspectors of the ministries, the ministerial-level agencies or the agencies attached to the Government are entitled to decide on the custody of material evidences and/or means of administrative violations.

2. In cases where there are grounds to believe that the material evidences and/or means of administrative violations may be dispersed or destroyed if they are not temporarily seized immediately, the immediate superiors of peoples police officers, border guards, ranger officers, customs officials, market controllers or specialized inspectors are entitled to decide on the custody of material evidences and/or means of administrative violations. Within 24 hours after the decisions are issued, the decision issuers must report to their superiors who are among those competent to temporarily seize the material evidences and/or means of administrative violations, defined in Clause 1 of this Article, and get their written consents; in cases of failure to get the written consents of such persons, the decision issuers must immediately disregard the custody decisions and return the temporarily seized things, money, goods and/or means.

3. Persons who make decisions on the custody of material evidences and/or means of administrative violations must make records on the custody, which must clearly state the name, quantity, category of the temporarily seized material evidences and/or means and be signed by the decision makers and the violators. They have the responsibility to preserve those material evidences and/or means; if the material evidences and/or means are lost, sold or damaged due to such persons faults, they shall have to pay the compensations therefor.

Where the material evidences and/or means need to be sealed, the sealing thereof must be conducted immediately in front of the violators; if the violators are absent, the sealing must be conducted in front of their families representatives, organizations representatives, the administrations representatives and the witnesses.

4. For Vietnamese currency, foreign currencies, gold, silver, precious stones, precious metals, narcotics and other objects subject to special management regimes, the preservation thereof shall comply with the provisions of law.

For material evidences being commodities and/or articles which are easy to decay, the persons issuing decisions on the custody thereof must handle them according to Clause 3, Article 61 of this Ordinance.

5. Within ten days as from the date of custody, the persons who have issued the custody decisions must handle the custody material evidences and/or means with measures inscribed in the handling decisions or return them to the concerned individuals and/or organizations if the sanctioning form of confiscating the custody material evidences and/or means is not applied. The time limit for custody of material evidences and/or means of administrative violations may be prolonged for complicated cases requiring verification, but shall not exceed sixty days as from the date of custody of material evidences and/or means. The prolongation of the time limit for temporary seizure of material evidences and/or means must be decided by persons defined in Clause 1 of this Article.

6. The custody of material evidences and/or means of administrative violations must be effected by written decisions which must be enclosed with records on the custody and handed over to the violators or representatives of the violating organizations, each with one copy thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The body search according to administrative procedures shall be conducted only when there are grounds to believe that such persons hide in their bodies the objects, documents and/or means of administrative violations.

2. The persons defined in Article 45 of this Ordinance are entitled to decide on body search according to administrative procedures.

In cases where there are grounds to believe that if the search is not conducted immediately, the objects, documents and/or means of administrative violations may be dispersed or destroyed, apart from the persons defined in Article 45 of this Ordinance, the peoples police officers, policemen of the Coast Guard operation teams, Border Guard combatants, ranger officers and market controllers being on official duty may conduct the body search according to administrative procedures and have to immediately report such in writing to their superiors being among persons defined in Article 45 of this Ordinance and have to bear responsibility before law for the body search.

3. The body search must be effected under written decisions, except for case of immediate search as provided for in Paragraph 2, Clause 2, this Article.

4. Before conducting the body search, the searchers must informed the to be-searched persons of the decisions thereon. Upon body search, men shall search men and women search women, and the search must be witnessed by persons of the same sex.

5. All cases of body search must be recorded in writing. The body search decisions and records must be handed over to the searched persons, one copy each.

Article 48.- Searching transport means and objects according to administrative procedures

1. The search of transport means and objects according to administrative procedures shall be carried out only when there are grounds to believe that hidden in those transport means and/or objects are material evidences of administrative violations.

2. Persons defined in Article 45 of this Ordinance, peoples police officers, members of the Coast Guard operation teams, Border Guard combatants, ranger officers, tax officials, market controllers and specialized inspectors, who are on official duty, may search transport means and/or objects within the ambit of their respective jurisdiction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. All cases of search of transport means and/or objects must be recorded in writing, and the copies of such records must be handed to the transport means and/or object owners or the transport means operators.

Article 49.- Search of places where material evidences and/or means of administrative violations are hidden

1. The search of places where material evidences and/or means of administrative violations shall be conducted only when there are grounds to believe that the material evidences and/or means of administrative violations are hidden in those places.

2. The persons defined in Article 45 of this Ordinance are entitled to decide the search of places where material evidences and/or means of administrative violations are hidden; where such places are dwelling places, the search decisions must be consented in writing by the district-level People’s Committee presidents before conducting the search.

3. The search of places where material evidences and/or means of administrative violations are hidden must be conducted in the presence of the owners of such places or members of their families and the witnesses. Where the place owners or members of their families are absent while the search cannot be postponed, there must be the representative of the local administration and two witnesses.

4. The search of places where material evidences and/or means of administrative violations are hidden must not be conducted at night, except for emergency cases, but the reasons therefor must be clearly stated in the records thereof.

5. All cases of search of places where material evidences and/or means of administrative violations are hidden must be effected under written decisions and must be recorded in writing. Such decisions and records must be handed to the place owners, one copy each.

Article 50.- Administrative bail

1. The administrative bail means the handing to families, social organizations for management and supervision of persons who have committed acts of law offenses and are subject to the application of measure of being sent to reformatories, education establishments or medical treatment establishments during the time the competent agencies are carrying out procedures to consider and decide the application of this measure, provided that such persons have got certain residence places.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The families, social organizations and persons assigned the administrative bail responsibility are obliged not to let the subjects relapse into law violations and ensure their presence at the residence places when requested.

The administrative bail shall terminate upon the expiry of the bail duration inscribed in the bail assignment decisions or upon the sending of subjects to places for the execution of the measures prescribed in Clause 1 of this Article.

3. The Government shall specify the administrative bail.

Article 51.- Management of foreigners who have violated Vietnamese laws during the time of carrying out the procedures for their expulsion

The management of foreigners who have violated Vietnamese laws while the expulsion procedures are being carried out shall be stipulated by the Government.

Article 52.- Hunt for subjects to be sent, under decisions, to reformatories, education establishments or medical treatment establishments in case of escape

1. Where the persons to be sent, under decisions, to reformatories, education establishments or medical treatment establishments escape before they are sent to such establishments, the district-level police offices of the localities where such persons reside shall issue decisions to hunt for them.

Where the persons who are serving decisions at reformatories, education establishments or medical treatment establishments escape, the directors of the reformatories or the directors of the education establishments or medical treatment establishments shall issue decisions to hunt for them. The police offices shall have to coordinate with the reformatories, education establishments or medical treatment establishments in hunting for the subjects in order to send them back to such establishments.

2. For persons to be sent, under decisions, to reformatories or serving such decisions at reformatories as prescribed in Clause 1 of this Article, if they turn full 18 when they are re-captured, the district-level police chiefs shall propose the district-level Peoples Committee presidents to cancel the decisions on sending them to reformatories and compile dossiers proposing to send them to education establishments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



PROCEDURES FOR SANCTIONING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AND EXECUTION OF SANCTIONING DECISIONS

Article 53.- Stopping acts of administrative violations

Upon detecting administrative violations, the persons with handling competence must order the immediate cessation of the acts of administrative violations.

Article 54.- Simple procedures

For warning or fine of between VND 5,000 and 100,000, the persons with sanctioning competence shall issue decisions to sanction such acts on the spot.

The sanctioning decisions must clearly state the dates of issuance; the full names and addresses of the violators or the violating organizations; acts of violation; places where the violations are committed; full name and positions of the decision issuers; clauses of legal documents to be applied. Such decisions must be handed to sanctioned individuals or organizations, one copy each. In case of fine, the decisions must clearly state the fine levels. Violating individuals and organizations may pay fines on spot to the persons with sanctioning competence; where fines are paid on spot, the fine receipts shall be issued.

Article 55.- Making records of administrative violations

1. Upon detecting administrative violations in their respective management domains, the persons with sanctioning competence on official duty must promptly make records thereon, except for cases of sanctioning according to simple procedures.

Administrative violations occurring on aircraft or ships, the aircraft or ship captains must make records thereon for sending to persons with sanctioning competence when the aircraft or ships return to the airports or sea ports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A record must be made in at least two copies; signed by the record maker and the violator or the representative of the violating organization; if there are witnesses, victims or representatives of the victim organizations, they must also sign the decision; where the record consists of many pages, the persons defined in this Clause must sign their names to each page of the record. If the violator, the representative of the violating organization, the witnesses, the victims or representatives of the victim organizations refuse to sign, the record maker shall have to clearly inscribe their reasons therefor in the record.

4. Records, when completely made, must be handed to violating individuals or organizations, one copy each; if the cases of violation are beyond the sanctioning competence of the record makers, they must send the records to the persons with sanctioning competence.

Article 56.- Sanctioning decisions

1. The time limit for making a sanctioning decision shall be ten days as from the date of making the record on the administrative violation; for cases of administrative violation involving many complicated circumstances, the time limit for issuing the sanctioning decision shall be thirty days. In case of deeming it necessary to have more time for verification, gathering of evidences, the competent persons must report such to their immediate superiors in writing for extension thereof; the extension must be made in writing, the extension duration shall not exceed thirty days. Past the above-mentioned time limits, the persons with sanctioning competence must not issue sanctioning decisions, except for case of sanctioning with expulsion; where the sanctioning decisions are not issued, the consequence-overcoming measures prescribed in Clause 3, Article 12 of this Ordinance and the confiscation of administrative-violation material evidences of types banned from circulation can also be applied.

If past the said time limits the persons with sanctioning competence are at fault in failing to issue sanctioning decisions, they shall be handled according to the provisions in Article 121 of this Ordinance.

2. When deciding to sanction one person who has committed many acts of administrative violation, the competent person shall issue only one sanctioning decision deciding on the sanctioning form and level for each violation act; if the sanctioning form of fine is applied, the fines shall be aggregated into an overall fine level.

3. The sanctioning decisions must clearly state the date of issuance; the full names and positions of the decision issuers; the full names, addresses and occupations of the violators or the names and addresses of the violating organizations; acts of administrative violation; circumstances related to the settlement of violation cases; articles and clauses of legal documents to be applied; the principal sanctioning forms, the additional sanctioning forms (if any), measures to overcome consequences (if any); the duration and places for execution of sanctioning decisions and the signatures of the sanctioning decisions issuers.

The sanctioning decisions must also clearly state the sanctioned individuals and/or organizations, that shall be forced to execute the sanctioning decisions if they fail to voluntarily execute them; the right to complain or initiate lawsuits against the decisions to sanction administrative violations shall comply with the provisions of law.

4. Sanctioning decisions shall take effect after their signing, except for cases where the decisions state other effective dates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 57.- Fining procedures

1. The sanctioning with fines of over VND 100,000 must strictly comply with the provisions in Articles 55 and 56 of this Ordinance.

2. When fining, the specific fine level for an act of administrative violation shall be the average of the fine bracket prescribed for such act; if the extenuating circumstances are involved, the fine levels can be reduced but not to below the minimum level of the fine bracket; if aggravating circumstances are involved, the fine level may be increased but not beyond the maximum level of the fine bracket.

3. Where the sanctioning form of fine is applied only to violating individuals or organizations, the persons with sanctioning competence may temporarily seize the permits for circulation of means or driving licenses or other necessary relevant papers until such individuals or organizations completely execute the sanctioning decisions. If the violating individuals or organizations do not have the above-mentioned papers, the persons with sanctioning competence may temporarily seize the material evidences and/or means of violations.

4. The fined individuals and organizations must pay fines and get the fine receipts.

5. The collected fines must be remitted into the State budget via accounts opened at State treasuries.

6. The Government shall prescribe the management of fine receipts and fine money.

Article 58.- Places for payment of fines

1. Within ten days after being given the sanctioning decisions, the sanctioned individuals and organizations must pay fines at the State treasuries inscribed in the sanctioning decisions, except for cases where fines are paid on the spot and the cases prescribed in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In remote, far-flung regions or areas where traffic meets with difficulties, the persons who collect fines on the spot shall have to remit fines into the State treasuries within seven days as from the date the fines are collected; for other cases, the above-said time limit shall not exceed two days. Where fines are collected on rivers, sea, the fine collectors must remit them into the State treasuries within two days as from the date they come ashore.

Article 59.- Procedures for stripping off the right to use licenses, professional practice certificates

1. When stripping off the right to use licenses and/or professional practice certificates, the persons with sanctioning competence shall seize the licenses and/or professional practice certificates, inscribe such in the sanctioning decisions and notify the agencies which have issued those licenses and/or professional practice certificates thereof.

2. Upon the expiry of the time limit for deprivation of the right to use licenses and/or professional practice certificates, inscribed in the sanctioning decisions, the persons with sanctioning competence shall return such licenses and/or professional practice certificates to the individuals and/or organizations whose right to use licenses and/or professional certificates was stripped off.

3. Upon detecting that the licenses and/or professional practice certificates have been granted ultra vires or contain illegal contents, the persons with sanctioning competence shall have to withdraw them immediately and at the same time report such to the competent State bodies.

Article 60.- Procedures for confiscation of material evidences and/or means of administrative violations

When confiscating material evidences and/or means of administrative violations inscribed in the sanctioning decisions, the persons with sanctioning competence must make the records thereof. The records must clearly state the names, quantity, category and registration numbers (if any), conditions and quality of the confiscated things, money, goods and means and must be signed by the confiscators, the sanctioned persons or the representatives of the sanctioned organizations and the witnesses.

Where it is necessary to seal the material evidences and/or means, the sealing must be carried out in front of the sanctioned persons or the representatives of the sanctioned organizations and the witnesses; if the sanctioned persons or the representatives of the sanctioned organizations are absent, there must be two witnesses.

Article 61.- Handling material evidences and means of administrative violations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the material evidences and/or means of a case of administrative violation are valued at VND 10,000,000 or more, the persons who decide to confiscate them must hand them over to the provincial-level auction service centers of the localities where the material evidences and/means are confiscated. If the material evidences and/or means of a case of administrative violation value under VND10,000,000, the person who decides the confiscation must hand them over to the district-level finance agency for organization of auction. The auction of material evidences and/or means of administrative violations must be carried out according to law provisions on auction.

The proceeds from the auction of material evidences and/or means of administrative violations, after subtracting expenses according to law provisions, must be remitted into the State budget via accounts opened at the State treasuries.

2. For material evidences and/or means of administrative violations being harmful cultural products, fake goods having no use value, articles causing harms to human health, domestic animals or plants, which must be destroyed, the competent persons must set up the handling council for destruction. Depending on the nature of the material evidences and means, the handling council shall be composed of representatives of concerned State bodies. The destruction of material evidences and means of administrative violations must be recorded in writing with the signatures of members of the handling council.

For goods, articles and means forced to be brought out of Vietnamese territory or forced to be re-exported, the violating individuals and/or organizations must take them out of the Vietnamese territory within the time limits prescribed in the sanctioning decisions.

3. For material evidences of administrative violations being goods and articles, which are easy to decay, the persons competent to confiscate them must make records thereon and organize the immediate sale thereof. The proceeds therefrom must be deposited into the temporary custody accounts opened at the State treasuries. If later by decisions of the competent persons, such material evidences are confiscated, the proceeds must be remitted into the State budget; in cases where such materials evidences are not confiscated, the proceeds therefrom must be returned to the lawful owners, managers or users thereof.

4. For material evidences and means of administrative violations, except for material evidences and means prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article, of which the lawful owners, managers or users are unidentified or these people do not come to receive them, the persons competent to confiscate them must announce such on the mass media and post up notices at the offices of the persons competent to confiscate them; within thirty day as from the date of public notice, if the lawful owners, managers or users cannot be identified or these persons do not come to receive them, the competent persons must issue decisions to confiscate the material evidences and means of violations for handling according to the provisions in Clause 1 of this Article.

5. For material evidences and means illegally appropriated and used for administrative violations, they must be returned to their lawful owners, managers or users.

6. Expenses for warehousing, yard-storage and preservation of material evidences and means of administrative violations and other expenses compliable with law provisions shall be subtracted from the proceeds from the sale of material evidences and/or means of administrative violations.

The charges for warehousing, yard-storing and preservation of material evidences and means shall not be collected if the material-evidences and/or means owners are not at fault in the administrative violations or the measure of confiscation is not applied to the material evidences and/or means.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When considering violation cases in order to decide on the sanction, if deeming that the violation acts show criminal signs, the competent persons must immediately transfer the dossiers thereon to competent criminal proceedings agencies.

It is strictly forbidden to retain violation cases with criminal signs for administrative sanction.

2. For cases where the sanctioning decisions have already been issued but later the violation acts are detected as showing criminal signs while the statute of limitations for penal liability examination has not yet expired, the persons who have issued the sanctioning decisions shall have to disregard such decisions and within three days as from the date of disregarding the sanctioning decisions have to transfer the dossiers of the violation cases to the competent criminal proceedings agencies.

Article 63.- Transferring dossiers of violation cases for administrative sanctions

In cases where individuals are sued, prosecuted or got decisions to be brought to trial according to criminal proceedings, but later got other decisions to suspend the investigation or suspend the cases, if the violation acts show signs of administrative violations, within three days as from the date of issuing decisions to suspend the investigation or suspend the cases, the agencies conducting the criminal proceedings must transfer the decisions on suspension of investigation or cases together with the dossiers of the violation cases and propose the administrative sanctions to the persons competent to sanction administrative violations.

Article 64.- Executing decisions to sanction administrative violations

1. Individuals and organizations sanctioned for administrative violations must execute the sanctioning decisions within ten days as from the date they are given the sanctioning decisions, except otherwise provided for by law.

2. If past the time limit prescribed in Clause 1 of this Article the individuals and/or organizations sanctioned for administrative violations still fail to voluntarily execute the sanctioning decisions, they shall be coerced to do so.

Article 65.- Postponing the execution of fining decisions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The time limit for postponing the execution of the fining decisions shall not exceed three months as from the date the postponement decisions are issued.

3. The persons who have issued fining decisions shall be entitled to decide on the postponement of the execution of those fining decisions.

4. The persons entitled to postpone the execution of the fining decisions may receive back their papers, material evidences and/or means, which are being temporarily seized according to the provisions in Clause 3, Article 57 of this Ordinance.

Article 66.- Forced execution of decisions on sanctioning administrative violations

1. Individuals and organizations, that are sanctioned for administrative violations but fail to voluntarily execute the sanctioning decisions, shall be subject to coercive execution by the following measures:

a) Deducting part of their wages or income, deducting money from their bank accounts;

b) Inventorying and seizing assets with value corresponding to the fine amount for auction;

c) Other coercive measures to effect the confiscation of material evidences and/or means used for administrative violations, to force the restoration of the initial state altered due to administrative violations or force the dismantlement of illegally constructed works, force the application of measures to overcome the environmental pollution or epidemic spread, force the bringing out of the Vietnamese terrority or re-export of goods, articles and/or means, force the destruction of articles which cause harms to human health, domestic animals and cultivated plants, harmful cultural products.

2. Individuals and organizations that receive the coercion decisions must strictly implement the coercive measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The coercion with the measures prescribed at Points b and c, Clause 1 of this Article must be notified before the application thereof to the presidents of the commune-level Peoples Committees of the localities where the coercion shall be carried out for implementation coordination.

5. The functional bodies of the Peoples Committees shall have to execute the coercion decisions of the presidents of the Peoples Committees of the same level according to the assignment by the Peoples Committee presidents.

6. The peoples police force shall have to ensure order and safety in the process of enforcing the coercion decisions of the presidents of the Peoples Committee of the same level or the coercion decisions of other State bodies when so requested by such bodies.

7. The procedures for application of coercive measures shall be prescribed by the Government.

Article 67.- Competence to issue coercion decisions

The following persons are competent to issue coercion decisions and tasked to organize the coercive execution of the sanctioning decisions of their own and their subordinates:

1. The presidents of the commune-level, district-level or provincial-level Peoples Committees;

2. The district police chiefs, the directors of the provincial-level police departments, the director of the Police Department for Administrative Management of Social Order, the director of the Traffic Police Department, the director of the Fire Prevention and Fighting Department, the director of the Economic Police Department, the director of the Criminal Police Department, the director of the Police Department for Prevention and Combat of Drug-Related Crimes, the director of the Entry and Exit Management Department;

3. Heads of the border guard posts, commanders of the provincial-level Border Guard; the director of the Coast Guard Department;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Heads of the Ranger Sub-Departments, director of the Ranger Department;

6. The directors of the Tax Departments;

7. The heads of the Market Management Sub-Departments, the director of the Market Management Department;

8. The specialized chief inspectors of the provincial-service level, the specialized chief inspectors of the ministries, ministerial-level agencies and agencies attached to the Government;

9. The judges chairing court sessions, heads of the provincial-level civil judgment execution sections, the heads of the judgment executing sections of the military zones or the equivalent level.

Article 68.- Transferring decisions on sanctioning administrative violations for execution

Where individuals and organizations that commit the administrative violations in a locality but reside, headquarter in other localities and have no conditions to execute the sanctioning decisions at places where they are sanctioned, the sanctioning decisions shall be transferred to residence places of individuals, headquarters of the organizations for execution according to the Governments regulations.

Article 69.- The statute of limitation for execution of decisions on sanctioning administrative violations

The statute of limitation for executing a decision on sanctioning administrative violation shall be one year as from the date the sanctioning decision is issued; if past this time limit such decision is not implemented, the sanctioning decision shall not be executed but the consequence-overcoming measures inscribed in the decision still apply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter VII

PROCEDURES FOR APPLICATION OF OTHER ADMINISTRATIVE HANDLING MEASURES

Section I. PROCEDURES FOR EDUCATION AT COMMUNES, WARDS, DISTRICT TOWNSHIPS

Article 70.- Deciding on education at communes, wards, district townships

1. The commune-level Peoples Committee presidents shall decide the education at communes, wards or district townships on their own or at the request of one of the following agencies or organizations:

a) The commune-level police chiefs;

b) The commune-level Fatherland Front Committee presidents;

c) The representatives of agencies, organizations or population quarters in localities.

The commune-level Peoples Committee presidents may also decide on the education at communes, wards or district townships on the basis of the dossiers and records on law-breaking acts committed by subjects, which are supplied by the district- and/or provincial-level police offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Within three days after the end of the meeting prescribed in Clause 2 of this Article, the commune-level Peoples Committee presidents shall consider and decide on the education at communes, wards or district townships.

Depending on each subject, the commune-level Peoples Committee presidents shall decide to hand the persons subject to education to agencies, organizations or families for management and education.

4. The decisions on education at communes, wards or district townships take effect as from the date of their signing and must be sent immediately to the persons subject to such education, their families, the commune-level Peoples Councils as well as relevant agencies and organizations.

Article 71.- Contents of decisions on education at communes, wards or district townships

The decisions on education at communes, wards or district townships must clearly inscribe the issuance dates; the full names and positions of the decision issuers; the full names, birth dates and residence places of the persons subject to education; acts of law offense committed by such persons; clauses and articles of the applicable legal documents, the application time limits, the effective dates of the decisions; the responsibilities of agencies, organizations and families assigned to educate and manage the persons subject to education; the right to complain, initiate lawsuits against decisions on education at communes, wards or district townships according to law provisions.

Article 72.- Executing decisions on education at communes, wards or district townships

Within seven days as from the date the decisions take effect, the agencies or organizations assigned to manage and educate the target persons must organize meetings with such persons for the execution of those decisions. Depending on each education subject, the meeting shall be participated by representatives of the Fatherland Front Committee, the police office, the Womens Union, the Peasants Association, the Youth Union in the locality, the school and the family of the person subject to education.

After such meetings, the agencies or organizations assigned to manage and educate such persons shall have to assist and encourage them in their life, help them find jobs or propose the commune-level Peoples Committees to create conditions for the persons subject to education to find jobs or find jobs for them.

Once a month, the agencies or organizations assigned to manage and educate such persons shall have to report to the commune-level Peoples Committee presidents on the execution of the decisions; if the target persons make marked progress, the commune-level Peoples Committee presidents shall, at the requests of the agencies or organizations assigned the management responsibility and based on the written comments of the relevant agencies or organizations, decide to exempt the serving of the remaining duration of the decisions on education at communes, wards or district townships.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The statute of limitations for execution of decisions on education at communes, wards or district townships shall expire after six months as from the date of issuance of the decisions. Where the persons subject to education and communes, wards or district townships deliberately evade the execution, the above-said statute of limitations shall be recalculated as from the time the act of evasion terminates.

Article 74.- Expiry of the duration of serving the measure of education at communes, wards or district townships

When persons subject to education at communes, wards or district townships have completely served the decisions thereon, the commune-level Peoples Committee presidents shall issue them certificates.

Section 2. PROCEDURES FOR SENDING TO REFORMATORIES

Article 75.- Compiling dossiers proposing the sending to reformatories

1. For minors who have committed acts of law offense, as prescribed in Article 24 of this Ordinance and need to be sent to reformatories, the commune-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons reside shall compile dossiers for submission to the district-level Peoples Committee presidents.

Such a dossier shall comprise a curriculum vitae, the documents on law offenses committed by such person, the education measures already applied, remarks of the police office, comments of the reformatory, the Fatherland Front Committee, the Youth Union, the Women Union, the Population, Family and Children Board of the locality and of his/her parents or guardian.

2. For minors who have no fixed residence, the commune-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons have committed acts of law offenses shall make records thereon and report such to the district-level Peoples Committee presidents.

Where the subjects in law-breaking cases are detected, investigated and handled directly by the district- and/or provincial-level police offices, who have committed offenses not to the extent of being examined for penal liability but are subjects to be sent to reformatories, the police offices which are processing the cases must verify, gather documents and compile dossiers for submission to the district-level Peoples Committee presidents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The police offices shall have to assist the presidents of the Peoples Committees of the same level in gathering documents and compiling dossiers.

4. Within three days after the receipt of the dossiers or records prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, the district-level Peoples Committee presidents shall hand them to the chiefs of the police offices of the same level. Within 15 days after the receipt of the dossiers, the district-level police offices shall have to verify, gather documents, complete the dossiers and send them to members of the Advisory Council.

Article 76.- The Advisory Council for sending to reformatories

1. The Advisory Council for sending to reformatories shall be set up under decision of the district-level Peoples Committee presidents, comprising the district police chief, the head of the district Legal Section, the head of the district-level Population, Family and Children Board. The district police chief shall act as the standing member of Advisory Council.

2. Within seven days after the receipt of the dossiers, the Advisory Council shall have to examine the dossiers and organize meetings to scrutinize and approve the dossiers.

The Advisory Council shall work according to the collective regime and make conclusions by majority. Divergent opinions shall be recorded in the minutes of the meetings and enclosed to the report to be submitted to the district-level Peoples Committee president.

Article 77.- Decisions on sending to reformatories

1. The district-level Peoples Committee presidents shall consider and decide on the sending to reformatories within five days after the receipt of the report from the Advisory Council.

2. The decisions shall take effect after their signing and must be sent immediately to persons to be sent to the reformatories, the parents or guardians of such persons, the district-level police offices, the district-level Peoples Councils and the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The decisions on sending to reformatories must clearly state the dates of their issuance; the full names and positions of the decision issuers; the full names, birth dates and residence places of persons to be sent to reformatories; acts of law offense committed by such persons, clauses and articles of applicable legal documents; the time limit and places for execution of decisions; the right to complain and initiate lawsuits against decisions on sending to reformatories according to law provisions.

Article 79.- Execution of decisions on sending to reformatories

1. Within five days as from the date of issuing the decisions, the district-level police offices shall have to coordinate with the families or guardians of the persons serving the decisions in sending such persons to reformatories.

2. The duration of serving the decisions on sending to reformatories shall be calculated from the date the persons subject to such decisions are sent to reformatories.

Article 80.- Postponement of or exemption from the execution of decisions on sending to reformatories

1. Persons sent to reformatories may postpone the execution of the decisions in the following cases:

a) Being seriously ill, with written certification of hospitals of the district or higher level;

b) Their families are meeting with particular difficulties and file the applications therefor, which are certified by the commune-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons reside.

When the conditions for postponement of the decision execution no longer exist, the decisions shall continue to be executed; if during the postponement period, such persons have made marked progress in the observance of law or recorded merits, they may be exempt from serving the decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) They have suffered from dangerous diseases as certified by hospitals of the district or higher level;

b) They are pregnant as certified by hospitals of the district or higher level or women who are nursing their children of under 36 months old and file their applications therefor with certification of the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside.

3. The district-level Peoples Committee presidents shall consider and decide on the postponement of or exemption from decision execution, based on the applications filed by the persons who have to serve the decisions on sending to reformatories. In case of necessity, the district-level Peoples Committee presidents shall assign the chiefs of the police offices of the same level to verify the cases before making decisions.

Article 81.- Reduction of time limit for, temporary suspension of, or exemption from, serving the remaining duration in reformatories

1. Persons who are sent to reformatories and have served half of their terms, if making marked progress or recording merits, shall be considered for partly reduction of, or exemption from serving the remaining duration.

2. Where the persons serving decisions at reformatories are seriously ill and sent back to their families for treatment, they shall be temporarily suspended from serving the decisions; the medical treatment duration shall be counted into the decision-serving duration; if after their recovery from ailment the remaining serving duration is six months or more, such persons must continue to serve the decisions at the establishments. Persons suffering from dangerous diseases and pregnant women are exempt from serving the remaining duration.

3. The directors of the Detention Camp Management Department, education establishments or reformatories shall decide to reduce the time limit for, temporarily suspend or exempt the decision execution, as prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, at the proposals of the directors of the reformatories. These decisions shall be sent to the district-level Peoples Committee presidents who have issued decisions on sending to reformatories.

Article 82.- The statute of limitation for execution of decisions on sending to reformatories

The statute of limitation for execution of decisions on sending to reformatories shall expire after one year as from the date of issuing the decisions. Where the persons to whom the measure of sending to reformatories is applied deliberately evade the execution thereof, the above-said statute of limitation shall be recalculated from the time the act of evasion terminate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When the persons sent to reformatories have completely served the decisions, the directors of the reformatories shall issue them certificates and send the copies thereof to the directors of the Detention Camp Management Department, education establishments, reformatories, the district-level Peoples Committee presidents who have issued the decisions, the commune-level Peoples Committee of the localities where such person reside as well as their families.

Section 3. PROCEDURES FOR SENDING TO EDUCATION ESTABLISHMENTS

Article 84.- Compiling dossiers proposing the sending to reformatories

1. For persons who have committed law-breaking acts prescribed in Article 25 of this Ordinance and need to be sent to education establishments, the commune-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons reside shall consider and compile dossiers for submission to the district-level Peoples Committee presidents.

Such a dossier contains the curriculum vitae, documents on law offenses committed by such person, the already applied education measures, remarks of the police office, the opinions of the Fatherland Front Committee and the relevant social organizations of the same level.

2. For persons who have no fixed residence places, the commune-level Peoples Committee presidents of the places where such persons committed law-breaking acts shall make records and report the cases to the district-level Peoples Committee presidents.

Where the subjects are directly detected, investigated and handled by the district-and/or provincial-level police offices in law-breaking cases, who have committed offenses not to the extent of being examined for penal liability and are liable to be sent to education establishments, the police offices which are processing the cases shall have to verify, gather documents and compile dossiers for submission to the presidents of the Peoples Committees of the same level.

Such a dossier shall include a curriculum vitae, documents on law offenses committed by such person, the extracts of previous judgments, previous incidents, the already applied education measures (if any).

3. The police offices shall have to assist the presidents of the Peoples Committees of the same level in gathering documents for compilation of dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 85.- The Advisory Council for sending into education establishments

1. The Advisory Council for sending into education establishments shall be set up under decisions of the provincial-level Peoples Committee presidents, comprising the provincial-level Police Department director, the director of the provincial-level Justice Service, the director of the provincial-level Service of Labor, War Invalids and Social Affairs, the president of the provincial-level Fatherland Front Committee; the Police Department director shall act as standing member of the Advisory Council.

2. Within fifteen days after the receipt of the dossiers, the Advisory Council shall have to examine the dossiers and organize meetings to scrutinize the dossiers.

The Advisory Council shall work according to the collective regime and make conclusions by majority. Divergent opinions must be recorded in the minutes of the meetings, enclosed to the report to be submitted to the provincial-level Peoples Committee presidents.

Article 86.- Decisions on sending into education establishments

1. The provincial-level Peoples Committee presidents shall consider and decide on the sending into education establishments within seven days after the receipt of reports of the Advisory Council.

2. The decisions on sending into education establishments take effects from the date of their signing and must be sent immediately to the persons to be sent to education establishments, the provincial-level police offices, the provincial-level Peoples Councils and the commune-level Peoples Committees of the places where such persons reside.

Article 87.- The contents of decisions on sending into education establishments

The decisions on sending violators into education establishments must clearly inscribe the date of their issuance; the full names and positions of the decision issuers; the full names, birth dates, occupations and residence places of the persons sent to education establishments; acts of law offenses committed by such persons; clauses and articles of the applicable legal documents; the time limits and places for execution of the decisions; the right to complain or initiate lawsuits against decisions on sending to education establishments according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within five days after the issuance of decisions, the provincial-level police offices shall have to take the decision servers to education establishments.

2. The time limits for serving the decisions on sending to education establishments shall be counted from the dates the persons subject to the application of this measure are sent into education establishments.

Article 89.- Postponement of or exemption from execution of decisions on sending into education establishments

1. Persons to be sent into education establishments may postpone the execution of decisions thereon in the following cases:

a) They are seriously ill as certified by hospitals of the district or higher level;

b) They are pregnant as certified by hospitals of the district or higher level or they are women nursing their children of under 36 months old provided that they file the applications therefor and obtain the certification by the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside;

c) Their families are meeting with particular difficulties provided that they file the applications therefor and obtain the certification by the commune-level Peoples Committees of the localities where they reside.

When the conditions for execution postponement no longer exist, the decisions shall continue to be executed.

2. Persons sent to education establishments shall be exempt from decision execution in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) During the period of postponement of decision execution, such persons have made marked progress in the observance of law or recorded merits.

3. The provincial-level Peoples Committee presidents shall consider and decide on the execution postponement or exemption on the basis of the written requests filed by the persons serving the decisions on sending to education establishments. In case of necessity, the provincial-level Peoples Committee presidents shall assign the provincial Police Department director to verify specific cases prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article before making decisions.

Article 90.- Reduction of time limits for, temporary suspension of or exemption from, serving the remaining duration at education establishments

1. Persons sent to education establishments who have served half of their terms, if making marked progress or recording merits, shall be considered for partly reduction of or exemption from serving the remaining duration.

2. Where the persons serving decisions at education establishments are seriously ill and sent back to their families for treatment, they shall be temporarily suspended from execution of the decisions; the treatment duration shall be counted into the decision-executing duration; if after their recovery from ailment, the remainder of the decision-executing duration is three months or more, such persons must continue to serve the decisions at the establishments. For pregnant women, they shall be temporarily suspended from decision execution till their children are full 36 months old; if during the period of temporary suspension, such persons make marked progress or record merits, they shall be exempt from serving the remaining duration. Persons who suffer from dangerous diseases shall be exempt from serving the remaining duration.

3. The directors of the Detention Camp Management, the education establishments or reformatories shall decide to reduce the time limits for, temporarily suspend or to exempt the decision execution prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, based on the proposal of the director of the education establishment. These decisions shall be sent to the provincial-level Peoples Committee presidents who have issued decisions on sending violators to education establishments.

Article 91.- Statute of limitation for execution of decisions on sending violators into education establishments

The statute of limitation for execution of decisions on sending violators into education establishments shall be one year as from the date of issuance. Where the persons sent to education establishments deliberately evade the execution, the above-said statute of limitation shall be recalculated from the time the acts of evasion terminate.

Article 92.- Expiry of the time limits for serving the measure of sending into education establishments

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 4. PROCEDURES FOR SENDING VIOLATORS TO MEDICAL TREATMENT ESTABLISHMENTS

Article 93.- Compilation of dossiers proposing sending into medical treatment establishments

1. For persons who have committed acts of law offense prescribed in Article 26 of this Ordinance and need the application of measure of sending into medical treatment establishments, the commune-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons reside shall consider and compile dossiers for submission to the district-level Peoples Committee presidents.

Such a dossier shall include a curriculum vitae, medical records (if any), documents on law offenses committed by such person and the already applied education measures, remarks of the police office, opinions of the Fatherland Front Committee and relevant social organizations of the same level.

2. For persons who have no fixed residence places, the commune-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons have committed acts of law offense shall make records thereon and report such to the district-level Peoples Committee presidents.

Where the subjects are directly detected, investigated and handled by the provincial- and/or district-level police offices in cases of law offenses, who are liable to be sent to medical treatment establishments, the police offices which are processing the cases must verify, gather documents and compile dossiers for submission to the district-level Peoples Committee presidents.

Such a dossier shall include the curriculum vitae, the medical records (if any), documents on law offenses committed by such person, already applied education measures (if any).

3. The police offices shall have to assist the presidents of the Peoples Committees of the same level in gathering documents and compiling dossiers.

4. Within three days after the receipt of the dossiers or records prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, the district-level People’s Committee presidents shall hand them to the heads of the Labor, War Invalids and Social Affairs sections. Within fifteen days after the receipt of the dossiers, the heads of the Labor, War Invalids and Social Affairs sections shall coordinate with the police offices of the same level in verifying the dossiers, gathering documents, completing the dossiers and sending them to the Advisory Council members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Advisory Council for sending into medical treatment establishments shall be set up under decisions of the district-level Peoples Committee presidents, comprising the head of the Labor, War Invalids and Social Affairs section, the head of the Justice section, the district police chief, the president of the district Womens Union. Where the subjects proposed to be sent to medical treatment establishments are minors, the Advisory Council must be participated by the head of the district-level Population, Family and Children Board. The head of the Labor, War Invalids and Social Affairs section shall act as the standing member of the Advisory Council.

2. Within seven days after the receipt of the dossiers, the Advisory Council shall have to examine the dossiers and organize meetings to scrutinize and approve the dossiers.

The Advisory Council shall work according to the collective regime and make conclusions by majority. Divergent opinions must be recorded into the minutes of the meetings, enclosed to the report to be submitted to the district-level Peoples Committee presidents.

Article 95.- Decisions on sending violators into medical treatment establishments

1. The district-level Peoples Committee presidents shall consider and decide the sending of violators to medical treatment establishments within fifteen days as from the date of receiving the reports of the Advisory Council.

2. The decisions on sending violators into medical treatment establishments shall take effect after their signing and must be immediately sent to the persons to be sent to medical treatment establishments, their families, the district Labor, War Invalids and Social Affairs sections, the district police offices, Peoples Councils and the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside. Where the subjects are minors, the decisions on sending them into medical treatment establishments must be sent to their parents or guardians.

Article 96.- Contents of decisions on sending violators into medical treatment establishments

The decisions on sending violators into medical treatment establishments must clearly inscribe the dates of their issuance, the full names and positions of the decision issuers; the full names, birth dates, occupations and residence places of the persons to be sent to medical treatment establishments; their acts of law offenses and clauses as well as articles of the applicable legal documents; the time limits and places for decision execution; the right to complain and initiate lawsuits against decisions on sending violators into medical treatment establishments according to law provisions.

Article 97.- Execution of decisions on sending violators into medical treatment establishments

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The time limit for executing the decisions on sending violators into medical treatment establishments shall be counted from the date the decision servers are sent to the medical treatment establishments.

Article 98.- Postponement of or exemption from the execution of decisions on sending violators into medical treatment establishments

1. The persons sent to medical treatment establishments may postpone the execution of the decisions in the following cases:

a) They are seriously ill, with certification by hospitals of the district or higher level;

b) They are pregnant as certified by hospitals of the district or higher level or are women who are nursing their children of under 36 months old and file their applications therefor and get certification of the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside.

When the conditions for execution postponement no longer exist, the decisions shall continue to be executed.

2. The persons sent to medical treatment establishments shall be exempt from execution of decisions in the following cases:

a) They are suffering from dangerous diseases, with certification of hospitals of the district or higher level;

b) During the period of postponement of execution of decisions, they make marked progress in the observance of law or record merits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 99.- Reduction of time limits for, temporary suspension of or exemption from serving the remaining duration at medical treatment establishments

1. Persons who have been sent to medical treatment establishments and served half of their terms, if making marked progress or recording merits, shall be considered for partly reduction of or exemption from serving the remaining duration.

2. Where persons who are serving decisions at medical treatment establishments are seriously ill and sent back to their families for treatment, they shall be temporarily suspended from execution of decisions; the treatment duration shall be counted into the time limits for execution of decisions; if after their recovery from ailment, the remaining decision- executing duration is three months or more, such persons shall have to continue serving the decisions at the establishments. For pregnant women, they shall be temporarily suspended from executing the decisions until their children reach the age of 36 months old; if during the temporary suspension, such persons make marked progress or record merits, they shall be exempt from serving the remaining duration. Persons suffering from dangerous diseases shall be exempt from serving the remaining duration.

3. The district-level Peoples Committee presidents who have issued decisions on sending violators to medical treatment establishments shall decide to reduce the time limits for, temporarily suspend or exempt the execution as provided for in Clauses 1 and 2 of this Article, based on the proposals of the directors of the medical treatment establishments.

Article 100.- Statute of limitation for execution of decisions on sending violators to medical treatment establishments

The statute of limitation for execution of decisions on sending violators to medical treatment establishments shall expire after one year as from the date of issuing the decisions. Where the persons sent to medical treatment establishments deliberately evade the execution, the above-said statute of limitation shall be recalculated from the time the act of evasion terminates.

Article 101.- Expiry of the time limit for execution of measures of sending into medical treatment establishments

When the persons sent to medical treatment establishments have already served the decisions, the directors of the medical treatment establishments shall grant them certificates and send the copies thereof to the district-level Peoples Committee presidents who have issued the decisions, the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside and to such persons families.

Section 5. PROCEDURES FOR APPLICATION OF ADMINISTRATIVE PROBATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. For persons who have committed acts of law offense prescribed in Article 27 of this Ordinance and need to be placed on administrative probation, the district-level Peoples Committee presidents of the localities where such persons reside shall consider and compile dossiers for submission to the provincial-level Peoples Committee presidents.

2. Such a dossiers shall include the curriculum vitae, documents on law offenses committed by such person, remarks of the district-level police office, opinions of the Fatherland Front Committee of the same level and opinions of the commune-level Peoples Committees of the locality where such person resides.

3. The district-level police offices and the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside shall have to assist the district-level Peoples Committee presidents in gathering documents for compilation of the dossiers.

4. Within three days after the receipt of the dossiers prescribed in Clause 1 of this Article, the provincial-level Peoples Committee presidents shall hand the dossiers to the directors of the provincial Police Departments. Within twenty days after the receipt of such dossiers, the directors of the provincial-level Police Departments shall have to verify the dossiers and send them to the Advisory Council members.

Article 103.- The Advisory Councils for administrative probation

1. A Advisory Council for administrative probation shall be set up by decision of the provincial-level Peoples Committee president, comprising the director of the provincial Police Department, the director of the Justice Service, the president of the provincial Fatherland Front Committee. The director of the provincial Police Department shall act as standing member of the Advisory Council.

2. Within fifteen days as from the date of receiving the dossiers, the Advisory Council shall have to examine the dossiers and organize meetings to scrutinize and approve the dossiers.

The Advisory Council shall work according to the collective regime and make conclusions by majority. Divergent opinions must be recorded in the minutes of the meetings, enclosed to the report for submission to the provincial-level Peoples Committee presidents.

Article 104.- Decisions on administrative probation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The decisions on administrative probation take effect after their signing and must be immediately sent to the persons subject to administrative probation, the district-level Peoples Committees of the localities where the dossiers are compiled, the provincial-level Peoples Councils and the commune-level Peoples Committees of the localities where such persons reside and the localities where the administrative-probation decisions are executed.

Article 105.- Contents of decisions on administrative probation

The administrative-probation decisions must clearly inscribe the dates of their issuance; the full names and positions of the decision issuers; the full names, birth dates, occupations, residence places of the administrative probationers; their acts of law offenses; clauses and articles of legal documents to be applied; the time limits and places of decision execution; the right to complain and initiate lawsuits against administrative-probation decisions according to law provisions.

Article 106.- Execution of administrative-probation decisions

1. Within five days after the issuance of decisions, the provincial-level police offices shall have to organize the execution of the decisions on administrative probation.

2. The time limit for execution of administrative-probation decisions shall be calculated from the date the administrative probationers start serving the decisions. While serving the decisions, the administrative probationers must submit to the management and education of the commune-level administration and local population at places where they serve the administrative-probation decisions.

3. The commune-level Peoples Committee presidents of the localities where the administrative probationers serve the decisions shall have to manage and educate the probationers; and quarterly report to the district-level Peoples Committee presidents thereon for further report to the provincial-level Peoples Committee presidents.

Article 107.- Reduction of the administrative-probation time limits

1. The administrative probationers who have served half of the probation duration, if making marked progress in the observance of law or recording merits, may be considered for reduction of the probation duration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 108.- Statute of limitation for execution of administrative-probation decisions

The statute of limitation of administrative- probation decisions shall expire after one year as from the date of issuance of the decisions. Where the administrative probationers deliberately evade the execution, the above-said statute of limitation shall be recalculated from the time the acts of evasion terminate.

Article 109.- Expiry of the administrative probation

When the administrative probationers have completely served the decisions, the presidents of the Peoples Committees of the communes where the probation decisions are executed shall grant certificates to such persons and send the copies thereof to the provincial-level Peoples Committee presidents who have issued the decisions and the district-level Peoples Committees of the localities where the dossiers were compiled.

Section 6. OTHER PROVISIONS ON THE APPLICATION OF ADMINISTRATIVE HANDLING MEASURES

Article 110.- Temporarily taking the persons who are serving the measures of sending into reformatories, education establishments or medical treatment establishments out of the places where they serve the administrative-handling measures at the request of the criminal proceeding agencies

1. At the request of the competent criminal proceedings agencies, the directors of reformatories, the directors of education establishments, the directors of the medical treatment establishments shall decide to temporarily take the persons serving the administrative-handling measures out of the places where they serve those measures for participation in the legal proceedings in cases related to such persons.

2. The duration of temporary taking such persons out of the places of serving the administrative-handling measures shall be counted into the duration of serving those measures.

Article 111.- Transferring the dossiers of subjects liable to the application of other administrative handling measures with criminal signs for penal liability examination

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For cases where decisions to apply other administrative handling measures were already issued and later the violation acts of the persons to whom these measures have been applied are detected with criminal signs while the statute of limitation for penal liability examination has not yet expired, the persons who have issued decisions to apply other administrative handling measures must cancel those decisions and within three days as from the date of canceling the decisions must transfer the subjects dossiers to the competent bodies conducting the criminal proceedings.

Where the imprisonment sentence was imposed by courts, the duration of serving the measures of sending to reformatories, education establishments or medical treatment establishments shall be counted into the duration of serving the imprisonment penalty. Two days of serving the measure of sending to reformatories, education establishments or medical treatment establishments are calculated as equal to one day of serving the imprisonment sentence.

Article 112.- Examination of penal liability for criminal acts committed before or during the time of serving the other administrative handling measures

Where the persons to whom other administrative handling measures have been applied are detected as having committed criminal acts before or during the time of serving the decisions thereon, at the requests of the competent criminal proceeding bodies, the persons who have issued decisions on education at communes, wards, district towns or on administrative probation, or the directors of reformatories, the directors of education establishments, or the directors of the medical treatment establishments must issue decisions to temporarily suspend the execution of decisions against such persons and transfer their dossiers to the criminal proceeding bodies; where such persons have been sentenced to imprisonment by courts, they shall be exempt from serving the remaining duration in the decisions on the application of other administrative handling measures; if the applied penalties are not the imprisonment penalty, those persons shall possibly have to continue serving the decisions on application of other administrative handling measures.

Article 113.- Handling cases where a person is subject to both the sending into an education establishment and the sending into a medical treatment establishment or both the sending into a reformatory and the sending into a medical treatment establishment

In cases where a person has committed law violation acts, being subject to the sending into education establishment and also to medical treatment establishment or subject to the sending into reformatory and also to medical treatment establishment, the competent body shall only apply the measure of sending him/her into a medical treatment establishment. The agency which has processed the dossiers shall have to transfer the entire dossiers on such person to the Advisory Council for the sending into a medical treatment establishment in order to carry out the subsequent procedures according to law provisions.

Chapter VIII

SUPERVISION AND EXAMINATION OF LAW OBSERVANCE IN HANDLING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 114.- Supervision by the Nationality Council and Committees of the National Assembly

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Supervise the handling of administrative violations and request the concerned agencies, organizations and individuals to report on the situation of handling administrative violations;

2. Upon receiving complaints and/or denunciations about the handling of administrative violations, if detecting any law offenses, request the competent persons to consider and settle them then report on the settlement thereof; if disagreeing with the settlement results, to request the superiors of those persons to settle them;

3. When conducting the supervision, if detecting any law offenses which cause harms to the interests of the State, the legitimate rights and interests of citizens, agencies and/or organizations, request the competent persons to immediately apply necessary measures to promptly stop the violations and consider the violators liability.

Article 115.- Supervision by the Peoples Councils

The Peoples Councils at all levels shall, within the scope of their respective tasks and powers, have the responsibility to:

1. Supervise the handling of administrative violations in their respective localities;

2. Periodically examine reports of the Peoples Committees of the same level on the situation of handling administrative violations in the localities;

3. Upon receiving complaints and denunciations about the handling of administrative violations, if detecting any law offenses, request the competent persons to consider and settle them, then report on the settlement thereof;

4. While supervising the handling of administrative violations in their respective localities, if detecting any law offenses which cause harms to the interests of the State, the legitimate rights and interests of citizens, agencies and/or organizations, request the competent persons to apply necessary measures in order to promptly stop the violations and examine the violators liability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The ministers, the heads of the ministerial-level agencies and the heads of the agencies attached to the Government shall have the responsibility to:

1. Regularly examine the handling of administrative violations by persons competent to handle administrative violations in the scope of their respective management;

2. Promptly settle complaints and denunciations about the handling of administrative violations in the branches and domains under their respective management according to law provisions;

3. Discipline persons who have committed mistakes in handling administrative violations in the scope of their respective management;

4. Implement the regime of reporting on the situation of administrative violations in the branches and fields under their management at the requests of competent agencies.

Article 117.- Examination by the Peoples Committees at all levels

The presidents of the Peoples Committees at all levels shall have the responsibility to:

1. Regularly examine the handling of administrative violations by persons competent to handle administrative violations in the scope of their respective management.

2. Promptly settle complaints and denunciations about the handling of administrative violations in their respective localities, according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Periodically or when requested, report to the Peoples Councils and answer questions of deputies of the Peoples Councils of the same level on the situation of handling administrative violations in the localities.

Chapter IX

COMPLAINTS, DENUNCIATIONS, COMMENDATIONS AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 118.- Complaints, denunciations

1. Individuals and organizations that are sanctioned for administrative violations or their lawful representatives shall have the right to complain about decisions on sanctioning administrative violations, decisions on application of measures to prevent administrative violations and ensure the handling thereof.

2. Persons who are subject to education at communes, wards or district towns, to the sending to reformatories, education establishments or medical treatment establishments or to administrative probation or their lawful representatives shall have the right to complain about the application of those measures.

3. All citizens shall have the right to denounce illegal acts in handling administrative violations.

4. The competence, procedures and time limits for settling complaints and denunciations shall comply with the legislation on complaints and denunciations.

Article 119.- Initiating administrative lawsuits

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 120.- Commendation and reward

Individuals and organizations that record achievements in preventing and combating administrative violations shall be commended and/or rewarded according to the general regime of the State.

It is strictly forbidden to use money collected from sanctions against administrative violations or from the sale of confiscated material evidences and means for rewards.

Article 121.- Handling violations committed by persons competent to handle administrative violations

Persons competent to handle administrative violations who harass, tolerate, cover up, fail to handle or handle not in time, improperly or handle beyond their competence violators shall, depending in the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability; if causing damage, they must make compensations therefor according to law provisions.

Article 122.- Handling violations committed by persons handled for administrative violations

Persons who are handled for administrative violations, if committing acts of opposing people on official duty, delaying or evading the execution of decisions, or committing other acts, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively handled or examined for penal liability; if causing damage, they must pay compensations therefor according to law provisions.

Chapter X

IMPLEMENTATION PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Ordinance takes effect as from October 1, 2002.

It shall replace the July 6, 1995 Ordinance on Handling of Administrative Violations.

All previous regulations on handling of administrative violations, which are contrary to this Ordinance, shall be annulled. Where it is otherwise provided for by laws, the provisions of laws shall apply.

Article 124.- Implementation guidance

The Government shall detail and guide the implementation of this Ordinance.

 

 

ON BEHALF OF THE NATIONAL ASSEMBLY STANDING COMMITTEE
CHAIRMAN




Nguyen Van An

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


95.282

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.75.218
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!