NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20
tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11
năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành
chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành
vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm
hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng
thủy văn gồm:
a) Vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo,
cảnh báo khí tượng thuỷ văn;
b) Vi phạm quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn;
c) Vi phạm quy định về truyền, phát bản tin dự báo,
cảnh báo khí tượng thủy văn;
d) Vi phạm quy định về quản lý, khai thác mạng lưới
trạm khí tượng thủy văn;
đ) Vi phạm quy định về cung cấp, khai thác, sử dụng,
trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;
e) Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công
trình khí tượng thuỷ văn;
g) Vi phạm quy định về tác động vào thời tiết;
h) Các hành vi vi phạm khác về khí tượng thủy văn
quy định tại Nghị định này.
3. Hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh
vực khí tượng thủy văn mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy
định tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
4. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng, kiểm định,
hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thì xử phạt theo quy định của pháp
luật về đo lường.
5. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
khí tượng thủy văn đối với cơ quan báo chí được thực hiện theo quy định của
pháp luật về báo chí và quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
trong hoạt động báo chí, xuất bản.
6. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành
vi vi phạm có liên quan tới hoạt động khí tượng trong lĩnh vực hàng không dân dụng
được thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trường hợp hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động
khí tượng trong lĩnh vực hàng không dân dụng mà pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chưa quy định thì áp dụng theo quy định
tại Nghị định này để xử phạt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước
ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn trên lãnh
thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực khí tượng thủy văn quy định tại khoản 1 Điều này gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của
Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần,
công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh
nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi
đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
c) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp
công lập và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật có hành
vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền giao;
d) Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động
khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Các tổ chức khác hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành
chính, xử phạt vi phạm hành chính; tổ chức, cá nhân khác có liên quan được quy
định tại Nghị định này.
4. Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi
phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá
nhân.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng
Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành
vi vi phạm trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ
và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định
của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn mà
bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Cơ quan nhà nước thực hiện
hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thuỷ văn
thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có
liên quan.
Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm
hành chính, các hành vi vi phạm đã kết thúc, các hành vi vi phạm đang thực hiện
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực khí tượng thủy văn là 01 năm.
2. Các hành vi vi phạm sau đây được xác định là đã
kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm tổ chức, cá nhân kết
thúc thời hạn báo cáo, thông báo, kê khai như sau:
a) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ kết quả
hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định tại khoản
1 Điều 7 Nghị định này;
b) Không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi
thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại khoản
1 Điều 10 Nghị định này;
c) Không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi
di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại khoản
2 Điều 10 Nghị định này;
d) Không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi
giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại khoản
3 Điều 10 Nghị định này;
đ) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo
cáo sai sự thật về hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn,
giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài về Bộ
Tài nguyên và Môi trường đúng thời hạn theo quy định tại khoản 2
Điều 14 Nghị định này;
e) Không thông báo công khai cho cộng đồng dân cư
trong khu vực biết trước khi tiến hành tác động vào thời tiết theo quy định tại
khoản 3 Điều 15 Nghị định này.
3. Các hành vi vi phạm không thuộc quy định tại khoản
2 Điều này thì thời điểm kết thúc hành vi vi phạm là thời điểm mà tổ chức, cá
nhân kết thúc nghĩa vụ phải thực hiện quy định hoặc thời điểm tổ chức, cá nhân
bắt đầu thực hiện đúng quy định.
4. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực
khí tượng thủy văn mà không thuộc quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này
nhưng đã được thực hiện xong trước thời điểm người có thẩm quyền thi hành công
vụ, nhiệm vụ phát hiện hành vi vi phạm thì cũng được xác định là hành vi vi phạm
đã kết thúc.
5. Trường hợp hành vi vi phạm bị phát hiện khi chưa
kết thúc nghĩa vụ phải thực hiện quy định hoặc tổ chức, cá nhân chưa thực hiện
đúng quy định thì được coi là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.
Điều 4. Hình thức, mức xử phạt
vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực
khí tượng thuỷ văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt
chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính
trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và
100.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn từ 01 tháng đến 12 tháng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện đã sử dụng để thực
hiện hành vi vi phạm.
3. Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt
bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành
chính bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm
a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc
phục hậu quả sau đây:
a) Buộc hủy bỏ kết quả, sản phẩm, số liệu, bản tin,
ấn phẩm có được do thực hiện hành vi vi phạm;
b) Buộc bổ sung hoặc lắp đặt trạm quan trắc, phương
tiện đo khí tượng thuỷ văn;
c) Buộc tổ chức thực hiện quan trắc khí tượng thuỷ
văn;
d) Buộc thông báo về việc thành lập, di chuyển, giải
thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng;
đ) Buộc báo cáo hoặc cung cấp thông tin, dữ liệu
khí tượng thuỷ văn;
e) Buộc nộp lại giấy phép bị sửa chữa, tẩy xóa làm
sai lệch nội dung.
4. Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi
vi phạm được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6; khoản 4 Điều
11; khoản 3, 4 Điều 13; khoản 3 Điều 14 và điểm b khoản 4 Điều
15 Nghị định này được xác định như sau:
a) Số lợi bất hợp pháp có được đối với trường hợp
vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 6 Nghị định
này là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi
vi phạm trừ chi phí trực tiếp cấu thành được tính theo định mức kinh tế - kỹ
thuật, đơn giá để xây dựng các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn căn
cứ vào hồ sơ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí do tổ
chức, cá nhân vi phạm cung cấp;
b) Số lợi bất hợp pháp có được đối với trường hợp
vi phạm hành chính quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này
là toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ
văn chiếm đoạt mà có để thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi;
c) Số lợi bất hợp pháp có được đối với trường hợp
vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này
là toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ
văn được cung cấp miễn phí để thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi vì mục
đích lợi nhuận;
d) Số lợi bất hợp pháp có được đối với trường hợp
vi phạm hành chính quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này
là toàn bộ số tiền thu được trong việc tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng công
trình, dự án đã sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn không có nguồn gốc
rõ ràng hoặc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không được cơ quan,
tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp xác nhận để tư vấn, thiết kế, đầu tư
xây dựng công trình, dự án;
đ) Số lợi bất hợp pháp có được đối với trường hợp
vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này
là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi trao đổi
thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu không có văn bản
nhất trí của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
e) Số lợi bất hợp pháp có được đối với trường hợp
vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định
này là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi
vi phạm trừ chi phí trực tiếp để thực hiện việc tác động vào thời tiết căn cứ
vào hồ sơ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí do tổ chức,
cá nhân vi phạm cung cấp.
5. Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại
giấy phép bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung đối với trường hợp quy định
tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nộp giấy phép bị
sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính. Trường hợp người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính không đồng thời là cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy phép, trong
thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi
thông báo về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép bị
sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung đến cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy
phép.
Điều 5. Áp dụng mức phạt tiền
trong xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định
này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ
chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với
cá nhân.
2. Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định
tại các Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21 và 22 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một
hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền đối với hành
vi vi phạm của tổ chức, người có thẩm quyền được xử phạt gấp 02 lần mức xử phạt
đối với cá nhân.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH
CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC PHẠT TIỀN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG
LĨNH VỰC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Điều 6. Vi phạm quy định về giấy
phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Thực hiện không đúng phạm
vi hoạt động dự báo, cảnh báo theo nội dung giấy phép;
b) Cung cấp thông tin dự báo,
cảnh báo cho đối tượng không đúng theo nội dung giấy phép;
c) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch
nội dung giấy phép;
d) Hoạt động dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn khi giấy phép đã hết hạn dưới 06 tháng;
đ) Không tuân thủ quy trình
đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp giấy phép.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tự ý cho mượn, cho thuê giấy phép.
3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Hoạt động dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn không có giấy phép;
b) Hoạt động dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn khi giấy phép đã hết hạn từ 06 tháng trở lên.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy
phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 06 tháng đến 12 tháng đối
với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương
tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c và điểm d
khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại giấy phép bị sửa chữa, tẩy xóa làm
sai lệch nội dung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với
hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp
pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều
này;
c) Buộc hủy bỏ kết quả, sản phẩm,
số liệu, bản tin, ấn phẩm có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản
1 và khoản 3 Điều này.
Điều 7. Vi phạm quy định về hoạt
động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ kết
quả hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không tuân thủ quy định kỹ
thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn;
b) Không tuân thủ quy định kỹ thuật,
quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn đánh giá chất lượng trong dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn;
c) Không tuân thủ quy định kỹ
thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn về loại bản tin và thời hạn dự
báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không thực hiện việc dự báo
lưu lượng đến hồ, khả năng gia tăng mực nước hồ chứa theo quy định của pháp luật
về an toàn đập, hồ chứa;
b) Ban hành bản tin dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn ba lần liên tiếp trong 01 tháng đối với mỗi loại bản tin
không đủ độ tin cậy.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Cố ý cung cấp sai lệch bản
tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
b) Cố ý vi phạm quy định kỹ
thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy
phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 03 tháng đến 06 tháng đối
với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy
phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 06 tháng đến 12 tháng đối
với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Điều 8. Vi phạm quy định về
truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng
đến 5.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn mà không nêu rõ nguồn gốc bản tin.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí
tượng thủy văn không có nguồn gốc.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin
dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên
tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không truyền, phát bản tin
dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn;
b) Gian lận về nguồn gốc bản
tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn khi truyền, phát;
c) Truyền, phát sai lệch bản
tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn;
d) Cố ý đưa tin sai lệch về hoạt
động dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thuỷ văn.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm
lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và d khoản 5 Điều này.
Điều 9. Vi phạm quy định về
quan trắc khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Lắp đặt phương tiện đo khí
tượng thủy văn không đúng vị trí quan trắc;
b) Quan trắc không đúng vị
trí.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Quan trắc không đủ các yếu
tố khí tượng thủy văn;
b) Quan trắc không đủ tần suất;
c) Quan trắc không đúng giờ
quy định.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 25.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt trạm quan trắc khí tượng thủy văn
không đảm bảo mật độ.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý vi phạm quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ
thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức thực hiện quan trắc khí tượng
thủy văn.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung hoặc lắp đặt
trạm quan trắc, phương tiện đo khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm quy định
tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều này;
b) Buộc tổ chức thực hiện quan
trắc khí tượng thuỷ văn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
Điều 10. Vi phạm quy định về
thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tổ chức,
cá nhân
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng
đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi
thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi
di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi
trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm
sau khi giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thông báo về việc thành lập, di chuyển, giải
thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng đối với các hành vi vi phạm quy định tại
các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 11. Vi phạm quy định về
cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Cung cấp thông tin, dữ liệu
quan trắc khí tượng thuỷ văn không đúng thời gian quy định;
b) Cung cấp không đầy đủ
thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch thông tin, dữ liệu quan trắc
khí tượng thủy văn khi cung cấp.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 25.000.000 đồng đối với hành vi che dấu hoặc không cung cấp thông tin, dữ
liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt thông tin, dữ liệu khí tượng thủy
văn.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo hoặc cung cấp
thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm
b khoản 1 và khoản 3 Điều này;
b) Buộc cải chính thông tin
sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều
này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp
pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Điều 12. Vi phạm quy định về
khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng
đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Đốt lửa, phun nước ảnh hưởng
đến công trình thuộc trạm khí tượng;
b) Cản trở việc vận hành,
khai thác công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng
đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấy nước, xả nước trong hành lang kỹ thuật
mà gây ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thủy văn.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Lấn, chiếm khoảng không, diện
tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước; trồng cây, xây dựng hoặc đặt, để
các vật liệu, công trình, thiết bị trong phạm vi hành lang kỹ thuật của công
trình khí tượng thủy văn mà gây ảnh hưởng đến hoạt động của công trình khí tượng
thủy văn;
b) Đắp đập, chặn dòng trong
hành lang kỹ thuật mà gây ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thuộc trạm thủy
văn;
c) Đào bới lòng sông, hai bên
bờ sông, khai thác khoáng sản trong hành lang kỹ thuật mà gây ảnh hưởng đến hoạt
động của công trình thuộc trạm thủy văn;
d) Đổ rác, chất thải hoặc đặt
các vật liệu xây dựng khác vào lòng sông, hai bên bờ sông trong hành lang kỹ
thuật mà gây ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thuộc trạm thủy văn;
đ) Đặt các công trình, thiết
bị sinh nhiệt mà gây ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thuộc trạm khí tượng.
4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với hành vi di chuyển, làm sai lệch, làm ảnh hưởng, làm
hư hỏng mốc chỉ giới hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 15.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại, va đập, đập phá, di chuyển làm ảnh
hưởng, làm hư hỏng công trình khí tượng thủy văn, mốc độ cao, mốc chỉ giới hành
lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn.
6. Phạt tiền đối với hành vi
làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin hoặc thiết bị kỹ thuật khác của
công trình khí tượng thủy văn như sau:
a) Từ 3.000.000 đồng đến
7.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin hoặc
thiết bị kỹ thuật có giá trị dưới 10.000.000 đồng;
b) Từ 8.000.000 đồng đến
10.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và
thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
c) Từ 10.000.000 đồng đến
15.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin hoặc
thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Từ 20.000.000 đồng đến
30.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin hoặc
thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
đ) Từ 30.000.000 đồng đến
40.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và
thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
e) Từ 40.000.000 đồng đến
50.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin hoặc
thiết bị kỹ thuật có giá trị trên 500.000.000 đồng.
7. Việc xử phạt vi phạm hành
chính đối với hành vi neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền
hoặc các phương tiện khác vào công trình khí tượng thủy văn thực hiện theo quy
định của pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực
hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các
hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều
này.
Điều 13. Vi phạm quy định về
khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin, dữ liệu đến năm gần
nhất tính đến thời điểm công trình, chương trình, quy hoạch, dự án phát triển
kinh tế - xã hội được phê duyệt thiết kế.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy
văn không đúng mục đích.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy
văn được cung cấp miễn phí để thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi vì mục đích
lợi nhuận.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Sử dụng thông tin, dữ liệu
khí tượng thủy văn không có nguồn gốc rõ ràng trong tư vấn, thiết kế, đầu tư xây
dựng công trình, dự án trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Sử dụng thông tin, dữ liệu
khí tượng thủy văn không được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp
xác nhận trong tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng công trình, dự án trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo hoặc cung cấp
thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản
1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp
pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và 4 Điều này.
Điều 14. Vi phạm quy định về
trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ
chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
1. Phạt tiền đối với hành vi
thực hiện không đúng một trong các nội dung được ghi trong văn bản nhất trí của
Bộ Tài nguyên và Môi trường về trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn,
giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài
không thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng
đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu không đúng mục
đích trao đổi thông tin, dữ liệu được ghi trong văn bản nhất trí;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 7.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu không đúng tên,
địa chỉ của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được ghi trong văn bản
nhất trí;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng
đến 9.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu không
đúng loại thông tin, số lượng thông tin, dữ liệu được ghi trong văn bản nhất
trí;
d) Phạt tiền từ 9.000.000 đồng
đến 11.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu không đúng thời
gian được ghi trong văn bản nhất trí;
đ) Phạt tiền từ 11.000.000 đồng
đến 13.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu không đúng hình
thức được ghi trong văn bản nhất trí;
e) Phạt tiền từ 13.000.000 đồng
đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu không đúng thời
hạn được ghi trong văn bản nhất trí.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc
báo cáo sai sự thật về hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy
văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài
về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo thời hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy
văn, giám sát biến đổi khí hậu không có văn bản nhất trí của Bộ Tài nguyên và
Môi trường.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo hoặc cung cấp
thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản
2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp
pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 15. Vi phạm quy định về
tác động vào thời tiết
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng kế hoạch tác động vào
thời tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không điều chỉnh kế hoạch
tác động vào thời tiết khi có sự thay đổi về một trong các nội dung cơ bản của
kế hoạch tác động vào thời tiết quy định tại khoản 2 Điều 44
Luật Khí tượng thủy văn và nhân sự nêu trong kế hoạch tác động vào thời tiết
đã được phê duyệt dẫn tới ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch;
b) Không điều chỉnh kế hoạch
tác động vào thời tiết khi có sự biến động khách quan về điều kiện khí tượng thủy
văn, quốc phòng, an ninh có ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch tác động vào
thời tiết;
c) Không điều chỉnh kế hoạch
tác động vào thời tiết khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo công khai cho cộng đồng dân
cư trong khu vực biết trước khi tiến hành tác động vào thời tiết.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng
đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không thực hiện các giải
pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực theo kế hoạch đã phê duyệt;
b) Tác động vào thời tiết mà
không có kế hoạch được phê duyệt.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực
hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện
hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.
Chương III
THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN
VI PHẠM HÀNH CHÍNH, XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHÍ TƯỢNG THỦY
VĂN
Điều 16. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng theo quy định tại
Nghị định này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 17. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
1. Chánh Thanh tra sở, Thanh tra Sở Tài nguyên và
Môi trường có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
2. Trưởng đoàn thanh tra
chuyên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra tỉnh có quyền:
a) Phạt tiền đến 35.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 70.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Chánh Thanh tra Bộ Tài
nguyên và Môi trường có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 18. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân
1. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội,
Trưởng trạm, Đội trưởng của chiến sĩ công an nhân dân có quyền phạt tiền đến
1.500.000 đồng.
2. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng
đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu
Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội
trưởng có quyền:
a) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Trưởng Công an cấp huyện;
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Thủy đoàn trưởng; Trưởng
phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham
nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng An
ninh kinh tế; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Giám đốc Công an cấp tỉnh
có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a và điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính
và điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
5. Cục trưởng Cục An ninh kinh
tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu,
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm
về môi trường:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a và điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính
và điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của Bộ đội biên phòng
1. Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội
phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm có quyền:
a) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Đồn trưởng Đồn biên phòng,
Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu
cảng có quyền:
a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm
phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên
phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống
ma tuý và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 20. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của Cảnh sát biển
1. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:
a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh
sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội
phạm ma tuý thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển,
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt
Nam có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 21. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội
địa
1. Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải, Trưởng đại diện
Cảng vụ hàng không, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền:
a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.
2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải,
Giám đốc Cảng vụ hàng không, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 22. Thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, công thương,
nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng, thông tin
và truyền thông
1. Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra các sở:
Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học
và Công nghệ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Chánh thanh tra Cục Hàng
không Việt Nam có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
2. Trưởng đoàn thanh tra
chuyên ngành các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông có quyền:
a) Phạt tiền đến 35.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính có giá trị không vượt quá 70.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Chánh Thanh tra các Bộ:
Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Cục trưởng Cục Hàng không Việt
Nam có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 23. Thẩm quyền lập biên bản
vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
gồm:
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
2. Công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ
thanh tra, kiểm tra đang thi hành công vụ, nhiệm vụ của Tổng cục Khí tượng Thủy
văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 24. Phân định thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử
phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định
này trong phạm vi quản lý của mình và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
theo thẩm quyền.
2. Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại
Chương II Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm
quyền.
3. Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với
các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này và áp dụng
các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
4. Bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm
hành chính quy định tại Điều 9 và Điều 12 Nghị định này và
áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
5. Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành
chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm
hành chính quy định tại Điều 9 và Điều 12 Nghị định này và
áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
6. Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường
thủy nội địa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi
quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11,
12 và 13 Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu
quả theo thẩm quyền.
7. Thanh tra chuyên ngành công thương có thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với
các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 7 và
Điều 9 Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm
quyền.
8. Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải có thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối
với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 6, 7,
8, 9, 10, 11, 12 và 13
Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
9. Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển
nông thôn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản
lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản
3 Điều 7 và Điều 9 Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
theo thẩm quyền.
10. Thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền
thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản
lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều
8 Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
11. Thanh tra chuyên ngành xây dựng có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các
hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b và điểm c khoản
1, khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Nghị định này và áp dụng các biện pháp khắc
phục hậu quả theo thẩm quyền.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 02 năm 2025.
2. Nghị định này bãi bỏ nội dung trong các Nghị định
sau đây:
a) Khoản 2 Điều 1, Chương II, điểm a khoản 2 Điều 21; cụm từ
“khí tượng thủy văn” tại tên Nghị định, căn cứ ban hành, tên Chương
IV, tại khoản 1 và khoản 4 Điều 1, tại Điều
2, tại khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số
173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ;
b) Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm
2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP
ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ;
c) Điều 3 Nghị định số
04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Điều 26. Điều khoản chuyển tiếp
1. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng
thủy văn xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đã được lập biên
bản vi phạm hành chính mà chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì
áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính như sau:
a) Trường hợp hết thời hiệu, thời hạn ban hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản
1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không ban hành quyết định xử phạt
nhưng phải ban hành quyết định áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện
đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu
có). Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả thực
hiện theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy
văn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp Nghị định này
không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn
thì áp dụng theo Nghị định này.
b) Trường hợp còn thời hạn ban hành quyết định xử
phạt thì mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo Nghị định về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn tại thời điểm lập
biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm
pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng theo Nghị định
này.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng
thủy văn xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đã được lập biên
bản và đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành nhưng
chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì thi hành theo quyết định xử phạt
đó.
Điều 27. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý
TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|