CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
128/2008/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2008
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH XỬ LÝ
VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2002 VÀ PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP
LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2008
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa
đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm
2007; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành
chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết
thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm
2002, Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày
08 tháng 3 năm 2007 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử
lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh)
về một số nguyên tắc chung trong xử lý vi phạm hành chính, hình thức xử phạt vi
phạm hành chính, biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác, thẩm quyền, thủ tục
và việc áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành
chính.
Điều 2. Thẩm
quyền quy định hành vi vi phạm hành chính
Thẩm quyền quy định hành vi vi
phạm hành chính tại Điều 2 của Pháp lệnh bao gồm thẩm quyền quy định hành vi vi
phạm hành chính cụ thể, hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện
pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với từng hành vi vi phạm hành chính; quy định
khung và mức tiền phạt trong trường hợp phạt tiền; quy định các biện pháp ngăn
chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính. Việc xác định khung và mức tiền
phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được căn cứ vào tính chất, mức độ của
hành vi đó.
Điều 3. Một
số nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Một số nguyên tắc xử lý vi phạm
hành chính tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 3 của Pháp lệnh được quy định cụ thể
như sau:
1. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt
vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt
vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong
các văn bản luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nghị
định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành để chỉ đạo, hướng
dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền không được quy
định hành vi vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt.
2. Một hành vi vi phạm hành
chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần:
a) Một hành vi vi phạm đã được
người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt
thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính
hành vi đó nữa. Trong trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc
dù đã bị người có thẩm quyền xử phạt ra lệnh đình chỉ thì bị áp dụng tình tiết
tăng nặng quy định tại khoản 8 Điều 9 của Pháp lệnh;
b) Một hành vi vi phạm hành
chính đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt thì không đồng
thời áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh
đối với hành vi đó;
c) Trong trường hợp hành vi vi
phạm có dấu hiệu tội phạm bị chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự
mà trước đó đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người đã quyết định
xử phạt phải hủy bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì
không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.
3. Nhiều người cùng thực hiện một
hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó
và người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân
người vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà ra quyết định xử phạt đối với từng
người cùng thực hiện vi phạm hành chính.
4. Một người thực hiện nhiều
hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định
tại khoản 2 Điều 56 của Pháp lệnh.
Điều 4. Những
trường hợp không xử lý vi phạm hành chính
Những trường hợp không xử lý vi
phạm hành chính theo khoản 6 Điều 3 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:
1. Tình thế cấp thiết là tình thế
của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của
cơ quan, tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà
không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
2. Phòng vệ chính đáng là hành
vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, bảo vệ
quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một
cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
3. Người thực hiện hành vi do sự
kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải
thấy trước hậu quả của hành vi đó.
4. Người thực hiện vi phạm hành
chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận
thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Đối với trường hợp lợi dụng người
mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều
khiển hành vi để thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện
được sử dụng để vi phạm hành chính phải bị tịch thu, mọi hậu quả do lợi dụng
các đối tượng này để vi phạm đều phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.
Điều 5.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính của người chưa thành
niên gây ra
Người chưa thành niên vi phạm
hành chính mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy
định tại Điều 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000 và các
khoản 2, 3 Điều 606 của Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005.
Điều 6. Tình
tiết tăng nặng
Những tình tiết tăng nặng tại
các khoản 1 và 2 Điều 9 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:
1. Vi phạm có tổ chức là trường
hợp có hai người trở lên câu kết với nhau, cố ý cùng thực hiện hành vi vi phạm
hành chính.
2. Vi phạm
nhiều lần trong cùng lĩnh vực là trường hợp thực hiện vi phạm hành chính trong
lĩnh vực mà trước đó đã vi phạm nhưng chưa bị phát hiện hoặc chưa bị xử phạt và
chưa hết thời hiệu xử phạt.
3. Tái phạm trong cùng lĩnh vực
là trường hợp đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hạn một năm, kể từ ngày chấp
hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành của quyết định
xử phạt mà lại thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đã bị xử phạt.
“Lĩnh vực” quy định tại khoản
này được hiểu là các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định tại từng nghị định
của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 7. Thời
hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính
Thời hạn để được coi là chưa bị
xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh được quy định như
sau:
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi
phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt
(tức là từ ngày thực hiện xong các nghĩa vụ, yêu cầu ghi trong quyết định xử phạt
hoặc từ ngày quyết định xử phạt được cưỡng chế thi hành) hoặc kể từ ngày hết thời
hiệu thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 69 của Pháp lệnh mà không thực
hiện hành vi vi phạm trong cùng lĩnh vực trước đây đã bị xử phạt thì được coi
như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó.
Điều 8. Thời
hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác
Thời hạn để được coi là chưa bị
áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác theo khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh được
quy định như sau:
Cá nhân đã bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở
giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, nếu qua hai năm, kể từ ngày chấp hành xong
quyết định xử lý (tức là từ ngày hết hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc
hết hạn chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh) hoặc
từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý quy định tại các Điều 73, 82,
91 và Điều 100 của Pháp lệnh mà không thực hiện hành vi vi phạm thuộc đối tượng
bị áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định tại khoản
này thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đó.
Điều 9. Cách
tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hạn, thời hiệu trong
Pháp lệnh được quy định theo tháng hoặc theo năm thì khoảng thời gian đó được
tính theo tháng, năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật
Lao động.
2. Thời hạn trong Pháp lệnh được
quy định theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không
bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Điều 10.
Trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính
1. Khi phát hiện vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải tiến hành xử phạt vi phạm
hành chính theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Chương VI Pháp lệnh Xử lý vi
phạm hành chính
2. Người có thẩm quyền xử phạt
hành chính lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử
lý hoặc xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính; thiếu trách nhiệm để quá thời
hiệu xử phạt vi phạm hành chính; không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong
việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; ra
quyết định xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật, có lỗi trong việc không ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định tại Điều 56 của
Pháp lệnh, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật
theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Chương 2.
HÌNH THỨC, THẨM QUYỀN XỬ
LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 11. Tước
quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
Việc tước quyền sử dụng giấy
phép, chứng chỉ hành nghề theo Điều 16 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Tước quyền sử dụng giấy phép,
chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức
xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử
dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là các loại
giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân
theo quy định của pháp luật để cho phép tổ chức, cá nhân đó kinh doanh, hoạt động,
hành nghề trong một lĩnh vực nhất định hoặc sử dụng một loại công cụ, phương tiện
nhất định. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều này không bao gồm
giấy đăng ký kinh doanh, các loại chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp
không có mục đích cho phép hành nghề.
2. Tước quyền sử dụng giấy phép,
chứng chỉ hành nghề được áp dụng có thời hạn hoặc không thời hạn và được quy định
đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của
hành vi vi phạm đó.
Thời hạn áp dụng đối với hình thức
xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tối đa
không quá 12 tháng; đối với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ
hành nghề không thời hạn thì thời hạn áp dụng từ 12 tháng trở lên.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy
phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ giấy phép, chứng chỉ
hành nghề. Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm
hành chính mà các hành vi này bị tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng
chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
có thời hạn dài nhất quy định đối với các hành vi vi phạm; nếu không cùng một
loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng riêng đối với từng hành vi.
Thời hạn bị tước quyền sử dụng
giấy phép, chứng chỉ hành nghề và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tước quyền sử
dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định tại các nghị định của Chính
phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Điều 12. Tịch
thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
Việc tịch thu tang vật, phương
tiện được sử dụng để vi phạm hành chính theo Điều 17 của Pháp lệnh được quy định
như sau:
1. Tịch thu tang vật, phương tiện
được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng
kèm theo hình thức xử phạt chính. Thủ tục và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tịch
thu tang vật, phương tiện được quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
2. Không áp
dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật phương tiện trong trường hợp tang vật,
phương tiện bị tổ chức, cá nhân vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải
trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp. Trong trường
hợp tang vật là văn hóa phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm
gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng thì bị xử lý theo quy định
tại khoản 2 Điều 61 của Pháp lệnh.
Điều 13. Biện
pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu
quả quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh, Chính phủ có thể
quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả khác và thẩm quyền quyết định áp
dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đó tại các nghị định của Chính phủ quy định
về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Điều 14.
Chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 21a của
Pháp lệnh trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực
hiện được biện pháp khắc phục hậu quả
1. Trường hợp cá nhân, tổ chức
vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do hành
vi vi phạm gây ra quy định tại Điều 21a của Pháp lệnh thì cơ quan quản lý có thẩm
quyền chỉ được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện biện pháp khắc
phục hậu quả khi có đủ các điều kiện sau:
a) Cần phải có nguồn kinh phí để
khắc phục hậu quả mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không có khả năng chi
trả ngay hoặc quy trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đòi hỏi phải áp dụng
các biện pháp kỹ thuật, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, lực lượng
tham gia khắc phục hậu quả phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để có
thể khắc phục được hậu quả do vi phạm hành chính gây ra;
b) Cần phải tiến hành ngay biện
pháp khắc phục hậu quả để kịp thời ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, lây
lan dịch bệnh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm giao thông, bảo vệ lợi
ích Nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành
chính phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho cơ quan quản lý có thẩm quyền
đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp cá nhân, tổ chức không tự
hoàn trả thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.
Điều 15.
Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính theo Điều 42 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như
sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh
vực quản lý nhà nước ở địa phương.
2. Các chức danh có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực
có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ
thể tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng
lĩnh vực quản lý nhà nước.
3. Thẩm quyền xử phạt của các chức
danh theo quy định của Pháp lệnh trong từng trường hợp cụ thể được xác định như
sau:
a) Thẩm quyền phạt tiền được xác
định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định cho mỗi hành vi vi phạm
hành chính;
b) Thẩm quyền áp dụng hình thức
tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định căn cứ vào văn
bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản
lý nhà nước quy định cho chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính đối với một hành vi vi phạm cụ thể. Trường hợp Pháp lệnh quy
định thẩm quyền tịch thu theo trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm thì phải
căn cứ vào giá trị thực tế của tang vật, phương tiện vi phạm để xác định thẩm
quyền;
c) Thẩm quyền áp dụng hình thức
tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được xác định căn cứ vào văn
bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản
lý nhà nước. Đối với hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt tước
quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chức danh nào có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử
dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm; trường hợp luật có
quy định khác thì theo quy định của luật. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày
ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người đã ra quyết định xử phạt
phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về
việc đã áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành
nghề;
d) Thẩm quyền áp dụng các biện
pháp khắc phục hậu quả được xác định căn cứ vào Pháp lệnh quy định chức danh có
thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; đồng thời căn cứ vào hành vi
vi phạm cụ thể có quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định
trong các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh
vực quản lý nhà nước;
đ) Trong
trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một
trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm
quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp
thời chuyển vụ việc vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt.
Điều 16. Ủy
quyền xử lý vi phạm hành chính
Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành
chính theo Điều 41 và khoản 2 Điều 45 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Việc ủy quyền xử lý vi phạm
hành chính do các chức danh quy định tại Điều 41 và Điều 45 của Pháp lệnh chỉ
được thực hiện đối với cấp phó. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản.
Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải được xác định rõ phạm vi, nội dung,
thời hạn ủy quyền.
Trường hợp quyết định tạm giữ
người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng
vắng mặt.
2. Cấp phó được ủy quyền xử lý
vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính
của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy
quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.
Chương 3.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN
VÀ BẢO ĐẢM XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 17.
Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Việc khám nơi cất giấu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính theo Điều 49 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Việc khám nơi cất giấu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính chỉ do những người có thẩm quyền tiến hành theo
đúng quy định tại Điều 49 của Pháp lệnh.
2. Nơi cất giấu tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính là địa điểm mà tại đó, người vi phạm cất giấu hiện vật,
tiền, hàng hóa, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu người vi phạm cất giấu tang
vật, phương tiện vi phạm hành chính trong người thì áp dụng biện pháp khám người
theo quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh.
3. Trong trường hợp nơi cất giấu
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì người có thẩm quyền quy định
tại Điều 45 của Pháp lệnh chỉ được tiến hành khám sau khi đã có sự đồng ý bằng
văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tang vật, phương tiện được
cất giấu.
Nơi ở quy định tại Điều này là địa
điểm dùng để cư trú thường xuyên cho cá nhân hoặc hộ gia đình có hộ khẩu thường
trú hoặc đăng ký tạm trú; có đăng ký phương tiện, nếu phương tiện là nơi cư trú
thường xuyên của cá nhân, hộ gia đình.
4. Việc khám nơi cất giấu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm chỉ được thực hiện trong các trường
hợp sau đây:
a) Trường hợp khẩn cấp, là các
trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tổ chức khám ngay thì tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy hoặc việc thu thập chứng cứ
không thể thực hiện được;
b) Trường hợp khám nơi cất giấu
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang được thực hiện mà chưa kết thúc,
là trường hợp mà việc khám được bắt đầu từ trước 22 giờ cùng ngày mà chưa kết
thúc đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.
5. Mọi trường hợp khám nơi cất
giấu tang vật, phương tiện đều phải lập biên bản theo đúng mẫu quy định.
Điều 18. Thủ
tục bảo lãnh hành chính
Thủ tục bảo lãnh hành chính theo
Điều 50 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Bảo lãnh hành chính do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong thời gian xem xét việc áp dụng một
trong các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa
bệnh. Bảo lãnh hành chính được giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội nơi đối tượng
cư trú thực hiện. Trong trường hợp người được bảo lãnh là người chưa thành niên
thì bảo lãnh hành chính được giao cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó
thực hiện.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện ra quyết định về việc giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức
xã hội nơi đối tượng cư trú; trong quyết định phải ghi rõ: ngày, tháng, năm quyết
định; họ, tên, chức vụ của người quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh,
nơi cư trú của người được giao bảo lãnh hoặc tên, địa chỉ của tổ chức xã hội được
giao bảo lãnh; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được bảo
lãnh; lý do của việc giao bảo lãnh; thời hạn bảo lãnh; trách nhiệm của người được
bảo lãnh, trách nhiệm của người hoặc tổ chức nhận bảo lãnh và trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú; chữ ký của người quyết định giao bảo
lãnh. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định, quyết định giao bảo
lãnh được gửi cho người hoặc tổ chức nhận bảo lãnh, người được bảo lãnh và Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi người được bảo lãnh cư trú để tổ chức thực hiện.
3. Thời hạn bảo lãnh hành chính
do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, tối đa không quá 35 ngày đối
với trường hợp người được bảo lãnh thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, đưa
vào cơ sở chữa bệnh và tối đa không quá 50 ngày đối với trường hợp người được bảo
lãnh thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục. Việc bảo lãnh hành chính chấm dứt
khi hết thời hạn ghi trong quyết định giao bảo lãnh. Trong trường hợp chưa hết
thời hạn bảo lãnh mà đã có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời
hạn bảo lãnh chấm dứt vào thời điểm đối tượng được đưa đi chấp hành biện pháp xử
lý hành chính tại trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Điều 19.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thời gian bảo lãnh hành chính
1. Trong thời gian bảo lãnh hành
chính, gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh hành chính có trách nhiệm:
a) Giám sát, quản lý không để
người được bảo lãnh tiếp tục vi phạm pháp luật;
b) Bảo đảm sự có mặt của người
được bảo lãnh tại nơi cư trú khi có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa
vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;
c) Báo cáo kịp thời với Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giao bảo lãnh để Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp người được
bảo lãnh bỏ trốn hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian bảo
lãnh.
2. Trong thời gian bảo lãnh hành
chính, người được bảo lãnh hành chính có trách nhiệm:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh các
quy định của pháp luật về tạm trú, tạm vắng. Khi đi ra khỏi địa bàn xã, phường,
thị trấn phải thông báo cho gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh biết về
địa chỉ nơi đến, thời gian tạm trú tại đó;
b) Có mặt kịp thời tại trụ sở Ủy
ban nhân dân cấp xã khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu.
3. Trong thời gian bảo lãnh hành
chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được bảo lãnh hành chính cư
trú có trách nhiệm:
a) Thông báo cho gia đình, tổ chức
xã hội được giao bảo lãnh và người được bảo lãnh về quyền và nghĩa vụ của họ
trong thời gian bảo lãnh;
b) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ
gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh trong việc quản lý, giám sát người
được bảo lãnh tại nơi cư trú;
c) Khi được thông báo về việc
người được bảo lãnh bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc có hành vi vi phạm pháp luật,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện nơi đã ra quyết định bảo lãnh để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy
định của pháp luật.
Chương 4.
THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM
HÀNH CHÍNH
Điều 20.
Đình chỉ hành vi vi phạm
Đình chỉ hành vi vi phạm theo Điều
53 của Pháp lệnh được quy định như sau:
Khi phát hiện vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải ra quyết định đỉnh chỉ
ngay hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc
quyết định thể hiện bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tùy từng
trường hợp vi phạm cụ thể.
Điều 21. Thủ
tục xử phạt đơn giản
Việc áp dụng thủ tục xử phạt đơn
giản theo Điều 54 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Xử phạt theo thủ tục đơn giản
quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh là trường hợp xử phạt, theo đó người có thẩm
quyền xử phạt không lập biên bản về vi phạm hành chính mà ra quyết định xử phạt
tại chỗ, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện,
thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục
đơn giản bao gồm:
a) Hành vi vi phạm hành chính mà
hình thức xử phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến
200.000 đồng;
b) Nhiều hành vi vi phạm hành
chính do một người thực hiện mà hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi này đều
là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng.
2. Quyết định xử phạt phải thể
hiện bằng văn bản theo mẫu quy định. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền
phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt
do Bộ Tài chính phát hành. Trong trường hợp không nộp tiền phạt tại chỗ, cá
nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn được
quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh.
Điều 22. Lập
biên bản vi phạm hành chính
Việc lập biên bản vi phạm hành
chính theo khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 55a của Pháp lệnh được quy định như
sau:
1. Người có thẩm quyền đang thi
hành công vụ có trách nhiệm lập biên bản theo đúng mẫu quy định đối với vi phạm
hành chính mà mình phát hiện và chuyển ngay tới người có thẩm quyền xử phạt.
Biên bản phải có đầy đủ chữ ký theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Pháp lệnh.
2. Đối với trường hợp sử dụng
phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành
chính trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy
nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng ngoài những nội dung quy định tại khoản
2 Điều 55 của Pháp lệnh thì biên bản vi phạm hành chính có thêm các nội dung
sau: phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi
vi phạm; hình ảnh, bản ghi, dấu vết ghi thu được bằng các phương tiện, thiết bị
kỹ thuật nghiệp vụ; các tình tiết và chứng cứ khác (nếu có).
Việc lập biên bản vi phạm hành
chính thuộc trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh được hiểu là
trường hợp tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành
chính người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng.
Điều 23. Thời
hạn ra quyết định xử phạt
Thời hạn ra quyết định xử phạt
theo Điều 56 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Đối với vụ việc đơn giản,
hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt
trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm
hành chính. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải theo đúng mẫu quy định.
2. Đối với vụ việc có nhiều tình
tiết phức tạp như tang vật, phương tiện cần giám định, cần xác định rõ đối tượng
vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn ra quyết định
xử phạt là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
3. Trong trường hợp xét thấy cần
có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là 10 ngày, trước
khi hết thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt
phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc
gia hạn phải bằng văn bản; thời gian gia hạn không quá 30 ngày.
4. Trừ quyết định áp dụng hình
thức xử phạt trục xuất, người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt
trong các trường hợp sau đây:
a) Đã hết thời hạn quy định tại
khoản 1 Điều này:
b) Đã hết thời hạn ra quyết định
xử phạt quy định tại khoản 2 Điều này mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn
nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn;
c) Đã hết thời hạn được cấp có
thẩm quyền gia hạn.
5. Trong trường hợp không ra quyết
định xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện
pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh và tịch
thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành, lưu thông.
Điều 24. Chấp
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Việc chấp hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính theo Điều 64 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt
phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể
từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết
định cho người bị xử phạt hoặc thông báo cho họ đến nhận; thời điểm người bị xử
phạt nhận được quyết định xử phạt được coi là thời điểm được giao quyết định
quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh.
2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt
không tự nguyện chấp hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì bị
cưỡng chế thi hành.
3. Trường hợp
đã qua một năm, mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến
người bị xử phạt do người đó không đến nhận và không xác định được địa chỉ của
họ hoặc lý do khách quan khác thì người đã ra quyết định xử phạt ra quyết định
đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt ghi trong quyết định đối với người đó,
trừ hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đối với tang vật,
phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ thì áp dụng theo quy định tại khoản 4
Điều 61 của Pháp lệnh; nếu cần áp dụng biện pháp khắc
phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh hoặc tiêu hủy vật phẩm
gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, thì người có thẩm quyền phải
tổ chức thực hiện các biện pháp này. Ngân sách nhà nước chi trả cho việc thực
hiện các biện pháp này hoặc được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch
thu (nếu có).
Điều 25.
Quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt
vi phạm hành chính
Quyết định buộc khắc phục hậu quả
trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định
như sau:
1. Trong trường hợp quá thời hiệu
xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh hoặc quá thời
hạn ra quyết định xử phạt quy định tại Điều 23 Nghị định này, người có thẩm quyền
không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn có thể quyết định áp dụng các biện
pháp khắc phục hậu quả.
2. Quyết định buộc khắc phục hậu
quả phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định. Trong quyết định phải ghi rõ:
ngày, tháng, năm quyết định; họ, tên, chức vụ của người quyết định; họ, tên, địa
chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành
vi vi phạm hành chính; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm;
điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; lý do không áp dụng hình thức xử
phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng; thời hạn thi hành quyết định
khắc phục hậu quả; chữ ký của người ra quyết định.
Điều 26.
Xác định mức trung bình của khung tiền phạt
Việc xác định mức trung bình của
khung tiền phạt theo khoản 2 Điều 57 của Pháp lệnh được quy định như sau:
Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ
thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm
nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức
trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức
tối thiểu cộng với mức tối đa.
Điều 27.
Trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần
1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần
được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng
trở lên đối với cá nhân và từ 100.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
b) Đang gặp khó khăn đặc biệt về
kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải
được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó làm
việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ
chức phải được xác nhận của cơ quan thuế (hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý
nhà nước).
2. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều
lần không quá mười hai tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần
nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần và mỗi lần nộp tiền phạt tối thiểu không
dưới một phần ba (1/3) tổng số tiền phải nộp phạt. Số tiền chưa nộp phạt phải
chịu lãi suất không kỳ hạn được tính từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực.
3. Người đã ra quyết định phạt
tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp
tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Điều 28.
Nơi nộp tiền phạt
Nơi nộp tiền phạt theo Điều 58 của
Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt
phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Điều 57 của Pháp lệnh,
trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ và những trường hợp quy định tại khoản
2 Điều này.
2. Tại những vùng xa xôi, hẻo
lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài
giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người
có thẩm quyền xử phạt.
“Vùng xa xôi, hẻo lánh” là những
vùng thuộc miền núi, hải đảo và những nơi khác không có hoặc cách quá xa Kho bạc
Nhà nước.
3. Bộ Tài chính quy định cụ thể
việc thu và nộp tiền phạt trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều
này.
Điều 29. Trả
lại giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết
định phạt tiền trong trường hợp được hoãn chấp hành quyết định, được nộp tiền
phạt nhiều lần
Việc trả lại giấy tờ hoặc tang vật,
phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định phạt tiền trong trường
hợp được hoãn chấp hành quyết định theo khoản 4 Điều 65 của Pháp lệnh được quy
định như sau:
1. Trong trường hợp cá nhân được
hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 hoặc cá nhân, tổ
chức được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại khoản 5 Điều 57 của Pháp lệnh
thì người đó được nhận lại giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy
tờ cần thiết khác có liên quan hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo
đảm thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 57 của Pháp lệnh.
2. Người có thẩm quyền xử phạt
có trách nhiệm trả lại cho người được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền hoặc
người được nộp tiền phạt nhiều lần các giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện bị tạm
giữ quy định tại khoản 1 Điều này khi quyết định hoãn chấp hành quyết định phạt
tiền, quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần có hiệu lực thi hành.
Điều 30.
Chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành
Việc chuyển quyết định xử phạt
vi phạm hành chính để thi hành theo Điều 68 của Pháp lệnh được quy định như
sau:
1. Trong trường hợp cá nhân, tổ
chức thực hiện vi phạm hành chính ở đơn vị hành chính thuộc tỉnh này nhưng cư trú,
đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại
nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư
trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức
đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Ủy
ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.
2. Trong trường hợp vi phạm xảy
ra ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những
vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi
phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết
định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để
tổ chức thi hành.
Điều 31.
Đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Quyết định xử phạt vi phạm
hành chính của người có thẩm quyền xử phạt được đóng dấu cơ quan của người có
thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó.
2. Đối với quyết định xử phạt của
người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh thì dấu được
đóng lên 1/3 (một phần ba) chữ ký về phía bên trái chữ ký của người có thẩm quyền
quyết định xử phạt.
3. Đối với quyết định xử phạt của
những người có thẩm quyền xử phạt mà không có quyền đóng dấu trực tiếp thì quyết
định xử phạt được đóng dấu cơ quan của người ra quyết định xử phạt vào góc trái
tại phần trên cùng của quyết định, nơi ghi tên cơ quan xử phạt và số, ký hiệu của
quyết định xử phạt.
Điều 32. Trả
lại hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính
Trả lại hồ sơ vụ vi phạm để xử
phạt hành chính theo Điều 63 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Trong trường hợp hồ sơ vụ vi
phạm đã được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo
quy định tại khoản 1 Điều 62 của Pháp lệnh, nhưng xét thấy có hành vi vi phạm
không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người
có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại
hồ sơ vụ vi phạm cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời
hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định phải gửi trả hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với
quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt.
2. Người có thẩm quyền xử phạt
phải ra quyết định xử phạt đối với vụ việc vi phạm tại khoản 1 Điều này trong
thời hạn sau đây:
a) Nếu trước khi chuyển vụ việc
vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt đã
xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này
thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết
định trả lại hồ sơ vụ vi phạm;
b) Nếu trước khi chuyển vụ việc
vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt
chưa xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định
này, thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định trả lại hồ sơ vụ việc vi phạm. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm
thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm
có thể xin gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều
23 Nghị định này.
Điều 33.
Chuyển hồ sơ đối tượng thuộc vụ án hình sự không bị khởi tố bị can để xử lý vi
phạm hành chính
Việc chuyển hồ sơ của người thuộc
vụ án hình sự không bị khởi tố bị can để xử lý vi phạm hành chính theo Điều 63
của Pháp lệnh được quy định như sau:
Trong trường hợp người có hành
vi vi phạm thuộc vụ án hình sự đã bị khởi tố nhưng không bị khởi tố bị can mà
hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền của cơ
quan tiến hành tố tụng hình sự đang thụ lý vụ án đó phải ra quyết định chuyển hồ
sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Hồ sơ vụ vi phạm
bao gồm: bản sao biên bản về vụ vi phạm, quyết định đình chỉ điều tra đối với đối
tượng, tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm (nếu có) và bản sao các
tài liệu khác liên quan trực tiếp đến người vi phạm đó.
Điều 34.
Xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định
khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
1. Sau khi tiến hành tạm giữ
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải tiến
hành định giá làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
đối với vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về việc định giá tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính.
2. Tùy theo
loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá dựa trên một trong các căn
cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Giá niêm yết hoặc giá ghi
trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;
b) Giá thị trường đối với tang vật,
phương tiện tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo thông báo giá của
cơ quan Tài chính địa phương;
c) Giá thành của tang vật,
phương tiện nếu là hàng hóa chưa xuất bán;
d) Đối với
tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá
thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng
tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.
đ) Giá trị thực tế còn lại của
tang vật, phương tiện.
3. Trường hợp
không áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để định giá tang vật,
phương tiện thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt thành lập Hội đồng định
giá. Hội đồng định giá phải có sự tham gia của đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu
giá cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan tài chính cấp huyện. Căn cứ tính chất, đặc
điểm của từng vụ việc, người ra quyết định thành lập Hội đồng quyết định các
thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan tham
gia Hội đồng.
Nếu trị giá tang vật, phương tiện
vi phạm thuộc thẩm quyền tịch thu của người đã ra quyết định tạm giữ thì người
đó quyết định tịch thu; trong trường hợp trị giá tang vật, phương tiện vi phạm
vượt quá thẩm quyền tịch thu của người đã quyết định tạm giữ tang vật thì phải
chuyển vụ việc vi phạm đến người có thẩm quyền.
4. Căn cứ định giá và các tài liệu
liên quan đến việc định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 35. Xử
lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính
1. Trong thời
hạn 5 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định tịch
thu và thông báo đến cơ quan tài chính cùng cấp. Riêng đối với tang vật vi phạm
hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu
phải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh và theo hướng dẫn của
Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Trong thời
hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính, cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài
chính và các ngành liên quan tổ chức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính đó như sau:
a) Đối với tang vật là tiền Việt
Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì chuyển
giao cho Kho bạc Nhà nước; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài
sản thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương;
b) Đối với các tang vật, phương
tiện khác như: vũ khí; công cụ hỗ trợ; vật có giá trị lịch sử, văn hóa; bảo vật
quốc gia; cổ vật; hàng lâm sản quý hiếm và các tài sản khác thì chuyển giao cho
cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp
luật;
c) Đối với
các tang vật, phương tiện đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao
cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định
tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ
quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng.
Việc bàn giao và tiếp nhận các
tang vật, phương tiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này phải
được tiến hành theo quy định của pháp luật về bàn giao và tiếp nhận tài sản nhà
nước;
d) Đối với các tang vật, phương
tiện là hàng hóa, vật phẩm không được bán đấu giá thì xử lý theo đúng quy định
về loại hàng hóa, vật phẩm đó;
đ) Đối với các tang vật, phương
tiện bị tịch thu, bán sung quỹ nhà nước, thì phải chuyển giao để bán đấu giá
theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Việc chuyển giao tang vật,
phương tiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này phải được lập thành biên bản.
Biên bản bàn giao tang vật, phương tiện phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao;
người bàn giao; người nhận, chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình
trạng (chất lượng) tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang
vật, phương tiện bị tịch thu.
Hồ sơ bàn giao tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính cho cơ quan tiếp nhận, xử lý tài sản và Trung tâm dịch
vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện gồm: quyết định
tịch thu sung quỹ nhà nước; các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sở hữu,
quyền sử dụng hợp pháp (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan;
e) Đối với
tang vật, phương tiện bị tịch thu mà không bán được thì thủ trưởng cơ quan của
người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu quyết định thành lập Hội đồng để
thanh lý tài sản trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo
của Trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá cấp huyện về việc
tang vật, phương tiện bị tịch thu không bán được.
Thành phần của Hội đồng thanh lý
tài sản bao gồm: lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Chủ tịch Hội đồng;
lãnh đạo cơ quan tài chính cùng cấp làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Tùy theo tính chất,
đặc điểm của tang vật, phương tiện thanh lý và tình hình thực tế tại địa
phương, người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định các thành viên là đại
diện cơ quan Tư pháp, Quản lý thị trường, các cơ quan chuyên môn có liên quan
tham gia Hội đồng.
Điều 36.
Chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để bán đấu giá
1. Đối với tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều
61 của Pháp lệnh thì người đã ra quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản
tang vật, phương tiện đó. Căn cứ vào giá trị tang vật, phương tiện được xác định
theo quy định tại Điều 34 Nghị định này, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết
định tịch thu, người đã quyết định tịch thu phải chuyển giao tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm để bán đấu giá theo quy định
tại khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm
bị tịch thu cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu
giá của cấp huyện không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính.
2. Việc chuyển giao tang vật,
phương tiện cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản.
Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận;
chữ ký của người giao, người nhận, số lượng, tình trạng tang vật, phương tiện bị
tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu để bán đấu
giá. Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách
nhiệm bán đấu giá bao gồm: quyết định tịch thu tang vật, phương tiện; các giấy
tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có);
văn bản định giá tang vật, phương tiện và biên bản bàn giao tang vật, phương tiện
đó.
3. Trong trường hợp tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện
không có nơi cất giữ thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp
đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tang vật, phương tiện đó. Chi phí cho việc
thực hiện hợp đồng được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tang vật, phương tiện
thu được sau khi bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này.
4. Khi tang vật, phương tiện vi
phạm hành chính bị tịch thu đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán
đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của
pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Điều 37. Quản
lý số tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà
nước do vi phạm hành chính
1. Số tiền thu được từ việc bán
đấu giá tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước phải được nộp vào tài
khoản tạm giữ của cơ quan tài chính tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp sau khi trừ
các khoản chi phí cho vận chuyển, giao nhận, bảo quản và phí bán đấu giá theo
quy định của pháp luật.
2. Cơ quan tài chính các cấp có
trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến công tác
xác minh, điều tra, mua tin, bắt giữ, cung cấp tin phát hiện, xử lý vi phạm, xử
lý tài sản (phân loại, định giá) và các chi phí khác có liên quan đến quản lý xử
lý tài sản. Số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của
pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Bộ trưởng Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 38.
Ban hành mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính.
Các mẫu biên bản và quyết định để
sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kèm theo các nghị định
quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước căn
cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 54, 55, 55a, 56, 61, 71, 78, 87, 96 của Pháp lệnh
Xử lý vi phạm hành chính.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Hiệu
lực của Nghị định
Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 và thay thế Nghị định số 134/2003/NĐ-CP
ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh
Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Điều 40.
Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, PL (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|