Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 120/2021/NĐ-CP chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường

Số hiệu: 120/2021/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phạm Bình Minh
Ngày ban hành: 24/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thêm đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường

Ngày 24/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2021/NĐ-CP áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo đó, từ 01/01/2022, bổ sung thêm đối tượng phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sau:

Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

(Hiện hành, quy định đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường).

Ngoài ra, còn bổ sung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi sau đây nhưng không phải là tội phạm:

 - Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

- Chiếm giữ trái phép tài sản

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác

- Đua xe trái phép

Nghị định 120/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định 111/2013/NĐ-CP và Nghị định 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn) và việc xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình (sau đây gọi là biện pháp quản lý tại gia đình).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người bị đề nghị và bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Người được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị và quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Kịp thời, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

2. Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người vi phạm.

3. Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người vi phạm.

4. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

6. Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

7. Chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này, chỉ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

8. Trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ.

Điều 4. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

1. Ngoài tình tiết giảm nhẹ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người có thẩm quyền có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ là người vi phạm đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

2. Tình tiết tăng nặng được xem xét áp dụng khi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là các điểm a, c, đ, e, g, k và m khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Đối tượng, thời hiệu, thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nước ngoài.

2. Đối tượng và thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 01 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

c) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

d) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

đ) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm này;

e) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này.

3. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Điều 6. Điều kiện chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Đối tượng quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 5 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

b) Gia đình có nguồn thu nhập ổn định; có chỗ ở để người chưa thành niên sống cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; có điều kiện phối hợp với cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên;

c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ có nhân thân tốt, tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý người chưa thành niên tại gia đình; có thời gian để giáo dục, quản lý, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để người chưa thành niên tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

d) Có bản cam kết của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình

1. Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người vi phạm cư trú;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đặt trụ sở;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối, không có nơi cư trú ổn định.

2. Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình quy định tại khoản 2 Điều 140 của Luật Xử lý vi phạm hành chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú.

3. Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 8. Hủy bỏ, ban hành mới quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Người đã ban hành quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không đúng đối tượng áp dụng;

b) Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;

c) Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;

d) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

đ) Trường hợp xác định hành vi vi phạm không đúng quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

e) Trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

g) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

h) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này.

2. Trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

Điều 9. Đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Người đã ban hành quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm đính chính quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu quyết định có sai sót về kỹ thuật soạn thảo.

2. Người đã ban hành quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu quyết định có sai sót, vi phạm mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này và khoản 1 Điều này.

3. Quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được lưu trong hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc hồ sơ áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

Điều 10. Thực hiện việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn

1. Việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được thực hiện khi còn thời hạn, thời hiệu áp dụng biện pháp.

2. Việc ban hành quyết định mới trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này trong trường hợp còn thời hiệu áp dụng biện pháp.

3. Quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, quyết định mới trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được ban hành có hiệu lực kể từ ngày ký.

4. Trường hợp quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, quyết định mới được ban hành có quy định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình ít hơn thời gian mà người vi phạm đã chấp hành tại quyết định cũ thì người vi phạm được chấm dứt chấp hành biện pháp và được coi là đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.

Trường hợp quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, quyết định mới được ban hành có quy định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình dài hơn thời gian mà người vi phạm đã chấp hành tại quyết định cũ thì người vi phạm phải tiếp tục chấp hành thời gian còn lại, sau khi đã trừ đi phần thời gian đã chấp hành.

Điều 11. Thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc 01 năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm, thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 12. Kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

a) Chi phí xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Chi phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện;

c) Chi phí tổ chức cuộc họp tư vấn;

d) Chi phí cho việc chuyển giao đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội;

đ) Chi phí cho việc tổ chức quản lý đối với trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;

e) Chi phí cho việc tổ chức giáo dục, quản lý người chưa thành niên tại các cơ sở bảo trợ xã hội;

g) Chi phí hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục;

h) Chi phí cho công tác quản lý việc thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

i) Các chi phí cần thiết khác.

2. Kinh phí quy định tại khoản 1 Điều này do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn kinh phí khác (nếu có).

3. Mức kinh phí hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục tối thiểu là 360.000 đồng/tháng.

Chương II

THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ, XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TẠI GIA ĐÌNH

Điều 13. Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định này do Trưởng Công an cấp xã tự lập hoặc trên cơ sở đề nghị của những người sau đây:

a) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở;

b) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người vi phạm đang làm việc hoặc học tập;

c) Đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở gồm: Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc và các đơn vị tương đương.

2. Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được lập thành văn bản và gửi đến Trưởng Công an cấp xã. Người đề nghị phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trong văn bản đề nghị quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Nội dung của văn bản đề nghị phải ghi rõ địa danh, ngày, tháng, năm; họ, tên và tên cơ quan, tổ chức của người đề nghị; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nhân thân của người vi phạm; hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm, lý do đề nghị, tài liệu liên quan (nếu có); chữ ký của người đề nghị.

4. Xem xét, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm.

Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên, thì tham khảo ý kiến của công chức văn hóa - xã hội chuyên trách theo dõi về lao động - thương binh và xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội hoặc cộng tác viên bảo vệ trẻ em (nếu có) và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở về đặc điểm và hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên;

b) Trưởng Công an cấp xã không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ nếu văn bản đề nghị không đúng đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định này hoặc sự việc đang trong quá trình hòa giải hoặc đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ, thì Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến người đề nghị ngay sau khi hết thời hạn kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Trường hợp chấp nhận đề nghị lập hồ sơ, Trường Công an cấp xã tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thông báo bằng văn bản cho người đề nghị về việc chấp nhận lập hồ sơ đề nghị.

5. Trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên, nếu xét thấy đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, thì Trưởng Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

Điều 14. Thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định này cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Xử lý vi phạm hành chính lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

Điều 15. Thu thập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

a) Thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm;

b) Tài liệu về việc xác định độ tuổi;

c) Tài liệu về việc xác minh nơi cư trú;

d) Tài liệu về kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể hoặc kết quả xác định tình trạng nghiện đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này;

đ) Thông tin và tài liệu khác có liên quan (nếu có).

2. Đối với người chưa thành niên, ngoài các thông tin, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm:

a) Thu thập thêm thông tin về hoàn cảnh gia đình, quan hệ bạn bè và hoàn cảnh dẫn đến vi phạm;

b) Lấy ý kiến nhận xét của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập, làm việc (nếu có);

c) Lấy ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, trừ trường hợp người chưa thành niên được chuyển đến cơ sở bảo trợ xã hội.

3. Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị có trách nhiệm thu thập các thông tin, tài liệu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. Thông tin thu thập được phải thể hiện bằng văn bản.

4. Công chức tư pháp - hộ tịch, công chức văn hóa - xã hội chuyên trách theo dõi về lao động - thương binh và xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên bảo vệ trẻ em (nếu có), cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, nhà trường, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu hoặc có ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan công an trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị.

Điều 16. Xác định độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị có trách nhiệm xác định độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Việc xác định độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được thể hiện bằng văn bản.

Điều 17. Xác minh nơi cư trú và chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị có trách nhiệm xác minh nơi cư trú của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Đối với các địa bàn là vùng miền núi, hải đảo, vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn thì thời hạn xác minh nơi cư trú có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 10 ngày, kể từ khi thụ lý hồ sơ.

2. Người được xác định có nơi cư trú ổn định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là người hiện đang sinh sống tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú;

b) Trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, tạm trú thì nơi cư trú ổn định là nơi ở hiện tại của đối tượng được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú và có thời gian thường xuyên sinh sống từ 30 ngày trở lên, có xác nhận của Trưởng Công an cấp xã.

3. Người được xác định không có nơi cư trú ổn định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là người có đăng ký thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, có xác nhận của Trưởng Công an cấp xã nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú về việc người đó không sinh sống ở nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú và không biết người đó đang ở đâu;

b) Thành viên gia đình theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hiện không biết người đó hiện nay đang ở đâu và cơ quan Công an tra cứu thông tin được lưu trữ theo quy định của pháp luật nhưng cũng không xác định được người đó đang ở đâu;

c) Người không đăng ký thường trú hoặc tạm trú và thời gian sinh sống ở một nơi cố định dưới 30 ngày.

4. Việc xác minh nơi cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi xác minh được nơi cư trú và hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, đối với đối tượng có nơi cư trú ổn định tại địa phương nơi họ thực hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị phải chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú ổn định để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi xác minh được nơi cư trú và hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, đối với đối tượng không cư trú tại địa phương nơi họ thực hiện hành vi vi phạm, thì người có thẩm quyền lập hồ sơ xử lý như sau:

a) Trưởng Công an cấp xã đã lập hồ sơ đối với đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định này chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú ổn định để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Cơ quan Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh đã lập hồ sơ đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú ổn định để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi thực hiện xong việc xác minh nơi cư trú và hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định là người chưa thành niên, người từ đủ 18 tuổi trở lên quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này, mà không xác minh được nơi cư trú, thì người có thẩm quyền lập hồ sơ xử lý như sau:

a) Đối với đối tượng là người chưa thành niên, Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc chuyển đối tượng và bản sao hồ sơ đến cơ sở bảo trợ xã hội theo danh mục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; đồng thời, chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cơ sở bảo trợ xã hội đó đóng trụ sở, để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Đối với đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc chuyển đối tượng và hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 18. Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện

1. Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy đối với các đối tượng sau:

a) Đối tượng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này;

b) Đối tượng đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

2. Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy trong cơ thể thì người có thẩm quyền hoặc người đề nghị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người vi phạm gửi ngay kết quả đến Trưởng Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc Trưởng Công an cấp xã nơi người đó thực hiện hành vi vi phạm để xem xét, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được xác định là nghiện ma túy thì thực hiện việc cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

4. Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mà được xác định là nghiện ma túy thì người có thẩm quyền xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định này.

Điều 19. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Văn bản đề nghị lập hồ sơ đề nghị.

2. Bản tóm tắt lý lịch của người vi phạm.

3. Văn bản, tài liệu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 15 Nghị định này.

4. Bệnh án (nếu có).

5. Bản tường trình của người vi phạm.

Trường hợp người vi phạm không biết chữ hoặc không thể viết bản tường trình thì có thể nhờ người khác viết hộ, người vi phạm phải điểm chỉ vào từng trang của bản tường trình;

6. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Điều 20. Xử lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ nơi khác chuyển đến

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 17 Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao hồ sơ cho Trưởng Công an cùng cấp kiểm tra, bổ sung các thông tin, tài liệu theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Thời hạn kiểm tra, bổ sung các thông tin, tài liệu là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Điều 21. Gửi hồ sơ và thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải thông báo ngay bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.

Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Văn bản thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Họ, tên người vi phạm;

b) Lý do lập hồ sơ đề nghị;

c) Quyền đọc, ghi chép những nội dung cần thiết trong hồ sơ của người nhận được thông báo; địa điểm, thời hạn đọc, ghi chép;

d) Quyền phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị tại cuộc họp tư vấn.

3. Việc đọc, ghi chép các nội dung cần thiết của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc, ghi chép các nội dung cần thiết quy định tại khoản 3 Điều này, tùy từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gửi hồ sơ đến một trong các chủ thể sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định.

Điều 22. Cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp tư vấn để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp.

2. Thành phần tham gia cuộc họp tư vấn gồm có:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Trưởng Công an cấp xã;

c) Công chức tư pháp - hộ tịch;

d) Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở;

đ) Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp là người chưa thành niên, thì ngoài những thành phần quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, phải có sự tham gia của công chức văn hóa - xã hội, cộng tác viên công tác xã hội hoặc cộng tác viên trẻ em (nếu có); đại diện nhà trường (nếu có); đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đang ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì phải có đại diện của cơ sở đó;

e) Trường hợp cần thiết, có thể mời đại diện tổ hòa giải, cơ quan Công an nơi đã chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tham dự.

3. Những người được mời tham dự cuộc họp tư vấn:

a) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên;

c) Người bị hại (nếu có);

d) Người đại diện hợp pháp tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của đối tượng (nếu có).

4. Việc mời những người quy định tại khoản 3 Điều này tham gia cuộc họp được thể hiện bằng văn bản và phải được gửi trước khi tổ chức cuộc họp ít nhất là 03 ngày làm việc.

5. Những người tham gia cuộc họp quy định tại khoản 3 Điều này phải được phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được, thì có thể gửi ý kiến bằng văn bản.

6. Hoãn cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên không tham dự được mà có lý do chính đáng.

Cuộc họp tư vấn được hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 02 ngày làm việc, thời gian hoãn không tính vào thời gian xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp này.

Trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên vẫn không thu xếp tham dự cuộc họp sau thời gian hoãn nêu trên do không có mặt tại địa phương, điều kiện sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác thì phải có trách nhiệm cử người đại diện cho gia đình tham dự cuộc họp.

7. Cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vẫn tiếp tục được tổ chức nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cố tình trốn tránh không tham dự cuộc họp tư vấn;

b) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được cuộc họp tư vấn và cũng không gửi ý kiến bằng văn bản;

c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thể tham dự được cuộc họp tư vấn do có lý do chính đáng và đã hoãn theo quy định tại khoản 6 Điều này.

8. Cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ được tổ chức khi có sự tham gia của ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên quy định tại khoản 2 Điều này được mời.

9. Trình tự, nội dung của cuộc họp tư vấn:

a) Đại diện Công an cấp xã nêu hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, kết quả xác minh, chứng cứ thu thập được, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, biện pháp hòa giải, các biện pháp giúp đỡ, giáo dục đã áp dụng đối với người đó (nếu có);

b) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trình bày lý do vi phạm pháp luật, nhận thức của mình về hành vi vi phạm và kế hoạch sửa chữa khuyết điểm; đưa ra các chứng cứ có liên quan.

Trường hợp họ vắng mặt và có ý kiến bằng văn bản, thì ý kiến của họ phải được đọc tại cuộc họp;

c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, lý do vi phạm, trách nhiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên tại gia đình;

d) Người bị hại phát biểu ý kiến về thiệt hại của mình;

đ) Công chức văn hóa - xã hội hoặc cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác trẻ em (nếu có); đại diện nhà trường (nếu có) phát biểu ý kiến về nhân thân của người bị đề nghị giáo dục, hoàn cảnh gia đình, đề xuất biện pháp giáo dục, hỗ trợ phù hợp;

e) Các thành viên thảo luận về sự cần thiết áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của đối tượng; các hình thức, biện pháp giáo dục; thời gian áp dụng biện pháp; lựa chọn cơ quan, tổ chức phù hợp để giao trách nhiệm giáo dục, quản lý đối tượng; khả năng áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, các hình thức giáo dục, hỗ trợ đối với đối tượng là người chưa thành niên.

10. Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản và lưu vào hồ sơ.

Điều 23. Hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Căn cứ vào biên bản cuộc họp, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ngay sau khi kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm có:

a) Báo cáo tóm tắt về nội dung cuộc họp, trong đó đề xuất áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn; lý do đề xuất; các ý kiến khác nhau của thành viên cuộc họp tư vấn (nếu có).

Trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, ngoài những nội dung nêu trên, báo cáo tóm tắt phải đề xuất thời hạn áp dụng, cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý đối tượng;

b) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 19 Nghị định này;

c) Biên bản cuộc họp tư vấn;

d) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Điều 24. Đề nghị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Biện pháp quản lý tại gia đình được xem xét áp dụng trong các giai đoạn sau đây:

a) Xem xét đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Thu thập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

c) Xử lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ nơi khác chuyển đến;

d) Sau khi kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên phải lập bản cam kết gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 6 Nghị định này;

b) Phối hợp chặt chẽ với tổ chức, cá nhân được phân công giám sát để giáo dục, quản lý người chưa thành niên;

c) Báo cáo theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về tình hình quản lý người chưa thành niên;

d) Thực hiện tốt việc giáo dục, quản lý để người chưa thành niên không vi phạm pháp luật.

3. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình gồm có:

a) Văn bản đề nghị của người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị, trong đó nêu rõ thông tin về nhân thân của người chưa thành niên; đề xuất áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; lý do đề nghị áp dụng; dự kiến thời hạn áp dụng và tên tổ chức, cá nhân phối hợp cùng gia đình trong việc giám sát người chưa thành niên;

b) Hồ sơ của người chưa thành niên vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;

c) Văn bản cam kết của cha, mẹ hoặc người giám hộ;

d) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Điều 25. Ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình của Trưởng Công an cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định:

a) Áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

b) Chuyển lại để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp không đồng ý với đề nghị của Trưởng Công an cùng cấp trong giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 24 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét ra một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Quyết định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

c) Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.

Điều 26. Quyết định và thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

c) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của đối tượng được giáo dục;

d) Hành vi vi phạm pháp luật; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;

đ) Tên và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý.

Trường hợp đối tượng được giáo dục là người chưa thành niên, thì giao cho cha, mẹ hoặc người giám hộ để phối hợp giáo dục, quản lý.

Trường hợp đối tượng được giáo dục là người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định, thì giao cho cơ sở bảo trợ xã hội để giáo dục, quản lý.

Trường hợp đối tượng được giáo dục là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định, thì giao cho Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức khác phù hợp tại địa phương để giáo dục, quản lý;

e) Thời hạn áp dụng biện pháp; ngày thi hành quyết định;

g) Quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký, quyết định được gửi cho người được giáo dục, gia đình người được giáo dục, cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 108 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 27. Quyết định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Quyết định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

c) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

d) Hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;

đ) Lý do không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Quyết định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực kể từ ngày ký.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có hiệu lực, quyết định được gửi cho người không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và gửi cho cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đối với người chưa thành niên đang ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, quyết định được gửi đến cơ sở bảo trợ xã hội và cơ quan đã gửi hồ sơ.

Điều 28. Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

c) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chưa thành niên;

d) Lý do áp dụng;

đ) Họ, tên, nơi cư trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ;

e) Thời hạn áp dụng, ngày thi hành quyết định;

g) Tên tổ chức, cá nhân phối hợp giám sát;

h) Trách nhiệm của người chưa thành niên nếu tiếp tục vi phạm pháp luật;

i) Quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình có hiệu lực kể từ ngày ký.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có hiệu lực, quyết định được gửi cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và tổ chức, cá nhân phối hợp giám sát người chưa thành niên để thực hiện.

Chương III

THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TẠI GIA ĐÌNH

Mục 1. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 29. Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục

1. Nguyên tắc phân công:

a) Người được phân công giúp đỡ là cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục;

b) Một người có thể được phân công giáo dục, quản lý, giúp đỡ nhiều người nhưng không quá 03 người cùng một thời điểm.

Trường hợp người được phân công giúp đỡ không còn điều kiện giúp đỡ hoặc không hoàn thành trách nhiệm được giao, thì tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý phải kịp thời phân công người khác thay thế và phải thông báo bằng văn bản đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành hoặc nhận được quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội phân công một người trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục.

Điều 30. Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định phân công người trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục, căn cứ thời hạn áp dụng biện pháp, người được phân công phải xây dựng kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục.

2. Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung và hình thức giáo dục;

b) Các biện pháp cụ thể để giám sát, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ người được giáo dục, thời gian thực hiện, việc phối hợp với gia đình và tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

c) Nội dung phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội liên quan tại địa phương đối với trường hợp người chưa thành niên ở tại cơ sở bảo trợ xã hội;

d) Ý kiến của người đứng đầu tổ chức được giao giáo dục đối với kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ.

3. Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ phải được gửi cho người được giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện và gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để lưu hồ sơ thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 31. Nội dung và hình thức giáo dục

1. Việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.

Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục;

c) Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp;

d) Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước;

d) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

2. Việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể được thực hiện bằng các hình thức cơ bản sau đây:

a) Gặp gỡ trực tiếp gia đình, người được giáo dục;

b) Giới thiệu tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm;

c) Cung cấp tài liệu giáo dục tại xã, phường, thị trấn và mời chuyên gia, người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tham gia giáo dục cho người được giáo dục;

d) Thông báo bằng văn bản về gia đình, người được giáo dục về các biện pháp giáo dục, quản lý;

d) Yêu cầu người được giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giáo dục, quản lý;

e) Tổ chức cuộc họp góp ý tại địa bàn dân cư ở cơ sở trong trường hợp cần thiết.

Không tổ chức cuộc họp góp ý đối với trường hợp người được giáo dục là người chưa thành niên.

Điều 32. Cam kết của người được giáo dục

1. Người được giáo dục gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình.

2. Nội dung cam kết gồm:

a) Chấp hành nghiêm pháp luật, nghiêm túc sửa chữa sai phạm;

b) Thực hiện tốt nghĩa vụ học tập, tu dưỡng, rèn luyện;

c) Tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề phù hợp;

d) Tham gia các hoạt động công ích với hình thức phù hợp;

đ) Tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

e) Có mặt khi được yêu cầu;

g) Thực hiện nghiêm quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú.

3. Trường hợp người được giáo dục không biết chữ hoặc không thể viết được cam kết thì có thể nhờ người khác viết hộ, người được giáo dục phải điểm chỉ vào từng trang của bản cam kết.

4. Cam kết của người chưa thành niên phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Điều 33. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức và người được phân công giúp đỡ có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư ở cơ sở và gia đình trong việc theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện nội dung kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ đối với người được giáo dục;

2. Cơ quan, tổ chức xã hội liên quan tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ sở bảo trợ xã hội để cùng giáo dục, quản lý người được giáo dục.

3. Cá nhân, tổ chức được phân công giúp đỡ người được giáo dục sử dụng một hoặc một số hình thức sau đây để thực hiện việc giám sát, quản lý, theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục:

a) Yêu cầu người được giáo dục phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền;

b) Yêu cầu người được giáo dục báo cáo với người được phân công giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và tiến bộ của mình;

c) Tổ chức việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;

d) Tổ chức việc xác định tình trạng nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.

4. Người được phân công giúp đỡ ghi sổ theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục để báo cáo tổ chức được giao giáo dục, quản lý.

5. Tổ chức được giao giáo dục, quản lý có trách nhiệm định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ban hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

Điều 34. Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục

1. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ đối với người được giáo dục là người chưa thành niên được thực hiện như sau:

a) Đối với người đang học tập tại nhà trường, cơ sở giáo dục, người được phân công giúp đỡ và nhà trường cùng có trách nhiệm phối hợp với gia đình người chưa thành niên động viên, giúp đỡ họ học tập, rèn luyện;

b) Đối với người ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì cơ sở bảo trợ xã hội tạo điều kiện để họ tiếp tục tham gia các chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi; tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề tại cộng đồng.

2. Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, thì tổ chức được giao giáo dục, quản lý báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.

3. Thành phần tham dự cuộc họp góp ý:

a) Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Trường Công an cấp xã;

c) Người được phân công giúp đỡ và đại diện của cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý;

d) Đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở;

đ) Người được giáo dục, gia đình của người được giáo dục.

4. Trình tự, nội dung của cuộc họp góp ý:

a) Người được phân công giúp đỡ báo cáo về quá trình giáo dục, quản lý và các vi phạm của người được giáo dục trong thời gian quản lý và đề xuất bổ sung, thay đổi biện pháp giáo dục, quản lý, giúp đỡ phù hợp;

b) Người được giáo dục trình bày nguyên nhân vi phạm cam kết và phương hướng khắc phục, đề xuất giúp đỡ nếu cần thiết;

c) Trên cơ sở báo cáo của người được phân công giúp đỡ và trình bày của người được giáo dục, các thành viên tham gia cuộc họp phân tích, góp ý về những sai phạm của người được giáo dục, giúp đỡ người đó sửa chữa để tiến bộ;

d) Thảo luận và đưa ra biện pháp giáo dục đối với đối tượng;

đ) Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, lưu hồ sơ và gửi cho người được giáo dục và gia đình của họ.

5. Hoãn cuộc họp góp ý và xử lý trong trường hợp không tổ chức cuộc họp góp ý:

a) Hoãn cuộc họp góp ý trong trường hợp người được giáo dục không tham dự được mà có lý do chính đáng.

Cuộc họp góp ý được hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 03 ngày làm việc;

b) Không tổ chức cuộc họp góp ý nếu đã hoãn cuộc họp 02 lần theo quy định tại điểm a khoản này hoặc người được giáo dục cố tình trốn tránh.

Trong trường hợp này, người được phân công trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục xây dựng báo cáo về quá trình giáo dục, quản lý và các vi phạm của người được giáo dục, đề xuất hướng giải quyết hoặc điều chỉnh kế hoạch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Việc điều chỉnh kế hoạch phải được thông báo đến người được giáo dục và gia đình của họ.

6. Trường hợp người được giáo dục đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 41 Nghị định này hoặc theo quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ

1. Quyền của người được phân công giúp đỡ:

a) Gặp gỡ người được giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và những người có liên quan để động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ;

b) Yêu cầu người được giáo dục thực hiện việc báo cáo theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 33 Nghị định này;

c) Đề xuất với tổ chức được giao giáo dục, quản lý, Ủy ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục, quản lý người được giáo dục;

d) Đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục tham gia học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống;

đ) Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục;

e) Nhận kinh phí hỗ trợ dành cho người được phân công giúp đỡ.

2. Nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục;

b) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác và gia đình của người được giáo dục trong việc giáo dục, quản lý đối tượng và giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho người chưa thành niên được giáo dục tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lao động, thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác;

c) Giúp đỡ, động viên người được giáo dục; hỗ trợ, giới thiệu người được giáo dục tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định;

d) Hướng dẫn thực hiện quyền, nghĩa vụ của người được giáo dục;

đ) Đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho họ tham gia học tập, tìm kiếm việc làm;

e) Ghi sổ theo dõi và định kỳ hằng tháng báo cáo tổ chức được giao giáo dục, quản lý;

g) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Quyền của người được giáo dục:

a) Được lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú;

b) Được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương trong trường hợp là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

c) Được tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

d) Được đề đạt nguyện vọng, kiến nghị của mình đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và người được phân công giúp đỡ;

đ) Được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú theo quy định;

e) Khiếu nại, khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các hành vi hành chính khác trong quá trình chấp hành quyết định.

2. Nghĩa vụ của người được giáo dục:

a) Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú;

c) Chịu sự giáo dục, quản lý của cơ quan và tổ chức xã hội và người được phân công giúp đỡ; người chưa thành niên được giáo dục còn nhận sự giáo dục, quản lý của gia đình và nhà trường;

d) Thực hiện nghiêm nội dung đã cam kết;

đ) Có mặt khi người có thẩm quyền yêu cầu;

e) Thông báo, báo cáo về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến lưu trú trong trường hợp được vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định.

Điều 37. Trách nhiệm của cơ sở bảo trợ xã hội

1. Tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị và sau khi có quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Cử đại diện tham gia cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ người chưa thành niên được giáo dục.

4. Tạo điều kiện cho người chưa thành niên được đi học, tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương.

5. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại cộng đồng trong việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên.

6. Tổ chức quản lý người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở.

Điều 38. Việc vắng mặt của người được giáo dục tại nơi cư trú và người được giáo dục tại cơ sở bảo trợ xã hội

1. Người được giáo dục được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc vắng mặt tại cơ sở bảo trợ xã hội nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú.

2. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng tổng số thời gian vắng mặt không được vượt quá 1/3 (một phần ba) thời hạn áp dụng biện pháp, trừ trường hợp người được giáo dục ốm, bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế.

Trường hợp không thực hiện đúng quy định nêu trên thì thời gian vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người đó.

3. Giải quyết trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú dưới 15 ngày như sau:

a) Người được giáo dục hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giáo dục là người dưới 16 tuổi gửi đơn xin phép đến cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục;

b) Cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục xem xét, trả lời bằng văn bản về việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được giáo dục trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn;

c) Trường hợp đồng ý thì phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú về việc người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú.

Trường hợp không đồng ý thì nêu rõ lý do bằng văn bản cho người gửi đơn xin phép biết.

4. Giải quyết trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú từ 15 ngày trở lên như sau:

a) Người được giáo dục hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giáo dục là người dưới 16 tuổi gửi đơn xin phép đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã qua cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý người được giáo dục.

Đơn xin phép vắng mặt phải ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú;

b) Cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục xem xét, có ý kiến về việc người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định bằng văn bản việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được giáo dục sau khi nhận được đơn xin phép và ý kiến của cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục.

Trường hợp không đồng ý thì nêu rõ lý do bằng văn bản cho người gửi đơn xin phép và cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục biết.

5. Giải quyết trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại cơ sở bảo trợ xã hội như sau:

a) Trường hợp vắng mặt dưới 15 ngày thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này, nhưng đơn xin phép được gửi đến cơ sở bảo trợ xã hội xem xét, giải quyết;

b) Trường hợp vắng mặt từ 15 ngày trở lên thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này, nhưng đơn xin phép được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở xem xét, giải quyết qua cơ sở bảo trợ xã hội.

Điều 39. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục

1. Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi cư trú do đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác hoặc vì lý do khác thì giải quyết như sau:

a) Người được giáo dục hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giáo dục là người dưới 16 tuổi gửi đơn đề nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đơn đề nghị phải ghi rõ lý do, nơi đến cư trú và phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý người được giáo dục;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định chuyển việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục đến nơi cư trú mới trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

2. Giải quyết trường hợp xác định được nơi cư trú của người được giáo dục không có nơi cư trú ổn định như sau:

a) Đối với người chưa thành niên được giáo dục tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở xem xét, quyết định chuyển việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục về nơi cư trú của họ;

b) Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ra quyết định áp dụng biện pháp xem xét, quyết định chuyển việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục về nơi cư trú của họ.

3. Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi cư trú theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, thì hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của họ phải được chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến cư trú.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến cư trú có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.

4. Khi thay đổi nơi cư trú, người được giáo dục phải thực hiện quy định của pháp luật về cư trú.

Điều 40. Xử lý đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ áp dụng biện pháp đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ đó và người được tạm đình chỉ phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án hoặc được Tòa án tuyên không phạm tội;

b) Tòa án không xử phạt tù.

3. Trường hợp người được tạm đình chỉ thi hành biện pháp bị Tòa án xử phạt tù thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi đến người được giáo dục; cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý; người được phân công giúp đỡ.

Điều 41. Chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Người được giáo dục đã chấp hành ít nhất 1/2 (một phần hai) thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp và xử lý như sau:

a) Người từ đủ 12 tuổi trở lên đang trong thời gian chấp hành biện pháp mà bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại các Điều 30, 31 và 33 Luật Phòng, chống ma túy thì thực hiện việc cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;

b) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đang trong thời gian chấp hành biện pháp mà bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy, thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 42. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày người được giáo dục chấp hành xong biện pháp.

2. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được lưu hồ sơ.

Bản sao hợp lệ của Giấy chứng nhận gửi cho tổ chức được giao giáo dục, quản lý và gia đình người được giáo dục.

Điều 43. Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ, gồm các tài liệu sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

c) Quyết định phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục;

d) Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục;

đ) Bản cam kết về việc chấp hành quyết định của người được giáo dục;

e) Biên bản cuộc họp góp ý đối với người được giáo dục (nếu có);

g) Sổ theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục và báo cáo kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ của người được phân công giúp đỡ;

h) Các tài liệu về việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục (nếu có);

i) Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có);

k) Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có);

l) Quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có);

m) Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có);

n) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

o) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục chuyển đến cư trú thực hiện quản lý hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Mục 2. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TẠI GIA ĐÌNH

Điều 44. Phối hợp giám sát người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Trách nhiệm của gia đình người chưa thành niên:

a) Quản lý, giám sát người chưa thành niên;

b) Quan tâm, tạo điều kiện cho người chưa thành niên được đi học, tham gia các chương trình học tập, dạy nghề khác, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

c) Định kỳ hằng tháng báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về tình hình quản lý, giám sát người chưa thành niên;

d) Phối hợp với tổ chức, cá nhân được phân công phối hợp giám sát thực hiện kế hoạch giám sát người chưa thành niên.

2. Tổ chức được phân công phối hợp giám sát có trách nhiệm phân công người trực tiếp phối hợp với gia đình để quản lý, giám sát người chưa thành niên.

3. Cá nhân được tổ chức phân công, cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao trách nhiệm phối hợp giám sát phải phối hợp cùng với gia đình người chưa thành niên thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch để giám sát người chưa thành niên. Kế hoạch phối hợp giám sát gồm các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ giám sát cụ thể, thời hạn thực hiện và phải được gửi cho tổ chức được phân công phối hợp giám sát và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Giới thiệu tham gia các chương trình học tập, hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng được tổ chức tại địa phương;

c) Giúp đỡ, động viên người chưa thành niên sửa chữa sai phạm.

Điều 45. Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Quyền của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình:

a) Được học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú;

b) Không bị phân biệt đối xử;

c) Được tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

d) Được các cơ sở giáo dục xem xét, tiếp nhận học tập;

đ) Được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật;

e) Được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú theo quy định;

g) Khiếu nại, khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và các hành vi hành chính khác trong quá trình chấp hành quyết định.

2. Nghĩa vụ của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình:

a) Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Tích cực học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú;

c) Chịu sự giáo dục, quản lý, giám sát của gia đình, nhà trường và người được phân công phối hợp giám sát.

Điều 46. Chấm dứt việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình trong thời gian áp dụng biện pháp

1. Người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp và xử lý như sau:

a) Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này đối với người chưa thành niên bị xác định là nghiện ma túy.

Việc cai nghiện cho người chưa thành niên nghiện ma túy thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.

Điều 47. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình cho người chưa thành niên trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày người chưa thành niên chấp hành xong biện pháp.

2. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình được lưu hồ sơ.

Bản sao hợp lệ của Giấy chứng nhận gửi cho gia đình của người chưa thành niên.

Điều 48. Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

1. Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ, gồm các tài liệu sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

b) Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

c) Quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (nếu có);

d) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

2. Hồ sơ áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình được quản lý tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 49. Trách nhiệm của các bộ có liên quan

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Sơ kết, tổng kết tình hình thi hành pháp luật về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

c) Hướng dẫn áp dụng pháp luật về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo yêu cầu của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương;

d) Hướng dẫn công tác phổ biến pháp luật về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

đ) Trách nhiệm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này về biện pháp quản lý tại gia đình.

2. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn Công an cấp xã, công chức văn hóa - xã hội, các cơ quan tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng cho lực lượng Công an cấp xã trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục;

b) Báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định;

c) Xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng pháp luật về thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

d) Hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ áp dụng pháp luật về thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

đ) Trách nhiệm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này về biện pháp quản lý tại gia đình.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội; phát triển và nâng cao năng lực những người làm công tác xã hội ở cơ sở bảo trợ xã hội và xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện công tác hỗ trợ xã hội, dự phòng ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy; hướng dẫn các cơ sở thực hiện quản lý đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại cơ sở bảo trợ xã hội.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn nội dung chi, mức chi cụ thể cho các khoản chi quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

Điều 50. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Thực hiện công tác phổ biến pháp luật về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại địa phương;

b) Báo cáo về công tác thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng dự toán kinh phí cho việc triển khai thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

d) Chỉ đạo, tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

d) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức xã hội tại địa phương phối hợp thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn nhằm giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng;

e) Trách nhiệm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này về biện pháp quản lý tại gia đình.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Trình dự toán kinh phí hằng năm, xây dựng mức hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định;

b) Rà soát, xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định;

c) Quyết định danh mục các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm.

a) Tổ chức triển khai thực hiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn;

b) Huy động những người có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm tham gia giáo dục, quản lý, giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương;

c) Chỉ đạo tổ chức các chương trình học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh, chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống, các dịch vụ y tế, xã hội, phòng, chống ma túy trên địa bàn để tạo điều kiện cho người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được tham gia;

d) Lập dự toán kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để trình cấp có thẩm quyền quyết định;

đ) Kiểm tra việc thi hành các quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quản lý tại gia đình ở địa phương.

Điều 51. Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm

1. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Lưu hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 52. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở cấp xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở cấp xã phối hợp trong việc triển khai thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình:

1. Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục khi được yêu cầu và giám sát việc thực hiện.

2. Tạo điều kiện để người được phân công giúp đỡ thuộc tổ chức mình hoàn thành nhiệm vụ.

3. Giúp đỡ và tạo điều kiện cho người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp quản lý tại gia đình được tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 53. Biểu mẫu sử dụng trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình

1. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về các biểu mẫu để sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.

2. Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng các bộ có thể ban hành các biểu mẫu khác, ngoài các biểu mẫu quy định tại khoản 1 Điều này, để sử dụng trong ngành, lĩnh vực mình, sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền có thể sử dụng mẫu được in sẵn hoặc tự in các mẫu; chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ trong việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng các biểu mẫu ban hành theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biểu mẫu sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên được lưu trữ bằng giấy và lưu trữ dưới dạng điện tử.

Điều 54. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 55. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc đang lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đang xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đang xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

Điều 56. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

PHỤ LỤC

MỘT SỐ BIỂU MẪU TRONG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ BIỆN PHÁP THAY THẾ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH QUẢN LÝ TẠI GIA ĐÌNH
(Kèm theo Nghị định số: 120/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

STT

Mã số

Mẫu biểu

I. MẪU ĐỀ NGHỊ

1

MĐN01

Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

2

MĐN02

Đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

II. MẪU ĐƠN

3

MĐ01

Đơn xin phép vắng mặt tại nơi cư trú/cơ sở bảo trợ xã hội

4

MĐ02

Đơn xin phép vắng mặt tại nơi cư trú (sử dụng trong trường hợp xin phép cho người chưa thành niên vắng mặt tại nơi cư trú)

5

MĐ03

Đơn xin phép thay đổi nơi cư trú

6

MĐ04

Đơn xin phép thay đổi nơi cư trú (sử dụng trong trường hợp xin phép cho người chưa thành niên thay đổi nơi cư trú)

III. MẪU THÔNG BÁO

7

MTB01

Thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

8

MTB02

Thông báo về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

IV. MẪU BÁO CÁO

9

MBC01

Báo cáo kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn

V. MẪU BẢN CAM KẾT

10

MCK01

Bản cam kết của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

11

MCK02

Bản cam kết của cha, mẹ/người giám hộ về việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

VI. MẪU KẾ HOẠCH

12

MKH01

Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn

13

MKH02

Kế hoạch phối hợp giám sát người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

VII. MẪU BIÊN BẢN

14

MBB01

Biên bản họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

15

MBB02

Biên bản họp góp ý đối với người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

16

MBB03

Biên bản về việc đọc, ghi chép hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

VIII. MẪU QUYẾT ĐỊNH

17

MQĐ01

Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

18

MQĐ02

Quyết định phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn

19

MQĐ03

Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

20

MQĐ04

Quyết định áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

21

MQĐ05

Quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

22

MQĐ06

Quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

23

MQĐ07

Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

24

MQĐ08

Quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

25

MQĐ09

Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

26

MQĐ10

Quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

27

MQĐ11

Quyết định đính chính quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

28

MQĐ12

Quyết định hủy bỏ quyết định trong áp dụng biện pháp giáo dục xử lý hành chính tại xã, phường, thị trấn

IX. MẪU VĂN BẢN KHÁC

29

MTT01

Bản tường trình của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

30

MTTLL01

Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

31

MGTT01

Giấy triệu tập

32

MSTD01

Sổ theo dõi sự tiến bộ của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

33

MGCN01

Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

34

MGCN02

Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

Mẫu đề nghị số 01

CƠ QUAN/TỔ CHỨC (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: ..../ĐN-(2)....

(3)……,ngày .... tháng .... năm….

ĐỀ NGHỊ

Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

Kính gửi: Trưởng Công an(4)……

1. Tôi là: ..............................................................................................................................

Chức vụ (hoặc đại diện): (5) ................................................................................................

2. Đề nghị Trưởng Công an:(4) ........................................................................................................ xem xét, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên như sau:

Họ và tên:................................................................................................ Giới tính:.............

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/…..

Nơi thường trú/tạm trú:........................................................................................................

Nơi ở hiện tại:.......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số:.......................................................................... ;

ngày cấp:..../..../............. ; nơi cấp:.......................................................................................

Dân tộc: .............................................. Tôn giáo: .................. Trình độ học vấn: ...............

Nghề nghiệp:.........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập:.............................................................................................................

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*):..........................................................................

Địa chỉ liên hệ:.......................................................................................................................

……………………..................................................................................................................

3. Lý do đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn:(6)

……………………................................................................................................................

……………………................................................................................................................

……………………................................................................................................................


Nơi nhận:

- Như trên;
- Lưu: VT,....

NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu (nếu có); ghi rõ họ và tên)

_______________

* Mẫu này được sử dụng để đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 13 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(1) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là các chủ thể quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 13 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP thì ghi tên của cơ quan/tổ chức chủ quản trực tiếp và tên đơn vị công tác của người đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

- Trường hợp là người đại diện của đơn vị dân cư ở cơ sở thì không phải ghi Mục chú thích số(1) và số(2).

(2) Ghi chữ viết tắt tên của cơ quan/tổ chức đề nghị theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(4) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người vi phạm cư trú/thực hiện hành vi vi phạm.

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là các chủ thể quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 13 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP thì ghi tên cơ quan/tổ chức của người đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp.

- Trường hợp là một trong các chủ thể quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP thì ghi chức danh và tên của đơn vị dân cư ở cơ sở.

(6) Ghi cụ thể hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm, lý do đề nghị, tài liệu liên quan (nếu có).

Mẫu đề nghị số 02

CƠ QUAN(1)
ĐƠN VỊ(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../ĐN-QLGĐ

(3),ngày .... tháng .... năm…

ĐỀ NGHỊ

Áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (4)…..

1. Tôi là: .................................................Trưởng Công an(5) ................................................

2. Đề nghị Chủ tịch UBND (4)..................................................................................................... xem xét, quyết định áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người có tên như sau:

Họ và tên:............................................................................................... Giới tính:...............

Ngày, tháng, năm sinh: ..../..../.........................

Nơi thường trú/tạm trú:.........................................................................................................

Nơi ở hiện tại:.......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:............................................................................... ;

ngày cấp: …/…./…....... ; nơi cấp:........................................................................................

Dân tộc:...................................... Tôn giáo:......................... Trình độ học vấn:....................

Nghề nghiệp:........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập:...........................................................................................................

Họ và tên của <cha, mẹ/người giám hộ>(*):.........................................................................

Địa chỉ liên hệ:.....................................................................................................................

…………………….................................................................................................................

3. Lý do đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình:(6)

……………………................................................................................................................

……………………................................................................................................................

4. Thời hạn dự kiến áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình là:.... tháng, kể từ ngày …/…/…..

5. Dự kiến phân công (7)............................................................ phối hợp cùng với gia đình để thực hiện việc giám sát người chưa thành niên có tên tại Mục 2 trong thời gian áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.


Nơi nhận:

- Như trên;
- Lưu: VT,....

CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ(8)
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên quy định tại Điều 24 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của cơ quan chủ quản trực tiếp và(2) ghi tên của cơ quan/đơn vị lập hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ tương ứng với từng trường hợp hồ sơ đề nghị do Trưởng Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập.

(3) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(4) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người chưa thành niên cư trú.

(5) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi lập hồ sơ đề nghị.

(6) Ghi cụ thể hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm, tài liệu liên quan (nếu có).

(7) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là cơ quan/tổ chức được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, thì ghi tên của cơ quan/tổ chức được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát.

- Trường hợp là cá nhân được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, thì ghi họ và tên của người được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát.

(8) Ghi chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu đơn số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

ĐƠN XIN PHÉP

Vắng mặt tại <nơi cư trú/cơ sở bảo trợ xã hội>(*)*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (1)……......................

1. Tôi tên là:............................................................................................ Giới tính:.............

Ngày, tháng, năm sinh: ...../........./..............

Nơi thường trú/tạm trú:........................................................................................................

Nơi ở hiện tại:......................................................................................................................

Số điện thoại:......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:............................................................................. ;

ngày cấp:..../..../............ ; nơi cấp:.....................................................................................

Dân tộc:............................... Tôn giáo: ................................. Trình độ học vấn:.................

Nghề nghiệp:.......................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập:..........................................................................................................

2. Hiện nay, tôi đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày ..../..../…. của Chủ tịch UBND(1)…………

3. Kính đề nghị Chủ tịch UBND (1)....................................................... cho phép tôi được vắng mặt tại <nơi cư trú/cơ sở bảo trợ xã hội>(*), cụ thể như sau:

a) Lý do vắng mặt tại <nơi cư trú/cơ sở bảo trợ xã hội>(*):(2)

………………............................................................................................................

b) Địa chỉ nơi đến tạm trú:(3)

………………............................................................................................................

c) Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú: .... ngày, kể từ ngày ..../..../… đến ngày …/…/….

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN/TỔ CHỨC
ĐƯỢC GIAO TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC, QUẢN LÝ

…………………………..............................

…………………………..............................

…………………………..............................

(4)........., ngày .... tháng .... năm…
……(5)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

(4)........., ngày .... tháng .... năm…
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để người được giáo dục đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn xin phép vắng mặt tại nơi cư trú/cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại Điều 38 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(2) Ghi rõ lý do vắng mặt tại nơi cư trú/cơ sở bảo trợ xã hội (ví dụ: đi học, đi làm,...).

(3) Ghi cụ thể địa chỉ (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp sẽ đến tạm trú.

(4) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(5) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu đơn số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

ĐƠN XIN PHÉP

Vắng mặt tại nơi cư trú*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (1)………...........................

1. Tôi tên là:............................................................................................. Giới tính:............

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:............................................................................. ;

ngày cấp: ..../..../..............; nơi cấp:.....................................................................................

Địa chỉ liên hệ:.....................................................................................................................

……………………………………….......................................................................................

Số điện thoại:.......................................................................................................................

(2)................................................................... của(3)....…………………………........................., người chưa thành niên đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…./…… của Chủ tịch UBND(1) .............................;

2. Kính đề nghị Chủ tịch UBND (1).............................................................................................. cho phép (3)……………………….. được vắng mặt tại nơi cư trú, cụ thể như sau:

a) Lý do vắng mặt tại nơi cư trú:

……………………………….................................................................................................

……………………………….................................................................................................

b) Địa chỉ nơi đến tạm trú:(5)

……………………………….................................................................................................

……………………………….................................................................................................

c) Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú: .... ngày, kể từ ngày …/…/…. đến ngày …./…/….

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN/TỔ CHỨC
ĐƯỢC GIAO TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC, QUẢN LÝ

………………………….................................

………………………….................................

………………………….................................

(6)..........., ngày .... tháng .... năm…
……(7)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

(6)........, ngày .... tháng .... năm…
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để xin phép cho người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 38 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(2) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là cha, mẹ của người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp, thì ghi: «cha/mẹ».

- Trường hợp là người giám hộ của người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp, thì ghi: «người giám hộ».

(3) Ghi họ và tên của người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(4) Ghi rõ lý do vắng mặt tại nơi cư trú (ví dụ: đi học, đi làm,...).

(5) Ghi cụ thể địa chỉ (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) nơi người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp sẽ đến tạm trú.

(6) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(7) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu đơn số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

ĐƠN XIN PHÉP

Thay đổi nơi cư trú*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (1) ……………........................

1. Tôi tên là:.......................................................................................... Giới tính:...............

Ngày, tháng, năm sinh: …./…./…..

Nơi thường trú/tạm trú:........................................................................................................

Nơi ở hiện tại:......................................................................................................................

Số điện thoại:......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:............................................................................. ;

ngày cấp:…/…/…. ; nơi cấp:...............................................................................................

Dân tộc:....................................... Tôn giáo:........................ Trình độ học vấn:...................

Nghề nghiệp:.......................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập:..........................................................................................................

2. Hiện nay, tôi đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…./…. của Chủ tịch UBND(1).....................

3. Kính đề nghị Chủ tịch UBND(1) .............................................................................................. cho phép tôi được thay đổi nơi cư trú, cụ thể như sau:

a) Lý do thay đổi nơi cư trú:(2)

……………………………………….........................................................................................

……………………………………….........................................................................................

b) Địa chỉ nơi chuyển đến cư trú:(3)

…………………………………………………………………………………………………………

………………………………………...........................................................................

c) Thời điểm bắt đầu chuyển đến nơi cư trú mới, kể từ ngày .../.../....

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN/TỔ CHỨC
ĐƯỢC GIAO TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC, QUẢN LÝ

………………………….................................

………………………….................................

………………………….................................

(4)........, ngày .... tháng .... năm…
……(5)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

(4)........, ngày .... tháng .... năm…
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để người được giáo dục đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn xin phép thay đổi nơi cư trú quy định tại Điều 39 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(2) Ghi rõ lý do chuyển nơi cư trú (ví dụ: đi học, đi làm hoặc gia đình chuyển đến địa phương khác sinh sống,..)

(3) Ghi cụ thể địa chỉ (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp sẽ chuyển đến.

(4) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(5) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu đơn số 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN PHÉP

Thay đổi nơi cư trú*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (1)……................

1. Tôi tên là: ............................................................................................Giới tính: ............

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:............................................................................. ;

ngày cấp:..................... ; nơi cấp:.......................................................................................

Địa chỉ liên hệ:.....................................................................................................................

…………………...................................................................................................................

Số điện thoại:......................................................................................................................

(2)................................................................... của(3)……………………….. , người chưa thành niên đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…. của Chủ tịch UBND (1).........................................................................

2. Kính đề nghị Chủ tịch UBND (1) .................................................................................................. cho phép (3)……......................................................… được thay đổi nơi cư trú, cụ thể như sau:

a) Lý do thay đổi nơi cư trú:(4)..............................................................................................

………………………….........................................................................................................

b) Địa chỉ nơi chuyển đến cư trú:(5)......................................................................................

………………………….........................................................................................................

c) Thời điểm bắt đầu chuyển đến nơi cư trú mới, kể từ ngày .../…/….

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN/TỔ CHỨC
ĐƯỢC GIAO TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC, QUẢN LÝ

………………………….....................................

………………………….....................................

………………………….....................................

(6)........., ngày .... tháng .... năm…
……(7)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

(6)............, ngày .... tháng .... năm…
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để xin phép cho người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay đổi nơi cư trú quy định tại Điều 39 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(2) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Nếu là cha, mẹ của người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp thì ghi: «cha/mẹ».

- Nếu là người giám hộ của người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp thì ghi: «người giám hộ».

(3) Ghi họ và tên của người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(4) Ghi rõ lý do chuyển nơi cư trú (ví dụ: đi học hoặc gia đình chuyển đến địa phương khác sinh sống,...).

(5) Ghi cụ thể địa chỉ (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) nơi người chưa thành niên được giáo dục đang chấp hành biện pháp sẽ chuyển đến.

(6) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(7) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu thông báo số 01

CƠ QUAN(1)
ĐƠN VỊ(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../TB-LHS

(3)….., ngày .... tháng .... năm….

THÔNG BÁO

Về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

Kính gửi: <Ông/bà>(*)(4)……..

1. Tôi là:...................................................................... Chức vụ: …………….................………. thông báo tới <ông/bà> (*)(4)................................................................................... ………………………………về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: .............................................................................................Giới tính: ...............

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/…..

Nơi thường trú/tạm trú:........................................................................................................

Nơi ở hiện tại:......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:............................................................................. ;

ngày cấp:..................... ; nơi cấp:.......................................................................................

Dân tộc:............................... Tôn giáo:.................. Trình độ học vấn:.................................

Nghề nghiệp:.......................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập:..........................................................................................................

2. Lý do lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn(6)

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo này, <ông/bà>(*)(4) …………............................................................................. có quyền tới ……………….. (7)…………................................................................................ để đọc, ghi chép các nội dung cần thiết trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. <Ông/bà>(*)(4) ............................................................................................ có quyền phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị tại cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thời gian và địa điểm sẽ có Giấy mời gửi tới ông/bà sau).

5. Trân trọng thông báo để <ông/bà>(*)(4)................................................................. được biết./.


Nơi nhận:

- Như trên;
- (8)….;
- Lưu: VT, ….

CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ (9)
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 21 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của cơ quan chủ quản trực tiếp và(2) ghi tên của cơ quan/đơn vị lập hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ tương ứng với từng trường hợp hồ sơ đề nghị do Trưởng Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập.

(3) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ đủ 18 tuổi trở lên, thì ghi họ và tên của người bị đề nghị áp dụng biện pháp/người đại diện hợp pháp của họ.

- Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên, thì ghi họ và tên của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp và họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên.

(5) Ghi chức danh và cơ quan/đơn vị công tác theo từng trường hợp tương ứng với hồ sơ đề nghị do Trưởng Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập (ví dụ: Trưởng Công an xã A/Trưởng Công an quận B/Giám đốc Công an tỉnh C).

(6) Ghi cụ thể các thông tin:

- Hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm.

- Số và ký hiệu, ngày, tháng, năm của văn bản đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn,....

(7) Ghi cụ thể địa chỉ của địa điểm đọc hồ sơ (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(8) Ghi tên đơn vị công tác của người đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc họ và tên của người là đại diện của đơn vị dân cư ở cơ sở đã đề nghị lập hồ sơ đề nghị.

(9) Ghi chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu thông báo số 02

CƠ QUAN(1)
ĐƠN VỊ(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../TB-CHS

(3)….., ngày .... tháng .... năm….

THÔNG BÁO

Về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (4) .......................................

1. Tôi là: ............................. Chức vụ: (5) ................................................................................. thông báo với Chủ tịch UBND (4) ....................................................................................................... về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ................................................................................................ Giới tính: ............

Ngày, tháng, năm sinh: .../.../......

Nơi thường trú/tạm trú: ........................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu: ..........................................................................................; ngày cấp: ..../..../..................; nơi cấp: ...............................................................

Dân tộc: .............. Tôn giáo: .............. Trình độ học vấn: .....................................................

Nghề nghiệp: ........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ............................................................................................................

Là người đang được lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Lý do chuyển: (6)

...........................................................................................................................................

...........................................................................................................................................

3. Nơi chuyển đến:(4)

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

4. Hồ sơ đề nghị: Có danh mục tài liệu kèm theo(7).

5. Trân trọng thông báo để Chủ tịch UBND (4) ................................................................................ tiếp tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên nêu trên./.


Nơi nhận:

- Như trên;
- (8) .............;

- Lưu: VT,....

CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ (9)
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để thông báo về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 17 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của cơ quan chủ quản trực tiếp và(2) ghi tên của đơn vị lập hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ tương ứng với từng trường hợp hồ sơ đề nghị do Trưởng Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập.

(3) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp xác minh được nơi cư trú ổn định của người bị lập hồ sơ đề nghị, thì ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người đó cư trú.

- Trường hợp không xác minh được nơi cư trú ổn định của người bị lập hồ sơ đề nghị, thì ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở.

- Trường hợp đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định, thì ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối.

(5) Ghi chức danh và cơ quan/đơn vị công tác theo từng trường hợp tương ứng với hồ sơ đề nghị do Trường Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập (ví dụ: Trưởng Công an xã A/Trưởng Công an quận B/Giám đốc Công an tỉnh C).

(6) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp xác minh được nơi cư trú ổn định của người bị lập hồ sơ đề nghị thì ghi: «Người bị lập hồ sơ đề nghị có nơi cư trú ổn định tại địa phương».

- Trường hợp không xác minh được nơi cư trú ổn định của bị lập hồ sơ đề nghị thì ghi: «Người bị lập hồ sơ đề nghị không có nơi cư trú ổn định».

(7) Nội dung của Danh mục tài liệu trong hồ sơ đề nghị, bao gồm: (i) Số thứ tự; (ii) Tên tài liệu; (iii) Số bút lục; (iv) Họ và tên, chức vụ, chữ ký của người lập danh mục và đóng dấu theo quy định.

Tài liệu có trong hồ sơ kèm theo Thông báo phải được đánh bút lục, có đóng dấu treo và dấu giáp lai.

(8) Ghi tên đơn vị công tác của người đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc họ và tên của người là đại diện của đơn vị dân cư ở cơ sở đã đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp (nếu có).

(9) Ghi chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu báo cáo số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BÁO CÁO

Kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (1) ...............................

1. Tôi là: ..............................., đại diện cho:(2) ................................................................................ là đơn vị được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày .../...../....... của Chủ tịch UBND (1) ..................................................................................................

2. Xin báo cáo về kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ........................................................ Giới tính: ....................

Ngày, tháng, năm sinh: .../.../......

Nơi thường trú/tạm trú: .......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: .....................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu: ..........................................................................................; ngày cấp: ..../..../...... ; nơi cấp: .........................................................................

Dân tộc: ................. Tôn giáo: ....................... Trình độ học vấn: .........................................

Nghề nghiệp: ........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ............................................................................................................

Ngày bắt đầu chấp hành Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn: .../.../........

Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: ......... tháng.

a) Biện pháp giáo dục, quản lý đã áp dụng:(3) ......................................................................

..............................................................................................................................................

b) Kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của người được giáo dục:(4)

.............................................................................................................................................

c) Những tồn tại cần khắc phục:(5)

.............................................................................................................................................

d) Biện pháp giáo dục, quản lý tiếp theo và kiến nghị:(6)

.............................................................................................................................................


Nơi nhận:

- Như trên;
- (7) .............;

- (8) .............;
- Lưu: VT,....

(9) ............, ngày .... tháng .... năm.....
..... (10)
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để báo cáo định kỳ hằng tháng về quá trình giáo dục, quản lý đối với người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(2) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(3) Ghi tóm tắt các biện pháp giáo dục, quản lý đã áp dụng và những việc đã làm để thực hiện các biện pháp đó.

(4) Ghi cụ thể những việc người được giáo dục đang chấp hành biện pháp đã làm để sửa chữa sai phạm, khắc phục hậu quả của vi phạm; nêu cụ thể về việc không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật,....

(5) Ghi cụ thể những hạn chế, thiếu sót người được giáo dục đang chấp hành biện pháp chưa khắc phục được.

(6) Ghi cụ thể những biện pháp, việc làm đối với người được giáo dục đang chấp hành biện pháp; ý kiến đề xuất kiến nghị cụ thể với Chủ tịch UBND về việc giáo dục, quản lý người được giáo dục.

(7) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Ghi họ và tên của người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/người đại diện hợp pháp của họ.

- Ghi họ và tên của người chưa thành niên đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên.

(8) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

(9) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(10) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu bản cam kết số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN CAM KẾT

Của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn về việc chấp hành biện pháp*

Kính gửi: (1) ……………………………………………………………….

1. Tôi tên là: …………………………………………………………… Giới tính:.....................

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ...................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu: ............................................................................ ;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ...........................................................................................

Dân tộc: ……………………………… Tôn giáo: ………………… Trình độ học vấn: ........

Nghề nghiệp: ....................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ........................................................................................................

Là người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: …/QĐ-XPTT ngày …/…./…. của Chủ tịch UBND (2) .........................................................................................

.........................................................................................................................................

2. Tôi xin cam kết chấp hành nghiêm biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cụ thể như sau:

a) Về việc chấp hành pháp luật, sửa chữa những sai phạm:

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

b) Về việc thực hiện nghĩa vụ học tập, tu dưỡng, rèn luyện:

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

c) Về việc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề:

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

d) Về việc tham gia và hình thức tham gia các hoạt động công ích:

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

đ) Về việc tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại địa phương:

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

e) Có mặt khi có yêu cầu và không rời khỏi nơi cư trú khi không được phép.

(2) …., ngày … tháng .... năm ….

Ý KIẾN CỦA NGƯỜI
ĐƯỢC PHÂN CÔNG GIÚP ĐỠ

……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..

(2) …., ngày … tháng .... năm ….
(Ký, ghi rõ họ và tên)

……NGƯỜI VIẾT CAM KẾT
(Ký, ghi rõ họ và tên)

<Ý KIẾN CỦA CHA, MẸ
HOẶC NGƯỜI GIÁM HỘ>(*)
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..

(2) …., ngày … tháng .... năm ….
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để cam kết về việc chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 32 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người cam kết về việc chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(1) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu bản cam kết số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN CAM KẾT

Của <cha, mẹ/người giám hộ>(*) về việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình*

Kính gửi: Chủ tịch UBND (1) ……………………………………………………………….

1. Tôi tên là: ………………………………………………………….. Giới tính: .............................

Địa chỉ liên hệ: ...................................................................................................................

(2) ………………………………………. của người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình có tên như sau:

Họ và tên: …………………………………………………………….. Giới tính: ......................

Ngày, tháng, năm sinh: …./…./……

Nơi thường trú/tạm trú: ......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ...................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu: ..............................................................................

ngày cấp: …/…./……; nơi cấp: ..........................................................................................

Dân tộc: ……………… Tôn giáo: …………… Trình độ học vấn: .......................................

Nghề nghiệp: ....................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ........................................................................................................

2. Tôi xin cam kết:

a) Gia đình có nguồn thu nhập ổn định; có chỗ ở để (3) ......................................................

sống cùng <tôi/gia đình tôi>(*) tại: (4) ....................................................................................

b) Sắp xếp và dành thời gian để giáo dục, quản lý, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để (3)……………………………….. tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương.

c) Phối hợp chặt chẽ với cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan được phân công giám sát để giáo dục, quản lý (3)

đ) Báo cáo theo yêu cầu của Chủ tịch UBND(1) ……………………………………………………về tình hình quản lý (3)

đ) Thực hiện tốt việc giáo dục, quản lý để (3) ………………………………không vi phạm pháp luật;

e) Cam kết khác (nếu có): ..................................................................................................

(5) …., ngày … tháng .... năm ….
NGƯỜI VIẾT CAM KẾT
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để cam kết về việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(2) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là cha, mẹ của người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, thì ghi: «cha/mẹ».

- Trường hợp là người giám hộ của người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, thì ghi: «người giám hộ».

(3) Ghi họ và tên của người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(4) Ghi cụ thể địa chỉ chỗ ở (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(5) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu kế hoạch số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

KẾ HOẠCH

Giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Cơ quan/tổ chức: (1) .......................................................................................................

2. Người được phân công: (2) ............................................................................................

3. Người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

Họ và tên: …………………………………………………………. Giới tính: ..........................

Ngày, tháng, năm sinh: …/…./…….

Nơi thường trú/tạm trú: ......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ...................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: ....................................................................... ;

ngày cấp: …../……/……..; nơi cấp: ....................................................................................

Dân tộc: …………………………. Tôn giáo: …………………… Trình độ học vấn: ............

Nghề nghiệp: ....................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ........................................................................................................

Là người phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: .../QĐ-XPTT ngày …./…./…. của Chủ tịch UBND (3) ........................................................................................

.........................................................................................................................................

Thời hạn áp dụng biện pháp: .... tháng, kể từ ngày …/…/…..

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH GIÁO DỤC, QUẢN LÝ, GIÚP ĐỠ

1. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật

Tên của chương trình:

.........................................................................................................................................

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ................................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

2. Chương trình học tập

Chương trình học văn hóa:

.........................................................................................................................................

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ...............................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

3. Chương trình giáo dục về kỹ năng sống, dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm

a) Chương trình giáo dục về kỹ năng sống:

.........................................................................................................................................

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ...............................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

b) Chương trình hướng nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm:

.........................................................................................................................................

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ................................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

c) Chương trình học nghề:

.........................................................................................................................................

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ..................................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

4. Chương trình tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ..................................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

5. Chương trình giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ..................................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................

6. Chương trình khác

Hình thức giáo dục (*):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày ….../…../….. đến ngày …../…../…..

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (4) ..................................................................................................

Phối hợp: (5) ......................................................................................................................


Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN/TỔ CHỨC ĐƯỢC GIAO TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC, QUẢN LÝ
………………………………………………
(6) …., ngày .... tháng .... năm...
….(7)
(Ký, đóng dấu (nếu có); ghi rõ họ và tên)

(6) …., ngày … tháng .... năm ….
NGƯỜI LẬP KẾ HOẠCH
(Ký, ghi rõ họ và tên)


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND (3)………….. (để b/c);
- (8)……….;
- (9)……….;
- Lưu: VT,....

___________________

* Mẫu này được sử dụng để lập Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại các điều 30 và 31 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Ghi các hình thức giáo dục phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định s: …/2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(2) Ghi họ và tên của người được phân công trực tiếp giúp đỡ người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(3) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp: Tên của cơ quan/tổ chức hoặc họ và tên của người được phân công chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chương trình.

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp: Tên của cơ quan/tổ chức hoặc họ và tên của người được phân công phối hợp trong việc thực hiện chương trình.

(6) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(7) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(8) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ đủ 18 tuổi trở lên, thì ghi họ và tên của người chấp hành biện pháp/người đại diện hợp pháp của họ.

- Trường hợp người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên, thì ghi họ và tên của người chưa thành niên chấp hành biện pháp và cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên.

(9) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu kế hoạch số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

KẾ HOẠCH

Phối hợp giám sát người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình*

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Cơ quan/tổ chức: (1) .......................................................................................................

2. Người được phân công: (2) ............................................................................................

3. Người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình:

Họ và tên: ………………………………………………………………….. Giới tính: .............

Ngày, tháng, năm sinh: ……/……/…………

Nơi thường trú/tạm trú: ......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ...................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: ...................................................................... ;

ngày cấp: …./…./…..; nơi cấp: ..........................................................................................

Dân tộc: ……………………….. Tôn giáo: ……………………… Trình độ học vấn: ...........

Nghề nghiệp: ....................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ........................................................................................................

<Cha, mẹ/người giám hộ>(*): (3) ...........................................................................................

Địa chỉ liên hệ: ...................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Là người được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình theo Quyết định số: ..../QĐ-QLGĐ ngày ……/……/…… của Chủ tịch UBND (4) .........................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Thời hạn áp dụng biện pháp:.... tháng, kể từ ngày …/…/….

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHỐI HỢP GIÁM SÁT

1. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật

Tên của chương trình: .....................................................................................................

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày …./…../…. đến ngày …./…./……

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (5) ...............................................................................................

Phối hợp: (6) ......................................................................................................................

.........................................................................................................................................

2. Chương trình học tập

a) Chương trình học văn hóa (nếu có):

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày …./…../…. đến ngày …./…./……

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (5) ...............................................................................................

Phối hợp: (6) ......................................................................................................................

b) Chương trình học nghề:

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày …./…../…. đến ngày …./…./……

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (5) ................................................................................................

Phối hợp: (6) ......................................................................................................................

3. Chương trình giáo dục về kỹ năng sống, hướng nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm

a) Chương trình giáo dục về kỹ năng sống:

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày …./…../…. đến ngày …./…./……

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (5) .................................................................................................

Phối hợp: (6) ......................................................................................................................

b) Chương trình hướng nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm:

.........................................................................................................................................

Thời gian thực hiện từ ngày …./…../…. đến ngày …./…./……

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (5) ...................................................................................................

Phối hợp: (6) ......................................................................................................................

4. Chương trình khác

Thời gian thực hiện từ ngày …./…../…. đến ngày …./…./……

Địa điểm: ..........................................................................................................................

Chịu trách nhiệm chính: (5) ...................................................................................................

Phối hợp: (6) ......................................................................................................................


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND (4)………….. (để b/c);
- (7)……….;
- (8)……….;
- Lưu: VT,....

(9) …., ngày … tháng .... năm ….
NGƯỜI LẬP KẾ HOẠCH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để lập Kế hoạch phối hợp giám sát người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình quy định tại Điều 44 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao phối hợp giám sát người chưa thành niên chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(2) Ghi họ và tên của người được phân công trực tiếp phối hợp giám sát người chưa thành niên chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(3) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(4) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người chưa thành niên chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp: Tên của cơ quan/tổ chức hoặc họ và tên của người được phân công chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chương trình.

(6) Ghi cụ thể theo từng trường hợp: Tên của cơ quan/tổ chức hoặc họ và tên của người được phân công phối hợp trong việc thực hiện chương trình.

(7) Ghi họ và tên của người chưa thành niên chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình và cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên.

(8) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

(9) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu biên bản số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN HỌP

Tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

Hôm nay, hồi.... giờ.... phút, ngày …/…./…., tại (1) ..............................................................

dưới sự chủ trì của ông/bà (2) .............................................................................................

tiến hành họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………….. Giới tính: ..............................

Ngày, tháng, năm sinh: …./…../…..

Nơi thường trú/tạm trú: ......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ...................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: .........................................................................

ngày cấp: …./…./….; nơi cấp: ...........................................................................................

Dân tộc: ………………………… Tôn giáo: ………………………… Trình độ học vấn: ........

Nghề nghiệp: ....................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ........................................................................................................

I. THÀNH PHẦN THAM DỰ CUỘC HỌP

1. Ông/bà:……………………………………………, Chủ tịch UBND(3) …, chủ trì cuộc họp;

2. Ông/bà:……………………………………, Trưởng Công an (3) ……………………………;

3. Ông/bà: ……………………………………, công chức tư pháp - hộ tịch (3) ………………;

4. Ông/bà: ……………………………………, đại diện mặt trận Tổ quốc (3) …………………;

5. Ông/bà:……………………………………, đại diện (4) ………………………………………;

6. Ông/bà:……………………………………, đại diện (5) ………………………………..…….;

7. Ông/bà:……………………………………, đại diện (6) ………………………………………;

8. Ông/bà:……………………………………, đại diện (7) ………………………………………;

9. Ông/bà:……………………………………, thư ký cuộc họp.

II. THÀNH PHẦN ĐƯỢC MỜI THAM DỰ CUỘC HỌP

1. Ông/bà (8),(9) ................................................................................................................... ;

2. Ông/bà: …………….. là <người bị hại/người đại diện hợp pháp của người bị hại>(*) (nếu có).

III. NỘI DUNG CUỘC HỌP

1. Ông/bà: …………………………………….., đại diện Công an (3) …………………………….., trình bày về hành vi vi phạm pháp Luật của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; kết quả xác minh, chứng cứ thu thập được; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; biện pháp hòa giải; các biện pháp giúp đỡ, giáo dục đã áp dụng đối với người đó (nếu có).

.........................................................................................................................................

2. Ông/bà (8) …………………………….., trình bày lý do vi phạm pháp luật, nhận thức của mình về hành vi vi phạm và kế hoạch sửa chữa khuyết điểm; đưa ra các chứng cứ có liên quan.

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

3. Ông/bà (9) …………………………….. là <cha, mẹ/người giám hộ/người đại diện hợp pháp>(*) của người chưa thành niên trình bày về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, lý do vi phạm, trách nhiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên tại gia đình.

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

4. Ông/bà: ………………………………………… là <người bị hại/người đại diện hợp pháp của người bị hại> (*) phát biểu ý kiến về thiệt hại của mình.

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

5. Ông/bà: …………………………………………. là <công chức văn hóa - xã hội/cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác trẻ em>(*) (nếu có) phát biểu ý kiến về nhân thân của người bị đề nghị giáo dục, hoàn cảnh gia đình, đề xuất biện pháp giáo dục, hỗ trợ phù hợp.

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

6. Ông/bà: ……………………. là đại diện nhà trường (nếu có) phát biểu ý kiến về nhân thân của người bị đề nghị giáo dục, hoàn cảnh gia đình, đề xuất biện pháp giáo dục, hỗ trợ phù hợp.

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

7. Các thành viên thảo luận về sự cần thiết áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn; nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của đối tượng; các hình thức, biện pháp giáo dục; thời gian áp dụng biện pháp; lựa chọn cơ quan, tổ chức phù hợp để giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp; khả năng áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, các hình thức giáo dục, hỗ trợ đối với người chưa thành niên.

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

8. Kết luận:

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Cuộc họp kết thúc vào hồi.... giờ .... phút, ngày …../…./…..

Biên bản cuộc họp đã được đọc lại cho những người dự họp nghe và không có ý kiến gì khác./.

THƯ KÝ CUỘC HỌP
(Ký, ghi rõ họ và tên)

CHỦ TRÌ CUỘC HỌP
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để ghi lại nội dung cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 22 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(**) Áp dụng đối với trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ người chưa thành niên

(1) Ghi địa chỉ cụ thể nơi tổ chức cuộc họp (số nhà, đường/phố; xã/phường/thị trấn; quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(2) Ghi họ và tên của người chủ trì cuộc họp tư vấn.

(3) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(4) Ghi thành phần tham dự cuộc họp là người đại diện của đơn vị dân cư ở cơ sở; Tổ dân phố/thôn/ấp/bản/buôn/làng/phum/sóc và các đơn vị tương đương.

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp là người chưa thành niên có nơi cư trú ổn định thì thành phần tham dự cuộc họp có thể là: Công chức văn hóa - xã hội/cộng tác viên công tác xã hội/cộng tác viên trẻ em/người đại diện của nhà trường.

- Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp là người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định thì thành phần tham dự cuộc họp có thể là người đại diện của cơ sở bảo trợ xã hội.

(6) Ghi cụ thể theo từng trường hợp thành phần tham dự cuộc họp là người đại diện của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý: Hội cựu chiến binh/Hội nông dân/Hội phụ nữ/Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

(7) Ghi cụ thể theo từng trường hợp thành phần tham dự cuộc họp là người đại diện của: Tổ hòa giải/cơ quan Công an nơi đã chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc tổ chức/cá nhân khác (nếu có).

(8) Ghi họ và tên của người của bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(9) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Mẫu biên bản số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN HỌP

Góp ý đối với người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

Hôm nay, hồi.... giờ .... phút....., ngày .../..../........, tại (1) ......................................................

..............................................................................................................................................

Dưới sự chủ trì của ông/bà (2) ........................................................................................, đại diện lãnh đạo UBND (3) ............................................................................. tiến hành họp góp ý đối với người có tên dưới đây đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày .../.../.... của Chủ tịch UBND (3)……………………………….......;

Họ và tên: ...................................................................................... Giới tính: .......................

Ngày, tháng, năm sinh: .../.../......

Nơi thường trú/tạm trú: .........................................................................................................

Nơi ở hiện tại: .......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: .........................................................................;

ngày cấp:..../..../………; nơi cấp: ..........................................................................................

Dân tộc: .................... Tôn giáo: .......................... Trình độ học vấn: ....................................

Nghề nghiệp: .........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: .............................................................................................................

Ngày bắt đầu chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: ..../..../......

Thời hạn áp dụng biện pháp: .... tháng, kể từ ngày ..../..../.........

I. THÀNH PHẦN THAM DỰ CUỘC HỌP

1. Ông/bà: .........................................................., Chức vụ:(4) ..............., chủ trì cuộc họp;

2. Ông/bà: .........................................................., Trưởng Công an (3) ............................;

3. Ông/bà: .........................................................., đại diện Mặt trận Tổ quốc(3) ...............;

4. Ông/bà: .........................................................., đại diện (5) ...........................................;

5. Ông/bà: ........................................................., đại diện (6) ............................................;

6. Ông/bà: ........................................................., đại diện (7) ...........................................;

7. Ông/bà: ........................................................., người được phân công giúp đỡ;

8. Ông/bà: ........................................................., thư ký cuộc họp.

II. THÀNH PHẦN ĐƯỢC MỜI THAM DỰ CUỘC HỌP

1. Người được giáo dục: ....................................................................................................;

2. Ông/bà(8) ....................................., đại diện gia đình của người được giáo dục.

III. NỘI DUNG CUỘC HỌP

1. Ông/bà: .........................................................., người được phân công giúp đỡ người chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn báo cáo về quá trình giáo dục, quản lý và các vi phạm của người được giáo dục trong thời gian quản lý và đề xuất biện pháp giáo dục phù hợp.

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

2. Ý kiến của người được giáo dục và đại diện gia đình của người được giáo dục:

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

3. Ý kiến góp ý của các thành viên tham dự cuộc họp:

(Ghi tóm tắt ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp đã phát biểu)

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

4. Ý kiến của đại diện cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý: (Nêu trách nhiệm và quyền lợi của người được giáo dục)

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

5. Kết luận:

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Cuộc họp kết thúc vào hồi.... giờ .... phút....., ngày .../..../........

Biên bản cuộc họp đã được đọc lại cho những người dự họp nghe và không có ý kiến gì khác./.

THƯ KÝ CUỘC HỌP
(Ký, ghi rõ họ và tên)

CHỦ TRÌ CUỘC HỌP
(Ký, ghi rõ họ và tên)

NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH BIỆN PHÁP
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để ghi lại nội dung cuộc họp góp ý đối với người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tiến bộ, vi phạm cam kết quy định tại Điều 34 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi địa chỉ cụ thể nơi tổ chức cuộc họp (số nhà, đường/phố; xã/phường/thị trấn; quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(2) Ghi họ và tên của người chủ trì cuộc họp góp ý.

(3) Ghi tên của xã/phường/thị trấn nơi người được giáo dục đang chấp hành biện pháp.

(4) Ghi chức vụ của người chủ trì cuộc họp góp ý.

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp thành phần tham dự cuộc họp là người đại diện của đơn vị dân cư ở cơ sở: Tổ dân phố/thôn/ấp/ bản/buôn/làng/phum/sóc và các đơn vị tương đương.

(6) Tổ chức, cá nhân khác (nếu có).

(7) Ghi cụ thể theo từng trường hợp thành phần tham dự cuộc họp là người đại diện của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý: Hội cựu chiến binh/Hội nông dân/Hội phụ nữ/Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

(8) Ghi họ và tên của người đại diện cho gia đình của người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Mẫu biên bản số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN

Về việc đọc, ghi chép hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

1. Căn cứ Thông báo số: ..../TB-LHS .... ngày .... tháng .... năm.......... của(1) ................................. về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với ông/bà(2) ...................................................................................................................

2. Hôm nay, vào hồi.... giờ .... phút....., ngày ..... tháng .... năm.........., tại(3) .......................

..............................................................................................................................................

3. Tôi là: .............................................. Chức vụ:(4) ..............................................................

................................................, là đại diện cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn tiến hành lập biên bản về việc:

Ông/bà(5) .................................................................................... Giới tính: .........................

Địa chỉ liên hệ: .....................................................................................................................

.............................................................................................................................................

Đã đọc, ghi chép hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:

a) Các tài liệu đã được đọc, gồm: ........................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

b) Các tài liệu đã ghi chép, gồm: .........................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

Biên bản được lập xong hồi .... giờ .... phút cùng ngày, gồm .... tờ, được lập thành 02 bản có giá trị như nhau; đã đọc lại cho những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận là đúng và cùng ký tên dưới đây; 01 bản giao cho ông/bà(5) ............................................................................. và 01 bản được lưu hồ sơ./.

<NGƯỜI ĐỌC/GHI CHÉP HỒ SƠ>(*)
(Ký, ghi rõ họ và tên)

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để ghi lại nội dung buổi làm việc đọc, ghi chép hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 21 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi cụ thể theo từng trường hợp: Chức danh và tên của đơn vị/Tên của cơ quan lập hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ tương ứng với từng trường hợp hồ sơ đề nghị do Trưởng Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập.

(2) Ghi họ và tên của người bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(3) Ghi cụ thể địa chỉ của địa điểm đọc hồ sơ (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(4) Ghi chức danh và đơn vị công tác của người lập biên bản.

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp người bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ đủ 18 tuổi trở lên, thì ghi họ và tên của người bị lập hồ sơ đề nghị/người đại diện hợp pháp của họ.

- Trường hợp người bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên, thì ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên.

Mẫu quyết định số 01

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../ QĐ-XPTT

(2) ............, ngày.... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) ..........................

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng.... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) ..............................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ................................................................................ Giới tính: .............................

Ngày, tháng, năm sinh: .../.../......

Nơi thường trú/tạm trú: .........................................................................................................

Nơi ở hiện tại: .......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: .........................................................................;

ngày cấp: ..../..../......; nơi cấp: .............................................................................................

Dân tộc: .............. Tôn giáo: .............. Trình độ học vấn: .....................................................

Nghề nghiệp: ........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ............................................................................................................

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): ..........................................................................

Địa chỉ liên hệ: ......................................................................................................................

...............................................................................................................................................

2. Lý do áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn:(3)

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

3. Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là .... tháng, kể từ ngày ..../..../.........

Điều 2. Quyết định này được giao cho:

1. Ông/bà có tên tại Điều 1 Quyết định này là người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn để chấp hành.

2. (4) .............................................................. để giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này.

3. Ông/bà (5) .................................................. để phối hợp giáo dục và quản lý người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Trưởng Công an (1) ..............................................................................., các cá nhân có tên tại Điều 1 và cơ quan/tổ chức có tên tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- Hội đồng nhân dân (1) .....;
- (6) ..................;
- Lưu: VT, ....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 26 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể hành vi vi phạm; nơi thực hiện hành vi vi phạm; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp có nơi cư trú ổn định hoặc là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định thì ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp là người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định thì ghi tên của cơ sở bảo trợ xã hội.

(5) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(6) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 02

CƠ QUAN (1)
ĐƠN VỊ (2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-PC

(3) ......, ngày.... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

THẨM QUYỀN BAN HÀNH (4)

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng.... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (5).

………………………………………………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Phân công ông/bà(6) .........................................................................................................

Nghề nghiệp: ........................................................................................................................

Nơi làm việc: .........................................................................................................................

Trực tiếp thực hiện việc giúp đỡ đối với:(7) .........................................., là người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày ..../..../…… của Chủ tịch UBND (5) ..............................................................................................

2. Thời hạn thực hiện việc giúp đỡ là .... tháng, kể từ ngày ..../..../.........

Điều 2. Ông/bà (6) .................................................. có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 35 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày ..../..../2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Kinh phí hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người giáo dục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày ..../..../2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Ông/bà(6) ............................................... và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- (8) ..................;
- (9) ..................;
- Lưu: VT, ....

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ (10)
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 29 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của cơ quan/tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có) và (2) ghi tên đơn vị của người có thẩm quyền ra quyết định theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(4) Ghi chức vụ của người đứng đầu đơn vị theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(5) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(6) Ghi họ và tên của người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục.

(7) Ghi họ và tên của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(8) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ đủ 18 tuổi trở lên, thì ghi họ và tên của người phải chấp hành biện pháp/người đại diện hợp pháp của họ.

- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên, thì ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên.

(9) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

(10) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu quyết định số 03

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-KADXPTT

(2) ......., ngày.... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) ..............................

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng.... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) ..............................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ........................................................................................ Giới tính: ....................

Ngày, tháng, năm sinh: .../.../......

Nơi thường trú/tạm trú: .........................................................................................................

Nơi ở hiện tại: .......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: .........................................................................;

ngày cấp: ..../..../......; nơi cấp: ..............................................................................................

Dân tộc: .............. Tôn giáo: .............. Trình độ học vấn: ......................................................

Nghề nghiệp: ..........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: ...........................................................................................................

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): .........................................................................

Địa chỉ liên hệ: .....................................................................................................................

..............................................................................................................................................

2. Lý do đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn:(3)

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

3. Lý do không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn:(4)

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

Điều 2. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Trưởng Công an (1) .......................................................................................... và các cá nhân có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (5) ..................;
- Lưu: VT, ......

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 27 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên

(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể hành vi vi phạm; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Không có hành vi vi phạm.

- Hoặc hành vi vi phạm chưa đến mức bị áp dụng biện pháp.

- Hoặc hành vi vi phạm không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp.

- Hoặc hết thời hiệu xử lý đối với hành vi vi phạm.

- Hoặc lý do khác.

(5) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 04

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-QLGĐ

(2) ....., ngày.... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) .....................

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày .... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) .............................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ....................................................................................... Giới tính: ....................

Ngày, tháng, năm sinh: .../.../......

Nơi thường trú/tạm trú: .........................................................................................................

Nơi ở hiện tại: .......................................................................................................................

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: .........................................................................;

ngày cấp: ..../..../......; nơi cấp: ..............................................................................................

Dân tộc: .............. Tôn giáo: .............. Trình độ học vấn: ......................................................

Nghề nghiệp: .........................................................................................................................

Nơi làm việc/học tập: .............................................................................................................

2. Lý do áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình:(3)

................................................................................................................................................

................................................................................................................................................

................................................................................................................................................

................................................................................................................................................

3. Thời gian áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình là ..... tháng, kể từ ngày .../.../......

Điều 2. Quyết định này được giao cho:

1. Ông/bà có tên tại Điều 1 Quyết định này là người được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình để chấp hành.

2. Ông/bà(4) ......................................................... để giáo dục và quản lý người được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình có tên tại Điều 1 Quyết định này.

3. (5) ..................................................... để phối hợp giám sát việc giáo dục và quản lý người được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình có tên tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Trong thời gian áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, người có tên tại Điều 1 Quyết định này có trách nhiệm:

1. Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Tích cực học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú.

3. Chịu sự giáo dục, quản lý, giám sát của gia đình, nhà trường và <tổ chức/người được phân công>(*) phối hợp giám sát.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp tiếp tục vi phạm pháp luật trong thời gian chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

Điều 4. <Cha, mẹ/người giám hộ>(*) của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Trưởng Công an (1) ...................................................................., các cá nhân có tên tại Điều 1 và cơ quan/tổ chức, cá nhân có tên tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (6) ..................;
- Lưu: VT, .....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình quy định tại Điều 28 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể hành vi vi phạm; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; tài liệu liên quan (nếu có).

(4) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(5) Ghi tên của tổ chức hoặc họ và tên của người được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(6) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 05

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-CDXPTT

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ………………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): ……………………………………………………..

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1).

…………………………………………………………………………………………………………

Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là .... tháng, kể từ ngày ..../.../……

Thời gian đã chấp hành biện pháp là .... tháng .... ngày.

2. Lý do chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: (3)

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Chuyển toàn bộ hồ sơ của người bị chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này để (4) ………………………..

…………………………………………………………………………………………………………

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) bị chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trưởng Công an (1) …………………………………………………………………….,

(5) …………………………………………………, <ông/bà>(*) (6) ………………………………

và người có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (7) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 41 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người bị chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể hành vi vi phạm trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hoặc người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được xác định nghiện ma túy.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì ghi: «lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc».

- Trường hợp người từ đủ 12 tuổi trở lên bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại các điều 30, 31 và 33 Luật Phòng, chống ma túy thì ghi: «thực hiện việc cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy».

- Trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy thì ghi: «lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc».

(5) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(6) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị chấm dứt áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(7) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 06

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-CDQLGĐ

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) ………………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ………………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ: …………………………………………………………

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Là người đang chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình theo Quyết định số: ..../QĐ-QLGĐ ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND

(1)….……………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Thời hạn áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình là .... tháng, kể từ ngày ..../.../……

Thời gian đã chấp hành biện pháp là .... tháng .... ngày.

2. Lý do chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình: (3)

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Chuyển toàn bộ hồ sơ của người bị chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình có tên tại Điều 1 Quyết định này <để/đến> (*) (4) ..………………..

…………………………………………………………………………………………………………

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. <Cha, mẹ/người giám hộ>(*) của người chưa thành niên bị chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………….,

(5) …………………………………………………, ông/bà (6) ……………………………………...

và người có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (7) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình quy định tại Điều 46 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể hành vi vi phạm trong thời gian chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hoặc người đang chấp hành biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình được xác định nghiện ma túy.

(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 5 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP thì ghi: «để ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn theo quy định».

- Trường hợp là hành vi có dấu hiệu tội phạm thì ghi: «đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật».

- Trường hợp được xác định là nghiện ma túy thì ghi: «để thực hiện việc cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy».

(5) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Trường hợp là cơ quan/tổ chức được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, thì ghi tên của cơ quan/tổ chức được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát.

- Trường hợp là cá nhân được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình, thì ghi họ và tên của người được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát.

(6) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị chấm dứt áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

(7) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 07

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-TĐC

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Theo đề nghị của (3) ……………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ………………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): …………………………………………………….

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1).

………………………………………………………………………………………………………

2. Lý do tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: (4)

………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Chuyển toàn bộ hồ sơ của người bị tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) bị tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trưởng Công an (1) …………………………………………………………………….,

(5) …………………………………………………, <ông/bà> (*) (6) ………………………………

và người bị tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (7) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người bị tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi tên của cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền.

(4) Ghi cụ thể hành vi vi phạm; thời điểm thực hiện; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng.

(5) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(6) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(7) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 08

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-HBTĐC

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) ………………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Hủy bỏ Quyết định số: ..../QĐ-TĐC ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1) …………………….. tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ………………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): ……………………………………………………..

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

2. Lý do hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: (3)

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) bị hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………….,

(4) …………………………………………………, <ông/bà> (*) (5) …………………………………

và người bị hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (6) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số: ..... /2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người bị hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:

- Có quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

- Hoặc có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự.

- Hoặc có quyết định đình chỉ điều tra.

- Hoặc có quyết định đình chỉ vụ án/quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can.

- Hoặc có quyết định miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

- Hoặc được Tòa án tuyên không phạm tội.

- Hoặc Tòa án không xử phạt tù.

(4) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(5) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(6) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 09

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-MCH

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ………………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): …………………………………………………….

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1).

…………………………………………………………………………………………………………

Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là … tháng, kể từ ngày …/…/……

2. Lý do miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: (3)

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Thời hạn được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là … tháng … ngày, kể từ ngày …/…/……

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trưởng Công an (1) ………………………………………………………………………,

(4) …………………………………………………, <ông/bà> (*) (5) ………………………………..

và người được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Gia đình của người có tên tại Điều 1;
- (6) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 40 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Áp dụng đối với trường hợp người được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.

(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể lý do: Tòa án xử phạt tù.

(4) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(5) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.

(6) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).

Mẫu quyết định số 10

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-SĐBS

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của (3) …………………………………………………………………………….(nếu có).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần Quyết định số: ..../QĐ-(4).... ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1) ………………………………………………………………….………………………………
(5) ……………………………………………………………………………………………………

2. Lý do sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần Quyết định số: ..../QĐ-(4)....:(6)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

3. Nội dung sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần Quyết định số: ..../QĐ-(4)....:(7)

<a) Sửa đổi, bổ sung khoản.... Điều ....>(*) như sau: …………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

<b) Hủy bỏ khoản .... Điều ....>(*) như sau: ……………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Quyết định này được giao cho:

1. Ông (bà)(8) ………………………………………………………………………………… là người có liên quan đến quyết định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần tại Điều 1 Quyết định này để chấp hành.

2. Ông (bà)(8) ………………………………………… có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

3. <Ông (bà)/Tổ chức>(*) (9) ………………… để biết và phối hợp thực hiện (nếu có).

Điều 4. Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………………… và các cá nhân, tổ chức có tên tại Điều 3 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Gia đình của người có tên tại khoản 1 Điều 3;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần các quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 9 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi chức vụ của người đứng đầu bộ phận tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, ra quyết định.

(4) Ghi cụ thể ký hiệu (chữ viết tắt) của quyết định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần theo từng trường hợp.

(5) Ghi tên của quyết định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần theo từng trường hợp.

(6) Ghi cụ thể lý do sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định theo từng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(7) Ghi cụ thể nội dung, khoản, điều trong quyết định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần và nội dung sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần.

(8) Ghi họ và tên của cá nhân có liên quan đến quyết định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần.

(9) Ghi họ và tên của cá nhân/tên của tổ chức khác có liên quan đến quyết định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần.

Mẫu quyết định số 11

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-ĐC

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Đính chính quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của (3) …………………………………………………………………………….(nếu có).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Đính chính Quyết định số: ..../QĐ-(4).... ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1)
………………………………………………………………………………………………………

(5) ……………………………………………………………………………………………………

2. Lý do đính chính Quyết định số: ..../QĐ-(4)....:(6)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

3. Nội dung đính chính Quyết định số: ..../QĐ-(4)....:(7)

Khoản.... Điều .... Quyết định số: ..../QĐ-(4)....>(*) đã viết là:

………………………………………………………………………………………………………

Nay sửa lại là: …………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Quyết định này được giao cho:

1. Ông (bà)(8) ………………………………………………………………………………… là người có liên quan đến quyết định được đính chính tại Điều 1 Quyết định này để chấp hành.

2. Ông (bà)(8) ………………………………………… có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

3. <Ông (bà)/Tổ chức> (9) ………………… để biết và phối hợp thực hiện (nếu có).

Điều 4. Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………………… và các cá nhân, tổ chức có tên tại Điều 3 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Gia đình của người có tên tại khoản 1 Điều 3;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để đính chính các quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 9 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi chức vụ của người đứng đầu bộ phận tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, ra quyết định.

(4) Ghi cụ thể ký hiệu (chữ viết tắt) của quyết định được đính chính theo từng trường hợp.

(5) Ghi tên của quyết định được đính chính theo từng trường hợp.

(6) Ghi cụ thể lý do đính chính quyết định theo từng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(7) Ghi cụ thể nội dung, khoản, điều trong quyết định được đính chính và nội dung đính chính.

(8) Ghi họ và tên của cá nhân có liên quan đến quyết định được đính chính.

(9) Ghi họ và tên của cá nhân/tên của tổ chức khác có liên quan đến quyết định được đính chính.

Mẫu quyết định số 12

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-HB

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bỏ quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của (3) ……………………………………………………………………….(nếu có).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Hủy bỏ Quyết định số: ..../QĐ-(4).... ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND
(1) ………………………………………………
………………………………………………… (5)…….…………………………………………………...

2. Lý do hủy bỏ Quyết định số: ..../QĐ-(4)....:(6)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Quyết định này được giao cho:

1. Ông (bà)(7) ………………………………………………………………………………… là người có liên quan đến quyết định được hủy bỏ tại Điều 1 Quyết định này để chấp hành.

2. Ông (bà)(7) ………………………………………… là người có liên quan đến quyết định được hủy bỏ tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

3. <Ông (bà)/Tổ chức> (8) ………………… để biết và phối hợp thực hiện (nếu có).

Điều 4. Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………………… và các cá nhân, tổ chức có tên tại Điều 3 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Gia đình của người có tên tại khoản 1 Điều 3;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để hủy bỏ các quyết định trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 8 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi chức vụ của người đứng đầu bộ phận tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, ra quyết định.

(4) Ghi cụ thể ký hiệu (chữ viết tắt) của quyết định bị hủy bỏ theo từng trường hợp.

(5) Ghi tên của quyết định bị hủy bỏ theo từng trường hợp.

(6) Ghi cụ thể lý do hủy bỏ theo từng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(7) Ghi họ và tên của cá nhân có liên quan đến quyết định bị hủy bỏ.

(8) Ghi họ và tên của cá nhân/tên của tổ chức khác có liên quan đến quyết định bị hủy bỏ.

Mẫu bản tường trình số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN TƯỜNG TRÌNH

Của người bị đề nghị áp dụng biện pháp <xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình>(*)*

1. Tôi tên là: ………………………………………………………………. Giới tính: …………..

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu: ………………………………………………………..;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

2. Tôi xin tường trình về hành vi vi phạm của mình như sau:(1)

a) Thời gian xảy ra vi phạm: ………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

b) Địa điểm xảy ra vi phạm:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

c) Những người có liên quan đến vụ việc (nếu có):

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

d) Công cụ, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm (nếu có):

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

đ) Diễn biến của vụ việc vi phạm và nguyên nhân dẫn đến vi phạm:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

e) Hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và những việc đã làm để khắc phục hoặc giảm bớt hậu quả do hành vi vi phạm gây ra:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Tôi xin cam đoan thông tin trên đây là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin này./.

(1) ……, ngày .... tháng .... năm ……
NGƯỜI VIẾT TƯỜNG TRÌNH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để tường trình về hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu tóm tắt lý lịch số 01

CƠ QUAN (1)
ĐƠN VỊ
(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(3)……, ngày .... tháng.... năm……

BẢN TÓM TẮT LÝ LỊCH

Của người bị đề nghị áp dụng biện pháp <xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình>(*)*

I. THÔNG TIN VỀ NGƯỜI VI PHẠM

1. Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ……………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi sinh: ……………………………………………………………………………………………

Quê quán: ………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ………………………………………………………………….

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………

Nghề nghiệp: ………………………………………………………………………………………

Nơi làm việc/học tập: …………………………………………………………………………….

<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(**): …………………………………………………..

Địa chỉ liên hệ: ……………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

2. Lịch sử bản thân của người vi phạm: (4) ……………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

II. QUAN HỆ GIA ĐÌNH (5)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

III. QUAN HỆ XÃ HỘI (nếu có) (6)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

IV. HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT (7)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………


Nơi nhận:
- …………….;
- Lưu: VT,….

CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ (8)
(Ký, đóng dấu (nếu có); ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(**) Áp dụng đối với trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên.

(1) Ghi tên của cơ quan chủ quản trực tiếp và (2) ghi tên của cơ quan/đơn vị lập bản tóm tắt lý lịch theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ tương ứng với từng trường hợp hồ sơ đề nghị do Trưởng Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh lập.

(3) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(4) Ghi tóm tắt lịch sử của người vi phạm từ nhỏ cho đến khi lập bản tóm tắt lý lịch làm gì (nghề nghiệp), ở đâu (cơ quan/đơn vị/trường học/...).

(5) Ghi rõ họ và tên, năm sinh, nơi ở hiện tại, nghề nghiệp, nơi làm việc/học tập của cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột, các con (nếu có),....

(6) Ghi rõ họ và tên, năm sinh, nơi ở hiện tại, nghề nghiệp, nơi làm việc/học tập của những người có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn/biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình (nếu có).

(7) Ghi cụ thể về các vấn đề:

- Thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm.

- Những người có liên quan (nếu có).

- Những hành vi vi phạm pháp luật đã thực hiện.

- Cách thức thực hiện hành vi vi phạm.

- Nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm.

- Hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và những việc đã làm để khắc phục hoặc giảm bớt hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

- Tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ.

- Thái độ của người vi phạm khi bị phát hiện, ….

(8) Ghi chức vụ của người ký theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

Mẫu giấy triệu tập số 01

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../GTT-UBND

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

GIẤY TRIỆU TẬP

(Lần thứ (*)...)

1. Chủ tịch UBND (1) ………………………………………………………………………………

yêu cầu ông/bà có tên sau đây:

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ………………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………....;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

Là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1).

………………………………………………………………………………………………………

2. Đúng .... giờ .... phút, ngày …/…/…… phải có mặt tại trụ sở UBND (1) ………………….

………………………………………………….. (3) ……………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………

Khi đến mang theo Giấy triệu tập này và gặp ông/bà (4) …………………………………….

………………………………………………………………………………………………………


Nơi nhận:
- Người có tên tại Mục 1;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để yêu cầu người được giáo dục đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải có mặt quy định tại điểm d khoản 2 Điều 36 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(*) Lưu ý ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi cụ thể địa chỉ trụ sở của UBND xã/phường/thị trấn (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(4) Ghi rõ họ và tên, chức vụ của người sẽ làm việc với người được giáo dục đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Mẫu sổ theo dõi số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

SỔ THEO DÕI SỰ TIẾN BỘ CỦA NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN*
(Thực hiện theo Nghị định số: .../2021/NĐ-CP)

Họ và tên người được giáo dục: ……………………………………………………………………..

Địa chỉ: (1) ………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………………….

THÔNG TIN VỀ NGƯỜI ĐƯỢC PHÂN CÔNG GIÚP ĐỠ

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………….

Nghề nghiệp: ………………………………………………………………………………………………

Nơi làm việc: ………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………..

THÔNG TIN VỀ NGƯỜI ĐƯỢC GIÁO DỤC

Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ……………………….

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: …………………………………………………………………………………….

Nơi ở hiện tại: ……………………………………………………………………………………………….

Là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (2)…………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………...

Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là … tháng, kể từ ngày …/…/……

STT

Ngày,
tháng, năm

Biện pháp giáo dục, quản lý
(3)

Tình hình chấp hành của người được giáo dục
(4)

Ngày, tháng,
năm

KHEN THƯỞNG

KỶ LUẬT

___________________

* Mẫu này được sử dụng để theo dõi việc chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giáo dục quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi cụ thể địa chỉ nơi ở hiện tại của người được giáo dục đang chấp hành biện pháp (số nhà, đường/phố, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

(2) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(3) Ghi cụ thể về các biện pháp giáo dục, quản lý người được giáo dục đang chấp hành biện pháp, như:

- Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Học văn hóa.

- Học nghề.

- Giáo dục về kỹ năng sống.

- Hướng nghiệp, tìm việc làm.

- Tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng.

- Giáo dục về truyền thống của quê hương, đất nước,....

(4) Ghi tóm tắt tình hình chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giáo dục, như:

- Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ.

- Vắng mặt tại nơi cư trú,....

Mẫu giấy chứng nhận số 01

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../GCN-XPTT

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

GIẤY CHỨNG NHẬN

Đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

CHỨNG NHẬN:

1. Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ……………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

2. Đã chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số: ..../QĐ-XPTT ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1) …………………………..

……………………………….


Nơi nhận:
- Người có tên tại Mục 1;
- (3) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để cấp Giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 42 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý và gia đình của người đã chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Mẫu giấy chứng nhận số 02

ỦY BAN NHÂN DÂN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../GCN-QLGĐ

(2)……, ngày .... tháng.... năm……

GIẤY CHỨNG NHẬN

Đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình*

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) …………………..

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: ..../2021/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

CHỨNG NHẬN:

1. Họ và tên: ……………………………………………………………… Giới tính: ……………

Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……

Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: …………………………………………………….;

ngày cấp: …/…/……; nơi cấp: ……………………………………………………………………

Dân tộc: ……………...……. Tôn giáo: ……..……………. Trình độ học vấn: ………………..

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………….

Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………

2. Đã chấp hành xong biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình

theo Quyết định số: ..../QĐ-QLGĐ ngày …/…/…… của Chủ tịch UBND (1) …………………

……………………………………………


Nơi nhận:
- Người có tên tại Mục 1;
- (3) ………….;
- Lưu: VT,....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký, đóng dấu; ghi rõ họ và tên)

___________________

* Mẫu này được sử dụng để cấp Giấy chứng nhận cho người chưa thành niên đã chấp hành xong biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình quy định tại Điều 47 Nghị định số: .../2021/NĐ-CP.

(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.

(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.

(3) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên và tên của tổ chức/họ và tên của người được phân công phối hợp cùng với gia đình thực hiện việc giám sát người chưa thành niên đã chấp hành xong biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
--------------

No. 120/2021/ND-CP

Hanoi, December 24, 2021

 

DECREE

REGIME FOR APPLICATION OF ADMINISTRATIVE HANDLING MEASURES FOR COMPULSORY EDUCATION IN THE COMMUNITY

Pursuant to the Law on Government Organization of Vietnam dated June 19, 2015; the Law on amendments to some articles of the Law on Government Organization of Vietnam and Law on Local Government Organization of Vietnam dated November 22, 2019;

Pursuant to Law on handling administrative violations of Vietnam dated June 20, 2012; the Law on amendments and supplements to certain articles of Law on handling administrative violations of Vietnam dated November 13, 2020;

Pursuant to the Law on prevention and control of narcotic substances dated March 30, 2021;

At the request of the Minister of Justice;

The Government promulgates a Decree on regime for application of administrative handling measures for compulsory education in the community .

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Scope

This Decree deals with consideration and decision on application of administrative handling measures for compulsory education in the community (hereinafter referred to as “compulsory educational measures in the community"); and consideration and decision to transfer to application of management at home (hereinafter referred to as “management at home”).

Article 2. Regulated entities

1. Persons subject to proposal and application of compulsory educational measures in the community

2. Persons subject to application of management at home

3. Agencies or persons having power to compile proposing dossiers and decide application of compulsory educational measures in the community and management at home.

4. Agencies, organizations or individuals who execute decisions on application of compulsory educational measures in the community and management at home.

5. Relevant organizations, individuals, authorities.

Article 3. Principle of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Failing to infringe on the health, honor and dignity of the violators.

3. Respecting and protecting the privacy of violators.

4. The persons who have the power to apply compulsory educational measures in the community shall prove administrative violations. Individuals who are considered for application of compulsory educational measures in the community can self-prove or through their legal representatives to be proved that they are not subject to application of compulsory educational measures in the community.

5. Ensuring the participation of agencies, organizations and individuals in the community, schools and family in helping and educating people subject to application of compulsory educational measures in the community.

6. Decision on the time limits for application of compulsory educational measures in the community shall be based on the nature, level, consequences of the violations, the personal identifications of the violators and the extenuating as well as aggravating circumstances;

7. The compulsory educational measures in the community shall be applied to minors in necessary cases in order to educate and help them to correct their mistakes, develop healthily and become useful citizens of society.

The compulsory educational measures in the community shall be applied to minors specified in Points c, d and dd Clause 2 Article 5 of this Decree if the conditions for application of management at home are not satisfied. The application of management at home shall not be considered as having been handled administrative violations.

8. During the process of consideration, decision on application of compulsory educational measures in the community to minors, the persons having the power to impose administrative penalties shall ensure the best benefits for such minors.

Article 4. Extenuating and aggravating circumstances;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case of application of compulsory educational measures in the community, the aggravating circumstances specified in Points a, c, dd, e, g, k and m Clause 1 Article 10 of the Law on penalties for administrative violations shall be applied.

Article 5. Persons, statute of limitations, time limit of application of compulsory educational measures in the community

1. The compulsory educational measures in the community shall be applied to persons specified in Article 90 of Law on handling administrative violations.

The compulsory educational measures in the community shall not be applied to foreigners.

2. Persons and statute of limitations for application of compulsory educational measures in the community

a) In case of persons aged between full 12 and under 14 who have intentionally committed acts with signs of special serious crimes prescribed in the Criminal Code, the statute of limitations shall be 01 year from the date of committing violations

b) In case of persons aged between full 14 and under 16 who have intentionally committed acts with signs of special serious crimes prescribed in the Criminal Code, the statute of limitations shall be 06 months from the date of committing violations

c) In case of persons aged between full 14 and under 16 who have been administratively sanctioned twice, and on whom an administrative violation record is issued at the third attempt within 06 months, for one of the acts of causing public disorder, property theft, gambling, fraud or illegal racing, the statute of limitations shall be 06 months from the last time of committing one of the violations.

d) In case of persons aged between full 16 and under 18 who have been administratively sanctioned twice, and on whom a administrative violation record is issued at the third attempt within 06 months, for one of the acts, such as offending the dignity and honor of other persons; injuring or harming the health of other persons; illegally seizing, destroying or intentionally damaging the property of other persons; causing public disorder; property theft; gambling; fraud; illegal racing, which are not treated as crimes, the statute of limitations shall be 06 months from the last time of committing one of the violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) In case of persons aged 18 or older who have been administratively sanctioned twice, and on whom a administrative violation record is issued at the third attempt within 06 months, for one of the acts, such as offending the dignity and honor of other persons; injuring or harming the health of other persons; illegally seizing, destroying or intentionally damaging the property of other persons; causing public disorder; property theft; gambling; fraud; illegal racing; mistreating or torturing grandparents, parents, spouses, children, grandchildren or fosterers, which are not treated as crimes, the statute of limitations shall be 06 months from the last time of committing one of the violations

3. The time limit of application of compulsory educational measures in the community shall be from 03 – 06 months.

Article 6. Conditions for application of management at home

1. The persons specified in Points c and c Clause 2 Article 5 and persons aged between full 14 and under 18 who illegally use narcotic substances specified in Point d, Clause 2 Article of this Decree shall be subject to consideration and application of management at home if the following conditions are satisfied:

a) The person shall voluntarily report their violations, honestly repent their mistakes;

b) The minor’s family shall have stable income, places for the minor to live together with (his/her parents or guardian(s)), conditions for cooperation with relevant individuals, agencies and organizations in the education and management of the minor;

c) The minor’s parents or guardian (s) shall have good personal identifications and voluntarily accept responsibility for management of the minor at home; have time to educate, manage, motivate, encourage and create conditions for the minor to participate in programs for study or vocational training; appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in local area;

d) Having written commitments of the minors' parents or guardian(s)

2. The time limit of application of management at home shall be from 03 – 06 months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Persons who have the power to decide application of compulsory educational measures in the community specified in Clause 1 Article 105 of Law on handling administrative violations:

a) President of the People's Committee of commune, ward or district town (hereinafter referred to as “the People's Committee of commune”) where the violator resides;

b) President of the People's Committee of commune where the headquarter of the social relief establishment which receives violators being minors without stable residence is located;

c) President of the People's Committee of commune where the illegal use of narcotic substances in the last time of the violator aged 18 or older without stable residence is detected.

2. The person having the power to decide application of management at home specified in Clause 2 Article 140 of Law on handling administrative violations shall be the President of the People's Committee of commune where the violator being minor resides.

3. The person assigned to lead or take charge of the People's Committee of commune according to regulations on Decree No. 157/2007/ND-CP dated October 27, 2007 of the Government defining the liability regime applicable to heads of state agencies, organizations and units in performing tasks and public duties shall have power to apply compulsory educational measures in the community and management at home as the President of People's Committee of commune.

Article 8. Cancellation, issuance of new decision on application of compulsory educational measures in the community

1. The person who has issued decision on application of compulsory educational measures in the community shall self-issue or issue decision on cancellation of all contents according to the request of the persons specified in Clause 3, Article 18 of the Law on Handling of Administrative Violations if it falls into one of the following cases:

a) The decision is issued against a wrong person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Commission of violations against regulations on procedures for issuance of decision;

d) Cases specified in Clause 1 Article 12 of the Law on penalties for administrative violations;

dd) Determination of violations against regulations of Clause 6 Article 12 of the Law on penalties for administrative violations;

e) Cases specified in Clause 10 Article 12 of the Law on penalties for administrative violations;

g) Cases specified in Clause 2 Article 116 of the Law on penalties for administrative violations;

h) Cases specified in Clause 2 Article 40 of this Decree.

2. With regard to cases specified in Points a, b, c, d, dd and e Clause 1 of this Article, if there is basic for issuance of a new decision on application of compulsory educational measures in the community, the person who has issued the previous decision must issue a new decision or transfer to a competent person to issue a new decision.

Article 9. Correction, revision, supplement, partial cancellation of decision on application of compulsory educational measures in the community

1. The person who has issued decision on application of compulsory educational measures in the community by himself/herself or on request of persons prescribed in Clause 3 Article 18 of the Law on Handling of Administrative Violations shall be responsible for correction of his/her decision on compulsory educational measures in the community upon having errors in drafting techniques

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The decision on partial correction, revision, supplement, cancellation of decision on application of compulsory educational measures in the community shall be kept into the documents on application of compulsory educational measures in the community or management at home.

Article 10. Correction, revision, supplement, cancellation, issuance of new decision on application of compulsory educational measures in the community

1. The decision on application of compulsory educational measures in the community shall be corrected, revised, supplemented, cancelled within the time limit, the statute of limitations for application

2. The new decision on application of compulsory educational measures in the community shall be issued according to regulations of Clause 2 Article of this Decree within the statute of limitations for application

3. The decision on correction, revision, supplement, cancellation and the new decision on application of compulsory educational measures in the community take effect from the date of signing.

4. If the decision on correction, supplement and the new decision stipulate the time limit for application of compulsory educational measures in the community and management at home which is less than the time specified in the previous decision that the violator enforced, the violator may terminate his/her enforcement of measures and be considered that he/she completely execute education in his/her commune, ward, district town and management at home.

If the decision on correction, supplement and the new decision stipulate the time limit for application of compulsory educational measures in the community and management at home which is longer than the time specified in the previous decision that the violator enforced, the violator shall continue to execute the remaining time after subtracting the enforced time.

Article 11. Period after which an offender is treated as if he/she was never subject to compulsory educational measures in the community

1. Within 2 years from the date of completion of execution of the decision or 01 year from the date of expiration of the statute of limitations for enforcement of the decision, if the individuals subject to application of compulsory educational measures in the community fail to repeat their violations, such individuals will be treated as if he/she was never subject to compulsory educational measures in the community.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Funding for implementation of compulsory educational measures in the community

1. The State provides the funding for activities throughout the process of application of compulsory educational measures in the community, including:

a) Verification, collection of documents and compilation of dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community ;

b) Drug test and identification of addiction;

c) Organization of consulting meetings;

d) Transfer of subjects to residence or to social relief establishment.

dd) Management of persons aged 18 or older who illegally use narcotic substances without stable residence;

e) Education and management of minors at the social relief establishments;

g) Assistance for persons assigned to help the persons subject to education (hereinafter referred to as “the educated persons”;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Other necessary expenses.

2. The funding specified in Clause 1 of this Article shall be secured by the local budget and other funding sources (if any).

3. The funding for assistance for a person assigned to help the educated person shall be at least 360.000 VND/month;

Chapter II

PROCEDURES FOR COMPILATION OF DOSSIERS, CONSIDERATION, DECISION ON APPLICATION OF COMPULSORY EDUCATIONAL MEASURES IN THE COMMUNITY AND MANAGEMENT AT HOME

Article 13. Request for compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community

1. The dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community to persons specified in points c, d, dd and e Clause 2 Article 5 of this Decree shall be compiled by the commune-level police chiefs or at the request of the following persons:

a) Commune-level Fatherland Front Committee presidents; heads of socio-political organizations at grassroots level;

b) Representatives of the leaders of the agencies, organizations or units where the violators are working or studying;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The request for compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community shall be made in writing and sent to the commune-level police chiefs. The requester shall be responsible for the information of the written request specified in Clause 3 of this Article.

3. The contents of the written request shall clearly state the location, date, month and year; full name and name of the agency or organization of the requester; full name, date, month, year of birth, residence and personal identification of the violator; violations, place of commission of violations, reasons for request, relevant documents (if any); signature of the requester.

4. Consideration, compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community :

a) Within a maximum of 03 working days from the date of receipt of the written request, the commune-level police chief shall be responsible for inspection of information about violations and the personal identification of the violator.

If the proposed person is a minor, it is required to consult the social-cultural official who is in charge of monitoring labor, war-invalids and social affairs, commune-level child protection official, social collaborator or child protection collaborator (if any) and representative of residential unit at grassroots level about the characteristics and family circumstances of the minor;

b) The commune-level police chief shall refuse the request for compilation of the dossier if the proposed persons in the written request are not the persons specified at Points c, d, dd and e, Clause 2, Article 5 of this Decree or the matter is in the process of conciliation or successfully conciliated in accordance with the law on grassroots conciliation.

In case of refusal of request for compilation of the dossier, the commune-level police chief shall immediately notify in writing the requester after expiration of the time limit for inspection of information about violations and the personal identification of the violator specified in Point a of this Clause;

c) In case of agreement on request for compilation of the dossier, the commune-level police chief shall compile the dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community and notify in writing the requester of agreement on compilation of the dossier.

5. With regard to the violator who is a minor, if the conditions for application of management at home are satisfied, the commune-level police chief shall compile the dossier proposing the President of the People's Committee at the same level to consider and decide application of management at home.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The police chiefs of communes where the persons specified in Points c, d, dd and e Clause 2 Article 5 of this Decree reside shall compile dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community .

2. The police chiefs of communes where the persons specified in Points c, d, dd and e Clause 2 Article 5 of this Decree commit violations shall compile dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community .

3. The police agencies of districts or provinces that are handling the cases according to regulations of Clause 2, Article 97 of the Law on Handling of administrative violations shall compile dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community for the persons specified in Clause 2, Article 5 of this Decree.

Article 15. Collection of information, documents for the purpose of compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community

1. The information, documents for the purpose of compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community shall contain:

a) Violations;

b) Identification of age;

c) Verification of residence;

d) Result of drug test or identification of addiction for case specified in Point dd Clause 2 Article 5 of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. With respect to a minor, in addition to information, documents specified in Clause 1 of this Article, the commune-level police chief shall:

a) Collect more information about family, friendship and circumstances that result in violations;

b) Collect feedback from the school, agency or organization where the minor is studying or working (if any);

c) Collect feedback from the minor's father, mother or guardian, except for the case that the minor is transferred to the social relief establishment.

3. The person having the power to compile the dossier shall be responsible for collection of information and documents specified in Clauses 1 and 2 of this Article. The collected information shall be in writing.

4. The justicial - civil status officials, cultural and social officials who are in charge of monitoring labor - invalids and social affairs, commune-level child protection workers, social collaborators, child protection collaborators (if any), the minor’s parents or guardians, schools, relevant agencies and organizations shall be responsible for providing information, documents or giving written opinions at the request of the police agencies within 02 working days from the date of receipt of the request.

Article 16. Identification of age of person subject to application of compulsory educational measures in the community

The person having the power to compile the proposing dossier shall identify the age of person subject to application of compulsory educational measures in the community according to regulations of the law on civil status. The identification of age of person subject to application of compulsory educational measures in the community shall be made in writing.

Article 17. Verification of residence and transfer of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



With regard to mountainous areas, islands, remote and isolated areas which are difficult for going, the time limit for verification of the residence may be prolonged but must not exceed 10 days from the date of processing the dossiers.

2. Persons with stable residence:

a) Persons who are living in their permanent residence or temporary residence;

b) In case of failure to identify the permanent or temporary residence, the stable residence is the current residence of the persons defined in accordance with regulations of Clause 1, Article 19 of the Law on Residence and regularly living from 30 days or more with certification of the commune-level police chiefs.

3. Persons without stable residence:

a) Persons who have registered their place of residence as their permanent or temporary residence but fail to reside in such place with certification of the police chiefs of communes where they register their place of residence as their permanent or temporary residence without knowing where the persons reside;

b) The family members, according to regulations of the law on marriage and family, provide information about them to the authorities and claim that they do not know where the persons are currently residing, and the police agencies that search the stored information in accordance with the law but fail to know where the persons are residing;

c) Persons who fail to register their place of residence as their permanent or temporary residence with the time for residence at each stable residence that is less than 30 days.

4. k) The identification of the residence shall comply with regulations of the law on residence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Within 3 working days from the date of verification of the residence and completion of the proposing dossiers, in case of persons who fail to reside in the local area where they commit violations, the persons who have the power to compile the dossiers shall process as follows:

a) The police chiefs of communes who have compiled the dossiers for the persons specified in Points c, d, dd and e Clause 2 Article 5 of this Decree shall transfer the dossiers to the Presidents of the commune-level People's Committees where the violators reside to consider and decide application of compulsory educational measures in the community;

b) The police agencies of districts or provinces that have compiled the dossiers for the persons specified in Clause 2 Article 5 of this Decree shall transfer the dossiers to the Presidents of the commune-level People's Committees where the violators reside to consider and decide application of compulsory educational measures in the community;

7. Within 03 working days from the date of verification of the residence and completion of the proposing dossiers, if the persons who fail to have stable residence are the minors or the persons aged 18 or older specified in Point dd Clause 2 Article 5 of this Decree without verification of the residence, the persons who have the power to compile the dossiers shall process as follows:

a) In case of minor, the police chief of commune where the minor commits violations, the police agency of district or province handling the cases shall transfer the minor and a copy of the dossier to social relief establishment according to the list prescribed by the People's Committee of province; at the same time, transfer the dossier to the President of the People's Committee of commune where the headquarter of social protection establishment is located for consideration and decision on application of compulsory educational measures in the community;

b) In case of person who is aged 18 or older, the police chief of commune where the minor commits violations, the police agency of district or province handling the cases shall transfer the minor and a copy of the dossier to the President of the People's Committee of commune where the illegal use of narcotic substances in the last time of the person is detected for consideration and decision on application of compulsory educational measures in the community;

Article 18. Drug test and identification of addiction;

1. The following persons shall be subject to drug test or identification of addiction according to regulations of the Law on prevention and control of narcotic substances:

a) Persons specified in Point dd Clause 2 Article 5 of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case of person specified at Point a, Clause 1 of this Article whose body tests positive for the narcotic substance, the competent person or the person who requests the drug test for the violator shall send immediately the result to the commune-level police chief where the violator resides or the commune-level police chief where the violator commits violations in order to consider and compile the dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community .

3. If a person specified at Point a, Clause 1 of this Article is a drug addict, the detoxification according to regulations of the Law on prevention and control of narcotic substances shall be applied.

4. If the person specified at Point b, Clause 1 of this Article is determined to be a drug addict, the competent person shall handle according to regulations of Clause 2 Article 41 of this Decree.

Article 19. Dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community

1. Written request for compilation of the proposing dossiers.

2. Curriculum vitae of the violator.

3. Documents specified in Clauses 1 and 2 Article 15 of this Decree.

4. Medical record (if any)

5. Statement of violator

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Other relevant documents (if any).

Article 20. Processing of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community transferred from other places

Within 07 working days from the date of receipt of the dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community according to regulations of Clauses 5,6 and 7 Article 17 of this Decree, the Presidents of the People's Committee of communes shall send the dossiers to the commune-level police chiefs in order to inspect and add information and documents according to regulations of Article 15 of this Decree.

The time limit for inspection and addition of information and documents shall be 03 working days from the date of receipt of the dossiers.

Article 21. Sending dossiers and notifying compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community

1. After completion the dossiers, the persons having the power to compile the dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community shall immediately notify in writing the compilation of the dossiers to the persons subject to application of compulsory educational measures in the community or the minors' parents or guardians.

The persons having the power to compile the proposing dossiers shall be responsible for the legality of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community .

2. A written notification of compilation of the dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community shall contain the following basic contents:

a) Full name of violator;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Right to read and record necessary contents in the dossier of the notified recipient; location, time limit for reading and record;

d) Right to express opinions on the proposing dossier at the consulting meeting.

3. The reading, record of necessary contents of the dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community shall comply with regulations of Clause 4 Article 97 of Law on handling administrative violations:

4. Within 01 working day after the expiration of the time limit for reading and record of necessary contents specified in Clause 3 of this Article, according to each case, the person having the power to compile the dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community shall send the dossier to one of the following entities:

a) President of the People's Committee of commune where the person resides;

b) President of the People's Committee of commune where the headquarter of the social relief establishment for those who do not have stable residences is located;

c) President of the People's Committee of commune where the illegal use of narcotic substances in the last time of the violator aged 18 or older without stable residence is detected.

Article 22. Consulting meeting about consideration, decision on application of compulsory educational measures in the community

1. Within 07 working days from the date of receipt of the dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community, the President of the People's Committee of commune shall organize and take charge of the consulting meeting to consider and decide application of compulsory educational measures in the community.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) President of the People's Committee of commune:

b) Commune-level police chief;

c) Justicial - civil status official;

d) Representatives of Fatherland Front Committee, some relevant socio-political organizations, social organizations at the same level, residents at grassroots level;

dd) If the person subject to application of compulsory educational measures in the community is a minor, in addition to persons specified in Points a, b, c and d of this Clause, the social-cultural official, social collaborator or child protection collaborator (if any), school representative (if any) shall attend the meeting. With respect to the minor without a stable residence who is residing at a social relief establishment, in addition to such persons, the representative of such establishment shall be present at the meeting;

e) If necessary, the representative of the conciliation team or the police agency which has transferred the dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community shall be present at the meeting.

3. People who are invited to the consultating meeting:

a) Person subject to application of compulsory educational measures in the community ;

b) Minor’s parents or guardians;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Legal representative who is responsible for protection of the rights and interests of the person (if any).

4. The invitation of the persons specified in Clause 3 of this Article to participate in the meeting shall be made in writing. Such written invitation shall be sent at least 03 working days before the meeting.

5. The participants of the meeting specified in Clause 3 of this Article shall be entitled to express their opinions at the meeting.

If the person subject to application of compulsory educational measures in the community fails to attend the meeting, he/she may give his/her opinions in writing.

6. If the minor’s parents or guardians cannot attend the meeting with reasonable reasons, the consulting meeting about consideration and decision on application of compulsory educational measures in the community shall be postponed.

The consulting meeting shall be postponed at most twice. Each postponement shall not exceed 02 working days. The postponement time shall not be counted in the time for consideration and decision on application of compulsory educational measures in the community

If the minor’s parents or guardians cannot attend the meeting after the above postponement time due to failure to be present at the local area, health condition or other reasonable reasons, they must appoint a representative to attend the meeting.

7. The consulting meeting about consideration, decision on application of compulsory educational measures in the community shall be held in one of the following cases:

a) The person subject to application of compulsory educational measures in the community ; the parents or guardians of minor subject to application of compulsory educational measures in the community deliberately evade attending the meeting

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The parents or guardians of the minor subject to application of compulsory educational measures in the community cannot attend the meeting with reasonable reasons which has been postponed according to regulations of Clause 6 of this Article.

8. The consulting meeting about consideration, decision on application of compulsory educational measures in the community shall only be held if at least 2/3 of the members specified in Clause 2 of this Article attend the meeting.

9. Order and contents of the consulting meeting:

a) The representative of the commune-level police chief shall state violation(s) of the person subject to application of compulsory educational measures in the community , verification results, collected evidence, extenuating as well as aggravating circumstances, measures for conciliation, help and education that have been applied to the person (if any);

b) The person subject to application of compulsory educational measures in the community shall state the reasons for committing violations, his/her perception of the violations and the plan for correction to defects; show relevant evidence.

If the person is absent and gives his/her opinions in writing, his/her opinions must be read at the meeting;

c) The minor’s parents, guardian(s) or their legal representative shall present personal identification, family circumstance, reasons for committing violations, responsibilities for education and management of the minor at home;

d) The victim shall express his/her opinions about the damage;

dd) The social-cultural official, social collaborator or child protection collaborator (if any), school representative (if any) shall express their opinions about personal identification of the person subject to education, family circumstance, implement appropriate measures for education and support;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. The contents of the meeting shall be recorded in minutes and kept in the file.

Article 23. Completion and submission of dossiers to the President of the People's Committee of commune

1. According to the minutes of the meeting, the commune-level police chief shall complete the dossier and submit it to the President of the People's Committee at the same level right after the consulting meeting for consideration and decision on application of compulsory educational measures in the community.

2. A dossier submitted to the President of the commune-level People's Committee for decision on application or non-application of compulsory educational measures in the community shall contain:

a) Summary report on the contents of the meeting. In which, the contents shall include proposal for application or non-application of compulsory educational measures in the community; reasons for proposal; different opinions of members of the meeting (if any).

In case of request for application of compulsory educational measures in the community, in addition to the above contents, the summary report shall propose the time limit for application, the agencies or organizations assigned to educate and manage the person;

b) Dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community specified in Article 19 of this Decree;

c) Minutes of the consulting meeting;

d) Other relevant documents (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The management at home shall be applied in the following stages:

a) Consideration for request for compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community :

b) Collection of information, documents for the purpose of compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community ;

c) Processing of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community transferred from other places;

d) After the consulting meeting about consideration, decision on application of compulsory educational measures in the community .

2. The minor’s parents or guardian(s) shall make a commitment with the following contents:

a) Ensure the conditions specified in Points b and c Clause 1 Article 6 of this Decree;

b) Closely cooperate with organizations and individuals assigned to supervise in education and management of the minor;

c) Report at the request of the President of the commune-level People's Committee on management of the minor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A dossier proposing to apply management at home shall contain:

a) A written request of the person having the power to compile the proposing dossier. In which, the information about personal identification of the minor; proposal for application of management at home; reasons for application; the proposed time limit for application and the name of the organization or individual that cooperates with the family in supervising the minor shall be stated clearly;

b) Dossier of the minor committing violations according to regulations of Article 19 of this Decree;

c) Written commitment of the minors' parents or guardians

d) Other relevant documents (if any).

Article 25. Issuance of decision of application of compulsory educational measures in the community and management at home.

1. Within 03 working days from the date of receipt of dossiers proposing to apply management at home, the commune-level police chief or the President of the People's Committee of commune shall consider and decide:

a) Application of management at home;

b) Retransfer to compile dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community in case of disagreement with the request of the police chief at the same level within the period specified at Points a, b and c, Clause 1 of Article 24 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Application of compulsory educational measures in the community ;

b) Non-application of compulsory educational measures in the community ;

c) Application of management at home to the minor.

Article 26. Decision and statute of limitations for execution of decision on application of compulsory educational measures in the community

1. A decision on application of compulsory educational measures in the community shall contain the following contents:

a) Date of decision;

b) Full name, position of person who makes decision;

c) Full name, date of birth, address of the educated person;

d) Violations, clauses, articles of applicable legal documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In case of minor subject to education, his/her parents or guardian (s) shall cooperate in education and management.

In case of minor subject to education without stable residence, the social relief establishment shall educate and manage.

If the educated person is a person aged 18 or older who illegally uses narcotic substances without stable residence, the commune-level police or another appropriate agency or organization in local area shall educate and manage;

e) Time limit for application; date of execution;

g) Right to complain about, initiate lawsuit as prescribed per the law;

2. Decision on application of compulsory educational measures in the community takes effect from the date of signing

Within 02 working days from the date of signing, the decision shall be sent to the educated person, his/her family, the agency or organization assigned to educate, manage, the Standing Committee of the commune-level People's Council and relevant agencies and organizations.

3. The statute of limitations for execution of decision on application of compulsory educational measures in the community shall comply with regulations of Article 108 of Law on handling administrative violations.

Article 27. Decision on non-application of compulsory educational measures in the community

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Date of decision;

b) Full name, position of person who makes decision;

c) Full name, date of birth, address of person subject to application of compulsory educational measures in the community ;

d) Violations, clauses, articles of applicable legal documents;

dd) Reasons for non-application of compulsory educational measures in the community ;

2. Decision on non-application of compulsory educational measures in the community takes effect from the date of signing

3. Within 03 working days from the effective date, the decision shall be sent to person who is not subject to compulsory educational measures in the community and relevant organizations or individuals

With respect to the minor who is residing at a social relief establishment, the decision shall be sent to such establishment and the agency that has sent the dossier.

Article 28. Decision on application of management at home

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Date of decisions;

b) Full name, position of person who makes decision;

c) Full name, date of birth, address of minor;

d) Reasons for application;

dd) Full name, address of the minor's parents or guardian(s)

e) Time limit for application; date of execution;

g) Name of agency or individual that cooperates in supervision;

h) Responsibility of the minor in case he/she continues to violate the law;

i) Right to complain about, initiate lawsuit as prescribed per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Within 03 working days from the effective date, the decision shall be sent to the minor’s parents or guardian(s) and the agency or individual that cooperates in supervision of the minor.

Chapter III

EXECUTION OF DECISION ON APPLICATION OF COMPULSORY EDUCATIONAL MEASURES IN THE COMMUNITY AND MANAGEMENT AT HOME

Section 1. EXECUTION OF DECISION ON APPLICATION OF COMPULSORY EDUCATIONAL MEASURES IN THE COMMUNITY

Article 29. Assigning people to directly help the educated person

1. Principles of assignment:

a) A person assigned to help the educated person who is a social collaborator, a children protection collaborator or a reputable person in the family, community or a person who has experience in education and management of the minor in the social relief establishment shall have conditions, experience, capacity to educate, help the educated person;

b) A person may be assigned to educate, manage or help many people but not more than 03 people at the same time.

If the person assigned to help does not have the conditions for help or fails to fulfill the assigned responsibilities, the organization that is responsible for education and management shall promptly assign another person and notify in writing the President of the commune-level People's Committee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 30. Plan for education, help, management of the educated person

1. Within 05 working days from the date of receipt of the decision on assigning a person to directly educate, manage and help the educated person, according to the time limit for application of education, the assigned person shall make a plan for education, help and management of the person.

2. A plan for education, help, management of the educated person shall contain the following contents:

a) Contents and forms of education;

b) Specific measures for supervision, guidance, help, monitoring of the educated person, time of implementation, cooperation between the person's family and relevant organization, individual;

c) Contents of cooperation with relevant social organizations and agencies in the local area in case of minor residing in social relief establishment;

d) Opinions of the head of the organization that is responsible for education and management about the plan for education, management and help.

3. The plan for education, help and management shall be sent to the educated person, the minor’s parents or guardian (s), relevant agencies, organizations or individuals for implementation and the commune-level People's Committee to keep record of the execution of compulsory educational measures in the community.

Article 31. Contents and forms of education

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Disseminate information and educate in the law on the rights and obligations of citizens, the regulations of the law on violations of the educated persons.

Disseminate information and educate the persons who illegal use narcotic substances on the law on prevention and control of narcotic substances, the harmful effects of narcotic substances on health, family and community

b) Educate in life skills, support the educated persons in general education, vocational guidance, vocational training, job search;

c) Assist the educated persons to participate in public activities in the community with appropriate forms;

d) Educate about the good tradition of the country;

d) Other measures for protection, support according to regulations for the purpose of improvement and rehabilitation.

2. Compulsory educational measures in the community shall be conducted in the following forms:

a) Directly meet the educated person and his/her family

b) Encourage the educated persons to participate in classes on life skills, vocational guidance, vocational training, job search;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Notify in writing the educated person and his/her family of measures for education and management;

dd) Request the educated person to make a commitment to strictly implement measures for education and management;

e) Hold a meeting for the purpose of comment (hereinafter referred to as “the comment meeting”) in residential areas at the grassroots if necessary.

Failing to hold the comment meeting in case the educated person is a minor.

Article 32. Commitment of the educated person

1. The educated person shall send a written commitment to the observance of the decision on application of compulsory educational measures in the community to the agency or organization that is responsible for education and management and strictly implement his/her commitment.

2. Contents of commitment:

a) Comply with law and strictly correct to mistakes

b) Well perform the obligation to study and practice;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Participate in public activities in the community with appropriate forms;

dd) Participate in appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in the local area;

e) Be present at the request;

g) Comply with regulations on absence from the residence

3. If the educated person is illiterate or unable to write the commitment, he/she can ask someone else to write the commitment. The person shall press his/her finger-print in each page of the commitment.

4. The commitment of the minor shall have opinions of the minor’s parents or guardians’;

Article 33. Responsibilities of organizations that implement plans for education, help, management of the educated persons

1. The commune-level People's Committees, agencies, organizations and persons assigned to help the educated persons shall be responsible for cooperation with residential units at grassroots level and their families in monitoring, managing and supervising the implementation of the contents of plans for education, help, management of the educated persons;

2. The relevant social agencies and organizations at the local area shall be responsible for cooperation with social relief establishments in education and management of the educated persons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Request the educated persons to be present at the competent authorities;

b) Request the educated persons to report to the persons assigned to help them on their learning, working, training, progress and the results of correction of mistakes;

c) Organize drug test for persons who illegal use narcotic substances according to regulations of the law on prevention and control of narcotic substances;

d) Identify addiction according to regulations of the law on prevention and control of narcotic substances:

4. The persons assigned to help the educated persons shall fill the progress of the educated persons in the monitoring books to report to the organizations that are responsible for education and management.

5. The organizations which are responsible for education and management shall monthly report the results of monitoring, education and management of the educated persons to the People's Committees of communes that issue the decision on application of compulsory educational measures in the community.

Article 34. Implementation of plans for education, help, management of the educated persons

1. The plans for education, help, management of the educated persons who are minors shall be implemented as follows:

a) In case of persons who are studying at schools or educational institutions, the persons assigned to help them and the schools shall cooperate with the family of minors in encouraging and helping them with studying and training;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. During the period of execution of compulsory educational measures in the community, if the educated person fails to make progress, violates commitment and has been reminded many times by the person assigned to help him/her without correction to mistakes, the organization responsible for education and management shall report to the President of the commune-level People's Committee to hold a meeting at the local area in order to give suggestions to the educated person, except for cases specified in Clause 6 of this Article.

3. Participants:

a) Representative of the leader of the People's Committee of commune:

b) Commune-level police chief;

dd) Person assigned to help the educated person and representative of agency or organization responsible for education and management;

d) Representatives of Commune-level Fatherland Front Committee and residential unit grassroots level;

d) Educated person and his/her family.

4. Order and contents of the comment meeting:

a) The person assigned to help the educated person shall report on the process of education, management and violations of the educated person throughout the period of management; propose supplement or change to appropriate measures for education, management and help

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) According to the report of the person assigned to help the educated person and the presentation of the educated person, the members participating in the meeting shall analyze, comment on mistakes of the educated person and help him or her to correct and make progress;

d) Discuss and give measures for education to the educated person;

d) The contents of the meeting shall be recorded in minutes, kept in the file, sent to the educated person and his/her family.

5. Postponement and handling of the comment meeting in case of failure to organize:

a) Postpone the comment meeting if the educated person fails to attend the meeting with reasonable reasons.

The comment meeting shall be postponed at most twice. Each postponement shall not exceed 03 working days;

b) The comment meeting shall not be held if it has been postponed twice as prescribed in Point a of this Clause or the educated person deliberately evades.

In this case, the person assigned to directly educate, manage and help the educated person shall make a report on the process of education, management and violations committed by the educated person in order to propose solutions or adjust the plan and report to the President of the commune-level People's Committee for decision. The adjustment to the plan shall be notified to the educated person and his/her family.

6. During the period of execution of compulsory educational measures in the community, if the educated person fails to make progress and continues to commit violations, he/she shall be considered and sanctioned according to the regulations of Article 41 of the Decree or other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Rights:

a) Meet the educated person, the minor's parents or guardian (s) and relevant individuals to encourage, understand the thoughts, aspirations and difficulties of the educated person to find methods for helping;

b) Request the educated person to make a report as prescribed at Point b, Clause 3, Article 33 of this Decree;

c) Suggest creation of favorable conditions for education and management of the educated person to the organization responsible for education and management, the commune-level People's Committee;

d) Request competent agencies and organizations to create conditions for participation in studying, job search of the education persons and stabilization of their lives;

dd) Participate in courses on training in skills, knowledge and experience in help and education of the educated persons;

e) Receive support funding.

2. Obligations:

a) Formulate and organize the implementation of the plans for education, help, management of the educated persons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Closely cooperate with the minors’ families, schools, the Ho Chi Minh Communist Youth Union or the Ho Chi Minh Young Pioneers' Organization in creating conditions for participation in clubs, cultural activities, art activities, labor activities, physical training, sports activities and other healthy entertainment activities or the educated minors;

c) Help and encourage the educated persons; support and introduce the appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in the local area to the educated persons to participate; support for access to legal aid services as prescribed;

d) Guide the exercise of rights and obligations of the educated persons;

dd) Request the commune-level People's Committees and competent agencies and organizations to create conditions for studying and job search;

e) Fill in monitoring book and monthly report to the organizations responsible for education and management;

g) Report implementation of the decision on application of compulsory educational measures in the community to the Presidents of the commune-level People's Committees.

Article 36. Rights and obligations of the educated persons throughout the period of execution of compulsory educational measures in the community

1. Rights:

a) Work, study and reside at the place of residence; receive guidance on implementation of the procedures for permanent residence registration, temporary residence registration, temporary absence declaration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Participate in academic or vocational programs, appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in the local area;

d) Express their wishes and recommendations with the Presidents of the commune-level People's Committees, the commune-level police chiefs, social organizations, schools and persons assigned to help them;

dd) Be absent at the place of residence or change the place of residence as prescribed;

e) Complain about, initiate lawsuit for decisions on application of compulsory educational measures in the community and other administrative acts throughout the process of execution of the decision.

2. Obligations:

a) Abide by the policies and laws of the State;

b) Actively participate in working and studying; fulfill the citizen obligations; comply with internal rules and regulations of the local authorities at local areas where they reside;

c) Be subject to the education and management of agencies and social organizations and persons assigned to help them. The educated minors also are subject to education and management of their families and schools;

d) Strictly follow the committed contents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Notify and report on reasons and time of absence from the residence and the place where the educated persons come to stay in case of being absent from the place of residence as prescribed.

Article 37. Responsibilities of social relief establishments

1. Receive minors without stable residence throughout the time of making the proposing dossiers and after issuance of the decision on application of compulsory educational measures in the community .

2. Appoint a representative to participate in the consulting meeting about consideration, decision on application of compulsory educational measures in the community .

3. Assign officials to directly help the minors subject to education.

4. Create conditions for studying, participation in academic or vocational programs, appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in the local area of the minors;

5. Cooperate with relevant agencies, organization in the community in education and management of minors.

6. Manage the minors without stable residence in accordance with the actual situation of the establishment.

Article 38. Absence of the educated persons from their residence and social relief establishments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The period of absence from the residence or social relief establishments shall be counted into the time limit for execution of compulsory educational measures in the community. However, the total time of absence must not exceed 1/3 of the time limit for application of education, except for cases that the educated persons are sick and subject to treatment at medical establishments according to the direction of doctors. In these cases, the educated persons shall have confirmations of treatment from the medical establishments.

In case of failure to comply with the above regulations, the period of absence from the residence or social protection establishment shall not be counted into the time limit for execution for compulsory educational measures in the community.

3. The educated person who is absent from the place of residence for less than 15 days shall be handled as follows:

a) The educated person or the parents or guardian (s) of the educated person who is under 16 years old shall submit an application to the agency or organization assigned to manage the educated person;

b) The agency or organization assigned to manage the educated person shall consider and reply in writing with the educated person's absence from his/her place of residence within 3 working days from the date of receipt of the application;

c) In case of agreement, the agency or organization assigned to manage the educated person shall report to the President of the commune-level People's Committee where the educated person resides on his/her absence from the place of residence.

In case of disagreement, the reasons shall be clearly stated in writing to the person who has sent the application.

4. The educated person who is absent from the place of residence for more than 15 days shall be handled as follows:

a) The educated person or the parents or guardian (s) of the educated person who is under 16 years old shall submit an application to the President of the commune-level People's Committee via the agency or organization assigned to educate and manage the educated person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The agency or organization assigned to manage the educated person shall consider and comment about the educated person's absence from his/her place of residence within 3 working days from the date of receipt of the application;

c) The commune-level People's Committee shall consider and issue decision on the educated person's absence from his/her place of residence after receipt of the application and comments of the agency or organization assigned to manage the educated person;

In case of disagreement, the reasons shall be clearly stated in writing to the person who has sent the application and the agency or organization assigned to manage the educated person

5. The educated person who is absent from social relief establishment shall be handled as follows:

a) Absence for less than 15 days: The regulations of Clause 3 of this Article shall be applied. The application shall be sent to social relief establishment for consideration and handling ;

b) Absence for more than 15 days: The regulations of Clause 4 of this Article shall be applied. The application shall be sent to the President of the commune-level People's Committee where the headquarter of social relief establishment is located for consideration and handling via the social relief establishment.

Article 39. Change of residence of the educated person

1. The educated person who changes his/her place of residence due to studying, working, movement with his/her family to another place or other reasons shall be handled as follows:

a) The educated person or the parents or guardian (s) of the educated person who is under 16 years old shall submit an application to the President of the commune-level People's Committee;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The President of the commune-level People's Committee shall issue a decision to transfer application of compulsory educational measures in the community to the educated person to new place of residence within 5 working days from the date of receipt of the application.

2. Identification of the place of residence of the educated person without stable residence:

a) In case of a minor subject to education at social relief establishment, the President of the commune-level People's Committee where the headquarter of social relief establishment is located shall consider and transfer application of compulsory educational measures in the community to the educated person to his/her place of residence

b) In case of person aged 18 or older, the President of the commune-level People's Committee that has issued decision on application of compulsory educational measures in the community shall consider and transfer application of compulsory educational measures in the community to the educated person to his/her place of residence

3. If the educated person changes his/her place of residence as prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, the document on application of compulsory educational measures in the community of the educated person shall be transferred to the President of the Commune-level People's Committee where the educated person resides.

The President of the commune-level People's Committee where the educated person resides shall receive and assign the person to directly help the educated person as prescribed in Article 29 of this Decree.

4. When changing his/her residence, the educated person shall comply with the regulations of the law on residence.

Article 40. Handling of violations committed before or during the time of execution of compulsory educational measures in the community

1. If the person subject to application of compulsory educational measures in the community has committed violations before or during the time of execution of the decision on application of education, at the request of the criminal procedure agency, the President of the commune-level People's Committee shall issue a decision on temporary suspension from the execution of the decision on application of education to such person and transfer the document on application of education to the criminal procedure agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Having decision on failure to prosecute a criminal case, decision on cancellation of decision on criminal prosecutions, decision on suspension from investigation, decision on suspension from cases, decision on suspension from cases for defendant. The person subject to temporary suspension is exempt from criminal responsibility according to the judgment or an innocent person according to declaration of the Court;

b) The Court fails to sentence the person subject to temporary suspension to imprisonment.

3. If the person subject to temporary suspension from the execution of education has been sentenced to imprisonment by Court, within 03 working days from the date of receiving the legally effective judgment, the President of the commune-level People's Committee that has issued decision on application of compulsory educational measures in the community shall issue a decision on exemption from execution of the remaining duration of the decision on application of compulsory educational measures in the community.

The decision on exemption from execution of the remaining duration of decision on application of compulsory educational measures in the community takes effect from the date of signing. The decision shall be sent to the educated person; the agency and organization assigned to educate and manage and the person assigned to help the educated person.

Article 41. Termination of application of compulsory educational measures in the community

1. If the educated person has executed at least 1/2 (one-half) of the period of compulsory educational measures in the community without progress and continues to commit violations specified at Point b, Clause 1 of Article 94 of the Law on Handling of Administrative Violations, the President of the commune-level People's Committee that has issued the decision on application of compulsory educational measures in the community shall issue a decision on termination of application of compulsory educational measures in the community and propose the application of measure for sending to compulsory educational establishments.

2. The President of the commune-level People's Committee who has issued a decision on application of compulsory educational measures in the community shall issue a decision on termination of application of education and handle as follows:

a) If a person aged full 12 or older who is executing compulsory educational measures in the community is a drug addict specified in Articles 30, 31 and 33 of the Law on prevention and control of narcotic substances, the detoxification according to regulations of the law on Law on prevention and control of narcotic substances shall be applied.

b) If a person aged full 18 or older who is executing compulsory educational measures in the community is a drug addict specified in Article 32 of the Law on prevention and control of narcotic substances, the dossier proposing to apply administrative handling measures for sending to compulsory detoxification establishment shall be compiled according to regulations of the law on handling of administrative violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The President of the commune-level People's Committee shall issue a certificate of completion of execution of the decision on application of compulsory educational measures in the community to the educated person within 2 working days from the date on which the educated person completes execution of the decision.

2. The certificate of completion of execution of the decision on application of compulsory educational measures in the community shall be kept on file.

The valid copy of the certificate shall be sent to the organization assigned to educate, manage and the educated person’s family.

Article 43. Documents on application of compulsory educational measures in the community

1. The documents on application of compulsory educational measures in the community shall be numbered and stored in accordance with regulations of the law on storage. A document shall contain:

a) Dossier proposing to apply compulsory educational measures in the community

b) Decision on application of compulsory educational measures in the community ;

c) Decision on assigning persons to directly help the educated person;

d) Plan for education, help, management of the educated person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Minutes of the comment meeting for the educated person (if any);

g) A book to monitor the progress of the educated person and report on the results of supervision, help and education of the person assigned to help the educated person;

e) Documents on absence at the place of residence or change of the place of residence of the educated person (if any);

i) Decision on exemption from execution of the remaining time of decision on application of compulsory educational measures in the community ;

k) Decision on temporary suspension from execution of decision on application of compulsory educational measures in the community ;

l) Decision on cancellation of decision on temporary suspension from execution of decision on application of compulsory educational measures in the community ;

m) Decision on termination of application of compulsory educational measures in the community (if any);

n) Certificate of completion of execution of the decision on application of compulsory educational measures in the community

o) Other relevant documents (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. EXECUTION OF DECISION ON APPLICATION OF MANAGEMENT AT HOME

Article 44. Cooperation in supervising minors subject to application of management at home

1. The minor’s family shall:

a) Manage and supervise the minor;

b) Supervise, create conditions for studying, participation in academic or vocational programs, appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in the local area of the minor;

c) Monthly report to the President of the commune-level People's Committee on supervision and management of the minor;

d) Closely cooperate with organizations and individuals assigned to supervise the minor in implementation of the plan for supervising the minor.

2. The organizations assigned to cooperate in supervision shall assign persons to directly cooperate with the minor's family in management and supervision.

3. The individuals assigned by organizations and individuals assigned by the President of the commune-level People's Committee to cooperate in supervision shall cooperate with the minor’s family in performance of the following tasks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Introduce the minor to academic or vocational programs, job search programs, appropriate programs for counseling and development of life skills in the community that are organized in the local area;

c) Help and encourage the minor in correction to his/her mistakes.

Article 45. Rights and obligations of minors subject to application of management at home

1. Rights:

a) Study and live at the place of residence;

b) Be treated equally;

c) Participate in academic or vocational programs, appropriate programs for counseling and development of life skills that are organized in the local area;

d) Be considered or received by education establishments;

dd) Be subject to application of appropriate measures for support and protection as prescribed per the law

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Complain about, initiate lawsuit for decisions on application of management at home and other administrative acts throughout the process of execution of the decision.

2. Obligations:

a) Abide by the policies and laws of the State;

b) Actively study and fulfill the civic obligations, internal rules and regulations of the local authorities where they reside;

c) Be subject to the education, management and supervision of families, schools and persons assigned to cooperate in supervision.

Article 46. Termination of application of management at home throughout the time of application of management

1. If a minor who is subject to application of management at home continues to commit violations, the President of the commune-level People's Committee that has issued the decision on application of management at home shall issue decision on termination of application of management and handle as follows:

a) In case of violations specified at Points c, d and dd, Clause 2, Article 5 of this Decree, the decision on application of compulsory educational measures in the community shall be issued;

b) If the violations have criminal signs, it is proposed to be handled according to the regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The detoxification for minors shall comply with regulations of the law on prevention and control of narcotic substances:

Article 47. Certificate of completion of execution of the decision on application of management at home

1. The President of the commune-level People's Committee shall issue a certificate of completion of execution of the decision on application of management at home to a minor within 2 working days from the date on which the minor completes execution of the decision.

2. The certificate of completion of execution of the decision on application of management at home shall be kept on file.

The valid copy of the certificate shall be sent to the minor's family.

Article 48. Documents on application of management at home

1. The documents on application of management at home shall be numbered and stored in accordance with regulations of the law on storage. A document shall contain:

a) A dossier proposing to apply management at home:

b) Decision on application of management at home;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Other relevant documents (if any).

2. The document on application of management at home shall be managed at the People's Committees of communes where the decision is issued

Chapter IV

RESPONSIBILITIES OF UNITS, ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS

Article 49. Responsibilities of relevant ministries

1. The Ministry of Justice shall:

a) Develop and promulgate documents on compulsory educational measures in the community under its power or submit to competent authorities to promulgate them;

b) Make preliminary and final reports on the implementation of laws on compulsory educational measures in the community

c) Guide the application of laws on compulsory educational measures in the community according to request of ministries, ministerial-level agencies and local authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Responsibilities specified in Points a, b, c and d of this Clause for management at home.

2. The Ministry of Public Security shall:

a) Guide the commune-level police office, socio-cultural officials and socio-political organizations at the same level on cooperation with the commune-level People's Committees in collection of documents and compilation of dossiers proposing to apply compulsory educational measures in the community. Guide and provide training in professional skills for the commune-level police office in order to implement the plans for education, help and management of the educated persons;

b) Periodically report or report at the request of competent agencies on application of compulsory educational measures in the community according to regulations;

c) Develop documents on guidance on application of laws on the implementation of compulsory educational measures in the community;

d) Guide and inspect the professional application of laws on the implementation of compulsory educational measures in the community;

dd) Responsibilities specified in Points a, b, c and d of this Clause for management at home.

3. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall be responsible for the planning for the network of social relief establishments; develop and improve the capacity of social workers at social relief establishments and communes, wards and district towns to perform social support and drug prevention for users who illegal use narcotic substances; direct the establishments to manage persons subject to application of compulsory educational measures in the community at social relief establishments.

4. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with relevant ministries and central authorities in guidance on the specific contents and levels of expenditures for expenditures specified in Clause 1, Article 12 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The People's Committees at all levels, within the scope of their functions, tasks and powers, shall:

a) Disseminate laws on application of compulsory educational measures in the community in local areas;

b) Report on implementation of laws on application of compulsory educational measures in the community ;

c) Direct, guide and make estimates of expenditures for the implementation of application of compulsory educational measures in the community ;

d) Direct and execute the decisions on application of compulsory educational measures in the community ;

d) Direct the local socio-agencies and organizations to cooperation in consulting, supporting, educating and managing for persons subject to application of compulsory educational measures in the community in order to help the persons with rehabilitation

e) Responsibilities specified in Points a, b, c and d of this Clause for management at home.

2. The People's Committees of provinces, within the scope of their functions, tasks and powers, shall:

a) Submit the annual estimates of expenditures; set expenditures on assistance for persons who directly help the educated persons in order to submit to the People's Council for decision;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Decide the list of social relief establishments that receive minors without stable residence who are subject to application of compulsory educational measures in the community.

3. The People's Committees of communes, within the scope of their functions, tasks and powers, shall:

a) Implement application of compulsory educational measures in the community ;

b) Mobilize persons who have conditions, capacity and experience in order to participate in education, help and management of the persons subject to application of compulsory educational measures in the community in conformity with actual situations of the local areas;

c) Direct organization of vocational training programs, job search, capital loan, production and trade, counseling programs, life skills development programs, health and social services, prevention and control of narcotic substances in the local area in order to create conditions for persons subject to application of compulsory educational measures in the community to participate;

d) Make estimates of expenditures for the implementation of compulsory educational measures in the community in order to submit to the competent authorities for decision;

dd) Inspect the execution of decisions on application of compulsory educational measures in the community and management at home in the local areas.

Article 51. The commune-level police chiefs shall

1. Assist the Presidents of the People's Committees at the same level to monitor the implementation of compulsory educational measures in the community.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 52. Cooperation with Vietnam Fatherland Front Committee and its members that are commune-level organizations

The Presidents of the People's Committees of communes shall request the Vietnam Fatherland Front Committee to cooperate with its member organizations at the commune level in the implementation of compulsory educational measures in the community and management at home. To be specific:

1. Assign persons to directly help the educated persons if required and supervise implementation.

2. Create conditions for persons assigned to help the educated persons under their management in order to complete their tasks.

3. Help and create conditions for participation in programs for counseling and development of life skills in the community of persons subject to compulsory educational measures in the community and management home

Chapter V

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 53. Schedule used in application of compulsory educational measures in the community and management at home

1. The Appendix of forms for use in application of compulsory educational measures in the community and management at home is promulgated together with this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Competent authorities and persons may use pre-printed forms or self-print forms. They shall be responsible for the accuracy and completeness in printing, issuing, managing and using forms issued as prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article.

4. Forms used in the application of compulsory educational measures in the community and management at home to minors shall be stored in paper and in electronic form.

Article 54: Entry into force

1. This Decree comes into force from January 01, 2022

2. The Government’s Decree No. 111/2013/ND-CP dated September 30, 2013 on regime for application of administrative handling measures for compulsory educational measures in the community and Government’s Decree No. 56/2016/ND-CP dated June 29, 2016 on amendments to some articles of Government’s Decree No. 111/2013/ND-CP dated September 30, 2013 on regime for application of administrative handling measures for compulsory education in the community expire from the effective date of this Decree.

Article 55. Transitional clauses

Violations that are committed before the effective date of this Decree but are detected and being processed for compulsory educational measures in the community (or in the family for minors): if this Decree does not provide for legal liability or impose less serious legal liability for violations, the regulations of this Decree shall be applied.

Article 56. Responsibility of implementation

The Ministers, heads of the ministerial-level agencies, heads of the governmental agencies, the Presidents of the People's Committees of provinces, relevant units shall be responsible for the implementation of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Pham Binh Minh

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


118.835

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.52.43
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!