THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
20/2002/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2002
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM
HÀNH CHÍNH NĂM 2002
Ngày 02 tháng 7 năm 2002, Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Pháp lệnh
này thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 và bắt đầu có hiệu lực
kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2002. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quy định những
vấn đề cơ bản về xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng
ngừa và chống vi phạm hành chính hiện nay ở nước ta. Để kịp thời tổ chức triển
khai thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi là Pháp
lệnh xử lý vi phạm hành chính) có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để các quy
định của Pháp lệnh phát huy hiệu lực thực tế trong đời sống xã hội, Thủ tướng
Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, có
trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức
tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, cán bộ, công chức về Pháp lệnh xử lý vi
phạm hành chính. Việc tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh mới cần tiến hành rộng
rãi trong cả nước, đến tất cả mọi đối tượng, mọi tầng lớp dân cư trong xã hội;
công tác tuyên truyền phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và thống nhất về nội dung
để mọi người hiểu đúng tinh thần các quy định của Pháp lệnh; cần chú trọng những
nội dung trực tiếp liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ, ngành, đặc điểm của địa
phương, đơn vị mình nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong
nhân dân, cán bộ, công chức, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu
tranh phòng và chống vi phạm hành chính. Ngay từ qúy IV năm 2002, các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp phải xây dựng
và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh xử lý vi phạm
hành chính trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình và xác định đây là nhiệm vụ
trọng tâm của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong những
tháng cuối năm 2002 và cả năm 2003.
Hội đồng phối hợp công tác phổ
biến giáo dục pháp luật của Chính phủ và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến
giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, thống nhất
việc chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động tuyên truyền về Pháp lệnh xử lý vi phạm
hành chính; có kế hoạch cụ thể về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung
Pháp lệnh này ở tất cả các ngành, địa phương trong toàn quốc.
Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài Truyền
hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa
phương, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương và các cơ quan truyền
thông, các phương tiện thông tin đại chúng khác có trách nhiệm tập trung tuyên
truyền rộng rãi về mục đích và nội dung của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
khi Pháp lệnh có hiệu lực, đồng thời có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần để các quy định của Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm biên
soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, bảo
đảm nội dung đầy đủ, thống nhất; có kế hoạch phổ biến nội dung Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính cho các tổ chức pháp chế thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và
Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Các Bộ, ngành có cơ quan, lực
lượng được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh
xử lý vi phạm hành chính, ủy ban nhân dân các cấp phải khẩn trương tiến hành sắp
xếp lại bộ máy, kiện toàn về tổ chức để bảo đảm thực hiện tốt thẩm quyền xử lý
vi phạm hành chính được giao khi Pháp lệnh có hiệu lực nhằm bảo đảm cho việc đấu
tranh chống vi phạm hành chính có hiệu quả cao.
Các Bộ, ngành có cơ quan, lực lượng
được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cần kịp thời có kế hoạch tổ chức
tập huấn chuyên sâu về nội dung Pháp lệnh cho đội ngũ cán bộ, công chức có thẩm
quyền xử lý vi phạm hành chính và những người có liên quan, trong đó cần chú ý
những chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mới được quy định bổ
sung trong Pháp lệnh. Nội dung tập huấn chuyên sâu cần cụ thể, thiết thực, bám
sát các quy định của Pháp lệnh và gắn với phạm vi quản lý nhà nước của Bộ,
ngành mình, kết hợp hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình
thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995.
Việc tập huấn chuyên sâu phải
hoàn thành trong quý IV năm 2002. Kinh phí phục vụ cho việc tập huấn do các Bộ,
ngành cân đối từ khoản kinh phí được cấp hàng năm cho hoạt động thường xuyên của
các Bộ, ngành.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các
cấp phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi
phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình;
định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình vi phạm hành chính và báo cáo Thủ
tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên kết quả xử lý vi phạm hành
chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức có thẩm quyền xử
lý vi phạm hành chính thuộc quyền quản lý của mình trong việc thực thi công vụ;
kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
vi phạm pháp luật theo đúng quy định tại Điều 121 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành
chính, từng buớc tạo lập kỷ luật nghiêm minh trong công tác xử lý vi phạm hành
chính. Nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ
bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phải khẩn
trương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc
trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực
quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, bảo đảm
tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cụ
thể là:
a) Trong thời gian từ nay đến hết
tháng 12 năm 2002, các Bộ, ngành sau đây phải hoàn thành việc soạn thảo trình
Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định chi tiết thi hành một số nội dung của
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002:
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với
Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan khác
soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính;
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với
Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan khác soạn thảo Nghị định
quy định việc quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời
gian làm thủ tục trục xuất; Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ
người theo thủ tục hành chính; Nghị định của Chính phủ quy định về thủ tục áp dụng
các biện pháp cưỡng chế hành chính; các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số
19/CP ngày 06 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế giáo dục tại xã,
phường, thị trấn đối với những người vi phạm pháp luật, Nghị định số 31/CP ngày
14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế về quản chế hành chính, Nghị
định số 32/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở
giáo dục, Nghị định số 33/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành
Quy chế về trường giáo dưỡng;
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan khác soạn thảo
Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp
phạt vi phạm hành chính;
- Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan
khác soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4
năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh.
b) Trong thời gian từ nay đến hết
qúy I năm 2003, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu
việc sửa đổi, bổ sung các nghị định hiện hành của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của
Bộ, ngành mình phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để
trình Chính phủ xem xét, ban hành.
5. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ
Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan khác khẩn
trương soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực trật tự, an toàn đô thị để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
6. Các Bộ, ngành có cơ quan, lực
lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Uỷ ban nhân dân các cấp phải chỉ
đạo các cơ quan, lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ,
ngành, địa phương mình tập trung khẩn trương giải quyết dứt điểm các vụ việc vi
phạm hành chính còn tồn đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện
các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2002,
các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính phải được nghiêm chỉnh thi
hành ngay. Các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được ban hành trước
khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 có hiệu lực mà không trái với
quy định của Pháp lệnh này thì vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi có văn bản
mới sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
7. Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu
trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong
việc sửa đổi, bổ sung các nghị định hiện hành của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, các nghị định của Chính phủ
ban hành quy chế về các biện pháp xử lý hành chính khác và xây dựng các văn bản
quy phạm pháp luật mới về xử lý vi phạm hành chính; chủ trì, phối hợp với Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo Thủ
tướng Chính phủ kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy
phạm pháp luật để thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc thực
hiện Chỉ thị này và ba tháng một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực
hiện Chỉ thị.