ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/CT-UBND
|
Tây Ninh, ngày
06 tháng 6 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC
HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THEO PHÂN CẤP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TÂY NINH
Trong nhiều năm qua, công tác thanh tra, kiểm
tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên
địa bàn tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường làm đầu mối trong lĩnh vực này, chủ động phối hợp Tổng Cục Môi trường,
Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh và UBND
các huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra. Trong 02 năm 2011 và 2012 là
2.313 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 191 cơ sở với tổng số tiền
9.560,7 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 17 cơ sở để khắc phục ô nhiễm môi
trường. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở một số huyện, thị và phường, xã chưa được
quan tâm đúng mức; chưa có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan chức
năng trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong
lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về
trình tự, thủ tục, phân cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành
vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời trong quá trình thanh tra,
kiểm tra xử lý vi phạm để tránh phiền hà cho cơ sở do nhiều đoàn kiểm tra trong
một năm, lãng phí thời gian, công sức, kinh phí, nâng cao hiệu quả quản lý nhà
nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở,
ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ sau
đây:
1. Hàng năm, các cơ quan có thẩm
quyền lập kế hoạch và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn mình quản lý theo phân cấp gửi về Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với
các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau
đây gọi tắt là ĐTM) của Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi cấp Quyết định. Đồng thời,
kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường
phục vụ giai đoạn vận hành của dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của
Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày Nghị định số
29/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cũng như kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc
thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
b) Hàng năm, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn và định kỳ báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật;
kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở
đó;
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi
trường theo quy định pháp luật. Phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã trong công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu;
d) Phối hợp với cơ quan Hải quan và các cơ quan
có liên quan tại địa phương khi có yêu cầu phối hợp kiểm tra phế liệu nhập khẩu;
thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu việc tuân thủ
các quy định bảo vệ môi trường của thương nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập
khẩu làm nguyên liệu sản xuất;
e) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật
liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về bảo
vệ môi trường theo phân cấp;
g) Phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện
công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ môi
trường, các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức,
trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các tổ chức, cá nhân.
3. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
Tây Ninh:
a) Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện
các nội dung của Quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM theo thẩm quyền;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm
tra, xác nhận kết quả vận hành các công trình xử lý chất thải của các dự án đầu
tư xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trước khi đi vào hoạt động
chính thức theo thẩm quyền;
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức
năng thực hiện việc giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về
bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của các Công ty phát triển hạ tầng khu
công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu;
d) Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các
tranh chấp, khiếu nại về ô nhiễm môi trường giữa các doanh nghiệp trong khu công
nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các
tranh chấp, khiếu nại về ô nhiễm môi trường giữa các doanh nghiệp trong khu
công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực bên ngoài;
e) Chủ trì việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản
pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các
Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công
nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
4. Cảnh sát Phòng, chống tội phạm
về môi trường:
a) Tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các tổ
chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm về
môi trường; phải kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xử lý theo quy
định pháp luật khi nhận được tin báo.
b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và
giáo dục pháp luật về môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất
kinh doanh và nhân dân trong tỉnh nắm.
5. Sở Công thương:
Đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp ngành Công
thương quản lý thực hiện tốt các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường theo quy định của
pháp luật thông qua việc lồng ghép nội dung kiểm tra bảo vệ môi trường vào nội
dung mỗi đợt kiểm tra về hoạt động hóa chất, tiền chất ma túy, tiền chất thuốc
nổ và an toàn công nghiệp.
6. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã:
a) Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện
các biện pháp bảo vệ môi trường trong Bản cam kết bảo vệ môi trường hay nội
dung của Đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được đăng ký và các quy định của
pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu
tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh;
b) Chỉ đạo và chủ trì thanh tra, kiểm tra, giải
quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm đối với cơ sở thuộc đối tượng phải lập
dự án đầu tư mà có tính chất quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức
quy định của danh mục tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số
29/2011/NĐ-CP , ngày 18/4/2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến
lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường cũng như cơ sở
không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải từ quá
trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà chưa đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường
hoặc Đề án bảo vệ môi trường đơn giản (thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã) có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
theo thẩm quyền. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách
nhiệm kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi xả chất thải trái phép ra
môi trường của các doanh nghiệp, các cơ sở trên địa bàn mình quản lý;
c) Được quyền thanh tra, kiểm tra đối với các dự
án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy
ban nhân dân tỉnh khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Hòa giải các tranh chấp về môi trường phát
sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc,
cần sự hỗ trợ thì phải báo cáo kịp thời và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để
có biện pháp xử lý phù hợp.
7. Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn:
a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ
môi trường của các hộ gia đình, cá nhân;
b) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường cấp trên trực tiếp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị có
trách nhiệm kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi xả chất thải trái phép
ra môi trường của các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mình quản lý;
c) Hòa giải các tranh chấp về môi trường phát sinh
trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc,
cần sự hỗ trợ thì phải báo cáo kịp thời và đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã để có biện pháp xử lý phù hợp.
8. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh
và Truyền hình Tây Ninh: Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác
tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ môi trường,
thông báo hình thức xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các tổ chức,
cá nhân.
Các cơ quan có chức năng cung cấp số điện thoại
đường dây nóng để nhân dân giám sát và báo cáo khi phát hiện các hành vi vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối
hợp các sở, ban, ngành tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc
thực hiện Chỉ thị này; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, kịp
thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thu Thủy
|