ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2015/CT-UBND
|
Đồng Xoài, ngày
29 tháng 01 năm 2015
|
CHỈ THỊ
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH PHƯỚC
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc
hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012
và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 (sau đây viết tắt là Luật
Xử lý vi phạm hành chính). Trên cơ sở các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành
chính, ngày 20 tháng 01 năm 2014, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định trình tự,
thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án
nhân dân (sau đây viết tắt là Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13). Chính phủ đã ban
hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về
áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30
tháng 9 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại
xã, phường, thị trấn; Nghị định số
221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số 02/2014/NĐ-CP
ngày 10 tháng 01 năm 2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý
hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.
Để các quy định của Luật Xử lý vi phạm
hành chính, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết thi
hành Luật, Pháp lệnh nói trên được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả góp phần bảo
đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tăng cường trách nhiệm
của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong
việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính, giữ vững trật tự, kỷ cương, bảo đảm
quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức,
cá nhân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật; UBND tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các
sở, ban, ngành tỉnh có trách nhiệm
- Phổ biến, quán triệt và tổ chức thi
hành nghiêm Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh số 09/2014/PL-UBTVQH13 và
các văn bản pháp luật quy định chi tiết có liên quan về xử lý vi phạm hành
chính bằng các hình thức và biện pháp thích hợp để cán bộ, công chức, viên chức
và mọi tầng lớp nhân dân biết, hiểu và áp dụng các quy định được kịp thời, đầy
đủ, chính xác.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có
trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định
tại khoản 1, khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm tổ chức,
thực thi các quy định pháp luật về biện
pháp xử lý hành chính trong việc lập hồ
sơ đề nghị, chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính sang
Tòa án nhân dân cấp huyện và tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp
xử lý hành chính sau khi quyết định của Tòa án có hiệu lực.
- Tiến hành rà soát, báo cáo cụ thể về
những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng các quy định pháp
luật về biện pháp xử lý hành chính thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình về
UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp). Trên cơ sở đó, xác định rõ vấn đề nào thuộc trách
nhiệm giải quyết của cơ quan Trung ương, vấn đề nào thuộc trách nhiệm giải quyết
của địa phương; khẩn trương đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoặc
chủ động đưa ra các biện pháp phù hợp với
điều kiện thực tiễn tại địa phương, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả các
quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi
hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Sở Tư pháp có
trách nhiệm
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước
về công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa
bàn tỉnh.
- Phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp
vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa
phương.
- Thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành
về tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị UBND tỉnh
việc thanh tra khi có phản ánh kiến nghị, của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc
áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền,
lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định.
- Tiếp nhận, tổng hợp tham mưu cho
UBND tỉnh các biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc kiến nghị với các
cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền đối với những khó khăn,
vướng mắc hoặc những quy định xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo mâu thuẫn
với nhau.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi
phạm hành chính và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành
chính tại Bộ Tư pháp.
- Định kỳ tổng hợp tình hình thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh
báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
3. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và phát
triển Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh đảm bảo các điều
kiện cần thiết, phù hợp với nhu cầu và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt; thực hiện xã hội hóa và quản lý đối với các tổ chức xã hội quản lý người
nghiện ma túy (cơ sở cai nghiện tự nguyện) do các cá nhân, tổ chức thành lập
trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, chỉ đạo các Phòng nghiệp
vụ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã tổ chức phổ biến,
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong ngành thực hiện việc
đối chiếu hồ sơ, xem xét đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc.
4. Sở Y tế có
trách nhiệm
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo,
quản lý các hoạt động y tế tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục - Lao động xã hội;
các tổ chức xã hội quản lý người nghiện, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các
huyện, thị xã về xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị hỗ trợ cắt cơn
nghiện ma túy.
- Chỉ đạo người đứng đầu trạm Y tế
xã, bệnh xá Quân y, Phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên và Phòng Y
tế kịp thời tổ chức cho bác sỹ, y sỹ có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1
Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 quy định chế độ
áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cấp phiếu
trả lời kết quả về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Công an tỉnh có trách nhiệm
- Hướng dẫn, chỉ đạo
các đơn vị, lực lượng thuộc Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, cấp xã khẩn
trương thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành
chính theo quy định của pháp luật; phối hợp
chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị áp dụng các
biện pháp xử lý hành chính. Tổ chức đưa người đã có quyết định vào trường giáo
dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, truy
tìm các đối tượng bỏ trốn và đảm bảo an ninh trật tự đối với các cơ sở cai nghiện
bắt buộc.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan: Tư pháp, Tòa án, Y
tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên
quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Quy chế phối
hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và tổ chức xã hội ở địa phương, trong đó giao
cho một cơ quan, đơn vị cụ thể chủ trì trực
tiếp quản lý có hiệu quả đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định đang
trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường
giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, bồi
dưỡng cho lực lượng Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, thị xã trong việc thực
hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại Điều 39 Luật Xử
lý vi phạm hành chính.
6. Sở Tài chính có trách nhiệm
Tham mưu UBND
tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành
chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có
liên quan.
7. Sở Nội vụ có trách nhiệm
Tham mưu, trình UBND tỉnh giao biên chế cho Sở Tư
pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã đúng quy định pháp luật nhằm bảo đảm giúp
UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi
phạm hành chính.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
có trách nhiệm
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh phối
hợp với Sở Tư pháp tuyên truyền, giới thiệu các quy định của Luật Xử lý vi phạm
hành chính, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết về
các biện pháp xử lý hành chính.
9. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân các huyện, thị
xã triển khai việc xem xét, quyết định, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành
chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức
năng có liên quan trong việc ban hành quyết
định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng,
cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đảm bảo đúng trình tự,
thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án
nhân dân theo quy định của pháp luật.
10. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân
dân tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các huyện,
thị xã thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện
pháp xử lý hành chính; thực hiện quyền yêu cầu, kháng nghị nhằm đảm bảo việc giải
quyết kịp thời, đúng pháp luật; tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn,
miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành
chính theo quy định của pháp luật.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận triển
khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh
số 09/2014/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết về các biện pháp xử lý
hành chính để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp
nhân dân hiểu rõ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy hiệu lực
của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong đời sống xã hội.
12.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm
- Tổ chức phổ biến, quán triệt thường xuyên các quy
định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh số 09/2014/PL-UBTVQH13 và các
văn bản quy định chi tiết về các biện pháp xử lý hành chính bằng các hình thức
và biện pháp thích hợp để cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân
biết, hiểu rõ và thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch
UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3
Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Sắp xếp, bố trí công chức chuyên trách để thực hiện
nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa
bàn theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội, Công an huyện, UBND cấp
xã trong việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa
vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc theo đúng quy định.
- Chỉ đạo người đứng đầu cơ sở điều trị khẩn trương
có văn bản xác nhận về việc đưa người nghiện ma túy ra khỏi chương trình điều trị
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đối với người bị đưa ra khỏi
chương trình điều trị nghiện theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/01/2012 của
Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay
thế.
- Chỉ đạo người đứng đầu Trạm Y tế xã, Bệnh xá Quân
y, Phòng khám đa khoa khu vực, Bệnh viện cấp huyện trở lên và Phòng Y tế kịp thời
tổ chức cho bác sỹ, y sỹ có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị
định số 221/2013/NĐ-CP cấp phiếu trả lời kết quả về tình trạng nghiện ma túy hiện
tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Chỉ đạo UBND cấp xã hỗ trợ, tạo điều kiện cho những
người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc tham gia các nhóm tự lực, câu lạc bộ của người sau cai nghiện, giúp họ có
việc làm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, dự phòng tái nghiện.
13.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm
- Phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh
số 09/2014/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết về các biện pháp xử lý
hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tại địa phương biết, hiểu
rõ và thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch
UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện đúng
theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Tổ chức lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chỉ đạo quản lý người vi phạm trong quá trình lập
hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lập hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên vi phạm có nơi cư trú ổn định; lập hồ
sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người vi
phạm có nơi cư trú ổn định tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính; trong việc xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn đảm bảo chính xác, kịp thời theo đúng trình tự, thủ tục lập hồ
sơ, xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và
biện pháp quản lý tại gia đình.
- Đối với các đối tượng đã hoàn thành thời gian
giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Chủ tịch UBND
cấp xã có trách nhiệm thực hiện ngay việc cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong
quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để đảm bảo hồ sơ
pháp lý cho việc xem xét, đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tiếp
theo.
- Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức
ngay biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tại địa phương theo quy định
của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết thi hành; cấp Giấy
xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại
cộng đồng.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người đã chấp
hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tham
gia các nhóm tự lực, câu lạc bộ của người sau cai nghiện, giúp họ có việc làm ổn
định, tái hòa nhập cộng đồng, dự phòng tái nghiện,
UBND tỉnh yêu
cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban,
ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn
theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc những
nội dung nêu trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở
Tư pháp) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
chỉ đạo, giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT. HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- TAND, Viện KSND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- LĐVP;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Lưu: VT, P.NC-NgV.
|
T.M ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Trăm
|