ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 100/BC-UBND
|
Quảng Bình, ngày 13 tháng 5 năm 2016
|
BÁO CÁO
SƠ
KẾT 03 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 81/2013/NĐ-CP NGÀY 19/7/2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY
ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Thực hiện Công văn số
1052/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 05/4/2016 của Bộ Tư pháp về việc sơ kết 03 năm
thực hiện Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng
Bình báo cáo kết quả như sau:
I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC TRIỂN
KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/2013/NĐ-CP
1. Đánh giá chung
a) Công tác chỉ đạo triển
khai thực hiện
Để triển khai thi hành Nghị
định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, hàng năm, UBND tỉnh Quảng
Bình đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể: Kế hoạch số
103/KH-UBND ngày 25/01/2014 về thực hiện theo dõi thi hành pháp luật và xử lý
vi phạm hành chính năm 2014; Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 07/4/2015 về theo dõi
tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
và quản lý xử lý vi phạm hành chính năm 2015; Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày
14/01/2016 về Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính năm 2016; Kế hoạch số
429/KH-UBND ngày 04/4/2016 về việc sơ kết 03 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm
hành chính năm 2012, các Công văn chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xử lý
vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh[1]. Sở Tư pháp với nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý
XLVPHC trên địa bàn tỉnh cũng đã ban hành các Công văn số 447/STP-QLXLVPHC&TDTHPL
ngày 10/3/2016 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND của UBND
tỉnh.
b) Công tác xây dựng văn bản
QPPL
Thời gian qua, UBND tỉnh không
ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về công tác XLVPHC, Nhưng trong quá trình thực hiện, trên cơ sở khó
khăn, vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền XLVPHC, UBND tỉnh đã có
Công văn số 39/UBND-NC ngày 08/01/2016 về việc phản ánh những khó khăn, vướng
mắc trong công tác XLVPHC tại địa phương gửi Bộ Tư pháp để kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung như một số nội dung liên quan đến
Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Định kỳ 6 tháng, năm xây dựng báo cáo trong đó có
phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện XLVPHC gửi Bộ Tư
pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù
hợp.
c) Công tác tuyên truyền, phổ
biến Nghị định 81/2013/NĐ-CP
Công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai đến
tất cả các đối tượng, trong đó chú trọng những đối tượng có nguy cơ vi phạm và
người có thẩm quyền xử lý. Hình thức tổ chức các hội nghị phổ biến hoặc lồng
ghép phổ biến quán triệt Nghị định 81/2013/NĐ-CP trong các cuộc họp, tập huấn,
buổi nói chuyện; tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục báo, tạp chí, Đài
PTTH; mua và cấp phát sách pháp luật; in ấn, phát hành tài liệu, tờ gấp, đĩa
hình, băng đĩa tiếng; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, đài
truyền thanh cấp huyện, cấp xã; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; mở chuyên mục
theo dõi thi hành pháp luật, XLVPHC trên website của Sở, cập nhật thường xuyên kết
quả công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực thẩm quyền của
ngành Công an; xây dựng bộ câu hỏi – đáp về XLVPHC đăng trên website.
2. Kết quả thực hiện Nghị
định số 81/2013/NĐ-CP
a) Kết quả thực hiện các quy
định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính
- Về xử phạt vi phạm hành
chính
Từ ngày 19/7/2013 đến ngày
31/3/2016, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên 101.401 vụ vi phạm với 101.670
đối tượng vi phạm. Các cơ quan chức năng đã ban hành 101.386 quyết định xử
phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt thu được là 157.713.005.000
đồng, số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 12.637.736.845
đồng. Cụ thể:
+ Các sở, ngành thuộc tỉnh,
UBND cấp huyện, cấp xã đã phát hiện trên 13.274 vụ/12.887 đối
tượng vi phạm, trong đó, có 40 vụ chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự và
09 vụ áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên. Số đối
tượng bị xử phạt 12.887 đối tượng (646 tổ chức và 12.239 cá nhân). Các
cơ quan đã ban hành 13.068 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong
đó có 02 Quyết định bị hoãn, giảm, miễn thi hành hình phạt tiền; 10
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị cưỡng chế thi hành; 08 Quyết
định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại. Tổng số tiền phạt thu được từ xử
phạt vi phạm hành chính là 28.550.622.000 đồng. Tổng số tiền thu được từ
bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 6.781.396.000 đồng.
+ Các cơ ngành dọc đã phát hiện
trên 88.127 vụ/88.783 đối tượng vi phạm, trong đó có 27 vụ
chuyển bằng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự và 22 vụ áp dụng biện
pháp thay thế đối với người chưa thành niên. Số đối tượng bị xử phạt 88.783
đối tượng ( 2.528 tổ chức và 86.255 cá nhân). Các cơ quan ngành dọc đã ban hành
88.318 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 78 Quyết
định bị hoãn, giảm, miễn thi hành hình phạt tiền; 06 Quyết định xử phạt
vi phạm hành chính bị cưỡng chế thi hành; 08 Quyết định xử phạt vi phạm
hành chính bị khiếu nại. Tổng số tiền phạt thu được từ xử phạt vi phạm hành
chính là 129.162.383.000 đồng. Tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý
tang vật, phương tiện bị tịch thu là 5.856.340.845 đồng.
- Về áp dụng biện pháp xử lý
hành chính
Từ ngày 19/7/2013 đến ngày
31/3/2016, trên địa bàn tỉnh có trên 191 đối
tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành
chính. Trong đó, có 147 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp
dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 06 đối
tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo
dưỡng; 09 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp
đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 29 đối tượng bị lập hồ sơ
đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về số đối
tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trên 191 đối tượng.
Trong đó, các đối tượng là nam giới, số đối tượng bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn được là 147 đối tượng (chiếm 77%) và
số đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quyết định của TAND
cấp huyện 44 đối tượng (chiếm 23%). Trong tổng số đối tượng
bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết
định số đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng: 06 đối tượng (chiếm 13,6%); số đối
tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 09 đối tượng (chiếm 20,5%); số đối tượng
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 29 đối tượng (chiếm 65,9%).
Trong thời
gian qua, chỉ có 11 đối tượng đủ điều kiện áp dụng biện pháp
thay thế XLVPHC quản lý tại
gia đình đối với người chưa thành niên.
Nhìn chung,
thời gian qua công tác XLVPHC
trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định của pháp
luật. Các cơ quan chức năng đã xác định đúng thẩm quyền, đúng đối tượng trong
quá trình giải quyết các vụ vi phạm hành chính. Khi phát hiện hành vi vi phạm
hành chính, kịp thời lập biên bản và ra quyết định XLVPHC, sau khi ban hành đã đôn đốc theo dõi việc thực hiện quyết
định XLVPHC. Hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt
được đảm bảo bằng hình thức nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng
thương mại nơi ngân hàng nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết
định xử phạt; nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước
được ghi trong quyết định; nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo
quy định tại Khoản 1, Điều 56 và Khoản 2, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành
chính…
b) Kết quả thực hiện các quy
định quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
- Về xây dựng và hoàn thiện
pháp luật về XLVPHC, hàng năm Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh rà soát, theo dõi
thi hành Nghị định 81/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan đến công
tác XLVPHC nhằm kịp thời phát hiện các quy định không khả thi, không phù hợp
với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa
đổi, bổ sung[2].
- Về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp
vụ, phổ biến pháp luật về XLVPHC, UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp tổ chức 01 lớp
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người trực tiếp làm công tác XLVPHC của các
sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã với 137 người tham dự và
tổ chức 04 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp, trong đó có nội dung về
XLVPHC cho đối tượng công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã với 391 người tham gia;
cử 18 người làm công tác XLVPHC tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về XLVPHC tại
Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ngành
cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức trên 48 hội nghị tập
huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về XLVPHC cho trên 4.609 người tham dự
thuộc ngành, địa phương mình quản lý[3].
- Hướng dẫn nghiệp vụ về
XLVPHC, Sở Tư pháp với chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về XLVPHC,
trong thời gian qua đã hướng dẫn nghiệp vụ XLVPHC cho các sở, ngành và UBND cấp
huyện khi có yêu cầu[4].
- Về kiểm tra việc thi hành
pháp luật về XLVPHC, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh
kiểm tra công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực thuế, hải quan tại
Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh; lĩnh vực lâm
sản tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng
giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Sở Công thương; Trong năm
2016 sẽ kiểm tra công tác XLVPHC tại
Sở Y tế, UBND thị xã Ba Đồn và UBND huyện Tuyên Hóa. Các sở, ngành cấp tỉnh,
UBND cấp huyện hàng năm cũng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra tình hình
chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Qua đó,
đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, các sai phạm trong quá
trình quản lý để tiến hành xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với những trường hợp vi
phạm, góp phần thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về XLVPHC.
- Về chế độ báo
cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, định kỳ 6, hàng năm các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp
huyện, cấp xã đã chấp hành nghiêm túc việc báo cáo và gửi về cho Sở Tư pháp
theo đúng quy định. Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tổng hợp gửi Bộ Tư
pháp theo yêu cầu[5].
c) Kết quả
thực hiện quy định về mẫu biên bản và mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi
phạm hành chính
Trong quá trình
thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên
địa bàn tỉnh, các cơ quan có chức năng đã sử dụng đúng biểu mẫu biên bản, mẫu
quyết định ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP để giải quyết.
II. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG
MẮC TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG CÁC CÁC QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/2013/NĐ-CP
1. Những khó khăn, bất cập
trong các quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
- Trong Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
không quy định mẫu quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu
quả nên gây nhiều khó khăn trong việc sử dụng biểu mẫu quyết định cưỡng chế
buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại địa phương.
- Một số quy định về biểu mẫu kèm
theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không phù hợp với thể thức và kỹ thuật trình
bày văn bản hành chính quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ
gây ra sự lúng túng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
- Về vấn đề giao quyền: Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định vấn đề giao quyền xử phạt cho cấp phó tại Điều 54; khoản 2
Điều 87; khoản 2 Điều 123. Tuy nhiên, đối với các biện pháp ngăn chặn và bảo
đảm XLVPHC khác (tạm giữ tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật;
khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…), Luật Xử lý
vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không quy định
việc giao quyền cho cấp phó trong việc áp dụng các biện pháp này dẫn đến sự
lúng túng trong thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với những trường hợp cấp
trưởng vắng mặt do ốm đau, nghỉ phép dài ngày hoặc đi học tập trung, dài hạn…
không thể thực hiện thẩm quyền của mình nhưng không được giao quyền cho cấp
phó. Do vậy, các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật về XLVPHC gặp nhiều khó
khăn, ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác XLVPHC
2. Những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực
hiện các nội dung của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
- Về xây dựng cơ sở dữ
liệu quốc gia về XLVPHC, Điều 23 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu
quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và Khoản 8, Điều 30 Nghị định số
81/2013/NĐ-CP quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ
sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương; chỉ đạo các
sở, ban, ngành cung cấp thông tin để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về
xử lý vi phạm hành chính. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ
sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia
về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tư pháp”. Tuy nhiên, đến ngày 30/3/2016,
Chính phủ mới có Nghị định số 20/2016/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi
phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 15/5/2016) nên việc triển khai xây dựng cơ
sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC từ khi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi
hành cho đến nay không khả thi và gặp nhiều lúng túng. Các địa phương không có
phần mềm chung cơ sở dữ liệu về XLVPHC nên việc tích hợp các thông tin về Quyết
định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định thi hành Quyết định xử phạt vi phạm
hành chính, thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có),
về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính và thông tin về việc áp dụng biện
pháp quản lý tại gia đình không thể triển khai được. Với số lượng lớn các Quyết
định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành trong những năm qua thì khi triển
khai cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC theo Nghị định số
20/2016/NĐ-CP sẽ quá
tải và gặp nhiều khó khăn.
- Thời điểm lấy số liệu báo cáo 06 tháng, năm,
tại Khoản 4, Điều 25 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: “Thời điểm lấy số
liệu đối với báo cáo định kỳ 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến
ngày 31 tháng 3 năm sau; đối với báo cáo hàng năm, từ ngày 01 tháng 10 năm
trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau”, tuy nhiên đối với báo báo thống kê của
ngành Tư pháp được thực hiện theo quy định tại Thông tư 20/2013/TT-BTP hướng
dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp thì thời điểm lấy
số liệu 06 tháng từ 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 và báo cáo năm 01 tháng 01
đến 31 tháng 10 (đối với năm lần 1), từ 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 (đối với
năm lần 2) nên các địa phương rất khó khăn trong quá trình tổng hợp và yêu cầu
các cơ quan, đơn vị báo cáo về công tác XLVPHC cũng như công tác Theo dõi thi
hành pháp luật. Hơn nữa, việc XLVPHC nhất là với hình thức phạt tiền thường
liên quan đến việc chốt số liệu theo năm ngân sách địa phương nên việc xây dựng
báo cáo theo mốc như Nghị định gặp nhiều bất cập và không thống nhất với các
báo cáo, thống kê khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của công tác tư pháp.
Với nhiều mốc tổng hợp như thế nên gây quá tải cho các cơ quan, đơn vị, địa
phương trong việc tổng hợp báo cáo các lĩnh vực của công tác tư pháp. Do đó, một số cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo, thống kê,
báo cáo định kỳ theo quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
còn chậm, chưa thực sự chủ động mà chỉ thực hiện khi có Công văn đề
nghị của Sở Tư pháp.
- Về các điều kiện đảm
bảo thi hành, lực lượng cán bộ làm công
tác XLVPHC chuyên trách còn mỏng, một số địa bàn quản lý rộng và một
số lĩnh vực phức tạp còn thiếu lực lượng thực thi nhiệm vụ; trang
thiết bị, phương tiện, máy móc hiện đại để tiếp nhận, truyền đạt thông tin,
chính sách, pháp luật một số nơi, một số lĩnh vực chưa đảm bảo, công cụ hỗ trợ
còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; kinh phí dành cho việc triển khai thực
hiện công tác XLVPHC do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung
này nên các địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ và chi cho
công tác XLVPHC trên địa bàn.
- Việc phối hợp giữa các ngành, cơ
quan chức năng trong XLVPHC, chưa
có cơ chế phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức
năng trong XLVPHC, do đó việc tổng hợp cũng như cung cấp số liệu thống
kê về XLVPHC còn thiếu sự chủ động và hợp tác.
3. Nguyên nhân
- Do biên
chế, cơ sở vật chất, kinh phí còn thiếu, chưa đáp
ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
- Một số quy định trong Nghị
định chưa thống nhất với các văn bản khác và còn thiếu tính
khả thi trên thực tế.
- Công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một
số nơi chưa thực sự thường xuyên, sâu sát.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
- Đề nghị Chính phủ xem xét
sửa đổi các nội dung chưa phù hợp trên đảm bảo khả thi, thuận tiện trong
quá trình áp dụng.
- Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng
cường công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác này của địa
phương theo hướng cụ thể, chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ công tác trong thời gian tới./.
Nơi nhận:
- Cục QLXLVPHC&TDTHPL - Bộ Tư pháp
(để b/c);
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tiến Hoàng
|