Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 59/2010/SL-LPQT Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Vương quốc Anh Người ký: Phạm Gia Khiêm, William Hague
Ngày ban hành: 08/09/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 59/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2010

 

Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh, ký tại London, ngày 08 tháng 9 năm 2010. Có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 9 năm 2010./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

TUYÊN BỐ CHUNG

VỀ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT - ANH

Trên cơ sở quan hệ Việt - Anh phát triển nhanh chóng kể từ khi Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam và Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác vì sự phát triển nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới London tháng 3 năm 2008, hai bên đã quyết định nâng quan hệ lên tầm cao nhất - Quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang những lĩnh vực mới, khuyến khích tăng cường hơn nữa hợp tác và giao lưu giữa nhân dân và xã hội hai nước.

Quan hệ hai nước sẽ được xây dựng vững chắc dựa trên các giá trị chung như: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, cam kết tự do thương mại toàn cầu và sự phát triển bền vững với nền kinh tế ít phát thải các-bon, nhà nước pháp quyền, quyền con người, hợp tác đa phương, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trên thế giới.

Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện, đặc biệt là tăng cường hợp tác sâu rộng trong những lĩnh vực then chốt sau:

1. Hợp tác chính trị - ngoại giao:

Hai bên sẽ tăng cường gặp gỡ và đối thoại thường xuyên giữa Lãnh đạo hai nước, bao gồm cả những chuyến thăm chính thức song phương và các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực của Lãnh đạo và Bộ trưởng hai nước khi cần thiết. Hai bên sẽ tạo điều kiện thiết lập kênh trao đổi trực tiếp cấp cao trên các vấn đề quan trọng thông qua điện thoại hoặc truyền hình trực tuyến khi có yêu cầu. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng của Đại diện đặc biệt của nước Anh về Thương mại và Đầu tư, Công tước xứ York trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hai bên hoan nghênh việc tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và các chính đảng Anh, cũng như giữa các cơ quan của ĐCSVN với các cơ quan chính phủ, tổ chức hàn lâm và chính sách chiến lược của Anh.

Hai bên hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước, bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau, hợp tác trên các diễn đàn đa phương, xây dựng các dự án hợp tác với mục đích chia sẻ kinh nghiệm.

Hai bên sẽ nghiên cứu cách thức thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước, đặc biệt chú trọng việc tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và giáo dục, kể cả việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp và giáo dục - đào tạo.

Hai bên bày tỏ hài lòng về số lượng ngày càng tăng các cuộc đối thoại được thiết lập giữa chính phủ hai nước, cũng như với Liên minh Châu Âu (EU), trên các lĩnh vực: tham vấn chính trị và chính sách đối ngoại, đầu tư và thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục, vấn đề di cư, quyền con người.

Hai bên quyết định nhất trí tổ chức Đối thoại chiến lược hai năm một lần, luân phiên tại Hà Nội và London, nhằm trao đổi về quan hệ song phương, với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan khi cần thiết, được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hoặc Quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao.

2. Các vấn đề toàn cầu và khu vực:

Xuất phát từ việc Việt Nam đảm nhận thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) và hiện giữ cương vị Chủ tịch ASEAN; nước Anh là Ủy viên thường trực HĐBA LHQ và là thành viên chủ chốt của EU, hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ, ASEM, ASEAN-EU, WTO, nhằm trao đổi quan điểm trong các lĩnh vực như: Biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế ít phát thải các-bon; Bảo tồn và bảo vệ môi trường; Tự do thương mại, Phát triển quốc tế, bao gồm việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; cải cách thể chế quốc tế, như chương trình “Một LHQ”; Ngăn chặn xung đột; Không phổ biến hạt nhân; Quyền con người.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ EU-ASEAN và hợp tác thúc đẩy ổn định chính trị và an ninh, phát triển kinh tế và xã hội tại mỗi khu vực.

Hai bên cam kết tổ chức các cuộc họp, trao đổi ý kiến thường xuyên tại thủ đô mỗi nước về các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Các lĩnh vực trao đổi bao gồm việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường các thể chế đã được Hiến chương ASEAN xác lập, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người; thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua việc chia sẻ các kinh nghiệm tốt và hỗ trợ xây dựng năng lực.

3. Thương mại và Đầu tư:

Hai bên nhận thức rằng cam kết ủng hộ tự do thương mại và nền kinh tế mở đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm phát triển toàn cầu, giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam - Anh vì lợi ích chung. Hai bên cam kết cùng hành động để cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, cụ thể là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB); cùng hợp tác hướng tới hội nhập khu vực sâu rộng hơn, dựa trên cơ sở tự do thương mại, không bảo hộ. Hai bên sẽ ủng hộ việc tăng cường và mở rộng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có việc sớm kết thúc vòng đàm phát Doha, đạt kết quả tạo thuận lợi cho phát triển.

Phía Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU. Với tinh thần đó, trên cơ sở cơ chế kinh tế thị trường ngày càng được củng cố tại Việt Nam, Anh cam kết ủng hộ EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường khi Việt Nam đáp ứng các tiêu chí của EU. Hai bên sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp và phương thức để Việt Nam và EU mở đàm phán Hiệp định Thương mại tự do phù hợp với quy định của WTO.

Hai bên đặc biệt quan tâm tạo điều kiện tăng cường quan hệ kinh doanh thương mại và đầu tư tại thị trường mỗi nước, trên cơ sở ổn định lâu dài và cùng có lợi. Về vấn đề này, Việt Nam hoan nghênh việc Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Anh quyết định Việt Nam là một Thị trường Tăng trưởng cao. Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, phù hợp với các quy định của WTO. Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ưu tiên và hoàn thành chương trình nghị sự cải cách chính sách thương mại. Về vấn đề này, Anh sẽ cung cấp các gói hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam khi cần thiết.

Hai bên tiếp tục khuyến khích đầu tư và thương mại vào thị trường mỗi nước.

Anh hoan nghênh ý định của Việt Nam mở rộng đầu tư và tăng cường xuất khẩu vào thị trường Anh, nhất là các mặt hàng giầy dép, dệt may, các sản phẩm đồ gỗ, nông nghiệp và thủy sản. Ngược lại, Việt Nam khuyến khích tăng hơn nữa xuất khẩu của Anh vào thị trường Việt Nam. Anh sẽ nỗ lực củng cố vị trí là nhà đầu tư nước ngoài số một trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cũng như tăng cường thương mại và đầu tư của Anh vào thị trường Việt Nam trong các ngành chủ chốt như dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng, bất động sản, bán lẻ, viễn thông, công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cả trong hợp tác kinh doanh và hợp tác cấp chính phủ. Do đó, hai bên cam kết thúc đẩy các dự án trọng điểm; thường xuyên đối thoại nhằm xác định và đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, với sự tham gia của Lãnh đạo các công ty, cũng như các Bộ trưởng và quan chức cao cấp có liên quan. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành công nghiệp chiến lược như cơ sở hạ tầng, hàng không và năng lượng cũng như quốc phòng.

Hai bên nhận thức được tiềm năng của mô hình Đối tác Công - Tư (PPP) trong việc huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Anh đồng ý tài trợ cho các dự án nghiên cứu của Cơ quan Đối tác Anh để triển khai mô hình PPP tại Việt Nam; hình thành một nhóm các công ty Anh nhằm cung cấp kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực này. Sau khi ký Bản ghi nhớ về PPP vào đầu năm 2010, hai bên mong muốn Anh tham gia vào các dự án PPP thí điểm tại Việt Nam.

Hai bên hoan nghênh và ủng hộ dự định của Vietnam Airlines mở các chuyến bay trực tiếp giữa London và Việt Nam, có thể vào cuối năm 2011. Đường bay trực tiếp sẽ tác động tích cực đến quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục giữa hai nước.

Các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư sẽ được giám sát, thảo luận và giải quyết thông qua Ủy ban Hỗ hợp về hợp tác Kinh tế và Thương mại. Cơ chế này sẽ bao gồm việc tổ chức một phiên họp hàng năm do Bộ trưởng chức năng hai nước (hoặc các quan chức cấp cao trong trường hợp Bộ trưởng không dự được) chủ trì trên cơ sở luân phiên tại Hà Nội và London, với sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khi cần thiết. Hai bên có thể tổ chức các cuộc họp hàng quý ở cấp chuyên viên khi cần thiết, nhằm giám sát và xem xét các vấn đề nảy sinh.

Hai bên sẽ nỗ lực phát triển kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 4 tỷ đô la Mỹ và FDI của Anh vào Việt Nam đạt mức 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2013.

4. Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững:

Anh hoanh nghênh và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà Việt Nam được xem là ví dụ điển hình.

Theo Hiệp định Đối tác Phát triển 2006 - 2015 ký giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Bộ Phát triển quốc tế Anh, Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức đói nghèo còn tồn tại và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt tập trung vào giáo dục tiểu học, HIV/AIDS và vệ sinh dịch tễ, cũng như Ứng phó Biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, Anh sẽ hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ song phương cũng như thông qua kênh EU và các đối tác phát triển khác nhằm giúp Việt Nam tạo dựng môi trường cần thiết cho kinh tế tăng trưởng liên tục và thịnh vượng. Điều này bao gồm việc hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào hệ thống kinh tế quốc tế, mở rộng việc thụ hưởng thành tựu tăng trưởng, thúc đẩy các phương thức hoạt động đổi mới của khu vực tư nhân.

Hai bên sẽ hợp tác để đối phó với thách thức Biến đổi khí hậu cả trên các diễn đàn quốc tế. Về phần minh, Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế ít phát thải các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng các phương thức thích ứng khí hậu cho các dự án đầu tư lớn của Việt Nam, cũng như giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn quốc tế về Ứng phó Biến đổi khí hậu.

Hai bên cam kết chống tham nhũng, chia sẻ kinh nghiệm và xem xét hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực chống tham nhũng. Hai bên nhất trí sẽ phối hợp với nhau để thúc đẩy hiệu quả quản lý nhà nước, nhà nước pháp quyền, các vấn đề trách nhiệm và minh bạch, chia sẽ kinh nghiệm hoạch định chính sách kinh tế (trong đó có việc công bố các số liệu minh bạch và độc lập), cùng hợp tác trên các vấn đề pháp lý và tư pháp cùng quan tâm.

5. Giáo dục, Đào tạo, Khoa học và Công nghệ:

Hai bên hoan nghênh và cam kết tăng cường quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Anh cam kết hỗ trợ chiến lược cải cách giáo dục của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục tiểu học, đại học, sau đại học và dạy nghề. Nguồn viện trợ phát triển của Anh sẽ hỗ trợ các nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và chất lượng của giáo dục tiểu học tại các vùng nghèo và đặc biệt khó khăn.

Dưới sự điều phối của các cơ quan chính phủ và tổ chức liên quan, hai bên cam kết tăng số lượng các chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước ở cấp chính phủ cũng như giữa các cơ sở đào tạo. Hai bên khuyến khích thiết lập nhiều hơn nữa các chương trình hợp tác giữa các trường đại học, cũng như các sáng kiến của khu vực tư nhân nhằm đưa các cơ sở giáo dục của Anh đạt tiêu chuẩn quốc tế vào Việt Nam.

Hai bên cam kết phát triển trường đại học công lập đẳng cấp quốc tế Việt - Anh tại Đà Nẵng trên cơ sở Bản ghi nhớ đã ký đầu năm 2010. Về vấn đề này, phía Anh tái khẳng định Hội đồng Anh và Nhóm các trường đại học hàng đầu của Anh sẵn sàng tham gia hỗ trợ khâu giảng dạy, đào tạo, quản lý cho trường. Hai bên hoan nghênh việc thành lập Đại học Anh (British University) tại Hà Nội.

Anh cam kết hỗ trợ các nỗ lực nâng cao trình độ tiếng Anh, thông qua việc hỗ trợ Chiến lược đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh và Chiến lược dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh tầm nhìn 2020 của Việt Nam.

Trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác ký giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng Anh, hai bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ Chiến lược quốc gia về đào tạo nghề của Việt Nam.

Việt Nam và Anh cam kết tăng số lượng sinh viên Việt Nam sang Anh học đại học, cao học; tạo cơ hội cho nhiều sinh viên Anh sang học tập tại Việt Nam như một phần của chương trình đại học.

Hai bên hoan nghênh hợp tác song phương đào tạo các nhà quản lý của Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình 165; xem xét mở rộng phạm vi hợp tác cho chương trình này trong những năm tới.

Hai bên công nhận vai trò quan trọng của Khoa học và Sáng tạo trong phát triển đất nước. Hai bên cam kết xây dựng một kế hoạch hành động nhằm tăng cường hợp tác về vấn đề này, nhất là trong các lĩnh vực y tế, bệnh truyền nhiễm, giảm thiểu và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm và nông nghiệp. Hai bên hoan nghênh kế hoạch hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Hội đồng Công nghệ sinh học và nghiên cứu Khoa học Sinh học của Anh. Hai bên sẽ xem xét tăng cường mạng lưới hợp tác nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học hai nước; thúc đẩy các cơ hội hợp tác dưới dự tài trợ của EU và tăng cường trao đổi các ý tưởng chính sách.

6. Anh ninh và Quốc phòng:

Hai bên cam kết sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng và Quan chức cấp cao nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực có chung lợi ích.

Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức như tội phạm nhập cư (vận chuyển và buôn bán người), rửa tiền, ma túy, tội phạm mạng, tội phạm về động vật hoang dã và bảo tồn. Hai bên sẽ đảm bảo việc triển khai thành công Hiệp định tương trợ Tư pháp về hình sự, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, các Bản ghi nhớ và thỏa thuận liên quan về vấn đề di cư và đấu tranh và phòng chống tội phạm có tổ chức.

Hai bên hoan nghênh sự hợp tác ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực nhập cư bất hợp pháp. Hai nước đề xuất tổ chức cuộc gặp hàng năm ở cấp Quan chức cao cấp về vấn đề di cư, nhằm cho phép hai bên đánh giá quá trình hợp tác và thảo luận về những thách thức mới.

Hai bên hoan nghênh Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã được đề xuất.

7. Giao lưu nhân dân:

Hai bên đồng ý tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Hai bên khuyến khích các cơ quan, tổ chức tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông, nghiên cứu khoa học và du lịch. Hai bên hoan nghênh các nỗ lực thúc đẩy hoạt động quảng bá nghệ thuật, văn hóa và du lịch của mình tại mỗi nước, trong đó có tổ chức triển lãm, biểu diễn chương trình văn hóa nghệ thuật, hội chợ du lịch.

Việt Nam và Anh đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt tại Anh cho phát triển kinh tế - xã hội của Anh và Việt Nam, và trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Hai bên cam kết đối thoại thường xuyên với đại diện cộng đồng nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Hai bên chào đón dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2013; cam kết khuyến khích các sáng kiến thích hợp để kỷ niệm sự kiện này.

Hai bên hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về Thông tin và Truyền thông nhằm thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hai bên sẽ hợp tác để khuyến khích hợp tác và mở rộng phạm vi tiếp cận cho các tổ chức thông tin truyền thông của mỗi nước. Về vấn đề này, Anh hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam hỗ trợ Tạp chí Financial Times mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.

Thông qua các sự kiện quan trọng, hai bên sẽ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa xã hội hai nước, đặc biệt thông qua thể thao và du lịch. Anh và Việt Nam sẽ phối hợp để quảng bá Thế vận hội Olympics London 2012. Việt Nam sẽ ủng hộ chiến dịch “Xem nước Anh” của Anh (mà mục đích là quảng bá nước Anh cởi mở, thân thiện, năng động và sáng tạo). Phía Anh sẽ sẵn sàng hỗ trợ đội tuyển Olympics và Paralympics của Việt Nam khi có thể, bao gồm việc thiết lập quan hệ với các đối tác thể thao tại Anh.

Trên cơ sở Tuyên bố chung này, hai bên cam kết xây dựng một Kế hoạch hành động chung trong tháng 11 hàng năm.

8. Điều khoản cuối:

Tuyên bố chung này có thể được điều chỉnh bất cứ lúc nào nếu hai bên cùng đồng ý bằng văn bản. Tuyên bố chung này sẽ có hiệu lực từ thời điểm được ký bởi hai bên, và sẽ có hiệu lực cho đến khi được một trong hai bên hủy bỏ thông qua thông báo bằng văn bản trước 6 tháng.

Ký bằng 2 bản tại London vào ngày 08 tháng 9 năm 2010, bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Hai bản có giá trị như nhau./.

 

PHÓ THỦ TƯỚNG,
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Phạm Gia Khiêm

BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO




William Hague

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối với chiến lược Việt - Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.246

DMCA.com Protection Status
IP: 3.235.226.14
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!