VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
07/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 01 NĂM
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2008 VÀ
TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2010
Ngày 17 tháng 12 năm 2009, tại thành
phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng
Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị sơ kết
01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm
2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với
61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a) và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010. Tham
dự hội nghị có đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, đại diện lãnh đạo
nhiều Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện Tỉnh ủy và Ủy
ban nhân dân 18 tỉnh và đại diện Huyện ủy và Ủy ban nhân dân 62 huyện nghèo; đại
diện lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước nhận giúp đỡ các huyện
nghèo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động
– Thương binh và Xã hội trình bày Báo cáo sơ kết 01 năm triển khai thực hiện
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương
trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và triển khai
nhiệm vụ kế hoạch năm 2010, ý kiến phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các báo cáo tham luận của các địa phương, doanh nghiệp,
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Đến nay, cả 62 huyện nghèo đã
xây dựng xong Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và đã được Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.
2. Các Bộ, ngành liên quan đã
ban hành khá kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết; Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ứng vốn cho các địa phương để triển khai ngay
một số chính sách.
3. Về một số kết quả cụ thể (tính
đến cuối tháng 11 năm 2009):
- Kết quả nổi bật là đã khởi
công xây dựng 59.731/77.311 căn nhà để thay thế nhà dột nát cho hộ nghèo (đạt
77,26%), trong đó có 36.313 căn nhà hộ nghèo đã tiếp nhận vào ở. Các địa phương
đều quyết tâm hoàn thành việc xoá nhà tạm cho hộ nghèo xong trước Tết Canh Dần
2010, riêng 02 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng đã hoàn thành việc hỗ trợ xoá nhà dột
nát cho hộ nghèo.
- Có 28 huyện đã tổ chức thực hiện
mức khoán mới về chăm sóc, bảo vệ rừng cho 72.968 hộ với tổng diện tích giao
khoán 399.095 ha; 13 huyện thực hiện hỗ trợ lần đầu trồng rừng sản xuất cho
4103 hộ với tổng diện tích 75.491 ha với tổng số tiền hỗ trợ là 15,124 tỷ đồng;
07 huyện hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trồng rừng sản xuất cho 6.624 hộ nghèo (32.710
khẩu) với tổng số lương thực đã trợ cấp là 3.363 tấn gạo, trị giá 5,595 tỷ
đồng;
- 11 huyện hỗ trợ 852 hộ dân
khai hoang nương cố định với diện tích 266,7 ha; hỗ trợ 626 hộ dân phục hoá
372,8 ha và tạo ruộng bậc thang, ruộng lúa nước cho 603 hộ với diện tích 449,8
ha; 17 huyện hỗ trợ giống, phân bón, mua trâu bò để chuyển đổi cơ cấu cây trồng
cho 25.781 hộ với tổng số tiền 28.976 triệu đồng.
- 62.422 hộ được vay với số tiền
482,87 tỷ đồng, lãi suất 0% (một lần) trong thời gian 02 năm để mua trâu, bò;
16.285 hộ được hỗ trợ với số tiền 16,285 tỷ đồng để làm chuồng trại chăn nuôi;
222 hộ được hỗ trợ 603 triệu đồng mua giống trồng cỏ nuôi gia súc.
- 7.042 hộ nghèo (35.045 khẩu) ở
thôn, bản giáp biên giới của 11 huyện được hỗ trợ 2.804 tấn gạo theo thời gian
hỗ trợ từ 3 – 5 tháng/năm.
- 8.500 lao động được đào tạo
nghề; có gần 1.000 lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động.
- Hơn 2.000 cán bộ cơ sở thôn,
xã, huyện được tập huấn về Nghị quyết 30a và các văn bản hướng dẫn quản lý
chương trình, dự án, kỹ năng tổ chức thực hiện.
- Về xây dựng hạ tầng, ở cấp huyện
đầu tư 26 công trình thủy lợi, 102 đường liên xã; 19 trung tâm cụm xã; đầu tư
nâng cấp một số cơ sở hạ tầng trung tâm huyện, 03 trường trung học, 04 trường
dân tộc nội trú, 09 trung tâm dạy nghề tổng hợp, 04 bệnh viện. Cấp xã và dưới
xã đã đầu tư 155 đường liên thôn, bản; 152 công trình thủy lợi nhỏ; 28 công
trình điện sinh hoạt; 55 công trình nước sinh hoạt; 66 trường học, 38 trạm y tế,
03 chợ trung tâm, 14 nhà văn hoá, 05 công trình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
- Theo báo cáo của 24/41 doanh nghiệp
nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo, số tiền đã giải ngân trong năm 2009 là 520 tỷ đồng
(74,6% cam kết), tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng trường học, nhà
bán trú dân nuôi, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên, đào tạo, đầu tư cơ sở
y tế và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội khác. Hỗ trợ của các doanh nghiệp
bước đầu tập trung vào việc tổ chức, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động tại
chỗ, xuất khẩu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở các huyện
nghèo.
- Các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang,
Kon Tum và Lâm Đồng áp dụng cơ chế, chính sách của Nghị quyết 30a cho các xã,
thôn, bản nghèo khác trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương. Một số tỉnh đã
bổ sung thêm giáo viên, tăng trợ cấp cho học sinh dân tộc ngoại trú; thực hiện
luân chuyển cán bộ về xã và huyện thuộc Chương trình giảm nghèo.
Đạt được những kết quả bước đầu
nêu trên trước hết là do sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ
và các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây
Nguyên, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương. Đặc biệt là sự chỉ đạo tích cực của
cấp ủy Đảng, chính quyền ở hầu hết các địa phương liên quan với sự đồng thuận,
hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn và sự hỗ trợ có hiệu quả của một
số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở một số ít địa
phương, công tác tổ chức chỉ đạo còn thiếu tập trung nên kết quả còn hạn chế, cần
nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm khắc phục các khuyết điểm, tồn tại
trong thời gian tới.
II. VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NĂM 2010
A. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu
của năm 2010:
1. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo
bình quân của 62 huyện nghèo xuống dưới 40% vào cuối năm 2010 (theo chuyển
nghèo hiện hành).
2. Hoàn thành cơ bản việc giao đất,
giao khoán rừng; tiếp tục thực hiện trợ cấp lương thực cho người dân ở những
nơi không có đất sản xuất, thôn, bản giáp biên giới để bảo đảm ổn định đời sống
cho nhân dân.
3. Đẩy mạnh một bước xây dựng kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; gắn Nghị quyết 30a với Chương trình mục
tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; hết sức chú trọng công tác quy hoạch
chung và quy hoạch phát triển sản xuất.
4. Tạo sự chuyển biến bước đầu
trong kinh tế nông thôn trên cơ sở đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh
tế - xã hội; phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng
hoá ngành nghề để góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
5. Đẩy nhanh việc ứng dụng các
tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, chú trọng việc đào tạo nhân lực, chuyển
một bộ phận lao động nông thôn sang lao động công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu
lao động; nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn đạt trên 30%.
6. Xây dựng gia đình văn hóa,
thôn bản văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa; bảo đảm giữ vững an ninh, chính
trị và trật tự, an toàn xã hội.
B. Các nội dung, giải pháp chủ
yếu:
Năm 2009 là năm chuẩn bị và khởi
động. Năm 2010 với tư tưởng chỉ đạo là phải tăng tốc thực hiện Nghị quyết 30a,
các huyện phải triển khai đồng loạt các chính sách đã quy định trong Nghị quyết,
đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu
với mức cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn
I (2009 - 2010) của Chương trình, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ
sau đây:
1. Gắn việc quy hoạch, xây dựng
các công trình hạ tầng theo Nghị quyết 30a với Chương trình mục tiêu quốc gia về
xây dựng nông thôn mới
a) Trong năm 2010 phải cơ bản hoàn
thành công tác quy hoạch, (rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới). Quy hoạch
phải được xây dựng từ xã đến huyện, phù hợp với quy hoạch chung của vùng, tỉnh
và tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
b) Trên cơ sở các Đề án đã được
phê duyệt, các huyện căn cứ vào điều kiện thực tế và khả năng thực hiện cũng
như thứ tự ưu tiên của các mục tiêu, thực hiện rà soát quy hoạch gắn với xây dựng
nông thôn mới đối với từng xã:
- Trước hết, là quy hoạch sản xuất,
đồng ruộng, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và điểm dân cư phù hợp với quy hoạch
chuẩn của các ngành và theo tiêu chí nông thôn mới.
- Quy hoạch giao thông, tiếp tục
thực hiện các công trình hạ tầng giao thông lấy nguồn từ trái phiếu Chính phủ;
địa phương chủ động làm đường giao thông đến xã, đến cánh đồng và các phân khu
chức năng theo quy hoạch.
- Quy hoạch thủy lợi, tập trung
nguồn từ ngân sách hoàn chỉnh hệ thống các công trình thủy lợi.
- Mỗi huyện xây dựng một trường
học, một trung tâm dạy nghề, một bệnh viện đạt chuẩn của ngành. Xây dựng và
nâng cao đời sống văn hoá nông thôn theo hướng văn minh, phát huy và bảo tồn bản
sắc văn hoá và theo tiêu chí nông thôn mới… Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an
ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở vững mạnh.
2. Đối với các dự án đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng:
a) Tiếp tục triển khai có hiệu
quả và theo thứ tự ưu tiên các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất
và đời sống; gắn việc xây dựng các công trình hạ tầng theo Nghị quyết 30a với
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự
án đầu tư đã được duyệt.
b) Đối với những xã thuộc Chương
trình 135 giai đoạn II, tiếp tục đầu tư theo mức đã công bố, đồng thời, bố trí
vốn duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp đối với những công trình đã được đầu tư
trước đây.
c) Tiếp tục phân cấp mạnh cho cấp
huyện, cấp xã trong việc quyết định và thực hiện đầu tư các công trình dự án
trên địa bàn phù hợp với năng lực quản lý, kết hợp với việc tăng cường kiểm tra
của cấp trên và sự giám sát của cộng đồng.
d) Trong năm 2010, tập trung nguồn
vốn ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, cải
thiện đời sống nông dân theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất
hàng hoá, phát triển thủ công nghiệp và làng nghề; khuyến khích tạo điều kiện để
các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, đưa dịch vụ về xã, huyện…
3. Về hỗ trợ xoá nhà dột nát
cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg:
a) Các địa phương cần tập trung
chỉ đạo hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở hộ nghèo hoàn thành trước Tết Canh Dần, đối
với hộ nghèo ở các thị trấn thuộc 62 huyện nghèo, bổ sung vào đối tượng được hỗ
trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.
b) Để đẩy nhanh tiến độ giải
ngân, thanh toán kịp thời cho các hộ nghèo, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn
trương xem xét, ủy quyền cho huyện phê duyệt danh sách hộ nghèo, bố trí các nguồn
kinh phí hỗ trợ làm nhà để huyện giao cho xã triển khai thực hiện; đồng thời cần
tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện ở các xã.
c) Ủy ban nhân dân xã tổ chức
đoàn công tác có đủ thành phần theo quy định tiến hành nghiệm thụ, lập biên bản,
thực hiện tạm ứng, quản lý kinh phí huyện giao và chi hỗ trợ cho từng hộ.
d) Biên bản nghiệm thu của xã là
căn cứ để các tổ chức có hỗ trợ vốn (Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã
hội, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể …) thực hiện việc giải ngân
và quyết toán.
4. Đối với chính sách hỗ trợ
giao, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân
các tỉnh có các huyện nghèo thường xuyên nắm tình hình thực hiện, kịp thời
chỉ đạo, giúp huyện tháo gỡ khó khăn, triển khai ngay các chính sách hỗ trợ
thông qua giao, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; cho phép các xã, huyện áp dụng các
định mức hỗ trợ mới (200.000đ/ha) và hỗ trợ gạo cho hộ nghèo cho tất cả diện
tích rừng đã được giao theo hiện trạng, mà không chờ hoàn chỉnh quy hoạch hay
đo đạc lại.
b) Đối với những diện tích đất rừng
có biến động thì trước hết phải sử dụng các hồ sơ điều tra, giao rừng, trồng rừng
trước đây để rà soát lại, nếu thực tế có biến động thì mới tổ chức đo đạc lại
trên thực địa để giao chính thức cho các hộ dân và cộng đồng.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền
cho huyện phê duyệt diện tích đất rừng các loại, danh sách hộ dân được hỗ trợ
theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã, đồng thời, giao cho Ủy ban nhân dân xã tổ
chức thực hiện việc hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo được giao khoán (kể
cả việc hỗ trợ gạo cho hộ nghèo biên giới chưa tự túc được lương thực).
5. Đào tạo nguồn nhân lực
a) Các địa phương phải rà soát,
đánh giá thực trạng trình độ lao động hiện có, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng dài hạn và hàng năm để thu hút các doanh nghiệp, trường nghề thực hiện
đào tạo nghề nâng cao trình độ lao động, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động
tại chỗ.
b) Đào tạo nguồn nhân lực gắn với
Chương trình đào tạo 01 triệu lao động nông thôn, nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện
Chương trình nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện nghèo, thực
hiện khuyến nông, lâm và ngư nghiệp để tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng
hoá, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
c) Bộ Lao động – Thương binh và
Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh thí điểm về hỗ trợ xuất khẩu lao động,
tổ chức tổng kết để nhân rộng ra tất cả các huyện còn lại; tổ chức Hội nghị xúc
tiến xuất khẩu lao động giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các huyện
nghèo, đồng thời, tổ chức cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đăng ký hỗ trợ
trực tiếp cho các huyện nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền và chỉ đạo ngành, các cấp
trong công tác xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo.
6. Chính sách tín dụng:
a) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp
với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn
việc bù 50% lãi suất trực tiếp cho các hộ nghèo vay trồng rừng sản xuất và cho
các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản vay vốn đầu tư trên địa bàn huyện nghèo,
được tính trong cân đối ngân sách địa phương.
b) Đối với những huyện không có
các Ngân hàng thương mại nhà nước hoạt động thì giao cho Ngân hàng Chính sách
Xã hội thực hiện nhiệm vụ cho vay và được bù lãi suất theo cơ chế như trên.
7. Chính sách cán bộ:
a) Bộ Nội vụ chủ trì hướng dẫn việc
tăng cường cán bộ về cấp xã và lâu dài sẽ thực hiện bổ sung thêm biên chế cho
xã.
b) Bộ Nội vụ phối hợp với Trung
ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc
thu hút trí thức trẻ tình nguyện, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia các Tổ
công tác tại các xã thuộc các huyện nghèo. Trước mắt ưu tiên cán bộ kế toán cho
các xã.
8. Hoạt động hỗ trợ của các tập
đoàn và Tổng công ty:
a) Tiếp tục chủ động phối hợp với
các huyện nghèo đề ra kế hoạch chi tiết thực hiện hỗ trợ dài hạn và hàng năm để
thực hiện hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 30a có hiệu quả.
b) Tập trung hỗ trợ giải quyết
chuyển đổi cơ cấu lao động, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ để đưa
đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ tiền học cho con em hộ nghèo đi học… Thực hiện hỗ
trợ một cách căn cơ, lâu dài như thành lập doanh nghiệp, chi nhánh trên địa bàn
các huyện nghèo để thu hút lao động tại chỗ.
c) Bộ Lao động – Thương binh và
Xã hội tiếp tục vận động, thu hút thêm các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, giúp đỡ
các huyện nghèo.
9. Về công tác kiểm tra, giám
sát:
a) Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát ở tất cả các cấp; các chính sách thực hiện phân cấp cho cấp dưới phải
có cơ chế, kế hoạch cụ thể và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện.
b) Để thực hiện có hiệu quả sự
giám sát cộng đồng, các cấp cần công khai kế hoạch thực hiện và nguồn lực bố
trí, thường xuyên thông tin kết quả thực hiện chương trình trên các phương tiện
thông tin đại chúng và những nơi công cộng để người dân biết và giám sát; định
kỳ thông báo tình hình thực hiện cho lãnh đạo và cơ quan cấp trên, Hội đồng
nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và cơ quan báo, đài địa phương.
10. Về cơ chế quản lý Chương
trình:
a) Bộ Lao động – Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Quy
chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình từ Trung ương cho tới tỉnh, huyện,
xã, trong đó quy định rõ nhiệm vụ của cơ quan thường trực, cơ chế kiểm tra,
giám sát, kinh phí quản lý, trình Thủ tướng trong Quý I/2010.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
xây dựng cơ chế kế hoạch hoá hàng năm, tiêu chí phân bổ vốn, cơ chế quản lý, điều
hành thực hiện Nghị quyết 30a, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước cuối
quý I/2010; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban
Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc kết hợp, lồng ghép
các chương trình, dự án về phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo… trên địa
bàn huyện, xã theo hướng thu gọn, tổng hợp lại còn khoảng 3 đến 5 văn bản hướng
dẫn, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
c) Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp
phải bố trí tăng cán bộ chuyên trách làm thường trực Chương trình và phải có
kinh phí hoạt động, theo hướng:
- Thường trực Chương trình 30a từ
Trung ương tới địa phương thống nhất đặt tại cơ quan Lao động – Thương binh và
Xã hội (trường hợp đặc biệt, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể).
Ở Trung ương, các Bộ liên quan bố trí ổn định cán bộ giúp việc cho đồng chí
lãnh đạo Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo trong việc hướng dẫn, theo dõi, tổ chức
kiểm tra việc thực hiện chương trình ở địa phương theo nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban nhân dân tỉnh cử 01 cán bộ giúp huyện nghèo theo dõi thực hiện Chương
trình.
- Công việc thường trực ở cấp xã
do công chức Văn hoá – Xã hội chuyên trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và
Xã hội đảm trách.
- Thực hiện việc giao ban thường
kỳ hàng tháng, quý của Ban Chỉ đạo các cấp, thực hiện chế độ báo cáo về kết quả
thực hiện chương trình. Mỗi cấp phải có tiêu chí đánh giá thống nhất về kết quả
của Chương trình.
d) Chương trình có kinh phí quản
lý riêng và được bố trí trong ngân sách của cơ quan làm nhiệm vụ thường trực.
đ) Tăng cường công tác tập huấn
kiến thức quản lý chương trình, hướng dẫn các chính sách mới, phổ biến kinh
nghiệm, các mô hình tốt.
e) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động
truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân, tạo sự đồng thuận
cao trong xã hội và cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả Chương
trình.
Văn phòng Chính phủ xin thông
báo để các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc VN;
- Các Bộ và cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bắc
Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị,
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Kon Tum;
- Các thành viên BCĐ các CT giảm nghèo;
- Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TKBT, KTTH, ĐP, KTN, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hữu Vũ
|