Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 899/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Trương Văn Sáu
Ngày ban hành: 20/04/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 899/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG CƠ SỞ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TỈNH VĨNH LONG NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy chữa cháy, ngày 29/6/2001;

Căn cứ Chỉ thị số 02/2006/CT-TTg, ngày 23/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy;

Xét Đề nghị số 154/CAT, ngày 02 tháng 4 năm 2009 của Giám đốc Công an tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy tỉnh Vĩnh Long năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020 (kèm theo Đề án quy hoạch hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh Vĩnh Long năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020).

Điều 2. Giao Giám đốc Công an tỉnh chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện - thị lập kế hoạch thực hiện đề án đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện - thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH HỆ THỐNG CƠ SỞ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY (PCCC) TỈNH VĨNH LONG NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 899/QĐ-UBND, ngày 20/4/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Phần mở đầu

1. Sự cần thiết phải xây dựng "Quy hoạch hệ thống cơ sở PCCC của địa phương Vĩnh Long":

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, cùng với xu hướng hội nhập và phát triển của toàn xã hội; tình hình kinh tế xã hội của Vĩnh Long đã có sự phát triển khá nhanh. Thông qua các số liệu thống kê về chỉ tiêu thực hiện kinh tế xã hội của tỉnh từ năm 2001 đến 2005 cho thấy kinh tế xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn:

Tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, bình quân hàng năm tăng 8,6%.

Trong đó:

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,88%.

Sản xuất công nghiệp tăng 17,02%.

Dịch vụ tăng 10,37%.

Mức thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh năm 2005 đạt 7,6 triệu đồng/người/năm. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy chỉ số tiêu dùng của người dân trong tỉnh tăng nhanh, nhu cầu hoạt động trao đổi hàng hoá lớn. Do vậy số chợ trong tỉnh tăng lên, bình quân là 2,9%/năm.

Trên địa bàn tỉnh một số ngành kinh tế trọng điểm có liên quan trực tiếp đến công tác PCCC cũng đang phát triển mạnh, các khu, cụm, tuyến công nghiệp đang thu hút được nhiều nhà đầu tư. Công nghiệp tiểu vùng của tỉnh đang tập trung sản xuất và phát triển một số ngành, nghề hoặc thế mạnh mang tính truyền thống và đặc thù của tỉnh như:

Gốm sứ, gạch ngói nung, thủ công nghiệp mỹ nghệ (mây, tre đan chiếu, thảm...) may mặc, giày da và cơ khí đóng tàu trọng tải nhỏ... Đây là những ngành nghề mà trong quá trình sản xuất thường trực tiếp sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần và nguyên liệu sản xuất là các chất dễ cháy, số lượng chất dễ cháy khá lớn, có mức độ nguy hiểm cháy nổ cao (cói, xơ dừa...).

Hiện nay trên toàn tỉnh mạng lưới phân phối và bán lẻ xăng dầu, gas (khí đốt hoá lỏng) phát triển khá mạnh, được phân bố rộng khắp, trải dài từ đường bộ lẫn đường sông với tổng trữ lượng xăng, dầu, gas có thường xuyên trong tỉnh ước đạt 6.530 tấn.

Tỉnh đang chú trọng phát triển ngành điện năng, tốc độ điện khí hoá tăng nhanh, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu thắp sáng và một phần sản xuất cho nhân dân; tính đến cuối năm 2005 số hộ gia đình trong tỉnh được sử dụng điện đạt 96%, tỉnh đang phấn đấu đạt tỉ lệ 98% vào năm 2010.

Song song với việc phát triển lưới điện thì giao thông, đường sá được xây mới, mở rộng, nâng cấp ngày càng nhiều phục vụ nhu cầu đi lại và trao đổi hàng hoá, nông sản của nhân dân trong vùng. Tính đến 2005 đã có 91,4% trung tâm xã có đường ôtô đến được. Tuy nhiên Vĩnh Long cũng như các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hoạt động giao thông đường bộ chưa được thuận lợi, đường giao thông đến các trung tâm xã, chợ phần lớn là cầu, đường loại cấp 5 đồng bằng, trọng tải cầu hạn chế, xe cơ giới hoạt động khó khăn. Đây là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả công tác cứu chữa của lực lượng cảnh sát PCCC.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC thì sự tăng trưởng và phát triển nhanh của kinh tế xã hội trong tỉnh là một tín hiệu vui. Thế nhưng từ một thực tế khách quan ta có thể nhìn nhận rằng, cùng với sự phát triển tăng vọt về kinh tế xã hội; gia tăng nhanh về mật độ dân số dân cư thì số vụ cháy, tính chất nghiêm trọng và mức độ thiệt hại do cháy gây ra cũng tăng theo. Theo số liệu thống kê về số vụ cháy, giá trị tài sản thiệt hại do cháy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long những năm qua có chiều hướng tăng:

Năm 2000 xảy ra 08 vụ, thiệt hại 305.190.000đ.

Năm 2001 xảy ra 08 vụ, thiệt hại 645.500.000đ.

Năm 2002 xảy ra 09 vụ, thiệt hại 157.000.000đ.

Năm 2003 xảy ra 07 vụ, thiệt hại 885.000.000đ.

Năm 2004 xảy ra 05 vụ, thiệt hại 407.000.000đ.

Chỉ tính riêng năm 2005 đã tăng lên rõ rệt: Cháy 11 vụ, làm chết 01 người, thiệt hại về tài sản đến 728.750.000đ. Số vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành thị 07/11 vụ, chiếm 63,6%; nông thôn 04/11 vụ, chiếm 36,4%. Nguyên nhân các vụ cháy do tai nạn về điện 07/11 vụ chiếm 63,6 %. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều nhất số vụ cháy trong tỉnh nhiều năm liền.

Trên đà phát triển của xã hội, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, hoạt động sản xuất dịch vụ kinh doanh phát triển mạnh, sản phẩm hàng hoá được sản xuất và tập trung nhiều, cộng với sự biến đổi bất thường của thời tiết, nắng nóng kéo dài, khí hậu ngày một nóng lên... Đó là những thuận lợi làm gia tăng số vụ cháy. Dự đoán trong tỉnh sẽ gia tăng, mức độ thiệt hại về tài sản do cháy sẽ có khả năng tăng cao.

Thế nhưng nhìn lại thực tế công tác quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động PCCC của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, chưa kịp thời đáp ứng với tình hình phát triển của xã hội.

Nhiều năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư cho công tác PCCC, đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC, lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh có nhiều mô hình hoạt động tích cực để đưa Luật PCCC vào cuộc sống, tạo ý thức PCCC trong cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác PCCC vẫn còn hạn chế, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới hiện nay. Lực lượng PCCC cơ sở, PCCC dân phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Ở một số địa phương trong tỉnh lực lượng dân phòng duy trì thiếu thường xuyên... Bên cạnh đó hiện nay vẫn còn một bộ phận lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp một số hộ gia đình và cá nhân thiếu sự quan tâm về công tác PCCC, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC chưa cao, chưa tự giác trong công tác tổ chức, thực hiện các hoạt động PCCC tại cơ quan, cơ sở, hộ gia đình mình và chưa tích cực tham gia các hoạt động PCCC tại nơi mình cư trú... Nhìn chung, những yếu tố bất lợi trên cũng ảnh hưởng đến quá trình quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC tại địa phương.

Để tổ chức thực hiện công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được nhiệm vụ PCCC ngang tầm với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo nhằm kéo giảm hoặc hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong tỉnh Vĩnh Long cần phải có Đề án "Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở vật chất PCCC của tỉnh đến 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020".

2. Mục đích, đối tượng quy hoạch:

2.1. Về mục đích:

Việc quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở PCCC của tỉnh Vĩnh Long là nhằm xác định phương hướng, mục đích cho việc xây dựng và phát triển lực lượng PCCC, từ đó giúp tăng cường hiệu quả công tác PCCC của tỉnh đảm bảo tính mạng, sức khoẻ và tài sản của nhân dân, bảo vệ tài sản quốc gia, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ổn định và phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời, hỗ trợ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu thống kê, phân tích thực trạng công tác PCCC của cả nước làm cơ sở để xây dựng đề án hiện đại hoá lực lượng cảnh sát PCCC từ năm 2006 đến 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

2.2. Đối tượng:

Đối tượng mà đề tài này nhằm đến cho công tác quy hoạch bao gồm:

- Lực lượng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Vĩnh Long.

- Lực lượng PCCC chuyên ngành (nếu có).

- Lực lượng PCCC cơ sở.

- Lực lượng PCCC dân phòng của các địa phương trong tỉnh.

Phần I

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG CƠ SỞ PCCC

1. Đặc điểm chung của địa phương có liên quan đến công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn:

Đặc điểm vị trí địa lý - kinh tế - xã hội:

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng giữa sông Tiền - sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 136 km với toạ độ địa lý từ 9o 52' 45" đến 10o 19' 50" vĩ độ Bắc và từ 104o 41' 25" đến 106o 17' 00" kinh độ Đông. Vị trí giáp giới như sau:

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

- Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

- Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh.

- Phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.

Trên quan hệ đối ngoại, Vĩnh Long nằm trong vùng ảnh hưởng của địa bàn trọng điểm phía Nam; nằm giữa trung tâm kinh tế quan trọng là thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Chính nơi đây vừa là trung tâm kinh tế - khoa học kỹ thuật - văn hoá - quốc phòng, vừa là thị trường lớn sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó có liên quan chặt chẽ đến việc quản lý, phân bố sử dụng đất đai. Đặc biệt là khả năng chi phối của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ của thành phố Cần Thơ (Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, khu công nghiệp Trà Nóc...) và trung tâm cây ăn trái miền Nam (Tiền Giang) là một trong những lợi thế đặc biệt của Vĩnh Long trong sự phát triển kinh tế ở hiện tại và tương lai.

Với vị trí địa lý như trên trong tương lai Vĩnh Long là nơi hội tụ và giao lưu giữa giao thông thuỷ bộ (đường cao tốc, các quốc lộ 1A, 53, 54, 57, 80 được nâng cấp mở rộng, có trục đường thuỷ nội địa sông Măng Thít nối liền sông Tiền và sông Hậu trong trục đường thuỷ quan trọng từ thành phố Hồ Chí Minh xuống các vùng Tây Nam sông Hậu), cửa ngõ trong việc tiếp nhận những thành tựu về phát triển kinh tế của TPHCM và các khu công nghiệp miền Đông và là trung tâm trung chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Nam sông Tiền lên TPHCM và hàng công nghiệp tiêu dùng từ TP HCM về các tỉnh miền Tây. Mặt khác, đây là vùng có tiềm năng về phát triển du lịch xanh với sinh cảnh sông nước, nhà vườn. Đồng thời, với hệ thống giao thông thuỷ bộ phát triển ngày càng hoàn thiện, Vĩnh Long với vị trí địa lý có nhiều mặt lợi thế như đã nêu trên sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội theo các hướng trục giao thông thuỷ bộ đã được quy hoạch của tỉnh.

a) Địa hình:

Tỉnh Vĩnh Long có dạng địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, có cao trình khá thấp so với mực nước biển (cao trình < 1,0m chiếm 62,85% diện tích). Với dạng địa hình đồng bằng ngập lụt cửa sông, tiểu địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo ở giữa trung tâm tỉnh và cao dần về 2 hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Măng Thít và ven các sông rạch lớn. Trên từng cánh đồng có những chỗ gò (cao trình từ 1,2 - 1,8m) hoặc trũng cục bộ (cao trình < 0,4m). Phân cấp địa hình của tỉnh có thể chia ra 3 cấp như sau:

- Vùng có cao trình từ 1,2 - 2,0m: 29.934,21ha - chiếm 22,74%. Phân bố ven sông Hậu, sông Tiền, sông Măng Thít, ven sông rạch lớn cũng như đất cù lao giữa sông và vùng đất giồng gò cao của huyện Vũng Liêm, Trà Ôn. Nơi đây chính là địa bàn phân bố dân cư đô thị, các khu công nghiệp và dân cư nông thôn sống tập trung ven sông rạch lớn và trục giao thông chính, đầu mối giao thông thuỷ bộ; nông nghiệp chủ yếu cơ cấu lúa - màu và cây ăn quả.

- Vùng có cao trình từ 0,8 - 1,2m: 60.384,93ha - chiếm 45,86%. Phân bố chủ yếu là đất cây ăn quả, kết hợp khu dân cư và vùng đất cây hàng năm với cơ cấu chủ yếu lúa màu hoặc 2 - 3 vụ lúa có tưới động lực, tưới bổ sung trong canh tác, thường xuất hiện ở vùng ven sông Tiền, sông Hậu và sông rạch lớn của tỉnh.

- Vùng có cao trình từ 0,4 - 0,8m: 39.875,71ha - chiếm 30,28%. Phân bố chủ yếu là đất 2 - 3 vụ lúa cao sản (chiếm 80% diện tích đất lúa) với tiềm năng tưới tự chảy khá lớn, năng suất cao; đất trồng cây lâu năm phải lên liếp, lập bờ bao mới đảm bảo sản xuất an toàn, trong đó vùng phía Bắc quốc lộ 1A là vùng chịu ảnh hưởng lũ tháng 8 hàng năm, dân cư phân bố ít trên vùng đất này.

- Vùng có cao trình nhỏ hơn 0,4m: 1.481,15 ha - chiếm 1,12% có địa hình thấp trũng, ngập sâu; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chủ yếu lúa 2 vụ (lúa đông xuân - hè thu, lúa hè thu - mùa) trong điều kiện quản lý nước khá tốt. Vĩnh Long nằm trên trục quốc lộ 1A chạy ngang qua tỉnh và quốc lộ 53, 54, 80 nối liền với tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và quốc lộ 57 nối liền với Bến Tre. Cùng với mạng lưới sông rạch khá dầy, Vĩnh Long có ưu thế về điều kiện nước đối với nông nghiệp và là mạng lưới giao thông thuỷ, bộ thuận lợi nối liền Vĩnh Long với các tỉnh ĐBSCL và cả nước. Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, Vĩnh Long có nền nông nghiệp phát triển và sản xuất được quanh năm, nông thôn khá trù phú, dân cư quần tụ đông đúc, kinh tế miệt vườn là truyền thống của tỉnh. Khu công nghiệp của tỉnh phân bố theo trục lộ giao thông chính như: Khu công nghiệp Bắc Cổ Chiên, khu công nghiệp Bình Minh, khu công nghiệp Hoà Phú, khu sản xuất gạch ngói dọc theo đường tỉnh 902... và ven sông Tiền với cảng Vĩnh Thái và khu sản xuất gạch ngói khá phát triển. Sông Măng Thít nối liền giữa sông Tiền - sông Hậu là trục giao thông thuỷ quan trọng của tỉnh và ĐBSCL, đồng thời là vùng phát triển khu sản xuất công nghiệp mía đường. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có sân bay quân sự nhưng hiện nay khu vực sân bay này đang xuống cấp và bị lấn chiếm, tuy nhiên đây cũng là một trong những lợi thế nếu được đầu tư nâng cấp hình thành sân bay dân dụng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Ưu thế về giao thông thuỷ bộ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Long trong tương lai.

Do trong quá trình phát triển sản xuất với sự ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như hệ thống đê bao, hệ thống kinh thuỷ lợi, hệ thống cống đập, kỹ thuật canh tác của từng đối tượng cây trồng nên hiện nay đang có sự thay đổi cục bộ về cao trình. Hiện nay Chính phủ đang giao Tổng Cục Địa chính khảo sát để xây dựng lại bản đồ địa hình vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng theo mực nước biển gốc tại mũi Nai (Hà Tiên). Vĩnh Long phân bố trọn trong vùng phù sa nước ngọt, trước đây là nơi được khai phá và phát triển sớm nhất ở ĐBSCL (khoảng trên 259 năm). Dân số năm 2001 là 1.020 triệu người, mật độ dân số khá cao 692 người/km2 (so với ĐBSCL là 401 người/km2 và cả nước là 236 người/km2).

b) Thời tiết - khí hậu:

Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào.

* Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình cả năm từ 27 - 280C, so với thời kỳ trước năm 1996 nhiệt độ trung bình cả năm có cao hơn khoảng 0,5 - 10C. Nhiệt độ tối cao 36,90C; nhiệt độ tối thấp 17,70C. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân 7 - 80C.

* Bức xạ: Bức xạ tương đối cao, bình quân số giờ nắng/ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp/năm 795.600 kcal/m2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.181 - 2.676 giờ/năm. Điều kiện dồi dào về nhiệt và nắng là tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng vụ.

* Ẩm độ: Ẩm độ không khí bình quân 74 - 83%, trong đó năm 1998 có ẩm độ bình quân thấp nhất 74,7%; ẩm độ không khí cao nhất tập trung vào tháng 9 và tháng 10 giá trị đạt trung bình 86 - 87% và những tháng thấp nhất là tháng 3 ẩm độ trung bình 75 - 79%.

* Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi bình quân hàng năm của tỉnh khá lớn, khoảng 1.400 - 1.500mm/năm, trong đó lượng bốc hơi/tháng vào mùa khô là 116 - 179 mm/tháng.

* Lượng mưa và sự phân bố mưa: Lượng mưa bình quân qua các năm từ 1995 đến 2001 có sự chênh lệch khá lớn. Tổng lượng mưa bình quân cao nhất trong năm là 1.893,1 mm/năm (năm 2000) và thấp nhất 1.237,6 mm/năm điều này cho thấy có sự thay đổi thất thường về thời tiết. Do đó ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi các đặc trưng của đất đai cũng như điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, lượng mưa năm của tỉnh phân bố tập trung vào tháng 5 - 11 dương lịch, chủ yếu vào tháng 8 - 10 dương lịch.

Ở Vĩnh Long so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, yếu tố khí hậu cơ bản qua các năm khá thuận lợi cho nông nghiệp theo hướng đa canh, thâm canh tăng vụ. Tuy nhiên, do lượng mưa tập trung vào mùa mưa cùng với lũ tạo nên những khu vực bị ngập úng ở phía Bắc quốc lộ 1A và những nơi có địa hình thấp trũng làm hạn chế và gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng và môi trường khu vực.

Mặt khác Vĩnh Long là vùng có truyền thống đất học với nhiều danh nhân trí thức cùng với sự hình thành đô thị sớm nhất trong vùng và ngày nay là nơi tập trung của các viện trường của trung ương và tỉnh: Đại học Dân lập Cửu Long, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Xây dựng Miền Tây, Trường Sư phạm Kỹ thuật... Toàn tỉnh có 07 huyện và 01 thị xã với 107 xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên 147.519 ha (có quy mô nhỏ nhất so với các tỉnh ĐBSCL).

Theo đánh giá của tỉnh đến năm 2010 kinh tế xã hội của tỉnh phấn đấu đạt:

- Tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh là 14.700 tỷ đồng mức tăng trưởng bình quân 14%. Trong đó:

- Công nghiệp - xây dựng đạt 4530 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 25%.

- Dịch vụ đạt 6.440 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 16%.

- Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 930 đến 950 USD/năm vì vậy trong thời gian tới nếu công tác PCCC không được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư đúng mức lực lượng PCCC không được nâng cao thì số vụ cháy có khả năng tăng cao hơn, mức độ thiệt hại do cháy sẽ là rất lớn.

Trong mọi cố gắng của tỉnh để phấn đấu tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh đang tập trung phát triển một số ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong đó có một số ngành nghề có liên quan trực tiếp đến công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn như:

- Tỉnh đang nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về nông thôn nên đến cuối năm 2005 lưới điện đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và một phần sản xuất của nhân dân, số hộ sử dụng điện trong toàn tỉnh đạt 96%. Tuy nhiên, do ý thức chủ quan và sự thiếu hiểu biết về an toàn PCCC điện nên nhiều năm qua tai nạn điện chạm, chập gây ra số vụ cháy nhiều nhất trong tỉnh nhiều năm liền. Riêng năm 2005 trong tỉnh đã có đến 07/11 vụ cháy xảy ra mà nguyên nhân do tai nạn về điện, chiếm tỷ lệ khoảng 63,6% tổng số vụ.

- Cũng như các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, lượng xăng dầu được tiêu thụ rất lớn, xăng không những phục vụ cho việc giao thông luân chuyển hàng hoá, nông sản bằng đường thuỷ, đường bộ mà còn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản. Chính vì vậy mà ngành hàng xăng, dầu trong tỉnh phát triển khá mạnh, mạng lưới bán lẻ và phân phối được phân bố đều khắp các tuyến đường bộ lẫn đường sông. Trong toàn tỉnh có 161 cơ sở gồm 03 kho chứa xăng dầu và 158 cửa hàng, đại lý bán lẻ, với tổng trữ lượng xăng dầu có thường xuyên trung bình ước đạt 6.200 tấn. Ngoài ra trong tỉnh còn có một Nhà máy Hoá dầu MêKông, chuyên sản xuất dầu nhờn với quy mô lớn, sản phẩm làm ra trong năm 2005 ước đạt 21.300 tấn dầu nhờn.

Trong những năm gần đây nhu cầu sử dụng gas (khí đốt hoá lỏng) để đun nóng, thay cho bếp củi, bếp dầu, bếp than tăng nhanh, lượng gas tiêu thụ ngày càng lớn hơn. Do đó đã hình thành một hệ thống bán lẻ và chiếc nạp khí đốt hoá lỏng (gas).

Trong toàn tỉnh có 123 cơ sở gas, trong đó có 03 cơ sở sang chiết và 120 cửa hàng bán lẻ. Trữ lượng chứa thường xuyên tại các trạm chiết, nạp khoảng 80 đến 100 tấn; tại các kho chứa thuộc cửa hàng phân phối và bán lẻ ít nhất khoảng 7 đến 10 tấn, nhiều nhất khoảng 60 đến 120 tấn.

Ngoài ra một số ngành nghề kinh tế khác của tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác PCCC cũng đang phát triển mạnh. Trong đó có một số ngành nghề thuộc thế mạnh, mang tính đặc thù của tỉnh như:

- Sản xuất gốm sứ, gạch đất nung. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 562 miệng lò nung lớn, nhỏ nằm trải dài trên tuyến công nghiệp Cổ Chiên đến các xã thuộc huyện Mang Thít. Lượng sản phẩm làm ra trong năm 2005 đạt 14.090.000 sản phẩm. Tuy nhiên đây là ngành nghề sản xuất mang tính thủ công, không tập trung, sử dụng nhiên liệu làm chất đốt chủ yếu là trấu, trong công đoạn nung phải sử dụng lửa đốt kéo dài ngày (từ 24 đến 32 ngày) nên tình hình theo dõi, kiểm tra và ý thức cảnh giác, đề phòng cháy của người quản lý, người trực tiếp sản xuất đôi lúc lơ là hoặc xao lãng do đó nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Hàng năm đều có xảy ra các vụ cháy hoặc sạt lò tại các cơ sở sản xuất gốm sứ, gạch nung.

- Ngành dệt may, giày da:

Trong thời gian qua từ khi Xí nghiệp May Vĩnh Tiến và Công ty Giày Tỷ Xuân đi vào hoạt động, ngành may mặc và giày da đã có hướng phát triển rõ rệt, thu hút một lượng công nhân lao động rất lớn. Lượng sản phẩm làm ra hàng năm tăng cao. Trong năm 2005 sản phẩm làm ra:

Sản phẩm dệt, may đạt 2.800.000 sản phẩm.

Giày da, giày thể thao 1.868.000 sản phẩm.

- Ngành nghề thủ công, mỹ nghệ cũng phát triển mạnh, lĩnh vực may, tre đan với nguyên liệu sản xuất chủ yếu là cói (lác) và xơ dừa năm 2005 sản phẩm làm ra đạt 1.700.000m2.

Vĩnh Long cũng như các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn có thế mạnh về lĩnh vực xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm. Do vậy trong toàn tỉnh có hơn 620 cơ sở xay xát lớn, nhỏ nằm rải rác khắp các huyện trong tỉnh, xay xát gạo, hàng hoá xuất khẩu và tiêu dùng nội địa trong năm 2005 sản lượng xay xát công nghiệp ước đạt 858.000 tấn. Như vậy lượng chất thải (trấu) do cơ sở xay xát thải ra xấp xỉ 1.287.000m3.

Nhìn chung các ngành, nghề sản xuất vừa nêu trên được đánh giá là thế mạnh của tỉnh, được hình thành và phát triển nhiều năm. Thế nhưng nhìn từ góc độ thuộc lĩnh vực PCCC thì đây là các ngành nghề sử dụng nguyên liệu phục vụ sản xuất (vải sợi, da, sợi, cói, xơ dừa...) và phế phẩm (trấu) là những chất dễ cháy với trữ lượng rất lớn. Vì vậy được xem là nguồn cháy, có nguy cơ, tiềm ẩn dễ dẫn đến cháy cần có sự quan tâm quản lý, phòng ngừa trên lĩnh vực PCCC.

Ngoài các vấn đề trên thì một số ngành, lĩnh vực khác cũng có liên quan không nhỏ đến công tác PCCC.

Hiện nay, trong tỉnh đã hình thành được các khu tuyến công nghiệp như khu công nghiệp Hoà Phú, khu công nghiệp Bình Minh và tuyến công nghiệp Cổ Chiên.

Các khu công nghiệp hiện đang hoạt động với phương thức: Vừa sản xuất, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa kêu gọi đầu tư. Hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp trong khu đi vào hoạt động, sản xuất. Thế nhưng điều đáng nói là cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh: Đường sá đang trong giai đoạn thi công xây dựng, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất và phục vụ chữa cháy chưa được lắp đặt đồng bộ. Lực lượng PCCC chuyên ngành chưa được tổ chức thành lập nên công tác PCCC tại các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là lực lượng PCCC cơ sở của các doanh nghiệp với các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ tự quản lý và đảm nhiệm việc PCCC dưới sự hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của cảnh sát PCCC.

Tuyến công nghiệp Cổ Chiên được hình thành trên cơ sở sẵn có của làng nghề sản xuất gạch, ngói từ năm 1990 do sản xuất tự phát của người dân, phương tiện vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu và sản phẩm chủ yếu bằng đường sông. Do vậy trước đây không được quy hoạch tổng thể, đường sá phục vụ giao thông rất hạn chế. Tuyến công nghiệp Cổ Chiên nằm dọc theo quốc lộ 90 nhưng cách khá xa, có nơi sản xuất cách xa lộ từ 200 đến 400m nên khi xảy ra cháy việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn, xe chữa cháy không tiếp cận được, công tác chữa cháy sử dụng máy bơm khiêng tay, hiệu quả chữa cháy bị hạn chế.

Với tốc độ đô thị hoá như hiện nay thì trên địa bàn nội thị đã xuất hiện nhiều nhà nhiều tầng và nhà cao tầng (khách sạn Nam Phương, khách sạn Ngũ Long) và đang khởi công xây dựng trường Đại học Xây dựng Miền Tây (9 tầng), trong thời gian tới còn có nhiều công trình xây dựng mới cao hơn với quy mô lớn hơn như khu đô thị mới Mỹ Thuận; Nhà máy Bia Sài Gòn - Vĩnh Long... Thế nhưng hiện nay lực lượng phương tiện PCCC chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển đó, đến nay phương tiện chữa cháy lên cao (xe thang) chưa được trang bị, các phương tiện, dụng cụ cứu hộ thoát nạn cho người trên cao còn rất hạn chế... Do đó trong điều kiện cháy xảy ra ở các nhà nhiều tầng, cao tầng sẽ vượt quá khả năng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC của tỉnh.

Cũng trên đà tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh tăng, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm và trao đổi hàng hoá của người dân ngày càng tăng, tiêu dùng của tỉnh tăng nhanh, các dịch vụ hàng hoá phát triển... từ đó các siêu thị, trung tâm thương mại đã hình thành và đi vào hoạt động, nhiều chợ được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp và mở rộng phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân. Hiện nay trong toàn tỉnh đã có 90 chợ lớn, nhỏ, số chợ tăng bình quân hàng năm (từ năm 2001 đến 2005) là 2,9%/năm. Thế nhưng nhìn từ góc độ chuyên môn của lĩnh vực PCCC thì công tác PCCC còn gặp rất nhiều khó khăn.

Có nhiều chợ thuộc các xã vùng sâu, các xã cù lao hoặc nằm gần sông, phương tiện sử dụng đi lại chủ yếu bằng đường thuỷ do đó phương tiện chữa cháy hoạt động rất khó khăn, có những nơi không tiếp cận được. Mặt khác, có một số chợ được xây dựng khá lâu (từ trước 1975) tình trạng cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, không có hệ thống cung cấp nước chữa cháy, không có bến bãi lấy nước cho xe chữa cháy. Một số chợ đã quá tải sức chứa, số hộ kinh doanh nhiều, hàng hoá tập trung với số lượng lớn... Từ đó dẫn đến tình trạng các hộ tiểu thương tự ý cơi nới, lấn chiếm lối đi và các khoảng cách PCCC trong chợ. Vì vậy, việc cứu chữa và thoát nạn khi cháy chợ là rất phức tạp, hiệu quả của hoạt động chữa cháy bị hạn chế, mức độ thiệt hại từ việc cháy chợ là rất lớn.

Những năm qua, trong mọi cố gắng, nỗ lực của tỉnh cùng với Chương trình 134 - 135 của Chính phủ, tỉnh đã phấn đấu hỗ trợ người dân xoá nhà ở tạm bợ bằng tre lá, đến nay số nhà được xây dựng kiên cố và bán kiên cố bằng vật liệu khó cháy và không cháy chiếm hơn 60% thế nhưng do tập quán sinh hoạt về nhà ở của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nên người dân ở đây sống tập trung ở các vùng, cụm kinh tế, ven khu vực chợ, ven sông hình thành từng khu, cụm, tuyến dân cư với thói quen xây dựng nhà ở bằng vật liệu dễ cháy như tre, lá vẫn còn. Tỷ lệ này chiếm gần 40% số nhà ở của đồng bào vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện nay trong toàn tỉnh có 64 cụm, tuyến và khu dân cư, trong đó có 25 khu tái định cư và tuyến dân cư vượt lũ và 39 khu dân cư hình thành tự nhiên từ rất lâu của người dân.

Đối với các khu tái định cư tuyến dân cư vượt lũ được quy hoạch về đường sá, hệ thống cấp thoát nước và quy định về kiến trúc khá đồng bộ nên công tác PCCC có phần thuận lợi.

Đối với các cụm dân cư hình thành tự nhiên, lâu đời không được quy hoạch về cơ sở hạ tầng, không được quy hoạch về kiến trúc xây dựng nên đường sá đi lại, hệ thống cung cấp nước, bãi lấy nước phục vụ chữa cháy hầu như không có. Việc xây dựng nhà ở tuỳ vào khả năng, điều kiện kinh tế của hộ gia đình, do đó có nhiều hộ xây dựng bằng vật liệu dễ cháy.

Tình trạng sản xuất thủ công nhỏ, lẻ xen kẽ trong các khu, cụm, tuyến dân cư vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Kiến thức về an toàn sử dụng điện, ý thức PCCC của các hộ dân chưa được đề cao... Do đó, tình hình cháy xảy ra trong khu vực dân cư còn xảy ra nhiều và khá phổ biến. Theo số liệu thống kê trong năm 2005 trên địa bàn tỉnh số vụ cháy trong khu dân cư chiếm 08/11 vụ chiếm 72,7%.

Hệ thống giao thông đường sá được tỉnh đặc biệt chú trọng. Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã thường xuyên xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng các tuyến tỉnh lộ và hương lộ với phương châm huyện liền huyện, xã liền xã nhằm phục vụ cho việc đi lại và lưu thông hàng hoá, nông sản của người dân trong vùng. Hiện nay trong toàn tỉnh có:

- 5 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 95km, qua 58 cầu và 2 phà.

- 7 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 167km qua 90 cầu và 1 phà

- Hơn 375km đường hương lộ với loại đường cấp 5 đồng bằng.

Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến như quốc lộ 54, tỉnh lộ 901... còn nhiều cầu bị xuống cấp hoặc đang trong quá trình thi công, trọng tải của một số cầu còn hạn chế nên việc phục vụ giao thông cho công tác chữa cháy còn hạn chế, nhiều chợ xã xe cơ giới chưa đến được.

Hiện nay, trong tỉnh đã có lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy trên các trục đường tại các khu vực quan trọng, khu kinh tế chính trị trọng điểm trong tỉnh. Hệ thống được cung cấp từ 3 Nhà máy Nước Mỹ Thuận, phường 8 và Nhà máy Nước Vĩnh Long (phường 1 - thị xã Vĩnh Long) với 69 trụ nước.

Trong đó có:

45 trụ nước Ф80.

24 trụ nước Ф100.

Lưu lượng nước cung cấp trung bình đạt 14 lít/s.

Tuy nhiên việc lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy thiếu đồng bộ, lượng nước và các thiết bị lấy nước của xe chữa cháy, máy bơm không đồng nhất do đó việc lấy nước tại các trụ nước này phải mất nhiều thời gian, hiệu quả của công tác chữa cháy bị hạn chế.

Nguồn nước tự nhiên trong tỉnh được xem là khá dồi dào do đặc điểm về vị trí địa lý nên Vĩnh Long cũng như các tỉnh khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nguồn nước trực tiếp chữa cháy có phần thuận lợi. Tuy nhiên, việc lấy nước còn gặp nhiều khó khăn do bãi đỗ xe lấy nước chưa thuận tiện, một số chợ, khu công nghiệp không có bãi lấy nước

Đánh giá được những khó khăn nên cảnh sát PCCC Vĩnh Long đã làm tham mưu cho các cấp chính quyền, các ngành, chủ đầu tư và lãnh đạo Công an tỉnh để xây dựng các bể nước phục vụ chữa cháy tại các khu vực trọng điểm như chợ, trung tâm bách hoá... Tại đơn vị PCCC đã xây dựng một bể chứa nước cung cấp tại chỗ cho xe chữa cháy với dung tích hơn 150m3.

Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh về công nghệ thông tin của cả nước. Vĩnh Long cũng tăng cường công tác đầu tư cho công nghệ thông tin, liên lạc trong tỉnh, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay đã có 100% xã, phường, thị trấn đường cáp điện thoại. Bình quân cứ 100 hộ thì có 09 máy điện thoại. Theo thống kê năm 2005 số máy điện thoại của người dân trong tỉnh đạt 95.000 máy.

Để thuận lợi cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin cháy từ các địa phương trong tỉnh đơn vị cảnh sát PCCC được lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc tương đối khá đảm bảo cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, chính xác đồng thời phục vụ tốt cho công tác chỉ huy điều động lực lượng chữa cháy. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thông tin liên lạc bằng máy vô tuyến của đơn vị đã bị hư hỏng, tầng số thấp hoạt động trong phạm vi hẹp, do đó còn gặp một số khó khăn cho công tác thông tin liên lạc trong quá trình chữa cháy.

2. Thực trạng lực lượng cảnh sát PCCC:

2.1. Mô hình tổ chức:

Bộ máy đơn vị PCCC Công an Vĩnh Long được chia làm 03 bộ phận bao gồm đội tham mưu tổng hợp, đội kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (KTATPCCC), đội chiến đấu được phân bố biên chế gồm 92 đồng chí.

a) Chức năng, nhiệm vụ - những ưu khuyết điểm của mô hình đội tham mưu tổng hợp:

Đội tham mưu tổng hợp của đơn vị PCCC bao gồm 07 đồng chí: 01 đội trưởng, 01 đội phó, 05 cán bộ:

Chức năng nhiệm vụ bao gồm việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên. Xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị, tổng hợp nắm tình hình trong công tác PCCC tập hợp báo cáo; đảm bảo thông tin thông suốt trong quá trình thực hiện công tác của đơn vị.

Thực hiện các mặt công tác nhằm đề xuất lãnh đạo, tổ chức tuyển chọn, quy hoạch đào tạo cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, đảm bảo công tác hậu cần cho đơn vị hoạt động thường trực, sẵn sàng chiến đấu và trong công tác chữa cháy. Tham mưu đề xuất trang bị phương tiện, sửa chữa xe máy đáp ứng yêu cầu công tác trong mọi tình huống.

Mô hình tổ chức và nhiệm vụ của đội tham mưu tổng hợp hiện nay tương đối đáp ứng được yêu cầu tham mưu phục vụ cho lãnh đạo phòng lãnh chỉ đạo tốt trong công tác PCCC, thực hiện thông suốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của ngành. Giúp lãnh đạo phòng nhận định, đánh giá tốt tình hình trong công tác PCCC trên địa bàn, kịp thời có hướng chỉ đạo về công tác PCCC sát với tình hình của đơn vị, vẫn còn chưa hoàn thiện trong công tác chuyên môn với một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Chưa có (bộ phận) cán bộ phụ trách tham mưu tác chiến, huấn luyện, tham mưu phương án.

Chưa có (bộ phận) cán bộ chuyên trách quản lý phương tiện.

b) Chức năng nhiệm vụ - ưu khuyết điểm của mô hình đội KTATPCCC:

Đội KTATPCCC được biên chế 15 đồng chí bao gồm 01 đội trưởng, 02 đội phó, 12 cán bộ KTATPCCC, có chức năng như sau:

- Kiểm tra, phúc tra, kiến nghị về ATPCCC các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.

- Thẩm duyệt thiết kế cho các công trình xây dựng, rà soát các công trình có liên quan đến công tác PCCC, cấp giấy phép đủ điều kiện đối với cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ.

- Xử lý vi phạm về PCCC, điều tra khám nghiệm hiện trường, kết luận các nguyên nhân vụ cháy.

- Điều tra cơ bản các cơ sở kinh doanh, cơ quan, xí nghiệp có nguy cơ cháy nổ.

Trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ chuyên môn trên cơ sở mô hình hiện tại của đội KTATPCCC vẫn còn một số nhược điểm sau:

- Không chuyên môn hoá được nhiệm vụ của từng cán bộ, có nghĩa một cán bộ KTATPCCC luôn luôn đảm nhận nhiều chức năng trong công tác như: Tuyên truyền, huấn luyện, KTATPCCC, điều tra xử lý... Do đó, nội dung công tác không được chuyên môn, chất lượng công việc không đạt được kết quả cao, năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ không được nâng lên.

- Cần tách công tác thẩm duyệt thiết kế thành một bộ phận riêng biệt, vì cùng lúc đội KTATPCCC thực hiện hai chức năng thẩm duyệt và kiểm tra, do đó những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình sẽ không được phát hiện. Cán bộ KTATPCCC có chức năng kiểm tra ngay trên hồ sơ thẩm duyệt của một công trình từ đó dễ dàng phát hiện được thiếu sót của khâu thẩm duyệt, sự hỗ trợ qua lại trong công tác kiểm tra và thẩm duyệt sẽ làm tăng dần tính chuyên môn, năng lực nghiệp vụ cho cán bộ.

c) Chức năng, nhiệm vụ - ưu khuyết điểm của mô hình đội chiến đấu:

Đội chiến đấu được biên chế 92 đồng chí bao gồm: 01 đồng chí đội trưởng, 03 đồng chí đội phó, 16 đồng chí tiểu đội trưởng, 11 lái xe, 61 đồng chí chiến sĩ chữa cháy.

Nhiệm vụ chủ yếu của đội chiến đấu là: Thường trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến sỹ chữa cháy, lập phương án chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy, đồng thời tiến hành dập tắt các đám cháy xảy ra trên địa bàn khi nhận được tin báo cháy. Ngoài ra còn đảm bảo việc theo dõi, kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng xe, máy bơm chữa cháy đáp ứng theo yêu cầu công tác.

Nhược điểm của mô hình đội chiến đấu hiện nay chủ yếu là do địa bàn toàn tỉnh rộng mà chỉ có 01 đội chữa cháy trung tâm nên việc đảm nhiệm công tác còn hạn chế, khi đi chữa cháy mang lại hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ huấn luyện có chuyên môn cao, đảm nhận công tác huấn luyện có hệ thống hơn, chất lượng đạt tốt hơn.

2.2. Biên chế, trình độ năng lực của lực lượng PCCC và chế độ chính sách:

a) Biên chế, quân số:

- Tổng số quân số đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) Vĩnh Long hiện là 122 đồng chí trong đó:

Tuổi đời từ 18 --> 30 tuổi: 85 đồng chí.

Tuổi đời từ 31 --> 40 tuổi: 24 đồng chí.

Tuổi đời trên 40 tuổi: 13 đồng chí.

Sĩ quan: 34 đồng chí.

Hạ sĩ quan: 30 đồng chí.

Chiến sĩ nghĩa vụ quân sự: 53 đồng chí.

Hợp đồng: 05 đồng chí.

Trình độ văn hoá 12/12 tốt nghiệp trung học phổ thông: 122 đồng chí.

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ PCCC:

+ Đại học ngoài ngành: 09.

+ Đại học PCCC: 07.

+ Cao đẳng PCCC: 02.

+ Cao đẳng ngoài ngành: 01 (cao đẳng sư phạm toán lý).

+ Trung cấp PCCC: 18.

+ Trung cấp cảnh sát nhân dân: 04.

+ Trung cấp ngoài ngành: 01.

+ Cao cấp chính trị: 02.

+ Trung cấp chính trị: 03.

Đang học đại học luật: 03; đại học PCCC: 06; đại học cảnh sát nhân dân: 02; đại học quản lý hành chính: 01; trung cấp an ninh nhân dân: 21.

+ Trình độ ngoại ngữ: 01 bằng B.

+ Trình độ tin học: 04 bằng B.

+ Số lượng cơ sở trên CBKT.

b) Chế độ chính sách:

Công tác tuyển dụng công dân từ 18 --> 25 tuổi thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự trong lực lượng PCCC dựa trên cơ sở chỉ tiêu tuyển quân của Công an tỉnh. Lực lượng nghĩa vụ quân sự (NVQS) được đào tạo quan lớp sơ cấp công an nhân dân do địa phương đào tạo. Sau đó biên chế được phân bổ về phòng cảnh sát PCCC theo nhu cầu thực tế của đơn vị. Lực lượng này tiếp tục được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và thực hiện NVQS trong thời gian 03 năm ở đơn vị, khi hết thời hạn thực hiện NVQS sẽ được xét tuyển vào ngành công an và được tiếp tục quy hoạch đào tạo nghiệp vụ.

Hiện nay đối tượng lái xe, lái tàu chữa cháy và thợ máy chưa thực hiện chế độ chính sách hoàn thiện từ việc đào tạo, phân bổ và chế độ ưu đãi.

- Về lái xe và lái tàu chữa cháy được Công an tỉnh phân bổ biên chế không đảm bảo so với quy định biên chế cho xe (tàu) chữa cháy theo quy định biên chế cho xe (tàu) chữa cháy của Cục CS PCCC. Từ đó việc bổ sung thêm trên cơ sở vừa xin thêm chỉ tiêu, đào tạo từ biên chế của đơn vị. Mặc dù thời gian trực dài hơn so với chiến sĩ chữa cháy, khi làm nhiệm vụ tâm lý căng thẳng hơn, trái lại với chế độ chính sách lại thấp hơn, vì lái xe chữa cháy được xếp ngạch lương chuyên môn kỹ thuật, không có phụ cấp, không có chế độ ưu đãi từ địa phương.

- Đối với đối tượng là thợ máy thì hiện nay đơn vị chưa đào tạo được đội ngũ này mà chủ yếu là thuê thợ máy từ bên ngoài vào để sửa chữa xe, máy bơm chữa cháy, biên chế do công an không có phân bổ.

Để đảm bảo chế độ thường trực, sẵn sàng chiến đấu việc phân công trực luôn luôn phải có đầy đủ các bộ phận làm việc 24/24 giờ, đặc biệt là đội chiến đấu phải đủ quân số, đủ lái xe, chiến sĩ chữa cháy và chỉ huy chữa cháy. Do đó, việc phân công trực cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị được chia làm 2 phiên nghỉ trong thứ 7 và chủ nhật, các ngày còn lại các bộ phận vẫn làm việc bình thường. Nghĩa là mỗi cán bộ chiến sỹ biên chế được nghỉ tối đa 04 ngày trong tháng, chưa kể đến việc trực theo lệnh cấm trại, trực theo các yêu cầu công tác khác. Đối với chiến sĩ chữa cháy là chiến sĩ NVQS thì căn cứ vào Luật NVQS để giải quyết nghỉ. Trên thực tế việc thường trực sẵn sàng chiến đấu như vậy thì thời gian trực tăng nhiều so với thời gian qui định của Chính phủ về thời gian làm việc trong tuần, tuy nhiên về chế độ bồi dưỡng thời gian trực làm việc thêm giờ thì chưa được thực hiện.

Nhận xét đánh giá:

Trên cơ sở phân bổ biên chế của đơn vị và dân số trung bình trên địa bàn thì tỷ lệ của một cán bộ chiến sĩ chữa cháy trên 10.876 người dân và căn cứ vào số cơ sở trọng điểm trên địa bàn thì tỷ lệ cán bộ kiểm tra quản lý cơ sở là: (Số cơ sở 1.150 cơ sở/15 cán bộ kiểm tra).

Từ những nhận xét đánh giá về mô hình, biên chế của từng bộ phận trong đơn vị cho thấy còn một số vấn đề cần phải khắc phục cho phù hợp để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị PCCC trong thời gian tới cụ thể như sau:

- Về mô hình, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của đội tham mưu tổng hợp cần: Tăng cường biên chế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, bổ sung biên chế hoặc thành lập thêm bộ phận tham mưu tác chiến, huấn luyện, tham mưu phương án chữa cháy, trang bị phương tiện.

- Về mô hình, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của đội kiểm tra an toàn PCCC cần: Quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ vào làm việc ở tổ đội này đủ tiêu chuẩn do Cục PCCC qui định về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của một cán bộ KTAT PCCC. Phân công công chức, nhiệm vụ của cán bộ KTAT PCCC theo hướng chuyên môn hoá, thành lập các tổ: Kiểm tra ATPCCC, tuyên truyền, huấn luyện điều tra xử lý, từ đó mới nâng cao được năng lực chuyên môn của cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bám sát tốt hơn về địa bàn, cơ sở...

- Về mô hình, chức năng, nhiệm vụ của đội chiến đấu cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ phụ trách huấn luyện, cán bộ lập phương án chữa cháy, đề xuất tăng cường biên chế chiến sĩ chữa cháy là nghĩa vụ quân sự, lái xe chữa cháy, thợ máy. Đề xuất quy hoạch đội chữa cháy ở các địa bàn tuyến huyện, thị trấn, khu công nghiệp nhằm đảm bảo được tính cơ động, kịp thời trong công tác chữa cháy.

Để có một đội ngũ cán bộ giỏi thực hiện tốt công tác chuyên môn đòi hỏi vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế công tác này đã nổi lên một số ưu, khuyết điểm:

* Ưu điểm:

- Cán bộ chiến sĩ trong biên chế của đơn vị PCCC hầu hết được đào tạo qua chuyên môn nghiệp vụ với: 07 đại học PCCC, 02 cao đẳng PCCC, 18 trung học PCCC, ngoài ra còn 13 cán bộ được đào tạo ngành ngoài được tạm tuyển vào công tác trong đơn vị.

- Nguồn phát triển cán bộ chuyên môn nghiệp vụ được ưu tiên đào tạo từ lực lượng nghĩa vụ quân sự tuyển vào biên chế là rất lớn.

- Năng lực của cán bộ chiến sĩ qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ đã được phát huy, tương đối hoàn thành được nhiệm vụ.

* Khuyết điểm:

- Nguồn đào tạo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao từ nguồn tuyển sinh thông qua tuyển vào đại học PCCC hằng năm còn rất ít vì trung tâm đào tạo xa địa phương, về nhận thức hiểu biết của học sinh hiện nay đối với công tác PCCC còn thấp.

- Nguồn đào tạo lấy từ nghĩa vụ quân sự tuyển vào ngành thông qua thi tuyển vào đại học PCCC hầu như không đạt mà chỉ đạt ở trình độ trung cấp với số lượng thấp.

- Hiện nay có xu hướng cán bộ qua đào tạo trung cấp PCCC không tiếp tục đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ PCCC, mà tự bổ túc, hoàn thiện bằng cấp thông qua các ngành đào tạo tại chức ở địa phương như: Đại học luật, đại học cảnh sát nhân dân (CSND), đại học an ninh nhân dân (ANND), vì các lớp đào tạo về chuyên ngành PCCC ở khu vực phía Nam ít được mở với hình thức vừa học, vừa làm. Kinh phí đào tạo kể cả chi phí học tập, ăn ở tại trường PCCC Hà Nội cao, do đó cán bộ chiến sĩ muốn tiếp tục được đào tạo theo đúng chuyên ngành gặp nhiều khó khăn, không có chế độ hỗ trợ.

Tóm lại: Về biên chế, trình độ năng lực của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị hiện nay thì tương đối đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trên chiều hướng về lâu, về dài thì khả năng đáp ứng về công tác chuyên môn PCCC sẽ bị tụt hậu và không đáp ứng được yêu cầu công tác khi xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật đang tăng theo cấp số nhân song song với việc hội nhập quốc tế của Việt Nam được mở rộng. Vấn đề này được căn cứ trên một số cơ sở như: Việc đào tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hằng năm thấp, số lượng đào tạo từ nguồn biên chế thông qua nghĩa vụ quân sự hằng năm đông nhưng đào tạo qua hình thức thi tuyển đạt kết quả không cao, việc tạm tuyển ngành ngoài vào công tác trong PCCC không phù hợp với yêu cầu sẽ tạo ra thời gian dài mới hoà nhập với công việc nhưng không sâu. Đặc biệt là sự dịch chuyển từ chuyên môn nghiệp vụ PCCC sang nghiệp vụ của các ngành khác như: Luật, CSND, ANND đang có chiều hướng gia tăng. Đây là một số cơ sở được khẳng định, nếu không chấn chỉnh ngay trong công tác tuyển dụng đào tạo của đơn vị PCCC thì tương lai sẽ không đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới về công tác PCCC ở địa phương.

Song song với những thuận lợi, khó khăn trong công tác tuyển dụng, đào tạo về cán bộ chiến sĩ của đơn vị thì việc chế độ chính sách đối với lái xe, thợ máy, lái tàu chữa cháy chưa đảm bảo gây nên tâm lý không an tâm công tác của cán bộ chiến sĩ đơn vị PCCC. Đặc biệt là trong lực lượng của đội chiến đấu về chế độ chính sách và chế độ nghỉ không kém phần quan trọng. Đây là vấn đề mang tính tâm lý trong công tác chiến đấu, nó có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công việc và hoàn thành nhiệm vụ rất lớn, do đó cần được đặc biệt quan tâm. Trên thực tế công tác này còn nổi lên một số vấn đề khắc phục như:

- Do nhu cầu đào tạo và phân bổ biên chế về lái xe chữa cháy, lái tàu chữa cháy được đảm bảo về số lượng mà biên chế này một phần được đơn vị khuyến khích cán bộ chiến sĩ tự đào tạo để sử dụng, mặt khác về chất lượng của đội ngũ này còn thấp vì việc lái xe và xử lý tình huống trên đường không thường xuyên mà chủ yếu là đảm bảo thường trực chiến đấu, thời gian trực đối với một lái xe (tàu) chữa cháy dài hơn chiến sĩ chữa cháy, khi điều khiển xe, tàu làm nhiệm vụ thường ở vận tốc cao, tinh thần căng thẳng. Tuy vậy xét về chế độ chính sách ngoài tiền lương xếp ở bậc lương kỹ thuật và chế độ hưởng tiền theo Thông tư 01/BCA thì ngoài ra không còn được hưởng một chế độ nào khác kể cả trợ cấp ở địa phương.

- Thợ máy phục vụ công tác sửa chữa xe máy phục vụ công tác chiến đấu ở đơn vị hoàn toàn chưa có, cần được bổ sung về đội ngũ này.

- Thời gian trực chiến đấu của cán bộ chiến sĩ của đơn vị được đặt ra là phải đảm bảo thường trực 24/24 giờ trong ngày, do vậy với số lượng biên chế hiện nay sẽ không đảm bảo thời gian làm việc trong tuần theo quy định của Chính phủ. Hầu hết cán bộ chiến sĩ trực chiến đấu có thời gian trực ít nhất là gấp 2 - 3 lần so với một cán bộ làm việc theo giờ hành chính. Nhưng chưa có chế độ chính sách hỗ trợ ngoài tiền lương và tiền theo Chỉ thị 01/BCA. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cán bộ chiến sĩ của đơn vị trong công tác thường xuyên sẵn sàng chiến đấu.

Từ những vấn đề được phân tích như trên, với góc độ người làm công tác PCCC có một số kiến nghị về chế độ chính sách đối với lái xe (tàu) chữa cháy, thợ máy và cán bộ chiến sĩ trong công tác chiến đấu như sau:

- Bỏ ngạch lương chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ lái xe (tàu) chữa cháy hoặc nâng ngạch, thời gian xét nâng lương ngắn hơn so với hiện tại để cho đội ngũ lái xe (tàu) chữa cháy an tâm với công tác của mình, yêu ngành, mến nghề, gắn bó hơn với công việc.

- Bổ sung đội ngũ thợ máy cho đơn vị PCCC theo đúng quy định của Cục PCCC đưa ra.

- Cần có chế độ chính sách hỗ trợ thêm cho lực lượng cán bộ chiến sĩ đảm nhiệm công tác chiến đấu mà phải làm việc vượt quá thời gian quy định của Chính phủ.

2.3. Các đội chữa cháy:

a) Đối với các đội chữa cháy trên mặt đất:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chỉ có 01 đội chữa cháy đặt tại trung tâm thị xã Vĩnh Long và đang xây dựng cơ sở vật chất để triển khai đội chữa cháy tại huyện Bình Minh phụ trách chữa cháy 03 huyện: Bình Minh - Bình Tân - Tam Bình - Trà Ôn. Do vậy trên thực tế trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay mới có 01 đội chữa cháy. Tỷ lệ đội chữa cháy trên dân số là 1/1.055.000 người với diện tích 1457,2 km2, phụ trách chữa cháy 08 huyện thị (khu vực có đường ô tô và sông đi qua).

Với tình hình phát triển kinh tế của cả nước nói chung trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nói riêng từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Cần thiết phải hình thành thêm 06 đội chữa cháy khu vực trên toàn tỉnh được đặt tại Bình Minh, Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít, khu công nghiệp Hoà Phú. Khi đó cứ 175.833 người dân có được 01 đội chữa cháy với diện tích bảo vệ là 246,86 km2. Tính cơ động của các đội chữa cháy khu vực này đến các khu vực khác có khoảng cách từ 20km, thời gian ô tô di chuyển khoảng 15 phút. Sự cần thiết phải thành lập các đội khu vực này là vì mỗi khu vực có vị trí địa lý độc lập, không thể hỗ trợ cho nhau, khoảng cách xa. Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi phải đáp ứng được lực lượng, phương tiện, diện tích đất để xây dựng như sau:

tt

Tên đội chữa cháy

DTXD

Biên chế

Xe chữa cháy

Máy bơm chữa cháy

1

Bình Minh

8.000m3

53

04

02

2

Vũng Liêm

8.000m3

53

04

02

3

Mang Thít

8.000m3

53

04

02

4

Tam Bình

8.000m3

53

04

02

5

KCN Hoà Phú

8.000m3

53

04

02

6

Trà Ôn

8.000m3

53

04

02

b) Đối với các đội chữa cháy trên mặt nước:

Tỉnh Vĩnh Long là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí nằm giữa hai con sông là sông Tiền và sông Hậu, đồng thời trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm km đường sông, lưu lượng tàu, thuyền vận chuyển hàng hoá thông qua hệ thống sông rạch lớn. Đặc biệt các thị trấn, thị tứ, trung tâm thương mại của tỉnh đều nằm ở vị trí mà tàu, canô chữa cháy dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó hệ thống cảng nội địa là 2, các cảng xuất nhập xăng, dầu là 4, chuẩn bị hình thành cảng biển tại Bình Minh. Do vậy việc hình thành và đi vào hoạt động các đội chữa cháy trên mặt nước là cần thiết.

Đội chữa cháy trên mặt nước không những có vai trò quan trọng trong việc thực hiện việc chữa cháy các tàu, thuyền lưu thông trên mặt nước, mà nó còn có ý nghĩa trong việc phối hợp chữa cháy các vụ cháy có vị trí tiếp giáp giữa đường bộ và đường sông như: Các khu dân cư ven sông, kho tàng, bến bãi, cảng xuất nhập hàng hoá, cảng xuất nhập xăng dầu…

Từ các vị trí địa lý hiện có của địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tình hình thực tế phát triển kinh tế trên địa bàn có liên quan đến nguy cơ cháy nổ trên sông, cần thiết phải hình thành 03 đội chữa cháy trên mặt nước được đặt ở các vị trí như: Thị xã Vĩnh Long, Trà Ôn và Bình Minh. Với nhu cầu thực tế như vậy nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long mới được C23 cấp 02 canô chữa cháy, chưa thành lập đội chữa cháy trên sông, chưa có doanh trại đóng quân mà hiện nay đơn vị mới phân công quân số là 10 cán bộ chiến sĩ trực để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu khi cần thiết. Để thành lập được 3 đội chữa cháy trên sông cần thiết phải đảm bảo được diện tích xây dựng doanh trại, quân số, phương tiện cụ thể như sau:

Stt

Tên đội

Lực lượng

Phương tiện

Diện tích

 

 

 

Canô

Máy bơm

 

1

TXVL

35

2

1

2000m3

2

Trà Ôn

35

2

1

2000m3

3

Bình Minh

35

2

1

2000m3

c) Nhận xét - đánh giá:

Căn cứ vào tình hình thực tế về số lượng các đội chữa cháy trên mặt đất và các đội chữa cháy trên mặt nước hiện nay có thể khẳng định trong trường hợp cháy ở địa bàn xa trung tâm PCCC và cháy phức tạp thì khả năng hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy của đơn vị đạt không cao. Do vậy, để đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ công tác chữa cháy nhất thiết từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đơn vị phải từng bước có đề án thành lập đủ các đội chữa cháy trên mặt đất và trên mặt nước theo như hướng quy hoạch đã đưa ra là 06 đội chữa cháy trên mặt đất và 03 đội chữa cháy trên mặt nước, có như vậy công tác chữa cháy mới đủ khả năng hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình.

2.4. Về đơn vị cảnh sát PCCC:

Hiện nay Phòng CS PCCC Công an tỉnh Vĩnh Long đang có 01 trụ sở làm việc của đơn vị tại thị xã Vĩnh Long và đang xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động đội chữa cháy khu vực tại Bình Minh. Với 02 trụ sở như hiện nay thì về các mặt diện tích, hạng mục công trình phục vụ trong công tác của từng trụ sở như sau:

* Trung tâm Phòng CS PCCC:

- Vị trí địa lý: Nằm tại trung tâm thị xã Vĩnh Long.

- Tổng diện tích: 3.600m2.

- Diện tích phòng làm việc: 180m2.

- Diện tích nhà xe: 180m2.

- Diện tích nhà ở của chiến sĩ: 575m2.

- Diện tích nhà ăn: 151m2.

- Sân tập rộng 20m, dài 70m chưa đảm bảo cho tập luyện.

- Tháp tập chưa có.

* Đội chữa cháy Bình Minh:

- Vị trí địa lý: Đơn vị được đặt tại trung tâm huyện Bình Minh cách đội chữa cháy trung tâm 30km, cách Cần Thơ (phải qua phà Cần Thơ) 9km.

- Tổng diện tích: 7.887m2.

- Diện tích phòng làm việc: 303m2.

- Diện tích nhà xe: 303m2.

- Diện tích nhà ở của chiến sĩ: 203m2.

- Diện tích nhà ăn: 130m2.

- Sân tập và đường nội bộ: 2.002m2.

- Tháp tập chưa xây dựng.

2.5. Công tác thông tin báo cháy và chỉ huy chữa cháy:

Chế độ trực nhận và xử lý thông tin báo cháy của đơn vị hàng ngày do trực ban và trực chiến đảm nhận. Khi xác định là thông tin cháy thật trực ban hoặc trực chiến báo cáo lãnh đạo phòng xin lệnh xuất xe đi chữa cháy.

Việc nhận thông tin báo cháy ở máy điện thoại 114 hiện nay là rất phức tạp, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 cuộc gọi vào máy 114, trong đó có đủ loại thông tin kể cả thông tin báo cháy giả, quấy rối. Như vậy trung bình mỗi năm máy 114 nhận 9.225 cuộc gọi, trong đó khoảng 50 cuộc gọi là báo cháy thật cho trung bình 10 vụ cháy trên năm, chiếm 0,05% cuộc gọi và số lần báo cháy giả khoảng 07 - 09 lần chiếm khoảng 0,001% cuộc gọi. Các hình thức gọi vào máy 114 là điện thoại di động chiếm khoảng 70% và là điện thoại cố định chỉ chiếm 30% cuộc gọi.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác chữa cháy ngoài việc nhận và xử lý thông tin thì việc thông tin chỉ huy chữa cháy không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề thông tin trong chỉ huy chữa cháy của đơn vị còn gặp nhiều khó khăn như hệ thống thông tin bằng máy bộ đàm đã cũ và lạc hậu, tình trạng hoạt động không tốt đang có đề xuất thay đổi. Hiện nay thông tin chỉ huy chữa cháy tại đám cháy chủ yếu dựa vào hệ thống loa tay và máy điện thoại di động cá nhân (hình thức này rất hạn chế, chỉ trong việc chỉ đạo từ lãnh đạo phòng ở đơn vị đến đám cháy).

Việc ứng dụng tin học vào công tác PCCC hiện nay của đơn vị là rất hạn chế. Số lượng máy vi tính trang bị cho đơn vị là 04 cái, với chức năng là sản xuất văn bản và lưu trữ thông tin nội bộ của đơn vị, chưa đảm nhận được chức năng quản lý cơ sở, quản lý phương án, thông tin chữa cháy…, chưa được kết nối mạng nội bộ với Công an tỉnh. Về trình độ cán bộ chiến sĩ trong đơn vị sử dụng thành thạo máy vi tính cũng còn rất hạn chế, có khoảng 07 đồng chí là sử dụng được.

Nhận xét - đánh giá:

Công tác thông tin báo cháy và chỉ huy chữa cháy hiện nay của đơn vị còn nhiều mặt hạn chế, trong đó vấn đề tin học hoá công tác chuyên môn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, trang bị phương tiện còn thiếu, trình độ năng lực cán bộ chiến sĩ sử dụng, ứng dụng các phương tiện vào công tác thực tế còn thiếu và yếu. Do vậy vấn đề đặt ra hiện nay là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, khả năng thực hiện, ứng dụng vào các thành tựu về thông tin vào công tác thực tế đạt hiệu quả cao, bên cạnh đó cần đề xuất đầu tư đầy đủ hơn về cơ sở vật chất và trang bị phương tiện đáp ứng nhu cầu công tác.

2.6. Về công tác đào tạo huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ:

Công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC của đơn vị hiện nay chủ yếu dựa vào hướng dẫn của C23 hàng năm, đồng thời bám sát vào tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình huấn luyện còn dựa vào các tài liệu sẵn có đã được cục hướng dẫn và được giảng dạy và huấn luyện từ nhiều năm trước. Trên thực tế của công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC hàng năm hiện nay cho thấy ở cấp đội, tiểu đội trưởng thiên về lý thuyết nhằm tác động vào tư duy, nhận thức chủ yếu thông qua các văn bản pháp luật, thông tư, chỉ thị… Ngoài ra, còn được củng cố lại các kiến thức về chiến thuật chữa cháy với hình thức tự nghiên cứu. Bên cạnh đó chiến sĩ chữa cháy và lái xe chữa cháy thiên về thực hành với các đội hình chữa cháy cơ bản, thao tác, sử dụng các phương tiện chữa cháy như máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy, các biện pháp cứu người bằng thang dây, nệm hơi và các phương tiện khác phục vụ cho công tác chữa cháy.

Trong quá trình huấn luyện nghiệp vụ PCCC dựa trên phương pháp truyền đạt và hướng dẫn từ các cán bộ có kinh nghiệm, có kiến thức về PCCC cho chiến sĩ mới, cho chiến sĩ chữa cháy, lái xe chữa cháy trên cả hai mặt lý thuyết và thực hành. Thời gian huấn luyện nghiệp vụ PCCC hằng năm ở đơn vị được chia ra làm 2 kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm, mỗi kỳ huấn luyện có thời gian từ 30 đến 45 ngày, ngoài ra còn mở đợt huấn luyện cho chiến sĩ mới khi được phân bổ biên chế nghĩa vụ quân sự về cho đơn vị. Qua mỗi đợt huấn luyện ngoài việc kiểm tra tính thời gian của các đội hình chữa cháy cơ bản và khả năng chiến đấu của từng cán bộ chiến sĩ đã được đơn vị chỉ đạo liên hệ thực tập phương án chữa cháy ở cơ sở, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, giúp cho công tác chiến đấu có hiệu quả tốt hơn.

Trong công tác huấn luyện ngoài nội dung, thời gian và hình thức huấn luyện thì còn một yếu tố góp phần quan trọng cho việc thành công và mang lại hiệu quả cao trong huấn luyện đó chính là điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác huấn luyện. Vấn đề này đã được đơn vị chú trọng đầu tư để đảm bảo cho công tác huấn luyện, ngoài ra còn sử dụng các phương tiện hiện có vào trong huấn luyện để cán bộ chiến sĩ làm quen và sử dụng thành thạo khi cần thiết. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại về sân bãi phục vụ tập chưa được đảm bảo về chiều dài sân tập, chưa xây dựng được tháp tập vì đơn vị PCCC được xây dựng từ cơ sở cũ nên vấn đề quy hoạch đúng chuẩn của một đơn vị PCCC chưa được yêu cầu.

Căn cứ vào hướng dẫn huấn luyện của Cục PCCC và tình hình huấn luyện nghiệp vụ PCCC của địa phương hằng năm cho thấy từ những phấn đấu khắc phục khó khăn của đơn vị và tận dụng được những kết quả luôn giữ được ở mức 100% đạt yêu cầu, trong đó có khoảng 70 - 80% khá giỏi. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong việc nghiên cứu xây dựng giáo trình về chiến thuật chữa cháy đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ ở địa phương, phương pháp huấn luyện chưa được đổi mới. Đây là những yếu điểm mà trong thời gian tới nhất định phải được khắc phục.

Đối với lực lượng chữa cháy là chiến sĩ nghĩa vụ quân sự thông qua đào tạo cơ bản về chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và thực hiện công tác tại ngũ tại đơn vị PCCC trong thời gian 03 năm, đây là thời gian có thể tương đối đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhưng chưa thể nói là đảm bảo về yêu cầu tính tinh nhuệ và chuyên môn hoá trong công tác chữa cháy cứu nạn, cứu hộ, vì hiện nay ở địa phương chưa đủ khả năng nghiên cứu và xây dựng được chương trình huấn luyện nâng cao cho chiến sĩ chữa cháy công tác huấn luyện hàng năm của đơn vị cho đối tượng chiến sĩ chữa cháy trong thời gian 3 năm mang tính lập đi lập lại cùng một chương trình.

Nhận xét - đánh giá:

Để đạt được yêu cầu tính tinh nhuệ và chuyên môn hoá trong công tác chữa cháy cứu nạn, đòi hỏi ngoài việc quan tâm hướng dẫn thường xuyên từ Cục PCCC hằng năm thì ở mỗi đơn vị, địa phương cần phải chuyên sâu trong nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình chiến thuật chữa cháy các cơ sở sản xuất phù hợp với tính chất, đặc điểm của địa phương. Công tác huấn luyện phải có sự kết hợp giữa địa phương và Cục PCCC xây dựng cho được giáo trình huấn luyện nâng cao, mang tính khoa học chặt chẽ áp dụng huấn luyện phù hợp cho chiến sĩ chữa cháy theo thời gian công tác nhằm nâng cao trình độ, năng lực và lòng dũng cảm trong chiến đấu.

Những kết quả đã đạt được trong công tác huấn luyện thời gian qua tuy chưa đạt đến mức hoàn thiện nhưng có thể khẳng định nó có vai trò quan trọng trong công tác chữa cháy cứu nạn, cứu hộ ở địa phương. Nó có vai trò thúc đẩy tính năng động, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu cao trong bản thân mỗi cán bộ chiến sĩ khi cọ sát vào thực tế chiến đấu. Qua các đợt huấn luyện nghiệp vụ giúp cho cán bộ chiến sĩ chữa cháy hoàn thiện hơn trong thao tác, kỹ thuật cá nhân, khả năng phối hợp trong chiến đấu cũng được phát huy. Huấn luyện luôn có vai trò quan trọng đối với công tác chiến đấu do vậy công tác huấn luyện phải có hệ thống, có chương trình phù hợp, có trung tâm đào tạo đồng bộ. Với ý nghĩa đó thì việc xây dựng trung tâm đào tạo chính quy cho từng vùng, từng miền trên cả nước để đào tạo chiến sĩ chữa cháy một cách chuyên sâu cho các địa phương là hết sức cần thiết.

2.7. Công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật PCCC:

Thực trạng về công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật PCCC ở địa phương hiện nay là còn rất hạn chế. Việc đăng ký xây dựng đề tài hàng năm chưa được phát huy mạnh, cán bộ tham gia để nghiên cứu xây dựng các đề tài khoa học kỹ thuật PCCC có trình độ chuyên môn sâu về PCCC còn ít. Mặt khác trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật PCCC hiện nay còn hạn chế là do việc đầu tư trang thiết bị chưa có, thủ tục xin kinh phí phục vụ nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

2.8. Về tình hình sản xuất lắp ráp, kinh doanh phương tiện PCCC:

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất phương tiện PCCC, chỉ có một số kinh doanh phương tiện PCCC theo yêu cầu nhỏ lẻ của các cơ sở. Do đó, việc quản lý chất lượng các phương tiện PCCC, đơn vị chưa thực hiện được vì các cơ sở thường xin phép kinh doanh thông qua sở thương mại - du lịch và các nguồn hàng được lấy từ các cơ sở ở TP.HCM.

2.9. Về trang bị phương tiện chữa cháy:

Thống kê phương tiện cơ giới hiện có:

Stt

Tên phương tiện

Năm sử dụng

Nước sản xuất

Số lượng

Ghi chú

1

Xe Jin 0271

1976

Liên Xô

01

 

2

Xe Jin 4552

1976

Liên Xô

01

 

3

Xe IFA 4555

1980

Đức

01

 

4

Xe Jin 0273

1995

Liên Xô

01

 

5

Xe Jin 31 - 0272

1995

Liên Xô

01

 

6

Xe Jin 0067

1996

Liên Xô

01

 

7

Xe bơm - 0356

2001

Nhật

01

Qua sử dụng

8

Xe Konglim - 0510

2004

Hàn Quốc

01

 

9

Xe chở phương tiện 0536

2005

Nhật

01

Qua sử dụng

10

Máy bơm nổi

1997 - 2001

Pháp

05

 

11

Máy bơm Tohatsu V46

2000

Nhật

01

 

12

Máy bơm Octer

2002

Italia

01

 

13

Canô chữa cháy

2001

Việt Nam

02

 

Trong điều kiện kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh nhưng việc đầu tư mua sắm cung cấp các trang thiết bị PCCC, nhất là phương tiện cơ giới chậm dẫn đến tình trạng các phương tiện bị lạc hậu cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công tác chiến đấu. Đặc biệt là xe chữa cháy và máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy hiện nay có chiếc có thời gian sử dụng đã lên đến 30 năm, nếu tính về thời gian sử dụng trên 25 năm chiếm 33,3%, thời gian sử dụng xe từ 10 năm trở lên cũng chiếm 33,3% số xe hiện có. Số xe còn lại tuy mới được đưa vào khai thác sử dụng nhưng hầu hết đều là xe đã qua sử dụng, xe mua mới 100% chỉ đạt 0,1%. Từ thực tế đó đã chứng minh tình trạng phương tiện hiện nay của đơn vị đang từng bước bị lạc hậu, số lần sửa chữa, trùng tu, đại tu ngày càng nhiều và bị rút ngắn lại, chưa tính đến vấn đề tiêu hao năng lượng lớn. Qua công tác thực tế như đi thực tập phương án chữa cháy, đi chữa cháy thường xuyên xảy ra tình trạng xe không hoạt động được trên đường đi, xe hoạt động chữa cháy với thời gian từ 3 - 5 giờ trở lên bị chết máy không đảm bảo được công tác chiến đấu, hệ thống hút nước phải sử dụng thông qua máy bơm chữa cháy. Máy bơm chữa cháy hiện nay chủ yếu là loại máy bơm nổi và máy bơm Tohatsu, các loại máy bơm này tỏ ra rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện chữa cháy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đối với các máy bơm nổi có thời gian sử dụng từ 3 - 5 năm, các linh kiện bằng nhựa bị lão hoá gây hỏng hóc phải thay thế, làm cho công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện gặp nhiều khó khăn và tốn kém kinh phí sửa chữa.

Bên cạnh những trang thiết bị cơ giới hiện có như xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy thì các trang thiết bị hỗ trợ khác như: Mặt nạ phòng độc, thiết bị thở, thiết bị thông tin liên lạc… cũng rất cần thiết trong chiến đấu. Nhưng hiện nay các loại trang thiết bị này còn ít và chưa phát huy được hiệu quả: Thiết bị thông tin liên lạc của đơn vị đã bị cũ kỹ, hỏng hóc đang trong giai đoạn đề xuất cấp lại, do đó mặt thông tin liên lạc trong đám cháy chưa phát huy hiệu quả. Về thiết bị phòng độc, thiết bị thở còn hạn chế, loại mặt nạ phòng độc có bình khí oxy chỉ có 3 chiếc, còn các mặt nạ mỏ heo lọc khí bằng than hoạt tính kém hiệu quả trong các đám cháy.

Tóm lại từ việc phân tích, đánh giá những thuận lợi và khó khăn về phương tiện đã cũ, có thời gian sử dụng lâu, các trang thiết bị mới đưa vào sử dụng đa số là loại đã qua sử dụng. Do đó nếu đưa vào phục vụ công tác chiến đấu trong tình hình hiện nay khi mà xảy ra các vụ cháy lớn, phức tạp, thời gian chữa cháy kéo dài sẽ không đáp ứng được yêu cầu đặt ra và mang lại hiệu quả thấp. Mặt khác các thông số kỹ thuật của phương tiện đã được đưa vào sử dụng với thời gian dài sẽ không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là đối với xe chữa cháy mang nhiều tiềm ẩn xảy ra tai nạn nguy hiểm trên đường đi làm nhiệm vụ. Ngoài các trang thiết bị chủ yếu như xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, thiết bị thở, thiết bị thông tin liên lạc… trong quá trình sử dụng đã phát huy được tính năng, tác dụng, tuy nhiên đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.

2.10. Về công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy (PTCC):

Với tình trạng phương tiện phục vụ công tác chiến đấu dần dần bị lạc hậu, kinh phí mua sắm phương tiện mới trang bị cho đơn vị cũng bị hạn chế. Do đó công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy hiện nay ở đơn vị là hết sức cần thiết. Cũng có thể nói đây là giải pháp tối ưu hiện nay để đảm bảo cho phương tiện xe máy hoạt động tốt phục vụ công tác nghiệp vụ.

Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy của đơn vị được giao cho đội chiến đấu theo dõi, lập kế hoạch đề xuất sửa chữa kịp thời khi phát hiện hỏng hóc, không để cho xe, máy và các phương tiện phụ trợ khác không hoạt động được khi có lệnh điều động để làm nhiệm vụ. Quan điểm này cũng được Phòng Hậu cần Công an tỉnh thống nhất, do đó kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện cũng được cung cấp kịp thời.

Về cơ chế phối hợp trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa PTCC giữa đơn vị Phòng CS PCCC và Phòng Hậu cần Công an tỉnh dựa trên nguyên tắc: Báo cáo thực trạng, kiểm tra giám sát và thực hiện công việc. Nghĩa là trên thực tế quản lý phương tiện xe, máy bơm chữa cháy và các phương tiện khác hằng ngày của đội chiến đấu - đơn vị PCCC khi phát hiện hỏng hóc, thì làm báo cáo đề xuất Phòng Hậu cần Công an tỉnh. Phòng Hậu cần Công an tỉnh cử cán bộ kiểm tra thực tế những hư hỏng và báo cáo lãnh đạo có ý kiến sửa chữa, khắc phục. Khi đã có ý kiến cho sửa chữa khắc phục thì đơn vị PCCC thuê thợ hoặc đưa phương tiện ra các cơ sở sửa chữa bên ngoài tiến hành công việc sửa chữa dưới sự giám sát của Phòng Hậu Cần. Khi hoàn thành công việc Phòng Hậu Cần cung cấp kinh phí sửa chữa cho cơ sở thực hiện. Do nhu cầu công tác phải đảm bảo kịp thời không để cho phương tiện không hoạt động được nên cơ chế phối hợp giữa đơn vị Phòng Hậu cần được thực hiện nhanh không để công việc tồn đọng. Về kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy hàng năm của đơn vị do Công an tỉnh cấp từ nguồn kinh phí của Uỷ ban nhân dân tỉnh, không có chỉ tiêu ấn định mà căn cứ vào tình hình hỏng hóc của phương tiện ở đơn vị để cấp.

Nhìn chung về công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hiện nay ở đơn vị tương đối đảm bảo được yêu cầu công tác. Nhưng do ở địa phương và đơn vị chưa có mô hình của xưởng sửa chữa, do đó các thủ tục tiến hành sửa chữa còn chậm và phụ thuộc nhiều vào thợ máy và cơ sở sửa chữa bên ngoài, yếu tố chuyên sâu về kỹ thuật trong phương tiện chuyên dùng thấp nên kết quả đạt được ở mức chưa cao. Vì vậy, cần thiết mỗi địa phương cần được xây dựng một trạm sửa chữa đặt tại Hậu cần Công an tỉnh ngoài việc phục vụ cho yêu cầu công tác của đơn vị PCCC còn tận dụng phục vụ chung cho sửa chữa các phương tiện trong Công an tỉnh.

Bảng thống kê kính phí sửa chữa từ năm 2001 - 2005:

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Kinh phí (đ)

96.700.000

141.120.000

128.170.000

70.200.000

68.640.000

2.11. Về nguồn nước chữa cháy:

Trong quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh trên toàn địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhất là các khu vực trung tâm tỉnh, huyện, thị trấn, việc san lấp mặt bằng phục vụ xây dựng phát triển liên tục, do đó các ao, hồ, sông, rạch có nguồn nước tự nhiên phục vụ công tác chữa cháy trước đây dần dần bị san lấp thay vào đó là các công trình xây dựng chợ, trung tâm thương mại, khu chung cư… Công tác quy hoạch bến bãi để lấy nước phục vụ chữa cháy chưa đồng bộ với việc quy hoạch xây dựng phát triển đô thị nên các bến bãi lấy nước ven sông ở các khu vực đông dân cư, trung tâm tỉnh, huyện, thị trấn có sông đi qua không có bến bãi dành riêng cho lấy nước chữa cháy. Mặt khác, hệ thống cung cấp nước chữa cháy trong đô thị cũng được quy hoạch xây dựng không đồng bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 07 huyện, thị xã mà có duy nhất ở thị xã Vĩnh Long (TXVL) có hệ thống cung cấp nước chữa cháy tương đối hoàn thiện.

Hệ thống cung cấp nước chữa cháy đô thị trên địa bàn TXVL là 69 trụ nước. Trong đó có nhiều chủng loại như: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Việt Nam… nên việc lấy nước chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn vì hiện nay phương tiện chữa cháy đa số là của Nga các ống hút nước chữa cháy do Việt Nam sản xuất mới có thể hút nước trực tiếp lên xe để chữa cháy. Các chủng loại còn lại như: Mỹ, Úc, Trung Quốc muốn lấy nước trực tiếp được phải cải tiến đầu nối hỗn hợp cho ống hút của xe, máy bơm chữa cháy mới hút được, vấn đề này cần phải có kinh phí cải tạo. Mặt khác khoảng cách các trụ nước chữa cháy không đảm bảo theo yêu cầu cấp nước chữa cháy trong đô thị, một số tuyến đường chính trong thị xã không có trụ nước chữa cháy.

Đối với các trung tâm huyện thị trấn còn lại và các khu dân cư mới được hình thành, có nơi chưa được xây dựng các trụ nước chữa cháy, có nơi có xây dựng nhưng không đưa vào áp dụng được. Trên địa bàn các huyện trong tỉnh hiện nay đang tồn tại hai hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt trong dân mà có thể tận dụng xây dựng các trụ nước phục vụ chữa cháy đó là chi nhánh nước trực thuộc Công ty Điện nước nông thôn. Nhưng hầu hết ở các huyện chưa có quy hoạch xây dựng đưa vào khai thác phục vụ công tác chữa cháy, nên hệ thống trụ nước chữa cháy ở các địa bàn huyện chưa được hình thành, gây khó khăn không nhỏ trong công tác chữa cháy.

Với thực trạng như thế hiện nay Phòng Cảnh sát PCCC kết hợp với Công ty Cấp nước, Sở Xây dựng tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh có hướng dẫn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc hiện tại để quy hoạch hệ thống nước chữa cháy được đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị, nhằm đáp ứng được yêu cầu về nước chữa cháy trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó cũng tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các huyện có hướng chỉ đạo khai thác sử dụng các nguồn nước có trên địa bàn huyện, thị trấn để đưa vào phục vụ công tác chữa cháy.

2.12. Về hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy:

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 5 quốc lộ đi qua và 7 đường tỉnh lộ nối liền các trung tâm huyện, thị xã. Quốc lộ 1 dài 35 km, có 17 cầu đi qua địa bàn TXVL, Long Hồ, Bình Minh. Quốc lộ 53 dài 43 km, có 12 cầu đi qua địa bàn TXVL, Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm nối liền với tỉnh Trà Vinh. Quốc lộ 54 dài 49 km, có 19 cầu, 01 phà nối liền Đồng Tháp - Vĩnh Long - Trà Vinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đi qua các huyện Bình Minh, Trà Ôn. Quốc lộ 57 dài 5 km, 6 cầu, 1 phà đi qua địa bàn TXVL. Long Hồ nối liền với huyện Chợ Lách - Bến Tre. Quốc lộ 80 dài 4 km, có 4 cầu, nối liền với huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, đi qua địa bàn TXVL. Đường tỉnh lộ dài 33 km, 20 cầu, 1 phà nối liền TXVL với huyện Vũng Liêm đi qua địa bàn huyện Mang Thít. Đường tỉnh lộ 903 dài 14 km, có 5 cầu nối quốc lộ 53 với tỉnh lộ 902 đi qua trung tâm huyện Mang Thít. Đường tỉnh lộ 904 dài 26 km, có 10 cầu nối quốc lộ 53 với trung tâm huyện Trà Ôn đi ngang trung tâm huyện Tam Binh. Đường tỉnh lộ 905 dài 15 km, có 7 cầu nối quốc lộ 1 vào trung tâm huyện Tam Bình. Đường tỉnh lộ 906 dài 17 km có 9 cầu nối quốc lộ 53 với quốc lộ 54 đi trên địa bàn 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Đường tỉnh lộ 908 dài 29 km, 23 cầu nối quốc lộ 1 đi về huyện Bình Minh.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã trong đó có 4 xã là xã cù lao. Nhìn chung, các đường quốc lộ và tỉnh lộ nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều lưu thông được phương tiện chữa cháy dễ dàng, nhưng đối với các quốc lộ thì tầng suất xe lưu thông nhiều, các đường tỉnh lộ còn hẹp, nhiều cầu, có nhiều chợ ven đường.

Đối với các đường nội thị và các trung tâm huyện hiện nay đang được mở rộng thuận tiện cho ôtô chữa cháy hoạt động, ngược lại số lượng xe ôtô trong giờ cao điểm rất đông, ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của ôtô chữa cháy. Trong thực tế công tác chữa cháy và rút kinh nghiệm các lần thực tập phương án chữa cháy cho thấy vận tốc trung bình của ôtô chữa cháy trong giờ cao điểm từ 40 - 50 km/h ngoài giờ đạt từ 60 - 70 km/h kể cả vận tốc xe đi chữa cháy ở các huyện. Về ý thức người dân khi xe di chuyển trên đường đi làm nhiệm vụ đa số chấp hành tốt, nhường đường cho xe chạy. Bên cạnh đó thì vấn đề xe môtô bám sau xe ôtô chữa cháy là thường xuyên xảy ra và các xe tải nặng, xe ôtô khách trên đường nhất là đường quốc lộ đôi lúc không chịu nhường đường cho ôtô chữa cháy vượt qua, gây cản trở và làm hạn chế vận tốc của xe đi làm nhiệm vụ.

Tóm lại, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tương đối hoàn thiện, ô tô chữa cháy dễ dàng đến được các huyện, có thể cùng một lúc đi bằng nhiều đường. Đường sá trong nội thị và các trung tâm huyện được mở rộng thuận tiện cho xe chữa cháy hoạt động. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên các tuyến đường có nhiều cầu, khoảng cách các tuyến đường, dài, ở các tuyến đường quốc lộ thì tần suất lưu thông cao, trong các giờ cao điểm lưu lượng xe mô tô lưu thông trên các tuyến đường trong nội ô rất lớn, đây là một số khó khăn cơ bản đã làm ảnh hưởng đến vận tốc của ô tô chữa cháy khi đi làm nhiệm vụ. Ngoài ra còn có sự hiếu kỳ của người dân khi thấy xe chữa cháy làm nhiệm vụ thường chạy xe đu bám theo sau vào tận khu vực cháy gây cản trở cho việc tiếp cận đám cháy và đường đi lấy nước chữa cháy.

2.13. Về tình hình đầu tư hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PCCC:

Tuỳ theo tình hình ngân sách của địa phương và tình hình thực tế của đơn vị mà Uỷ ban nhân dân tỉnh có mức đầu tư hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PCCC hàng năm. Ngoài việc sửa chữa, mua sắm phương tiện PCCC, Uỷ ban nhân dân tỉnh còn đầu tư kinh phí cho các hoạt động như: Kinh phí phục vụ tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ; kinh phí cho hoạt động ngày toàn dân PCCC…

Bảng thống kê kinh phí mua sắm phương tiện và các hoạt động khác từ năm 2001 - 2005:

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Kinh phí (đ)

171.500.000

251.515.000

449.450.000

1.400.000

65.040.000

2.14. Công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở:

Theo thống kê hiện nay trên toàn tỉnh đã có 674 cơ sở được quản lý PCCC bao gồm:

+ 161 cơ sở xăng dầu.

+ 123 cơ sở gạch.

+ 46 chợ (loại I, II) và trung tâm thương mại, siêu thị.

+ 38 cơ sở trọng điểm về kinh tế - chính trị xã hội.

+ Số còn lại là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có mức độ nguy hiểm về cháy, nổ cao, có liên quan trực tiếp đến công tác phòng cháy chữa cháy.

Trong các cơ sở trên đã có trên 120 cơ sở nằm ngoài đê bao, ven các nhánh sông lớn hoặc các xã cù lao nên không những chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy mà còn chú ý đến công tác phòng chống lụt bão, triều cường dâng cao số cơ sở này không thuận tiện trong giao thông đường bộ, khi có cháy xe cứu cháy cơ giới không tiếp cận được.

Tuy nhiên nhờ có ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa nên 5 năm qua (2001 - 2005) số vụ cháy tại các cơ sở này không nhiều, 11/40 vụ chiếm tỷ lệ 27,5% số vụ cháy toàn tỉnh. Thiệt hại về người không có.

Về tài sản ước tính khoảng 732 triệu đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do chạm chập điện, sơ xuất, bất cẩn trong sản xuất hoặc sự cố, sụp lở lò nung...

Xác định được tầm quan trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy cũng như thiệt hại do cháy gây ra nên trong những năm qua chính quyền địa phương đã quan tâm và có nhiều cố gắng trong công tác phòng cháy chữa cháy như ra nhiều văn bản chỉ đạo tuyên truyền và kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở. Tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ tại các cơ sở. Thế nhưng hiện nay còn một bộ phận không nhỏ thủ trưởng các cơ quan, cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy. Chưa mạnh dạn đầu tư kinh phí, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện chữa cháy phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở mình. Vẫn còn nhiều cơ sở chưa thành lập được lực lượng phòng cháy chữa cháy tại cơ sở hoặc có thành lập nhưng thiếu sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất nên công tác phòng cháy chữa cháy cũng ít được duy trì hoặc hoạt động không có hiệu quả.

Chính vì vậy mà hiện nay Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải bố trí một lực lượng làm công tác kiểm tra tương đối lớn (16 cán bộ kiểm tra) để giải quyết các công việc kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở về công tác phòng cháy chữa cháy. Cử cán bộ quản lý địa bàn theo đơn vị hành chính cấp huyện và cán bộ kiểm tra theo các chuyên đề... nhằm kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở.

2.15. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở:

Hiện nay lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở trong toàn tỉnh có 366 đơn vị với 3572 đội viên. Trong đó:

+ Khối doanh nghiệp 151 đội với 1.402 đội viên.

+ Khối cơ quan: 215 đội với 2.170 đội viên.

Tỷ lệ cơ sở đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy với tổng số cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy trên toàn tỉnh đạt 54,3%.

Các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở được thành lập, có quyết định của người đứng đầu cơ quan, cơ sở. Đội có ít nhất là 06 đội viên, số cao nhất là 24 đội viên. Hầu hết các đội viên đội phòng cháy chữa cháy là kiêm nhiệm, không chuyên trách do vậy không được đào tạo về chuyên môn phòng cháy chữa cháy và không được hưởng chế độ ưu đãi về tài chính, vật chất từ phía cơ quan, doanh nghiệp. Do vậy, chưa thực sự khuyến khích tính nhiệt tình, năng nổ của đội viên khi tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Công tác đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cũng như việc trang bị phương tiện chữa cháy cho các đội viên phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở còn rất hạn chế. Việc đầu tư, trang bị này tập trung phần lớn vào các cơ sở trọng điểm về kinh tế - chính trị - xã hội và các doanh nghiệp lớn; các cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm.

Hiện nay trong khối cơ quan, đơn vị toàn tỉnh có 25 máy bơm chữa cháy. Trong đó có:

24 máy bơm chuyên dụng.

01 máy bơm cải tiến (từ máy thuỷ động cơ).

Có 36 cơ sở lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, 03 cơ sở có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, bán tự động đồng bộ.

Có 21 cơ sở lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy nước vách tường và ngoài nhà.

Mặc dù chưa có sự ưu đãi về chế độ chính sách đúng mức trong hoạt động thường xuyên của các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, nhưng các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở cũng đã có những cố gắng, nêu cao được vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy được phân công. Các đội này đã tham mưu cho lãnh đạo cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động phòng cháy chữa cháy tại cơ sở mình, tham gia học tập, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, đã lập phương án phòng cháy chữa cháy và tổ chức triển khai, học tập trong toàn đội; tham gia chữa cháy tại chỗ, chi viện cho các cơ sở lân cận.

Trong 5 năm gần đây (2001 - 2005) lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở tham gia chữa cháy lớn nhỏ và đã dập tắt hoàn toàn các đám cháy mới phát sinh hoặc trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi làm kéo giảm số vụ cháy lớn, hạn chế thiệt hại do cháy gây ra hàng trăm triệu đồng.

Hàng năm các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở được cán bộ kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy phối hợp với lãnh đạo cơ sở tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho đội viên, tối thiểu 02 năm 01 lần. Riêng đội phòng cháy chữa cháy ngành bưu chính viễn thông được tổ chức học tập về kiến thức PCCC, tập huấn nghiệp vụ 06 tháng 01 lần.

Nội dung huấn luyện chủ yếu là: Bổ trợ kiến thức cơ bản về PCCC và công tác PCCC chuyên sâu cho từng ngành nghề, từng lĩnh vực hoặc theo đặc điểm, tính chất và tình hình thực tế đối với từng đơn vị, cơ sở. Tổ chức triển khai, học tập và thực tập phương án PCCC tại chỗ đã được lập.

Thời gian huấn luyện được áp dụng cho 02 đối tượng:

+ Đội viên học tập lần đầu: 16 giờ.

+ Đội viên học tập nâng cao: Từ 04 đến 08 giờ.

Căn cứ vào hiệu quả quá trình hoạt động cũng như hiệu quả công tác thực tế của đội PCCC cơ sở. Năm 2005 đơn vị cảnh sát PCCC đã xếp loại gồm:

+ Loại khá 88 đội.

+ Trung bình 226 đội.

+ Yếu, kém 52 đội.

2.16. Đánh giá hiệu quả công tác PCCC:

* Mặt thuận lợi:

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo các cơ sở, cộng với sự hỗ trợ về chuyên môn của đơn vị cảnh sát PCCC nên các đội phòng cháy chữa cháy đã được tổ chức và học tập, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC để làm tham mưu cho lãnh đạo các cơ sở đề ra các giải pháp PCCC phối hợp với các đặc điểm của cơ sở.

* Mặt khó khăn:

Nguồn kinh phí đầu tư cho việc trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC cũng như các hoạt động PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC tại cơ sở.

Một số người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, việc chỉ đạo về tổ chức và thực hiện công tác PCCC thiếu thường xuyên, kém hiệu quả...

Đội viên các đội PCCC cơ sở phần lớn với vai trò kiêm nhiệm do đó không được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ PCCC dẫn đến hiệu quả của công tác quản lý, thực hiện công tác PCCC của các đội PCCC cơ sở không cao.

Những yếu tố đưa đến một thực tế là:

Việc phối hợp giữa các ngành, các cơ sở trong công tác PCCC thiếu tính thống nhất. Người đứng đầu cơ sở chưa chú trọng đến phương án chữa cháy phối hợp, các đội PCCC không xây dựng được phương án phối hợp lực lượng giữa các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở khi có cháy lớn xảy ra. Từ đó các đội hoạt động không mang tính độc lập, riêng lẻ, chưa có sự thống nhất về chỉ huy, thiếu sự phân công vị trí, nhiệm vụ cụ thể giữa các lực lượng khi chi viện phối hợp cứu chữa các vụ cháy lớn; làm cho hiệu quả cứu chữa của các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở chưa cao.

3. Lực lượng PCCC tại các khu dân cư (lực lượng dân phòng):

3.1. Công tác PCCC tại các khu dân cư:

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên không lớn nhưng dân số đứng thứ 2 trong các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Người dân sống tập trung nhiều ở thị xã, thị trấn, ven chợ và các khu kinh tế từ đó hình thành nên các khu dân cư tự phát. Ngoài ra ở các địa phương trong tỉnh đã có quy hoạch các khu tái định cư và các cụm, tuyến dân cư vượt lũ... Từ đó đã hình thành nên những quần thể khu dân cư có nhiều hộ gia đình sinh sống. Các khu dân cư này được phân bố rải rác ở các xã, thị trấn thuộc các huyện.

Trong toàn tỉnh hiện có 64 khu dân cư tập trung; trong đó:

+ 2 khu dân cư.

+ 23 khu dân cư được quy hoạch, 39 khu dân cư tự phát, hình thành từ nhiều năm trước đây.

Khu dân cư có nhiều nhất khoảng 160 hộ, khu ít nhất cũng trên 36 hộ. Các khu dân cư tự phát ở xã, thị trấn có số nhà xây dựng bằng vật liệu dễ cháy chiếm khá cao: 58,4%. Người dân sống trong các khu này còn thiếu hiểu biết về PCCC nên nguy cơ xảy ra cháy tại các khu dân cư này là rất cao.

Trong 5 năm qua tình hình cháy tại các khu dân cư xảy ra rất phổ biến, từ năm 2001 đến 2005 đã có 29 vụ cháy nhà dân trên tổng số 40 vụ cháy chiếm 72,5 % số vụ cháy. Thiệt hại trên 1.040 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn về điện, bất cẩn trong việc sử dụng điện, trẻ em nghịch lửa và do mâu thuẫn cá nhân.

Nhiều năm qua chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, tổ chức lực lượng PCCC dân phòng tại các khu dân cư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của nhân dân trong công tác PCCC khu dân cư, hộ gia đình như: Ký cam kết về an toàn PCCC hộ gia đình, xây dựng thế trận an ninh nhân dân có tình huống chữa cháy trong khu dân cư.

Tuy nhiên việc đầu tư kinh phí trang thiết bị dụng cụ phương tiện chữa cháy có rất nhiều hạn chế, hầu hết các đội PCCC dân phòng chưa được trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy. Do vậy khi tham gia chữa cháy chủ yếu là sử dụng dụng cụ thô sơ như: Xô, chậu... hoặc phối hợp, hỗ trợ với lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC để tháo dỡ, di dời tài sản từ đám cháy ra ngoài. Chính vì thế mà hiệu quả của lực lượng PCCC dân phòng còn rất hạn chế.

Đối với đơn vị Cảnh sát PCCC tỉnh Vĩnh Long, công tác PCCC chợ và khu dân cư được quan tâm hàng đầu vì đây là những nơi có nguy cơ cháy rất cao, khi cháy tình hình rất phức tạp và thiệt hại do cháy gây ra là rất lớn.

Tại các khu dân cư có quy hoạch đơn vị cảnh sát PCCC đã phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị thi công áp dụng các giải pháp an toàn PCCC trong xây dựng như:

+ Hạn chế xây dựng nhà bằng vật liệu dễ cháy.

+ Thiết kế, lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy.

+ Quy hoạch, xây dựng các đường, lối thoát nạn và phục vụ cho việc cứu chữa các vụ cháy.

Tuy nhiên đối với các khu dân cư hình thành tự phát thì việc áp dụng các biện pháp PCCC vô cùng khó khăn. Chính quyền địa phương và cảnh sát PCCC không chủ động được các giải pháp PCCC trong quy hoạch, xây dựng mà không khắc phục hiện trạng, cải tạo mạng điện và tăng cường công tác kiểm tra tuyên truyền công tác PCCC nhằm nâng cao ý thức PCCC trong nhân dân. Thời gian qua đơn vị cảnh sát PCCC cử cán bộ kiểm tra kết hợp địa phương tiến hành kiểm tra nhắc nhở và hướng dẫn các hộ gia đình trong khu dân cư thực hiện các biện pháp an toàn PCCC như:

+ Sử dụng điện an toàn.

+ Sử dụng bếp an toàn.

Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đan xen trong khu dân cư nhằm hạn chế khả năng gây cháy từ các cơ sở này.

Đồng thời cho hộ dân ký cam kết hộ an toàn PCCC và niêm yết quy ước PCCC hộ gia đình.

3.2. Lực lượng dân phòng:

Không chỉ ở các khu dân cư mới thành lập đội PCCC dân phòng mà ở hầu hết các thôn, ấp đều được thành lập đội PCCC dân phòng: Lực lượng này có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và tham gia công tác chữa cháy. Tính đến cuối năm 2005 trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập được 291 đội dân phòng với 2.922 đội viên, được phân bố đều ở các địa phương.

+ Địa bàn nông thôn có 248 đội với 2.549 đội viên.

+ Địa bàn đô thị có 43 đội với 373 đội viên.

Đội PCCC dân phòng được thành lập do quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp xã, công an cấp xã quản lý và cán bộ kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC hỗ trợ huấn luyện nghiệp vụ PCCC.

Trong các đội PCCC dân phòng này có 273 đội được huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy 1 lần duy nhất và 76 đội được huấn luyện nâng cao (ít nhất 2 lần kể từ khi được thành lập) mỗi đội PCCC dân phòng có ít nhất 9 đội viên, nhiều nhất 17 đội viên. Đội viên PCCC dân phòng chủ yếu là lực lượng lao động, sản xuất tại địa phương do vậy hầu hết không được đào tạo chuyên môn về PCCC.

Hiện nay lực lượng PCCC dân phòng ở địa bàn đô thị được hưởng chế độ bồi dưỡng ca trực đêm từ 90 đến 120 ngàn đồng/tháng. Kinh phí này do nhân dân trong địa bàn đóng góp còn đội PCCC dân phòng ở địa bàn nông thôn chỉ được miễn lao động công ích tại địa phương.

Tính đến nay đã có đến 100% khu dân cư đã có đội PCCC dân phòng, tuy nhiên chỉ có 58/64 đội này được huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, 06 đội còn lại do mới được thành lập tại các khu dân cư mới hình thành (khu tái định cư, và khu dân cư vượt lũ).

Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động PCCC cho lực lượng PCCC dân phòng còn rất hạn chế, chỉ tập trung nhiều vào các khu dân cư ở địa bàn đô thị, khu dân cư do Nhà nước quy hoạch và xây dựng.

Đối với các đội PCCC dân phòng ở địa bàn nông thôn chỉ được trang bị dụng cụ chữa cháy thô sơ như: Xô, chậu, cau liêm, thang tre... do đó hiệu quả công tác PCCC của các đội PCCC dân phòng chưa cao. Hiện nay đội PCCC dân phòng trên địa bàn toàn tỉnh được trang bị 15 máy bơm chữa cháy. Trong đó có:

+ 11 máy bơm chuyên dụng.

+ 14 máy bơm chữa cháy cải tiến từ máy thuỷ động cơ.

Trên thực tế tại địa phương, lực lượng PCCC dân phòng chỉ tham gia vào các hoạt động chữa cháy cứu tài sản hoặc giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực cháy hoặc hỗ trợ công việc khác cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Chưa tổ chức được các hoạt động kiểm tra tuyên truyền công tác PCCC trong dân cư. Đây cũng là một hạn chế của lực lượng này.

Do lực lượng PCCC dân phòng được thành lập rộng rãi đến từng khóm, ấp nên hầu hết các đám cháy xảy ra trên địa bàn đều có lực lượng này tham gia cứu chữa. Trong hiệu quả chữa cháy còn nhiều hạn chế (do thiếu dụng cụ, phương tiện) nhưng lực lượng PCCC dân phòng đã đóng góp nhiều cho công tác cứu chữa của lực lượng chữa chuyên nghiệp như hỗ trợ lực lượng, di dời tài sản, tháo dỡ cấu kiện xây dựng, trong lực lượng chuyển tiếp nước... Đến nay lực lượng PCCC dân phòng đã tự tổ chức dập tắt hàng chục vụ cháy lớn, nhỏ trước khi lực lượng cảnh sát PCCC đến nơi làm giảm bớt thiệt hại của nhân dân hàng trăm triệu đồng.

Xác định được tầm quan trọng của lực lượng này nên hàng trăm đơn vị cảnh sát PCCC phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chữa cháy cho lực lượng dân phòng về thao tác sử dụng phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, phương pháp, biện pháp cứu người, cứu tài sản trong đám cháy... Năm 2005 đơn vị cảnh sát PCCC tổ chức phân loại đội PCCC dân phòng với các loại:

+17 đội loại khá.

+ 35 đội trung bình.

3.3. Đánh giá hiệu quả công tác:

* Thuận lợi:

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị cảnh sát PCCC, nên đội PCCC dân phòng được thành lập có tổ chức và được huấn luyện sơ bộ về nghiệp vụ chữa cháy.

Các đội PCCC dân phòng được thành lập trên cơ sở của lực lượng dân phòng, nhiệm vụ chủ yếu là giữ gìn an ninh trật tự ở khóm ấp nên được duy trì sinh hoạt thường xuyên và được công an xã phường hỗ trợ, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ.

Tuy chưa được chính sách ưu đãi nhưng hầu hết các đội viên đều có tinh thần hăng hái và trách nhiệm, tích cực trong công tác cứu chữa.

* Khó khăn:

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc tổ chức các hoạt động PCCC dân phòng là vấn đề kinh phí, nhiều địa phương do không có kinh phí đầu tư cho việc trang bị phương tiện chữa cháy hoặc phục vụ cho các hoạt động PCCC nên dần dần có nhiều đội PCCC dân phòng không còn duy trì hoạt động.

Vẫn còn nhiều địa phương thiếu sự quan tâm của chính quyền có khóm, ấp chưa thành lập được dân phòng hoặc có thành lập theo quy định, theo phong trào chưa chú ý đến chất lượng hoạt động của đội thiếu sự quan tâm chỉ đạo làm hiệu quả hoạt động của các đội không cao.

Đội viên các đội PCCC dân phòng là lực lượng trực tiếp lao động sản xuất tại địa phương trình độ còn nhiều hạn chế, thời gian tham gia học tập sinh hoạt không nhiều hoặc do công việc làm ăn nên nhân sự của đội có sự thay đổi thường xuyên... Làm cho công tác đào tạo huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn có nhiều đội viên trong các đội chưa qua tập huấn nghiệp vụ chữa cháy.

Chính từ những khó khăn trên dẫn đến một thực tế là đội PCCC dân phòng tại các khu dân cư chưa có sự thống nhất chung trong việc chỉ huy lực lượng PCCC cơ sở trong các khu dân cư và lực lượng PCCC dân phòng chưa có phương pháp, việc phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, việc phối hợp và bố trí lực lượng tham gia cứu chữa chưa có tính đồng bộ từ đó hiệu quả của công tác PCCC tại các khu dân cư chưa cao còn bộc lộ nhiều yếu kém, cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phần II

DỰ BÁO VỀ TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRONG TƯƠNG LAI

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương:

Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ 8 của tỉnh đã định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần tập trung phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

+ Kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào 02 khu công nghiệp Hoà Phú và Bình Minh, dự kiến đến năm 2010 sẽ lắp đặt các khoảng trống đầu tư trong cả 2 khu công nghiệp với diện tích 430ha, tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp dệt may, gốm xứ, thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực thực phẩm.

+ Mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong tỉnh gần như bão hoà, khả năng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không lớn.

Trong thời gian tới dự kiến đầu tư xây dựng kho xăng dầu mới để đưa kho xăng dầu phường 4 ra khỏi nội ô thị xã. Riêng mặt hàng gas hiện nay được tiêu thụ mạnh do người dân dần dần thay thế gas cho các loại chất đốt khác. Trong thời gian tới cửa hàng bán lẻ gas vẫn có khả năng phát triển mạnh.

+ Đến năm 2010 tỉnh dự kiến hoàn thành tiếp 13 khu, cụm, tuyến dân cư phục vụ nhà ở cho nhân dân nhất là vùng ngập lũ. Tỉnh đang tiếp tục xúc tiến việc đầu tư xây dựng khu nhà ở cao cấp Mỹ Thuận với số vốn hơn 400 tỷ đồng dự kiến hoàn thành trước năm 2010.

Cũng trong giai đoạn 2006 đến 2010 tỉnh sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng để đưa cảng Bình Minh vào hoạt động nâng cao cảng sông, cảng biển trong tỉnh lên 02 cảng; đây là nơi tiếp nhận, tập kết và trung chuyển một số lượng hàng hoá rất lớn.

+ Các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà cao tầng đang trên đà phát triển mạnh, trong thời gian tới công trình khách sạn Sài Gòn - Vĩnh Long được xây dựng cao 17 tầng, siêu thị Coopmark Vĩnh Long, siêu thị sách thiết bị trường học đi vào hoạt động...

Từ những định hướng trên trong thời gian tới tình hình cháy trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi lớn về số vụ, mức độ nghiêm trọng, giá trị thiệt hại do cháy gây ra.

2. Dự báo tình hình cháy trên mặt đất: Căn cứ vào trữ lượng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi các khu công nghiệp đi vào hoạt động, khu đô thị mới, công trình nhà cao tầng được xây dựng... Cùng với một thực trạng về công tác quản lý nhà nước về PCCC như hiện nay, việc ý thức chấp hành pháp luật về PCCC chưa cao, người đứng đầu cơ sở lãnh đạo các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác PCCC không đầu tư hoặc đầu tư chấp vá, không phù hợp với tình hình phát triển của cơ sở địa phương.

Lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh chưa được đào tạo và trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm đáp ứng kịp tình hình phát triển kinh tế xã hội...

Từ những nội dung đã được phân tích đánh giá ở phần trước cho thấy trong thời gian tới (từ nay đến 2010 và những năm tiếp theo) tình hình cháy trên mặt đất sẽ diễn ra phức tạp hơn. Số vụ cháy có chiều hướng gia tăng, khả năng cứu chữa của lực lượng cảnh sát PCCC sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và điều tất yếu là mức độ thiệt hại do cháy xảy ra trong thời gian tới sẽ lớn hơn những năm qua. Theo đánh giá nguy cơ cháy xảy ra nhiều nhất trong thời gian tới tập trung ở các khu dân cư, chợ và khu công nghiệp (nhất là tuyến khu công nghiệp Cổ Chiên).

3. Dự báo tình hình cháy trên sông nước:

Là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên hệ thống giao thông đường thuỷ rất phổ biến, mật độ phương tiện vận tải hoạt động trên sông nước nhiều đặc biệt việc vận chuyển xăng dầu từ các kho xăng dầu Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh phía Nam sông Hậu chủ yếu qua tuyến đường thuỷ xuyên qua tuyến sông Măng Thít, xẻ dọc chiều dài của tỉnh. Theo ước tính hàng ngày có trên 12 lượt tàu vận chuyển với hơn 150 tấn xăng dầu đi xuyên qua tỉnh.

Với tập quán sinh hoạt của đồng bào Tây Nam Bộ nên các chợ khu dân cư (tự phát) đã tập trung trên sông hoặc ven các nhánh sông (chợ nổi Lục Sỹ Thành - Trà Ôn) hình thành nên những mối hiểm hoạ trên mặt nước.

Mặt khác do đặc điểm giao thông và tập quán sinh hoạt của người dân Tây Nam Bộ vùng sông nước nên đã hình thành các cơ sở, dịch vụ trên sông như các bè, cửa hàng xăng dầu nổi ven sông, số lượng các cửa hàng ven sông hàng năm tăng lên khá nhanh.

Theo đánh giá của cảnh sát PCCC tỉnh thì nguy cơ xảy ra cháy trên mặt nước trong tỉnh cũng không nhỏ chủ yếu là cây xăng, dầu trên các bè ven sông và tàu vận chuyển xăng dầu khi đi ngang qua địa phận của tỉnh. Khi xảy ra tai nạn giao thông giữa các tàu vận chuyển xăng dầu có thể xảy ra cháy trên mặt nước và nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên sông là khó tránh khỏi. Đặc biệt tại các điểm trọng yếu như điểm giao nhau tại vàm sông chợ Quới An (Vũng Liêm) vàm sông Trà Ôn (Trà Ôn) là nơi thường xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ thì nguy cơ cháy lan vào chợ là rất lớn.

Từ những yếu tố trên cho thấy thời gian tới tình hình cháy trên nước hoặc ven sông trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phức tạp có thể tăng lên. Đây cũng là những nơi không thuận tiện chữa cháy bằng phương tiện cơ giới nên hiệu quả không cao và tất yếu thiệt hại do cháy xảy ra là rất lớn.

Phần III

ĐỀ XUẤT QUY HOẠCH HỆ THỐNG CƠ SỞ PCCC ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1. Đối với lực lượng cảnh sát PCCC:

1.1. Về tổ chức, biên chế:

Căn cứ vào dự kiến của C23 đơn vị phòng cảnh sát PCCC đề xuất xây dựng mô hình tổ chức và biên chế đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020 cụ thể như sau:

Đến năm 2007 tiến hành thành lập đưa vào hoạt động đội chữa cháy khu vực Bình Minh và đội chữa cháy trên sông tại thị xã Vĩnh Long. Năm 2008 - 2010 xây dựng đội chữa cháy tại khu vực huyện Vũng Liêm.

Mô hình Phòng CS PCCC bao gồm: Đội tham mưu tổng hợp; đội thanh tra - kiểm tra và thẩm duyệt; đội huấn luyện chữa cháy và phương tiện PCCC; đội tuyên truyền hướng dẫn và xây dựng phong trào quần chúng PCCC; các đội CS PCCC; đội tàu chữa cháy. Biên chế dự kiến được phân bổ như sau:

* Đội tham mưu tổng hợp:

- Lãnh đạo đội: 03 đồng chí (hiện đang thiếu 01).

- Cán bộ tham mưu: 07 đồng chí, thiếu 02 đồng chí.

* Đội thanh tra, kiểm tra, xử lý và thẩm duyệt:

- Lãnh đạo đội: 03 đồng chí.

- Cán bộ kiểm tra số cơ sở/50 cán bộ kiểm tra.

- Cán bộ thẩm duyệt: 03 đồng chí.

- Cán bộ quản lý vật liệu nổ: 01 đồng chí.

- Cán bộ điều tra xử lý: 03 đồng chí.

* Đội tuyên truyền hướng dẫn và xây dựng phong trào quần chúng PCCC:

- Lãnh đạo đội: 02 đồng chí.

- Cán bộ tuyên truyền hướng dẫn: 03 đồng chí.

* Đội huấn luyện chữa cháy và phương tiện PCCC:

- Lãnh đạo đội: 02 đồng chí.

- Cán bộ huấn luyện: 06 đồng chí.

- Cán bộ quản lý phương tiện: 02 đồng chí.

* Đội CS PCCC trung tâm:

- Lãnh đạo đội: 03 đồng chí.

- Tiểu đội trưởng: 10 đồng chí.

- Lái xe: 14 đồng chí.

- Chiến sĩ chữa cháy: 40 đồng chí.

- Thợ máy: 02 đồng chí.

* Đội CS PCCC khu vực Bình Minh:

- Lãnh đạo đội: 03 đồng chí.

- Tiểu đội trưởng: 08 đồng chí.

- Lái xe: 09 đồng chí.

- Chiến sĩ chữa cháy: 32 đồng chí.

- Thợ máy: 02 đồng chí.

* Đội CS PCCC khu vực Vũng Liêm:

- Lãnh đạo đội: 03 đồng chí.

- Tiểu đội trưởng: 08 đồng chí.

- Lái xe: 09 đồng chí.

- Chiến sĩ chữa cháy: 32 đồng chí.

- Thợ máy: 02 đồng chí.

* Đội cảnh sát chữa cháy trên sông:

- Lãnh đạo đội: 03 đồng chí.

- Tiểu đội trưởng: 04 đồng chí.

- Lái ca nô: 04 đồng chí.

- Chiến sĩ chữa cháy: 16 đồng chí.

- Thợ máy: 01 đồng chí.

STT

ĐỘI

CHỨC DANH

QUÂN SỐ

GHI
CHÚ

HIỆN TẠI

BỔ SUNG

ĐỦ

 

1

Tham mưu tổng hợp

- Lãnh đạo đội:

02

01

03

 

 

 

- Cán bộ tham mưu:

05

02

07

 

02

Thanh tra, kiểm tra, xử lý và thẩm duyệt

- Lãnh đạo đội:

03

00

03

 

 

 

- Cán bộ kiểm tra:

-

-

-

 

 

 

- Cán bộ thẩm duyệt:

00

03

03

 

 

 

- Cán bộ QLVLN:

00

01

01

 

 

 

- Cán bộ ĐT - XL:

00

03

03

 

3

Tuyên truyền hướng dẫn và xây dựng phong trào quần chúng PCCC

- Lãnh đạo đội:

00

02

02

 

 

 

- Cán bộ tuyên truyền:

04

04

04

 

4

Huấn luyện chữa cháy và phương tiện PCCC

- Lãnh đạo đội:

00

02

02

 

 

 

- Cán bộ huấn luyện:

00

06

06

 

 

 

- Cán bộ quản lý PT:

00

02

02

 

5

CS PCCC trung tâm

- Lãnh đạo đội:

03

00

03

 

 

 

- Tiểu đội trưởng:

08

02

10

 

 

 

- Lái xe:

12

02

14

 

 

 

- Thợ máy:

00

02

02

 

 

 

- Chiến sĩ chữa cháy:

46

00

40

 

6

CS PCCC khu vực Bình Minh

- Lãnh đạo đội:

00

03

03

 

 

 

- Tiểu đội trưởng:

00

08

08

 

 

 

- Lái xe:

02

07

09

 

 

 

- Thợ máy:

00

02

02

 

 

 

- Chiến sĩ chữa cháy:

06

26

32

 

7

CS PCCC khu vực Vũng Liêm

- Lãnh đạo đội:

00

03

03

 

 

 

- Tiểu đội trưởng:

00

08

08

 

 

 

- Lái xe:

00

09

09

 

 

 

- Thợ máy:

00

02

02

 

 

 

- Chiến sĩ chữa cháy:

00

32

32

 

8

CS PCCC trên sông

- Lãnh đạo đội:

00

03

03

 

 

 

- Tiểu đội trưởng:

02

02

04

 

 

 

- Lái ca nô:

04

00

04

 

 

 

- Thợ máy:

00

02

02

 

 

 

- Chiến sĩ chữa cháy:

02

14

16

 

Như vậy, theo phương án dự kiến thành lập các đội mới và ấn định biên chế đầy đủ thì đơn vị PCCC cần 167 biên chế cho các chức danh từ lãnh đạo đội đến chiến sĩ chữa cháy. Trong đó chiến sĩ chữa cháy có thể dao động từng năm theo yêu cầu công tác cụ thể và mức độ giao chỉ tiêu từ Công an tỉnh về biên chế nghĩa vụ quân sự cho đơn vị. Tuy nhiên trên thực tế thì vấn đề bổ sung biên chế đầy đủ là rất khó khăn, vì còn phụ thuộc nhiều vào công tác đào tạo, tuyển dụng và phân bổ biên chế của Công an tỉnh. Trên cơ sở dự kiến đơn vị phấn đấu đề xuất bổ sung từ nay đến năm 2010 đạt 80% chỉ tiêu đề ra, khi đó biên chế đơn vị ấn định vào khoảng 134 biên chế cho các chức danh.

Một số đề xuất về chế độ chính sách: Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ lương của lái xe thợ máy… cho cán bộ chiến sĩ công tác trong lĩnh vực PCCC hiện nay cụ thể như sau:

* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lĩnh vực PCCC đối với học sinh, sinh viên, giúp cho học sinh sinh viên nhận thức, có định hướng thi vào và làm việc trong PCCC. Đề xuất Công an tỉnh giữ chỉ tiêu, xét vào biên chế đối với đối tượng là nghĩa vụ quân sự để phục vụ lâu dài ở đơn vị và tạo nguồn đào tạo. Đề xuất tuyển sinh viên có trình độ chuyên môn giỏi về: Xây dựng, điện, tin học, hoá vào công tác.

* Đề xuất Cục PCCC thường xuyên mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đang công tác.

* Cần bổ sung đầy đủ biên chế lái xe, lái tàu, thợ máy theo quy định, nâng ngạch lương cho lái xe, lái tàu, thợ máy, đảm bảo tính công bằng hơn trong chế độ chính sách đối với cán bộ chiến sĩ.

1.2. Về trang bị phương tiện:

Trên cơ sở mô hình, tổ chức đã được xây dựng từ nay đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020, đơn vị PCCC Vĩnh Long cần thiết phải trang bị phương tiện cho các đội cụ thể như sau:

* Giai đoạn đến năm 2010:

- Đội chữa cháy trung tâm: 05 xe chữa cháy, 01 xe chỉ huy, 02 xe chuyên dùng, 05 máy bơm chữa cháy và các phương tiện hỗ trợ khác.

- Đội chữa cháy khu vực Bình Minh: 04 xe chữa cháy, 01 xe chuyên dùng, 04 máy bơm chữa cháy và các phương tiện hỗ trợ khác.

- Đội chữa cháy khu vực Vũng Liêm: 04 xe chữa cháy, 01 xe chuyên dùng, 04 máy bơm chữa cháy và các phương tiện hỗ trợ khác.

- Từ nay đến năm 2010 tiến hành làm thủ tục thanh lý 03 xe chữa cháy có thời gian sử dụng trên 25 năm. Thanh lý 04 máy bơm không còn khả năng hoạt động.

* Giai đoạn đến năm 2020:

Tiếp tục bổ sung, trang bị các phương tiện chưa trang bị kịp và có kế hoạch thanh lý các phương tiện chữa cháy cơ giới có tuổi thọ trên 25 năm hoặc không còn hoạt động được.

1.3. Về doanh trại:

Trung tâm Phòng CS PCCC Công an tỉnh Vĩnh Long đã được quy hoạch xây dựng ngay trung tâm thị xã, nên không thể mở rộng diện tích phục vụ cải tạo các hạng mục công trình hiện có, tuy nhiên vẫn tiếp tục đề xuất bổ sung hạng mục tháp tập phục vụ cho công tác huấn luyện.

Doanh trại đội chữa cháy khu vực Bình Minh tiếp tục đề xuất hoàn thiện xây dựng sân tập đảm bảo chiều dài 120m. Tháp tập với độ cao 20m, phục vụ tốt công tác huấn luyện của đội.

Nhìn chung trong quá trình quy hoạch xây dựng doanh trại các đội chữa cháy mới cần thiết theo mô hình khép kín có đầy đủ các hạng mục: Nhà xe, nhà làm việc, nhà ăn, nhà nghỉ cho cán bộ chiến sĩ, sân tập, tháp tập… với quy mô diện tích 8.000m2. Khu vực làm việc bố trí đầy đủ phòng làm việc, phòng trực, phòng tiếp khách. Nhà xe có từ 5 - 7 chỗ cho xe chữa cháy đậu. Nhà nghỉ cho cán bộ chiến sĩ trực phải có từ 40 - 50 chỗ nghỉ, sân tập có chiều rộng 20 - 40m, chiều dài 120m và các công trình phụ trợ khác đảm bảo phục vụ thuận tiện cho cán bộ chiến sĩ nghỉ, trực và làm việc.

1.4. Quy hoạch trung tâm thông tin chỉ huy điều hành PCCC:

Trong công tác chữa cháy vấn đề thông tin chỉ huy điều hành còn gặp nhiều khó khăn do: Tiếng ồn, tình hình mất an ninh trật tự khu vực cháy, địa bàn chữa cháy xa trung tâm Phòng CS PCCC, thông tin giữa tiểu đội trưởng và lái xe cũng gặp nhiều khó khăn vì khoảng cách xa, che khuất tầm nhìn, chữa cháy ban đêm… Công tác thông tin từ lãnh đạo phòng đến chỉ huy chữa cháy và mệnh lệnh chỉ huy thống nhất để chữa cháy trong đám cháy sẽ gặp khó nếu thông tin không thông suốt. Do đó vấn đề xây dựng trung tâm chỉ huy điều hành PCCC ở các địa phương là cần thiết.

Toàn địa bàn tỉnh Vĩnh Long với diện tích 1.475,2km2, trung tâm các huyện, thị xã (tính theo đường chim bay) có khoảng cách trung bình từ 25 - 30 km. Trên cơ sở và khoảng cách thực tế thì việc quy hoạch và xây dựng trung tâm thông tin chỉ huy điều hành PCCC của tỉnh là 4 trung tâm được đặt ở các vị trí: Thị xã Vĩnh Long, Bình Minh, Vũng Liêm và xe chỉ huy chữa cháy. Với hệ thống máy bộ đàm của các trung tâm đặt ở các vị trí nói trên sẽ đảm bảo thông suốt trong quá trình chữa cháy và khả năng phủ sóng tốt trong địa bàn toàn tỉnh.

Trong trường hợp đi chữa cháy ở các địa bàn xa, xe chỉ huy chữa cháy có trang bị máy bộ đàm chủ đóng vai trò là một trạm thông tin di động, kết nối với các trung tâm cố định, do vậy thông tin được đảm bảo thông suốt cho chỉ huy chữa cháy theo hệ thống từ phòng đến các đội và khu vực chữa cháy. Đối với các xe chữa cháy nhất thiết phải trang bị tối thiểu 02 máy bộ đàm cầm tay, để thuận tiện trong quá trình trinh sát đám cháy, giữ liên lạc giữa chỉ huy chữa cháy với tiểu đội trưởng, lái xe chữa cháy.

Từ nay đến năm 2010 đơn vị sẽ tiến hành đề xuất quy hoạch xây dựng 04 trung tâm thông tin cố định và di động theo xe và trang bị tối thiểu 20 máy bộ đàm cầm tay cho các đội chữa cháy trung tâm và khu vực. Định hướng phát triển đến năm 2020 sẽ tiếp tục trang bị đầy đủ, hiện đại cho các đội chữa cháy mới được thành lập.

Về biên chế cho bộ phận thông tin của đơn vị: Đơn vị sẽ tiến hành đào tạo từ 1 - 2 cán bộ có đủ khả năng xử lý, khắc phục được các sự cố trên trang thiết bị thông tin của đơn vị. Biên chế xử lý thông tin của đơn vị là cán bộ kiêm nhiệm từ trực ban, trực chiến của đơn vị và các đội khu vực. Tập huấn cho 100% cán bộ từ lãnh đạo phòng, cán bộ đội chữa cháy, tiểu đội trưởng và lái xe chữa cháy sử dụng, thao tác thành thạo các trang thiết bị thông tin liên lạc của đơn vị.

1.5. Trung tâm đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ:

Trong mọi công việc, cũng như công tác PCCC đều luôn vận động và phát triển, do đó công tác chuyên môn đòi hỏi phải được đào tạo, bồi dưỡng liên tục. Một cán bộ làm công tác PCCC sau khi được đào tạo cơ bản ra trường về địa phương làm việc trong một thời gian thì các kiến thức đã bị lạc hậu nếu trong công tác không được đào tạo, bồi dưỡng lại. Từ đó cho thấy việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ có tầm quan trọng, thúc đẩy công tác chuyên môn phát triển.

Các đối tượng cần phải được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC là: Cán bộ KTATPCCC, cán bộ thẩm duyệt, cán bộ tuyên truyền, cán bộ điều tra xử lý, cán bộ huấn luyện, cán bộ cấp đội trở lên.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đòi hỏi phải truyền đạt các kiến thức chuyên sâu, phù hợp với công tác thực tế. Vì vậy cần có những trung tâm nghiên cứu đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ có chất lượng cao và được phân bố ở các khu vực trọng điểm miền Bắc - miền Trung - miền Nam để việc học tập của cán bộ các địa phương thuận lợi hơn.

1.6. Về xưởng sản xuất, lắp ráp phương tiện chữa cháy và các trạm sửa chữa phương tiện chữa cháy:

Trong điều kiện mua sắm phương tiện còn hạn hẹp, thì việc sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện phục vụ công tác chữa cháy là cần thiết. Đặc biệt là công tác trung tu; đại tu các loại phương tiện cơ giới hàng năm của các địa phương, đòi hỏi cần có trạm sửa chữa các loại phương tiện chuyên dùng, có như vậy thì chất lượng đại tu, trung tu mới được nâng cao, kinh phí được giảm. Để thực hiện tốt được công tác này C23 cần quy hoạch xưởng lắp ráp phương tiện chữa cháy và các trạm sửa chữa phương tiện chữa cháy ở các khu vực Bắc - Trung - Nam (từ 10 - 15 tỉnh, thành thì cần có 01 trạm).

1.7. Về nguồn nước chữa cháy:

Từ những khó khăn về nguồn nước chữa cháy hiện nay, đơn vị PCCC tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị chỉ đạo các ban, ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc vấn đề quy hoạch xây dựng đi đôi với xây dựng các bến, bãi lấy nước, trụ nước chữa cháy.

Đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị hỗ trợ kinh phí quy hoạch xây dựng đi đôi với xây dựng các bến, bãi lấy nước, trụ nước chữa cháy theo tiêu chuẩn về nguồn nước chữa cháy đô thị.

Kết hợp Sở xây dựng, Công ty Cấp nước, Công ty Điện nước nông thôn có kế hoạch xây dựng, bổ sung đầy đủ về hệ thống nước chữa cháy theo tiêu chuẩn về nguồn nước chữa cháy đô thị.

2. Đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở:

Để đảm bảo cho các hoạt động phòng cháy chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở đạt hiệu quả cao, đồng thời phù hợp với đặc điểm. Mô hình tổ chức lực lượng PCCC theo 2 hình thức:

Thành lập đội PCCC cơ sở đối với các cơ sở có lực lượng làm việc tại cơ sở nhiều, số lượng chất cháy trong cơ sở lớn diện tích rộng. Biên chế mỗi đội 7 người. Tại các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cảng... cần xây dựng đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách, được trang bị phương tiện chữa cháy là xe chữa cháy và máy bơm chữa cháy.

Thành lập tổ PCCC: Đối với những cơ sở nhỏ, lực lượng lao động, làm việc trong cơ sở không nhiều: Cửa hàng xăng dầu, đại lý gas, hoá chất. .. Biên chế mỗi tổ tối thiểu 04 người, phương tiện cần trang bị là máy bơm và bình chữa cháy xách tay.

Chế độ chính sách cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở:

+ Đối với tổ, đội PCCC chuyên trách phải được hưởng chế độ như mỗi công nhân, nhân viên khác làm trong cơ sở; người đứng đầu cơ sở phải thực hiện các chế độ chính sách khác với lực lượng PCCC chuyên trách của cơ sở mình theo quy định của pháp luật như: Chế độ bảo hộ lao động, chế độ phụ cấp, trợ cấp khi bị tai nạn trong các hoạt động tập luyện và tham gia chữa cháy.

+ Đối với tổ, đội PCCC bán chuyên trách hoặc không chuyên trách phải được hưởng chế độ bồi dưỡng trong quá trình tập luyện và tham gia chữa cháy, cũng như các chế độ chính sách khác do pháp luật quy định.

3. Đối với lực lượng dân phòng:

Do diện tích các khu dân cư rộng, số hộ dân cư đông, các hoạt động về phòng cháy và chữa cháy các khu dân cư rất phức tạp... Tại các khu dân cư nên thành lập đội phòng cháy chữa cháy dân phòng, số lượng mỗi đội tối thiểu 12 người để đảm bảo nhiệm vụ độc lập tổ chức cứu chữa một vụ cháy khu dân cư khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không đến được.

Đối với tỉnh Vĩnh Long: Đội PCCC dân phòng (khu vực chợ và nông thôn) cần được trang bị máy bơm chữa cháy và các bình chữa cháy xách tay cũng như các dụng cụ thô sơ khác... Để thu hút được lực lượng tham gia PCCC dân phòng, địa phương cần phải có chế độ chính sách ưu đãi cho đội viên như: Được hưởng các khoản trợ cấp từ quỹ an ninh quốc phòng, từ nhân dân trong khu dân cư đóng góp và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật./.

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 899/QĐ-UBND ngày 20/04/2009 phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy tỉnh Vĩnh Long năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.754

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.214.28
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!