ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 84/2014/QĐ-UBND
|
Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 17 tháng 11 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH
QUY CHẾ QUẢN LÝ, BẢO VỆ, TU BỔ, PHỤC HỒI VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ,
VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá
năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP
ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Di sản văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn
hoá;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP
ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập,
phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá,
danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL
ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết
một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
Căn cứ Thông tư số
04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và
Du lịch và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở
tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá,
Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Tờ trình số 1467/TTr-SVHTTDL ngày 29
tháng 10 năm 2014 và Báo cáo thẩm định số 1723/BC-STP ngày 28 tháng 10 năm 2014
của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, bảo vệ, tu
bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng
cảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 3 Chương và 22 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ
ngày ký ban hành. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ
trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
và thủ trưởng các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Đại
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, BẢO VỆ, TU BỔ, PHỤC HỒI VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI
TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số
84/2014/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định các hoạt động về quản lý, bảo
vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh;
trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý,
bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh
(sau đây gọi chung là di tích) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
2. Đối tượng áp dụng: các cơ quan Nhà nước, các
tổ chức, cá nhân là người Việt Nam; các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài và
người Việt Nam định cư ở nước ngoài có liên quan đến các hoạt động quản lý,
nghiên cứu, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận.
Điều 2. Các hành vi bị
nghiêm cấm
1. Các hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt và sử dụng
di tích trái với quy định của Luật Di sản văn hoá.
2. Các hành vi hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại
cảnh quan môi trường của di tích.
3. Các hành vi trộm cắp, đào bới cổ vật, hiện vật
hoặc các yếu tố liên quan thuộc phạm vi quản lý của di tích.
4. Các hành vi di dời, thay đổi hiện vật trong
di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với những yếu tố nguyên gốc của di tích
và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về
văn hoá, thể thao và du lịch.
5. Các hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch
về nội dung và giá trị của di tích, tự ý lập sự tích, xuyên tạc lịch sử làm tổn
hại đến truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc, có tác động xấu đến nhân dân,
nguy hại đến an ninh trật tự của địa phương và của quốc gia.
6. Các hình thức xây dựng, sửa chữa các công
trình nhà thờ, nhà chùa, đền, miếu hoặc các thiết chế tín ngưỡng khi chưa được
phép và thẩm định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
7. Các hoạt động nghiên cứu của các tổ chức, cá
nhân là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc các hình thức hợp tác nghiên cứu
khi chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
8. Các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của
pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ
TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH
Điều 3. Công tác xây dựng kế
hoạch và quy hoạch
1. Xây dựng kế hoạch và các đề án ngắn hạn, dài
hạn trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
2. Xây dựng Quy hoạch tổng thể cho công tác bảo
tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Xây dựng và triển
khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
1. Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản Quy
phạm pháp luật, văn bản Quy định của Nhà nước.
2. Ban hành văn bản hướng dẫn về việc bảo vệ,
phát huy các giá trị di tích.
3. Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động
trên các kênh thông tin đại chúng và hoạt động truyền thông trực tiếp ở cơ sở đến
mọi tầng lớp nhân dân.
Điều 5. Các quy định về bảo
quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh
1. Việc bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích trên
địa bàn tỉnh Ninh Thuận được áp dụng theo Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18
tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê
duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá,
danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012
về việc quy định chi tiết một số quy định về bảo quản tu bổ, phục hồi di tích
và Quyết định số 13/2004/QĐ-BVHTT ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn
hoá thông tin về việc ban hành định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di
tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.
2. Công tác tu bổ, tôn tạo phải có hồ sơ và thiết
kế, dự toán chi tiết; trình tự và thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định
hiện hành của Nhà nước.
3. Việc sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, trùng tu, bài
trí, trưng bày, thay đổi, bổ sung hiện vật không được làm ảnh hưởng tới tính
nguyên gốc của di tích và cảnh quan môi trường xung quanh.
Điều 6. Các hoạt động bảo vệ
và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh
1. Các di tích đã được công nhận nhưng chưa có
điều kiện phát huy giá trị phải được bảo vệ nguyên trạng. Khi có dấu hiệu xuống
cấp hoặc bị xâm hại, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý trực tiếp phải
có phương án bảo vệ kịp thời và báo cáo cơ quan chức năng cùng phối hợp bảo vệ,
tu bổ.
2. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện di tích có
dấu hiệu xuống cấp phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức
năng đóng trên địa bàn biết để có biện pháp xử lý.
3. Đối với các di tích có tổ chức hoạt động tín
ngưỡng hoặc lễ hội và các dịch vụ liên quan phải tuân thủ theo Luật Di sản văn
hoá, Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các quy định
của Nhà nước; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá, điều kiện kinh tế - xã
hội và tập quán tốt đẹp của địa phương.
Điều 7. Lập hồ sơ đề nghị xếp
hạng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh
1. Thẩm quyền xếp hạng đối với di tích cấp quốc
gia và cấp tỉnh:
a) Đối với việc xếp hạng di tích cấp quốc gia do
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định;
b) Đối với việc xếp hạng di tích cấp tỉnh do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2. Trách nhiệm trình đề nghị xếp hạng di tích:
a) Đối với việc đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc
gia: do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình;
b) Đối với việc đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh
do Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình.
3. Việc ra quyết định quản lý đối với các di
tích chưa được xếp hạng do Giám đốc Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
4. Việc tổ chức kiểm kê, khảo sát để xây dựng hồ
sơ di tích do Bảo tàng tỉnh, Phòng di sản văn hoá phối hợp với Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn, Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thành phố và các
ngành liên quan thực hiện. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách
nhiệm về việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trình cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền xem xét xếp hạng, đề nghị xếp hạng di tích theo thẩm quyền.
Điều 8. Hướng dẫn, bồi dưỡng
nghiệp vụ
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phòng Di sản
văn hoá, Bảo tàng tỉnh và Phòng Văn hoá và thông tin các huyện, thành phố chịu
trách nhiệm tổ chức các lớp hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ
cơ sở và đội ngũ bảo vệ trực tiếp tại các di tích bằng các hình thức ngắn hạn từ
tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn.
Điều 9. Quản lý hoạt động
nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu và bảo vệ, phát
huy giá trị các di tích
1. Các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam có
nhu cầu tiến hành các hình thức nghiên cứu khoa học tại các di tích trên địa
bàn tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
2. Các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc tổ chức hợp tác khoa học đa quốc gia có nhu cầu
nghiên cứu khoa học tại các di tích trên địa bàn tỉnh phải đăng ký thông qua Sở
Văn hoá, Thể thao và Du lịch và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
3. Hồ sơ đăng ký nghiên cứu khoa học bao gồm:
đơn (hoặc công văn); kế hoạch nghiên cứu; danh sách và hồ sơ trích ngang của những
người tham gia nghiên cứu; đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có thêm
các loại giấy tờ: hộ chiếu, giấy phép xuất nhập cảnh, giấy phép hoặc văn bản
cho phép của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu khoa học.
4. Việc nghiên cứu khoa học của các đối tượng chỉ
được thực hiện khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, Điều 9 thuộc Quy
chế này và phải chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền
cơ sở.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Sở Văn hoá, Thể
thao và Du lịch
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với
các hoạt động văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng trong các di tích trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận.
2. Có trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch,
kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị di tích;
phân loại và quản lý hồ sơ di tích trên địa bàn tỉnh.
3. Soạn thảo các văn bản về quản lý, bảo vệ và
phát huy giá trị các di tích trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và
phát huy giá trị di tích.
5. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ các địa
phương lập hồ sơ khoa học trình Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh
và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
6. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc tổ chức lập
hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc
gia.
7. Thẩm định các dự án bảo vệ và phát huy giá trị
di tích theo thẩm quyền.
8. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và những người làm công tác
bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
9. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hướng
dẫn, kiểm tra, giám sát việc nghiên cứu, sưu tầm di tích của các tổ chức, cá
nhân là người Việt Nam, người nước ngoài (hoặc có quốc tịch nước ngoài) vào
nghiên cứu, sưu tầm di tích tại tỉnh Ninh Thuận.
10. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật
về di tích; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật
về di tích.
11. Đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh về công
tác thi đua, khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
12. Thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khác theo quy
định của pháp luật có liên quan đến di tích.
13. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc tổ chức khai thác những giá
trị của di tích phục vụ cho việc phát triển du lịch.
14. Thành lập các Ban Quản lý di tích đặc biệt của
tỉnh.
Điều 11. Sở Kế hoạch và Đầu
tư
1. Hướng dẫn công tác xây dựng kế hoạch phát triển
trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
2. Tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm cho các dự án quản lý, bảo
vệ và phát huy giá trị di tích có giá trị theo đúng quy định về quản lý đầu tư
và xây dựng.
3. Thẩm định các dự án quản lý, bảo vệ và phát
huy giá trị di tích theo thẩm quyền.
Điều 12. Sở Tài chính
1. Căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh và các chế
độ quản lý tài chính của Nhà nước hiện hành đảm bảo kinh phí phục vụ cho hoạt động
bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
2. Kiểm tra việc cấp phát, quản lý và sử dụng
kinh phí theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các quy định
về phí, lệ phí và sử dụng các nguồn thu trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá
trị di tích theo sự phân cấp của tỉnh.
Điều 13. Sở Giáo dục và Đào
tạo: phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng các
chương trình giảng dạy ngoại khoá về kiến thức lịch sử các di tích và công tác
quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Điều 14. Sở Khoa học và
Công nghệ: phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc lập
quy hoạch, kế hoạch về các dự án khoa học bảo vệ môi trường tại các di tích;
xây dựng và chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong việc bảo vệ
và phát huy giá trị di tích.
Điều 15. Sở Tài nguyên và
Môi trường
1. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
tiến hành lập quỹ đất, cắm mốc giới bảo vệ, quy hoạch và thực hiện các thủ tục
cấp quyền sử dụng đất cho các di tích.
2. Hướng dẫn các ban quản lý di tích thực hiện tốt
các quy định về vệ sinh môi trường cho các di tích.
Điều 16. Sở Xây dựng
1. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
trong việc xây dựng các quy hoạch về xây dựng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị
di tích trên địa bàn tỉnh.
2. Thẩm định các công trình xây dựng, cải tạo,
phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích theo quy định.
Điều 17. Công an tỉnh
1. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; chỉ đạo Công an các huyện, thành phố;
xã, phường, thị trấn giữ gìn an ninh trật tự trong các hoạt động bảo vệ và phát
huy giá trị di tích.
2. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vụ
việc vi phạm các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của
pháp luật.
Điều 18. Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Phối hợp với các ban, ngành chức năng và Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn trong các hoạt động bảo vệ
và phát huy giá trị di tích.
Điều 19. Ban Tôn giáo
1. Có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện các
hoạt động tôn giáo tại các di tích.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính
quyền địa phương tổ chức quản lý các hoạt động tôn giáo tại các di tích trên địa
bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 20. Các sở, ban, ngành
khác
Các Sở: Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; Đài Phát thanh và Truyền hình; Ban quản lý Vườn Quốc
gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình; ... căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc
tuyên truyền, thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hoá đối với các vấn đề
thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của đơn vị.
Điều 21. Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu
trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị các di tích; tổ chức ngăn chặn và xử lý
vi phạm về di tích trên địa bàn địa phương quản lý.
2. Đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc
lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích của địa phương; xây dựng kế hoạch bảo tồn,
nâng cấp và phát huy giá trị di tích.
Điều 22. Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn
Thành lập các Ban quản lý di tích tại địa phương
(kể cả di tích chưa được các cấp công nhận). Tùy theo đặc điểm của từng di tích,
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cử thành viên của Ủy ban nhân dân tham gia
vào thành phần Ban Quản lý các di tích tại địa phương (trừ trường hợp đã quy định
tại khoản 14 Điều 10 Quy chế này). Ban Quản lý di tích do Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn thành lập có nhiệm vụ:
1. Tổ chức bảo vệ, phát huy di tích tại địa
phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc quản lý di tích.
2. Tiếp nhận những khai báo về di tích để chuyển
lên cơ quan cấp trên.
3. Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi
làm ảnh hưởng tới di tích.
4. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu
trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực
hiện Quy chế, có những vấn đề chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, Giám
đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.