ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
779/1998/QĐ-UB
|
Hưng
Yên, ngày 05 tháng 5 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
"V/V
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND (sửa đổi ) ngày 21/6/1994.
- Thực hiện Chỉ thị số
08/CT-TU ngày 08/4/1998 của Tỉnh ủy Hưng Yên " về việc thực hiện nếp sống
văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội".
- Xét đề nghị của ông Giám
đốc Sở Văn hóa thông tin
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này
bản quy định tạm thời " về tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội " ở
tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Thủ trưởng các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị, cơ quan, doanh
nghiệp, trường học và mọi người dân sống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chịu trách
nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm Đình Phú
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ
TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 799/1998/QĐ-UB ngày 05/5/1998 của UBND tỉnh
Hưng Yên)
Chương I
VIỆC CƯỚI
A- NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc
các quy định trong luật hôn nhân và gia đình, đảm bảo:
- Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ: một vợ một chồng,
nam nữ bình đẳng; cấm tảo hôn, cấm cưỡng ép hôn nhân, thách cưới.
Điều 2. Việc tổ chức lễ thành hôn phải
đảm bảo:
- Giữ gìn nhưng phong tục tốt đẹp của dân tộc, xóa
bỏ hủ tục lạc hậu.
- Vui tươi lành mạnh và tiết kiệm.
- Tránh phô trương, hình thức và lợi dụng việc mừng
giúp để vụ lợi trả nợ miệng.
B- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
Điều 3. Đăng ký kết hôn:
Đôi nam nữ muốn kết hôn phải báo cáo với hai gia
đình, phải trực tiếp đến UBND xã, phường, thị trấn, nơi một trong hai người cư
trú để tiến hành đăng ký kết hôn.
Điều 4. Trao giấy kết hôn:
UBND xã, phường, thị trấn cấp giấy đăng ký kết hôn
cho đôi nam, nữ thuận tiện, đúng nguyên tắc, thủ tục. Tổ chức trao giấy đăng ký
kết hôn trang trọng và lịch sự.
Điều 5. Tổ chức lễ cưới:
- Sau khi nhận giấy đăng ký kết hôn, đôi nam nữ
chính thức trở thành vợ chồng. Tùy hoàn cảnh cụ thể của hai gia đình mà tổ chức
cuộc vui cho phù hợp, không ai được đòi hỏi, ép buộc. Nếu hai gia đình cần tổ
chức ăn mừng ngày kết hôn thì chỉ tổ chức trong gia đình, họ hàng nội ngoại tộc
và một số ít bạn bè thân thuộc nhất. Đối với những người thân quen do quan hệ
công tác, quan hệ xã hội, họ hàng xa và bà con lối xóm, khối phố, chỉ nên mời
nước, mời trầu hoặc gửi giấy báo hỷ.
Điều 6. Những việc có liên quan:
- Trang trí lễ cưới cần phải đảm bảo nội dung lành
mạnh, không được trang trí những hình ảnh văn hóa, không phù hợp tập quán
truyền thống.
- Sử dụng bài hát, nhạc vui tươi, lành mạnh, âm
thanh vừa đủ.
- Trang phục: cô dâu nên mặc áo dài dân tộc.
- Khuyến khích đôi nam nữ viếng nghĩa trang liệt
sĩ sau khi đăng ký kết hôn.
Chương II
VIỆC TANG
A- NGUYÊN TẮC CHUNG:
Điều 7. Trong việc tang, điểm cốt yếu là
bày tỏ được lòng thương tiếc chân thành với người đã khuất. Cần phải đảm bảo
các nguyên tắc sau:
- Thực hiện đúng những quy định về giữ gìn vệ sinh
và phòng dịch. Đảm bảo trật tự công cộng.
- Thực hiện tiết kiệm, văn minh. Xóa bỏ các lễ
nghi, hủ tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan.
- Cơ quan, đơn vị hoặc địa phương có người qua đời
cần tổ chức và giúp đỡ gia đình có tang lo liệu đám tang cho chu đáo nghĩa tình.
B- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8. Tổ chức đám tang:
- Việc khai tử: Tang chủ phải đến UBND xã,
phường, thị trấn sở tại khai tử ngay sau khi có người thân qua đời.
- Việc khâm liệm: Người chết không quá 10 giờ phải
được nhập quan.
- Việc phúng viếng: Chỉ nên dùng hương hoa, hạn
chế dùng vòng hoa, trướng, Các cơ quan, đơn vị có liên quan hệ trực tiếp với người
từ trần, khi phúng viếng cần thực hiện đúng quy định của ngành Tài chính.
- Nhạc hiếu: Không thổi kèn, đánh trống quá 22
giờ đêm và trước 5 giờ sáng.
- Việc đưa đám: Dùng xe tang để đưa quan tài.
- Việc chôn cất: Không để người chết trong nhà quá
24 giờ. Trường hợp đặc biệt cũng không quá 36 giờ ( nếu người chết không mắc bệnh
truyền nhiễm). Người chết nhất thiết phải chôn cất trong khu vực nghĩa trang theo
quy định của địa phương.
- Việc ăn uống: Chỉ ăn cơm bình thường trong gia
đình và những người ở xa đến.
- Việc để tang: Chít khăn tang trắng, băng đen ở
cánh tay hoặc đính miếng vải đen trên ngực áo. Thời hạn để tang không cản trở mọi
sinh hoạt bình thường.
Điều 9. Xóa bỏ lệ: yểm bùa, trừ trùng,
lăn đường, khóc mướn.
Điều 10. Cải tang và xây cất mồ mả:
- Người chết phải có ít nhất 30 tháng trở lên mới
được cải tang.
- Việc xây cất mồ mả phải tuân thủ theo quy định
về quy hoạch nghĩa trang của địa phương. Diện tích sử dụng đất phần mộ không vượt
quá 1,5m2. Không xây tường khoanh vùng giữ đất để phần mộ.
Chương III
TỔ CHỨC LỄ HỘI
A: NGUYÊN TẮC CHUNG:
Điều 11. Các lễ hội phải đảm bảo những
mục đích và yêu cầu sau:
- Bảo tồn được các giá trị văn hóa dân tộc,
- Giáo dục truyền thống
- Tổ chức các hình thức vui chơi, giải trí bổ ích
và lành mạnh.
- Đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vệ sinh cảnh quan
môi trường, bảo vệ di tích, cổ vật.
- Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín
dị đoan, các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, kinh doanh kiếm lời, cờ bạc,
xâm phạm di tích và cảnh quan môi trường.
B- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
Điều 12. Đối với lễ hội truyền thống:
- Việc tổ chức lễ hội phải được phép của cơ quan
quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Thực hiện đúng quy định về thời gian mở hội, nghi
thức lễ hội.
- Không thu tiền người vào dự hội. Việc bán vé
trong các khu vực tổ chức các trò chơi, biểu diễn văn nghệ hoặc thăm viếng di tích
… phải thực hiện đúng giá vé quy định của ngành Tài chính.
Điều 13. Đối với các ngày kỷ niệm:
- Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của cả nước thực
hiện theo kế hoạch hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.
- Chỉ tổ chức các ngày kỷ niệm truyền thống của
ngành và đoàn thể vào những năm chẵn (5 năm, 10 năm, 15 năm …) Ngày lễ kỷ niệm các
năm lẻ họp mặt nội bộ cơ quan.
- Việc đón nhận các phần thưởng cao quý, danh hiệu
thi đua, không tổ chức riêng mà gắn với tổng kết, sơ kết công tác.
- Không tổ chức ăn uống, không dùng tiền công quỹ
để mua tặng phẩm, quà biếu nhân các ngày kỷ niệm.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Quy định này cần được phổ biến
rộng rãi và quán triệt đến từng cán bộ, viên chức Nhà nước, các lực lượng vũ
trang, các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh để biết và thực hiện.
Điều 15. Giao cho Sở Văn hóa - Thông tin,
Ban chỉ đạo nếp sống văn hóa tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 16. Trong quá trình thực hiện, thấy
vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi, các cấp, các ngành, đoàn thể cần báo cáo về Ủy
ban nhân dân tỉnh để xem xét quyết định.