UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 730/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 14 tháng 4 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ
BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2017-2020, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1464/QĐ-TTg , ngày
22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với
bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030";
Căn cứ Quyết định số 1534/QĐ-BLĐTBXH ngày
08/11/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai
Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn
2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030";
Xét Tờ trình số 21/TTr-SLĐTBXH, ngày
14/02/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế
hoạch thực hiện Đề án "Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai
đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030",
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án
Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai
đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch nêu
trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể
tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hoàng Tựu
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2017-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 730 /QĐ-UBND ngày 14/4/2017 của Chủ tịch
UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ có hiệu
quả các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở các cấp,
các ngành trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án “Phòng ngừa và
ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm
2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) được phê duyệt tại Quyết định số 1464/QĐ-TTg
ngày 22/7/2016.
Xác định được cụ thể công việc, tiến độ, trách
nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan, UBND các huyện,
thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tính liên tục,
liên kết giữa các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng
phó với bạo lực trên cơ sở giới; kịp thời phát hiện, can thiệp và hỗ trợ
người có nguy cơ bị bạo lực, nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới nhằm ngăn ngừa
bạo lực xảy ra và tạo cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và
làm việc.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của
chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc
phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm đối tượng có
nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới;
- 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được
phát hiện, hỗ trợ và được can thiệp;
- 100% người gây bạo lực trên cơ sở giới được
phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp;
- 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,
người sử dụng lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, sinh viên,
học sinh các bậc học được truyền thông tiếp cận thông tin về phòng
ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; ít nhất 50% người dân tại cộng đồng
được phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới.
3. Tầm nhìn đến năm 2030
Tăng cường thực thi pháp luật và đảm bảo hệ thống
dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
trên phạm vi toàn tỉnh theo yêu cầu, hướng dẫn của trung ương nhằm hướng tới
môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh, ưu
tiên các lĩnh vực, các địa phương có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới xảy
ra nhiều hoặc có nguy cơ cao.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp,
các ngành, các tổ chức và người dân về chính sách pháp luật có liên quan đến
phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới
và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của
xã hội
a) Triển khai chiến dịch truyền thông với các
hình thức đa dạng, phong phú trong “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới
và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”; hưởng ứng Ngày quốc tế xoá bỏ mọi
hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; “Tháng hành động quốc gia về
phòng, chống bạo lực gia đình”; từng cơ quan, tổ chức và địa phương cần đẩy mạnh
công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả truyền
thông trực quan tại cơ quan, đơn vị, nơi tập trung đông dân cư,...
b) Triển khai các hình thức truyền thông về
phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng nhóm đối tượng
của Kế hoạch theo từng đơn vị, địa phương; xây dựng mạng lưới người
có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó bạo
lực trên cơ sở giới; thực hiện tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa bạo lực trên
môi trường mạng và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.
2. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của
cơ quan quản lý nhà nước về việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực
trên cơ sở giới
a) Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước,
người cung cấp dịch vụ và đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng về công tác phòng
ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;
b) Triển khai, tổ chức thực hiện các tiêu chí về
phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới theo hướng dẫn quy định
trung ương: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; xây dựng cộng đồng
an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; trường học an toàn, thân
thiện, không bạo lực; mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng; cơ sở
cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; kết nối dịch vụ
hỗ trợ nạn nhân; chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở y tế; qua đường dây
nóng;
c) Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát kết
quả thực hiện hoạt động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các
cơ quan, đơn vị và địa phương.
3. Triển khai các hoạt động phòng ngừa bạo lực
trên cơ sở giới
a) Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương
trình, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới;
b) Triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn
kỹ năng tự kiểm soát bản thân với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực; kỹ
năng phòng tránh bạo lực đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bạo
lực trên cơ sở giới.
4. Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can
thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới
a) Cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực
trên cơ sở giới: Hỗ trợ bảo đảm an toàn, tạm lánh khẩn cấp, dịch vụ hỗ trợ ban
đầu tại địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng cho nạn nhân; cung cấp
dịch vụ chăm sóc tối thiểu cho nạn nhân và tư vấn cho người gây bạo lực tại cơ
sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ chăm sóc, tư vấn
cho nạn nhân tại cơ sở y tế; sử dụng đường dây nóng và cơ chế phối hợp liên
ngành trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới để kết nối dịch vụ, hỗ
trợ, bảo vệ nạn nhân và can thiệp, xử lý phù hợp người gây bạo lực;
b) Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phòng
ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng (các câu lạc bộ, mô
hình về gia đình phát triển và phòng chống bạo lực) nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em
gái và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại vùng có đồng bào
dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn;
c) Triển khai lồng ghép hoạt động phòng, chống
quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong sinh hoạt đoàn viên, hội viên, công
nhân tại khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; xây dựng cơ chế tiếp
nhận thông tin và thực hiện tư vấn đối với các trường hợp bị quấy rối tình dục
và xử lý người có hành vi quấy rối tình dục;
d) Triển khai mô hình “Cộng đồng an toàn và
thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” theo hướng dẫn của trung ương nhằm đảm bảo
an toàn tại nơi công cộng, thực hiện rà soát các dịch vụ công để có khuyến nghị
phù hợp và tạo cơ chế thu nhận ý kiến phản hồi của người dân về các trường hợp
bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn;
đ) Triển khai mô hình trường học an toàn, thân
thiện, không bạo lực với các hoạt động tập huấn kỹ năng cho giáo viên, học sinh,
sinh viên và cung cấp thông tin cho phụ huynh về biện pháp phòng ngừa và ứng
phó với bạo lực tại trường học; thiết lập các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp ngay tại
trường học, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với người có hành vi
bạo lực; lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực trong các câu lạc bộ thể
thao, hoạt động ngoại khoá.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm các nguồn:
- Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân
sách hàng năm của các sở, ngành, hội đoàn thể và các địa phương theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước; Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống
trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;
- Nguồn lực huy động hợp pháp khác từ các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai
thực hiện Kế hoạch trong phạm vi toàn tỉnh; tăng cường trách nhiệm phối
hợp liên ngành của Ban Chỉ đạo Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ
tỉnh trong triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; hướng dẫn, tổ
chức, triển khai các hoạt động của Đề án và định kỳ báo cáo UBND
tỉnh;
b) Hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị, địa
phương tổ chức triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn của trung ương về
phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tiêu chuẩn về môi trường an
toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái, cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với
bạo lực trên cơ sở giới, địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, mô hình kết nối dịch vụ
hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.
2. Sở Y tế chủ trì hướng dẫn về chăm sóc, tư vấn
tâm lý và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới
trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân
bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu xây
dựng tiêu chuẩn về trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; thực hiện lồng
ghép các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở
giới trong thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích
cực”; chủ trì phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện Thông tư liên tịch
số 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA ngày 05/5/2016 về giáo dục chuyển đổi
hành vi về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực trong các cơ sở giáo dục
thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể
thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an.
4. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với cơ
quan, tổ chức liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các vụ bạo lực trên cơ sở giới
và môi giới hôn nhân bất hợp pháp.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và triển khai bộ công cụ thu thập số
liệu về bạo lực trên cơ sở giới.
6. Sở Thông tin và Truyền thông định hướng các
đơn vị thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền
với các hình thức đa dạng, phong phú về chính sách pháp luật có liên quan đến
phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh
hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội đến từng
địa bàn dân cư.
7. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch chủ trì, phối
hợp các ngành và đoàn thể liên quan triển khai, thực hiện lồng ghép các nội
dung về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới phù hợp chức năng của
ngành, nhất là trong chiến dịch truyền thông hưởng ứng “Tháng hành động quốc
gia về phòng, chống bạo lực gia đình”; phối hợp hướng dẫn và thực hiện duy trì
và nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng
đồng.
8. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan khác
căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai các hoạt động của Kế
hoạch, lồng ghép nội dung vào các phong trào do cơ quan, đơn vị phát động.
9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các tổ chức thành viên trong phạm vi, chức năng, nhiệm
vụ của mình tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch; lồng
ghép các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thực
hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trong đó, đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo
lực trên cơ sở giới, đặc biệt là quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động; khuyến khích công đoàn cơ sở phối hợp
cùng bộ phận chuyên môn của các đơn vị triển khai, hướng dẫn về phòng, chống quấy
rối tình dục tại nơi làm việc.
10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố
a) Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa
phương bảo đảm cho việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch;
b) Tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch theo
hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên
quan;
c) Theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Kế hoạch tại địa phương.
VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các sở, ban, ngành, hội đoàn thể cấp tỉnh, UBND
các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp đánh
giá kết quả thực hiện Kế hoạch và báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội), trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án
Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030./.