THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 69/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 02 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “NGHIÊN CỨU, TỔNG HỢP, CÔNG BỐ CÁC TÁC
PHẨM VĂN HỌC VÌ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG, TIẾN TỚI KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY
THÀNH LẬP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ 100 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM TRÊN NỀN TẢNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm
2015;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 và Nghị định
số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP
ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản
lý Hội;
Căn cứ Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính
trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa,
con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
Xét đề nghị của Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Tờ trình số 386/TTr-LH ngày
20 tháng 12 năm 2022,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu, tổng hợp và công bố
các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm
ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm ngày thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (sau đây
gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Công bố các
tác phẩm văn học ca ngợi sự nghiệp cách mạng, phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng
của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc
kháng chiến thần kỳ giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh” trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ; góp phần
tiếp tục kế thừa và bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời
kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và đấu tranh, phê phán những
quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học.
b) Mục tiêu cụ thể
- Nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn
và xuất bản 600 công trình, đầu sách văn học Việt Nam (sách in) phản ánh về đề
tài đất nước và cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt
Nam.
- Xây dựng và công bố 190 tác
phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng
của dân tộc; gồm:
+ 90 tập sách 3D ca ngợi đất nước,
con người Việt Nam; phản ánh sâu sắc, toàn diện thành tựu của công cuộc xây dựng,
đổi mới và phát triển đất nước, tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ 100 tập sách ca ngợi, phản ảnh
về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua lịch sử 100
năm hình thành và phát triển.
2. Nhiệm vụ
Khảo sát, điều tra, nghiên cứu,
sưu tầm, tổng hợp, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, quảng bá và
công bố các công trình, tác phẩm văn học Việt Nam về đề tài ca ngợi đất nước,
ca ngợi Đảng cộng sản Việt Nam, ca ngợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc
dưới dạng sách truyền thống (sách in), sách 3D và nền tảng tri thức số thông
qua việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể:
a) Nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp,
tổ chức biên tập và xuất bản các tác phẩm văn học phản ánh đề tài đất nước và
cách mạng Việt Nam (dưới dạng sách in thuộc các thể loại: tiểu thuyết, trường
ca, truyện ngắn, các thể ký, thơ, tản văn, tùy bút, phóng sự, lý luận và phê
bình văn học...), bảo đảm thống nhất về quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiện dụng
trong lưu hành và sử dụng.
b) Nghiên cứu, biên soạn và
công bố các tác phẩm sách văn học 3D phản ánh về đề tài lịch sử cách mạng, lịch
sử Đảng, quá trình hình thành, phát triển và thành tựu đạt được của đất nước, bảo
đảm trực quan sinh động, dữ liệu số 3D chi tiết các tư liệu, giá trị hiện vật kết
hợp với thuyết minh tự động.
c) Xây dựng trang tin điện tử
(Website) đăng tải chi tiết hệ thống tư liệu số của Chương trình bằng ngôn ngữ
tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu
nhất về văn học cách mạng với các dạng đề tài về Đảng, về đất nước và con người
Việt Nam.
d) Chuẩn hóa định dạng các sản
phẩm của Chương trình bảo đảm thuận tiện cho việc khai thác trên nền tảng số và
các ứng dụng điện tử khác; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và tích hợp được với
Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia; hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp
người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa
học nhất.
đ) Phối hợp với các thư viện
trên cả nước, tạo điều kiện giúp bạn đọc tiếp cận đầy đủ với bộ sách, từ đó có
được nhận thức toàn diện, đầy đủ về thành tựu văn học cách mạng của đất nước;
phục vụ nhu cầu khảo cứu của các nhà chuyên môn và công tác giáo dục truyền thống
cho thế hệ trẻ và nâng cao chất lượng học tập văn học trong nhà trường và cho mọi
tầng lớp nhân dân.
3. Đối tượng thụ hưởng
a) Các Ban Tuyên giáo tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan phục vụ đối ngoại; các cơ quan nghiên
cứu thuộc lĩnh vực tuyên giáo, văn học; các Hội, chi hội văn học nghệ thuật địa
phương; tủ sách bộ đội biên phòng, hải đảo; các cơ sở giáo dục; tổ chức Đoàn, Đội,
Hội học sinh, sinh viên; hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, thư viện cộng đồng,
thư viện trong các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành về văn học, tuyên giáo;
các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn học, tuyên giáo.
b) Cung cấp quyền truy cập,
khai thác kho dữ liệu sản phẩm số hóa của Chương trình (trên mạng internet và
các thiết bị điện tử thông minh cầm tay) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
4. Thời gian và kinh phí thực
hiện
a) Thời gian thực hiện: Từ năm
2023 đến năm 2025.
b) Kinh phí thực hiện: Được
ngân sách Nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa, thông tin hằng
năm ở Trung ương; dự toán giao cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt
Nam tổ chức thực hiện.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định, quyết định phê duyệt tổng dự toán
của Chương trình và dự toán phân bổ hằng năm để thực hiện Chương trình.
2. Bộ Tài chính căn cứ tổng dự
toán Chương trình được phê duyệt và tiến độ thực hiện, chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan trình các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực
hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân
sách Nhà nước và theo các chế độ tài chính hiện hành.
3. Liên hiệp các Hội Văn học
nghệ thuật Việt Nam
a) Chủ trì, phối hợp với Hội
Nhà văn Việt Nam xây dựng tổng dự toán Chương trình và dự toán hằng năm trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện
Chương trình theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về
nội dung chuyên môn, chất lượng sản phẩm của Chương trình; định kỳ hằng năm tổng
hợp báo cáo kết quả thực hiện, tình hình và kết quả sử dụng kinh phí của Chương
trình.
c) Thành lập Ban Chỉ đạo thực
hiện Chương trình gồm: đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật
Việt Nam, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học
đầu ngành và các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực văn học để chỉ đạo thực hiện
Chương trình.
d) Chủ trì, phối hợp với Hội
Nhà văn Việt Nam thành lập Ban Quản lý và Hội đồng thẩm định nội dung chuyên
môn các công trình, tác phẩm, đề tài thuộc Chương trình.
đ) Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương
trình được sử dụng con dấu và tài khoản của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật
Việt Nam để giao dịch và thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo,
Ban Quản lý Chương trình và Hội đồng thẩm định do Thường trực Ủy ban toàn quốc
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam quy định.
e) Trên cơ sở dự toán được
giao, Ban Quản lý Chương trình thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định của Nhà
nước, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đấu thầu
và pháp luật hiện hành liên quan; thực hiện việc quyết toán kinh phí với ngân
sách Nhà nước.
g) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan quản lý nhà nước, cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện, giám
sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình theo đúng các quy chế, quy định hiện
hành; báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình vào năm 2025 và đề xuất cho
giai đoạn tiếp theo.
4. Hội Nhà văn Việt Nam
a) Đề xuất với Liên hiệp các Hội
Văn học nghệ thuật Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình và
Hội đồng thẩm định để tư vấn, thẩm định nội dung các công trình, tác phẩm, đề
tài văn học Việt Nam theo chuyên đề, thể loại dưới sự chỉ đạo, điều hành của
Ban Chỉ đạo Chương trình.
b) Phối hợp, giúp Ban Chỉ đạo
Chương trình xây dựng báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất kết quả thực hiện;
đánh giá và kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để báo cáo và xin ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật
Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông
tin và Truyền thông;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam;
- Hội Nhà văn Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TCCV, PL, NC,
TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|