ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
6262/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 11 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI XÃ NHƠN ĐỨC, HUYỆN NHÀ BÈ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số
100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu
tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010 -2020;
Căn cứ Quyết định số
1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số
6182/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban
hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố giai đoạn
2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
6183/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc
phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016 - 2020 trên địa bàn vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số
15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban
hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại
các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013- 2020 và Quyết định số
30/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, quản
lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020, ban
hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban
nhân dân thành phố;
Căn cứ Quyết định số
20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố, ban
hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn
2010-2020 và Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban
nhân dân thành phố về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định cơ chế hỗ trợ
từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010- 2020 theo Quyết
định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố;
Xét đề xuất của Liên Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ
trình số 2935/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 10 tháng 11 năm 2017 về Phê duyệt Đề án
nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức, huyện Nhà
Bè, giai đoạn 2016 - 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu
chí xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè giai đoạn 2016 - 2020
(theo nội dung đề án đính kèm).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Văn
phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban
Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè, Ban Quản lý xây dựng
nông thôn mới xã Nhơn Đức nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho
bạc nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Giao thông
vận tải và các Sở - ngành liên quan, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây
dựng nông thôn mới thành phố; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông
thôn mới huyện Nhà Bè và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, Trưởng Ban Quản
lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Đức
có trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Lê Thanh Liêm
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG
THÔN MỚI XÃ NHƠN ĐỨC, HUYỆN NHÀ BÈ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6262/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
Phần I
THỰC TRANG NÔNG
THÔN MỚI XÃ NHƠN ĐỨC, HUYỆN NHÀ BÈ
I. ĐIỀU KIỆN TỰ
NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG
1. Điều kiện tự nhiên
Xã Nhơn Đức, nằm phía Tây Nam huyện
Nhà Bè, là xã ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng
20km; có tọa độ địa lý từ 10040'20"B đến 1060 42'5"Đ.
- Ranh giới hành chính được xác định
như sau:
- Phía Đông giáp với xã Long Thới,
huyện Nhà Bè.
- Phía Bắc giáp với xã Phước Kiển,
huyện Nhà Bè.
- Phía Nam giáp với xã Long Hậu
(huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
- Phía Tây Nam giáp với xã Phước Lộc,
huyện Nhà Bè.
- Phía Đông Bắc giáp với xã Phú
Xuân, huyện Nhà Bè.
- Phía Tây Nam giáp với xã Đa Phước,
huyện Bình Chánh.
Xã có diện tích tự nhiên
1455,69ha, được chia làm 04 ấp (ấp 1,2,3,4). Trong đó: diện tích đất nông nghiệp
là 972,84ha, chiếm 66,83% (gồm diện tích đất trồng cây hàng năm: 640,05ha, đất
trồng cây lâu năm 204,06ha, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản 128,74ha), đất
phi nông nghiệp: 480,71ha (tỷ lệ 33,02%).
Tổng diện tích mặt nước trên địa
bàn xã 244,68ha, chủ yếu là diện tích sông suối, mặt nước ao tự nhiên; số km
sông rạch hiện có 54km (trong đó: 14km sông chính, 40km rạch).
2. Dân số lao động:
Dân số toàn xã là 13.781 nhân khẩu,
3.799 hộ gia đình, mật độ dân số bình quân là 920 người/km2. Số hộ sản xuất
nông nghiệp là 817 hộ, chiếm 21,51% tổng số hộ trú: 28.141 người, 6.345 hộ. Mật
độ dân số bình quân 2.088 người/km2.
Xã Nhơn Đức có lực lượng lao động
khoảng 8.500 người, chiếm 61,68% dân số toàn xã. Trong đó, lao động làm việc
trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 617/8.500 người, chiếm tỷ lệ 7,26% lực lượng
lao động của xã; còn lại 92,74% lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Tổng số người lao động qua đào tạo
là 77,44% (6.385/8.500 người lao động đang làm việc, trong đó tỷ lệ nữ là 48,60%).
Số lượng lao động trong độ tuổi
còn đang đi học là 793 người, chiếm 9,33% lực lượng lao động của xã.
Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn xã
nhanh nên dự kiến sẽ đón nhận một lượng không nhỏ dân số từ nơi khác đến sống. Điều
này tác động rất lớn đến sự hình thành và thúc đẩy các điểm, khu dân cư, các tụ
điểm kinh tế, các khu vực công nghiệp, các ngành nghề truyền thống,.... Từ đó dẫn
đến sự thay đổi phân bố dân cư, phát triển sản xuất; đồng thời tác động nhất định
đến việc sử dụng đất trên địa bàn xã.
II. ĐIỀU KIỆN
KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Quy hoạch (Tiêu chí số 01)
1.1 Có quy hoạch chung xây dựng
xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh đã ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2014 về phê duyệt
quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, kế hoạch sử dụng
đất 5 năm (2011 - 2015) của huyện Nhà Bè. Trong đó, phân khai các chỉ tiêu sử dụng
đất của xã Nhơn Đức theo từng giai đoạn quy hoạch. Đây là cơ sở pháp lý để sử dụng
quỹ đất cho sản xuất và đầu tư phát triển của xã.
Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè đã
ban hành Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2011 về phê duyệt Đồ án
quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức đến năm 2020 và Quyết định số
587/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2012 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng
đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm xã Nhơn Đức.
1.2 Ban hành quy định quản lý
quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch
Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã chưa
tổ chức cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt; chưa
triển khai thực hiện đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân xã vẫn thường
xuyên rà soát quy hoạch được phê duyệt, đã đề xuất Ủy ban nhân dân huyện xem
xét, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế
- xã hội và ổn định đời sống của bà con nhân dân đang sinh sống tại xã.
2. Hạ tầng kinh tế - xã hội
2.1 Giao thông (Tiêu chí số 02)
- Trên địa bàn xã có 116 tuyến đường
giao thông, tổng chiều dài 23,449km. Cụ thể:
+ Đường trục xã, liên xã đã được
nhựa hóa: 13,817km.
+ Đường trục ấp, liên ấp đã được
nhựa hóa, cứng hóa: 0,983km.
+ Đường tổ, hẻm (ngõ xóm) đã được
nhựa hóa, cứng hóa: 8,694km.
- Thực hiện xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2010 - 2015 xã thực hiện nâng cấp 22 tuyến đường giao thông, tổng chiều
dài 10,089km. Cụ thể:
+ Đường trục xã, liên xã đã được
nhựa hóa: 3,934km.
+ Đường trục ấp, liên ấp đã được
nhựa hóa, cứng hóa: 0,983km.
+ Đường tổ, hẻm (ngõ xóm) đã được
nhựa hóa, cứng hóa: 5,172km.
Nhìn chung, hệ thống giao thông
nông thôn đã tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân đi lại và tác động tích cực
trong thu hút đầu tư.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần
tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ
Giao thông vận tải và phù hợp với quy hoạch chung của huyện; thực hiện trồng
cây xanh dọc theo các tuyến đường; gắn biển báo giao
thông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng và bố trí đầy đủ các công trình hạ
tầng kỹ thuật: cấp nước, thoát nước,...
2.2 Thủy lợi (Tiêu chí số 03)
Toàn xã có 26 tuyến kênh rạch với
tổng chiều dài 32km. Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 -
2015: xã đã tiến hành nạo vét 04 tuyến rạch trên địa bàn 4 ấp nhằm khơi thông
dòng chảy, đảm bảo việc tiêu thoát nước trong khu vực dân cư, hạn chế việc ô
nhiễm môi trường nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân với
tổng chiều dài nạo vét là 1,006m; xây dựng 01 cống hộp thay thế cho cầu giao
thông nông thôn nhằm cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ việc đi lại
cũng như phát triển kinh tế xã hội của người dân trong khu vực.
- Để giảm tình trạng ngập úng vào
mùa mưa, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, nuôi trồng thủy
sản cho các hộ dân trong vùng, giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục đầu tư nạo vét
các tuyến kênh rạch còn lại. Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động
lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy.
2.3 Điện (Tiêu chí số 04)
Hệ thống điện trên địa bàn xã được
cấp từ lưới điện thuộc Công ty điện lực thành phố, đáp ứng tốt nhu cầu truyền tải
điện năng cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, đảm bảo đạt yêu cầu của
ngành điện. Hiện nay 100% hộ dân đã sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện quốc
gia.
2.4 Trường học (Tiêu chí số 05)
Hiện nay trên địa bàn xã có 04 trường
học với 3 cấp học (gồm: 01 trường trung học cơ sở, 02 trường tiểu học và 01 trường
mầm non). Trong đó, có 03 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, gồm: trường
Mầm non Hướng Dương (diện tích 14.361m2), trường tiểu học Lê Lợi (diện
tích 8.653m2) và Trường Trung học cơ sở Hai Bà Trưng (9.800m2).
Riêng trường tiểu học Lê Văn Lương được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị để phục
vụ việc dạy và học tốt hơn, tuy nhiên do chưa đảm bảo diện tích trường lớp nên
chưa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, để đáp ứng
yêu cầu đạt chuẩn, cần tiếp tục tu sửa và nâng cấp cơ sở 2 - trường Tiểu học Lê
Văn Lương để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu đạt chẩn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần
nâng cấp sửa chữa và bổ sung thêm phòng học tại các trường: tiểu học Lê Văn
Lương, tiểu học Lê Lợi và trung học cơ sở Hai Bà Trưng để có cơ sở vật chất đạt
chuẩn quốc gia.
2.5 Cơ sở vật chất văn hóa
(Tiêu chí số 06)
- Xã có Nhà văn hóa hoặc Hội trường
đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã: Trung
tâm Văn hóa - Thể thao liên xã Nhơn Đức - Phước Kiển đạt chuẩn quốc gia trên diện
tích tích 5.921m2; Trung tâm học tập cộng đồng xã hiện được sử dụng
để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề ngắn hạn, tuyên truyền kiến
thức pháp luật.
- Xã có điểm vui chơi giải trí và
thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định: Trên địa bàn xã 03/04 Văn
phòng Ban nhân dân ấp gắn với tụ điểm sinh hoạt văn hóa ấp được sửa chữa khang
trang và đã đưa vào sử dụng. Riêng ấp 4 xây dựng 01 nhà văn hóa ấp 4, với diện
tích 1.991m2 nhằm tạo khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng dân
cư trên địa bàn ấp.
- Tỷ lệ ấp có nhà văn hóa hoặc nơi
sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng: Văn phòng ban nhân dân ấp 1,2 diện
tích khoảng 150m2 được hình thành trước khi Đề án nông thôn mới xã
Nhơn Đức được duyệt nên hiện nay đã xuống cấp và chưa đáp ứng được quy chuẩn về
diện tích tối thiểu theo hướng dẫn số 4688/HD-BVHTTDL ngày 14 tháng 11 năm 2016
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Riêng văn phòng ấp 3 được đầu tư năm 2012
với diện tích gần 200m2. Tuy nhiên, hiện nay Văn phòng Ban nhân dân
04 ấp bị xuống cấp do nền đất bị lún, đồng thời thiếu trang thiết bị phục vụ
sinh hoạt cho người dân tại các ấp.
2.6 Cơ sở hạ tầng thương mại
nông thôn (Tiêu chí số 07)
Chợ Nhơn Đức được xây dựng mới và
đưa vào hoạt động từ tháng 01 năm 2015. Chợ đạt chuẩn theo quy định trên diện
tích 5.700m2 với 162 sạp các loại, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu
kinh doanh và buôn bán của nhân dân trên địa bàn xã.
2.7 Thông tin và Truyền thông
(Tiêu chí số 08)
- Trên địa bàn xã có 02 Bưu điện
văn hóa tại ấp 1 (với diện tích khoảng 2980m2) và ấp 3 (với diện
tích khoảng 220m2), do nhu cầu trao đổi thông tin, thực hiện giao dịch
qua bưu điện của người dân ngày càng ít nên hiện nay cả 02 bưu điện đã tạm
ngưng hoạt động. Hiện nay, công ty Bưu chính viễn thông thành phố lắp đặt thùng
thư cộng đồng tại ngã tư đường Nguyễn Bình - Lê Văn Lương để phục vụ số ít người
dân có nhu cầu gửi thư.
- Trên địa bàn xã có 20 điểm truy
cập internet, 15 đại lý dịch vụ viễn thông. Nhìn chung, hiện nay thông tin liên
lạc trên địa bàn xã phục vụ tốt sinh hoạt hàng ngày, học tập nâng cao kiến thức,
ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Xã có một đài truyền thanh và 30
cụm loa phân bố đều trên địa bàn 04 ấp, phát thanh 02 buổi/ngày, đáp ứng tốt
công tác tuyên truyền đến nhân dân.
2.8 Nhà ở dân cư (Tiêu chí số
09)
Tổng số nhà ở trên địa bàn: 3.799
căn. Trong đó:
- Nhà kiên cố: 556 căn chiếm tỷ lệ
14,67%
- Nhà bán kiên cố: 3.084 căn, chiếm
tỷ lệ 81,18%
- Nhà thiếu kiên cố: 148 căn, chiếm
tỷ lệ 3,9%
- Nhà tạm, dột nát: 13 căn, chiếm
tỷ lệ 0,34%.
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân
dân xã đã đề ra nhiều biện pháp để kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng.
Công tác quản lý, giám sát, giải quyết...các vấn đề đất đai được thực hiện khá
tốt, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm Luật Đất đai như sử dụng đất
không đúng mục đích, lấn chiếm đất, tranh chấp đất, kiểm tra và xử lý ngay các
khiếu nại của nhân dân trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy
nhiên, kết quả đạt được chưa cao do nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế,
không am hiểu pháp luật, cố tình vi phạm với nhiều hình thức. Chính vì vậy công
tác quản lý về xây dựng, nhà ở trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
3. Kinh tế - Tổ chức sản xuất
3.1 Thu nhập (Tiêu chí số 10)
Qua quá trình triển khai thực hiện
Đề án xây dựng nông thôn mới, xã Nhơn Đức rất quan tâm nâng cao thu nhập, đời sống
vật chất, tinh thần cho nhân dân. Khi xây dựng Đề án từ năm 2010, thu nhập bình
quân của người dân trên địa bàn xã từ 15 triệu đồng/người/năm, đến nay thu nhập
bình quân đầu người là 38,13 triệu đồng/người/năm, gấp 2,54 lần khi triển khai
Đề án.
Tỷ lệ giá trị đóng góp của các
ngành trên địa bàn xã tính đến cuối năm 2015:
- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
3,2%.
- Thương mại, dịch vụ: 96,25%.
- Nông nghiệp: 0,55%.
Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng
bộ huyện Nhà Bè lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu kinh tế của xã vẫn phát
triển theo hướng Thương mại và Dịch vụ - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp -
Nông nghiệp.
3.2 Hộ nghèo (Tiêu chí số 11)
Từ năm 2010 - 2015, được sự quan
tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo như chính sách
tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ người lao động mất việc
làm, hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát, khám chữa bệnh cho người nghèo,... Tính đến
tháng 10 tháng 2016, tổng số hộ nghèo là 324/3.799 hộ, chiếm tỷ lệ 8,53% tổng hộ
dân; tổng số hộ cận nghèo là 139/3.799 hộ, chiếm tỷ lệ 3,66% tổng hộ dân.
3.3 Lao động có việc làm (Tiêu
chí số 12)
Từ năm 2011 - 2015, đã giới thiệu
việc làm cho 3.486 lượt người; Trong đó, lao động có việc làm ổn định là 1.967
người. Tổng số lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế là
7.215/8.500 người (chiếm tỷ lệ 84,88%), lao động trên lĩnh vực nông nghiệp
617/8.500 (tỷ lệ 7,26%), lao động thất nghiệp giảm còn 668/8.500 người (chiếm tỷ
lệ 7,86%).
Trong thời gian tới cần đa dạng
hóa ngành nghề sản xuất, phối hợp với các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã ưu tiên
tuyển lao động địa phương, để giải quyết, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho lực
lượng lao động nhàn rỗi. Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông
nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất,
nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
3.4 Tổ chức sản xuất (Tiêu chí
số 13)
Xã Nhơn Đức chịu tác động khá lớn
của quá trình đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần. Hiện
nay, xã có 08 tổ hợp tác: tổ hợp tác nuôi tôm (67 hộ), tổ hợp tác nuôi cá (22 hộ),
tổ hợp tác nuôi heo (31 hộ), tổ hợp tác trồng hoa lan, cây kiểng (05 hộ), tổ may gia công (136 hộ), tổ se nhang (23 hộ), tổ kết cườm
(08 hộ) tổ mây tre lá (07 hộ).
Các tổ hợp tác, các mô hình sản xuất
được duy trì ổn định, cùng nhau thực hiện các chủ trương chính sách về nông
nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm, kiến thức, vốn, góp phần ổn định và
nâng dần mức sống của hộ thành viên.
Ngoài ra, trên địa bàn xã có một
quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo mô hình hợp tác xã với 28 thành viên sáng
lập, 08 công nhân viên hoạt động tương đối ổn định và có hiệu quả.
Trên địa bàn xã chưa có hợp tác xã
đạt chuẩn theo Luật hợp tác xã.
4. Văn hóa - Xã hội - Môi trường
4.1 Giáo dục và Đào tạo (Tiêu
chí số 14)
- Vận động trẻ 5 tuổi ra mẫu giáo
đạt: 100%
- Trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 100%.
- Trẻ có độ tuổi từ 11 - 14 tuổi
theo học bậc Trung học cơ sở: 100%
- Phổ cập giáo dục Tiểu học đạt: 100%.
- Phổ cập giáo dục bậc Trung học
cơ sở đạt: 99,48%.
- Phổ cập giáo dục Trung học phổ
thông đạt: 98,2%.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung
học cơ sở được tiếp tục học (trung học phổ thông, bổ túc, học nghề): 100%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến
nay đạt 75,64%; trong đó lao động nữ chiếm 49,50%.
- Tỷ lệ lao động có việc làm đã
qua đào tạo đến nay đạt 78,76%; trong đó lao động nữ chiếm 49,27%.
- Xóa mù chữ theo quy định của
ngành giáo dục đạt 99,97%; trong đó nữ chiếm 99,86%.
4.2 Y tế (Tiêu chí số 15)
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm
y tế ≥ 95%: Hiện nay, tỷ lệ người dân thường trú tham gia
các hình thức bảo hiểm y tế đạt 12.430/14.030 người, đạt tỷ lệ 88,6%.
- Trạm Y tế xã đạt 10/10 chuẩn
theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế về việc
ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến 2020. Xã Nhơn Đức được công nhận đạt
tiêu chí quốc gia về y tế, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân
dân. Số lượng cán bộ, nhân viên của trạm y tế xã: 01 bác sỹ, 02 y sỹ, 01 nữ hộ
sinh, 01 dược sỹ và 02 y tá. Giai đoạn 2016-2020, cần bổ sung thêm một số trang
thiết bị y tế, thiết bị văn phòng để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh
cho người dân, đồng thời duy tu, sửa chữa một số trần thạch cao bị hư.
4.3 Văn hóa (Tiêu chí số 16)
- Cuối năm 2015, Ủy ban nhân dân
xã có 04/04 ấp được công nhận đạt chuẩn ấp văn hóa (đạt 100%). Xã cũng đã phối
hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã tổ chức bình xét và
công nhận gia đình văn hóa năm 2015 đạt 93,8%. Chương trình xây dựng ấp văn hóa
gắn với phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được quan
tâm thực hiện.
- Xã được công nhận xã văn hóa -
xã nông thôn mới. Xã cũng đã hoàn thành và ra mắt phòng truyền thống tại Ủy ban
nhân dân xã và xây dựng góc truyền thống tại văn phòng 10 ấp.
- Định kỳ hàng năm, xã đều tổ chức
Hội thi liên hoan văn nghệ quần chúng mừng Đảng, mừng Xuân và tham gia hội thi
văn nghệ quần chúng tại huyện; tổ chức nhiều hội thi phục vụ nhu cầu giải trí
tinh thần cho nhân dân trên địa bàn xã; tổ chức các hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm
các ngày lễ lớn.
4.4 Môi trường và An toàn thực
phẩm (Tiêu chí số 17)
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch
hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn Quốc gia: Tính đến tháng 12/2016, 100% hộ dân trên
địa bàn xã đã có điều kiện được tiếp cận nước sạch để sử dụng thông qua các
phương thức mạng cấp nước, Trạm cấp nước, đồng hồ tổng và thiết bị lọc nước hộ
gia đình. Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp cùng Công ty Cổ
phần cấp nước Nhà Bè tập trung phát triển mạng lưới cung cấp nước BOO trên địa
bàn xã. Đến nay đã gắn 3.556 đồng hồ nước cho dân trên địa bàn xã với 3.799 hộ,
các tuyến hẻm còn lại đã phủ kín mạng lưới nước hợp vệ sinh được phân phối từ
nguồn nước giếng khoan (03 trạm - 05 giếng) của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ
sinh môi trường nông thôn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%.
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt
tiêu chuẩn về môi trường, các làng nghề đạt chuẩn về môi trường: trên địa bàn
xã có 26 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có phát sinh nước thải, khí thải; có
17/26 cơ sở có giấy phép đạt chuẩn môi trường; Xã đã vận động các cơ sở sản xuất
kinh doanh dịch vụ chưa có giấy phép đăng ký bảo vệ môi trường liên hệ các cơ
quan chức năng thực hiện đăng ký theo quy định.
- Trên địa bàn xã không có các hoạt
động suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, các tuyến kênh đảm bảo không có rác, vệ
sinh môi trường xanh - sạch - đẹp.
- Tỷ lệ xanh hóa hàng rào còn thấp
chỉ đạt >20%.
- Nghĩa trang được xây dựng theo
quy hoạch: Nghĩa trang Nhơn Đức được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đảm bảo thực
hiện theo quy hoạch đã phê duyệt, có quy chế hoạt động và do Công ty TNHH MTV Dịch
vụ công ích Nhà Bè quản lý. Trong năm 2013, Nghĩa trang Nhơn Đức được phê duyệt
quy hoạch mở rộng 1,63ha nâng tổng diện tích là 6,63ha.
Trên địa bàn xã không có nghĩa trang gia tộc và trong những năm gần đây không
phát sinh trường hợp chôn cất tại đất nhà.
- Chất thải, nước thải được thu
gom và xử lý theo quy định: Hiện tại, xã có 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh,
nhà tắm đạt tiêu chuẩn quy định. Ủy ban nhân dân xã đã tuyên
truyền, vận động các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn xã đăng ký giao rác cho
Tổ lực lượng thu gom tại nguồn. Số hộ gia đình đăng ký với
lực lượng thu gom tại nguồn hiện nay là 3.723/3.799 hộ, đạt tỷ lệ 98%.
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bề
chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch: Hầu hết các hộ dân trên địa
bàn xã đều đảm bảo có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và
thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, đáp ứng theo 03 tiêu chí sạch
nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại
chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường: 68 hộ, trong đó có 04 hộ có hầm biogas, số
hộ có chuồng trại hợp vệ sinh là 68 hộ.
- Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản
xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm:
có tổng cộng 19 cơ sở; trong đó đã được Huyện công nhận đạt chuẩn là 06 cơ sở
kinh doanh ăn uống.
5. Hệ thống chính trị
5.1 Hệ thống chính trị và Tiếp
cận pháp luật (Tiêu chí số 18)
- Số lượng cán bộ xã là 43; trong
đó, cán bộ chuyên trách 11, cán bộ công chức 13 và cán bộ không chuyên trách
19. Hiện xã chưa bố trí công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng - Môi trường
phụ trách nông thôn mới.
- Đảng bộ xã có 13 chi bộ trực thuộc
với 182 đảng viên. Đảng ủy xã thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức các
buổi báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước, triển khai các Nghị quyết
chuyên đề với số lượng tham dự đạt tỷ lệ cao, qua đó giúp cho cán bộ đảng viên,
quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn về tình hình mới, để thực hiện tốt nhiệm
vụ chính trị của địa phương.
- Xã có đủ các tổ chức Đoàn thể
theo quy định
- Năm 2016, Đảng bộ xã đạt trong sạch
vững mạnh.
- Năm 2016, các tổ chức chính trị
xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.
- Hiện nay, các hộ dân trên địa bàn
xã đều tiếp cận pháp luật thông qua các buổi tuyên truyền của Ủy ban nhân dân
huyện, cũng như các đoàn thể chính trị xã hội của huyện và xã. Đồng thời, phát
trên đài truyền thanh vào mỗi buổi sáng và buổi chiều đảm bảo người dân tiếp cận
được pháp luật.
- Đảm bảo bình đẳng giới và phòng
chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các
lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
5.2 Quốc phòng và An ninh (Tiêu
chí số 19)
- Xây dựng lực lượng dân quân “vững
mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng: Ban chỉ huy Công an và
Ban chỉ huy Quân sự đã xã triển khai lực lượng, phân công lịch trực cơ quan,
đơn vị nhằm bảo đảm an ninh và giải quyết công tác tiếp nhận thông tin và xử lý
các trường hợp vi phạm trên địa bàn xã nhanh và chính xác nhất.
- Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh,
trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: Trong nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ quốc phòng và quân sự địa phương như: công tác trực sẵn sàng chiến đấu,
công tác xây dựng lực lượng, công tác diễn tập phòng thủ, công tác tuyển quân
hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao, công tác chăm lo hậu phương
quân đội luôn được quan tâm; Tình hình an ninh trật tự tại xã ổn định, phạm
pháp hình sự, cháy nổ, tai nạn, tệ nạn xã hội trên địa bàn xã được tập trung
quan tâm lãnh chỉ đạo thực hiện. Không có cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật.
Phần II
NỘI DUNG NÂNG
CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN XÃ NHƠN ĐỨC, HUYỆN NHÀ BÈ
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền,
nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân xã Nhơn Đức về thực
hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; duy trì các
tiêu chí đã đạt được kết hợp với thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng.
Trong đó, tập trung vào các nội dung tiêu chí về phát triển sản xuất; nâng cao
thu nhập; giảm nghèo bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo hướng tập trung quy hoạch khu dân cư
nông thôn mới gắn với cảnh quan môi trường nông thôn; đảm bảo an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể
Căn cứ Quyết định số 6182/QĐ-UBND
ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Bộ tiêu chí
về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn
2016 - 2020, hiện nay xã Tân Nhựt đạt 06/19 tiêu chí.
Căn cứ Quyết định số 6183/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề án
nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020
trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến
tiến độ triển khai Đề án nâng chất các tiêu chí xây dựng
nông thôn mới xã Tân Nhựt giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
- Năm 2016: đạt 06/19 tiêu chí.
- Năm 2017: đạt 08/19 tiêu chí.
- Năm 2018: đạt 13/19 tiêu chí.
- Năm 2019: đạt 18/19 tiêu chí.
- Năm 2020: đạt 19/19 tiêu chí.
- Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất
lượng các tiêu chí đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới cao hơn, bền vững hơn (theo
Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh
giai đoạn 2016 - 2020).
- Rà soát, hoàn thiện, tiếp tục đầu
tư và vận động nhân dân xây dựng các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát
triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn (giao thông, cấp nước sạch,
thoát nước, trường học, điện,...): Tiếp tục bố trí vốn để triển khai thực hiện
kế hoạch duy tu, nâng chất để phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã đầu
tư đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là
4%; năm 2018 là 1,9%. Đến cuối năm 2018, cơ bản hoàn thành chương trình giảm
nghèo bền vững tỷ lệ hộ nghèo còn 0,92% (tương đương 35 hộ)
- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch
theo hướng: Thương mại - Dịch vụ, Tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp. Cơ cấu
lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm bình quân từ 06 đến 08%/năm. Tỷ lệ lao
động trong độ tuổi có việc làm (trừ số lao động trong độ tuổi đang đi học tập
trung tại các trường Trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học theo quy
định,...) đạt 95% trở lên.
- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp
theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh.
- Duy trì xã đạt tiêu chí quốc gia
về y tế, phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% bảo hiểm y tế toàn dân; giảm tỷ lệ trẻ
em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao dưới 2,5%.
- Xây dựng đời sống văn hóa ở nông
thôn với ít nhất 3/4 ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt
>85%; tỷ lệ người tham gia hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên đạt trên
33% và tham gia các hoạt động văn nghệ đạt trên 20%; tỷ lệ đám cưới, đám tang
thực hiện nếp sống văn hóa đạt trên 70%.
- Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp và
cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo
quy định đạt 100%.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của
tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các hội, đoàn thể thông qua việc vận động
tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông
thôn mới. Trong đó, tỷ lệ cán bộ xã đạt chuẩn là 100%; hoạt động của Đảng bộ xã
phấn đấu đạt trong sạch vững mạnh, chính quyền đạt “Tập thể lao động tiên tiến”
trở lên và các tổ chức đoàn thể chính trị đạt vững mạnh xuất sắc hàng năm; an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
II. NỘI DUNG
VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Quy hoạch (Tiêu chí số 01)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí
số 1 của Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ
Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 trong năm 2017.
b) Nội dung thực hiện:
- Xây dựng Quy hoạch chung xây dựng
xã đảm bảo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi
khí hậu, quá trình đô thị hóa của các xã ven đô thị và đảm bảo tiêu chí môi trường
nông thôn.
- Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh và
tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản
xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo thực
tiễn, đúng quy định, đảm bảo tính kết nối, thực hiện quy hoạch thủy lợi phục vụ
nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng đầu tư có hệ thống kênh cấp nước và hệ thống
tiêu thoát nước riêng biệt. Quy hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản
xuất nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã, huyện để
tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường cảnh quan xanh -
sạch - đẹp.
- Cắm mốc chỉ giới các công trình
hạ tầng và triển khai thực hiện quy hoạch đã được duyệt tại Quyết định số
287/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè về phê
duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức đến năm 2020.
- Tiếp tục thực hiện chỉnh trang hạ
tầng kỹ thuật kết hợp xây dựng nhà ở tại các khu dân cư hiện
hữu trên cơ sở vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng
cơ sở hạ tầng; ban hành và áp dụng quy định quản lý kiến trúc, xây dựng tạo cảnh
quan đồng bộ với các khu vực định hướng phát triển đô thị trên địa bàn huyện.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ
trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên, Ban Chỉ đạo Chương
trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
2. Hạ tầng kinh tế - xã hội
2.1 Giao thông (Tiêu chí số 02)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí
số 2 trong Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ
Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 trong năm 2019.
b) Nội dung thực hiện:
Thực hiện đầu tư 02 tuyến đường
giao thông nông thôn và hệ thống thoát nước với tổng chiều dài 1,654km. Cụ thể:
- Đường tổ, hẻm: 01 tuyến với tổng
chiều dài 0,804km;
- Đường nội đồng: 01 tuyến với tổng
chiều dài 0,85km.
2.2 Thủy lợi (Tiêu chí số 03)
a) Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống
thủy lợi nội đồng. Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới
theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm
2018. Hệ thống công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp
và dân sinh.
b) Nội dung thực hiện:
- Đầu tư nạo vét, đóng cừ tràm gia
cố bờ, khơi thông dòng chảy 06 tuyến rạch với tổng chiều dài 2.575m.
- Thường xuyên vận động người dân,
cộng đồng, doanh nghiệp tham gia nạo vét, vớt cỏ rác, lục bình, phát hoang,
khai thông dòng chảy, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các tuyến
kênh, rạch trên địa bàn xã.
2.3 Điện (Tiêu chí số 04)
a) Mục tiêu: Cải tạo, nâng cấp, mở
rộng hệ thống lưới điện vùng nông thôn. Duy trì và nâng chất tiêu chí số 04
trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí
Minh giai đoạn 2016 - 2020 đạt vào năm 2016.
b) Nội dung thực hiện:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các
công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã,
đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 04 của Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn thành phố
giai đoạn 2016-2020.
- Lắp đặt hệ thống chiếu sáng một
số tuyến hẻm mở rộng bằng nguồn vốn đóng góp của dân và doanh nghiệp.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản
lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
2.4 Trường học (Tiêu chí số 05)
a) Mục tiêu: Hoàn chỉnh các công
trình đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất cho các trường học. Đạt yêu cầu tiêu
chí số 05 trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành
phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2019.
b) Nội dung thực hiện:
- Nâng cấp sửa chữa, xây dựng thêm
các khối trường học và bổ sung thêm trang thiết bị dạy học cho trường Tiểu học
Lê Văn Lương (cơ sở 1 và cơ sở 2) và trường Tiểu học Lê Lợi.
2.5 Cơ sở vật chất văn hóa
(Tiêu chí số 06)
a) Mục tiêu: Sửa chữa, nâng cấp,
chỉnh trang văn phòng ấp kết hợp đầu tư trang bị các thiết
bị, dụng cụ phục vụ tập luyện thể dục, thể thao và vui chơi giải trí của người
dân (đặc biệt là trẻ em và người già), Văn phòng ấp kết hợp
Tụ điểm sinh hoạt văn hóa ấp. Đạt yêu cầu tiêu chí số 06 trong Bộ tiêu chí về
nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016
- 2020 vào năm 2018.
b) Nội dung thực hiện:
- Cải tạo, nâng cấp và bổ sung
thêm trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa - thể thao Liên xã Nhơn Đức, Phước Kiển;
các văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa, khu vui chơi thiếu nhi ấp 4 theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm
2010 và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch. Cụ thể:
+ Cải tạo, nâng cấp và chỉnh trang
Trung tâm văn hóa xã Nhơn Đức.
+ Sửa chữa, cải tạo và cung cấp
trang thiết thị cho khu vui chơi ấp 4 và các văn phòng ấp.
- Phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt
động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao liên xã Nhơn Đức, Phước Kiển theo quy chế
phối hợp.
2.6 Cơ sở hạ tầng thương mại
nông thôn (Tiêu chí số 07)
a) Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống
cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu của người
dân. Duy trì và nâng chất tiêu chí số 07 trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới
theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 đạt vào
năm 2016.
b) Nội dung thực hiện:
- Thúc đẩy hoạt động các chợ nông
thôn, nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo quản lý và hoạt động phù hợp theo quy định;
khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng
và khai thác chợ trên địa bàn xã Nhơn Đức.
- Vận động các đơn vị mở các cửa
hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn giá nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân.
2.7 Thông tin và Truyền thông
(Tiêu chí số 08)
a) Mục tiêu: Tăng cường cơ sở vật chất
cho hệ thống thông tin và truyền thông; thiết lập mới và nâng cấp các đài truyền
thanh xã, hệ thống cụm loa phát thanh tại các ấp. Duy trì và nâng chất tiêu chí
số 08 trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 đạt vào năm 2016.
b) Nội dung thực hiện:
- Hoàn thiện và nâng chất phục vụ
bưu chính, viễn thông tại Bưu điện văn hóa xã. Thông qua việc tăng cường bổ
sung các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin thích hợp với các hoạt
động văn hóa để triển khai nhân rộng mô hình Thư viện - Bưu điện văn hóa xã.
Tăng cường các dịch vụ internet, viễn thông đến các hộ dân trên địa bàn xã.
- Phát huy tính hiệu quả hoạt động
của Kios thông tin nông thôn mới tại ấp (bao gồm đường truyền internet từ xã đến
Văn phòng ấp - kết hợp với Tụ điểm văn hóa ấp).
- Đầu tư nâng cấp và cải tạo, duy
tu và sửa chữa đài truyền thanh xã và hệ thống loa truyền thanh đến các ấp.
- Thường xuyên thực hiện duy tu, bảo
dưỡng chống xuống cấp điểm phục vụ bưu chính viễn thông.
2.8 Nhà ở dân cư (Tiêu chí số
09)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí
số 09 trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2017.
b) Nội dung thực hiện:
- Tổ chức hướng dẫn người dân xây
dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định hiện hành (cấp phép xây dựng có thời hạn) tạo
điều kiện cải thiện nhà ở cho các hộ dân thuộc khu vực đã có quy hoạch, đường
cao tốc, ven kênh rạch... nhưng chưa có quyết định thu hồi
đất.
- Tiếp tục hỗ trợ, vận động các hộ
dân thuộc diện nhà tình nghĩa, nhà tình thương mở rộng thêm diện tích nhà ở để
đảm bảo tiêu chuẩn 14m2/người đạt chuẩn Bộ Xây dựng
- Khuyến khích người dân tăng cường
sửa chữa nhà ở, đảm bảo điều kiện sống của người dân ngày càng tốt hơn: công
trình nhà ở có niên hạn sử dụng từ 20 năm trở lên; các công trình phụ trợ (bếp,
nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi,...) phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận
tiện cho sinh hoạt.
3. Kinh tế và Tổ chức sản xuất
3.1 Thu nhập (Tiêu chí số 10)
a) Mục tiêu: Hoàn thiện và nâng chất
để đạt tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông
thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2020, thu nhập bình
quân khu vực nông thôn đến năm 2020 ≥ 63 triệu đồng/người/năm
(hiện nay thu nhập bình quân người/năm của xã là 40,632 triệu đồng/người/năm).
b) Nội dung thực hiện:
Thực hiện triển khai có hiệu quả đề
án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng
cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Xây dựng phát triển loại hình nuôi
trồng thủy sản kết hợp giải trí du lịch.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương
trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
3.2 Hộ nghèo (Tiêu chí số 11)
a) Mục tiêu: Đạt tiêu yêu cầu theo
Tiêu chí số 11 của Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn
Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2019.
b) Nội dung thực hiện:
- Tổ chức khảo sát, rà soát phân
loại chi tiết cụ thể từng hộ nghèo, phân tích nguyên nhân, điều kiện vượt nghèo
của từng hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp giúp vượt nghèo; Hỗ trợ đào tạo nghề,
giới thiệu việc làm, miễn giảm học phí, sửa chữa nhà, cấp bảo hiểm y tế,...
giúp ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập giảm nghèo.
- Tiếp tục thực hiện các chương
trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ người lao động
mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; hỗ trợ kinh
phí xóa nhà dột nát cho người nghèo; khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em
dưới 6 tuổi; chính sách cho người có công...; Tăng cường thực hiện chức năng
giám sát phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo
các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thực sự hỗ trợ được người nghèo và
các đối tượng chính sách.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Ban Chỉ đạo Chương trình giảm
nghèo bền vững chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo
Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông
thôn mới xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
3.3 Lao động có việc làm (Tiêu
chí số 12)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu theo tiêu
chí số 12 của Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2019.
b) Nội dung thực hiện:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đào
tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa
bàn xã; thường xuyên liên hệ, phối hợp, liên kết với các trường, trung tâm,
doanh nghiệp có chức năng dạy nghề để ngành nghề đào tạo đa dạng phù hợp với
nhu cầu, khả năng của người lao động cũng như nhà tuyển dụng và thị trường lao
động.
- Thực hiện kế hoạch và giải pháp
đào tạo nghề phải đảm bảo dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động
sau khi học nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn các xã. Nâng
tỷ lệ người có việc làm trên lực lượng lao động đến năm 2020 đạt 95%.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Lao động, Thương Binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương
trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
3.4 Tổ chức sản xuất (Tiêu chí
số 13)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu theo tiêu
chí số 13 theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành
phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2017.
b) Nội dung thực hiện:
- Phát triển kinh tế hộ, trang trại,
hợp tác xã:
+ Tập trung vận động thành lập Hợp
tác xã và xây dựng giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các
hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, xây dựng ít nhất 01 hợp tác xã hoặc tổ hợp
tác điển hình tiên tiến, hiện đại; tăng cường chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu
vào và tiêu thụ nông sản.
+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công
nghệ cao và công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
+ Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất
theo hướng tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp,
hiệu quả hỗ trợ cho nông dân, chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình
hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với
doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác.
+ Tổ chức liên kết sản xuất, chế
biến, mở rộng hợp đồng tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa giữa Trang trại - Tổ
hợp tác - Hợp tác xã với các Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn trong và ngoài
xã, huyện, thành phố.
- Phát triển doanh nghiệp vừa và
nhỏ trên địa bàn xã, mở rộng hợp đồng tiêu thụ nông sản.
- Thực hiện chính sách thúc đẩy
liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở địa phương: liên kết doanh nghiệp
với hợp tác xã, tổ hợp tác...
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương
trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
4. Văn hóa - Xã hội - Môi trường
4.1 Giáo dục và đào tạo (Tiêu
chí số 14)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu theo tiêu
chí số 14 theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ
Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 vào năm 2019.
b) Nội dung thực hiện:
- Về phổ cập giáo dục, tiếp tục học
trung học (phân luồng học sinh, vận động học nghề, vận động học sinh bỏ học tiếp
tục học,...).
- Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của
các doanh nghiệp, hộ gia đình trong xã để giới thiệu việc làm cho lao động đã qua
đào tạo. Khi giới thiệu hướng dẫn học nghề phải xác định nơi làm việc sau khi
hoàn thành.
- Xóa mù chữ độ tuổi 15 đến 60 tuổi:
Rà soát, khảo sát những người không biết chữ trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi để
phân công đoàn viên, giáo viên tổ chức phổ cập hướng dẫn cho từng người phù hợp
với điều kiện thực tế của người học.
- Nâng cao chất lượng Trung tâm học
tập cộng đồng (có hoạt động bình quân ít nhất 08 lần/tháng): Xây dựng kế hoạch,
chương trình hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo
Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông
thôn mới xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
4.2 Y tế (Tiêu chí số 15)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu theo tiêu
chí số 15 theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành
phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 vào năm 2019.
b) Nội dung thực hiện:
- Nâng cao chất lượng hoạt động của
Trạm y tế xã đã được đầu tư, xây dựng bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ việc
khám chữa bệnh cho người dân và sửa chữa trần thạch cao trạm y tế do xuống cấp.
- Tỷ lệ người tham gia các hình thức
bảo hiểm đạt ≥95%: Vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế
(BHYT) tự nguyện. Khảo sát, rà soát lập danh sách các trường hợp tham gia BHYT.
- Tỷ lệ người dân khám chữa bệnh
thường xuyên, tiêm chủng dự phòng tại Trạm y tế xã tăng bình quân mỗi năm 10%:
Vận động nhân dân tham gia khám chữa bệnh thường xuyên tại Trạm y tế xã;
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy
dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ≤ 14,3%: Tổ
chức tuyên truyền phổ biến, tư vấn, hướng dẫn người mẹ khi mang thai về chế độ
dinh dưỡng ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, chế độ dinh dưỡng chăm sóc trẻ
để không bị suy dinh dưỡng; vận động hỗ trợ kinh phí để chăm lo cho trẻ em
nghèo được chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đảm bảo,....
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với
các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương trình xây
dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức
triển khai thực hiện.
4.3 Văn hóa (Tiêu chí số 16)
a) Mục tiêu: Duy trì và nâng chất
tiêu chí số 16 trong Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh
giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt vào năm 2016.
b) Nội dung thực hiện:
- Phát triển nâng cao hiệu quả hoạt
động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân
nông thôn tham gia xây dựng, hưởng thụ đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu vui
chơi giải trí cho trẻ em. Xây dựng cơ chế chính sách, quy chế về quản lý và hoạt
động các thiết chế văn hóa để phát huy hiệu quả công năng cơ sở vật chất đã được
đầu tư.
- Tỷ lệ ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn
hóa trên 70%, gia đình văn hóa, gương người tốt việc tốt tiếp tục giữ vững và
vượt theo chỉ tiêu hàng năm, ấp có trên 85% số hộ đạt gia đình văn hóa, hàng
năm có từ 10 đến 15 gương người tốt việc tốt được biểu dương ở ấp.
- Xây dựng các chỉ tiêu về hoạt động
văn hóa, thể thao đối với xã, hàng năm có 80% số cơ quan, đơn vị tại địa bàn đạt
tiêu chuẩn công sở văn minh sạch đẹp an toàn, đơn vị văn hóa; các hộ dân thực
hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đạt 85%; người
dân tham gia các hoạt động văn nghệ đạt 20%; người dân tham gia hoạt động thể dục
thể thao thường xuyên đạt 25%.
- Hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt
động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử; các câu lạc bộ thể
dục thể thao định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức giao lưu,
thi đấu thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ,...
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ
trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo
Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản
lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
4.4 Môi trường và An toàn thực
phẩm (Tiêu chí số 17)
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí
số 17 trong Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn
2016 - 2020 vào năm 2018.
b) Nội dung thực hiện:
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt
100%;
- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất - kinh
doanh, chăn nuôi, làng nghề đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 100%.
- Không có các hoạt động suy giảm
môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.
- Nghĩa trang đã được quy hoạch cần
cải tạo cảnh quan và quản lý tốt tại địa phương.
- Chất thải, nước thải được thu
gom và xử lý theo quy định.
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể
chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch ≥90%;
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại
chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 80%.
- Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản
xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm đạt 100%.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương trình xây
dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức
triển khai thực hiện.
5. Hệ thống chính trị
5.1 Hệ thống chính trị và tiếp
cận pháp luật (Tiêu chí số 18)
a) Mục tiêu: Duy trì và nâng chất tiêu
chí số 18 trong Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai
đoạn 2016 - 2020 đạt vào năm 2016.
b) Nội dung thực hiện:
- Tăng cường công tác giáo dục
chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đổi mới phương pháp triển
khai Nghị quyết cũng như học tập Nghị quyết nhằm động viên, thuyết phục được
người nghe.
- Rà soát trình độ chuyên môn của
cán bộ, công chức xã. Tạo điều kiện cho công chức học tập bổ sung trình độ
chuyên môn theo chức danh phân công. Đến năm 2020, đảm bảo tất cả công chức phải
đạt chuẩn theo quy định (kể cả chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh); thực hiện
chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức không đạt chuẩn theo
quy định;
- Phân công 01 công chức xã phụ
trách xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện cho công chức tham gia các lớp bồi
dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,
cán bộ không chuyên trách có tinh thần trách nhiệm, vững về chuyên môn nghiệp vụ,
trong sáng về đạo đức lối sống, không cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, xa dân
và phải thật sự là công bộc của nhân dân.
- Phát huy vai trò của các tổ chức
đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng lực lượng nòng cốt thực chất
trong đoàn viên, hội viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham
gia các phong trào trong xây dựng nông thôn mới.
- Thường xuyên giáo dục truyền thống
cách mạng của xã cho lực lượng đoàn viên, thanh niên trong trường học và địa
bàn dân cư; đẩy mạnh việc học tập và làm theo “Học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh” để đi vào chiều sâu, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh, phê phán
các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên.
- Triển khai thực hiện cuộc vận động
“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
- Xây dựng và triển khai thực hiện
Kế hoạch đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ
trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã
hội.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với
các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới
huyện Nhà Bè, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức triển khai thực hiện.
5.2 Quốc phòng và An ninh (Tiêu
chí số 19)
a) Mục tiêu: Duy trì và nâng chất
tiêu chí số 19 trong Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh
giai đoạn 2016 - 2020 đạt vào năm 2016.
b) Nội dung thực hiện:
- Xây dựng lực lượng dân quân “vững
mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng. Tổ chức rà soát, củng cố
và kiện toàn lực lượng dân quân đảm bảo các yêu cầu theo quy định. Xây dựng và
triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng hàng năm.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện
Nghị quyết Trung ương 7 Khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công
tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới; xác định công tác vận động
nhân dân là của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp; thực hiện có hiệu quả các
chương trình hành động của Thành ủy, Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo đấu tranh
phòng, chống tội phạm; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là Luật Nghĩa
vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh dự bị động viên, xây dựng quy chế
phối hợp giữa các ngành đoàn thể với công an, quân sự.
* Phân công quản lý và thực hiện:
Giao Công an thành phố chủ trì, phối
hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông
thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức triển
khai thực hiện.
III. DỰ KIẾN
KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Tổng nguồn vốn thực hiện Đề
án nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa
bàn xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè là 280.213 triệu đồng,
gồm:
1.1 Vốn
đầu tư xây dựng cơ bản: 75.713 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 27,02%).
1.2 Vốn
sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 204.500 triệu đồng (chiếm tỷ
lệ 72,98%).
2. Nguồn vốn
2.1 Vốn
từ ngân sách thành phố: 63.344 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 22,61%). Trong đó:
+ Vốn nông thôn mới: 63.344 triệu
đồng (chiếm tỷ lệ 22,61%).
+ Vốn lồng ghép: Không có.
* Vốn ngân sách tập trung: Không
có.
* Vốn huyện: Không có.
* Vốn sự nghiệp: bố trí chi thường
xuyên hàng năm của các Sở - ngành và huyện.
2.2. Vốn
nhân dân - cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng: 186.369 triệu đồng (chiếm tỷ lệ
76,85%), chia ra:
+ Vốn huy động từ dân và cộng đồng:
150.769 triệu đồng;
+ Vốn doanh nghiệp: 35.600 triệu đồng.
2.3. Vốn
tín dụng: 30.500 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 10,88%).
2.4. Vốn
đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm
quyền phê duyệt.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện đề án: Từ thời điểm phê duyệt đến năm 2020.
2. Quy mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.
3. Phương châm và nguyên tắc đầu
tư, hỗ trợ
- Phát huy nội lực của địa phương
là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và
Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.
- Phát huy dân chủ, công khai trong
cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và
đầu tư.
3.1 Cơ
chế huy động và quản lý các nguồn vốn
- Thực hiện Quyết định số
1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
- Thực hiện Quyết định số
41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành
Quy chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;
- Thực hiện Quyết định số 1980/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc
gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020;
- Thực hiện Nghị định số 161/NĐ-CP
ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư
xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
- Thực hiện Quyết định số
6182/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban
hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí
Minh giai đoạn 2016 - 2020;
- Thực hiện Quyết định số
6183/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc
phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016-2020 trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thực hiện Thông tư số
08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý,
thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số
108/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài
chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách
nhà nước;
- Thực hiện Thông tư số
09/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết
toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước;
- Thực hiện Thông tư số
349/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh
toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;
- Thực hiện Thông tư số
01/2017/TT-BKHĐT ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn
quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc
gia.
3.2 Quản
lý đầu tư và xây dựng:
- Thực hiện Quyết định số
1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
- Thực hiện Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg
ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý,
điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;
- Thực hiện Quyết định số
15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban
hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại
các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2020 và Quyết định số
30/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, quản
lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2020,
ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy
ban nhân dân thành phố;
- Thực hiện Quyết định số
20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố, ban
hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010
- 2020 và Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 về việc sửa đổi,
bổ sung một số điều quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24
tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Phân công thực hiện:
4.1 Ủy
ban nhân dân huyện Nhà Bè, Ủy ban nhân dân xã Nhơn Đức, Ban Chỉ đạo Chương
trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
xã Nhơn Đức:
- Tập trung triển khai các hoạt động
tuyên truyền, vận động nhân dân, đảng viên, cán bộ công chức quán triệt chủ
trương của Trung ương và Thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới
tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực
hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về
nông thôn mới trên địa bàn xã.
- Thực hiện theo đúng nội dung của
Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp
thuận của Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới thành
phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
- Trong quá trình triển khai các
công trình, dự án có nguồn vốn huy động ngoài ngân sách thì phải thực hiện xong
nội dung huy động đóng góp mới bắt đầu khởi công triển khai công trình, dự án.
- Khi triển khai các công trình, dự
án theo Đề án được phê duyệt, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh chỉ đạo
chủ đầu tư và các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện thực hiện các nội dung trước
khi phê duyệt chủ trương đầu tư như sau:
+ Đối với đầu tư các công trình cơ
sở hạ tầng: phải đảm bảo thực hiện theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy
hoạch phát triển hạ tầng - kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
+ Đối với công trình Trung tâm văn
hóa xã: việc đầu tư phải thực hiện theo Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30
tháng 5 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sửa đổi, bổ sung Điều 6
của Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của quy chế
mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể
thao xã và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011 của quy định
mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn.
+ Đối với công trình giao thông:
khảo sát, đánh giá địa hình, địa chất thủy văn và lưu vực dọc tuyển để thiết kế
hệ thống thoát nước cho phù hợp.
- Phân công các phòng ban, đơn vị
chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây
dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai
đoạn 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn
mới.
- Thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật
hiện hành.
4.2
Các Sở - ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới
thành phố:
- Phân công cán bộ công chức theo
dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Nhơn
Đức, huyện Nhà Bè chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí
của ngành trên địa bàn xã.
- Chịu trách nhiệm về kết quả thực
hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và Thành phố do Sở - ngành phụ
trách trên địa bàn xã.
- Văn phòng Điều phối Chương trình
xây dựng nông thôn mới thành phố chủ trì, hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Nhơn Đức
và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức triển khai thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn,
hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng
thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Nhà Bè và xã Nhơn Đức; tổ chức
giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt, thực hiện cắm mốc
chỉ giới.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với Sở Tài chính, các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Nhà
Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức cân đối, đề xuất và dự thảo
văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập
trung, vốn phân cấp hàng năm (2016 - 2020), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành
các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Nhơn Đức.
- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành
phố cân đối nguồn vốn để đảm bảo đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn
2016 - 2020.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước, các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân
dân huyện Nhà Bè và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức, đề xuất và
dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí
sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện
các tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn xã Nhơn
Đức.
4.3
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách
nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu
chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh về nông thôn mới trên địa bàn
xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình
của Thành ủy xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân
thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn vướng
mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ
kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới
trên địa bàn thành phố./.
BIỂU 1:
TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC
TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ NHƠN ĐỨC - HUYỆN NHÀ BÈ GIAI ĐOẠN 2016 -
2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6262/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
STT
|
TÊN TIÊU CHÍ
|
HIỆN TRẠNG NĂM 2016
|
NĂM 2017
|
NĂM 2018
|
NĂM 2019
|
NĂM 2020
|
1
|
Quy hoạch
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
2
|
Giao thông
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
3
|
Thủy lợi
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
4
|
Điện
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
5
|
Trường học
|
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
6
|
Cơ sở vật
chất văn hóa
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
7
|
Cơ sở hạ tầng
thương mại nông thôn
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
8
|
Thông tin và Truyền thông
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
9
|
Nhà ở dân cư
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
10
|
Thu nhập
|
|
|
|
|
Đạt
|
11
|
Hộ nghèo
|
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
12
|
Tỷ lệ người có việc làm trên dân
số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động
|
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
13
|
Hình thức tổ chức sản xuất
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
14
|
Giáo dục
|
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
15
|
Y tế
|
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
16
|
Văn hóa
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
17
|
Môi trường
|
|
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
18
|
Hệ thống tổ chức chính trị xã hội
vững mạnh
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
19
|
An ninh trật tự xã hội
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
Đạt
|
TỔNG CỘNG
|
6/19
|
8/19
|
13/19
|
18/19
|
19/19
|