BỘ
CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5042/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM
2030 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số
189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP
ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số
189/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định
số 1001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Cục
trưởng Cục Hóa chất,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt Kế hoạch thực
hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm
2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Công Thương, với những nội dung chủ yếu
sau đây:
1.
Mục tiêu
a) Mục tiêu đến năm
2020
- Giảm ít nhất từ 30%
đến 40% số người nghiện ma túy trong các đơn vị thuộc Bộ so với hiện nay. Phấn
đấu đạt 90% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học thuộc Bộ không
có tệ nạn ma túy;
- Phấn đấu đạt 100% số
người nghiện ma túy trong các đơn vị thuộc Bộ được phát hiện và quản lý; 90% số
người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện và học nghề;
- Quản lý chặt chẽ
các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tiền chất
trong lĩnh vực công nghiệp góp phần đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy và nguồn
cung cấp ma túy tổng hợp.
b) Định hướng đến năm
2030
- Đẩy lùi tệ nạn ma
túy, hạn chế đến mức tối đa số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học
thuộc Bộ có tệ nạn ma túy, tạo môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh nhằm
nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và
thương mại;
- Thực hiện có hiệu
quả công tác tuyên truyền và phổ biến về phòng, chống tệ nạn ma túy trong đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ; các quy định về quản
lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp cho các doanh nghiệp
tham gia hoạt động tiền chất;
- Không để tội phạm lợi
dụng sản xuất, điều chế trái phép ma túy tổng hợp ở Việt Nam đồng thời không
làm ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân
có hoạt động liên quan đến tiền chất thông qua việc cấp phép tiền chất trong
lĩnh vực công nghiệp.
2.
Nhiệm vụ
a) Tổ chức đánh giá
thực trạng tình hình người nghiện ma túy trong các đơn vị thuộc Bộ; đánh giá thực
trạng tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ tiền
chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp tại các doanh nghiệp tham gia hoạt động
này;
b) Tổ chức các hoạt động
truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và pháp luật của
Nhà nước về phòng, chống ma túy với những tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy đến
từng cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động thuộc Bộ. Tuyên truyền, phổ
biến sâu rộng các quy định quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực
công nghiệp bằng các hình thức đa dạng, phong phú;
c) Thực hiện kiểm tra
thường xuyên việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tiền chất
trong lĩnh vực công nghiệp;
d) Thực hiện cơ chế
phối hợp trong thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động nhập khẩu tiền chất từ
nước ngoài vào Việt Nam, đối với hoạt động xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra
nước ngoài; phối hợp kiểm soát trong cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, kiểm soát
hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, hoạt động tạm nhập tái xuất tiền chất sử dụng
trong lĩnh vực công nghiệp.
3.
Giải pháp
a) Nhóm giải pháp về
chính trị, xã hội
Nâng cao vai trò,
trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các đơn vị thuộc Bộ trong công tác
phòng, chống ma túy: thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3
năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác
phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Luật Phòng, chống ma túy
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; thường xuyên
đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy ở đơn vị; gắn công tác
phòng, chống ma túy với nhiệm vụ phát triển ngành, lĩnh vực, với hoạt động của
đơn vị.
b) Nhóm giải pháp về
pháp luật, chế độ chính sách
Rà soát các văn bản
quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công
nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có
liên quan.
c) Nhóm giải pháp về
nâng cao năng lực quản lý
- Nghiên cứu kiện
toàn để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng,
chống tệ nạn ma túy, mại dâm từ Bộ đến các đơn vị thuộc Bộ;
- Nghiên cứu hoàn thiện
bộ máy tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp
từ Bộ đến địa phương.
d) Nhóm giải pháp về
thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma túy
- Tăng cường mở hội
nghị, lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ. Quan tâm tuyên truyền đến các
đối tượng là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy
nghề trực thuộc Bộ bằng các hoạt động truyền thông đa dạng, phong phú;
- Kết hợp lồng ghép
các nội dung tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống ma túy với các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao;
- Thường xuyên phổ biến
các quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp
cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiền chất bằng các hình thức thiết
thực, hiệu quả.
đ) Nhóm giải pháp về
giảm cung và giảm cầu về ma túy
- Phát động phong trào
đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong các đơn vị thuộc Bộ;
- Tăng cường kiểm tra
định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong
lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là đối với nhóm tiền chất có nguy cơ cao trên phạm
vi toàn quốc.
e) Nhóm giải pháp huy
động nguồn lực
Ưu tiên kinh phí từ
nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ
nạn ma túy, mại dâm của Bộ và công tác quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng
trong lĩnh vực công nghiệp.
f) Nhóm giải pháp
tăng cường hợp tác quốc tế phòng, chống và kiểm soát ma túy
Đẩy mạnh hợp tác quốc
tế và tham khảo kinh nghiệm về quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh
vực công nghiệp của các nước và các tổ chức quốc tế.
4.
Chương trình hành động
a) Khảo sát tình hình
thực hiện công tác phòng, chống ma túy, số liệu người nghiện ma túy tại các đơn
vị trực thuộc Bộ. Đánh giá thực trạng và kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động
của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của
Bộ;
b) Thường xuyên kiểm
tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập
khẩu, xuất khẩu, sử dụng, tồn trữ tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp;
c) Nghiên cứu phân định
được cấp độ quản lý các loại tiền chất theo mức độ khác nhau, phân loại tiền chất
có nguy cơ cao và tiền chất có nguy cơ thấp để có cơ chế quản lý đến khâu cuối
cùng tránh thất thoát tiền chất để sản xuất ma túy bất hợp pháp;
d) Nghiên cứu để hoàn
thiện phương thức quản lý, kiểm soát tiền chất trong nội địa đến sản phẩm cuối
cùng;
đ) Nâng cấp Trang
thông tin điện tử về quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công
nghiệp;
e) Xây dựng hệ thống
cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu
thông tin về tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp.
Điều 2. Tổ chức thực
hiện
1. Cục Hóa chất
a) Cục Hóa chất - Cơ
quan thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống
tệ nạn ma túy, mại dâm của Bộ là đầu mối trong việc theo dõi, đôn đốc các cơ
quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện các nội dung liên quan đến công tác phòng,
chống ma túy tại Kế hoạch này;
b) Chủ trì phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiền chất sử dụng
trong lĩnh vực công nghiệp;
c) Hàng năm và cuối mỗi
giai đoạn sơ kết, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Chiến lược và thực hiện
Kế hoạch này gửi về Bộ Công an.
2. Các Tập đoàn, Tổng
công ty, các doanh nghiệp, Viện và các trường đại học, cao đẳng, trung học, đào
tạo nghề trực thuộc Bộ
a) Triển khai thực hiện
các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống ma túy của đơn vị mình theo Kế
hoạch này;
b) Hàng năm và cuối mỗi
giai đoạn sơ kết, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này của đơn vị
mình và gửi về Bộ (Cục Hóa chất).
Điều 3. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ,
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an;
- Lưu: VT, HC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Nam Hải
|