ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
49/2014/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 12 năm
2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ NGƯỜI XIN ĂN KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ NHẤT ĐỊNH, NGƯỜI SINH
SỐNG NƠI CÔNG CỘNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ NHẤT ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11
năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP
ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp các đối
tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP
ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã
hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP; Thông tư số
07/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 12202/TTr-SLĐTBXH-XH ngày 19 tháng 8 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng
điều chỉnh và phạm vi áp dụng
1. Quyết định này quy định tiếp nhận,
quản lý, nuôi dưỡng người xin ăn không có
nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quyết định này áp dụng đối với người
xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có
nơi cư trú nhất định và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Quyết định này
không áp dụng đối với tu sĩ khất thực có giấy chứng nhận của cơ quan Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thẩm
quyền.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Những từ ngữ nêu tại Điều 1 của Quyết
định này được hiểu như sau:
1. Người xin ăn: là những người đi
xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh Tu sĩ Phật giáo để
đi khất thực hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như
bán vé số, bán bánh, kẹo và các hành vi tương tự.
2. Sinh sống nơi công cộng: là hành
vi của những người mà mọi sinh hoạt hàng ngày (tắm, giặt, ăn, ngủ) đều diễn ra
nơi công cộng.
3. Nơi công cộng: Vỉa hè, lòng - lề
đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà
ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và những nơi công cộng
khác.
4. Người không có nơi cư trú nhất định
là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm
trú và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định; người có nơi đăng ký
hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại đó mà thường xuyên đi
lang thang, không có nơi ở cố định.
Điều 3. Các biện
pháp quản lý
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung những người xin ăn không
có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất
định; nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh
về thần kinh, tâm thần thì đưa về Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần, các
đối tượng khác đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã
hội để tiến hành lập hồ sơ phân loại, rà soát đối tượng và xử lý bằng một trong
các biện pháp sau đây:
1. Tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh
tâm thần thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Đưa về địa phương nơi cư trú hoặc
giải quyết hồi gia nếu xác minh đối tượng có nơi cư trú nhất định hoặc có người
bảo lãnh.
b) Đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm nếu
xác minh đối tượng không có nơi cư trú nhất định hoặc hết thời hạn xác minh mà
không có trả lời của chính quyền địa phương nơi xác minh.
2. Tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Đối với đối tượng bị tập trung vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội lần thứ nhất, Trung
tâm tổ chức xác minh nơi cư trú và xử lý như sau:
- Đưa về địa phương nơi cư trú hoặc
giải quyết hồi gia nếu xác minh đối tượng có nơi cư trú nhất định.
- Đưa vào nuôi dưỡng tại các Trung
tâm Bảo trợ xã hội nếu xác minh không có nơi cư trú nhất định hoặc hết thời hạn
xác minh mà không có trả lời của chính quyền địa phương nơi xác minh.
- Đối với đối tượng bị tập trung vào
Trung tâm Hỗ trợ xã hội từ lần thứ hai trở lên thì tiếp nhận nuôi dưỡng tại
Trung tâm Bảo trợ xã hội.
3. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Trong thời gian nuôi dưỡng tại
Trung tâm Bảo trợ xã hội, các đối tượng được học văn hóa, học nghề và giới thiệu
việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng.
b) Đối với đối tượng bị tập trung vào
Trung tâm Hỗ trợ xã hội lần thứ nhất không xác minh được nơi cư trú và được tiếp
nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nêu tại tiết 2 Điểm a Khoản 2 Điều
này:
- Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp tục
xác minh căn cứ thông tin đối tượng cung cấp, đưa về địa phương nơi cư trú hoặc
giải quyết hồi gia nếu xác minh có nơi cư trú nhất định.
- Tiếp nhận nuôi dưỡng tối đa không
quá 03 tháng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nếu xác minh đối tượng không có nơi
cư trú nhất định hoặc không có trả lời của chính quyền địa phương nơi xác minh.
c) Đối với đối tượng bị tập trung vào
Trung tâm Hỗ trợ xã hội từ lần thứ hai trở lên và được tiếp nhận nuôi dưỡng tại
Trung tâm Bảo trợ xã hội nêu tại Điểm b Khoản 2 Điều này:
Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận,
xác minh nơi cư trú của các đối tượng bị tập trung vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội
từ lần thứ hai trở lên, Trường hợp xác minh đối tượng có nơi cư trú thì đưa về
địa phương nơi cư trú hoặc giải quyết hồi gia. Trường
hợp không xác minh được nơi cư trú của đối tượng, Trung tâm Bảo trợ xã hội
nuôi dưỡng đối tượng tối đa không quá 03 tháng.
d) Đối với
đối tượng sau khi tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội theo quy định
tại tiết 2 Điểm a Khoản 2 và tiết 2 Điểm b Khoản 3 Điều này: Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp tục xác minh nơi cư trú
và giải quyết hồi gia cho đối tượng theo quy định.
Điều 4. Thẩm quyền
áp dụng biện pháp quản lý
Thẩm quyền của Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội:
1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ
ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội xem xét ban hành quyết định tiếp nhận ban đầu đối tượng xin ăn không
có nơi cư trú nhất định, đối tượng sinh sống, nơi công cộng không có nơi cư trú
nhất định vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội để lập hồ sơ phân loại, nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc
có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần thì tiếp nhận vào Trung tâm điều
dưỡng người bệnh tâm thần (theo mẫu).
2. Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và đề xuất phân loại từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội
hoặc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần, Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội xem xét, ban hành quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm Bảo
trợ xã hội.
3. Tổ chức thực hiện các hướng giải
quyết được quy định Điều 3 Quyết định này.
4. Hướng dẫn thủ tục xác minh nơi cư
trú của đối tượng và quy định những trường hợp đối tượng về trước thời hạn nuôi
dưỡng được quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 3 của Quyết định này.
Điều 5. Hồ sơ tiếp
nhận đối tượng
Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm
thần, Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận đối tượng quy định tại Điều 3 của Quyết
định này từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện bàn giao, hồ sơ
tiếp nhận đối tượng gồm:
1. Biên bản ghi nhận tiếp xúc người
xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có
nơi cư trú nhất định;
2. Văn bản về việc xác nhận đối tượng
xã hội không nơi nương tựa cần được giúp đỡ của phường, xã nơi phát hiện đối tượng;
3. Hồ sơ bệnh án, kết luận giám định
của cơ quan y tế quận, huyện trở lên (nếu có);
4. Văn bản đề nghị của Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội quận, huyện;
5. Biên bản bàn giao người xin ăn
không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư
trú nhất định của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện.
Điều 6. Quản lý đối
tượng trong thời gian lập hồ sơ ban đầu
1. Trung tâm điều dưỡng người bệnh
tâm thần, Trung tâm Hỗ trợ xã hội là đơn vị tiếp nhận ban đầu và quản lý đối tượng,
lập hồ sơ phân loại và chuyển hồ sơ tiếp nhận ban đầu cho Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội để xem xét, ban hành quyết định theo thẩm quyền.
2. Trung tâm điều dưỡng người bệnh
tâm thần, Trung tâm Hỗ trợ xã hội thực hiện các hướng giải quyết theo quy định
tại Điều 3 của Quyết định này trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày đối
tượng tập trung vào Trung tâm.
Điều 7. Lập hồ sơ
đối tượng
Khi tiếp nhận đối tượng, Trung tâm điều
dưỡng người bệnh tâm thần, Trung tâm Hỗ trợ xã hội phải tiến hành lập hồ sơ cá
nhân của từng người, bao gồm:
1. Phiếu lý lịch tự khai (theo mẫu,
có dán ảnh); Phiếu thông tin nhanh (theo mẫu);
2. Các giấy tờ tùy thân hoặc danh chỉ
bản của cơ quan Công an cấp (nếu không có giấy tờ tùy thân);
3. Sổ quản lý sức khỏe đối tượng;
4. Đơn xin học văn hóa, học nghề và
giới thiệu việc làm đối với đối tượng trong độ tuổi lao động quy định tại Điểm
b, Điểm c Khoản 3 Điều 3 Quyết định này đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội (không
áp dụng đối với đối tượng tâm thần);
5. Quyết định tiếp nhận ban đầu đối
tượng xin ăn không có nơi cư trú nhất định, đối tượng sinh sống nơi công cộng
không có nơi cư trú nhất định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
về việc tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần, Trung
tâm Hỗ trợ xã hội.
Điều 8. Chế độ quản lý, chính sách đối với người xin ăn không có nơi cư
trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định
1. Các đối tượng quy định tại Khoản
1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 của Quyết định này được quản lý, thực hiện chính
sách theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của
Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số
13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4
năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Người khuyết tật, Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của
Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể
cơ sở bảo trợ xã hội, Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP, Thông
tư số 07/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và các
văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Mức kinh phí thực hiện chế độ quản
lý, chính sách đối với đối tượng bảo trợ
xã hội được điều chỉnh trong từng thời điểm theo quyết
định của Ủy ban nhân dân Thành phố.
3. Các Trung tâm Bảo trợ xã hội tổ chức
lao động, sản xuất, tạo việc làm phù hợp với khả năng, điều kiện của Trung tâm
Bảo trợ xã hội và của đối tượng, đúng chức năng và nhiệm vụ theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm
của các cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Tổ chức, phối hợp với Công an, Ủy
ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong việc tập trung người
xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có
nơi cư trú nhất định quy định tại Điều 1 của Quyết định này;
b) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại
Điều 4 của Quyết định này.
c) Chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội,
Trung tâm Bảo trợ xã hội phối hợp cung cấp thông tin cho Công an Thành phố
trong trường hợp các đối tượng được tập trung, nuôi dưỡng tại các Trung tâm có
dấu hiệu thuộc đường dây chăn dắt người xin ăn.
d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên
quan tổ chức chăm sóc sức khỏe, dạy văn hóa, dạy nghề cho các đối tượng trong thời gian quản lý, nuôi dưỡng tập trung;
đ) Chủ trì, phối hợp với Công an, Ủy ban nhân dân quận, huyện để quản lý có hiệu
quả những người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công
cộng không có nơi cư trú nhất định;
e) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về
các chính sách, chế độ cụ thể tại Điều 8 của Quyết định này;
g) Mở rộng nhà lưu trú tại Trung tâm
Hỗ trợ xã hội để hỗ trợ cho người từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ
Chí Minh khi gặp khó khăn, cơ nhỡ.
h) Hướng dẫn Trung tâm điều dưỡng người
bệnh tâm thần hình thành 01 (một) khu vực dành cho đối tượng là người tâm thần
được tiếp nhận ban đầu để xử lý.
2. Công an Thành phố:
a) Chỉ đạo và hướng dẫn Công an quận,
huyện trong việc phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện
tập trung người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công
cộng không có nơi cư trú nhất định;
b) Lập danh chỉ bản của người xin ăn
không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư
trú nhất định khi đưa vào tập trung, quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong
trường hợp đối tượng không có giấy tờ tùy thân;
c) Chỉ đạo, tổ chức việc điều tra và
phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định
của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức,
xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn.
3. Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố:
Phối hợp với Công an Thành phố và Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để ngăn chặn các trường hợp
ăn xin, bán hàng rong, đeo bám du khách.
4. Sở Tài chính:
a) Cấp kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho các đơn vị được giao nhiệm vụ
tiếp nhận, quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống
nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định theo quy định tại Điều 3 của Quyết
định này;
b) Đảm bảo chính sách, chế độ quy định cho đối tượng
trong suốt thời gian tập trung quản lý theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố và các văn bản pháp luật có liên
quan.
c) Bố trí ngân sách cho Ủy ban nhân dân quận, huyện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tập trung
người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không
có nơi cư trú nhất định.
5. Sở Nội vụ:
Đảm bảo đủ chỉ tiêu biên chế, nhân sự cho các đơn vị
được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định,
người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định theo quy định của
Nhà nước.
6. Sở Y tế:
Hướng dẫn các đơn vị,
cơ quan y tế chuyên môn thực hiện:
Tiếp nhận và điều trị đến khi đảm bảo ổn định sức
khỏe cho đối tượng là người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống
nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định do quận, huyện tập trung chuyển đến.
Thăm, khám chẩn đoán cho đối tượng là người tâm thần
do quận, huyện chuyển đến.
7. Ủy ban
nhân dân quận, huyện:
a) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
xây dựng kế hoạch phối hợp các ngành có
liên quan trong việc tập trung người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người
sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn để đưa vào
Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần, Trung tâm Hỗ trợ xã hội và các Trung
tâm Bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều 1 của Quyết định này;
b) Có biện pháp hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để ổn
định đời sống cho đối tượng cư trú tại quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
8. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Người cao tuổi Thành phố, Hội Cựu
chiến binh Thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện các nhiệm vụ
cụ thể như sau:
a) Thông tin, tuyên truyền thường xuyên và liên tục
về chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc giải quyết tình trạng người
xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có
nơi cư trú nhất định trên địa bàn Thành phố;
b) Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không
cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn trên đường phố; vận động người dân có
lòng hảo tâm làm việc thiện nên gửi tiền hoặc hiện vật đến các quỹ từ thiện của
các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện xã hội để hỗ trợ cho các
đối tượng xã hội;
c) Gắn mục tiêu giải quyết người xin ăn không có
nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định
trên địa bàn quận, huyện với cuộc vận động xây dựng khu phố, ấp văn hóa, gia
đình văn hóa của Thành phố.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười)
ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số
104/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003, Quyết định
số 183/2006/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2006, Quyết định số 88/2009/QĐ-UBND
ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân
dân Thành phố.
2. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ
trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 10;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Công an;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Các Sở - ngành Thành phố;
- Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố;
- Các đoàn thể Thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (VX-Th2) H.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hứa Ngọc Thuận
|