Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 460/QĐ-UBND 2019 Đề án huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng Trà Vinh

Số hiệu: 460/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Nguyễn Trung Hoàng
Ngày ban hành: 21/03/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 460/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 21 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2019 – 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04/10/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đọan 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 16-KH/TU ngày 04/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 – 2020 và tình hình thực tế triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 40/TTr-SNN ngày 25/01/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2019 – 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu Đề án

a) Mục tiêu tổng quát

- Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực một cách toàn diện theo hướng hiện đại góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Đến năm 2020 có 51% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu xây dựng huyện Tiểu Cần đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 14 tiêu chí.

- Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phân tích, đánh giá thực trạng huy động, các giải pháp đã triển khai để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của tỉnh Trà Vinh thời gian qua rút ra những kết quả, hạn chế, tìm các nguyên nhân.

- Xây dựng phương hướng và đề xuất hệ thống các giải pháp tăng cường hơn nữa nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới.

- Huy động tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020 là 2.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách Nhà nước 473,582 tỷ đồng, chiếm 23,68%; vốn ngoài Nhà nước 1.526,418 tỷ đồng, chiếm 76,32% tổng vốn đầu tư cả giai đoạn 2019 – 2020. Trong đó ưu tiên tập trung phân bổ thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thuộc các tiêu chí như: Giao thông (khoảng 1.000 tỷ đồng); Thủy lợi (100 tỷ đồng); Trường học (350 tỷ đồng); Cơ sở vật chất văn hóa (350 tỷ đồng); Nhà ở dân cư (70 tỷ đồng); Môi trường và an toàn thực phẩm (130 tỷ đồng),…

2. Nhiệm vụ thực hiện huy động nguồn lực

a) Vốn ngân sách: Hỗ trợ đạt 473,582 tỷ đồng (23,68%), gồm ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó:

- Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương khoảng 284,149 tỷ đồng (60%), bình quân khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm, vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có) và các khoản viện trợ không hoàn lại của các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

- Nguồn vốn từ ngân sách địa phương khoảng 189,433 tỷ đồng (40%), bình quân khoảng 94 tỷ đồng mỗi năm.

+ Đối với ngân sách cấp tỉnh trích 30% nguồn thu cấp quyền sử dụng đất (phần để lại ngân sách tỉnh) trích tối thiểu 30% nguồn vượt thu (nếu có) để đầu tư các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

+ Đối với nguồn ngân sách cấp huyện để hỗ trợ, kích thích, thu hút nguồn vốn khác và trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng, ngân sách cấp huyện dành tối thiểu 30% tiền cấp quyền sử dụng đất (phần đã phân cấp cho cấp huyện) trích tối thiểu 30% và nguồn vượt thu (nếu có) để đầu tư các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư theo đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

+ Đối với ngân sách cấp xã trích tối thiểu 30% nguồn vượt thu (nếu có) để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Vốn tín dụng: Huy động nguồn vốn tín dụng khoảng 1.126,4 tỷ đồng (56,32%) theo các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường đầu tư tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn, đặc biệt tại các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

c) Vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác: Huy động khoảng 200 tỷ đồng (10%). Tập trung huy động vào các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng các công trình công cộng có thu phí để thu hồi vốn như: Chợ, công trình cấp nước sạch cho cụm dân cư, điện, thu dọn và chôn lấp rác thải; Đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tổ chức đào tạo, tập huấn và hướng dẫn bà con tiếp cận kỹ thuật tiến tiến và tổ chức sản xuất những giống cây, vật nuôi, dịch vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ khuyến nông, khuyến công,…

d) Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư: khoảng 200 tỷ đồng (10%). Việc huy động các khoản đóng góp thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, công trình.

3. Giải pháp thực hiện

a) Tăng cường huy động nguồn vốn từ ngân sách nhà nước:

- Đối với nguồn hỗ trợ đu tư từ Trung ương

+ Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương để xây dựng các chương trình, dự án nhằm tranh thủ nguồn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương. Tăng cường phối hợp với Bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai các công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung danh mục và bố trí vốn đầu tư đối với công trình mới từ các chương trình, dự án của Chính phủ;

+ Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương (các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của Chương trình xây dựng nông thôn mới bao gồm cả trái phiếu Chính phủ) (nếu có); đối với các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giao các Sở, ngành là cơ quan quản lý chương trình thực hiện lồng ghép các dự án thành phần để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; đối với nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Chương trình chính phủ, ngoài việc thực hiện theo các mục tiêu của từng chương trình, phải lồng ghép để thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Đối với ngân sách địa phương:

+ Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách. Xác định tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất và nguồn vượt thu (nếu có) để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.

+ Huy động nguồn ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã và các nguồn vốn hợp pháp khác bằng các cơ chế chính sách, nguồn ngân sách tỉnh với vai trò là nguồn vốn “thúc đẩy” để hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình.

b) Tăng cường huy động nguồn vốn qua kênh tín dụng

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, làm rõ cho các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh thấy rõ hơn tín dụng là kênh vốn chủ yếu cho nông dân để phát triển kinh tế - xã hội.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hiệu lực của Nhà nước đối với việc quản lý vốn của Nhà nước cho nông dân vay để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh (cả sản xuất và tiêu thụ cho hộ nông dân) góp phần giảm rủi ro tín dụng, tạo nhu cầu ổn định về vốn vay của nông dân.

- Cần mở rộng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn cả về nguồn vốn, phạm vi và hình thức hoạt động với thủ tục đơn giản, linh hoạt về mức vay.

c) Tăng cường huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp

- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi chính sách theo hướng ưu tiên hơn nữa đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn so với các dự án khác.

- Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thuỷ lợi, điện, nước,...), quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng,... Đồng thời, thực hiện các giải pháp tăng cường khả năng thu hút và sử dụng các nguồn vốn vay và tài trợ quốc tế.

- Khuyến khích người dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chế biến nông, lâm, thuỷ sản và dịch vụ nông thôn. Tôn vinh ưu đãi những tập thể, cá nhân có công đầu tư phát triển ngành nghề, phát triển thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp đến tận cơ sở để nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp và cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về cơ chế, về thị trường một cách nhanh chóng.

d) Huy động nguồn lực xã hội hóa

- Huy động vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nội dung, hình thức huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư thực hiện theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Các khoản đóng góp của cộng đồng, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn bao gồm: Đóng góp xây dựng các công trình công cộng của địa phương bằng công lao động, tiền mặt, vật liệu, máy móc thiết bị, hiến đất…(nếu đóng góp bằng tiền thì cần được cộng đồng bàn bạc quyết định, Hội đồng nhân dân xã thông qua); đóng góp tự nguyện và tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

- Thực hiện rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.

đ) Tăng cường cải cách hành chính

Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền loại bỏ các thủ tục rườm rà, tạo sự thông thoáng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức; tiếp tục duy trì và thực hiện tốt đối thoại với doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Trà Vinh.

e) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và nội lực của người dân để xây dựng nông thôn mới

- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04/10/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đọan 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Tăng cường công tác thông tin để người dân hiểu rõ xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chủ thể là người dân, nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần nhằm phát triển nông thôn toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

- Ban chỉ đạo các cấp tổ chức tuyên truyền, học tập, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp tục xây dựng chuyên mục về xây dựng Nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong suốt quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy nội lực, tự lực, tự cường và trách nhiệm cao của cộng đồng dân cư nông thôn; chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

g) Phát huy vai trò của chủ thể cộng đồng dân cư trong thực hiện chương trình nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới phải xác định chủ thể cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, cơ chế, chính sách, cơ chế hỗ trợ. Cần tích cực tuyên truyền để cán bộ, người dân thấy được vai trò chủ thể của mình, vì chỉ khi nào cán bộ cơ sở và người dân hiểu đúng, hiểu rõ yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới thì mới tạo ra tính chủ động, tự giác tham gia và tham gia một cách sáng tạo vào việc xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư, cụ thể: Tham gia và lựa chọn những công việc gì cần làm trước và việc gì làm sau thật thiết thực với yêu cầu của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương; quyết định mức độ đóng góp trong xây dựng các công trình công cộng của xã; trực tiếp tổ chức thi công hoặc tham gia thi công xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội của xã theo kế hoạch hàng năm; tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã; tổ chức quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành.

h) Hoàn thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh thông qua các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử của Trung ương và địa phương.

- Ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng hỗ trợ thu hút đầu tư; tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; sử dụng hình thức hợp tác nhà nước và tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong xử lý hồ sơ của nhà đầu tư.

- Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo nghề gắn với đầu ra nhằm đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cao của nhà đầu tư. Phát triển hệ thống dạy nghề đa cấp (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề), chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

- Bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành động kích động, gây rối, phá hoại đến hoạt động triển khai dự án và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Có biện pháp đủ mạnh để can thiệp kịp thời, có hiệu quả để dự án hoạt động bình thường, tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư như: chổ ở, các dịch vụ tài chính, ngân hàng,...

- Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; nghiên cứu và có chính sách vận động thu hút các đối tác, nhà đầu tư trọng điểm, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cùng khu vực; nâng cao chất lượng, nội dung tài liệu xúc tiến đầu tư; tiếp tục triển khai và mở rộng các chương trình hợp tác phát triển giữa Trà Vinh và các địa phương trong và ngoài nước; tăng cường hơn nữa tính chủ động phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành và địa phương trong xúc tiến đầu tư; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

- Đổi mới công tác triển khai quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách; làm tốt việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, công bố rộng rãi quy hoạch.

i) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cộng đồng trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới

- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn. Nâng cao năng lực cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật về nông nghiệp, nông thôn từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền và Ban chỉ đạo các cấp, tổ công tác và các cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ tỉnh xuống cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch và mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới đã xác định.

- Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các Sở, Ban, ngànhđịa phương với các nhà đầu tư để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư.

4. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì hướng dẫn tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn rà soát lại và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các địa phương có liên quan định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) kết quả thực hiện Đề án theo định kỳ, yêu cầu; chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

b) Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các tiêu chí cho từng xã; tổng hợp kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện chương trình.

- Thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở các xã để đề xuất phương án hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

c) Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí ngân sách thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn trong dự toán thu, chi ngân sách địa phương hàng năm.

- Chủ trì tham mưu các giải pháp về tăng thu ngân sách, đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình nông thôn mới.

- Chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn, xử lý kịp thời các vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo chế độ quy định; đôn đốc giải ngân, thanh quyết toán các nội dung hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có liên quan cân đối, lồng ghép, phân bổ nguồn lực để thực hiện Chương trình nông thôn mới; hướng dẫn việc lồng ghép đầu tư các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Đồng thời, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư, phát triển trên địa bàn tỉnh. Từ đó, huy động các nguồn lực này phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo dõi, tổng hợp hàng quý, năm hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 10/4/2018 và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 12/3/2019.

đ) Các Sở, Ban, ngành có liên quan

- Tích cực phối hợp vận động huy động các nguồn vốn theo lĩnh vực quản lý. Căn cứ nội dung của Đề án triển khai thực hiện, chủ động huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các thành phần kinh tế,... đến đầu tư tại Trà Vinh.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố các chủ đầu tư, làm việc, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để huy động các nguồn vốn: Trái phiếu chính phủ, Chương trình hỗ trợ có mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện lồng ghép đầu tư cho khu vực nông thôn.

e) Các cơ quan thông tin đại chúng: Tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia các nội dung Đề án.

g) Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Chịu trách nhiệm rà soát các chương trình, dự án trên địa bàn để lập kế hoạch lồng ghép cho các xã; tổng hợp kế hoạch lồng ghép nguồn vốn hàng năm, báo cáo các chương trình, dự án về Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý các nguồn kinh phí, quyết toán các công trình do Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư.

- Xây dựng kế hoạch huy động, thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tùy điều kiện cụ thể để nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách của huyện, thị xã, thành phố để huy động các nguồn lực hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.

h) Ủy ban nhân dân các xã

- Xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông qua Hội đồng nhân dân xã, phối hợp với nguồn lực của tỉnh, huyện và huy động nguồn lực của địa phương, của nhân dân thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy định; quản lý mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh.

- Chịu trách nhiệm rà soát từng công tình, tiêu chí ưu tiên, xây dựng kế hoạch đầu tư gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời phải đảm bảo huy động được đủ nguồn vốn ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ để thực hiện các dự án đã lập kế hoạch đầu tư; kế hoạch phải đảm bảo lồng ghép cho từng công trình trên địa bàn, phục vụ từng tiêu chí cụ thể và đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.

- Chịu trách nhiệm về công tác quản lý các nguồn vốn theo phân cấp để triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hoàng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 460/QĐ-UBND ngày 21/03/2019 về phê duyệt Đề án huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2019 - 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.122

DMCA.com Protection Status
IP: 44.211.34.178
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!