BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 454/QĐ-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 04 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM
2014
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1555/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động
quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo
vệ, chăm sóc trẻ em,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì
trẻ em năm 2014 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Bộ GD&ĐT; Bộ Y tế; Bộ VHTT&DL; Bộ TTTT; Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng; TW Đoàn TNCSHCM; TW Hội LHPNVN; Hội BVQTEVN (để phối hợp);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, BVCSTE(2b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Doãn Mậu Diệp
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2014
(Kèm theo Quyết định số 454/QĐ-LĐTBXH ngày 17 tháng 4 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
I. MỤC ĐÍCH
1. Thu hút sự quan tâm của các cấp ủy,
chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục
tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng như
phòng ngừa, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
2. Thực hiện hiệu quả các chính sách,
chương trình; vận động xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội để trẻ
em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.
3. Tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc
biệt trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một
kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.
II. CHỦ ĐỀ THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ
EM
"Hành động vì một xã hội
không bạo lực, không xâm hại trẻ em"
Trong những năm qua, công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em đã được quan tâm, đầu tư về mọi mặt. Nhiều chính sách và chương
trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước
về thực hiện quyền trẻ em nói chung và giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại đối
với trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại
có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều hành vi vi phạm
nghiêm trọng quyền trẻ em trở thành vấn đề xã hội nóng cần can thiệp, hạn chế.
Năm 2014, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc
tại Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động
chiến dịch truyền thông "Chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em" nhằm hưởng
ứng chiến dịch toàn cầu về "Chấm dứt bạo lực trẻ em" do Quỹ Nhi đồng
Liên hiệp quốc phát động.
Vì vậy, với chủ đề "Hành động
vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em", Tháng hành động vì
trẻ em năm 2014 hướng tới phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo
lực, xâm hại, bóc lột để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh,
được phát triển toàn diện.
Các khẩu hiệu tuyên truyền
1. Trẻ em có quyền được sống an toàn
để phát triển
2. Bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em
là vi phạm pháp luật
3. Roi vọt không làm trẻ nên người,
yêu thương mạnh hơn lời quát mắng
4. Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh
phúc, bình yên
5. Hãy gọi 18001567 khi thấy trẻ em bị
bạo lực, xâm hại, bóc lột!
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức các sự kiện và
các hoạt động truyền thông, vận động xã hội
1.1. Tổ chức Lễ
phát động
- Tại Trung ương: Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà
Tĩnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 vào ngày
29/5/2014.
- Tại địa phương: tổ chức Lễ phát động
Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 từ tuần thứ tư của tháng 5 đến trước ngày 01
tháng 6 năm 2014.
1.2. Hoạt động truyền thông, vận động
xã hội
- Nâng cao nhận thức của mọi người
dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần hạn chế tình trạng trẻ em
bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, bóc lột sức lao động, rơi vào tệ nạn
xã hội, vi phạm pháp luật trong dịp nghỉ hè; phối hợp với các ban, ngành và các
cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về chủ đề, các hoạt động, công trình,
sáng kiến trong Tháng hành động vì trẻ em; phát sóng các chương trình đặc biệt,
tập trung phản ánh các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em.
- Tổ chức các diễn đàn đối thoại,
bình luận về các chủ trương, chính sách, các nguồn vận động xã hội, các công
trình phúc lợi cho trẻ em.
- Tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em,
trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khai
trương, triển khai các công trình dành cho trẻ em.
- Tăng cường vận động các nguồn lực
trong nước và quốc tế hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt.
2. Tổ chức các hoạt động
văn hóa, thể thao, vui chơi và mùa hè an toàn, lành
mạnh.
- Tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp.
- Tổ chức các lớp kỹ năng sống, kỹ
năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng thực hiện quyền tham gia, các lớp dạy bơi
phòng đuối nước cho trẻ em.
- Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải
trí cho trẻ em.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
A. Tại Trung ương
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn triển khai Tháng hành động
vì trẻ em.
- Tổ chức họp báo, giao ban báo chí,
xây dựng thông điệp, xây dựng phóng sự tuyên truyền về Tháng hành động vì trẻ
em trên các phương tiện truyền thông.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan
triển khai các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em.
- Theo dõi, giám sát quá trình thực
hiện kế hoạch và báo cáo tổng kết Tháng hành động vì trẻ em.
- Chuẩn bị cho các đoàn của Lãnh đạo
Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ đi thăm, tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em.
- Phối hợp với các đơn vị có liên
quan tổ chức cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
- Vận động các nhà tài trợ hỗ trợ quà
tặng cho trẻ em tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và các trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt khác.
2. Đề nghị các bộ, ngành có
liên quan:
2.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến
thức về phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em và trẻ em vi phạm
pháp luật cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
- Giáo dục trẻ em kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, rơi vào tệ nạn xã hội,
tai nạn thương tích (đặc biệt các tai nạn giao thông, đuối nước); kỹ năng tham
gia giao thông an toàn, sơ cứu người bị tai nạn, thương tích ... trong các cơ sở
giáo dục.
2.2. Bộ Y tế
- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, kỹ
thuật về phòng ngừa, ngăn chặn các bệnh dịch lây lan trong mùa hè; tăng cường
công tác khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em suy dinh
dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm
HIV, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị tai nạn,
thương tích.
- Bảo đảm việc cung cấp đủ thuốc có
chất lượng phục vụ việc phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; điều kiện và chất lượng
phòng bệnh, khám bệnh, phát hiện bệnh, chữa bệnh, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.
2.3. Bộ Công an
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện
pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em và trẻ em vi phạm
pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan có liên
quan quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc
trại tạm giam, trại giam; bảo đảm các điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết
cho trẻ em trong trường giáo dưỡng, trại tạm giam, trại giam; xử lý nghiêm khắc
các hành vi vi phạm quyền và lợi ích của trẻ em theo quy định của pháp luật.
2.4. Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng thư
viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim, điểm vui chơi, giải
trí, cơ sở thể dục, thể thao dành cho trẻ em; có chính sách ưu tiên cho trẻ em
thăm quan, danh lam, thắng cảnh, đi du lịch, sử dụng các cơ sở thể dục, thể
thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du
lịch phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần của
trẻ em.
- Kiểm tra, thanh tra và xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao
và du lịch dành cho trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thuộc thẩm quyền của Bộ để
đảm bảo yêu cầu giáo dục, phù hợp tâm lý, sinh lý lứa tuổi và an toàn cho trẻ
em.
2.5. Bộ Thông tin và Truyền
thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan
thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục
trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; tăng cường nội dung thông tin phục vụ nhu cầu
văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí cho trẻ em trong hè.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông
tin đại chúng xây dựng chương trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên mục,
chuyên trang hợp lý để phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, ngăn
chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
- Kiểm tra, thanh tra các hoạt động,
sản phẩm, phương tiện thông tin, truyền thông dành cho trẻ em và có liên quan đến
việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2.6. Bộ Quốc phòng (Ban Dân
số, Gia đình và Trẻ em)
- Chỉ đạo hệ thống ngành dọc xây dựng
kế hoạch về bảo vệ trẻ em trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ; có kế hoạch
cụ thể và việc làm thiết thực phù hợp với chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm
2014.
- Tổ chức các hoạt động vui chơi giải
trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ cho trẻ em là con quân nhân, đặc biệt trẻ em ở
vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số...
2.7. Trung ương Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh
- Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch
hoạt động cho trẻ em sinh hoạt hè, vui chơi giải trí, ôn tập kiến thức, tổ chức
các hội thi, cắm trại, tổ chức các hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ
em, tọa đàm về quyền và bổn phận của trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại, tai
nạn thương tích trẻ em, giáo dục kỹ năng cho trẻ em trên địa bàn dân cư.
- Tổ chức các sân chơi cho trẻ em tại
các khu vực công cộng (công viên, quảng trường, Nhà văn hóa, Nhà thiếu nhi...)
thông qua các mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm theo sở thích, xây dựng lối sống tập
thể, vì cộng đồng; tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ em kỹ
năng tự bảo vệ mình, phòng, tránh các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bóc lột lao
động, rơi vào tệ nạn xã hội; phòng tránh tai nạn thương tích (đặc biệt các tai
nạn giao thông, đuối nước), tham gia giao thông an toàn, học bơi, sơ cứu người
bị tai nạn, thương tích...
- Huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp
đỡ học sinh nghèo, học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học được trở lại trường
tham gia học tập.
2.8. Trung ương Hội Liên hiệp
phụ nữ Việt Nam
- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức diễn
đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về giáo dục bà mẹ nuôi, dạy con tốt; tọa đàm
với các hộ gia đình nghèo có con bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học, những gia đình
có trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình để bàn giải pháp hỗ trợ.
- Phối hợp với các cơ quan có liên
quan tổ chức cho trẻ em sinh hoạt hè, vui chơi giải trí, lao động phù hợp và
tham gia các hoạt động xã hội thiết thực, an toàn.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông
nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ,
chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em...
- Tổ chức giao lưu biểu dương gia
đình nuôi, dạy con tốt.
2.9. Hội Bảo vệ quyền trẻ
em Việt Nam
- Tổ chức các hoạt động truyền thông,
diễn đàn trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện quyền của
trẻ em.
- Tổ chức các lớp kỹ năng sống, kỹ
năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng thực hiện quyền tham gia, các lớp dạy bơi cho trẻ em.
- Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải
trí cho trẻ em thông qua các hình thức như: thi các trò chơi dân gian, các giải
bóng đá, cầu lông, đá cầu, bóng bàn... nhằm thu hút và phát huy quyền tham gia
của trẻ em, góp phần hạn chế trẻ em sa đà vào các trò chơi mang tính bạo lực,
tham gia các vụ việc gây mất trật tự nơi công cộng và các tệ nạn xã hội khác.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng
hành động vì trẻ em năm 2014 trước ngày 25/4/2014.
2. Báo cáo kết quả triển khai Tháng
hành động vì trẻ em năm 2014 trước ngày 10/7/2014 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
Kế hoạch và báo cáo gửi về: Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em), số 35 Trần Phú, Quận Ba Đình,
thành phố Hà Nội; Điện thoại: 04.3747.84.23 hoặc 04.3747.56.28; Fax:
04.3747.87.19; Email: [email protected]./.