QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NGƯỜI CAO TUỔI THAM GIA ĐẨY MẠNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ, CHUYỂN ĐỔI XANH, KHỞI NGHIỆP VÀ TẠO VIỆC LÀM”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ
Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng
11 năm 2019;
Căn cứ
Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ
Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030;
Theo đề
nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh
chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm” (sau đây viết tắt
là Đề án), với những nội dung như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Quán triệt
và thể chế hóa sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của
Nhà nước về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi
nghiệp và tạo việc làm trong quá trình già hoá dân số nhanh ở Việt Nam.
2. Thống
nhất nhận thức, tư duy người cao tuổi là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện
mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình
của dân tộc; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi được lao động, cống
hiến, làm việc, đồng thời được thụ hưởng những thành tựu phát triển của đất nước.
3. Việc
triển khai Đề án phù hợp với quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi
nghiệp và tạo việc làm trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm tính khả thi, kế thừa
và phát huy các kết quả thực tiễn, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp
với điều kiện của Việt Nam.
4. Quá trình tổ
chức thực hiện bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, địa phương và Hội Người cao tuổi Việt Nam; sự
tham gia của các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp tục phát huy trí tuệ,
kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã
hội của đất nước.
II. MỤC TIÊU
1. Mục
tiêu tổng quát
a) Nâng cao nhận
thức của xã hội, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của người cao tuổi; nhận
thức, khát vọng của cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chủ trương, chính sách
của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc người cao tuổi tham gia đẩy mạnh
chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm trong giai đoạn
phát triển mới.
b) Phát huy tiềm
năng, vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số,
chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu,
khả năng đóng góp quan trọng của người cao tuổi thực hiện mục tiêu phát triển bền
vững đất nước.
c) Tạo điều
kiện để người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi
nghiệp và tạo việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần; tiếp
tục nêu gương sáng, giáo dục thế hệ trẻ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Mục
tiêu cụ thể
a) Giai đoạn
2025 - 2030
- Phấn đấu
90% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức
về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
- Phấn đấu
50% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: dịch vụ
công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên
không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa
phương.
- Trồng ít
nhất 100 triệu cây xanh, mỗi tỉnh có ít nhất 05 mô hình của người
cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 03 mô hình sản xuất
nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
- Ít nhất 1.260
người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 500 mô hình người cao tuổi
khởi nghiệp.
- Ít nhất 100.000
người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp.
b) Giai đoạn
đến 2035
- Phấn đấu
100% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
- Phấn đấu
70% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: dịch vụ
công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên
không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa
phương.
- Trồng ít
nhất 200 triệu cây xanh, mỗi tỉnh có ít nhất 10 mô hình của người
cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 05 mô hình sản xuất
nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
- Ít nhất 2.500
người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 1.000 mô hình người cao tuổi
khởi nghiệp.
- Ít nhất 200.000
người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Truyền
thông nâng cao nhận thức của người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,
khởi nghiệp và tạo việc làm; vai trò, vị thế đóng góp của người cao tuổi tham
gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm vì sự
phát triển bền vững của đất nước.
- Tổ chức
hoạt động truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm cho
cán bộ, hội viên, người cao tuổi.
- Tổ chức
diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm giúp cán bộ hội và hội viên người cao tuổi
hình thành ý tưởng, quyết tâm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo
việc làm.
- Tổ chức
đối thoại giữa cán bộ hội, hội viên, người cao tuổi với lãnh đạo cấp ủy, chính
quyền và các ngành có liên quan để thúc đẩy việc hoàn thiện cơ chế, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, địa phương đối với việc hỗ trợ người cao tuổi trong khởi
nghiệp, lập nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
- Tổ chức
“Ngày Hội người cao tuổi trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm.
- Tổ chức
giao lưu giữa các doanh nhân người cao tuổi tiêu biểu có tinh thần dân tộc, trách
nhiệm xã hội và tình cảm với cán bộ hội, hội viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm về
khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, hình thành tư duy, có hướng đi đúng đắn, hạn
chế rủi ro và tránh được những sai lầm trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo.
2. Nâng cao năng
lực đội ngũ cán bộ triển khai Đề án và cán bộ, hội viên, người cao tuổi
về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
- Phối hợp
với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng
chuyên đề về khởi nghiệp, những kiến thức cần thiết về khởi nghiệp; hỗ trợ,
trang bị các kỹ năng, kiến thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và điều hành doanh
nghiệp cho các chủ doanh nghiệp là người cao tuổi.
- Phối hợp
mở các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực
nông, lâm, thủy sản; hạch toán kinh doanh, xây dựng thương hiệu, truy suất nguồn
gốc, chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho người cao tuổi.
- Đào tạo
tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia triển khai Đề án về kiến thức, kỹ
năng, phương pháp hỗ trợ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển
đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
3. Xây dựng
thí điểm mô hình về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm
- Xây dựng
mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi số trong lao động sản xuất, quản lý,
phát triển xã hội và trong các hoạt động Hội Người cao tuổi.
- Xây dựng
và hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi
xanh trong lao động - sản xuất, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; hỗ trợ các
điều kiện để xây dựng mô hình hộ gia đình trồng cây xanh và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng
mô hình người cao tuổi tham gia khởi nghiệp và tạo việc làm: rà soát, đánh giá,
lựa chọn, củng cố, nâng cao chất lượng và hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện để duy
trì, nhân rộng mô hình phù hợp hiện có và xây dựng mô hình mới tại cộng đồng.
4. Nghiên cứu
khoa học và đề xuất chính sách hỗ trợ người cao tuổi
- Nghiên cứu
đánh giá thực trạng, tổ chức tọa đàm, hội thảo đề xuất chính sách hỗ trợ người
cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo
việc làm.
- Tổ chức
tham quan, khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế về
mô hình người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi
nghiệp và tạo việc làm.
5. Đẩy mạnh
hoạt động tư vấn, phản biện; theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề
án
- Tổ chức
các hoạt động tư vấn, phản biện; theo dõi, giám sát việc thực hiện Đề án.
- Định kỳ
đánh giá hiệu quả, tác động của Đề án làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn tiếp
theo.
- Xây dựng
báo cáo định kỳ; hình thành và duy trì các kênh thông tin phản hồi từ các địa
phương, đơn vị để tổng hợp, báo cáo.
6. Tăng cường
hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các hoạt động
của Đề án
- Tổ chức
các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế về phát huy vai trò người cao tuổi
tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
- Tạo cơ hội
để các mô hình người cao tuổi thành công về khởi nghiệp, tạo việc làm được kết
nối, hợp tác với doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
- Huy động
hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế thông qua các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài
nước để triển khai thực hiện Đề án.
IV. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực
hiện các nhiệm vụ của Đề án được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước
của các bộ, ngành liên quan, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện
hành, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước và các nguồn vốn
hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo
về thời hạn, tiến độ thực hiện.
2. Đẩy mạnh
xã hội hoá nguồn lực phục vụ triển khai thực hiện Đề án; các bộ, ngành liên quan
và các địa phương chủ động bố trí, lồng ghép các nhiệm vụ và huy động các nguồn
vốn hợp pháp khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của
Đề án.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm
của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan
a) Bộ Tài
nguyên và Môi trường
- Chủ trì,
phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện
và hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
- Chủ trì
thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần
hoàn theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.
- Kiểm
tra, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền
điều chỉnh nội dung nhiệm vụ (nếu cần thiết).
b) Bộ
Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì
thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số theo quy định
tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức
thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về các nội dung của Đề án
theo quy định của pháp luật.
c) Bộ Khoa
học và Công nghệ
- Chủ trì
thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp
theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức
thực hiện các hoạt động người cao tuổi tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới
sáng tạo theo quy định của pháp luật.
d) Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì
thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh các hoạt động tạo việc làm
theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức
thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tạo việc làm cho người cao tuổi theo
quy định của pháp luật.
đ) Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì,
thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, trồng
cây xanh theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.
e) Bộ Tài
chính
Căn cứ khả
năng cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, Bộ
Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán chi thường xuyên của
ngân sách trung ương hàng năm làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương bố trí
kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định này theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
g) Trung ương Hội
Người cao tuổi Việt Nam
- Tổ chức
triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đã được phê duyệt tại Quyết định
này; chỉ đạo, hướng dẫn Hội người cao tuổi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương tham gia góp ý xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương.
- Xây dựng
dự toán, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật
có liên quan.
- Vận động
nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ các hoạt động của
Đề án theo quy định của pháp luật.
- Vận động,
thực hiện và tham gia khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển
khai thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp
với các Bộ, ngành địa phương, đoàn thể và tổ chức có liên quan trong quá trình
triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo Sở
Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án theo quy định tại Quyết định này.
- Chỉ đạo
Hội người cao tuổi các cấp phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức triển
khai thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định này.
- Bố trí
ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được phê
duyệt tại Quyết định này theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành bảo đảm phù
hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên
quan.
3. Đề nghị
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, hiệp hội, tổ chức,
doanh nghiệp có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện
Đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về người
cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo
việc làm theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Hội Người cao tuổi Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KGVX (2b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thành Long
|