UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3407/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày
14 tháng 7 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÓA BỎ ĐỊA BÀN PHỨC
TẠP VỀ MA TÚY Ở NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật phòng, chống ma túy ngày 03 tháng
6 năm 2008, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày
23/7/2013;
Căn cứ Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm
soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ
An, giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An
tại Tờ trình số 1619/CAT-PV11 ngày 28/6/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao hiệu
quả xóa bỏ địa bàn phức tạp về ma túy ở Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020, tầm
nhìn đến năm 2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban,
ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và
các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Xuân Đại
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÓA BỎ ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỀ MA TÚY Ở NGHỆ
AN, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3407/QĐ-UBND ngày 14/7/2016 của UBND tỉnh)
Ngày 29/12/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An
ban hành Quyết định số 5845/QĐ-UBND kèm theo Đề án “Nâng cao hiệu quả xóa bỏ địa
bàn phức tạp về ma túy ở Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015”. Qua 05 năm chỉ đạo
triển khai thực hiện đã thu được nhiều kết quả quan trọng, từng bước nâng cao
trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa
phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác
PCMT; nhiều đường dây, đối tượng, ổ nhóm phạm tội về ma túy được khám phá, bóc
gỡ; tình trạng thẩm lậu ma túy qua biên giới, tái trồng cây có chứa chất ma túy
được hạn chế, kìm giữ; công tác cai nghiện và quản lý sau cai mang lại hiệu quả
tốt… góp phần từng bước chuyển hóa mạnh mẽ các địa bàn phức tạp về ma túy, kìm
giữ tốc độ gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy
trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, đến nay Nghệ An vẫn là địa
bàn trọng điểm phức tạp về ma tuý.
Phần 1
THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VÀ
KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ
AN, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. TÌNH HÌNH TỘI PHẠM MA TÚY
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015.
Chính phủ, Bộ Công an xác định Nghệ An là một
trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, bởi hội tụ 04 yếu tố: sản xuất; buôn bán, thẩm lậu; trung chuyển và sử dụng trái phép chất ma
túy lớn.
1. Là địa bàn diễn ra hoạt động sản xuất trái phép ma túy phức tạp
- Tỉnh Nghệ An có một bộ phận lớn
đồng bào dân tộc Mông sống ở 03 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có phong tục
tập quán trồng cây thuốc phiện từ lâu đời. Giai đoạn 2011
- 2015, các cơ quan chức năng đã phối hợp phát hiện, vận động xóa nhổ 28.006 m2 cây thuốc phiện trồng
xen với hoa màu tại địa bàn các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương
Dương (năm 2011: 6.050 m2; năm 2012: 12.230 m2; năm 2015: 9.726 m2 ;
6 tháng đầu năm 2016: xóa nhổ 20kg cây thuốc phiện).
Đặc biệt, đã phát hiện hoạt động sản xuất, điều chế chất ma túy tổng hợp trên địa bàn với số lượng
lớn, thủ đoạn rất tinh vi, khó phát hiện: năm 2012, phát hiện, bắt giữ
01 vụ sản xuất ma túy, thu 1.200 gam ma túy dạng đá, 23 can nhựa
đựng các loại dung dịch, hóa chất, tiền chất điều chế ma túy dạng; năm 2013, phát
hiện, bắt giữ 01 vụ sản xuất ma túy, thu 28 loại hoá chất, dụng
cụ, phương tiện điều chế ma tuý dạng đá.
2. Là địa bàn thẩm lậu, mua bán
ma túy lớn
- Với đặc điểm là tỉnh có đường biên giới dài
(419,5 km) tiếp giáp với 3 tỉnh nước CHDCND Lào là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng,
Bôlykhămxay, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), cửa khẩu quốc gia Thanh Thuỷ
(Thanh Chương), 03 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường tiểu ngạch. Ngoài ra, có các
cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình) là những
cửa khẩu mà bọn tội phạm lợi dụng vận chuyển ma tuý về Nghệ An. Mặt khác, với vị
trí địa lý gần khu vực “Tam giác vàng” - thánh địa ma túy của thế giới[1]. Do đó, tội phạm ma túy
trong và ngoài nước đã triệt để lợi dụng tính chất địa bàn tuyến biên giới Nghệ
An để mua bán, thẩm lậu ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam.
- Qua thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống
ma túy thời gian qua, cũng như giai đoạn 2011 – 2015 cho thấy, 80 - 85% lượng
ma túy thu được hàng năm của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An có nguồn gốc từ
nước ngoài được bọn tội phạm mua bán, thẩm lậu vào nội địa; trong đó nổi lên:
+ Tình trạng
một số nhóm đối tượng (có cả người nước ngoài) mang theo vũ khí
“nóng” tổ chức mua bán trái phép chất ma túy ở khu vực biên giới, phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi,
manh động (đã tấn công vũ trang, đẩy đuổi 38 nhóm đối tượng).
+ Các đối tượng phạm tội ma túy có
xu hướng hoạt động theo đường dây, có tổ chức, hoạt động tinh vi, manh động, liều
lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả các lực lượng chức năng khi bị truy
bắt, phát hiện; tiềm ẩn nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma
túy lớn từ nước ngoài vào Nghệ An, trong đó có một số đường dây có sự câu kết
chặt chẽ giữa đối tượng hình sự và đối tượng ma túy (đã
triệt xóa 56 đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn, bắt 158 đối tượng,
thu 441,5 bánh hêrôin, 18,2 kg ma túy dạng đá, 33.800 viên
MTTH, 74 kg cần sa).
+ Tình hình mua bán, tàng
trữ trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp; theo thống kê, trung bình mỗi
năm, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 700 - 900 vụ/năm, thu giữ
lượng lớn ma túy các loại. Giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động
mua bán ma túy có xu hướng chuyển dần
từ heroin sang ma túy tổng hợp, số lượng hêrôin phát hiện,
thu giữ giảm so với giai đoạn 2005 – 2010, nhưng lượng MTTH thu giữ tăng (giai
đoạn 2011 - 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 11 đường dây mua bán trái phép MTTH với số lượng lớn, bắt
27 đối tượng, thu 10,5 kg ma túy dạng đá, 24.420 viên MTTH, 01kg kentamin).
3. Là địa bàn trung chuyển
ma túy
Sau khi ma túy được mua bán, thẩm lậu vào Nghệ
An, một phần lớn được chuyển đi các địa phương khác trong cả nước để tiêu thụ,
chỉ một phần để lại đáp ứng nhu cầu người nghiện ma túy trên địa bàn. Các tuyến
mua bán, vận chuyển ma tuý chính hiện nay gồm:
- Tuyến đường Quốc lộ 7 từ cửa khẩu quốc tế Nậm
Cắn, Kỳ Sơn xuống đến ngã 3 Diễn Châu và trung chuyển đi tiêu thụ chủ yếu ở các
tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...
- Tuyến đường Quốc lộ 48 từ huyện Quế Phong đến
Diễn Châu và vận chuyển về TP. Vinh, Hưng Nguyên, sau đó tiếp tục trung chuyển
đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.
- Tuyến đường Quốc lộ 8 từ cửa khẩu Cầu Treo -
Hà Tĩnh về thị xã Hồng Lĩnh, đi theo Quốc lộ 1A về TP. Vinh, Hưng Nguyên, sau
đó được vận chuyển vào các tỉnh phía Nam, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai,
Vũng Tàu...
- Ngoài các tuyến vận chuyển đường bộ, ở địa bàn
Nghệ An còn có các tuyến đường không (sân bay Vinh), đường sắt, đường biển và
đường bưu điện tuy chưa phức tạp nhưng tiềm ẩn, cần cảnh giác, nâng cao hiệu quả
công tác phòng ngừa.
- Cùng với các tuyến vận chuyển ma túy nêu trên,
Nghệ An có nhiều địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy ở các huyện Tương Dương,
Đô Lương, Diễn Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Quỳ Hợp, TP. Vinh... Tại các địa
bàn này vừa hình thành các đường dây lớn, vừa có các mạng lưới bán lẻ ma túy,
các tụ điểm phức tạp về ma túy, kéo theo đó là hoạt động của các tệ nạn xã hội
khác.
4. Là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn
- Qua khảo sát, đến nay 100% đơn vị
huyện, thành, thị đều đã có ma túy xâm nhập nhưng tính chất phức tạp và mức độ
xâm nhập khác nhau. Số người nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh còn nhiều, có
xu hướng tăng. Theo thống kê, tính đến tháng 12/2015 toàn tỉnh có 7.293 người
nghiện có hồ sơ kiểm soát (tăng 1.782 người nghiện so với năm 2010),
376/480 xã, phường, thị trấn có ma túy (tăng 114 xã so với năm 2010),
trong đó có 141 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy (14 xã trọng điểm loại
I, 23 xã trọng điểm loại II, 104 xã trọng điểm loại III), hơn 66 tụ điểm và 340 điểm bán lẻ chất ma túy. Ngoài ra,
số người nghiện mới hàng năm còn khá cao, số người nghiện từ các tỉnh khác đến
địa bàn còn nhiều, khó kiểm soát.
- Tình
trạng sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng; các đối tượng
chủ yếu tập trung ở những nhóm nguy cơ cao, như: số lao động không có việc làm
(chiếm gần 54%), có việc làm nhưng không ổn định (chiếm gần 41%); thanh niên
trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi (chiếm khoảng trên
41,2%)... Giai đoạn 2011 - 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện 11 điểm tổ chức sử dụng trái phép MTTH tại các cơ sở hoạt động
kinh doanh có điều kiện...; phát hiện, xử lý 152 vụ, 310 đối tượng sử dụng
trái phép MTTH.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Ưu điểm, kết quả đạt được
Thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết
liệt các nội dung Đề án, các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Hải
quan) các cấp đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, cấp uỷ và chính quyền
địa phương xây dựng, chỉ đạo triển khai nhiều phương án, kế hoạch triệt xoá các
địa bàn phức tạp về ma tuý ở Nghệ An, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần
kìm giữ tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn. Trong 5 năm triển khai thực hiện
Đề án (2011–2015), các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ
4.197 vụ, 5.447 đối tượng có hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận
chuyển trái phép chất ma túy (trong đó, Bộ đội Biên phòng phát
hiện, bắt 314 vụ, 380 đối tượng; Hải quan bắt 82 vụ, 112 đối tượng;
còn lại là lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ), thu 194,16 kg
hêrôin, 70.663 viên MTTH, 2,162 kg ma túy tổng hợp, 38,039 kg ma túy dạng
đá, 172,83 kg cần sa, 9,5 kg thuốc phiện. Trong đó, đã phát hiện, triệt xóa
118 đường dây với 320 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma tuý lớn; triệt
xoá 105 tụ điểm, hàng nghìn điểm bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép ma tuý; xác lập, khám phá thành công 76 chuyên án mua bán chất ma túy lớn,
bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý hoạt động liên tỉnh,
xuyên quốc gia. So với giai đoạn 2005 -
2010, phát hiện, bắt giữ tăng 190 vụ (4.197/4.007 vụ tăng 3,04%),
tăng 291 đối tượng (5.447/5.156 đối tượng tăng 5,9%); số hêrôin thu
giữ tăng 119,84 kg; MTTH tăng 45.145 viên; ma túy dạng đá tăng 3,472kg;
cần sa tăng 36 kg.
Qua đó, các cơ quan tiến hành tố
tụng đã tiến hành khởi tố điều tra 3.554 vụ, 4.375 bị can; kết thúc điều tra
3.268 vụ, 3.910 bị can; truy tố 3.199 vụ 3.778 bị can. Nhiều đơn vị cấp huyện
có số lượng án ma túy lớn như Phòng PC47 - Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh, thành phố Vinh, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Diễn Châu... Tòa án
nhân dân các cấp đã tiến hành xét xử 3.157 vụ, 3.735 bị cáo, trong đó tử hình
22 bị cáo, chung thân 45 bị cáo, tù 15 - 20 năm 174 bị cáo, tù 7 - 15 năm 335 bị
cáo, tù 7 năm trở xuống 3.159 bị cáo; trong đó đã tổ chức phối hợp xét xử lưu động
hơn 50 vụ án về tội phạm ma túy góp phần giáo dục, răn đe ngăn chặn tội
phạm ma tuý.
Công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy
có nhiều chuyến biến tích cực và thu được kết quả đáng ghi nhận. Sau 05 năm thực
hiện Đề án, tính đến năm 2015, toàn tỉnh có 379/480 xã, phường, thị trấn có ma
túy, trong đó có 108 xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy (so
với năm 2011, tăng 41 xã, phường, thị trấn có ma túy nhưng giảm 13 xã trọng điểm
phức tạp về ma túy).
2. Tồn tại, hạn chế
Mặc dù công tác phòng, chống tội
phạm, nâng cao hiệu quả xóa địa bàn phức tạp về ma túy được chú trọng đẩy mạnh;
tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, Đề án vẫn chưa đạt được mục tiêu
chung đề ra là “phấn đấu đến năm 2015 đưa tỉnh Nghệ An ra khỏi danh sách tỉnh
trọng điểm, phức tạp về ma túy”. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy
trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của
các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động. Tình trạng ma túy thẩm
lậu qua biên giới còn nhiều, còn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma
túy; người nghiện ma túy, địa bàn xã, phường, thị trấn có ma túy còn tăng nhưng
công tác đưa người nghiện ma tuý vào các cơ sở cai nghiện và quản lý, giải quyết
việc làm sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động mua bán, tàng trữ, sử
dụng trái phép chất ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, nhất là trong thanh,
thiếu niên; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và nhân dân trong
công tác PCMT còn hạn chế...
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
3.1. Nguyên nhân khách
quan
- Địa bàn rộng, tuyến biên giới kéo dài cùng với nhiều đường tiểu
mạch sang nước Lào, rất khó kiểm soát triệt để tình trạng ma túy thẩm lậu
qua biên giới; trong khi đó tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, liều
lĩnh, manh động, có sự liên kết chặt chẽ gây khó khăn lớn cho các lực lượng chức
năng.
- Nhu cầu tiêu thụ ma tuý ở Nghệ
An còn lớn; ma tuý là hàng hóa siêu lợi nhuận, dễ nghiện khó cai nên không dễ
gì tội phạm và người nghiện từ bỏ ma tuý. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn khó
khăn, số người thiếu việc làm, thất nghiệp còn nhiều, là một trong những nguyên
nhân phát sinh, phát triển tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có người nghiện ma
túy.
- Một bộ phận không nhỏ đồng bào
dân tộc ở các xã thuộc 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có tập quán trồng
cây thuốc phiện từ lâu đời nên không dễ dàng xóa bỏ; hơn nữa chưa có giải pháp
tối ưu về cây trồng, vật nuôi thay thế cây thuốc phiện, trong khi đó đời sống đồng
bào còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết về chính trị, pháp luật
còn nhiều hạn chế nên một số ít vẫn lén lút tái trồng cây thuốc phiện vì mục
đích kinh tế.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Trách nhiệm của người đứng
đầu một số cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống
ma túy có nơi, có lúc còn hạn chế, chưa chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt cả hệ thống
chính trị và quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống ma
túy, xóa địa bàn phức tạp về ma túy.
- Công tác cai nghiện và
quản lý sau cai có lúc chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả còn hạn
chế, chưa có mô hình cai nghiện thực sự có hiệu quả.
- Công tác
tuyên truyền phòng, chống ma túy mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa
tương xứng với tình hình, một số ngành vào cuộc chưa quyết liệt và chưa thực sự
mang lại hiệu quả, nhất là ở những vùng đặc thù, vùng miền núi...
- Lực lượng kiểm soát ma tuý (Công
an, Biên phòng, Hải quan) còn mỏng, một số nơi biên chế cán bộ chưa đáp ứng được
yêu cầu thực tiễn, đội ngũ y tế cơ sở, cán bộ ngành lao động thương binh xã
hội còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn và điều kiện hoạt động còn khó
khăn. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy là lĩnh vực phải đối
mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nên đã tác động, ảnh hưởng đến tâm lý của cán
bộ thực hiện nhiệm vụ.
- Các điều kiện về kinh phí, trang
thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống ma túy và xóa địa bàn phức
tạp về ma túy chưa đáp ứng yêu cầu.
III. DỰ BÁO TÌNH HÌNH VỀ TỘI
PHẠM VÀ TỆ NẠN MA TÚY TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời
gian tới, dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp; số
địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy sẽ gia tăng nếu không có giải pháp ngăn chặn
có hiệu quả, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý
sau:
1. Nghệ An tiếp tục là cửa ngõ trung chuyển, thẩm lậu ma
túy của các đối tượng phạm tội về ma túy. Tội phạm về ma túy từ nước
ngoài sẽ lợi dụng địa hình biên giới hiểm trở, tuyến đường biển,
đường hàng không, bưu điện để vận chuyển trái phép chất ma túy vào
Nghệ An. Đặc biệt, cùng với quá trình hội nhập và sự phát
triển các mối quan hệ thông thương tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa
các quốc gia, thời gian tới sẽ gia tăng
tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự câu kết và móc nối
giữa các đối tượng trong và ngoài nước, trang bị vũ khí nóng, làm cho
tính chất cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy ngày càng quyết
liệt, khó khăn hơn.
2. Tình hình mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy tiếp
tục phức tạp. Tội phạm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép
MTTH, ma túy dạng đá sẽ gia tăng mạnh (nhất là trong lứa tuổi thanh,
thiếu niên, học sinh, sinh viên). Hành vi mua bán, tổ chức
sử dụng và sử dụng MTTH nhất là ma tuý dạng đá, thuốc lắc trên địa bàn TP Vinh
và một số trung tâm huyện, thị xã vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy
ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và có sự cấu kết
chặt chẽ với các loại tội phạm hình sự để đối phó với công tác
đấu tranh của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, đối tượng phạm tội sẽ lợi dụng trẻ em, phụ nữ mang thai, người già để hoạt
động phạm tội; số đối tượng phạm tội sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực
lượng chức năng, thủ đoạn mua bán ma túy gián tiếp (qua mạng, qua bưu điện, qua
tài khoản...) sẽ gia tăng nhằm tránh bị phát hiện, bắt quả tang.
3. Số địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy
có thể tái phức tạp hoặc phát sinh thêm địa bàn, tụ điểm phức tạp mới do công
tác cai nghiện, quản lý sau cai kết quả còn hạn chế; tỷ lệ tái nghiện còn cao;
số người hết hạn tù về tội phạm ma túy trở về địa phương có thể tái phạm...
Phần 2
MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÓA ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỀ MA TÚY GIAI ĐOẠN 2016 -
2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của
cả hệ thống chính trị và toàn dân, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các
biện pháp phòng, chống ma túy; kiểm soát, làm giảm tình hình tội phạm và tệ nạn
ma túy; từng bước làm chuyển hóa, kìm giữ và xóa bỏ các địa bàn phức tạp về ma
túy, không để phát sinh địa bàn phức tạp mới trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2025
2.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Phòng, chống và kiểm soát hiệu quả tình hình tội
phạm và tệ nạn ma túy, không để phát sinh “điểm nóng” về ma túy; triệt xóa, đấu
tranh, bắt giữ cơ bản các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma
túy lớn đã được phát hiện; đấu tranh quyết liệt, bắt giữ xử lý nghiêm các ổ
nhóm sử dụng vũ khí “nóng” tổ chức mua bán trái phép ma túy ở khu vực biên giới,
không để hình thành tụ điểm mua bán ma túy thường xuyên; làm giảm các địa bàn,
tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; không để xảy ra tình
trạng tái trồng cây có chất ma tuý.
- Từng bước kìm chế, làm giảm số người, số địa
bàn có ma tuý, tiến tới giảm ít nhất 10% số người nghiện ma túy; 100% số xã,
phường, thị trấn trọng điểm về ma tuý được tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến;
ít nhất 15% số xã, phường, thị trấn có ma túy trở thành địa bàn sạch về ma túy;
100% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy,
không để xảy ra tệ nạn ma túy tại các địa điểm công cộng; triệt xóa và làm giảm
ít nhất 10% địa bàn phức tạp, 20% tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm 2015.
- Trên 70% người nghiện có hồ sơ kiểm soát đang
có mặt tại địa phương được tổ chức các hình thức cai nghiện phù hợp hoặc tham
gia chương trình điều trị thay thế nghiện ma túy bằng Methadone; hạ thấp tỷ lệ
tái nghiện và hạn chế mức thấp nhất việc phát sinh người nghiện mới. Ngăn chặn,
kiểm soát hiệu quả hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp trên địa
bàn.
- Hàng năm, nâng tỷ lệ người nghiện ma tuý được
cai nghiện tại các Trung tâm lên 15 - 20%; đến năm 2020, có ít nhất 30% người
nghiện ma tuý có hồ sơ kiểm soát trên địa bàn tỉnh được tổ chức cai nghiện tại
các Trung tâm có chức năng cai nghiện.
- Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất
ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần; chủ động phòng ngừa không để xảy ra
tình trạng sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp, tái trồng cây có chứa chất ma
túy.
2.2. Mục tiêu đến năm 2025
- Kiểm soát hiệu quả tình hình tội
phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, hoàn thành các mục tiêu chưa đạt được trong
giai đoạn 2016 - 2020; từng bước đưa Nghệ An ra khỏi danh sách tỉnh trọng điểm
phức tạp về ma túy.
- Triệt xóa và làm giảm ít nhất 10% địa bàn phức
tạp, 20% tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm 2020; có ít nhất 17% số xã, phường,
thị trấn có ma túy trở thành địa bàn sạch về ma túy;
- Giảm ít nhất 15% số người nghiện ma túy trên địa
bàn; phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% người nghiện có hồ sơ kiểm soát đang có
mặt tại địa phương được tổ chức các hình thức cai nghiện phù hợp, trong đó, có
ít nhất 40% số người nghiện được tổ chức cai nghiện tại các trung tâm có chức
năng cai nghiện.
- Tiếp tục kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại
tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần; chủ động phòng ngừa không để
xảy ra tình trạng sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp, tái trồng cây có chứa chất
ma túy.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG
TÂM
1. Tăng
cường tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội
phạm và tệ nạn ma túy, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt
của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền
từ tỉnh đến cơ sở tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham
gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Trọng
tâm là tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy, nhất là Kết luận
số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số
21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Nghị quyết
số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng,
chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Chiến
lược quốc gia phòng, chống, kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 07/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCMT trong tình hình mới;
Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 29/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường
công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020…
2. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên
truyền theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nội dung, hình thức nhằm phổ
biến, quát triệt sâu rộng trong nhân dân, cơ quan, tổ chức các chủ trương của
Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma
túy, gắn với tuyên truyền về hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy. Trong
đó, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, các nhóm đối tượng có nguy
cơ cao (học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu, vùng cao)...; chú trọng phát
động và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma
túy, đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục
con, cháu tham gia phòng, chống ma túy...; vận động toàn dân tích cực tham
gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy và tham gia giúp đỡ người nghiện
ma túy sau cai hòa nhập cộng đồng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành
động trong công tác phòng, chống ma túy ở các cấp, các ngành và toàn thể nhân
dân trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình về
phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai hiệu quả tại cộng
đồng gắn với phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tạo điều kiện cho nhân dân
cung cấp thông tin tố giác hoạt động tệ nạn ma túy; có biện pháp đảm bảo bí mật
và quyền lợi của người cung cấp thông tin; có quy trình xác minh, xử lý tin phù
hợp.
3. Tăng
cường công tác tấn công truy quét tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần tích cực
trong việc chặn nguồn “cung” ma túy. Các lực lượng chức năng, nòng cốt là Công an, Bộ đội biên
phòng, Hải quan phải làm tốt công tác nắm, phân
tích, dự báo tình hình, kịp thời giải quyết các vấn đề nổi lên về tội phạm
và tệ nạn ma túy trên địa bàn; tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ
nạn ma túy; chú trọng triệt xoá các đường dây, tổ chức, tụ điểm phức tạp về ma
tuý; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thẩm lậu ma tuý qua biên giới, phòng ngừa
không để sản xuất trái phép ma tuý xảy ra trên địa bàn; có giải pháp phòng ngừa,
ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép
chất ma túy tổng hợp; vận động, truy bắt các đối tượng truy nã phạm
tội về ma túy; tiếp tục làm tốt công tác rà soát, thống kê người
nghiện trên địa bàn toàn tỉnh.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp
giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các lực lượng
khác trong phòng, chống, kiểm soát ma tuý tại các tuyến biên giới, tuyến hàng
không, cửa khẩu và đường biển. Tăng cường sự phối hợp giữa Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân nhân các cấp trong xét xử tội phạm
về ma túy.
4.
Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nhằm hạn chế thị trường “cầu” ma túy, qua đó góp phần giảm
nguồn “cung” ma túy, từng bước xã hội hóa công tác
cai nghiện theo hướng tự nguyện. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch mở
các điểm hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng; ban hành, triển khai
thực hiện Đề án chuyển đổi các Trung tâm có chức năng cai nghiện trên địa bàn tỉnh
Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai có hiệu
quả và mở rộng Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020; quản lý
chặt chẽ việc sản xuất, sử dụng thuốc Methadone. Thường xuyên làm tốt
công tác tổng điều tra, rà soát, phân loại người nghiện ma túy; xã, phường, thị
trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy.
Chú trọng công tác đào tạo, dạy
nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai để giúp họ ổn định cuộc sống,
hòa nhập cộng đồng bền vững, từng bước giảm tỷ lệ tái nghiện. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các trung tâm có chức năng
cai nghiện với chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người nghiện cư
trú; củng cố kiện toàn các tổ cai nghiện ở xã, phường, thị trấn, đảm bảo đi
vào hoạt động thiết thực, hiệu quả. Có chế độ chính
sách tạo công ăn việc làm ổn định cho những người đã hoàn lương sau cai nghiện
để hòa nhập cộng đồng, không phân biệt đối xử đối với những người có quá khứ lầm
lỗi.
5. Kiểm
soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất của ma túy, chất gây nghiện, chất
hướng thần. Quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế cho đồng bào vùng biên giới,
nhất là những vùng trước đây trồng cây thuốc phiện để họ có cuộc sống tốt
hơn, tự nguyện từ bỏ trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
6. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức để tiến
hành công tác xóa địa bàn phức tạp về ma túy, kiện toàn bộ máy tổ chức thống nhất
từ trung ương đến cơ sở, có chế độ đãi ngộ thích hợp cho các lực lượng trực tiếp
tham gia công tác xóa địa bàn phức tạp về ma túy; đồng thời, có chính sách thu
hút, bố trí tăng cường biên chế, bổ sung cán bộ trẻ, có trình độ để đảm bảo yêu
cầu công tác, chiến đấu.
Ưu tiên chế độ, chính sách đối với
cán bộ làm công tác chuyên trách, bán chuyên trách và những người không hưởng
lương từ ngân sách nhà nước tham gia công tác phòng, chống ma túy, nhất là cấp
xã, phường, thị trấn; có chính sách động viên, khen thưởng các tập thể,
cá nhân có thành tích trong công tác xóa địa bàn phức tạp về ma túy; chế độ
hỗ trợ cho tập thể, gia đình, cá nhân bị thương, hy sinh, phơi nhiễm HIV hoặc bị
thiệt hại về tài sản khi tham gia công tác phòng, chống ma túy.
7. Tổ
chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý
và xóa địa bàn phức tạp về ma túy; tiếp tục duy trì nâng cao hiệu quả hoạt
động của Văn phòng liên lạc phòng, chống ma túy qua biên giới với
tỉnh Hủa Phăn - Lào (Văn phòng BLO); thường xuyên trao đổi thông tin, tổ
chức giao ban cấp tỉnh, cấp huyện, cấp đồn, trạm với các tỉnh Xiêng
Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào để
trao đổi thông tin và nâng cao hiểu biết lẫn nhau nhằm thực hiện có
hiệu quả các nội dung phòng, chống ma túy khu vực biên giới.
8.
Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai
thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy ở cơ sở; làm
tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất
sắc; duy trì chế độ thống kê, báo cáo định kỳ đúng thời gian quy
định.
9. Ưu
tiên tăng mức đầu tư ngân sách, đồng thời tích cực tranh thủ các nguồn viện trợ
khác; vận động tự nguyện đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp,
doanh nhân và nhân dân bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác xóa địa bàn phức tạp
về ma túy. Tăng cường quản lý, giám sát và sử dụng có hiệu quả các
nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy.
10.
Hàng năm, các ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị có kế hoạch khảo sát,
triệt xóa các địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy theo chức năng, nhiệm vụ và địa
bàn được phụ trách; hạn chế tình hình tái phức tạp ở các địa bàn, tụ điểm đã
triệt xóa; không để phát sinh địa bàn, tụ điểm phức tạp mới.
III. PHÂN
CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Làm tốt vai trò Thường trực Ban
chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo
vệ an ninh Tổ quốc; tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND theo dõi, đôn đốc, hướng
dẫn và kiểm tra, đánh giá tình hình công tác PCMT, xóa địa bàn, tụ điểm phức
tạp về ma túy của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan, UBND
các huyện, thành phố, thị xã. Định kỳ, tham mưu UBND tỉnh sơ, tổng kết, tổng
hợp kết quả xóa địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy báo cáo Chính phủ, Bộ Công
an và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan
chức năng có liên quan tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà
nước về ANTT phục vụ có hiệu quả công tác xóa địa bàn phức tạp về ma
túy; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nhân dân
nâng cao nhận thức, tự giác tham gia phòng, chống ma túy.
- Tiến hành khảo sát, xác định chính
xác số địa bàn phức tạp về ma túy theo tiêu chí tại Quyết định
3122/2010/QĐ-BCA ngày 09/8/2010 ban hành tiêu chí phân loại cho xã phường thị
trấn trọng điểm về tệ nạn ma tuý, trên cơ sở đó có kế hoạch áp dụng
các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, triệt xóa hoặc làm chuyển hóa. Phối hợp với
chính cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan giữ sạch các địa
bàn không có ma túy hoặc đã được triệt xóa sạch ma túy, không để phát sinh địa
bàn phức tạp mới.
- Sử dụng đồng bộ các biện pháp
nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung lực lượng, đấu tranh có
hiệu quả với tội phạm ma túy trên địa bàn, triệt phá các đường dây, tổ chức, tụ
điểm phức tạp về ma túy; ngăn chặn tình trạng ma túy thẩm lậu qua biên giới; sản
xuất, điều chế, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trái phép, tái trồng cây
có chứa chất ma túy; làm tốt công tác triệt xóa các địa bàn, tụ điểm phức tạp về
ma túy và chủ động phòng ngừa không để tái phức tạp trở lại... Nâng cao hiệu
quả công tác vận động, truy bắt các đối tượng truy nã phạm tội về
ma túy; làm tốt công tác rà soát, thống kê, phân loại người nghiện.
- Phối hợp với Viện kiểm sát
nhân dân, Tòa án nhân dân chọn các vụ án trọng điểm để đưa ra xét xử
công khai, lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma
túy.
- Phối hợp Sở Tài chính tham mưu đề
xuất kinh phí thực hiện Đề án.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh
- Phối hợp tham mưu và tiếp tục
triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND-NC ngày 28/8/2015 của
UBND tỉnh Nghệ An và Kế hoạch số 1368/KHLN-BCHBP-UBND ngày 30/9/2015 giữa Bộ Chỉ
huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn về việc phối hợp giải
quyết tình hình phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới giữa huyện Kỳ Sơn, tỉnh
Nghệ An (Việt Nam) với huyện Nọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và ở các địa bàn
trọng điểm phức tạp về ma túy của tỉnh.
- Triển khai lực lượng chuyên
trách tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy theo quy định của pháp luật,
phối hợp tấn công vũ trang và hướng dẫn của ngành tại địa bàn tuyến biên giới,
cửa khẩu. Chú trọng đẩy mạnh điều tra cơ bản, chủ động đấu tranh xóa các tụ điểm,
điểm phức tạp về ma túy ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
- Phối hợp với các lực lượng
chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới
làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân không tái trồng cây có chứa
chất ma túy và phối hợp làm tốt công tác cai nghiện ma tuý, quản lý sau
cai nghiện tại khu vực biên giới.
3. Cục Hải quan Nghệ An
- Làm tốt công tác công tác
phòng, chống ma túy, kiểm soát ma túy ở các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy và các
cửa khẩu phụ, lối mở. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền, địa
phương, Cục Hải quan các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trong công tác tuyên
truyền, đấu tranh, phòng, chống ma túy.
- Phối hợp với lực lượng Hải quan
các tỉnh giáp biên của nước CHDCND Lào trong công tác phòng, chống ma túy khu vực
biên giới
- Phối hợp kiểm soát các loại
tiền chất của ma túy, chất hướng thần, chất gây nghiện tại các tuyến
hàng không, tuyến đường biển và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Phối hợp các ban, ngành,
cấp ủy chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục
phòng, chống ma túy cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân
dân trên địa bàn đóng quân.
- Huy động lực lượng thường
trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên phối hợp với lực lượng Công
an, Bộ đội Biên phòng và các ban, ngành liên quan tổ chức tuần tra,
kiểm soát những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, tấn công vũ
trang tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa hiểm trở, hẻo
lánh.
- Làm tốt công tác phòng, chống ma
túy trong toàn quân; tham mưu chỉ đạo các huyện, thành, thị sàng lọc ma
túy trong công tác tuyển gọi thanh niên nhập ngũ, làm tốt công tác
vận động nhân dân không tái trồng cây có chứa chất ma túy.
- Thường xuyên phối hợp với lực
lượng Công an, Bộ đội biên phòng, các ngành chức năng, cấp ủy và chính quyền địa
phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống ma túy, tuần tra,
kiểm soát ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới.
5. Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh,
Sở Y tế và các ngành liên quan tham mưu xây dựng và thực hiện có hiệu quả
chương trình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 - 2020 theo
chương trình đã được phê duyệt.
- Nâng cao chất
lượng công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung; đẩy mạnh công tác
cai nghiện ma tuý tại cộng đồng. Chú trọng triển khai các giải
pháp, biện pháp thực hiện đổi mới về công tác cai nghiện như: đổi mới, từng bước
xã hội hóa công tác cai nghiện theo hướng tự nguyện; quy hoạch, phát triển hệ
thống cơ sở điều trị tự nguyện, các điểm chăm sóc hỗ trợ điều trị tại cộng đồng
để huy động tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy trong
quá trình cai nghiện và sau cai nghiện. Đồng thời, thường xuyên phối hợp rà
soát, thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn, ngăn chặn người nghiện mới và
hạ thấp tỷ lệ tái nghiện sau cai.
- Chú trọng làm tốt công tác giáo
dục, dạy nghề cho người nghiện ma tuý tại các trung tâm cai nghiện tập trung; tạo
việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý; phối hợp lồng
ghép các hoạt động cai nghiện, phục hồi chức năng và tái hoà nhập cộng đồng cho
người nghiện ma tuý vào các chương trình, kế hoạch về xoá đói, giảm nghèo, tạo
việc làm. Chỉ đạo điểm công tác cai nghiện, quản lý sau cai tại các địa bàn, tụ
điểm phức tạp về ma túy.
6. Sở Y tế
- Chủ trì
tham mưu UBND tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động 12 cơ sở điều trị người nghiện
các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, triển khai mới rộng các điểm cấp phát
thuốc Methadone theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
- Xây dựng, hướng dẫn phác đồ điều
trị cắt cơn nghiện. Phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn
và cấp chứng chỉ đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp làm công tác cắt cơn, giải độc
cho người nghiện ma túy, ưu tiên cán bộ ở địa bàn trọng điểm phức tạp về ma
túy. Đồng thời, bố trí tăng cường cán bộ y tế, đảm bảo 100% các xã, phường, thị
trấn, các địa bàn phức tạp về ma túy phải có y, bác sỹ làm công tác cai nghiện,
chữa trị phục hồi cho người nghiện.
- Tăng cường công tác thanh tra
chuyên ngành, quản lý chặt chẽ các loại tiền chất, hóa chất, các loại
thuốc hướng thần gây nghiện dùng vào mục đích y tế, khám, chữa trị,
nghiên cứu khoa học; mở rộng phương pháp điều trị thay thế nghiện các
chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone; thực hiện tốt các công tác
chuyên môn trong các cơ sở điều trị nghiện ma túy.
7. Sở Tư pháp
- Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa
bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các đối tượng có nguy cơ cao.
- Rà soát, kịp thời kiến
nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy,
nhất là các văn bản áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma
túy.
8. Sở Thông tin và truyền
thông
- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, định
hướng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các Báo, Tạp chí, các cơ
quan thông tấn báo chí địa phương và Trung ương thường trú ở Nghệ An đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy, tăng thời lượng phát
sóng, đa dạng hóa các chuyên trang, chuyên mục nhằm tuyên truyền sâu rộng đến
các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao (học sinh, sinh
viên, thanh thiếu niên...).
- Phối hợp biên soạn, in ấn, phát
hành các tài liệu tuyên truyền về phòng, chống ma túy; phát động các phong
trào, cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền về phòng, chống ma túy... đưa tiêu chí địa
bàn sạch về ma túy khi xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn, khối phố, làng,
bản, cơ quan, đơn vị văn hóa.
9. Sở Văn hoá - Thể thao và Du
lịch
Tập trung xây dựng đời sống
văn hóa ở cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học và khu dân cư;
kiểm tra, kiểm soát các hoạt động dịch vụ văn hóa nhằm hạn chế
phát sinh tệ nạn ma túy; chỉ đạo tuyên truyền phòng, chống ma túy
thông qua các thiết chế văn hóa cơ sở, lồng ghép tuyên truyền, giáo
dục phòng, chống ma túy với sinh hoạt văn hóa, thể thao.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên
truyền phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục; đào tạo bồi dưỡng kiến thức,
kỹ năng tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho đội ngũ giáo viên; tiếp tục triển
khai, thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục kiến thức về kỹ năng phòng,
chống ma tuý trong các trường học.
11. Sở Công Thương
- Phối
hợp Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính trong phối hợp kiểm soát các hoạt động
hợp pháp liên quan đến ma túy.
- Tăng
cường công tác thanh tra chuyên ngành trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại
tiền chất ma túy. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường áp dụng các biện pháp
nhằm phát hiện, phối hợp bắt giữ các đối tượng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ
trái phép chất ma túy; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xuất khẩu, nhập
khẩu và tạm nhập tái xuất.
12. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh
xây dựng, ban hành các Đề án, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế xã hội tại
các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới để tạo việc làm, giúp
nhân dân ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, góp phần hạn chế tội phạm và tệ
nạn ma túy tại địa phương.
13. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân
dân tỉnh
- Thực hiện tốt chức năng kiểm sát và công tố,
xét xử các vụ án về ma tuý, nhất là các vụ án lớn; tăng cường phối hợp lựa chọn
và đưa ra xét xử lưu động các vụ án điểm, phục vụ công tác phòng ngừa và răn đe
tội phạm. Thực hiện các giải pháp của Đề án theo chức năng nhiệm vụ của ngành
phân công.
- Thường xuyên phối hợp, trao đổi và thống nhất
cao trong việc đánh giá chứng cứ tội phạm ma tuý, không để sót lọt tội phạm,
tránh oan sai.
- Có biện pháp để tuyên phạt tiền và truy thu
tài sản do phạm tội mà có đối với các đối tượng buôn bán ma tuý lớn trong quá
trình truy tố, xét xử.
14. Sở Tài chính: Hàng năm, cân đối ngân sách của địa phương, phối hợp với Công an
tỉnh tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Đề
án trong dự toán ngân sách hàng năm.
15. Tỉnh đoàn, Hội Liên
hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội
Nông dân tỉnh: tăng cường công tác tuyên truyền phòng,
chống ma tuý trong thanh, thiếu niên, hội viên; vận động các đoàn viên, hội
viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia
phòng, chống ma túy. Xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả mô
hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống ma túy, công tác cai nghiện
ma túy và quản lý sau cai.
16. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên
Tăng cường công tác tuyên truyền
phòng, chống ma tuý, vận động các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt
động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; xây dựng và
nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy, hỗ trợ
cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng dân cư; đẩy mạnh, nâng cao chất
lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị
văn minh”; phối hợp triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong các
tổ chức thành viên, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề
nghiệp cùng các cơ quan báo chí vận động toàn thể nhân dân tích cực tham gia
phòng, chống ma túy.
17. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành, thị: triển khai toàn diện các nội dung tại mục
II, phần 2 của Đề án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường
xuyên và lâu dài. Bên cạnh đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Hàng năm, có kế hoạch chỉ đạo triển khai kiểm
soát, triệt xóa các địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy.
- Chú trọng củng cố kiện toàn hệ thống chính trị
cơ sở, đảm bảo đủ sức lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và An
ninh quốc phòng gắn với nâng cao năng lực hành động của Ban chỉ đạo PCTP, tệ nạn
xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp trong
công tác phòng, chống ma túy. Đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống
ma túy vào chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và người
đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện,
đồng thời, chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh nếu để tình
hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn, lĩnh vực quản lý diễn biến phức tạp,
gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và
kiên quyết xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma
túy.
- Tổ chức lồng ghép các chương trình phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương với các chương trình hành động phòng chống ma
tuý; chỉ đạo các chương trình, dự án tạo việc làm cho người lao động và nhất là
người sau cai nghiện.
- Chỉ đạo điều hành sự phối hợp chặt chẽ giữa
các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Đề án. Tổ chức chỉ đạo các lực lượng
chuyên trách, bán chuyên trách tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện bắt giữ,
xử lý các đối tượng liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma tuý, giữ sạch các địa
bàn không có ma túy, không để ma tuý xâm nhập hoặc tái phức tạp sau khi triệt
xoá, với phương châm “Lực lượng, kinh phí giải
quyết tại chỗ là chính; chính quyền, Công an cấp huyện, thành phố, thị xã và cấp
phường, xã, thị trấn giải quyết là chủ yếu”.
- Tổ chức phát động phong trào quần chúng
bảo vệ ANTQ, đặc biệt là ở các địa bàn phức tạp về ma tuý. Nâng cao hiệu quả
phong trào toàn dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy. Nâng cao ý thức cảnh
giác, phòng ngừa, tự quản của mỗi một công dân và gia đình. Đẩy mạnh xã hội hoá
mạnh mẽ công tác phòng, chống ma túy.
- Tập trung đầu tư lực lượng, phương tiện,
kinh phí cho công tác xóa địa bàn phức tạp về ma túy.
IV. ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
1. Về lực lượng chuyên trách phòng, chống ma
tuý
- UBND tỉnh tiếp tục rà soát và đề xuất Bộ Công
an; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tổng cục Hải quan; Bộ Lao động- Thương binh
và Xã hội; Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chuyên trách phòng chống
ma tuý thuộc các ngành chức năng.
- Các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp
rà soát bổ sung lực lượng đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho công tác phòng, chống
ma tuý.
Yêu cầu về biên chế lực lượng chuyên trách thực
hiện công tác phòng, chống ma túy đáp ứng điều kiện thực hiện Đề án cụ thể như
sau:
1.1. Đối với lực lượng Công an: Làm
tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ phòng, chống ma
túy, bố trí lực lượng phòng, chống ma túy có trình độ năng lực, sức khoẻ tốt và
tâm huyết với nghề nghiệp để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
1.2. Đối với Hải quan, Bộ đội Biên phòng
- Tăng cường biên chế cho lực lượng chuyên trách
phòng, chống ma tuý thuộc Đội Kiểm sát phòng, chống ma túy, Tổ kiểm soát ma túy
tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và tổ chức
các lớp tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ để nâng cao năng lực phòng, chống ma
túy.
- Tăng cường biên chế, bố trí lực lượng chuyên
trách về công tác phòng, chống ma túy tại 11/22 Đồn Biên phòng chưa được bố trí
Đội phòng, chống ma túy cho đúng với quy định (hiện nay, mới chỉ có 11/22 Đồn
biên phòng trên toàn tỉnh có Đội phòng, chống ma túy).
- Phối hợp với Lực lượng Công an kiểm soát ở sân
bay, bến cảng, các đường tiểu ngạch để ngăn chặn ma tuý thẩm lậu vào Nghệ An.
1.3. Đối với ngành Y tế: Tăng cường
đội ngũ Y tế cơ sở (xã, phường, thị trấn) đảm bảo 100% địa bàn phức tạp về ma
tuý đều có cán bộ Y tế đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm nhiệm vụ cai nghiện và chữa
trị, phục hồi chức năng cho người nghiện.
1.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tăng cường biên chế cho lực lượng chuyên trách (Chi cục phòng chống tệ nạn
xã hội tỉnh và các Trung tâm có chức năng cai nghiện) làm nhiệm vụ đảm bảo tổ
chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai cho 100% huyện, thành, thị
có địa bàn phức tạp về ma tuý.
1.5. Tất cả các xã, phường, thị trấn
là địa bàn phức tạp về ma tuý phải có một cán bộ là phó Công an xã chuyên trách
theo dõi công tác phòng, chống ma túy.
2. Về phương tiện trang bị cho lực lượng
kiểm soát ma tuý
Căn cứ nhu cầu và định mức kinh phí được bố trí
hàng năm, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan tiến
hành kiểm tra, rà soát các phương tiện đã trang bị cho lực lượng chuyên trách cần
sữa chữa, thay thế, trang cấp bổ sung nhằm phục vụ công tác đấu tranh, phòng,
chống tội phạm ma túy theo quy định.
3. Về kinh phí
Kinh phí thực hiện các hoạt động của
Đề án chủ yếu được phân bố từ nguồn kinh phí Trung ương cấp cho tỉnh Nghệ An,
được UBND tỉnh phân bố cho các hoạt động phòng, chống ma túy của các Sở, ban,
ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành, thị. Ngoài ra, các hoạt
động của các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xóa địa bàn, tụ điểm phức tạp
về ma túy sẽ được cấp hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án xóa bỏ địa bàn
phức tạp về ma túy hàng năm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn
xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Tham mưu
UBND cùng cấp xây dựng các phương án, kế hoạch chỉ đạo triển khai toàn diện nội
dung Đề án; tiến hành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức sơ, tổng kết, báo
cáo việc thực hiện Đề án theo đúng quy định.
2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể,
UBMTTQ và UBND các cấp chủ trì chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, địa
phương triển khai thực hiện toàn diện, nội dung Đề án này từ tỉnh đến cơ sở.
3. Tiến độ thực hiện Đề án
Đề án được thực hiện trong thời
gian từ năm 2016 - 2020, có tính đến năm 2025; quá trình thực hiện, căn cứ thực
tiễn yêu cầu có thể tiến hành sơ kết 03 năm, 05 năm thực hiện để đánh giá, rút
kinh nghiệm; kết thúc 10 năm thực hiện (năm 2025), tổ chức tổng kết để đánh giá
tổng quát những kết quả đạt được, những hạn chế trong quá trình thực hiện Đề
án; rút ra các bài học kinh nghiệm, các giải pháp hay, hiệu quả để tiếp tục chỉ
đạo thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCMT trên địa bàn tỉnh
Nghệ An trong những giai đoạn tiếp theo. Cụ thể:
- Quá trình tổ chức thực hiện Đề án (từ tháng
07/2016) định kỳ hàng năm các Sở, ban, ngành, đoàn thể; địa phương, cơ quan
liên quan báo cáo sơ kết tình hình, kết quả thực hiện Đề án và rút kinh nghiệm.
Báo cáo gửi về Phòng Tham mưu - Công an tỉnh để tổng hợp báo cáo tỉnh, Trung
ương theo quy định.
- Quý IV/2018, tiến hành sơ kết giai đoạn 1 của
Đề án, rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2.
- Quý IV/2020 tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Đề
án và có kế hoạch tiếp tục triển khai nhiệm vụ những năm tiếp theo theo lộ
trình có tính đến năm 2025./.