Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3334/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Trương Văn Thu
Ngày ban hành: 12/12/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3334/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 12 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 /11/2003;

Căn cứ Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1187/TTr-LĐTBXH ngày 20/11/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2006 – 2010 (nội dung kèm theo quyết định này).

Điều 2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tổ chức thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Thu

 

ĐỀ ÁN

GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3334 /QĐ-UBND, ngày 12 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2001-2005

Trong năm đầu của giai đoạn 2001– 2005, Lâm Đồng có 24.206 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,63%. Riêng đồng bào dân tộc khoảng 25%. Có 28 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã xây dựng Nghị quyết về tình hình kinh tế xã hội, trong đó có các mục tiêu chương trình kế hoạch giảm nghèo như: phát triển điện nông thôn và chương trình hỗ trợ, cho vay vốn mắc điện nhánh rẽ vào nhà cho các hộ thuộc đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo vùng nông thôn. Huy động nhân dân đóng góp xây dựng trường lớp. Học sinh thuộc địa bàn vùng 3 (vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số …) được miễn 100% tiền đóng góp xây dựng trường lớp.

Các ngành, đoàn thể thực hiện tốt các chương trình phối hợp, xây dựng các chương trình dự án như: chỉ tiêu vay vốn, mở lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công tác giảm nghèo như các doanh nghiệp nhận đỡ đầu các xã nghèo, vận động xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ kinh phí dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ cho con em hộ nghèo được đến lớp; nâng cao mạng lưới y tế cơ sở, khám chữa bệnh cho người nghèo, cấp thẻ BHYT cho người nghèo. Đặc biệt chương trình, chú trọng hỗ trợ cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc về nhà ở, đất sản xuất, văn hoá và điều kiện xã hội khác.

Bình quân hàng năm (2002-2004) nhờ lồng ghép các chương trình kinh tế xã hội đã tạo nên một nguồn lực vật chất khá lớn cho công tác giảm nghèo với trên 100 tỷ đồng. Năm 2004, tổng nguồn vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên 134 tỷ đồng, trong đó chương trình lồng ghép trên 30 tỷ đồng và vốn tín dụng ưu đãi trên 100 tỷ đồng.

1. Những kết quả cụ thể

a) Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

Để đảm bảo sự ổn định cho cuộc sống người dân, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xoá nhà tranh, nhà tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2001-2005. Trong 5 năm, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã cùng với các ban ngành, đoàn thể tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” với số tiền 7.905.494.669 đồng; trong đó, xây dựng được 1.020 căn nhà với số tiền 5.100 triệu đồng, sửa chữa 643 căn trị giá 696 triệu đồng. Đến hết năm 2004 toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng xong 3.050 căn, bình quân mỗi căn 5.000.000 đồng theo chương trình hỗ trợ nhà ở tại Quyết định số 134/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng năm 2005, xây dựng 2.510 căn với số tiền 6.000.000 đồng/căn. Hội từ thiện Chen Yung, một tổ chức phi chính phủ cũng đã tài trợ xây dựng 300 căn nhà cho đồng bào dân tộc nghèo ở 4 huyện, trị giá mỗi căn 10.000.000 đồng.

Như vậy, trong 5 năm qua các hộ nghèo của tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng 1.320 căn nhà, nếu tính cả việc hỗ trợ theo Quyết định số 134/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tổng số nhà ở được xây dựng cho người nghèo và đồng bào dân tộc là 7.523 căn (trong đó sửa chữa là 643 căn).

b) Hỗ trợ người nghèo về y tế

- Năm 2001- 2002 số người nghèo được khám chữa bệnh BHYT là 48.358 người với kinh phí 1.450.740.000 đồng, số người khám và điều trị là 36.474 (trong đó nội trú là 1678 người, ngoại trú là 34796 người).

- Thực hiện khám chữa bệnh theo Quyết định 142/2003/QĐ-UBND từ năm 2002 đến 6 tháng đầu năm 2005 tổng số bệnh nhân được khám chữa bệnh miễn phí là 1.001.216 lượt người với kinh phí 23.957.996.127 đồng. Riêng năm 2004 đã cấp được 275.560 thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người vùng đặc biệt khó khăn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, người già cô đơn. Tổng kinh phí khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo giai đoạn 2001-2005 là 27.205.889.037 đồng.

- Ngoài ra, được sự giúp đỡ của hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM, 688 bệnh nhân nghèo bị mù do đục thủy tinh thể đã được phẩu thuật và gần 150 em bị dị tật sứt môi hở hàm ếch đã được mổ miễn phí.

c) Hỗ trợ người nghèo về giáo dục

Năm học 2004 - 2005 ngành giáo dục đã thực hiện miễn giảm học phí cho 78.210 em thuộc các hộ nghèo với kinh phí 6.256.800.000 đồng, miễn giảm xây dựng trường là 78.210 em với kinh phí là 9.678.480.000 đồng, sách giáo khoa và giấy vở cấp cho 53.019 học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số với số tiền 5.762.000 đồng.

Giai đoạn 2001 - 2005 toàn tỉnh đã miễn giảm học phí cho 334.790 học sinh với số tiền là 26.783.200.000 đồng và miễn giảm xây dựng trường cho 334.790 học sinh tương đương 41.430.260.000 đồng.

d) Về huy động nguồn lực

Ước tính hàng năm, tổng nguồn vốn huy động là 134,59 tỷ đồng, trong đó ngân sách đầu tư (TW, Địa phương) 15,242 tỷ đồng, vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh (bao gồm cho vay hộ nghèo, cho vay 120, cho vay sinh viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động) hàng năm là 100 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động khoảng 4 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình khác là 32,79 tỷ đồng.

Thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo là giải pháp quan trọng để thực hiện giảm nghèo bền vững.

đ)Về đầu tư phát triển thuỷ lợi và công trình kiên cố hoá kênh mương

Trên địa bàn toàn tỉnh có 263 công trình thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ có năng lực tưới tiêu theo thiết kế là 26.618 ha cây trồng các loại. Tổng diện tích cây trồng được tưới là 61.875 ha, trong đó 3 vụ lúa (9.575 ha lúa đông xuân, 5.500 ha lúa hè thu sớm và 18.900 ha lúa mùa), 22.400 ha cây ăn quả và cây công nghiệp, rau hoa 5.500 ha. Thực hiện Quyết định số 106/1999/QĐ-UBND ngày 27/8/1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng về khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi nhỏ, các địa phương trong tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện khá tốt.

Đến cuối năm 2005, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 75 công trình thuỷ lợi nhỏ do nhân dân và các thành phần kinh tế tự bỏ vốn đầu tư, trong đó thuỷ lợi nhỏ và cực nhỏ là 52 công trình, 23 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Số công trình thủy lợi được kiên cố hoá là 190.386 km, trong đó 100.345 km kênh là nguồn vốn XDCB, PCBL, sự nghiệp thuỷ lợi các địa phương và 90.041 km từ nguồn vốn vay ưu đãi với kinh phí là 43,333 tỷ đồng .

e) Về đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc

Thực hiện chương trình 135, từ năm 1999- 2005 đã có 49 xã được đầu tư với tổng số vốn là 126.115 triệu đồng để xây dựng 403 hạng mục công trình (hạ thế điện 38, giao thông nông thôn 223, trường học 94, trạm xá 7, nước sinh hoạt nông thôn 6, thuỷ lợi 27, chợ 8 hạng mục) toàn tỉnh có 12 trung tâm cụm xã được thông báo xây dựng và đầu tư, hiện tại đã có 9 trung tâm cụm xã được phê duyệt và đầu tư gồm Trung tâm cụm xã Đam Rông, Phi Liêng, Đà Loan, Ka Đơn, Tân Thượng, Đinh Trang Thượng, Hà Lâm, Lộc Bắc - Lộc Bảo, Mỹ Đức, Gia Viễn. Tổng số vốn đầu tư là 53.223 triệu đồng, với 124 hạng mục được thi công. Riêng giai đoạn 2001-2005 đã đầu tư được 119 hạng mục với số tiền 48,95 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 393 dự án cho 44 xã thuộc 11 huyện với 59 điểm dân cư mới, sắp xếp cho 8.311 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; diện tích đất ở, đất sản xuất quy hoạch 18.154 ha (đất ở 901 ha- đất sản xuất 17.254 ha) vốn đầu tư dự kiến đến 320 tỷ đồng. Từ năm 2001-2005 đã bố trí vốn quy hoạch chi tiết cho 16 điểm dân cư ở các xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 14 điểm dân cư được thực hiện và bố trí dân cư mới. Số vốn cấp cho quy hoạch là 766 triệu đồng (riêng năm 2005 chưa phân bổ vốn).

Dự án ổn định và phát triển sản xuất nông lâm gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm bằng nguồn vốn đầu tư, đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, chế biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số vốn đầu tư cho dự án ổn định và phát triển sản xuất nông lâm gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm được thực hiện từ năm 2003-2005 là 4.748,6 triệu đồng, trong đó vốn chương trình 135 là 3.800 triệu, tỉnh đầu tư 948,6 triệu đồng.

Về công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư 3.141 công trình, gồm 39 hệ thống cấp nước tập trung, 2712 giếng nước, 274 bể nước, số người được thụ hưởng là 334.833 người. Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư từ năm 2001-2004 tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch trong toàn tỉnh đã tăng 53%. Trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm được 516 giếng đào, xây dựng 14 hệ thống nước tập trung. Riêng năm 2005, đã đầu tư 11.989,7 triệu đồng để đào giếng, xây dựng, sửa chữa hệ thống nước tự chảy trong vùng đồng bào dân tộc, nâng tỷ lệ hộ dùng nước sạch lên 30-40%.

g) Về giải quyết các vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc

UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình giảm nghèo gắn với giải quyết các vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2004-2010 tại Quyết định số 59/2004/QĐ-UBND ngày 05/4/2004. Chủ yếu thực hiện lồng ghép các chương trình định canh định cư, giao khoán QLBVR, chương trình phát triển thuỷ lợi gắn với thuỷ điện vừa và nhỏ, đề án khuyến nông vùng đồng bào dân tộc.

- Từ năm 2001 đến 30/6/2005, thực hiện chương trình 134 tỉnh đã khai hoang cấp đất cho đồng bào dân tộc không có đất sản xuất, đã giao cho 4.180 hộ khai hoang đưa vào sử dụng 3.799 ha đất sản xuất nông nghiệp, 54.7 ha đất chuyên dùng. Số diện tích còn lại chưa khai hoang là 2.329 ha thì có 379,1 ha không có khả năng sản xuất do địa hình dốc, đất xấu, đá nhiều, 228,2 ha bị dân lấn chiếm, 175 ha có trữ lượng gỗ lớn chuyển sang giao khoán QLBVR, 154.6 ha xa dân cư, điều kiện sản xuất khó khăn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp là 6.821,5 ha. So với kế hoạch và đề án thì diện tích đất còn thiếu nhiều, nhiều hộ chưa đủ đất theo mức quy định của UBND Tỉnh. Do đó, UBND Tỉnh đang chỉ đạo rà soát lại hộ thiếu đất, diện tích đất cần khai hoang để cấp cho dân theo mức bình quân 0.5 ha/hộ.

- Trong 2 năm 2004-2005, Sở Lao động TBXH và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã phối hợp giải quyết được 721 trường hợp bệnh binh người dân tộc thuộc diện tồn đọng về chính sách, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc.

h) Về chính sách hỗ trợ, đảm bảo giống cây trồng và vật nuôi, khuyến nông, lâm, ngư

Sở Nông nghiệp PTNT phối hợp với các tổ chức XH, đoàn thể, tổ chức 4.028 lớp chuyển giao kỹ thuật với hơn 162.000 lượt người tham dự, trong đó về trồng trọt 1.732 lớp, chăn nuôi 1.208 lớp, lâm nghiệp 684 lớp và thuỷ sản 404 lớp. Xây dựng được 4.480 điểm mô hình khảo nghiệm, thực nghiệm, trình diễn về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp.

Ngoài ra, đã có 9.405 hộ đồng bào dân tộc nhận khoán 230.717 ha rừng, giao đất sản xuất, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác, như trợ giá phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách làm ăn, công tác khuyến nông, khuyến ngư…v.v…

i) Về tín dụng

- Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh thực hiện nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Đến cuối 2005 nguồn vốn của NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng đạt 317 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó.

+ Nguồn vốn từ Trung ương: 297 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn ngân sách địa phương: 16 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn huy động: 4 tỷ đồng.

- Vốn tín dụng ưu đãi đã ưu tiên đầu tư cho vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng đầu tư chuyển sang đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, phát triển vật nuôi, cây trồng có thế mạnh tại địa phương. Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho vay với doanh số 276 tỷ đồng/50.718 lượt khách hàng vay vốn.

- Tổng dư nợ đến cuối năm 2005 là: 298 tỷ đồng/53.927 khách hàng,trong đó:

+ Dư nợ cho vay hộ nghèo: 240 tỷ đồng/44.000 hội viên;

+ Dư nợ cho vay giải quyết việc làm: 42 tỷ đồng/7.050 khách hàng;

+ Dư nợ cho vay xuất khẩu lao động: 9 tỷ đồng/577 khách hàng;

+ Dư nợ cho vay học sinh sinh viên: 7 tỷ đồng/2.300 sinh viên.

Trong tổng số dư nợ trên, dư nợ cho vay đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất đạt 75,990 tỷ đồng, dư nợ cho vay vùng II,III đạt 68,540 tỷ đồng.

2. Đánh giá chung

a) Mặt mạnh

Qua 5 năm thực hiện chương trình, UBMTTQ và các đoàn thể như: hội Nông dân, hội Liên hiệp Phụ nữ, hội Cựu Chiến binh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp PTNT, Ban Dân tộc, Sở Giáo dục & Đào tạo… một số huyện như Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, đã thực hiện tốt chương trình. Có thể nói, giai đoạn 2001-2005 toàn tỉnh đã phát huy những thành tựu đạt được trong các năm trước, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ– HĐND– UBND, Ban điều hành chương trình giảm nghèo đã tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận cơ sở. Từ đó các địa phương đã xác định giảm nghèo là chương trình mang tính chiến lược lâu dài, có nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều giải pháp đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, các hoạt động của chương trình đã chú trọng hướng hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao trình độ dân trí để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình

Đến cuối 2005 Lâm Đồng đã cơ bản không còn hộ đói kinh niên và đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND đề ra cho giai đoạn 2001- 2005, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% (theo tiêu chí cũ), đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân lao động nghèo đã từng bước chuyển biến đáng kể, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao; được mọi người, mọi nhà ủng hộ.

b) Những tồn tại

- Một số ít địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo là thực hiện công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh… Do đó, trong chỉ đạo có nơi, có lúc trách nhiệm chưa cao, giải pháp chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Chỉ đạo điều hành chương trình có lúc thiếu tập trung, sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban điều hành từ tỉnh đến huyện, xã chưa thật chặt chẽ và đồng bộ, cá biệt có nhiều đơn vị còn mang nặng tính hình thức. Một bộ phận người nghèo còn mang nặng tính ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước, của cộng đồng, còn lười lao động, là bộ phận nhỏ nhưng nếu không được tuyên truyền vận động, không được dư luận xã hội kịp thời quan tâm sẽ cản trở đến tiến trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong thời gian đến.

- Chương trình chưa bao phủ hết số hộ thực sự nghèo: Do chuẩn nghèo giai đoạn 2001-2005 qui định còn thấp, và nguồn lực của tỉnh cũng còn khó khăn; đồng thời việc xác định đối tượng ở một số ít địa phương thiếu chính xác dẫn đến một bộ phận người nghèo chưa tiếp cận đầy đủ các chính sách, dự án của chương trình.

- Nguồn lực huy động cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

- Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thật sự phù hợp với người nghèo, xã nghèo và tổ chức thực hiện chưa tốt ở cấp cơ sở cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình.

- Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, qua xem xét sự phân bổ về thu nhập các hộ gia đình cho thấy còn một tỷ lệ khá lớn hộ gia đình nằm ngay sát cận chuẩn nghèo. Do vậy nếu gặp thiên tai, rủi ro, sự thay đổi cơ chế chính sách thì khả năng tái nghèo của nhóm này sẽ rất cao.

- Tốc độ giảm nghèo của nhóm hộ dân tộc thiểu số chậm, vẫn còn khá cao so với các vùng nông thôn khác. Mặc dù số lượng hộ nghèo là dân tộc thiểu số đã giảm nhưng tỷ lệ trong tổng số hộ nghèo của cả tỉnh từ năm 2001-2004 có chiều hướng tăng lên, luôn chiếm từ 50% trở lên. Điều đó cho thấy tốc độ giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số chậm hơn tốc độ giảm nghèo chung của cả tỉnh. Nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao là nhóm dân tộc gốc Tây nguyên.

Phần II

KẾ HOẠCH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006-2010

I. Chủ trương, mục tiêu, phạm vi thực hiện chương trình

1. Chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh

- Là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh;

- Phải được thể chế bằng chính sách, kế hoạch hàng năm;

- Huy động toàn nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao;

- Tạo mọi điều kiện để kiện toàn tổ chức bộ máy để cơ quan thường trực, cơ quan quản lý có đủ thẩm quyền và điều kiện để quản lý chương trình;

- Xác định chuẩn nghèo phù hợp với mức sống dân cư, tạo mọi điều kiện để người nghèo thoát nghèo bền vững, vừa thực hiện chuẩn nghèo quốc gia vừa tiến tới xây dựng chuẩn nghèo của tỉnh bảo đảm các chính sách phát triển kinh tế hướng tới giảm nghèo và vì người nghèo.

2. Mục tiêu của chương trình cần đạt được đến năm 2010

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kết quả điều tra từ 23.72% năm 2005 xuống dưới 14% năm 2010, bình quân mỗi năm giảm từ 2%-3%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số từ 55,14% xuống dưới 30%, bình quân mỗi năm giảm từ 5%-5,5%;

- Cải thiện đời sống của nhóm hộ nghèo, tăng dần về thu nhập, mức sống ở nông thôn nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo;

- Đảm bảo 100% số xã ĐBKK và xã nghèo cơ bản có đủ công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định (trường học, trạm xá, đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, nước);

- Đảm bảo được nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho các hộ nghèo được vay vốn;

- Hỗ trợ cho con em hộ nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác;

- Đảm bảo cho các hộ nghèo được hưởng lợi từ các chương trình khuyến nông - lâm – ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật;

- Hàng năm tập huấn nâng cao trình độ và trang bị kiến thức mới cho cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo, trong đó 95% là cán bộ cơ sở;

- Hỗ trợ để xoá xong nhà tạm cho 3.558 hộ nghèo không phải là đồng bào dân tộc thiểu số vào cuối năm 2010.

3. Thời gian, đối tượng, phạm vi thực hiện chương trình

a) Thời gian

Bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào cuối năm 2010.

b) Đối tượng

- Người nghèo, trừ số người nghèo đặc biệt khó khăn, yếu thế như: người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật nặng không có khả năng lao động, người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên… đã được hưởng chính sách hỗ trợ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội;

- Xã nghèo.

c) Phạm vi

- Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, với từng chính sách dự án có phạm vi cụ thể;

- Chính sách hỗ trợ tín dụng, y tế, giáo dục áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh;

- Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng áp dụng cho xã vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ và những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30% và thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%;

- Dự án dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo, mô hình xoá đói giảm nghèo tập trung cho con hộ nghèo và các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%;

- Chính sách hỗ trợ đất sản xuất và nhà ở áp dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số (Quyết định 134/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ) chính sách này do Ban dân tộc chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện.

II. Các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình

1. Về cơ chế

- Trung ương: đề nghị ngân sách Trung ương bố trí hàng năm cho tỉnh phải căn cứ vào hộ nghèo từng giai đoạn;

- Ngân sách cấp tỉnh (Cấp tỉnh, huyện, xã, trừ các xã đặc biệt khó khăn và xã nghèo): bố trí ít nhất bằng 1% tổng chi ngân sách địa phương;

- Huy động các doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân thông qua phong trào “Ngày vì người nghèo”.

2. Phân cấp quản lý

a) Cấp tỉnh

- Hướng dẫn điều tra, xây dựng kế hoạch, tập huấn cán bộ giảm nghèo;

- Huy động, phân bổ nguồn lực, tổ chức giám sát quy trình thực hiện chương trình.

- Công nhận huyện, thoát nghèo.

b) Cấp huyện - Thị xã - Thành phố

- Tổ chức điều tra, báo cáo kết quả và tỷ lệ hộ nghèo với tỉnh;

- Lập kế hoạch giảm nghèo của địa phương, hàng năm thẩm định danh sách hộ thoát nghèo của xã, phường, thị trấn; tổng hợp số hộ thoát nghèo, hộ nghèo phát sinh của địa phương;

- Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho cấp tỉnh;

- Huy động bổ sung nguồn lực và chủ động phân bổ cho cấp xã, phường, thị trấn.

c) Cấp xã- phường- thị trấn

- Xác định hộ nghèo, quản lý hộ nghèo, quyết định và công nhận hộ thoát nghèo, hộ nghèo phát sinh mới;

- Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho cấp huyện;

- Huy động nguồn lực tại chỗ.

III. Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2006-2010

1. Kết quả điều tra xác định hộ nghèo theo tiêu chí mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

- Thực hiện Quyết định số 170/2005/QĐ- TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010.

+ Khu vực nông thôn: 200.000 đồng/người/tháng;

+ Khu vực thành thị: 260.000 đồng/người/tháng

Số hộ nghèo của tỉnh như sau:

TT

Huyện, TX, TP

Tổng số hộ

Hộ nghèo

Tỷ lệ (%)

1

TP Đà Lạt

43.715

1.482

3.39

2

H. Lạc Dương

3.144

1.239

39.41

3

H. Đơn Dương

17.345

4.517

26.04

4

H. Đức Trọng

33.648

4.065

12.08

5

H. Lâm Hà

28.381

8.219

28.96

6

H. Di Linh

31.753

9.894

31.16

7

TX Bảo Lộc

33.045

3.965

12.00

8

H. Bảo Lâm

23.562

11.732

49.79

9

H. Đam Rông

5.834

4.270

73.19

10

H. Đạ Huoai

7.059

2.347

33.25

11

H. Đạ Tẻh

10.090

3.121

30.93

12

H.Cát Tiên

8.197

3.437

41.93

 

Chung toàn tỉnh

245.773

58.288

23.72

Hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số:

TT

Huyện, TX, TP

Tổng số hộ

Hộ nghèo

Tỷ lệ (%)

1

TP Đà Lạt

657

160

24.35

2

H. Lạc Dương

2.597

1.189

45.78

3

H. Đơn Dương

3.965

2.426

61.19

4

H. Đức Trọng

8.291

2.488

30.01

5

H. Lâm Hà

4.822

3.230

66.98

6

H. Di Linh

9.436

4.062

43.05

7

TX Bảo Lộc

780

209

26.79

8

H. Bảo Lâm

6.632

4.936

74.43

9

H. Đam Rông

3.980

3.523

88.52

10

H. Đạ Huoai

1.241

955

76.95

11

H. Đạ Tẻh

2.289

1.487

64.96

12

H.Cát Tiên

1.535

823

53.62

 

Chung toàn tỉnh

46.225

25.488

55.14

2. Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2006-2010

- Theo mức chuẩn nghèo mới, qua điều tra toàn tỉnh có 58.288 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23.72% số hộ toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại thời điểm điều tra 55.14% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

- Trong năm 2006 và giai đoạn đầu năm 2006-2008, việc thực hiện giảm nghèo cần ưu tiên đầu tư để giảm nghèo, những hộ có thu nhập bình quân:

Khu vực nông thôn 150.000đồng/người/tháng - 200.000đồng/người/tháng

Khu vực thành thị 220.000 đồng/người/tháng - 260.000 đồng/người/tháng.

- Dự kiến giai đoạn 2006-2010 phải giảm được 22.800 hộ so với tổng số hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 2%-3%, tương đương 4.560 hộ/năm, đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ dưới 14% và khả năng sẽ còn thấp hơn.

IV.  Các giải pháp về nguồn vốn bố trí để thực hiện chương trình

1. Dự án tín dụng cho vay hộ nghèo

- Dự kiến nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo vay trong 5 năm, trong tổng số 46.172 hộ nghèo (số hộ nghèo cuối năm 2006), dự kiến khoảng 4.617hộ nghèo không có nhu cầu vay vốn, đó là những hộ không có sức lao động, gia đình neo đơn, hộ tàn tật…. (chiếm 10% so với hộ nghèo); tổng hộ có nhu cầu vay vốn là 41.555 hộ; tổng nhu cầu vay vốn cho giai đoạn 2006 – 2010 là 41.555hộ x 10.000.000 đồng/hộ= 415.550.000.000 đồng

2. Dự án dạy nghề

- Giai đoạn 2006-2010 dạy nghề cho người nghèo là một biện pháp mới, trợ giúp cho người nghèo có được tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các hình thức dạy nghề phù hợp để họ tự tạo việc làm tại chỗ, việc làm ngoài tỉnh việc làm trong các doanh nghiệp… tham gia xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững.

- Mục tiêu đến năm 2010, khoảng 2.000 người nghèo/năm được hỗ trợ học nghề và có cơ hội tạo việc làm tại chỗ, việc làm trong các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động là 2.000 người x 1.500.000 đồng/người/năm x 5 năm = 15.000 triệu đồng (Đề nghị Trung ương hỗ trợ 10.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 5.000 triệu đồng).

3. Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo

- Mua 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đảm bảo công tác xoá đói giảm nghèo được bền vững và giảm thiểu nguy cơ tái nghèo.

- Kế hoạch kinh phí trong 5 năm:

Năm 2006: 46.172 hộ x 4 khẩu x 60.000 đồng      = 11.081 triệu đồng

Năm 2007: 41.493 hộ x 4 khẩu x 60.000 đồng      = 9.958 triệu đồng

Năm 2008: 40.249 hộ x 4 khẩu x 80.000 đồng      = 12.879 triệu đồng

Năm 2009: 38.000 hộ x 4 khẩu x 80.000 đồng      = 12.160 triệu đồng

Năm 2010: 35.200 hộ x 4 khẩu x 80.000 đồng      = 11.264 triệu đồng

Tổng cộng:                                                        57.342 triệu đồng

- Riêng đồng bào dân tộc thiểu số 47.382 hộ, bình quân mỗi hộ 4 khẩu, trừ trẻ em dưới 6 tuổi, thì hàng năm phải mua thẻ BHYT cho đối tượng người dân tộc là: 47.382 hộ x 4 khẩu x 80.000 đồng/thẻ x 5 năm = 75.811 triệu đồng

- Trong 5 năm, tổng số kinh phí mua thẻ BHYT là: 57.342 triệu đồng + 75.811 triệu đồng = 133.153 triệu đồng.

4. Chính sách hỗ trợ về giáo dục

a) Nếu tính bình quân mỗi hộ nghèo có 2 con trong độ tuổi đi học và tỷ lệ học sinh ở các bậc học trong học sinh là:

- Mầm non (khoảng 30%):                                   13.851 em

- Tiểu học (khoảng 30%):                                    13.851 em

- Trung học cơ sở (khoảng 25%):                        11.544 em

- Trung học phổ thông (khoảng 15%): 6.925 em

Tổng cộng:                                                      46.172 em

b) Miễn 50% tiền học phí cho học sinh con hộ nghèo tại tất cả các cơ sở giáo dục trong tất cả các bậc học (trừ bậc tiểu học đã được miễn học phí theo quy định chung của Nhà nước). Mục đích để con hộ nghèo được học tập bình đẳng như các con hộ gia đình khác, góp phần nâng cao trình độ cho con hộ nghèo, xoá đói giảm nghèo bền vững.

- Kinh phí thực hiện:

+ Mầm non: 13.851em x 30.000 đồng/tháng x 9 tháng = 3.739 triệu đồng;

+ TH cơ sở:14.572 em x 15.000 đồng/tháng x 9 tháng x 50% = 934 triệu đồng;

+ TH phổ thông: 8.743 em x 50.00 đồng/tháng x 9 tháng x 50% = 1.558 triệu đồng.

- Tổng kinh phí mỗi năm học là 6.231 triệu đồng

- Dự kiến trong 5 năm: 6.231 triệu đồng x 5 năm = 31.115 triệu đồng

c) Miễn 50% tiền đóng góp xây dựng trường: 46.172em x 50.000 đồng/em/năm x 50% = 1.154 triệu đồng

- Dự kiến trong 5 năm: 1.154 triệu đồng x 5 năm = 5.770 triệu đồng

Tổng kinh phí miễn giảm học phí và đóng góp xây dựng trường trong 5 năm là: 5.770 triệu đồng + 31.115 triệu đồng = 36.885 triệu đồng

d) Hỗ trợ sách giáo khoa, tập, viết cho học sinh là con hộ nghèo và học sinh dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học, trung học phổ thông (46.172 học sinh – 13.851học sinh mầm non)= 32.321học sinh. Mức chi theo Thông tư 22/2005/TTLT- BLĐTBXH-BTC- BGD&ĐT ngày 10/8/2005 là: 32.321em x 120.000 đồng/em/năm = 3.878 triệu đồng.

- Dự kiến 5 năm: 3.878 triệu đồng x 5 năm= 19.390 triệu đồng

5. Xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự để thực hiện đề án giảm nghèo giai đoạn 2006-2010

- Trong giai đoạn 2006-2010, để tương xứng với nguồn lực đầu tư cho chương trình và phải hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo phải hình thành bộ máy chuyên trách XĐGN từ tỉnh đến huyện, xã để đủ thẩm quyền, năng lực và điều kiện để quản lý chương trình; đủ sức thực hiện mục tiêu của chương trình đề ra.

+ Kiện toàn hệ thống chuyên trách đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.

+ Cán bộ XĐGN phải là những người có tâm huyết, được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác XĐGN, chế độ đãi ngộ hợp lý như cán bộ công chức nhà nước để họ ổn định cuộc sống và yên tâm công tác lâu dài.

- Giai đoạn 2006-2010, tổ chức bộ máy xoá đói giảm nghèo dự kiến 160 người, trong đó

+ Cấp tỉnh: 3 người x 30.000.000 đồng/người/năm = 90.000.000 đồng;

+ Cấp huyện: 12 người x 2,34 x 450.000 đồng x 12 tháng = 151.632.000 đồng;

+ Cấp xã: 145 người x 450.000 đồng x 12 tháng = 783.000.000 đồng.

Tổng cộng: 1.024.632.000 đồng

6. Đẩy mạnh và phát huy tính hiệu quả của công tác khuyến nông- lâm-ngư nghiệp

- Hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tổ chức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập bền vững.

+ Kinh phí mỗi năm ước khoảng: 500 triệu đồng.

+ Dự kiến giai đoạn 2006-2010: 2.500 triệu đồng

Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 triệu đồng, ngân sách địa phương bố trí 500 triệu đồng.

7. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo

- Hàng năm tập huấn nâng cao trình độ, trang bị kiến thức mới cho khoảng 1500 cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo cấp cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn và trưởng thôn, khu phố, trưởng ban xoá đói giảm nghèo các xã, phường, thị trấn và cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo của các tổ chức đoàn thể.

+ Nội dung đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức thực hiện các dự án. Xây dựng, lập kế hoạch, quản lý và triển khai thực hiện các chính sách dự án.

+ Học tập các địa phương khác về tổ chức và thực hiện chương trình XĐGN.

- Ngân sách cần bố trí trong 5 năm: 250 triệu đồng/năm x 5 năm = 1.250 triệu đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ).

8. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về giảm nghèo

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức và người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như chủ trương, chính sách, giải pháp XĐGN để chính địa phương nghèo, gia đình nghèo phải có ý chí quyết tâm phấn đấu thoát nghèo, không cam chịu đói nghèo, từ đó xem gia đình nghèo có cần sự giúp đỡ gì của Nhà nước, của cộng đồng thì việc trợ giúp đó mới có hiệu quả thiết thực.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo;

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt làm ăn giỏi, vượt nghèo, nhóm tương trợ vượt nghèo….Mỗi năm cần bố trí kinh phí cho công tác này như sau:

+ In tài liệu tuyên truyền: 20 triệu đồng/năm;

+ Trong 5 năm là 100 triệu đồng, đề nghị ngân sách địa phương bố trí (theo quy định của Nhà nước);

- Ngoài ra Ban chỉ đạo XĐGN các cấp phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình, Báo Lâm Đồng để đưa tin tuyên truyền về công tác XĐGN, những gương sáng vượt khó, những mô hình làm ăn có hiệu quả…

9. Chính sách về an sinh xã hội

- Tách riêng số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trợ cấp thường xuyên hàng tháng ra khỏi số hộ nghèo chung của Tỉnh để quản lý theo dõi riêng;

- Hiện nay các đối tượng này đang được hưởng mức trợ cấp 65.000 đồng/người/tháng (theo Nghị định 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ);

- Giai đoạn 2006-2010 mức trợ cấp được nâng lên 120.000 đồng/người/tháng (theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/7/2007 của Chính phủ);

- Những đối tượng Bảo trợ xã hội đang quản lý, nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thì mức trợ cấp là 210.000 đồng/người/tháng (Theo Quyết định số 6256/UBND ngày 15 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Nay theo Quyết định 67/NĐ-CP thì 240.000 đồng/người/tháng.

10. Dự án xây dựng mô hình xoá đói giảm nghèo (XĐGN)

- Đối với hộ nghèo không có đất sản xuất có thể tuyên truyền vận động và hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, ưu tiên học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động;

- Nhân rộng các mô hình giúp vốn xoay vòng không lấy lãi, hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân;

- Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để đầu tư cây con giống hướng dẫn quy trình thủ tục để xây dựng mô hình;

- Các địa phương căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương mình để xây dựng hay nhân rộng những mô hình XĐGN phù hợp với đặc thù, thế mạnh của mỗi vùng, phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh để xây dựng và triển khai thực hiện dự án.

11. Công tác quản lý hộ nghèo

Để làm tốt công tác hộ nghèo, giúp cho Ban xoá đói giảm nghèo xã, phường thị trấn theo dõi diễn biến tình hình đói nghèo đến từng hộ nghèo trên địa bàn mình phụ trách, nắm chắc nhu cầu hỗ trợ của ngưởi nghèo cần cây giống hoặc con giống, cần hỗ trợ về vốn, việc làm…. Đồng thời giúp cho các hộ nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục… mỗi năm cần bố trí kinh phí như sau:

- In sổ cái để quản lý 58.288 hộ nghèo: mỗi xã, phường, thị trấn 3 cuốn (theo quy định của nhà nước);

- In sổ hộ nghèo để cấp cho 58.288 hộ nghèo thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế, tín dụng…. Kinh phí thực hiện mỗi năm 15.000.000 đồng (thực hiện từ năm 2006)

12. Chính sách về khen thưởng

- Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những địa phương thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo và nhân rộng mô hình có hiệu quả kịp thời khen thưởng, động viên những hộ nghèo làm ăn tự lực vươn lên thoát nghèo (theo quy định của nhà nước).

- Dự kiến giai đoạn 2006-2010 toàn tỉnh có 6.500 hộ nghèo điển hình cần khen thưởng, trong đó ngân sách tỉnh bố trí khen thưởng cho 20% số hộ nghèo điển hình này tương đương 6.500 hộ x 20% hộ =1300 hộ

- Dự kiến giai đoạn 2006-2010 là: 130 triệu đồng do ngân sách địa phương bố trí.

13. Một số giải pháp khác

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và các ngành có liên quan đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi (Theo qui định của Nhà nước) để các huyện, thị xã, thành phố có thể kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các ngành nghề truyền thống thu hút lao động, từng bước chuyển dần lao động nghèo nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng việc mở rộng các hình thức gia công từ thành thị về nông thôn.

- Sở Nội vụ nghiên cứu, phối hợp với các Sở, ngành và đề xuất cán bộ được hợp đồng tuyển dụng làm công tác giảm nghèo để được hưởng thêm các chính sách như cán bộ công chức Nhà nước như: lên lương theo định kỳ, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để cán bộ được tuyển dụng ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

- Vận động các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện XĐGN bằng nhiều hình thức như: xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, hỗ trợ vật dụng sửa chữa nhà, hỗ trợ về y tế, giáo dục cho người nghèo, tạm ứng kinh phí không tính lãi cho chương trình XĐGN tỉnh để sử dụng vào mục đích cho hộ nghèo vay vốn làm ăn…

- Đẩy mạnh và làm thật tốt ở địa bàn dân cư về thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

- Thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm chung

1. Ban chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo hoạt động theo cơ chế liên ngành, các thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề quan trọng của chương trình. Trưởng ban chỉ đạo triệu tập và chủ tọa các phiên họp thường kỳ mỗi quý 1 lần hoặc bất thường để xử lý các công việc cấp bách, cần thiết liên nhiệm vụ của chương trình.

2. Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ thực hiện và kết quả của chương trình, phân công các thành viên Ban chỉ đạo, chỉ đạo thực hiện các công việc và dự án của chương trình.

3. Các thành viên chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo các công việc như sau:

- Căn cứ vào nội dung các chính sách, đề án của chương trình và tình hình thực tế, các ngành, địa phương tiến hành tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo và các chương trình phát triển kinh tế- xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình giảm nghèo.

- Hàng tháng, quý, năm các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả tiến độ thực hiện các chính sách, dự án do địa phương và ngành quản lý; đầu quý 3 hàng năm xây dựng kế hoạch năm sau gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh) để tổng hợp báo cáo và xây dựng kế hoạch chung của chương trình.

- Đề nghị các đoàn thể quần chúng tham gia, phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong phạm vi hoạt động của mình, đồng thời tham gia việc giám sát thực hiện chương trình ở các cấp

II. Trách nhiệm cụ thể

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội là Phó trưởng Ban thường trực của chương trình) có nhiệm vụ:

- Thay mặt Trưởng ban chủ trì các cuộc họp khi trưởng ban đi vắng;

- Trực tiếp triển khai chương trình, mục tiêu giảm nghèo và chuẩn bị các kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện các chương trình, mục tiêu đề ra;

- Theo dõi, đánh giá và tổng hợp báo cáo tình hình, hiệu quả thực hiện các nội dung, chương trình thuộc đề án giảm nghèo giai đoạn 2006-2010. Tổ chức sơ kết, tổng kết chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh;

- Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn lại tổ chức bộ máy của Ban chỉ đạo, phối hợp với Sở Nội vụ xem xét, bố trí nhân sự đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;

- Chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các ngành, các cấp về việc thực hiện chương trình;

- Chỉ đạo tổng hợp kế hoạch hàng năm của chương trình, trình Ban chỉ đạo thông qua và phối hợp tổ chức điều hành thực hiện chương trình, trực tiếp chỉ đạo:

+ Dự án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ giảm nghèo;

+ Dự án xây dựng mô hình giảm nghèo cho người nghèo;

+ Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án có liên quan đến giảm nghèo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối nguồn lực cho chương trình, phối hợp với các Sở ban ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện chương trình.

3. Sở Tài chính

Theo dõi cấp phát, hướng dẫn và giám sát chi tiêu tài chính, phối hợp với các sở ban ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện chương trình.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo thực hiện một số chính sách, dự án thuộc ngành quản lý (đất sản xuất, khuyến nông - lâm - ngư), phối hợp với các sở ban ngành chỉ đạo đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo và xã phát triển vùng nguyên liệu để giảm nghèo.

5. Ngân hàng Chính sách Xã hội

Cung cấp tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

6. Ban Dân Tộc tỉnh

Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số và phối hợp với các ban ngành thực hiện chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

7. Sở Xây dựng

Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở.

8. Sở Y tế

Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo thực hiện chính sách về giáo dục, hàng năm triển khai công tác hỗ trợ giáo dục cho học sinh nghèo như: cấp sách giáo khoa, vở, viết và dụng cụ học tập khác.

10. Sở Nội vụ

Căn cứ vào nội dung đề án giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 tham mưu cho UBND Tỉnh kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự làm công tác giảm nghèo từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, phường, thị trấn, đặc biệt là bộ phận chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo bố trí đủ số lượng và chất lượng để đáp ứng được đòi hỏi của công việc nhằm hoàn thành tốt mục tiêu chương trình.

11. Các cơ quan thông tin tuyên truyền

Có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình; tuyên truyền các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo; tuyên truyền về kết quả hoạt động của chương trình, thông qua đó nâng cao trách nhiệm về giảm nghèo cho toàn xã hội.

12. UBND các địa phương: Huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu của chương trình theo chỉ đạo của tỉnh. Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp và các ban ngành cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện theo nguyên tắc tăng cường phân cấp cho cơ sở và đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình.

13. Đề nghị Ủy ban Mât trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh, tham gia thực hiện chương trình. Mỗi một tổ chức tập trung vào một hoặc hai vấn đề cụ thể; có cơ chế để các tổ chức đoàn thể tham gia thực hiện có hiệu quả; tiếp tục huy động quỹ “Vì người nghèo”; xây dựng mạng lưới “ Tổ tiết kiệm - tín dụng”, “tổ tương trợ”; Quỹ tín dụng cho người nghèo./-

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3334/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 phê duyệt Đề án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2006 – 2010

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.108

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.105.239
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!