ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 292/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày
14 tháng 3 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN
2012 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày
10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống
mại dâm giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 185/TTr-SLĐTBXH ngày 29/02/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống mại
dâm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Khiêu
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 14/3/2012 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới
mọi hình thức, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự,
nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo
vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường
tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
- 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền
bằng nhiều hình thức phù hợp về tác hại của tệ nạn mại dâm, hành vi tình dục
lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục
nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm.
- Đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt
động mại dâm và xử lý nghiêm minh 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm
được phát hiện; giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ
sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, cơ sở karaoke...
- 100% các xã, phường, thị trấn chỉ đạo điểm xây
dựng được các mô hình: mô hình hỗ trợ, giảm tổn thương và phòng chống lây nhiễm
HIV; mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
- Tổ chức chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ
tái hòa nhập cộng đồng cho 100% số người bán dâm có hồ sơ quản lý bằng các hình
thức phù hợp tại trung tâm hoặc cộng đồng.
- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống
tệ nạn xã hội được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp
liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác phòng, chống mại dâm.
- Xây dựng trên 80% xã, phường, thị trấn đạt
tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; duy trì số xã, phường, thị trấn đạt
tiêu chuẩn lành mạnh không có mại dâm giai đoạn 2006 - 2010.
II. NHIỆM VỤ:
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức:
- Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền các văn bản
quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm trong toàn tỉnh.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình
truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Duy trì và đẩy mạnh hoạt động mạng lưới cộng
tác viên truyền thông về phòng, chống mại dâm.
- Cung cấp tài liệu truyền thông về nếp sống văn
minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên
từ tỉnh đến cơ sở.
- Xây dựng mô hình truyền thông về phòng, chống
mại dâm, nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn ở các địa bàn
chỉ đạo điểm.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, triệt
phá ổ nhóm hoạt động mại dâm:
- Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa
bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; tổ chức đấu tranh các chuyên án về hoạt
động mại dâm.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát nhằm phòng ngừa việc sử dụng các phương tiện thông tin trong hoạt động tổ
chức mại dâm; đồng thời, khảo sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ
phát sinh mại dâm, từ đó có kế hoạch triệt xóa kịp thời.
3. Xây dựng các mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ,
giúp đỡ người bán dâm trong phòng, chống HIV/AIDS và tái hòa nhập cộng đồng:
- Xây dựng và khảo sát, đánh giá các mô hình hiện
có về phòng ngừa giảm tổn thương, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, bảo vệ người
chưa thành niên bị cưỡng bức bán dâm hoặc bị bóc lột tình dục vì mục đích
thương mại.
- Huy động các nguồn lực xã hội nhằm tạo điều kiện
cho các tổ chức xã hội tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân
biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
- Tổ chức tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm
trong quá trình xây dựng và thực hiện các mô hình trên.
4. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh,
không có mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của mại dâm đối với đời sống
xã hội:
- Tăng cường các hoạt động thông tin giáo dục
truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tác hại liên quan đến mại
dâm như: Hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng; tổ chức các
chiến dịch lồng ghép với các chương trình khác có liên quan; nói chuyện chuyên
đề, xây dựng câu lạc bộ.
- Lồng ghép các chương trình hỗ trợ với chính
sách an sinh xã hội, nhất là ở xã, phường, thị trấn nhằm giảm phân biệt đối xử,
tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp; xây dựng và
hoàn thiện quy chế phối hợp trong Ban Chỉ đạo; giám sát, đánh giá định kỳ kế hoạch
phòng, chống mại dâm ở từng cấp.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành và xử
lý vi phạm pháp luật về mại dâm; thực hiện công tác thu nhập thông tin và báo
cáo định kỳ, đột xuất về đối tượng, kết quả hoạt động của cán sự phòng, chống tệ
nạn xã hội cấp xã.
- Lồng ghép các chương trình kinh xế - xã hội có
liên quan với công tác phòng, chống mại dâm; xây dựng quỹ hỗ trợ xã hội, hỗ trợ
vốn, học nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người mại dâm.
5. Xây dựng bộ máy, nâng cao năng lực và đánh
giá, giám sát:
- Thành lập Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống
mại dâm cấp tỉnh, huyện, thành phố. Riêng xã, phường, thị trấn tùy theo yêu cầu
thực tế về công tác phòng, chống mại dâm, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo
việc thành lập Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm cấp xã.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực
cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh trong việc tham
mưu, điều phối các hoạt động về phòng, chống mại dâm và giám sát, đánh giá kết
quả thực hiện Kế hoạch.
- Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công
tác thanh tra, kiểm tra cho thành viên của Đội kiểm tra liên ngành trong việc tổ
chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại dễ phát
sinh tệ nạn mại dâm.
- Nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận
động, tư vấn về phòng, chống mại dâm; nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành
mạnh, an toàn; kiến thức về phòng ngừa HIV và các bệnh lây qua đường tình dục
cho đội ngũ báo cáo viên chủ chốt cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên cấp xã.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về mại dâm và phòng, chống
mại dâm, chế độ báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống mại dâm; tổ chức các
cuộc điều tra, khảo sát về mại dâm trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức hội thi, hội thảo, sơ kết, tổng kết
chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
1. Tăng cường nguồn lực về con người và kinh phí
cho công tác phòng, chống mại dâm. Từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống mại
dâm, huy động, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, cộng đồng và các cá nhân
tham gia các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ
trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức
trong phòng, chống mại dâm ở xã, phường, thị trấn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân, Trưởng Công an). Lấy hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại
dâm nói riêng, phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung tại địa bàn quản lý làm chỉ
tiêu thi đua, đánh giá hàng năm.
Lực lượng công an các cấp phối hợp hoạt động
phòng, chống mại dâm với phòng chống ma túy và buôn bán người (đặt biệt là buôn
bán phụ nữ và trẻ em); quản lý chặt địa bàn, các cơ sở kinh doanh khách sạn,
nhà trọ, nhà hàng, quán Karaoke... phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng
các hình thức kinh doanh nhạy cảm này để tổ chức các hoạt động mại dâm.
3. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong
phòng, chống mại dâm, bảo đảm thực hiện đúng Quyết định số 155/2007/QĐ-TTg ngày
25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên
ngành phòng, chống mại dâm.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:
1. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch:
6.724,715 triệu đồng, (Sáu tỷ bảy trăm hai mươi bốn triệu bảy trăm mười lăm
ngàn đồng), trong đó:
- Đề nghị Trung ương hỗ trợ: 5.224,715 triệu đồng
(Năm tỷ hai trăm hai mươi bốn triệu bảy trăm mười lăm ngàn đồng).
- Ngân sách tỉnh cấp (kinh phí phòng, chống mại
dâm): 1.500 triệu đồng (Một tỷ năm trăm triệu đồng).
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động
bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để đảm bảo thực hiện
các chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống mại dâm trên địa bàn; trong đó ưu tiên kinh
phí thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ tại xã, phường, thị trấn và
các hoạt động phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Tổ chức điều hành Kế hoạch:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan
thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các ngành đoàn thể tỉnh.
2. Phân công trách nhiệm:
2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ
đạo, theo dõi và giám sát việc thực hiện; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp
báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai và kết quả thực hiện
Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có
liên quan tổ chức và hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng
đồng cho người bán dâm.
2.2. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng công an các
cấp, phối hợp hoạt động phòng, chống mại dâm với phòng, chống tội phạm ma túy
và buôn bán phụ nữ, trẻ em; quản lý địa bàn và xử lý vi phạm liên quan đến
phòng, chống mại dâm.
2.3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng: Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan chức năng hoạt động phòng, chống mại dâm với phòng chống ma
túy và buôn bán người ở khu vực biên giới biển. Tăng cường tuần tra, kiểm soát,
quản lý vùng biển, đặc biệt khu vực biên giới biển, lưu ý tại khu vực bến cá, cảng
cá, khu vực neo đậu tàu thuyền. Kịp thời phát hiện hoạt động mại dâm, tội phạm
buôn bán người ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm để điều tra, xử lý theo quy
định của pháp luật.
2.4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối
hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về
nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn bao gồm cả việc phòng,
chống lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục; chính sách, pháp luật về
phòng, chống mại dâm, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác này.
2.5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì,
phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở
kinh doanh văn hóa - du lịch, ngăn chặn và xử lý các hành vi khiêu dâm, kích dục,
lưu hành văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; rà soát, đề xuất các quy định về quản
lý hoạt động văn hóa, dịch vụ, du lịch và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực
văn hóa - du lịch liên quan đến phòng, chống mại dâm.
2.6. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc
tổ chức công tác tư vấn, khám, chữa bệnh cho đối tượng mại dâm ở trung tâm và cộng
đồng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện về y tế của các cơ sở kinh doanh dịch
vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
2.7. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành tỉnh có liên quan tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống
mại dâm.
2.8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các Sở,
ngành tỉnh có liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp phối hợp trong việc quản
lý cấp, thu hồi giấy phép đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an
ninh trật tự.
2.9. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội đề xuất bố trí kinh phí hàng năm đảm bảo cho công
tác phòng, chống mại dâm; hướng dẩn chế độ đóng góp, trợ cấp đối với người bán
dâm đưa vào chữa trị, giáo dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã
hội, đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.
2.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm,
hàng năm về phòng, chống mại dâm trên cơ sở Kế hoạch này và kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương.
- Bố trí ngân sách và huy động các nguồn đóng
góp hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm,
tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã
hội.
- Lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm vào
các chương trình an sinh xã hội của địa phương như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề,
tạo việc làm, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và phòng, chống buôn bán người.
2.11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án
nhân dân tỉnh nâng cao năng lực thực thi pháp luật điều tra, xét xử các vụ án
liên quan đến mại dâm cho lực lượng kiểm sát viên và thẩm phán.
2.12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên
hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến
binh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan triển
khai thực hiện Kế hoạch này./.