QUY ĐỊNH
ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP
TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2007/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm
2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Các đề tài, dự án khoa học xã hội và nhân văn
cấp Tỉnh (sau đây gọi là đề tài) sử dụng ngân sách nhà nước đã được phê duyệt, đến
thời hạn kết thúc theo hợp đồng nghiên cứu khoa học đã ký kết, phải được tiến
hành đánh giá, nghiệm thu theo Quy định này.
2. Quy định này áp dụng cho việc đánh giá, nghiệm
thu các đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học xã hội cấp Tỉnh và các đề
tài, dự án khoa học xã hội và nhân văn độc lập cấp Tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc đánh
giá nghiệm thu đề tài
1. Việc đánh giá, nghiệm thu đề tài phải được tiến
hành dân chủ, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chủ trì
thực hiện đề tài và cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo quy
định của Luật Khoa học và Công nghệ.
2. Việc đánh giá, nghiệm thu đề tài phải căn cứ vào
Hợp đồng nghiên cứu khoa học đã ký kết, tiến hành đúng quy trình, bảo đảm nghiêm
túc, trung thực, khách quan, chính xác và công bằng.
3. Việc xếp loại kết quả của đề tài phải dựa trên
cơ sở đánh giá toàn diện, có căn cứ xác thực với những tiêu chuẩn cụ thể, trong
đó chú trọng về chất lượng khoa học và hiệu quả của đề tài đối với thực tiễn.
Điều 3. Phương thức đánh
giá, nghiệm thu đề tài
1. Việc đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả của
đề tài phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá của Hội đồng khoa học (gọi là
Hội đồng đánh giá nghiệm thu) do Sở Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập
để đánh giá, nghiệm thu.
2. Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào ý kiến đánh
giá, xếp loại và kiến nghị của Hội đồng đánh giá nghiệm thu để đề nghị Uỷ ban
nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định công nhận kết quả của đề tài.
Trường hợp cần thiết, ngoài ý kiến đánh giá, xếp
loại của Hội đồng đánh giá nghiệm thu. Sở Khoa học và Công nghệ có thể lấy thêm
ý kiến chuyên gia để có thêm căn cứ, bảo đảm việc đánh giá chính xác, khách
quan.
3. Hội đồng đánh giá nghiệm thu thực hiện việc đánh
giá, nghiệm thu đề tài thông qua phiên họp của Hội đồng được tổ chức công khai,
trong đó có ý kiến nhận xét bằng văn bản của các thành viên hội đồng và bỏ
phiếu đánh giá, xếp loại đề tài.
4. Việc đánh giá, nghiệm thu đề tài được tiến hành
theo hai bước:
Bước 1: Đánh giá cấp cơ sở là bước chuẩn bị để đánh
giá, nghiệm thu chính thức, được tiến hành trước thời hạn kết thúc Hợp đồng
nghiên cứu khoa học (chậm nhất là vào thời điểm kết thúc hợp đồng) do cơ quan chủ
trì tổ chức, nhằm xem xét các điều kiện để đưa vào đánh giá, nghiệm thu chính
thức.
Bước 2: Đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh là bước đánh
giá, nghiệm thu chính thức, được tiến hành trong thời hạn 60 ngày sau thời hạn
kết thúc Hợp đồng, nhằm đánh giá toàn diện kết quả của đề tài so với Hợp đồng
nghiên cứu khoa học đã ký kết.
Điều 4. Kinh phí đánh giá,
nghiệm thu đề tài
Kinh phí tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài được
lấy từ kinh phí của đề tài.
Chương II
TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ CẤP CƠ
SỞ
Điều 5. Hồ sơ đánh giá cấp
cơ sở
1. Hồ sơ đánh giá cấp cơ sở bao gồm:
a) Thuyết minh đề tài đã được phê duyệt.
b) Hợp đồng nghiên cứu khoa học.
c) Báo cáo hành chính theo mẫu hướng dẫn tại Phụ
lục VI.A kèm theo Quy định này, gồm các nội dung: việc tổ chức triển khai và huy
động lực lượng tham gia thực hiện đề tài (kèm theo danh sách các tổ chức, cá
nhân tham gia chính); việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp và báo cáo
đề nghị quyết toán tài chính của đề tài; việc thực hiện các quy định của Nhà
nước trong quá trình thực hiện đề tài; bảng thống kê các tài liệu, số liệu, sản
phẩm của đề tài để minh chứng cho quá trình thực hiện đề tài.
d) Các sản phẩm khoa học trung gian của đề tài bao
gồm: kỷ yếu hội thảo khoa học, báo cáo nhanh và chuyên đề, báo cáo xử lý kết
quả điều tra, khảo sát thực tiễn, ấn phẩm đã công bố, xuất bản trong quá trình
thực hiện đề tài (nếu có).
đ) Báo cáo khoa học (tổng hợp kết quả nghiên cứu
của đề tài), báo cáo tóm tắt, bản kiến nghị của đề tài với cơ quan sử dụng kết quả
nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
e) Các báo cáo, biên bản kiểm tra định kỳ.
g) Văn bản đề nghị đánh giá cấp cơ sở của chủ nhiệm
đề tài.
2. Chậm nhất 30 ngày trước ngày kết thúc thời hạn
ghi trong Hợp đồng khoa học, Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ
đánh giá cấp cơ sở và nộp hồ sơ đó theo yêu cầu, số lượng ghi trong Hợp đồng nghiên
cứu khoa học, đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan tổ chức đánh giá cấp cơ sở
quy định tại Điều 6 của Quy định này tiến hành việc kiểm tra và tổ chức đánh
giá cấp cơ sở.
Trường hợp không bảo đảm thời hạn nêu trên, trước
khi kết thúc hợp đồng, Chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì thực hiện đề tài
phải có văn bản đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định việc gia
hạn thời gian đánh giá cấp cơ sở. Trường hợp được gia hạn, thời gian gia hạn
không quá 90 ngày tính từ thời điểm kết thúc hợp đồng.
Điều 6. Cơ quan đánh giá cấp
cơ sở
1. Cơ quan đánh giá cấp cơ sở được quy định như
sau:
a) Đối với đề tài không thuộc Chương trình khoa học
xã hội cấp Tỉnh, cơ quan đánh giá cấp cơ sở là cơ quan chủ trì thực hiện đề
tài.
b) Đối với đề tài thuộc Chương trình khoa học xã
hội cấp Tỉnh, cơ quan đánh giá cấp cơ sở là Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học
xã hội Tỉnh.
c) Đối với đề tài độc lập do Uỷ ban nhân dân Tỉnh
giao trực tiếp cho cá nhân, không có cơ quan chủ trì, cơ quan đánh giá cấp cơ
sở do Sở Khoa học và Công nghệ quyết định.
2. Cơ quan đánh giá cấp cơ sở có trách nhiệm:
a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
đánh giá cấp cơ sở, cơ quan đánh giá cấp cơ sở tiến hành: kiểm tra, bảo đảm đề
tài có đủ điều kiện, hồ sơ để đưa vào đánh giá cấp cơ sở theo quy định tại Điều
5 của Quy định này; ra quyết định thành lập Hội đồng đánh giá cấp cơ sở; cung
cấp các tài liệu đánh giá cấp cơ sở, bao gồm Hợp đồng nghiên cứu khoa học, thuyết
minh đề tài, báo cáo khoa học, báo cáo tóm tắt, bản kiến nghị, báo cáo hành
chính gửi đến các thành viên Hội đồng.
Trường hợp đề tài chưa bảo đảm điều kiện nghiệm thu,
cơ quan đánh giá cấp cơ sở ấn định thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ
đánh giá cấp cơ sở và yêu cầu chủ nhiệm đề tài sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hồ
sơ, điều kiện để đưa vào đánh giá cấp cơ sở.
b) Tổ chức phiên họp của hội đồng đánh giá cấp cơ
sở theo Điều 8 của Quy định này; bảo đảm thời gian tổ chức phiên họp không quá
15 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập hội đồng và ít nhất 7 ngày sau khi
các thành viên hội đồng nhận được tài liệu đánh giá.
c) Xử lý kết quả đánh giá cấp cơ sở, theo Điều 10
của Quy định này.
Điều 7. Hội đồng đánh giá
cấp cơ sở
1. Hội đồng đánh giá cơ sở có từ 5 đến 7 thành viên
là các nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, uy tín, am hiểu lĩnh vực chuyên
môn của đề tài và không có tên trong danh sách những người tham gia thực hiện
đề tài, trong đó có ít nhất 1/3 thành viên Hội đồng là người ngoài cơ quan đánh
giá cấp cơ sở.
2. Cơ cấu Hội đồng đánh giá cấp cơ sở gồm: Chủ tịch
hội đồng, Phó Chủ tịch hội đồng, 02 uỷ viên phản biện, 01 uỷ viên thư ký và các
uỷ viên.
3. Các thành viên Hội đồng đánh giá cấp cơ sở có
trách nhiệm:
a) Nghiên cứu hồ sơ, xem xét, đánh giá kết quả của
đề tài bằng văn bản theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục IV.A kèm theo Quy định này.
b) Đề xuất các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn
thiện sản phẩm của đề tài.
c) Không được công bố, cung cấp thông tin và sử dụng
kết quả của đề tài khi chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân chủ trì thực
hiện đề tài.
d) Chịu trách nhiệm về việc đánh giá, xếp loại của
mình đối với đề tài.
4. Ngoài trách nhiệm của thành viên Hội đồng quy
định tại khoản 3 Điều này, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên phản
biện và ủy viên thư ký còn có trách nhiệm sau:
a) Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm kiểm tra các
điều kiện để tiến hành phiên họp của Hội đồng như quy định tại khoản 2 Điều 8 của
Quy định này và chủ trì, điều khiển chương trình phiên họp của Hội đồng theo
hướng dẫn tại Phụ lục I.A kèm theo Quy định này.
b) Phó Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm giúp Chủ
tịch Hội đồng và thay Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng
mặt.
c) Ủy viên phản biện có trách nhiệm kiểm tra, thẩm
định toàn bộ hồ sơ của đề tài so với Hợp đồng nghiên cứu khoa học; có ý kiến
phản biện, đánh giá toàn diện về kết quả của đề tài và có kiến nghị đề tài đủ
điều kiện hay chưa đủ điều kiện đưa vào đánh giá, nghiệm thu chính thức.
d) Ủy viên thư ký có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội
đồng kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 5
của Quy định này, hoàn thiện biên bản và các tài liệu của phiên họp Hội đồng.
5. Thành viên Hội đồng vi phạm quy định tại điểm
c, khoản 3 Điều này sẽ không được tham gia hội đồng đánh giá cấp cơ sở và cấp Tỉnh
trong thời hạn từ 01 đến 03 năm và bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị
định số 127/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 5 năm 2004 về xử phạt vi
phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Điều 8. Phiên họp của Hội
đồng đánh giá cấp cơ sở
1. Các thành phần chính tham dự phiên họp của Hội
đồng đánh giá cấp cơ sở gồm: Các thành viên Hội đồng; đại diện cơ quan đánh giá
cấp cơ sở; đại diện tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài và đại diện Sở
Khoa học và Công nghệ.
2. Phiên họp của Hội đồng được tiến hành khi có đủ
các điều kiện:
a) Hồ sơ đánh giá cấp cơ sở đủ và hợp lệ.
b) Có ý kiến nhận xét bằng văn bản của 02 uỷ viên
phản biện và các thành viên khác của hội đồng.
c) Có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt tại
phiên họp, trong đó có Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng trong trường
hợp Chủ tịch vắng mặt) và ít nhất có 01 uỷ viên phản biện.
3. Phiên họp của hội đồng tiến hành theo Chương trình
được hướng dẫn tại Phụ lục I.A kèm theo Quy định này.
Điều 9. Đánh giá, xếp loại
đề tài trong phiên họp của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở
1. Hội đồng đánh giá cấp cơ sở căn cứ Hợp đồng nghiên
cứu khoa học và kết quả của đề tài được thể hiện qua báo cáo khoa học và nội
dung trình bày của Chủ nhiệm đề tài trước Hội đồng để tiến hành đánh giá, xếp
loại đề tài theo hai mức: đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện để đưa vào đánh
giá, nghiệm thu cấp Tỉnh.
Trong trường hợp đề tài xếp loại không đủ điều kiện,
Hội đồng nêu rõ lý do và đề nghị đề tài được tiếp tục hoàn thiện hay phải đình
chỉ thực hiện.
2. Đề tài được xếp vào loại đủ điều kiện để đưa vào
đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh, nếu có đủ các tiêu chuẩn:
a) Bảo đảm khối lượng, chất lượng nghiên cứu, bao
gồm: Hoàn thành khối lượng công việc và các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu ghi
trong Hợp đồng nghiên cứu khoa học; hệ thống tài liệu, số liệu có độ tin cậy và
giá trị khoa học; bảo đảm số lượng, chất lượng các sản phẩm khoa học trung gian
có trong Hợp đồng; báo cáo khoa học có kết cấu hợp lý, được trình bày rõ ràng,
có giá trị khoa học và giá trị sử dụng, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên
cứu.
b) Bảo đảm nộp hồ sơ đánh giá cấp cơ sở đúng thời
hạn đã ký kết hoặc theo quyết định gia hạn của Sở Khoa học và Công nghệ trong
trường hợp đề tài được gia hạn thời gian đánh giá cơ sở.
c) Không vi phạm một trong các điều sau:
- Hồ sơ, tài liệu không trung thực.
- Sao chép kết quả nghiên cứu của người khác.
- Làm trái các quy định của pháp luật trong quá trình
thực hiện đề tài.
d) Có ít nhất 3/4 số thành viên hội đồng có mặt tại
phiên họp bỏ phiếu, xếp loại “đủ điều kiện”.
3. Đề tài xếp loại không đủ điều kiện trong các trường
hợp không đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 10. Xử lý kết quả đánh
giá cấp cơ sở
1. Đối với đề tài xếp loại đủ điều kiện, sau khi
hồ sơ, sản phẩm của đề tài được Chủ nhiệm đề tài bổ sung, sửa chữa và hoàn thiện
theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở, cơ quan đánh giá cấp cơ sở có
trách nhiệm kiểm tra lại và có văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị cho
đánh giá, nghiệm thu chính thức.
2. Đối với đề tài xếp loại không đủ điều kiện do
không đạt tiêu chuẩn quy đinh tại điểm a, khoản 2 Điều 9 của Quy định này, trong
thời hạn 30 ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở, Chủ
nhiệm đề tài phải bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ của đề tài theo ý kiến góp
ý của Hội đồng và làm lại thủ tục như lần đầu để đánh giá cấp cơ sở.
Trường hợp không bảo đảm thời hạn trên, cơ quan đánh
giá cấp cơ sở phải có văn bản đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết
định việc gia hạn thời gian để hoàn thiện sản phẩm. Trong trường hợp được gia
hạn, thời gian gia hạn để hoàn thiện sản phẩm của đề tài tối đa là 90 ngày kể
từ ngày có kết luận của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở.
3. Đối với đề tài xếp loại không đủ điều kiện do
vi phạm các quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 9 của Quy định này, cơ quan đánh giá
cấp cơ sở có trách nhiệm xem xét và có văn bản đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ
đình chỉ đề tài.
4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được đề nghị của cơ quan đánh giá cấp cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ có trách
nhiệm xem xét, quyết định gia hạn thời gian thực hiện đề tài hoặc đình chỉ đề
tài nếu xét thấy tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện không có khả năng hoàn
thành đề tài.
5. Trường hợp đề tài bị đình chỉ do vi phạm các quy
định tại điểm b và điểm c, khoản 2 Điều 9 của quy định này:
a) Chủ nhiệm đề tài sẽ không được tham gia làm Chủ
nhiệm đề tài cấp Tỉnh trong thời hạn 3 năm tiếp theo và bị xử phạt theo quy định
tại Nghị định 127/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 5 năm 2004 về xử phạt
vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ.
b) Trên cơ sở ý kiến đánh giá, kết luận của Hội đồng
đánh giá cấp cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét, quyết định
việc quyết toán một phần kinh phí của đề tài.
Chương III
TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM
THU CẤP TỈNH
Điều 11. Hồ sơ đánh giá,
nghiệm thu cấp Tỉnh
1. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh bao gồm:
a) Hồ sơ đánh giá cấp cơ sở đã được bổ sung, sửa
đổi và hoàn thiện theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở.
b) Quyết định thành lập hội đồng đánh giá cấp cơ
sở; biên bản phiên họp của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở và văn bản nhận xét, đánh
giá đề tài của các thành viên hội đồng đánh giá cấp cơ sở.
c) Văn bản đề nghị đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh
của cơ quan đánh giá cấp cơ sở theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục VII. B kèm theo Quy
định này.
2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có kết luận
của hội đồng đánh giá cấp cơ sở, Chủ nhiệm đề tài và cơ quan đánh giá cấp cơ sở
có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh và nộp hồ sơ đó theo
yêu cầu, số lượng ghi trong hợp đồng khoa học cho Sở Khoa học và Công nghệ để
kiểm tra và tổ chức việc đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh.
Trường hợp không bảo đảm thời hạn trên, cơ quan đánh
giá cấp cơ sở phải có văn bản đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết
định việc gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp được gia hạn, thời
gian gia hạn để hoàn thiện hồ sơ tối đa là 90 ngày kể từ ngày có kết luận của
Hội đồng đánh giá cấp cơ sở.
Điều 12. Tổ chức việc đánh
giá, nghiệm thu cấp Tỉnh
Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Uỷ ban nhân
dân Tỉnh tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài, có trách nhiệm:
1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành:
kiểm tra hồ sơ và điều kiện để đưa vào nghiệm thu cấp Tỉnh như quy định tại
Điều 11của Quy định này; ra Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu
cấp Tỉnh và cử chuyên viên làm thư ký giúp việc cho Hội đồng; cung cấp các tài
liệu đánh giá, nghiệm thu, bao gồm Hợp đồng nghiên cứu khoa học (trong đó có
thuyết minh đề tài), báo cáo khoa học, báo cáo tóm tắt, bản kiến nghị, báo cáo
hành chính đến các thành viên của Hội đồng.
Trường hợp xét thấy đề tài chưa đủ điều kiện nghiệm
thu cấp Tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ ấn định thời gian tối đa 15 ngày kể từ
ngày nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu và yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và cơ quan đánh
giá cấp cơ sở sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, điều kiện để đưa vào nghiệm
thu.
2. Tổ chức phiên họp của Hội đồng đánh giá, nghiệm
thu cấp Tỉnh theo quy định tại Điều 14 của Quy định này trong thời hạn 15 ngày
kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng và ít nhất 7 ngày sau khi các thành
viên Hội đồng nhận được tài liệu đánh giá, nghiệm thu.
Trường hợp cần thiết, Sở Khoa học và Công nghệ có
thể mời một số cơ quan, tổ chức có liên quan đến đề tài cho ý kiến đánh giá, nhận
xét đối với kết quả của đề tài để cung cấp cho Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp
Tỉnh tham khảo.
3. Xử lý kết quả đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh theo
quy định tại Điều 16 của Quy định này.
Điều 13. Hội đồng đánh giá
nghiệm thu cấp Tỉnh
1. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cấp Tỉnh có từ 7
đến 9 thành viên, là các nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, uy tín, am hiểu
lĩnh vực chuyên môn của đề tài, đồng thời không có tên trong danh sách những người
tham gia thực hiện đề tài.
2. Cơ cấu của hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh
gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác, trong đó
có 01 đại diện của Ban Chủ nhiệm Chương trình (đối với các đề tài thuộc Chương
trình khoa học xã hội cấp Tỉnh), 01 ủy viên thư ký và ít nhất 02 ủy viên phản
biện (tuỳ theo nội dung và lĩnh vực nghiên cứu của đề tài).
3. Các thành viên Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp
Tỉnh có trách nhiệm:
a) Nghiên cứu hồ sơ, xem xét, đánh giá kết quả của
đề tài bằng văn bản theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục IV.B kèm theo Quy định này.
b) Đề xuất các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn
thiện các sản phẩm của đề tài.
c) Kiến nghị về công bố, sử dụng, ứng dụng kết quả
của đề tài.
d) Không được công bố, cung cấp thông tin và sử dụng
kết quả của đề tài khi chưa được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân Tỉnh và của tổ
chức, cá nhân chủ trì, thực hiện đề tài.
đ) Chịu trách nhiệm về việc đánh giá, xếp loại của
mình đối với đề tài.
4. Ngoài trách nhiệm của thành viên Hội đồng quy
định tại khoản 3 Điều này, Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng, ủy viên phản
biện và ủy viên thư ký còn có trách nhiệm sau:
a) Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm kiểm tra các
điều kiện để tiến hành phiên họp của Hội đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 14
của Quy định này; chủ trì, điều khiển chương trình phiên họp của Hội đồng theo hướng
dẫn tại Phụ lục I.B kèm theo Quy định này; xác nhận việc Chủ nhiệm đề tài đã bổ
sung, sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh như kết luận của
Hội đồng đánh giá nghiệm thu, theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục VIII.B kèm theo
Quy định này.
b) Phó Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm giúp Chủ
tịch Hội đồng và thay Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng
mặt.
c) Ủy viên phản biện có trách nhiệm kiểm tra, thẩm
định toàn bộ hồ sơ của đề tài, có ý kiến phản biện, đánh giá toàn diện về kết
quả của đề tài và có kiến nghị về việc đánh giá, xếp loại đề tài.
d) Ủy viên thư ký có trách nhiệm giúp Chủ tịch hội
đồng: kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều
11 của Quy định này; hoàn thiện biên bản và các tài liệu của phiên họp Hội đồng;
kiểm tra nội dung bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp
Tỉnh của Chủ nhiệm đề tài theo kết luận của Hội đồng đánh giá nghiệm thu.
5. Thành viên hội đồng vi phạm các quy định tại điểm
d, khoản 3 của Điều này sẽ không được tham gia Hội đồng đánh giá cấp cơ sở và
cấp Tỉnh trong thời hạn từ 01 đến 03 năm và bị xử phạt hành chính theo quy định
tại Nghị định số 127/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 5 năm 2004 về xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Điều 14. Phiên họp của hội
đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh
1. Các thành phần chính tham dự phiên họp của Hội
đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh gồm: Các thành viên Hội đồng; đại diện tổ chức,
cá nhân chủ trì thực hiện đề tài; đại diện cơ quan đánh giá, nghiệm thu cấp
Tỉnh.
2. Phiên họp của Hội đồng được tiến hành khi có đủ
các điều kiện sau:
a) Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh đủ và hợp
lệ.
b) Có ý kiến nhận xét bằng văn bản của các ủy viên
phản biện và các thành viên khác của Hội đồng.
c) Có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt tại
phiên họp, trong đó, có Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng trong trường
hợp Chủ tịch vắng mặt) và ít nhất 01 ủy viên phản biện.
3. Phiên họp của hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp
Tỉnh được tiến hành theo Chương trình được hướng dẫn tại Phụ lục I.B kèm theo
Quy định này.
Điều 15. Đánh giá,
xếp loại đề tài trong phiên họp của hội đồng đánh giá cấp Tỉnh
1. Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh căn cứ vào
hợp đồng khoa học, kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện qua các báo cáo
khoa học và nội dung trình bày của Chủ nhiệm đề tài trước Hội đồng đánh giá, để
đánh giá xếp loại đề tài.
2. Trên cơ sở ý kiến các thành viên, Hội đồng tiến
hành thảo luận và bỏ phiếu đánh giá, cho điểm theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục
II.B kèm theo Quy định này, dựa trên các tiêu chuẩn và thang điểm 100 như sau:
a) Về phương pháp nghiên cứu của đề tài, tối đa 10
điểm, cho các nội dung:
- Đánh giá cách tiếp cận của đề tài, mức độ phù hợp
của cách tiếp cận đối với các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu.
- Đánh giá mức độ phù hợp và hiệu quả của việc sử
dụng các phương pháp nghiên cứu trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nghiên
cứu và triển khai các nội dung của đề tài.
b) Về giá trị khoa học của kết quả nghiên cứu, tối
đa 60 điểm, cho các nội dung:
- Mức độ đạt mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu và các
yêu cầu về sản phẩm của đề tài đã cam kết trong hợp đồng khoa học, được thể hiện
qua báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo tóm tắt và bản kiến nghị của
đề tài.
- Tính xác thực, cập nhật, phong phú và độ tin cậy
của hệ thống thông tin, tư liệu, tài liệu đã thu thập, điều tra được sử dụng
trong đề tài.
- Cái mới của kết quả nghiên cứu; tính sáng tạo,
độc đáo của đề tài.
c) Về giá trị thực tiễn của kết quả nghiên cứu, tối
đa 25 điểm, cho các nội dung:
- Cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định
đường lối, chính sách.
- Góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn,
đóng góp vào việc phát triển khoa học, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu.
- Đưa ra các giải pháp khuyến nghị có khả năng ứng
dụng thực tiễn.
d) Về tổ chức thực hiện đề tài tối đa 5 điểm, cho
các nội dung:
- Thực hiện tiến độ nghiên cứu.
- Huy động, sử dụng lực lượng nghiên cứu.
3. Việc xác định phiếu hợp lệ và cách tính điểm của
đề tài được quy định như sau:
a) Phiếu hợp lệ là phiếu của thành viên Hội đồng
có mặt tại phiên họp của Hội đồng, có cho điểm với số điểm ít hơn hoặc bằng với
số điểm tối đa ghi trong phiếu ứng với từng chỉ tiêu đánh giá.
b) Điểm ghi trong các phiếu hợp lệ được tổng hợp
theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục III.B kèm theo Quy định này.
c) Điểm của đề tài là điểm trung bình, tính trong
tổng số các phiếu hợp lệ.
4. Căn cứ vào điểm của đề tài, Hội đồng đánh giá
nghiệm thu cấp Tỉnh tiến hành việc xếp loại các đề tài như sau:
a) Đề tài xếp loại xuất sắc nếu đạt điểm trung bình
từ 85 điểm trở lên, trong đó phần giá trị khoa học đạt từ 55 điểm trở lên và
phần giá trị ứng dụng, giá trị thực tiễn kết quả của đề tài đạt từ 20 điểm trở
lên.
Trường hợp đề tài đạt đủ các tiêu chuẩn trên, nhưng
nộp hồ sơ nghiệm thu chậm so với Hợp đồng nghiên cứu khoa học được quy định tại
khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 11 của Quy định này mà không có ý kiến của Sở
Khoa học và Công nghệ thì chỉ được xếp ở mức cao nhất là loại khá.
b) Đề tài xếp loại khá trong 2 trường hợp:
- Đạt điểm trung bình từ 65 đến dưới 85 điểm.
- Đạt điểm trung bình từ 85 điểm trở lên, nhưng điểm
cho phần giá trị khoa học dưới 55 hoặc điểm cho phần giá trị ứng dụng, sử dụng
kết quả của đề tài dưới 20.
c) Đề tài xếp loại trung bình nếu có điểm trung bình
từ 50 đến dưới 65 điểm.
d) Đề tài xếp loại không đạt nếu điểm trung bình
dưới 50.
5. Kết quả bỏ phiếu đánh giá, xếp loại đề tài của
Hội đồng được ghi thành biên bản theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục V.B kèm theo
Quy định này.
Điều 16. Xử lý kết quả đánh
giá, nghiệm thu cấp Tỉnh
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có kết quả đánh
giá, xếp loại của hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh, Chủ nhiệm đề tài, cơ
quan đánh giá cấp cơ sở có trách nhiệm:
a) Đối với đề tài được xếp loại xuất sắc, khá hoặc
trung bình:
- Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu
cấp Tỉnh theo ý kiến của Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh.
- Tiến hành việc kiểm kê, bàn giao tài sản, thực
hiện việc thanh, quyết toán đề tài theo quy định hiện hành sau khi có xác nhận của
Chủ tịch hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh.
- Gửi hồ sơ đánh giá, nghiệm thu đã được hoàn thiện
và các giấy xác nhận việc kiểm kê, bàn giao tài sản, thanh quyết toán tới Sở
Khoa học và Công nghệ để xem xét công nhận kết quả thực hiện đề tài.
b) Đối với đề tài xếp loại không đạt, được Hội đồng
nghiệm thu cấp Tỉnh kiến nghị cho nghiệm thu lại, Chủ nhiệm đề tài, cơ quan
đánh giá cấp cơ sở có công văn đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ gia hạn thời
gian để chỉnh lý, hoàn thiện và làm thủ tục đánh giá, nghiệm thu lại cấp Tỉnh.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ và các giấy xác nhận việc bàn giao, thanh quyết toán đề tài của Chủ nhiệm đề
tài:
a) Đối với đề tài được xếp loại xuất sắc, khá hoặc
trung bình, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh ra quyết định
công nhận kết quả thực hiện đề tài, trên cơ sở ý kiến đánh giá, kết luận, xếp
loại của Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh và ý kiến chuyên gia (nếu có).
b) Trường hợp đề tài xếp loại không đạt và được Hội
đồng đánh giá nghiệm thu cấp Tỉnh kiến nghị cho nghiệm thu lại, Sở Khoa học và
Công nghệ xem xét, quyết định việc gia hạn để sửa chữa, hoàn thiện đề tài trong
thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng đánh giá, nghiệm
thu cấp Tỉnh.
3. Trường hợp đề tài xếp loại không đạt và Hội đồng
đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh không kiến nghị cho gia hạn thời gian thực hiện
hoặc đề tài đưa vào đánh giá, nghiệm thu cấp Tỉnh lần thứ hai mà vẫn không đạt:
a) Chủ nhiệm đề tài sẽ không được tham gia làm Chủ
nhiệm đề tài cấp Tỉnh trong thời hạn 03 năm tiếp theo.
b) Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định việc
quyết toán một phần kinh phí của đề tài.
4. Trường hợp phát hiện Hội đồng đánh giá, nghiệm
thu cấp Tỉnh vi phạm các quy định trong quá trình đánh giá, nghiệm thu đề tài,
Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu Hội đồng sửa đổi, bổ sung, đánh giá lại;
trường hợp cần thiết có thể thành lập lại Hội đồng để bảo đảm việc đánh giá,
nghiệm thu cấp Tỉnh được thực hiện khách quan, chính xác, đúng quy định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ phân loại, lưu giữ, bảo
quản các văn bản, tài liệu, hồ sơ đánh giá, nghiệm thu của đề tài theo quy định
hiện hành.
6. Sau khi đề tài đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh công
nhận kết quả thực hiện, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài có trách nhiệm
nộp báo cáo khoa học của đề tài cho Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ
Quốc gia theo quy định hiện hành.
Trường hợp không đăng ký, giao nộp kết quả thực hiện
nhiệm vụ khoa học thì sẽ bị xử phạt theo Quy định tại Nghị định 127/2004/NĐ-CP
ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt
động khoa học và công nghệ.
7. Các bên tham gia ký kết hợp đồng tiến hành việc
thanh lý hợp đồng sau khi tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài thực hiện xong các
quy định tại khoản 6 của Điều này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hướng dẫn, kiểm
tra, tổ chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hướng dẫn, đôn
đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề tài, dự án khoa học xã
hội và nhân văn cấp Tỉnh thực hiện Quy định này.
Ban hành các biểu mẫu liên quan đến việc tổ chức
đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp cơ sở và cấp Tỉnh (căn
cứ theo Quyết định số 01/2005/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Quy định đánh giá, nghiệm thu đề tài
khoa học xã hội và nhân văn cấp Nhà nước).
2. Đối với các đề tài khoa học xã hội và nhân văn
cấp Tỉnh đã ký hợp đồng triển khai trước ngày Quy định này có hiệu lực sẽ đánh
giá nghiệm thu theo quy định tại Quyết định số 61/2005/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6
năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc đánh giá nghiệm thu đề tài
khoa học và công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Tỉnh.