Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2084/QĐ-UBND chương trình hành động phòng chống bạo lực gia đình Hồ Chí Minh 2015

Số hiệu: 2084/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Hứa Ngọc Thuận
Ngày ban hành: 05/05/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2084/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 1582/TTr-SVHTT-VHGĐ ngày 10 tháng 4 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Viện KSND Thành phố;
- Toà án nhân dân Thành phố;
- Các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể TP;
- Đài Truyền hình Thành phố;
- Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Phòng VX, PCNC, THKH;
- Lưu:VT, (VX/Ng.T) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân Thành phố)

Thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Từ năm 2009, Thành phố triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở ứng dụng nội dung Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua hơn 5 năm thực hiện, 322 phường - xã, thị trấn đều có Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình (đạt 100%) với tổng số trên 3.000 thành viên và trong năm 2014 vừa mới chuyển đổi thành Ban Chỉ đạo công tác gia đình. Ban Chỉ đạo công tác gia đình phường - xã đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện các giải pháp can thiệp bạo lực gia đình ở cộng đồng ở 1.976 khu phố - ấp, đã thành lập 1.313 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (đạt tỷ lệ 66,44%), 1.704 tổ tư vấn tham gia vào công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở; 1.438 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; huy động 8.425 tổ hoà giải cơ sở tham gia hoà giải các các mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên gia đình trong cộng đồng; phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ cùng cấp đưa 2.746 câu lạc bộ gia đình tham gia hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực và giáo dục đời sống gia đình.

Qua đó, kết quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố từ năm 2009 đến năm 2014 có nhiều tiến bộ, tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình giảm dần từ 0,0068% xuống còn 0,0010%[1]; nạn nhân là nữ trên tổng số nạn nhân phát hiện năm cao nhất chiếm hơn 91%, năm thấp nhất hơn 83 %; người gây bạo lực gia đình hầu hết là nam giới. Từ các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) đã phát hiện được các năm qua đều có ở các tầng lớp dân cư; diễn ra nhiều hơn ở khu vực nơi đông người dân nhập cư lưu trú; tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình ở các huyện ngoại thành cao hơn so với các quận nội thành; nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình là do rượu, kinh tế khó khăn, mặc cảm tâm lý xấu hổ dẫn đến bạo lực kéo dài, từ các gia đình có tệ nạn xã hội,... Tình hình gần đây, một vài vụ bạo lực gia đình xảy ra có hành vi dã man đối với nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và cả nam giới gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tử vong; địa điểm xảy ra ở khách sạn, hoặc nơi gia đình mới chuyển đến cư trú thời gian ngắn.

Trong thời gian tới, quá trình đô thị hóa của Thành phố tiếp tục diễn ra nhanh mạnh cùng với đời sống công nghiệp, hiện đại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn tác động ảnh hưởng đến các gia đình có thể là lý do dẫn đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình có nguồn gốc sâu xa từ bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình bao hàm hành vi bạo lực trên cơ sở giới bị nghiêm cấm. Do vậy, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) phải gắn kết chặt chẽ với công tác bình đẳng giới, được xác định là công tác lâu dài, thường xuyên, là một mục tiêu phát triển gia đình Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đề ra Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung như sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Các mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

b) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 50% và đến năm 2020 đạt trên 90% số cán bộ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình.

c) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 90% số lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình.

d) Phấn đấu xây dựng đội ngũ báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình cấp thành phố 10 người, cấp quận - huyện 48 người vào cuối năm 2015; cấp thành phố 40 người, cấp quận - huyện 72 người vào năm 2020.

đ) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 30% và đến năm 2020 đạt trên 60% số xã - phường, thị trấn xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về phòng, chống bạo lực gia đình. Mỗi phường - xã, thị trấn có ít nhất 5 tuyên truyền viên.

e) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 70% và đến năm 2020 đạt trên 95% số nạn nhân bạo lực gia đình phát hiện được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân.

g) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 90% và đến năm 2020 đạt trên 95% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.

h) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 90% số xã, phường, thị trấn thực hiện hoàn chỉnh nội dung mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là cấp cơ sở.

- Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cả 3 cấp. Hình thành mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.

- Hàng năm tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình quận - huyện, phường - xã, thị trấn. Cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương tổ chức.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện hoàn chỉnh các nội dung của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở phường - xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

- Biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước công tác gia đình ở các cấp, các ngành; các địa phương, đơn vị.

- Thực hiện sơ kết vào cuối năm 2015 và tổng kết vào năm 2020 về tình hình thực hiện Chương trình của Thành phố.

2. Truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về Phòng, chống bạo lực gia đình:

- Thực hiện tuyên truyền giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp chặt chẽ với truyền thông, giáo dục, vận động về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Các hoạt động truyền thông vận động phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện sâu rộng đến tận cơ sở, cho nhân dân trên địa bàn, trực tiếp tại gia đình, cộng đồng, tập trung vào các đối tượng cần được tư vấn về gia đình ở cơ sở, chú trọng nam giới và trẻ em trai.

- Tăng cường chuyển tải các nội dung truyền thông, giáo dục, vận động về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình trên Trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, blog Bình đẳng giới của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Lồng ghép tuyên truyền vận động thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới thông qua các sản phẩm văn hóa nghệ thuật trên phát thanh, truyền hình, báo chữ thuộc Thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền tải thông điệp xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện cổ động trực quan đặt ở khu dân cư. Biên soạn, phổ biến tài liệu truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phục vụ hoạt động tuyên truyền giáo dục ở cơ sở.

- Phát huy thế mạnh của Bản tin 24 quận - huyện thường kỳ có tin bài về phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, nêu gương tập thể, cá nhân có đóng góp tốt trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương, các gia đình tiêu biểu trong thực hiện giáo dục đạo đức lối sống văn hóa, xây dựng mối quan hệ gia đình.

3. Phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình:

- Hàng năm, rà soát kiện toàn lực lượng, tập huấn nâng cao chất lượng cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống bạo lực gia đình trong các loại hình nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, tổ tư vấn, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Duy trì, phát triển các số điện thoại tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình, các mô hình nhóm hộ tự quản[2] về an ninh trật tự kịp thời phát hiện những tranh chấp mâu thuẫn trong các gia đình kịp thời phát hiện, hoà giải không để phát sinh dẫn đến bạo lực gia đình gây mất an ninh trật tự.

- Phường - xã, thị trấn thuộc Thành phố thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở, hoạt động hoà giải ở cơ sở về các mâu thuẫn, tranh chấp giữa thành viên gia đình nhằm ngăn ngừa dẫn đến bạo lực gia đình.

- Nối kết các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Trạm y tế phường - xã, thị trấn thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian không quá một ngày theo yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình.

- Thống kê và xác nhận về dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập có trên địa bàn Thành phố. Thực hiện đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm.

4. Can thiệp, xử lý vi phạm:

- Chính quyền, cơ quan Công an phường - xã, thị trấn có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Thực hiện tốt quy trình can thiệp, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình thường xuyên tái diễn mà Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định phải thực hiện hoà giải, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; hoặc có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường - xã, thị trấn.

- Tiếp tục xét xử lưu động các vụ án về bạo lực gia đình có tội phạm nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn xảy ra vụ việc.

5. Xã hội hóa:

Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao:

Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân quận - huyện:

Triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 của Thành phố: Xây dựng kế hoạch đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu phòng, chống bạo lực gia đình, có hoạt động cụ thể, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch khác có liên quan của địa phương, đơn vị.

Tổ chức hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp chặt chẽ với tuyên tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho nhân dân trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Thành phố, các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các đề án thành phần Chiến lược có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình ngay sau khi được Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình. Tham mưu chỉ đạo triển khai, tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm; ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình của Thành phố.

đ) Phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp, các ngành, đoàn thể. Duy trì và nâng cao chất lượng công tác thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, sử dụng hiệu quả các dữ liệu, thông tin cho công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp. Nghiên cứu và tham mưu việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.

Tổ chức các hoạt động thí điểm giáo dục các kỹ năng ứng xử trong gia đình, ứng phó với căng thẳng, xử lý tình huống khi có bạo lực gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình, mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần cho người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo hướng dẫn và phân công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

g) Có kế hoạch xây dựng đội ngũ báo cáo viên cấp Thành phố về phòng, chống bạo lực gia đình. Nâng cao chất lượng hoạt động của các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trên địa bàn Thành phố, hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn xây dựng quy chế tổ chức và quản lý loại hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

h) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí, kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình, bảo đảm đúng mục đích và chế độ quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu của Chương trình, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm theo quy định.

i) Tổ chức sơ kết tình hình thực hiện vào cuối năm 2015 và tổng kết vào cuối năm 2020.

2. Sở Y tế:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình.

b) Thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình; triển khai hướng dẫn quy trình chữa trị nghiện rượu và một số rối loạn tâm thần do rượu.

c) Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quản lý thực hiện Thông tư số 16/2009/TT-BYT ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Công an Thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Thiết lập cơ chế can thiệp khẩn cấp nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp bạo lực gia đình.

b) Chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố chỉ đạo Công an các quận - huyện chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp xử lý các vụ bạo lực gia đình có hậu quả nghiêm trọng, có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, đưa vụ án xét xử công khai, lưu động, xử phạt nghiêm minh.

c) Chỉ đạo Công an phường - xã, thị trấn ở thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng thuộc Thành phố đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền giáo dục về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các chuyên mục, chuyên trang về gia đình và có liên quan.

b) Định hướng, cung cấp thông tin, vận động các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn Thành phố tăng cường tần suất truyền thông nhân các Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức nâng cao năng lực về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng.

b) Hướng dẫn việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi; và triển khai nội dung phòng, chống bạo

lực gia đình trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Ngành để góp phần nâng cao kiến thức kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, làm giảm bạo lực giới cho nhân dân trên địa bàn.

c) Tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình. Hướng dẫn cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân bạo lực gia đình.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đến phòng Giáo dục và Đào tạo 24 quận, huyện và các cơ sở giáo dục thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố; đa dạng hóa các hình thức; tích hợp lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình trong hoạt động nhà trường có nội dung liên quan như bình đẳng giới, quyền trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em phù hợp môi trường giáo dục và hiệu quả đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong trường học.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu thực hiện việc lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo và tổ chức chọn đơn vị thực hiện thí điểm.

7. Sở Tư pháp:

a) Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao trong tham mưu đưa nội dung pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hàng năm của Thành phố.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý; hướng dẫn dịch vụ pháp lý phù hợp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nếu không thuộc đối tượng trợ giúp.

c) Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoà giải về hôn nhân gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho hoà giải viên các tổ hòa giải cơ sở góp phần hiệu quả trong can thiệp, ngăn ngừa tái diễn bạo lực gia đình ở cộng đồng.

8. Sở Tài chính:

Phối hợp với các sở - ngành, đoàn thể thành phố và quận - huyện thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát việc lập kế hoạch, dự toán, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là đối với phường-xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan có liên quan đưa các mục tiêu của Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, các Sở - ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân quận - huyện.

10. Đài Truyền hình Thành phố Hồ chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp truyền thông tham gia vào sóng phát thanh truyền hình xây dựng các chương trình khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, trò chơi truyền hình,…. truyền tải nội dung giáo dục đời sống văn hóa gia đình, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam để phát huy và ứng dụng phù hợp trong xã hội công nghiệp, hiện đại, phê phán thái độ gia trưởng, bất bình đẳng giới trong đời sống gia đình, hành vi bạo lực gia đình, kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình.

b) Dành thời lượng tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp trong kế hoạch phát sóng thường xuyên và có tăng cường thời lượng hoặc tin bài, chương trình đặc sắc hôn nhân các dịp Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình vào tháng 11 hàng năm.

11. Các Sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm đưa các mục tiêu, nội dung có liên quan của Chương trình này vào kế hoạch công tác hằng năm, 5 năm của cơ quan, đơn vị. Cử Phòng, ban làm đầu mối tham mưu xuyên suốt Chương trình.

12. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Căn cứ Chương trình này để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương, phải bám sát vào nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình của Thành phố và đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí kinh phí và chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương.

b) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình cho thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và có liên quan cấp quận - huyện và cấp phường - xã, thị trấn trên địa bàn; xây dựng, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng, trong các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, trong các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hoà giải viên cơ sở,… Tạo điều kiện tốt cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát huy năng lực tham gia hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.

c) Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quận - huyện, trạm y tế phường - xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận, chăm sóc y tế, tham vấn và cho tạm lánh ở cơ sở y tế theo quy định đối với bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình; thống kê, báo cáo cho Ngành và cho địa phương về tình hình bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình đến điều trị ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương.

d) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương kết hợp với giáo dục đời sống văn hóa gia đình, phòng ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bảo vệ trẻ em, phụng dưỡng người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới, triển khai trên diện rộng và sâu trong địa bàn dân cư, đến các gia đình, các đối tượng cần được tư vấn về gia đình ở cơ sở.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh nội dung mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tuyên truyền vận động xây dựng địa chỉ tin cậy ở cộng đồng có điều kiện tạm lánh; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương trong phòng ngừa, can thiệp sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả ngay khi tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân khi thực hiện tạm lánh. Duy trì bền vững và phát triển mới các nhóm hộ tự quản, tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ngay trong nhóm hộ tự quản, phát hiện sớm và thông tin ngay cho chính quyền, Công an địa phương khi nhận thấy các dấu hiệu của vụ bạo lực gia đình.

đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn trên địa bàn quan tâm đến quy trình xử lý người có hành vi bạo lực gia đình thường xuyên tái diễn để phát huy trách nhiệm của tổ hoà giải ở cơ sở, người đứng đầu cộng đồng (tổ trưởng dân phố/tổ trưởng tổ nhân dân, trưởng ban điều hành khu phố/trưởng ban nhân dân ấp) trong thực hiện hoà giải, tiến đến tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn có thể ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã - phường, thị trấn đối với người có hành vi bạo lực gia đình tái diễn thường xuyên theo quy định của pháp luật.

g) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; ghi chép và lưu trữ tốt 2 quyển sổ về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện báo cáo thống kê về bạo lực gia đình theo quy định, định kỳ cung cấp thông tin tình hình về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đồng nhân dân xã và Ban Chỉ đạo công tác gia đình sử dụng hiệu quả các dữ liệu, thông tin cho công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình địa phương, đơn vị.

h) Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng; đánh giá và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình ở địa phương gửi Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

13. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

14. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các quận - huyện phối hợp với cơ quan công an và tòa án cùng cấp xử lý hình sự nghiêm minh các vụ phạm tội có tính chất bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cùng cấp thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

15. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án nhân dân các quận-huyện phổ biến và áp dụng thống nhất pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với cơ quan Công an và viện kiểm sát cùng cấp phát hiện điều tra, truy tố, xét xử lưu động các vụ án về bạo lực gia đình tại địa bàn xảy ra vụ án, xử lý nghiêm minh; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cùng cấp thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, tham gia tổ chức thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong tổ chức mình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích, vận động hội viên tham gia nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đăng ký làm địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

17. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan xem xét, khuyến khích và bố trí hội viên làm cộng tác viên phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ nạn bạo lực gia đình; nghiên cứu, xây dựng một số mô hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình; tham gia xây dựng, vận hành địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

18. Đề nghị Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình thanh niên tiến bộ, hạnh phúc, không có bạo lực gia đình.

19. Đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức công đoàn cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng mô hình tổ chức công đoàn không có đoàn viên là người gây bạo lực gia đình; nghiên cứu, thí điểm đưa tiêu chí “Đoàn viên công đoàn không gây bạo lực gia đình” vào tiêu chuẩn để bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng công đoàn cơ sở vững mạnh.

20. Đề nghị Hội Nông dân Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tuyên truyền, giáo dục hội viên thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; đưa tiêu chí người nông dân không gây bạo lực gia đình vào bộ tiêu chí “Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; vận động nam nông dân tham gia tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

21. Đề nghị Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh Thành phố phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh hoạt động giáo dục nêu gương, giáo dục giá trị văn hóa trong gia đình; tham gia xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, viện trợ và nguồn huy động khác (nếu có).

Căn cứ nhiệm vụ được giao theo quy định tại Chương trình này, các sở - ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch, nội dung công việc cụ thể về phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể hàng năm, lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp cùng với dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, gửi cơ quan tài chính đồng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

VI. CÔNG TÁC KẾ HOẠCH, THÔNG TIN, BÁO CÁO

Công tác kế hoạch:

Các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện đề ra kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình năm 2015 trong kế hoạch hoạt động công tác gia đình năm 2015. Bổ sung kế hoạch, kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình năm 2015 nếu chưa có kế hoạch cho công tác này và tổ chức thực hiện.

Xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2016 đến 2020 và dự toán kinh phí đáp ứng cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm theo phân kỳ hàng năm.

Đối với các Sở - ngành, Đoàn thể thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm và dự toán kinh phí thực hiện; Ủy ban nhân dân quận - huyện đề ra một mục riêng cho nội dung công tác, hoạt động, chỉ tiêu phòng, chống bạo lực gia đình trong kế hoạch hoạt động công tác gia đình hàng năm và có kinh phí thực hiện.

Thời gian gửi kế hoạch:

Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình năm 2015 gửi trước ngày 30 tháng 5 năm 2015;

Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2016 - 2020 gửi trước ngày 30 tháng 6 năm 2015.

Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình các năm sau đó gửi trước ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Thông tin báo cáo:

Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6) và 1 năm (trước ngày 15 tháng 11) cho Sở Văn hóa và Thể thao (Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình).

Giao Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện tốt công tác kế hoạch, thông tin, báo cáo. Định kỳ thực hiện tổng hợp thông tin, lập báo cáo trình Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

- Thực hiện các hoạt động sơ kết, tổng kết các giai đoạn của Chương trình theo theo hướng dẫn của Trung ương./.



[1] Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình = số nạn nhân phát hiện được/ tổng dân số (theo Quyết định 5139/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

[2] Mô hình nhóm hộ tự quản đã được 322 phường – xã, thị trấn triển khai hình thành trên 75.000 nhóm, quy mô từ 08 - 15 hộ liền kề nhau hình thành 01 nhóm hộ, có quy ước tự quản về ANTT, trong Quy ước có nội dung “ các thành viên trong hộ luôn đoàn kết, kịp thời phát hiện, hoà giải các mâu thuẫn trong gia đình, không để phát sinh gây mất an ninh trật tự”

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2084/QĐ-UBND ngày 05/05/2015 Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.551

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.101.250
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!