QUY CHẾ
VỀ
CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 4 năm 2015
của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này cụ thể hóa về công tác thi đua, khen
thưởng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2. Các nội dung về thi đua, khen thưởng có liên
quan khác không được quy định trong Quy chế này thì thực hiện theo quy định của
Luật Thi đua, khen thưởng, các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi
đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tập thể, cá nhân trong các cơ quan Đảng, cơ quan
Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, đơn vị
lực lượng vũ trang nhân dân, mọi người dân trong tỉnh, ngoài tỉnh, người Việt
Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, các tổ chức
quốc tế hoạt động hợp pháp ở Việt Nam có tham gia các phong trào thi đua của
tỉnh; đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc hoặc có những đóng góp lớn cho sự
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Tây Ninh đều
được xem xét khen thưởng theo Quy chế này.
Điều 3. Nguyên tắc khen
thưởng
1. Phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, bám sát tiêu chuẩn,
điều kiện và tỷ lệ khen thưởng, tránh khuynh hướng hạ thấp tiêu chuẩn, đề nghị
khen thưởng tràn lan làm giảm tác dụng của công tác thi đua khen thưởng.
2. Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần
cho một đối tượng; không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích
đạt được.
3. Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và
đối tượng khen thưởng.
Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có
phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cá
nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu và cá nhân có nhiều sáng
tạo trong lao động, học tập, công tác.
4. Đối tượng chủ yếu được xem xét, khen thưởng là
các tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh
doanh, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, công an xã, bảo
vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng trên các lĩnh
vực, vùng nông thôn, biên giới và vùng dân tộc thiểu số.
Các cá nhân là Lãnh đạo các đơn vị khi tham gia làm
thành viên các Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng hoạt động theo chuyên đề thì
khi xét, đề nghị khen thưởng sẽ căn cứ vào quy định tại hướng dẫn liên ngành
giữa các Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng với Sở Nội vụ (Thường trực Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng tỉnh).
5. Khi xét công nhận danh hiệu thi
đua, hình thức khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương
phải xem xét đến thành tích của tập thể do người đó phụ trách.
Người đứng đầu tập thể chỉ được xem
xét khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng khi tập thể đó được công nhận
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt hạng nhất, hạng nhì, hạng ba trong cụm,
khối thi đua (trừ khen thưởng đột xuất).
Đối với thủ trưởng các đơn vị, khi
kết thúc năm công tác, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ xét, công nhận danh hiệu thi đua
và hình thức khen thưởng khi các cá nhân này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh
giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
6. Không khen thưởng đối với tập thể,
cá nhân và người đứng đầu cơ quan đơn vị của chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi
phạm về việc chậm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của cơ quan
chức năng.
Điều 4. Lấy ý kiến
quần chúng nhân dân khi đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen
thưởng cấp Nhà nước
1. Trước khi trình, xin ý kiến các
thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh về việc đề nghị Chính phủ, Chủ
tịch nước khen thưởng, Sở Nội vụ tiến hành công khai lấy ý kiến đối với các
trường hợp đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của các
tập thể, cá nhân trên các phương tiện truyền thông như: đăng thông tin trên Báo
Tây Ninh, Cổng Thông tin điện tử thành phần của Sở Nội vụ, Cổng Thông tin điện
tử của tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh.
2. Khi có ý kiến phản ánh, dư luận
của quần chúng nhân dân, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành
xác minh, kiểm tra thông tin chính xác báo cáo, xin ý kiến các thành viên Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh.
3. Kết quả xác minh được đăng tải
công khai để quần chúng nhân dân biết, giám sát.
Chương II
HÌNH THỨC TỔ CHỨC
PHONG TRÀO THI ĐUA, TỶ LỆ XÉT ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU THI ĐUA
Điều 5. Hoạt động
của các khối thi đua
1. UBND tỉnh quyết định thành lập các
khối thi đua.
a) Hàng năm, các khối thi đua bình
bầu khối trưởng và khối phó điều hành hoạt động của khối; ban hành quy chế tổ
chức hoạt động, xây dựng kế hoạch công tác, nội dung phong trào thi đua, các
hoạt động chung, tiêu chí đánh giá, chấm điểm giữa các thành viên trong khối để
phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn
vị. Khối trưởng các khối thi đua do UBND tỉnh tổ chức được quyền đề nghị khen
thưởng như sau:
- Đối với khối thi đua có 5 đơn vị:
01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 01 Bằng khen (hạng nhì);
- Đối với khối thi đua có từ 6 đến 10
đơn vị: 01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 02 Bằng khen (hạng nhì và hạng ba);
- Đối với khối thi đua có từ 11 đến
14 đơn vị: 01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 03 Bằng khen (01 hạng nhì và 02 hạng
ba);
- Đối với khối thi đua có từ 15 đơn
vị trở lên: 01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 04 Bằng khen (02 hạng nhì và 02 hạng
ba).
b) Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát hoạt động của các khối thi đua do UBND tỉnh thành lập.
2. Các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng,
Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể, hội quần chúng tỉnh, lực lượng vũ trang,
doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm
thành lập các khối thi đua đối với các đơn vị trực thuộc ngành có tài khoản
riêng, con dấu riêng. Hàng năm, các đơn vị tổ chức khối thi đua được quyền đề
nghị khen thưởng như sau:
a) Đối với khối thi đua có 5 đơn vị:
01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 01 Bằng khen (hạng nhì);
b) Đối với khối thi đua có từ 6 đến
10 đơn vị: 01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 02 Bằng khen (hạng nhì và hạng ba);
c) Đối với khối thi đua có từ 11 đến
14 đơn vị: 01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 03 Bằng khen (01 hạng nhì và 02 hạng
ba);
d) Đối với khối thi đua có từ 15 đơn
vị trở lên: 01 Cờ Thi đua (hạng nhất) và 04 Bằng khen (02 hạng nhì và 02 hạng
ba).
3. UBND các huyện, thành phố thuộc
tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định thành lập các cụm, khối thi
đua đối với các đơn vị thuộc cấp huyện.
Cuối năm, sau khi chấm điểm, xếp hạng
các thành viên trong cụm, khối thi đua, UBND cấp huyện được đề nghị khen thưởng
như sau:
- Khối thi đua các cơ quan cấp huyện được
đề nghị khen thưởng 01 Bằng khen cho đơn vị dẫn đầu. Khối thi đua xã, phường,
thị trấn được UBND cấp huyện đề nghị UBND tỉnh tặng 01 Cờ Thi đua cho đơn vị
dẫn đầu và 02 Bằng khen (hạng nhì và hạng ba);
- Đối với các cấp học: Mầm non, Tiểu
học, Trung học cơ sở khi kết thúc năm học được UBND cấp huyện đề nghị Chủ tịch
UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho các trường dẫn đầu từng cấp học.
Điều 6. Tỷ lệ
xét, đề nghị công nhận danh hiệu thi đua
Tỷ lệ xét đề
nghị công nhận danh hiệu thi đua, điều kiện công nhận các danh hiệu thi đua:
1. Việc bình chọn, suy tôn danh hiệu thi đua đối với tập thể, cá nhân phải đảm
bảo tính tiêu biểu trong phong trào thi đua.
2. Quy định tỷ
lệ xét đề nghị tặng thưởng:
a) Danh hiệu “Tập thể Lao động xuất
sắc” cụ thể như sau:
- Đơn vị, địa phương được bình chọn
dẫn đầu khối thi đua do tỉnh tổ chức:
Được đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất
sắc” không quá 60% số lượng tập thể trong đơn vị, địa phương;
- Đơn vị, địa phương được bình chọn
xếp hạng nhì, ba trong khối thi đua
do tỉnh tổ chức: Được đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Tập
thể Lao động xuất sắc” không quá 40% số lượng tập thể trong đơn vị, địa phương;
- Các đơn vị, địa phương còn lại:
Được đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất
sắc” không quá 20% số lượng tập thể trong đơn vị, địa phương.
b) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ
sở”, hàng năm các đơn vị, địa phương xét công nhận không
quá 15% trong số các cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên
tiến”.
Đối với đơn vị có số lượng cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động dưới 7 người thì được
xét 01 Chiến sĩ thi đua cơ sở.
3. Các đơn vị Trung ương đóng trên
địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp do các Bộ, ngành Trung ương, các Tập đoàn kinh
tế, Tổng Công ty Nhà nước quản lý về biên chế, tổ chức; các đơn vị thuộc lực
lượng vũ trang Nhân dân thì thực hiện theo quy định của Bộ, ngành Trung ương về
công nhận các danh hiệu thi đua.
Chương III
HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Điều 7. Bằng khen
của Chủ tịch UBND tỉnh
1. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có thành tích xuất sắc được bình
xét trong phong trào thi đua do tỉnh phát động hàng năm;
b) Lập được
thành tích xuất sắc đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc
tỉnh; đối với công nhân, nông dân, người lao động có nhiều thành tích có
phạm vi ảnh hưởng trong cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp,
hợp tác xã;
c) 02 năm liên tục hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu
quả trong phạm vi cấp cơ sở.
2. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn
sau:
a) Có thành tích xuất sắc được bình
xét trong phong trào thi đua do tỉnh phát động hàng năm;
b) Lập được thành tích xuất sắc đột
xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc tỉnh;
c) 02 năm liên tục hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ, nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức
tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể;
thực hành tiết kiệm; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành
viên trong tập thể;
d) Gia đình gương mẫu chấp hành tốt
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều
đóng góp về công sức và vật chất cho địa phương, xã hội.
3. Ngoài ra Bằng khen của Chủ tịch
UBND tỉnh được tặng cho:
a) Tập thể, cá nhân lập được thành
tích xuất sắc tiêu biểu, đột xuất hoặc có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây
dựng và phát triển của tỉnh; gương người tốt việc tốt, học sinh đạt giải Lê Quí
Đôn, học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên
nghiệp;
b) Tập thể và cá nhân ở các địa
phương khác, người Việt Nam làm việc, học tập, định cư ở nước ngoài, người nước
ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp có đóng góp đáng kể trong
sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Tây Ninh;
c) Tập thể xếp hạng
nhất khối thi đua các cơ quan thuộc cấp
huyện và các tập thể xếp hạng nhì, ba trong khối thi đua do các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng,
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh, doanh
nghiệp, cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tổ
chức;
d) Tập thể được xếp hạng nhì, hạng ba của các khối thi đua do UBND tỉnh tổ chức; các xã, phường, thị trấn xếp hạng
nhì, hạng ba khối thi đua do UBND cấp huyện tổ chức;
đ) Tập thể hoặc cá nhân đã có thành
tích đóng góp, hỗ trợ, làm công tác xã hội, từ thiện, xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có giá trị từ 40 triệu đồng trở lên;
e) Tập thể hoặc cá nhân đã có thành
tích vận động đóng góp làm công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh có trị
giá từ 500 triệu đồng trở lên;
g) Các xã, phường, thị trấn lần đầu
đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn văn hóa;
h) Tập thể, cá nhân đạt giải tại các Hội thi, Hội diễn:
- Cấp quốc tế: Đạt một trong các giải: Nhất, nhì, ba, khuyến khích hoặc Huy chương vàng, bạc, đồng;
- Cấp quốc gia, khu vực: Đạt một
trong các giải: Nhất, nhì, ba hoặc Huy chương vàng, bạc,
đồng hoặc giải A;
- Cấp tỉnh: Đạt giải nhất, nhì hoặc Huy chương vàng, bạc hoặc giải
A.
i) Các xã, phường, thị trấn đạt tiêu
chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em 05 năm liên tục;
k) Cá nhân là lãnh đạo các đơn vị
được xếp hạng nhất, nhì, ba của các khối
thi đua do UBND tỉnh tổ chức;
l) Cá nhân là cán bộ, công
chức lãnh đạo giữ chức vụ có hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên
và 03 năm liên tục trước khi nghỉ hưu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở
lên.
4. Tỷ lệ xét đề
nghị tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với khen thưởng theo công trạng
và thành tích đạt được như sau:
a) Đơn vị được bình chọn dẫn đầu khối thi đua do tỉnh tổ chức: Được xét đề nghị
không quá 30% tổng số tập thể thuộc đơn vị; 15% tổng số người lao động của đơn
vị;
b) Đơn vị, địa phương được bình chọn
xếp hạng nhì, ba trong khối thi đua do tỉnh tổ chức: Được xét đề nghị không quá 20% tổng số tập thể
thuộc đơn vị; 10% tổng số người lao động của đơn vị;
c) Các đơn vị, địa phương còn lại:
Được xét đề nghị không quá 10% tổng số tập thể thuộc đơn vị; 5% tổng số người
lao động của đơn vị;
d) Đối với khen thưởng các tập thể,
cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc khi kết thúc thực hiện một đợt thi
đua, chương trình hoặc một chuyên đề công tác sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, số
lượng được quy định cụ thể trong các hướng dẫn liên ngành giữa Sở Nội vụ với
các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, địa phương, đơn vị để đề nghị
khen thưởng.
Điều 8. Các hình
thức biểu dương, khen thưởng khác
1. Ngoài các danh hiệu thi đua, hình
thức khen thưởng được quy định trong Quy chế này, các đơn vị, địa phương có thể
có các hình thức biểu dương, động viên khác nhưng không trái với Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Việc tổ chức Hội thi, Hội diễn,
Liên hoan, tôn vinh giải thưởng có liên quan đến khen thưởng và trao giải
thưởng phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng
cùng cấp.
Chương IV
HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ
Điều 9. Thủ tục
hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thi đua
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng các danh
hiệu thi đua (Cờ Thi đua của UBND tỉnh, Tập thể Lao động xuất sắc, Đơn vị Quyết
thắng, Chiến sĩ thi đua tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến) thuộc
thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh (01 bộ), gồm:
a) Tờ trình của Khối trưởng, Thủ
trưởng sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện; Biên bản họp
xét của khối thi đua hoặc của Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị trình;
b) Bản thành tích của tập thể hoặc cá
nhân được đề nghị khen thưởng, thực hiện theo mẫu quy định;
c) Báo cáo sáng kiến cải tiến kỹ
thuật, áp dụng công nghệ mới hoặc các giải pháp, sáng kiến cải tiến lề lối làm
việc đối với hồ sơ đề nghị khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ
thi đua; giấy chứng nhận sáng kiến
hoặc quyết định công nhận sáng kiến;
d) Văn bản xác nhận của cơ quan thuế
quản lý trực tiếp về việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của đơn vị, nếu đối tượng đề nghị khen thưởng là đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc
là thủ trưởng đơn vị sản xuất, kinh doanh;
đ) Văn bản xác nhận tổ chức Đảng của
đơn vị đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên
(đối với đơn vị có từ cấp Chi bộ trở lên);
e) Đối với các tập thể đề nghị công
nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cần kèm theo quyết
định công nhận đạt danh hiệu thi đua và danh sách của tất cả các cán bộ, công
nhân viên chức, người lao động thuộc tập thể đó.
2. Đối với hồ sơ đề nghị mức Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh (01 bộ).
a) Khen thưởng theo công trạng và
thành tích đạt được:
- Tờ trình của thủ
trưởng sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện; Biên bản họp xét của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị trình;
- Bản thành tích của tập thể hoặc cá
nhân được đề nghị khen thưởng, thực hiện theo mẫu quy định;
- Văn bản xác nhận của cơ quan thuế
quản lý trực tiếp về việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của đơn vị nếu đối
tượng đề nghị khen thưởng là đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc là thủ trưởng đơn vị sản xuất, kinh doanh;
- Văn bản xác nhận tổ chức Đảng của
đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với đơn vị có từ cấp Chi bộ trở lên);
- Giấy chứng
nhận sáng kiến hoặc quyết định công nhận sáng kiến của đơn
vị.
b) Khen thưởng thành tích đột xuất
hay theo chuyên đề (theo đợt):
- Đối với hồ sơ khen thưởng thành
tích đột xuất:
+ Tờ trình của thủ
trưởng sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện;
+ Bản tóm tắt thành tích ghi rõ hành
động, công trạng của đối tượng đề nghị khen thưởng do cơ quan, đơn vị quản lý
trực tiếp thực hiện.
- Đối với hồ sơ khen thưởng thành
tích theo chuyên đề (theo đợt):
+ Tờ trình của thủ
trưởng sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh chủ trì một chuyên đề hoặc Thủ trưởng sở,
ban, ngành, đơn vị tỉnh làm nhiệm vụ Thường trực của Ban chỉ đạo, Hội đồng cấp
tỉnh;
+ Biên bản họp xét của Ban chỉ đạo, Hội đồng cấp tỉnh hoặc thủ trưởng sở, ban,
ngành, đơn vị tỉnh chủ trì một chuyên đề;
+ Bản thành tích của tập thể hoặc cá
nhân được đề nghị khen thưởng, thực hiện theo mẫu quy định.
Căn cứ quy định của hướng dẫn liên
tịch hoặc hướng dẫn của Ban chỉ đạo, Hội đồng cấp tỉnh,
trong báo cáo thành tích của tập thể và cá nhân phải ghi rõ các hình thức đã
được khen thưởng đối với mặt công tác được đề nghị khen (số quyết định, ngày tháng năm, người ký quyết định).
Chương V
ĐĂNG KÝ DANH HIỆU
THI ĐUA, THỜI GIAN TRÌNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG VÀ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ KHEN
THƯỞNG
Điều 10. Đăng ký
danh hiệu thi đua
1. Hàng năm các tập thể đăng ký danh
hiệu Cờ Thi đua Chính phủ và gửi về Sở Nội vụ trước ngày
15 tháng 3; Sở Nội vụ tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND
tỉnh ký văn bản đăng ký Cờ Thi đua Chính phủ với Ban Thi
đua - Khen thưởng Trung ương trước ngày 25 tháng 3.
2. Trước ngày 01 tháng 3 hàng năm,
các tập thể đăng ký với UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) các danh hiệu thi đua thuộc
thẩm quyền khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh. Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo gửi trước ngày 15 tháng
10 hàng năm.
Điều 11. Thời
gian trình hồ sơ đề nghị khen thưởng
1. Khen thưởng thành tích đột xuất và
khen thưởng theo chuyên đề (theo đợt): các ngày làm việc trong tuần.
2. Khen thưởng theo công trạng và
thành tích đạt được:
a) Danh hiệu thi đua và hình thức
khen thưởng thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ quyết định,
trao tặng:
- Cờ Thi đua Chính phủ phải hoàn tất
hồ sơ gửi trước ngày 05 tháng 3 hàng năm;
- Danh hiệu “Chiến
sĩ thi đua toàn quốc”: Sau khi có
quyết định công nhận đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh”
lần thứ 2 phải hoàn chỉnh hồ sơ gửi trước ngày 12 tháng 02 năm
sau.
b) Danh hiệu thi đua và hình thức
khen thưởng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, trao tặng phải hoàn
tất hồ sơ gửi trước ngày 15 tháng 02 hàng năm. Đối với Khối Doanh nghiệp gửi
trước ngày 15 tháng 3 hàng năm;
c) Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo
hoàn tất hồ sơ đề nghị Trung ương và UBND tỉnh khen thưởng thành tích năm học
gửi trước ngày 20 tháng 7 hàng năm.
Điều 12. Thời
gian thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng
1. Khen thưởng thành tích đột xuất:
Chậm nhất trong 02 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, lập
thủ tục trình Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Khen thưởng theo công trạng, thành
tích đạt được và theo chuyên đề (hoặc theo đợt):
a) Để kịp trao thưởng cho các tập
thể, cá nhân tại Hội nghị Tổng kết năm, Tổng kết một chuyên đề hoặc ngày Truyền
thống, Lễ Kỷ niệm của đơn vị, địa phương thì phải gửi đầy
đủ hồ sơ đề nghị khen thưởng đến Sở Nội vụ trước 10 ngày làm việc;
b) Chậm nhất trong 10 ngày làm việc
kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, lập
thủ tục trình Chủ tịch UBND tỉnh.
3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng có số
lượng nhiều:
Hồ sơ đề nghị khen thưởng có số lượng
đề nghị khen thưởng từ 50 đến dưới 100 tập thể, cá nhân, chậm nhất trong 15
ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ Sở Nội vụ thẩm định, lập thủ
tục trình Chủ tịch UBND tỉnh.
Những đơn vị có số lượng đề nghị khen
thưởng từ 100 tập thể và cá nhân trở lên thì Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, lập thủ
tục trình Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
đầy đủ hồ sơ.
Riêng hồ sơ đề nghị khen thưởng ngành
Giáo dục và Đào tạo thì Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, lập thủ tục trình Chủ tịch
UBND tỉnh chậm nhất 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.
Chương VI
HỘI ĐỒNG THI ĐUA
- KHEN THƯỞNG CÁC CẤP
Điều 13. Cơ cấu
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
cấp sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể tỉnh gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng
sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Cấp
phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Công đoàn cùng cấp;
c) Các thành viên Hội đồng có từ 4
đến 6 thành viên là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và một số phòng, ban chức
năng, chuyên môn thuộc sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể tỉnh; đại diện các
tổ chức đoàn thể cùng cấp do Chủ tịch Hội đồng quyết định;
d) Bộ phận kiêm nhiệm làm công tác
thi đua, khen thưởng của các sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh là
Văn phòng hoặc Phòng Hành chính hoặc Phòng trực thuộc khác do Chủ tịch Hội đồng
phân công.
2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
của các doanh nghiệp gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc,
Tổng Giám đốc doanh nghiệp;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó
Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn của doanh nghiệp;
c) Các thành viên Hội đồng có từ 4
đến 6 thành viên là lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc và đại diện các tổ
chức đoàn thể của doanh nghiệp do Chủ tịch Hội đồng quyết định;
d) Bộ phận kiêm nhiệm làm công tác
thi đua, khen thưởng của các doanh nghiệp do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
cấp huyện gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch
UBND cấp huyện;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Lãnh
đạo Phòng Nội vụ là Phó Chủ tịch Thường trực; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân
cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
c) Các thành viên Hội đồng có từ 7
đến 9 thành viên là Lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện, thành phần do
Chủ tịch Hội đồng quyết định;
d) Phòng Nội vụ là cơ quan Thường
trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp huyện.
4. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện hướng dẫn thành lập.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Sở Nội vụ có trách nhiệm
hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các doanh nghiệp
thực hiện nghiêm Quy chế này.
2. Các cơ
quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ, ngành
Trung ương và vận dụng Quy chế này để thực hiện tốt công tác thi đua, khen
thưởng, tổ chức xây dựng các phong trào thi đua, phong trào nhân điển hình tiên
tiến ở cơ quan, đơn vị mình.
3. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng tỉnh, các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND
cấp huyện căn cứ Quy chế này để xây dựng quy định cụ thể, phù
hợp ở ngành và địa phương mình.
Điều 15. Việc
sửa đổi và bổ sung Quy chế thi đua, khen thưởng
Trong quá trình tổ chức thực hiện
Quy chế này, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa
phương, doanh nghiệp kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực
tiễn phong trào thi đua của tỉnh./.