ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1708/QĐ-UBND
|
Hậu Giang, ngày
05 tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI
VẬT THỂ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN
2023 - 2025 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Công ước năm 2003 của
UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa
ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Di sản văn hóa;
Căn cứ Thông tư số
04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học
di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia;
Căn cứ Quyết định số
5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia;
Căn cứ Quyết định số
1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;
Căn cứ Chương trình hành động
quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH
ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề
án bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ;
Căn cứ Công văn số
3635/BVHTTDL-DSVH ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài
tử Nam bộ;
Căn cứ Công văn số
3094/BVHTTDL-DSVH ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
về tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành
động quốc gia đã cam kết với UNESCO.
Căn cứ kết luận của tập thể
Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 25 tháng 9 năm 2023;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 100/TTr-SVHTTDL ngày 07 tháng 9
năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Bảo vệ và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo (Đề án
số 06/ĐA-SVHTTDL ngày 07 tháng 9 năm 2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch);
Đối với kinh phí thực hiện:
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Tài chính dự trù kinh phí
Đề án hàng năm thực hiện theo quy định.
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ
trì, phối hợp với sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức
triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch
UBND huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT: TU, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- Lưu: VT, NCTH.
DK
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hòa
|
UBND TỈNH HẬU
GIANG
SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/ĐA-SVHTTDL
|
Hậu Giang, ngày
07 tháng 9 năm 2023
|
ĐỀ ÁN
BẢO
VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM
BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP
LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết của Đề án
Hậu Giang là một trong 21 địa phương lưu giữ Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công
nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện Chương
trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, thời gian qua
Hậu Giang đã xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể Nghệ thuật đờn ca tài tử giai đoạn 2015 - 2020 bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Cụ thể như sau:
- Năm 2015, trên địa bàn Tỉnh đã thành lập được 80
CLB đờn ca tài tử, với 836 thành viên tham gia, đến năm 2020 đã phát triển lên
132 CLB đờn ca tài tử, với 1.052 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Ngoài những CLB Đờn ca tài tử còn rất nhiều nhóm đờn ca tài tử tự phát. Xuất
phát từ nhu cầu vui chơi giải trí lúc nhàn rỗi, ban nhạc có từ 01 đến 02 nhạc cụ
nhưng người đăng ký được ca thì nhiều hơn.
- Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo
tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử giữa các Câu lạc bộ trong tỉnh theo từng cấp và
tham gia các cuộc thi trong khu vực và toàn quốc nhằm giữ gìn, tôn vinh, phát
huy loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời
sống văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn
với sinh hoạt ở cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, công tác chăm bồi, phát triển và
đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào, đưa Đờn ca tài tử thành mục tiêu trọng
điểm của công tác văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm, đưa chỉ tiêu về Đờn ca
tài tử bổ sung vào chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình sinh hoạt
văn hóa ở cộng đồng khu dân cư, từng bước làm cho Nghệ thuật Đờn ca tài tử thấm
sâu vào sinh hoạt hàng ngày của người dân Hậu Giang.
- Năm 2016, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát
triển văn hóa đã trang bị được 17 bộ nhạc cụ (gồm đàn cổ điện, đàn cò, đàn kìm)
cho 17 CLB đờn ca tài tử trên địa bàn Tỉnh, với số tiền là 217.567.000 đ.
2. Thực trạng
- Hiện nay, việc đầu tư bảo tồn và phát huy Nghệ
thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, công
tác hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời, công tác vận động xã hội
hóa cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa
bàn tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao.
- Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19, một số
đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử mất đi thành viên và thời gian dài không thể
tổ chức sinh hoạt nên dẫn đến tan rã, số lượng câu lạc bộ đờn ca tài tử thực tế
hiện nay đã giảm nhiều so với lúc tổng kết Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di
sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử giai đoạn 2015 - 2020. Theo số
liệu báo cáo của Hệ thống Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang năm 2022, số lượng
hiện nay chỉ còn 92 CLB và số CLB hoạt động thường xuyên, đúng định kỳ chỉ hơn
một nửa. Tổng số người tham gia là 873 người.
- Các nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi, việc
truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa được như ý muốn do phần đông thanh thiếu niên ít
quan tâm, tìm hiểu về loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Nghệ nhân đờn ca tài
tử trong tỉnh chưa có nhiều điều kiện để biểu diễn, thi thố tài năng, mang cảm
hứng đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử đến cho nhiều đối tượng, trong đó có đối
tượng trẻ tuổi.
- Tài liệu về nghệ thuật ĐCTT chưa được thống nhất,
chuẩn hoá và xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau nên cách chơi chưa được thống
nhất giữa các CLB.
- Đến nay, việc gắn kết Nghệ thuật đờn ca tài tử với
các hoạt động du lịch nhằm quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này đến du
khách trong và ngoài nước vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản, thường
xuyên, chỉ mang tính thời vụ, đột xuất.
Trước thực trạng nêu trên cũng như tiếp tục phát
huy hiệu quả mà Đề án mang lại, tạo điều kiện tốt nhất để di sản được bảo vệ và
thực hành tốt hơn nữa thì việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di
sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh, giai
đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án) là cần thiết và
mang tính cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục bảo vệ và phát huy loại hình nghệ thuật
đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian sắp tới. Đồng thời,
việc xây dựng Đề án là việc làm phù hợp với Chương trình hành động của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Chương trình hành động bảo tồn di sản
văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử đã được công nhận là di sản thế giới; tiếp tục
khẳng định giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật được
UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
3. Cơ sở pháp lý
- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng
và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Kết luận
của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa IX) về tiếp tục thực
hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ
Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong
thời kỳ mới”;
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
- Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
- Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc ngày
17/10/2013 (bản dịch tiếng Việt);
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa;
- Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của
Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”
trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể;
- Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến
năm 2030;
- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học
di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia;
- Văn bản số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08/4/2014 của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Văn bản số 3635/BVHTTDL-DSVH ngày 13/10/2014 của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động Quốc
gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Văn bản số 3094/BVHTTDL-DSVH ngày
26 tháng 8 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường công tác
quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết
với UNESCO;
- Chương trình số 50-CTr/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh
ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Kết luận số 159-KL/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy
Hậu Giang về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chương trình số 50-CTr/TU
ngày 09/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh;
- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh
Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo;
- Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 của UBND
tỉnh Hậu Giang thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh
Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo;
- Công văn số 809/UBND-NCTH ngày 01 tháng 6 năm
2023 về việc chủ trương xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn
hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang,
giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
- Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13 tháng 7 năm 2023 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu
Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
II. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử
Nam bộ trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục khẳng định giá trị của Đờn ca tài tử, loại
hình nghệ thuật đã UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa đờn ca
tài tử như một phần quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, để
nghệ thuật và giá trị của đờn ca tài tử không bị lãng quên hay mất đi theo thời
gian;
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng
và Chính quyền các cấp trong tỉnh về tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài tử
trong đời sống tinh thần của nhân dân, phát huy các nguồn lực để thực hiện đề
án, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá sâu rộng giá trị của Nghệ thuật đờn ca
tài tử, thu hút nhiều đối tượng tham gia góp phần phát triển phong trào đờn ca
tài tử trong cộng đồng;
Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lực lượng trẻ kế
thừa; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu tạo sự đam mê tham gia thực hành nghệ
thuật đờn ca tài tử; thúc đẩy hợp tác và tạo mối liên kết với các cộng đồng, tổ
chức và cá nhân có quan tâm đến đờn ca tài tử, đào tạo và truyền dạy kiến thức,
kỹ năng và tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ;
Nâng cao chất lượng của phong trào Đờn ca tài tử tại
các địa phương trong tỉnh thông qua việc tổ chức hội thi, hội diễn các cấp;
phát triển các câu lạc bộ, các tụ điểm sinh hoạt đờn ca tài tử tiêu biểu; gắn kết
hoạt động đờn ca tài tử vào các hoạt động du lịch, xem đờn ca tài tử là một phần
quan trọng của hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ ngày
một tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, du khách trong và
ngoài tỉnh khi đến thăm Hậu Giang.
2. Mục tiêu cụ thể và chỉ
tiêu
2.1. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2025, có ít nhất 120 CLB ĐCTT trên địa bàn
toàn tỉnh (trong đó có 84 câu lạc bộ hoạt động hiệu quả; 9 Câu lạc bộ (CLB) Đờn
ca tài tử (ĐCTT) chủ lực sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và 8/8 Trung tâm
Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh); củng
cố 75/75 (CLB ĐCTT) tại các xã, phường, thị trấn; các CLB, tổ, nhóm, ban ĐCTT
trong cộng đồng ... làm nền tảng bảo vệ và phát huy Nghệ thuật ĐCTT trên địa
bàn toàn tỉnh. Tổ chức 02 cuộc hội thảo về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT
trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2024, 100% cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp xây dựng
kế hoạch thực hiện Đề án, đưa tiêu chí thực hiện Đề án trở thành chỉ tiêu thi
đua hàng năm của từng cấp.
Đến năm 2025, tổ chức được 02 cuộc triển lãm nghệ
thuật ĐCTT quy mô toàn tỉnh. Tổ chức các tụ điểm biểu diễn đờn ca tài tử thường
xuyên trong cộng đồng, tăng cường sinh hoạt giao lưu giữa các câu lạc bộ trong
và ngoài tỉnh. Mỗi huyện/1 lần/tháng... nhằm quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến với cộng
đồng.
Đến năm 2025, tổ chức được 10 lớp truyền dạy Nghệ
thuật ĐCTT; in ấn, phát hành trọn bộ tài liệu gồm bản in giấy và bản ghi âm (gồm
3 tập) về nghệ thuật ĐCTT đến 100% CLB ĐCTT trong tỉnh làm tư liệu học tập và
truyền dạy các thế hệ kế thừa.
Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử 01 năm/lần ở cấp
xã, cấp huyện và 02 năm/lần ở cấp tỉnh. Duy trì việc tham gia Liên hoan Đờn ca
tài tử Đờn ca tài tử khu vực và toàn quốc.
Đến năm 2025, xây dựng được 19 CLB ĐCTT phục vụ tại
các tuyến điểm du lịch trong tỉnh.
2.2. Chỉ tiêu
(1) Tổ chức 01 cuộc rà soát, kiểm tra thực trạng
nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn toàn tỉnh.
(2) Tổ chức 08 lớp truyền dạy ĐCTT nâng cao ở cấp tỉnh
và 2 lớp ĐCTT ở cấp huyện.
(3) Xây dựng 05 “gia đình tài tử” trong quá trình
thực hiện Đề án.
(4) Tổ chức 02 hội thảo về bảo tồn và phát huy nghệ
thuật ĐCTT tỉnh Hậu Giang.
(5) Xây dựng 05 CLB Ca tài tử trong trường học.
(6) Biểu diễn đờn ca tài tử 01 tháng/lần/huyện, thị
xã, thành phố tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, những nơi tập trung đông người
như: công viên, chợ đêm ... trên địa bàn các địa phương trong tỉnh và biểu diễn
phục vụ hàng đêm trên Tàu du lịch Xà No.
(7) Sưu tầm, biên tập, in ấn, ghi âm và phát hành
01 bộ tài liệu/năm (bao gồm bản giấy và bản ghi âm) về ĐCTT đến các CLB ĐCTT
trong tỉnh.
(8) Mua sắm 01 bộ nhạc cụ ĐCTT dùng để trưng bày,
triển lãm gồm: Đờn kìm, đờn tranh, đờn bầu, đờn cò, sáo (tiêu), song loan, đờn
ghi ta phím lõm.
(9) Tổ chức 01 cuộc triển lãm về nghệ thuật ĐCTT
trên địa bàn tỉnh.
(10) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhạc cụ
cho 19 CLB ĐCTT tiêu biểu phục vụ các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh.
(11) Ghi hình các cuộc Hội thi, Liên hoan ĐCTT cấp
tỉnh và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, hệ thống truyền
thanh các huyện, thị xã, thành phố; lưu trữ tư liệu về ĐCTT.
3. Nhiệm vụ của Đề án
3.1. Nhóm nhiệm vụ về công tác bảo tồn nghệ
thuật ĐCTT
Vận động thành lập, củng cố các CLB ĐCTT sinh hoạt
định kỳ tại các thiết chế văn hóa trong tỉnh; chú trọng xây dựng các CLB chủ lực,
nòng cốt hoạt động tại các thiết chế văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện, bảo đảm đây
là lực lượng tinh nhuệ, đại diện cho phong trào ĐCTT của tỉnh Hậu Giang.
Ưu tiên quan tâm công tác sưu tầm và nghiên cứu về
Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm hệ thống hoá, biên soạn thành tài liệu chính thống,
góp phần bảo tồn, lưu truyền và tiếp tục phát triển loại hình này.
Mời các chuyên gia, nghệ nhân hoạt động lâu năm, có
nhiều kinh nghiệm tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về bảo tồn và phát huy Nghệ
thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh.
3.2. Nhóm nhiệm vụ về công tác tuyên truyền,
quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến với cộng đồng.
Cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch
thực hiện Đề án, trong đó cần có biện pháp huy động các nguồn lực xã hội chăm
lo cho việc bảo vệ giá trị trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;
chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng các cụm pano tuyên truyền nhằm quảng bá nghệ
thuật ĐCTT.
Tăng cường quảng bá, phối hợp xây dựng các chương
trình giải trí gắn với nghệ thuật ĐCTT thông qua các chương trình phát thanh,
truyền hình, trên nền tảng các mạng xã hội...
Thu thập, chuẩn bị hình ảnh, sách, băng đĩa, bản
ghi âm ... mua sắm nhạc cụ biểu diễn ĐCTT để trưng bày, giới thiệu trong các cuộc
triển lãm phục vụ nhân dân.
Biên soạn và cung cấp tài liệu về Nghệ thuật Đờn ca
tài tử bao gồm văn bản giấy và bản ghi âm 20 bài bản to, các bài bát ngự, tứ bửu,
ngũ châu ... cho 100% Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trong tỉnh. Những tài liệu này
nhằm thống nhất cách “chơi tài tử” của các nghệ nhân, tài tử góp phần cho việc
phối hợp, biểu diễn giao lưu giữa các CLB được dễ dàng, thống nhất.
3.3. Nhóm nhiệm vụ về công tác đào tạo nguồn
nhân lực
Tiến hành thống kê toàn diện thực trạng hoạt động đờn
ca tài tử trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có chiến lược phát huy nguồn nhân lực nòng
cốt và nguồn nhân lực phổ thông để tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù
hợp.
Vận động, có chính sách ưu đãi xây dựng mô hình
“gia đình tài tử” để đào tạo lực lượng kế thừa nhằm bảo đảm sức sống mãnh liệt
của loại hình nghệ thuật này từ trong mỗi gia đình tại các địa phương trong tỉnh.
Hàng năm, tổ chức các lớp truyền dạy Đờn ca tài tử
tại các thiết chế văn hóa trong tỉnh.
Phát huy vai trò của những Nghệ nhân ưu tú trong việc
truyền dạy, đào tạo lực lượng kế thừa, góp phần phát triển phong trào đờn ca
tài tử trong tỉnh.
3.4. Nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng phong
trào ĐCTT
Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử 01 lần/năm ở cấp
xã, cấp huyện và 02 năm/lần ở cấp tỉnh. Duy trì việc tham gia Liên hoan Đờn ca
tài tử Đờn ca tài tử khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, tổ chức Liên hoan Đờn ca
tài tử các xã nông thôn mới; phường, thị trấn đô thị văn minh.
Tổ chức các tụ điểm biểu diễn đờn ca tài tử thường
xuyên trong cộng đồng, tăng cường sinh hoạt giao lưu giữa các câu lạc bộ trong
và ngoài tỉnh.
Xây dựng và duy trì ít nhất một Câu lạc bộ Đờn ca
tài tử hoạt động có hiệu quả tại mỗi xã, phường, thị trấn; Trung tâm Văn hóa -
Thể thao và Truyền thanh các huyện thị xã, thành phố; Trung tâm Văn hóa tỉnh và
các ấp, khu vực có phong trào mạnh trong tỉnh, đặc biệt là những nơi có tuyến,
điểm du lịch.
Khuyến khích các “Gia đình tài tử”, các CLB ĐCTT
tiêu biểu, xuất sắc biểu diễn phục vụ tại các điểm tham quan, du lịch làm cho
Nghệ thuật đờn ca tài tử là một nhân tố quan trọng không thể thiếu nhằm thu hút
du khách trong hoạt động du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà, góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban chấp hành Đảng
bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch trên địa bàn
tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
4. Giải pháp thực hiện
4.1. Giải pháp về công tác tuyên truyền
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng
lớp Nhân dân và trong các trường học về giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử
Nam bộ; nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các
cấp, các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của loại
hình nghệ thuật này.
Thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về
Đờn ca tài tử cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ,
các Câu lạc bộ và cộng tác viên, quần chúng Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về
về tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài tử trong đời sống tinh thần của
nhân dân.
Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức hội
đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu, ý nghĩa của việc bảo vệ và
phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trong các tầng lớp Nhân dân,
trong lực lượng đoàn viên và hội viên.
4.2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với
các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy Đờn ca tài tử; thường xuyên
duy trì mối liên kết giữa các Câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh để thống nhất
phương pháp truyền dạy và có kế hoạch tập huấn cho các nghệ nhân nhằm nâng cao
chất lượng giảng dạy. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích lực lượng Nghệ nhân ưu
tú đã được nhà nước phong tặng tích cực đóng góp xây dựng phong trào đờn ca tài
tử trong tỉnh và vận động xây dựng mô hình “gia đình tài tử”.
Xây dựng kế hoạch mở lớp dạy ca tài tử cho đối tượng
thanh thiếu niên. Tạo điều kiện cho học sinh từ cấp Trung học cơ sở có dịp tiếp
cận với Nghệ thuật Đờn ca tài tử thông qua các làn điệu, bài bản nhẹ nhàng, vui
tươi để các em có dịp làm quen với làn điệu cổ truyền.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công
nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca
tài tử như: hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn...
phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, thu hút nhân dân tham gia thực
hành đờn ca tài tử.
4.3. Nhóm giải pháp về kinh phí
Đầu tư có trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết
bị, nhạc cụ cho các CLB tiêu biểu, phục vụ tại các điểm tham quan du lịch trong
tỉnh, các tụ điểm biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ cộng đồng.
Hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các “gia
đình tài tử”; hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú truyền dạy học viên; khuyến khích và hỗ
trợ cộng đồng duy trì, phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên
quan đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban
hành chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều đóng góp trong
việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh.
4.4. Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt
động phong trào đờn ca tài tử
Tạo điều kiện để các nghệ nhân Đờn ca tài tử có cơ
hội giao lưu với các tỉnh, thành phố trong khu vực; thường xuyên tổ chức giao
lưu Đờn ca tài tử và Liên hoan Đờn ca tài tử các cấp trên địa bàn tỉnh và tham
gia Liên hoan Đờn ca tài tử khu vực và toàn quốc.
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu
lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử và đưa hoạt động Đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại các
thiết chế văn hóa thể thao xã, Nhà văn hóa ấp; đồng thời, thực hiện công tác xã
hội hóa trong việc vận động xây dựng quỹ hỗ trợ Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm tạo
điều kiện bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.
Định kỳ tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng
bá về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục ý thức
tiếp cận và mức độ cảm thụ Đờn ca tài tử Nam bộ đến công chúng, đặc biệt là thế
hệ trẻ.
Tổ chức phối hợp hoạt động biểu diễn nghệ thuật đờn
ca tài tử Nam bộ với hoạt động du lịch, đưa các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ
thường xuyên tại tất cả các điểm đến tham quan, du lịch trong tỉnh. Xây dựng cơ
chế hỗ trợ cho các nghệ nhân đờn ca tài tử tham gia phục vụ hoạt động du lịch.
Thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan,
giao lưu trình diễn Đờn ca tài tử tại địa phương. Thực hiện có hiệu quả các hoạt
động giao lưu văn hóa giữa các địa phương và các đội, nhóm, Câu lạc bộ Đờn ca
tài tử; chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị các bài bản tài tử trong các
hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn.
Duy trì việc tổ chức và tham gia Liên hoan Đờn ca
tài tử định kỳ các cấp trong tỉnh nhằm tạo sự gắn kết, giao lưu giữa các nghệ
nhân trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của không gian Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.
Các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp,
liên kết, phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ như: tổ chức giao lưu giữa
các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tiêu biểu, Liên hoan Đờn ca tài tử của địa phương
hàng năm; tổ chức trưng bày, giới thiệu những tài liệu về Đờn ca tài tử; tổ chức
thi sáng tác những bài bản mới về Đờn ca tài tử; khuyến khích giới trẻ tham gia
luyện tập các bài bản tài tử mới sáng tác, các bài bản tài tử có nội dung ca ngợi
quê hương, đất nước và con người Hậu Giang... đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư cơ sở
vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt định kỳ và các hoạt động hội thi, hội diễn,
giao lưu văn hóa; khuyến khích tổ chức và cá nhân dạy và học Đờn ca tài tử.
5. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí thực hiện đề án từ chương trình mục
tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các nguồn khác. Tổng số kinh phí thực hiện
đề án là: 4.948.620.000đ (bốn tỷ chín trăm bốn mươi tám triệu sáu trăm hai mươi
nghìn đồng). Trong đó:
- Năm 2023: 1.247.020.000đ (một tỷ hai trăm bốn
mươi bảy triệu không trăm hai mươi nghìn đồng), cụ thể:
+ Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia:
500.000.000đ.
+ Phân cấp ngân sách địa phương: 361.920.000đ.
+ Nguồn sự nghiệp văn hóa (bổ sung): 385.100.000đ.
- Năm 2024: 1.783.660.000đ (một tỷ bảy trăm tám
mươi ba triệu sáu trăm sáu mươi nghìn đồng), cụ thể:
+ Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia:
500.000.000đ.
+ Phân cấp ngân sách địa phương: 749.840.000đ.
+ Nguồn sự nghiệp văn hóa (bổ sung): 553.820.000đ.
- Năm 2025: 1.917.940.000đ (một tỷ chín trăm mười bảy
triệu chín trăm bốn mươi nghìn đồng), cụ thể:
+ Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia:
555.980.000đ.
+ Phân cấp ngân sách địa phương: 762.840.000đ.
+ Nguồn sự nghiệp văn hóa (bổ sung): 599.120.000đ.
(Đính kèm phụ lục)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy
Quan tâm tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo định hướng nội
dung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị to lớn của
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy,
chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong việc giữ
gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên và Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc huyện, thị xã, thành phố tích cực tham gia phối hợp và tổ chức
triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng
ứng tích cực các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn
ca tài tử Nam bộ.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch
Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực
hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Hàng năm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho Nghệ
nhân đờn và Nghệ nhân ca nhằm để bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca
tài tử của địa phương.
Hướng dẫn về quy chế hoạt động của câu lạc bộ đờn
ca tài tử để các huyện, thị xã, thành phố áp dụng, triển khai thực hiện.
Xây dựng nội dung tuyên truyền sâu rộng với nhiều
hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành,
các tổ chức hội đoàn thể và cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị của
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức hoạt động nghệ
thuật đờn ca tài tử với hoạt động du lịch và đề xuất cơ chế hỗ trợ cho nghệ
nhân đờn ca tài tử tham gia phục vụ hoạt động du lịch.
Định kỳ tổng hợp, báo cáo 6 tháng/lần gởi UBND tỉnh
về tiến độ thực hiện Đề án và những đề xuất, kiến nghị giải quyết những khó
khăn trong quá trình thực hiện Đề án.
4. Đề nghị Sở Nội vụ
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chủ
tịch UBND tỉnh xem xét khen thưởng, biểu dương cho các tập thể và cá nhân có
thành tích xuất sắc đột xuất; có sáng kiến, giải pháp sáng tạo và đột phá trong
thực hiện Đề án (kinh phí khen thưởng thực hiện theo quy định).
5. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào
tạo
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng
kế hoạch thí điểm xây dựng câu lạc bộ ca tài tử trong trường học làm mô hình
nhân rộng.
6. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền
thông
Quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng về giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ
nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân
trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
7. Đề nghị Sở Tài chính
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và khả năng
cân đối ngân sách, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện Đề án theo
quy định.
8. Đề nghị Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh
Phối hợp xây dựng chương trình phát thanh, truyền
hình tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ
và công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại. Sở VHTTDL có kế hoạch phối hợp với Đài ghi hình và phát sóng các tiết
mục dự thi trong các Hội thi ĐCTT cấp tỉnh, huyện ...
9. Đề nghị Báo Hậu Giang
Mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về ý
nghĩa, tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trong công tác bảo vệ
và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cử phóng
viên đưa tin, phản ánh, tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của Nghệ thuật Đờn ca
tài tử.
10. Đề nghị Tỉnh Đoàn Hậu
Giang
Tổ chức tuyên truyền, phát động đến toàn thể đoàn
viên, thanh niên về ý nghĩa và giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Chỉ đạo
các đơn vị đoàn trực thuộc huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tích cực
tham gia tập luyện và cổ vũ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật
Đờn ca tài tử; vận động đoàn viên, thanh niên tập luyện ca vọng cổ và bài bản Đờn
ca tài tử; đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đưa nội dung đờn ca tài tử vào
trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn do Đoàn tổ chức triển
khai rộng rãi đến đoàn viên, thanh niên tại địa phương, đơn vị trong tỉnh.
11. Đề nghị UBND huyện, thị
xã, thành phố
Chỉ đạo đơn vị trực thuộc và xã, phường, thị trấn
xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động về Đờn ca tài tử nhằm bảo
vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Tổ chức tuyên
truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa,
giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; vận động cán bộ, công chức, viên
chức, lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên và Nhân dân tích cực tham gia tập
luyện và cổ vũ các hoạt động Đờn ca tài tử.
Xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu, liên hoan Đờn
ca tài tử hàng năm tại cấp xã và cấp huyện nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của địa phương; đánh giá kết quả hoạt động phong
trào Đờn ca tài tử tại địa phương và biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập
thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị
Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại địa phương.
Thường xuyên chỉ đạo việc duy trì sinh hoạt, tập
luyện của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại địa phương; xây dựng các câu lạc bộ
Đờn ca tài tử đảm bảo chất lượng, đặc biệt là chú ý chăm bồi cho nghệ nhân nữ
và nghệ nhân trẻ tuổi. Chỉ đạo các địa phương có điểm tham quan, du lịch phải
có hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử thường xuyên phục vụ.
Trên đây là Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn
2023 - 2025 và các năm tiếp theo”. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc vượt thẩm quyền đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương tổng hợp gửi Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại mục III;
- Lưu: VT, QLVHTT.
|
GIÁM ĐỐC
Nguyễn Văn Bảy
|