ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1666/2012/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 01
tháng 06 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giáo dục - năm 2009;
Căn cứ Chiến lược phát triển giáo dục 2011 -
2020; Chiến lược đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh
nhiệm kỳ 2010 - 2015;
Căn cứ Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ
Chính trị Khóa X, Chỉ thị 02-CT/TU ngày 28/2/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thanh Hóa khóa XVI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Xã
hội học tập (XHHT) trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH” và Chỉ thị 05-CT/TU ngày
15/9/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Khuyến học,
Khuyến tài, xây dựng XHHT trong các cơ quan, Doanh nghiệp”;
Căn cứ các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh:
số 3681/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 “Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại
học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Quyết định
số 3456/QĐ-UBND ngày 20/10/2011 “Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo
dục tỉnh Thanh Hóa đến 2020”; Quyết định số 3542 ngày 26/10/2011 “Phê duyệt Quy
hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2020”;
Theo đề nghị của Liên ngành: Sở Giáo dục Đào
tạo và Hội Khuyến học tỉnh tại Tờ trình số 83 /TTrLN/SGDĐT-HKH ngày 03 tháng 5
năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng Xã hội học tập (XHHT) tỉnh Thanh
Hóa đến năm 2020”.
Điều 2. Giao
Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn
vị vũ trang, doanh nghiệp và phối hợp với các ban của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ, các
đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng... triển khai thực hiện.
Điều 3. UBND
các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung,
giải pháp của Đề án này thành các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức
triển khai thực hiện theo thẩm quyền; định kỳ báo cáo Ban chỉ đạo xây dựng XHHT
tỉnh theo quy định.
Điều 4. Quyết
định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh, Giám đốc các
sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Hội quần chúng, tổ chức xã hội, đơn vị
vũ trang, các doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ
tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Ban Tuyên giáo TW (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Hội Khuyến học Việt Nam (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 4 QĐ (thực hiện);
- Lưu: VT, VX.Bình50b.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Văn Việt
|
ĐỀ ÁN
XÂY
DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 1666/2012/QĐ-UBND ngày 01/6/2012 của UBND tỉnh)
Phần thứ nhất.
THỰC
TRẠNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
I. Về nhận thức:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV đã thông qua
“Đề án xây dựng xã hội học tập ở Thanh Hóa giai đoạn 2001 – 2010”, Ban chấp
hành Tỉnh ủy Khóa XV có chương trình hành động về xây dựng xã hội học tập, Ban
Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI có Chỉ thị 02 CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với việc xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa -
hiện đại hóa”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII có Chỉ thị 05 CT/TU “Tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng xã hội học tập trong khối các cơ
quan, doanh nghiệp”, Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 33/2005/NQ-HĐND về
“Cơ chế hỗ trợ Trung tâm học tập cộng đồng”, Ủy ban nhân dân tỉnh các khóa ban
hành 2 Chỉ thị, 15 Quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, các cơ chế, chính sách
trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, các xã,
phường, thị trấn đã có Nghị quyết, Chỉ thị hoặc chương trình hành động về công
tác Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng XHHT.
Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp với Ngành
giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền
triển khai có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và hình
thành cơ chế liên kết các lực lượng trong tổ chức thực hiện. Đài Phát thanh -
Truyền hình và các Báo địa phương đã có nhiều hình thức sinh động, thường xuyên
tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các mô hình điển hình, nhân tố mới về
xã XHHT. Do đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã phát triển
khá toàn diện và mạnh mẽ. Việc học tập đang trở thành nhu cầu của nhiều đối
tượng, trong đó có một bộ phận đã có nhu cầu học tập thường xuyên.
II. Kết quả xây dựng
các thiết chế giáo dục của Xã hội học tập:
1. Giáo dục chính quy
1.1. Giáo dục mầm non: Đến năm 2010, có 653
trường với: 148.432 cháu bằng 56% tổng số trẻ đến 5 tuổi. Trong đó: Nhà trẻ:
31.805 (đạt 23% tổng số cháu dưới 3 tuổi). Mẫu giáo: 116.627 (đạt 81% tổng số
trẻ 3 - 5 tuổi). Riêng mẫu giáo 5 tuổi: 46.560 (đạt 99%).
1.2. Giáo dục phổ thông: Toàn tỉnh có 1487
trường với quy mô 611.044 học sinh; đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi
và phổ cập trung học cơ sở. Số học sinh lớp 9 được vào học lớp 10 THPT, THBT,
đạt 87,4% (cả nước 75%). Chất lượng giáo dục các bộ môn văn hóa được nâng lên,
năm 2010 số học sinh giỏi tăng lên 2 lần, số đậu CĐ, ĐH tăng 4 lần, số đi học
các trường nghề (cả trong và ngoài tỉnh) tăng 9 lần so với năm 2001.
Tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông đạt Chuẩn
Quốc gia trên 35%.
1.3. Giáo dục chuyên nghiệp: Đến năm 2010 có
18 cơ sở đào tạo. Trong 5 năm (2006 - 2010) đào tạo được 56.200 người. Riêng quy
mô tuyển mới năm 2010 là 12.337 sinh viên hệ chính quy, gấp 1,6 lần năm 2005.
1.4. Dạy nghề: Đến năm 2010 toàn tỉnh có 93
cơ sở dạy nghề. Trong 5 năm đào tạo được 227.000 người. Riêng năm 2010 là
53.298 người, gấp 1,5 lần năm 2005, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu học nghề của
người lao động.
2. Giáo dục thường xuyên.
Hệ giáo dục thường xuyên đã và đang hình
thành, phát triển nhiều mô hình học tập thiết thực thu hút đông đảo người lớn
tham gia học tập. Cả tỉnh hiện có 9 mô hình học tập chủ yếu gồm:
2.1. Các Trung tâm giáo dục thường xuyên
(TTGDTX).
- Toàn tỉnh có 1 Trung tâm GDTX cấp tỉnh,
27/27 Trung tâm GDTX cấp huyện, 5 Trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 28 cơ
sở dạy ngoại ngữ, tin học thuộc các Trung tâm GDTX và 7 trường CĐ, TC tham gia
dạy Bổ túc THPT.
- Đến nay tỷ lệ người biết chữ chung cả tỉnh
đạt 98% (cả nước 94%). Trong đó, độ tuổi từ 15 - 35 đạt 99% (cả nước đạt
96,2%); Trên 35 tuổi đạt 97%.
2.2. Các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)
ở xã, phường, thị trấn
Sau gần 10 năm, các Trung tâm hoạt động ngày
càng có nền nếp, mỗi năm thu hút bình quân khoảng 1,5 triệu lượt người đến học.
Trong đó, mỗi năm tổ chức cho khoảng 510.000 lượt người học các chủ trương,
chính sách, pháp luật; 702.000 lượt người được chuyển giao kỹ thuật sản xuất;
50.400 người được học nghề; 12.680 lượt người được xóa mù chữ, bổ túc văn hóa,
học Tin học, Ngoại ngữ và 241.000 lượt người được học các chuyên đề nâng cao
chất lượng phổ thông.
Các Trung tâm HTCĐ hiện đang là mô hình học
tập hữu ích đáp ứng được nhu cầu học tập nhiều mặt của đông đảo nhân dân, nhất
là nông dân; là thiết chế giáo dục quan trọng góp phần xây dựng xã hội học tập
(XD XHHT); đã và đang đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí, trình độ, năng
lực SX, KD, dạy nghề tạo việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu
kinh tế, nâng cao hiệu quả SX, KD, xóa đói giảm nghèo và làm giàu, tăng cường
sự nhất trí về chính trị tinh thần, khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng nông
thôn mới; là trường học chung của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.
2.3. Các trường ĐH, CĐ, TC đã mở và liên kết
đào tạo nhiều lớp vừa học vừa làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao
động có nhu cầu học tập để nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng, tay nghề...
Trong 5 năm qua có 14.487 người học, bao gồm: Đại học 10.500 người, Cao đẳng
2.212 người, Trung cấp 1.775 người.
2.4. Phong trào học tập đạt trình độ chuẩn,
trên chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng mở rộng. Trong tổng số
72.348 cán bộ, công chức, viên chức đã có 117 Tiến sỹ (chiếm 0,2%) tăng 2,6 lần
so với 2005; 1715 thạc sĩ (chiếm 2,4%) tăng 2,9 lần; 29.978 Đại học (chiếm
41.4%) tăng 1,9 lần. Trình độ Cao đẳng giảm 25%; Trung cấp giảm 28%. Tiêu biểu
nhất là Ngành Giáo dục, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 98.4%; Trong đó
trên chuẩn chiếm 35%. Ngành y tế số có trình độ đại học trở lên tăng từ 20,3%
(2005) lên 25,7% (trong đó số có trình độ sau đại học là 25,7%, cả nước là
10,8%); Sơ cấp giảm từ 10,8% xuống 7,5%...
Trong số 14.291 cán bộ công chức cấp xã có
11,6% đại học, 4,3% cao đẳng, 61,7% trung cấp, 5,7% sơ cấp.
2.5. Các mô hình tổ chức lớp học tại chỗ của
các hiệp hội Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Chi nhánh
Thanh Hóa) mỗi năm cho từ 1.100 đến 1.200 người nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng
tay nghề cho các chủ doanh nghiệp và cán bộ nghiệp vụ ... Nhiều doanh nghiệp đã
chủ động gửi cán bộ, công nhân lao động đi đào tạo, tự mở lớp hoặc liên kết nhiều
doanh nghiệp mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại chỗ.
2.6. Các đoàn thể chính trị - xã hội: Hội
Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động... đã thành lập Trung
tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo nghề cho hội viên, đoàn viên.
2.7. Các Trung tâm khuyến nông, khuyến công,
chi cục và trạm bảo vệ thực vật, chi cục và trạm thú y đã có nhiều hoạt động
hoặc phối hợp với các Trung tâm HTCĐ phổ biến kỹ thuật sản xuất và phòng chống
dịch bệnh cây trồng, vật nuôi cho người lao động.
2.8. Mô hình Câu lạc bộ (CLB) của các đoàn
thể tổ chức có tác dụng và hiệu quả thiết thực gồm: CLB giảm nghèo của Hội Phụ
nữ; CLB làm giàu và giảm nghèo của Hội Nông dân, CLB các chủ trang trại của Hội
Làm vườn và Trang trại; CLB của Người cao tuổi; CLB gia đình phát triển bền
vững vv...
2.9. Hình thức học qua mạng Internet, phát
thanh truyền hình, qua sách báo ở các thư viện, tủ sách, Bưu điện văn hóa xã...
3. Đã xã hội hóa việc xây dựng và phát triển
các mô hình khuyến học, khuyến tài có chất lượng và hiệu quả. Nổi bật là:
3.1. Đã hình thành được 4 mô hình xã hội hóa
hỗ trợ giáo dục trường học gồm:
a. Xã hội hóa việc duy trì và mở rộng quy mô,
thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục đào tạo thông qua việc vận động học
sinh ra lớp, giúp đỡ, ngăn chặn số có nguy cơ bỏ học nên tình trạng bỏ học giảm
đi 9 lần... Trong 10 năm đã có hơn 30 vạn lượt học sinh, sinh viên được
nhận học bổng và gần 2 triệu lượt học sinh, sinh viên được khen thưởng
với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng và nhiều hiện vật.
b. Xã hội hóa việc tăng cường cơ sở vật chất
trường học. Trong 5 năm (2006 - 2010) cả tỉnh đã đầu tư 1377 tỷ đồng xây
dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Trong đó, vận động các doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân... ủng hộ trên 345 tỷ đồng để xây dựng trường và trang
thiết bị dạy học.
c. Xã hội hóa việc tổ chức quản lý tự học,
giáo dục học sinh ở khu dân cư: Bằng Tiếng trống khuyến học và Loa truyền thanh
xã; xây dựng tủ sách khuyến học ở thôn bản, xây dựng góc học tập ở gia đình, tổ
chức văn nghệ, thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội cho học sinh ở khu
dân cư,..
d. Xã hội hóa việc hỗ trợ, giúp đỡ các nhà
giáo trong đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh những nhà giáo dạy giỏi, làm Khuyến
học xuất sắc... Trong 10 năm Hội Khuyến học đã giúp đỡ và khen thưởng cho gần 9
vạn lượt giáo viên với số tiền gần 35 tỷ đồng.
3.2. Mô hình khuyến tài đối với học sinh, sinh
viên giỏi, đạt giải Quốc gia, Quốc tế, vận động viên có thành tích cao đạt Huy
Chương các loại, thanh thiếu niên đạt giải sáng tạo kỹ thuật, giải ViPotec
THANH, giải thưởng Văn học Lê Thánh Tông, giải Báo chí Trần Mai Ninh vv...
3.3. Mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu
học, khu dân cư hiếu học phát triển mạnh mẽ, với gần 257.000 gia đình hiếu học,
4300 dòng họ hiếu học và 3190 khu dân cư hiếu học được công nhận, đang xây dựng
nền tảng bền vững cho XD XHHT.
3.4. Mô hình xã hội hóa xây dựng Quỹ Khuyến học
được hình thành từ gia đình, dòng họ, khu dân cư, xã phường, huyện, tỉnh, cơ
quan, doanh nghiệp, trường học, Quỹ mang tên doanh nhân, cá nhân, quỹ của nhiều
tổ chức đồng sáng lập. Trong 10 năm đã vận động được trên 450 tỷ đồng Quỹ KH và
nhiều hiện vật trị giá hàng chục tỷ đồng.
3.5. Một số mô hình khuyến học tự nguyện: Tổ
chức dạy xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho trẻ em và người lớn sống trên sông,
ven biển, thất học hoặc dạy và tạo việc làm cho hàng ngàn trẻ khuyết tật, mồ
côi...
III. Đánh giá chung:
1. Về ưu điểm.
1.1. Các mặt hoạt động khuyến học, khuyến
tài, xây dựng XHHT (KH, KT, XD XHHT) ở tỉnh ta đã được “mô hình hóa, tiêu chí
hóa, xã hội hóa và thể chế hóa” đạt được nhiều kết quả và rút ra được nhiều bài
học kinh nghiệm.
1.2. Kết quả xây dựng xã hội học tập đã góp
phần nâng cao mặt bằng dân trí: Trình độ học vấn phổ thông về số năm học trung
bình của người dân trong tỉnh đạt 5,7/người (cả nước 5,3). Số lao động có trình
độ học vấn trung học cơ sở trở lên chiếm 57,7% (Bắc Trung bộ 48,3%). Số lượng
lao động được đào tạo và đào tạo nghề tăng lên: Tỷ lệ lao động được đào tạo
tăng từ 27% (2005) lên 40% (2010). Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 21,5%
(2005) lên 32% (2010). Số lao động được đào tạo nghề từ Trung cấp trở lên chiếm
27,8% tổng số lao động qua đào tạo.
1.3. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực: Tỷ
lệ lao động nông nghiệp giảm từ 73,7% (2005) xuống còn 55% (2010); lao động các
ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 11,5% lên 23%; lao động dịch vụ từ 14,8%
lên 22%.
1.4. Năng suất lao động xã hội tăng nhanh đạt
24,8 triệu đồng, gấp 2,4 lần năm 2005; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ
5,05% xuống 4,4%; tỷ lệ thời gian lao động nông thôn từ 75% lên 82%; giải quyết
việc làm mới bình quân đạt 50.000/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,7% xuống 14,8%
(tiêu chí cũ) và 24,8% (tiêu chí mới).
1.5. Riêng miền núi tỷ lệ người biết chữ từ
15 tuổi trở lên từ 91% tăng lên 95%. Trong đó, người 15 đến 35 tuổi biết chữ
tăng từ 94,5% lên 97,5%. Tỷ lệ lao động được đào tạo tăng từ 9,4% lên 20,3% (cả
tỉnh 40%). Tỷ lệ lao động được đào tạo Nghề từ 6,3% lên 15,6% (cả tỉnh 32%). Cơ
cấu lao động có chuyển biến: Lao động nông nghiệp giảm 3,9%; công nghiệp, xây
dựng tăng 2%; dịch vụ tăng 1,9%. Tỷ lệ hộ nghèo từ 63,4% xuống 25% (tiêu chí
cũ) và 42,7% (tiêu chí mới).
Tuy chưa có bộ tiêu chí xác định mô hình XHHT
cho xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp nhưng phong trào học tập hướng
tới xã hội học tập trong tỉnh bước đầu đã hình thành. Nhiều người, nhiều gia
đình đã nhận ra việc học tập thành công sẽ là giấy thông hành vào đời, lập
thân, lập nghiệp tốt nhất cho lớp trẻ; sẽ là chìa khóa cho thành công của người
lớn, sẽ là yếu tố cơ bản để thoát nghèo bền vững và làm giàu. Từ quan điểm của
Đảng “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” không
chỉ dừng ở nhận thức mà đang trở thành nhu cầu, động lực của nhiều người, nhiều
gia đình, cơ quan, doanh nghiệp và các địa phương.
2. Những yếu kém, bất cập
1.1. Giáo dục nhà trường chưa thực sự coi
trọng giáo dục toàn. Khoảng cách chất lượng văn hóa giữa miền núi và miền xuôi
còn khá xa. Số học sinh giỏi cấp tỉnh của THCS và tiểu học ở miền núi chỉ đạt
15% tổng số giải của cả tỉnh; Số học sinh đậu CĐ, ĐH chỉ bằng 1/12 của cả tỉnh.
1.2. Số lượt người đi học nhiều nhưng tỷ lệ
người học thường xuyên, liên tục, tự giác (nhất là người lao động) chưa đạt yêu
cầu.
1.3. Quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo còn
bất hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH,
một bộ phận học sinh, sinh viên sau đào tạo khó tìm kiếm được việc làm.
1.4. Năng lực thực tế của cán bộ công chức,
viên chức và người lao động còn có khoảng cách khá lớn so với trình độ bằng
cấp. Hầu hết CC, VC chưa được học ngoại ngữ, một bộ phận chưa có khả năng ứng
dụng công nghệ thông tin. Tình trạng học giả bằng thật còn nhiều. Tâm lý ngại
tự học, ngại cập nhật kiến thức thường xuyên còn phổ biến. Một bộ phận cán bộ
công chức, viên chức được cử đi học chưa xuất phát từ yêu cầu công việc.
1.5. Trình độ năng lực của lao động nông
nghiệp nông thôn còn rất thấp. Trình độ đội ngũ công chức cấp xã còn bất cập:
Mới có 76% đạt chuẩn về chuyên môn, 79% đạt chuẩn về lý luận chính trị, còn có
16,7% chưa qua đào tạo. Đội ngũ doanh nhân còn khoảng 60% chưa qua đào tạo cơ
bản, mới có khoảng 40% có trình độ Trung cấp trở lên và 10% được cập nhật kiến
thức thường xuyên.
1.6. Hệ thống giáo dục thường xuyên chưa được
quan tâm đúng mức cả về chỉ đạo và đầu tư. Mô hình học tập thường xuyên thiếu
sự gắn kết với nhau và gắn kết với giáo dục chính quy, thiếu nhiều điều kiện để
tạo thuận lợi cho người muốn học lựa chọn và học tập (đặc biệt là thiếu giáo
viên, báo cáo viên có chất lượng, cơ sở vật chất và trang thiết bị, kinh phí...
3. Nguyên nhân:
3.1. Về khách quan
a. Xây dựng xã hội học tập là một chủ trương
lớn của Đảng và Nhà nước đã nêu ra từ Đại hội Đảng IX nhưng đến nay vẫn còn rất
mới đối với nước ta và tỉnh ta, lại chưa có tiền lệ và mô hình XHHT định hình
nên khi triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là ở khâu nhận thức.
b. Thanh Hóa có địa bàn miền núi rộng lớn,
chiếm hơn 2/3 diện tích cả tỉnh, dân số gần 1 triệu người, 7 dân tộc anh em,
lại có vùng ven biển bãi ngang: cơ sở hạ tầng còn khó khăn; trình độ dân trí,
lao động và cán bộ; kinh tế và văn hóa còn chênh lệch khá lớn so với đồng bằng
và đô thị.
3.2. Về chủ quan.
a. Việc quán triệt, triển khai các chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác tuyên truyền về xây dựng XHHT
còn chưa liên tục, thiếu chiều sâu. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, ban,
ngành, đoàn thể, đơn vị sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai
trò, vị trí, tính cấp bách và tầm chiến lược của xây dựng xã hội học tập. Nhiều
nơi chưa đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập vào chương trình công
tác của cấp ủy, vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chính quyền hàng
năm. Nhiều Doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động chưa coi trọng kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng nhân lực tại chỗ.
b. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức, nhân dân còn quan niệm có tấm bằng học ban đầu ở các nhà
trường là có thể hành nghề hoặc làm việc suốt đời, do đó chưa thật sự tự giác
học tập và đề cao trách nhiệm trong xây dựng XHHT.
c. Chưa có cơ chế chính sách đề cao trách
nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, DN đào tạo, bồi dưỡng nhân lực
tại chỗ, thường xuyên và tham gia vào quá trình đào tạo; chưa đầu tư thỏa đáng
cho GDTX và ban hành chính sách đối với người học gắn với công tác cán bộ và
thi đua khen thưởng.
d. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây
dựng XHHT phát triển chưa cân đối giữa khu vực dân cư và khu vực cơ quan, doanh
nghiệp; chưa đồng đều giữa các vùng, miền, đơn vị.
đ. Do chưa xác định được bộ tiêu chí công nhận
“mô hình Xã hội học tập ở cơ sở” nên chưa có đích để hướng tới xây dựng.
Phần thứ hai.
MỤC
TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG XHHT ĐẾN NĂM 2020
I. Quan điểm và mục
tiêu:
1. Quan điểm
1.1. Xây dựng xã hội học tập là xây dựng một
xã hội mọi người đều tự giác và có nghĩa vụ học tập thường xuyên, học tập suốt
đời đồng thời nhà nước có các cơ chế, chính sách để khuyến khích, định hướng,
ràng buộc trách nhiệm và tạo những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho mọi người
được học với những mô hình học tập phù hợp.
1.2. Xây dựng Xã hội học tập vừa là mục tiêu
vừa là động lực phát triển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH - HĐH quê hương,
đất nước, đảm bảo QPAN và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức.
1.3. Xây dựng XHHT vừa có tầm chiến lược vừa
có tính cấp bách và là giải pháp chiến lược để “Đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục”.
1.4. Xã hội học tập phát triển từ thấp lên
cao và có mục tiêu, yêu cầu, nội dung cụ thể cho từng giai đoạn; lấy lợi ích
(của mỗi người, cộng đồng và dân tộc) làm mục đích và động lực để khuyến khích
nhu cầu tự giác học tập thường xuyên, suốt đời, thu hút đông đảo người học.
1.5. Xây dựng XHHT dựa trên nền tảng phát
triển đồng thời, gắn kết, liên thông của 2 bộ phận cấu thành hệ thống giáo dục
quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên theo tinh thần xã hội
hóa, bắt đầu từ cơ sở, hình thành “Mô hình Xã hội học tập ở xã, phường, thị
trấn và các cơ quan, Doanh nghiệp” theo những tiêu chí cụ thể, tiến tới xây
dựng mô hình xã hội học tập ở cấp huyện, cấp tỉnh và góp phần “Xây dựng cả nước
trở thành một xã hội học tập”.
2. Mục tiêu tổng quát
Đi đôi với phát triển quy mô và nâng cao chất
lượng giáo dục chính quy là Tập trung xây dựng hệ thống giáo dục thường
xuyên để tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học tập thường xuyên,
liên tục, suốt đời nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,
phát triển nhân tài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững,
phấn đấu đến năm 2015 tỉnh ta đạt mức thu nhập bình quân chung của cả nước và
đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh tiên tiến; đồng thời xây dựng Thanh
Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
3. Mục tiêu cụ thể
3.1. Đối với giáo dục chính quy:
Thực hiện các mục tiêu tại Quyết định
320/QĐ-TU “Ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai
đoạn 2011 - 2015” của Tỉnh ủy; các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh: số
3456/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch phát triển giáo dục đến năm 2020”; Quyết định
số 3542/QĐ/UBND phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai
đoạn 2011 - 2020”. Trong đó cần nhấn mạnh mục tiêu phổ cập nghề, nâng cao trình
độ nghề cho thanh niên và người lao động trong độ tuổi; nâng nhanh trình độ TC,
CĐ, ĐH trong thanh niên và cán bộ, công chức, viên chức.
3.2. Giáo dục thường xuyên
a. Nâng cao kết quả xóa mù chữ
- Tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên đạt
99,5% (đến 2015 đạt 98,7%). Đặc biệt coi trọng XMC cho đồng bào dân tộc thiểu
số, nữ giới và đồng bào sống trên sông, ngư dân.
- Người có độ tuổi từ 15 đến 35 đạt 100% biết
chữ (2015 đạt 99,6%). Trong đó 95% học xong bậc tiểu học (2015 đạt 85%).
b. 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp
đạt chuẩn và lựa chọn được hình thức học tập thường xuyên phù hợp để bồi dưỡng,
cập nhật kiến thức về pháp luật, kinh tế, quản lý, xã hội và nghiệp vụ. Trong
đó cấp xã và cấp huyện có 20% trở lên đạt trên chuẩn; cấp tỉnh có 30% trên
chuẩn, 20% biết 1 ngoại ngữ có trình độ giao tiếp trở lên (Đến 2015 cấp xã 86%;
cấp tỉnh và huyện 95% đạt chuẩn).
c. 100% công chức, viên chức có trình độ tin
học ứng dụng trong chuyên môn, nghiệp vụ, các dịch vụ công, quản lý nhà nước và
giao dịch điện tử. Trong đó 10% có trình độ CNTT ở bậc cao. (Đến 2015 đạt 100%
công chức và 90% viên chức)
d. Các chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao
động đảm bảo cho 100% công nhân và người lao động đang làm việc trong Doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh biết chữ và học xong bậc tiểu học; 80% người
lao động và công nhân được học tập đạt trình độ THCS trở lên; 95% được học tập
nâng cao trình độ nghề, nâng bậc nghề, chuyển đổi công nghệ hoặc nâng cao trình
độ chuyên môn nghiệp vụ... (Đến năm 2015 100% biết chữ, 85% tiểu học, 80% được
nâng cao bậc nghề).
đ. 70% Doanh nhân có trình độ từ trung cấp
trở lên về kỹ thuật, quản lý kinh tế hoặc quản trị kinh doanh; trong đó 50% có
trình độ CĐ, ĐH trở lên; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên (Đến
2015: 52% Doanh nhân có trình độ Trung cấp trở lên, 50% được cập nhật kiến
thức).
e. Bình quân mỗi năm có khoảng 10.000 lao
động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 100% được đào tạo nghề và có trình độ
ngoại ngữ để giao tiếp trở lên.
g. Phấn đấu trên 85% lao động ở khu vực dân
cư tham gia một hình thức học tập, trong đó phần lớn được học ở Trung tâm HTCĐ
để tiếp cận các chương trình học nghề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ thuật
sản xuất, năng lực sản xuất kinh doanh, kinh tế thị trường và nâng cao chất
lượng cuộc sống; 50% người khuyết tật được học chữ, học nghề... (Đến 2015: 70%
lao động tham gia 1 hình thức học tập).
3.3. Các mục tiêu tổng hợp
a. Số lao động được đào tạo chiếm 70% tổng số
lao động cả tỉnh. Trong đó, số lao động qua đào tạo nghề chiếm 55%. Số lao động
có trình độ tay nghề cao chiếm khoảng 10%. (Đến năm 2015: 55% và 43%).
b. Phấn đấu đạt tỷ lệ 400 sinh viên/1 vạn
dân. (2015 là 300 sinh viên/1 vạn dân).
c. Cơ cấu lao động trong nền kinh tế phấn đấu
đạt 30,5% (Nông lâm ngư) - 69,5% (Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ). (2015 cơ
cấu đạt 40% - 60%).
d. 100% cơ quan Đảng, nhà nước cấp tỉnh, cấp
huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tác nghiệp; có
cổng thông tin thành phần kết nối với cổng thông tin của tỉnh; xây dựng được
các cơ sở dữ liệu; 100% cán bộ, công chức có hộp thư điện tử, trao đổi thông
tin qua mạng Internet; 100% số xã có điểm kết nối Internet.
đ. Đến năm 2015 có 50% Trung tâm HTCĐ xếp
loại A, 20% xã, phường, thị trấn và cơ quan, doanh nghiệp được công nhận “xã,
phường, thị trấn, cơ quan, Doanh nghiệp Xã hội học tập”. Đến năm 2020 có 75%
Trung tâm HTCĐ xếp loại A, 40% xã, phường, thị trấn và 50% cơ quan, Doanh
nghiệp được công nhận đơn vị XHHT.
II. Nhiệm vụ và giải
pháp chủ yếu:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và
sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các cấp chính quyền cùng với phát huy
sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị có ý nghĩa quyết định xây dựng
thành công xã hội học tập. Các cấp, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở
đưa nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng XHHT vào chương trình công tác hàng năm gắn với
chương trình trọng tâm phát triển nguồn nhân lực của đơn vị, coi đây là một
trong những căn cứ để đánh giá, phân loại tổ chức và cán bộ, đảng viên hàng
năm.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến mọi tổ
chức, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, công nhân lao động và nhân dân
nhận rõ vai trò quan trọng, tầm chiến lược, tính cấp bách của xây dựng XHHT để
làm chuyển biến căn bản nhận thức lâu nay coi học một lần trong đời là đủ sang
học suốt đời, học thường xuyên. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các Báo
địa phương có các hình thức sinh động, thường xuyên tuyên truyền các chủ
trương, chính sách và các mô hình, điển hình, nhân tố mới về học tập và xây
dựng xã hội học tập.
3. Củng cố, sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới các trường học trong
hệ thống giáo dục chính quy và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. (Cấu
trúc mô hình xã hội học tập gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên tại
phụ lục số 1).
3.1. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và
giải pháp trong “Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục đến năm 2020” của UBND
tỉnh; Củng cố, hoàn thiện mạng lưới các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT.
3.2. Triển khai có kết quả cao chương trình
phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2015 của Tỉnh ủy và “Quy
hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2020” của UBND tỉnh.
4. Củng cố và phát triển các mô hình học tập
trong hệ thống giáo dục thường xuyên thật sự hiệu quả.
4.1. Tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng đội
ngũ giáo viên, đổi mới phương thức hoạt động để mở rộng quy mô và nâng cao chất
lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề...
4.2. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động,
đảm bảo phát triển bền vững các Trung tâm HTCĐ, thu hút đông đảo người học,
nhất là số lao động đang làm việc. Đặc biệt coi trọng việc điều tra, nắm bắt
nguyện vọng, xác định nội dung học tập phù hợp với yêu cầu cần gì học nấy của
người dân, nhất là người lao động. Tập hợp và xây dựng được đội ngũ báo cáo
viên có chất lượng. Mở rộng liên kết với TTGDTX, các cơ sở đào tạo và dạy nghề.
Tăng cường các điều kiện vật chất và kinh phí cho Trung tâm hoạt động. Chuyên
môn hóa và nâng cao chất lượng công tác quản lý Trung tâm. Tăng cường vai trò
lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các lực lượng
ở cơ sở đối với hoạt động của Trung tâm. Phát huy tác dụng của Trung tâm đối
với công cuộc xây dựng nông thôn mới.
4.3. Quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng
đào tạo hệ vừa làm vừa học; chấn chỉnh việc liên kết đào tạo. Các cơ quan,
doanh nghiệp cử người đi học phải theo đúng yêu cầu của vị trí công tác. Quy mô
hàng năm đạt khoảng từ 3.000 đến 3.500 người/năm.
4.4. Triển khai dạy nghề cho nông dân và
thanh niên theo Quyết định 1956 của Chính phủ thật sự có hiệu quả để nâng nhanh
số lao động được đào tạo và đào tạo nghề nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động
nông nghiệp, nông thôn.
4.5. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động
của các Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề của các đoàn thể chính trị xã
hội cấp tỉnh.
4.6. Quy định trách nhiệm đồng thời có cơ chế
khuyến khích các Doanh nghiệp tham gia đào tạo, lập Quỹ đào tạo, thành lập các
cơ sở đào tạo nghề hoặc liên kết nhiều doanh nghiệp thành lập Trung tâm đào
tạo, bồi dưỡng nhân lực tại chỗ để đào tạo, đào tạo lại nhằm tái cơ cấu và nâng
cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh.
4.7. Phát triển rộng khắp các mô hình học tập
hữu ích khác và đa dạng các nội dung, phương thức học tập phù hợp:
- Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng
hoạt động của các câu lạc bộ do các đoàn thể và các ngành sáng lập.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác bồi
dưỡng của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa và các
Hiệp Hội Doanh nghiệp.
- Coi trọng việc mở thường xuyên các lớp
chuyên đề bồi dưỡng hoặc cập nhật kiến thức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị
sự nghiệp,
- Tổ chức hoạt động các câu lạc bộ thôn, bản,
khu phố, xã, phường, câu lạc bộ thơ, văn nghệ, thể dục thể thao... thiết thực
và hiệu quả.
- Phát triển các hình thức học qua đài, ti
vi, báo chí, sách, internet...
4.8. Mở rộng, hoàn thiện nâng cao chất lượng
hoạt động của các cơ sở, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, trung tâm bưu điện
văn hóa xã, phát thanh truyền hình, phát triển mạng Internet... nhằm cung cấp
kiến thức cho người dân.
4.9. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã và từng bản làng ở miền núi để đẩy nhanh
việc xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa. Trước hết tập trung xóa
mù chữ và phổ cập tiểu học cho người lớn, nâng cao chất lượng và hiệu quả của
các TTHTCĐ, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề nhằm phổ biến
kiến thức cho người dân, nhất là về chủ trương, chính sách, pháp luật, chuyển
giao tiến bộ kỹ thuật và dạy nghề, phổ biến kiến thức văn hóa, nâng cao đời
sống tinh thần, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc... Xây dựng Đề án phát
triển giáo dục miền núi trình UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
5. Xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao
chất lượng
của các tổ chức Hội Khuyến học để làm nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập;
phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình khuyến học, khuyến tài.
5.1. Triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ
thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 28/02/2006 và Chỉ
thị số 05-CT/TU ngày 15/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
5.2. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng
gia đình hiếu học, dòng họ, khu dân cư hiếu học, cơ quan, Doanh nghiệp hiếu
học. Phấn đấu có 80% số gia đình đăng ký, 70% đạt gia đình hiếu học; 90% dòng
họ và khu dân cư đăng ký và 70% đạt danh hiệu hiếu học.
5.3. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng
quỹ Khuyến học với mức cả tỉnh đạt trên 90 tỷ đồng/năm. Coi trọng vận động nhân
dân, các tổ chức, Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong, ngoài tỉnh, ngoài nước
ủng hộ xây dựng các loại quỹ khuyến học và tăng nhanh quỹ khuyến học gia
đình...
5.4. Công tác khuyến tài cùng với khuyến học,
khuyến nghề phải trở thành động lực xây dựng xã hội học tập. Đi đôi với khuyến
tài trong văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, thầy thuốc, học sinh, sinh viên, vận
động viên,... UBND tỉnh sẽ tổ chức “Giải thưởng sáng tạo Khoa học - Công nghệ
Thanh Hóa” nhằm khuyến khích, tôn vinh các nhà khoa học và người lao động sáng
tạo.
5.5. Khuyến khích hình thành các mô hình
khuyến học tự nguyện: Dạy xóa mù chữ, bổ túc văn hóa ban đêm, thứ bảy, chủ
nhật; mở các lớp học tình thương, vận động các chùa tổ chức các cơ sở dạy hoặc
cả nuôi và dạy trẻ em khuyết tật, lang thang, mồ côi; vận động các tổ chức
Doanh nghiệp đỡ đầu học sinh đặc biệt khó khăn học hết cấp, hết khóa học, tạo
việc làm...
6. Tăng cường đầu tư cho xây dựng xã hội học
tập:
Các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động TB&XH, Tài chính
tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế đầu tư cho xây dựng xã hội học tập; lập
phương án và kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm GDTX, Trung tâm HTCĐ
giai đoạn 2013 - 2020 và đưa vào dự toán ngân sách để triển khai hàng năm. Tạm
tính từ năm 2013 đến năm 2020 đầu tư khoảng 470 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách
Trung ương và địa phương là 370 tỷ, xã hội hóa 100 tỷ) để xây dựng trường lớp
học và trang thiết bị dạy học cho các Trung tâm GDTX cấp huyện và Trung tâm
HTCĐ. Xây dựng định mức tài chính mới phù hợp với yêu cầu mở rộng quy mô và
nâng cao chất lượng đào tạo của Trung tâm GDTX và Trung tâm HTCĐ (phụ lục số
2).
7. Ban hành Bộ tiêu chí và chỉ đạo các xã,
phường, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng mô hình xã hội học tập và công nhận “xã,
phường, thị trấn đạt chuẩn xã hội học tập”.
Phần thứ ba.
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo xây dựng XHHT cấp tỉnh chỉ đạo
Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp cụ thể hóa Đề án xây dựng xã hội học
tập thành kế hoạch thực hiện cụ thể ở địa phương. Hàng năm chủ động tham mưu
cho UBND cùng cấp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và
bố trí các nguồn lực để triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các xã phường,
cơ quan, doanh nghiệp đối chiếu các tiêu chí xã hội học tập để lập kế hoạch
phấn đấu và đề nghị xét công nhận đơn vị đạt chuẩn XHHT.
2. UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Nhà nước
về xây dựng xã hội học tập trên địa bàn và chỉ đạo UBND cấp xã lập kế hoạch xây
dựng xã hội học tập; kiểm tra, đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn, cơ
quan, doanh nghiệp đạt chuẩn XHHT. Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh
sẽ phúc tra lại trước khi cấp huyện công nhận.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp
với Sở Lao động TB&XH, các sở, ngành liên quan giúp UBND tỉnh quản lý nhà
nước về xây dựng xã hội học tập, chủ động phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tham
mưu các cơ chế, chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo
viên phù hợp; cơ chế, chính sách đối với các cơ quan, doanh nghiệp và người học
để vừa khuyến khích tự giác vừa đề cao trách nhiệm trong xây dựng XHHT.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động cân đối các
nguồn lực để tăng cường đầu tư CSVC cho cả giáo dục chính quy và giáo dục
thường xuyên trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh trong kế hoạch hàng năm.
5. Sở Tài chính chủ động lập kế hoạch ngân
sách cho phát triển giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, trong đó xác
định định mức tài chính mới cho Trung tâm GDTX và Trung tâm HTCĐ trình UBND,
HĐND tỉnh đảm bảo cho việc xây dựng XHHT thành công.
6. Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy
tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức dài hạn và triển khai hàng năm; tham mưu xây dựng các cơ chế chính
sách trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tuyển dụng cán bộ, công chức,
viên chức và công tác Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng XHHT. Gắn kết nhiệm vụ
xây dựng xã hội học tập với công tác cán bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.
7. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị sự
nghiệp, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch
thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập của Đề án này trong
chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác, sản xuất kinh doanh hàng năm.
8. Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục
và các ban, ngành, đoàn thể phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp, liên kết
các lực lượng khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; chỉ đạo điểm xây dựng mô
hình XHHT ở xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp nhân ra diện rộng; tham mưu các
cơ chế, chính sách về xây dựng XHHT; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức
hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng xã hội học tập (2001 - 2010), tổng kết 5 năm
thực hiện quyết định 112/2005/QĐ-TTg và triển khai Đề án xây dựng XHHT đến năm
2020.
9. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể
nhân dân phối hợp triển khai Đề án xây dựng XHHT rộng khắp, tạo ra phong trào
nhân dân khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT mạnh mẽ gắn kết với phong trào
toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm
nghèo và làm giàu chính đáng ở cơ sở và gương mẫu học tập thường xuyên, học tập
suốt đời./.
PHỤ LỤC SỐ
1
SƠ
ĐỒ VỀ CẤU TRÚC CÁC MÔ HÌNH HỌC TẬP Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN PHỤC VỤ CHO XÂY DỰNG
MÔ HÌNH XÃ HỘI HỌC TẬP Ở CƠ SỞ
(Kèm theo Quyết định số 1666/2012/QĐ-UBND ngày 01/6/2012 của UBND tỉnh Thanh
Hóa)
PHỤ LỤC SỐ
2
KHÁI
TOÁN ĐẦU TƯ TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO HỆ THỐNG GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TỪ NĂM
2013 ĐẾN 2020
(Kèm theo Quyết định số 1666/2012/QĐ-UBND ngày 01/6/2012 của UBND tỉnh Thanh
Hóa)
TT
|
Mục tiêu đầu tư
|
Nội dung đầu tư
|
Kinh phí
|
Ghi chú
|
1
|
27 TTGDTX cấp huyện
|
Trường lớp học, văn
phòng, nhà xưởng và trang thiết bị, đồ dùng dạy học
|
10 tỷ đồng/ Trung
tâm
|
270 tỷ đồng
|
2
|
637 TTHTCĐ ở xã,
phường, thị trấn
|
Văn phòng Trung tâm
và trang thiết bị
|
300 triệu đồng/
Trung tâm
|
200 tỷ đồng
|
|
Cộng
|
|
|
470 tỷ đồng
|