ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1524/QĐ-UBND
|
Đắk
Lắk, ngày 11 tháng 7
năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ NGƯỜI ĐẮK LẮK VĂN MINH - THÂN THIỆN
- MẾN KHÁCH”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 11/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2017 của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch;
Căn cứ Thông báo số 415-TB/TU ngày 24/3/2021 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử
Người Đắk Lắk Văn minh
- Thân thiện - Mến
khách” gần với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến
năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tại Công văn số 1283/SVHTTDL-XDNSVHGĐ ngày 05/7/2022.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Bộ quy tắc ứng
xử Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách”.
Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử Người
Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách” trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể chính
trị, xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ VHTT&DL (b/c);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Báo Đắk Lắk; Đài PTTH tỉnh;
- TT Công nghệ và Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (HTN-30b)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
H’ Yim Kđoh
|
BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ
NGƯỜI ĐẮK LẮK VĂN MINH - THÂN THIỆN - MẾN KHÁCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Đắk Lắk)
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng
Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa;
phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; phía Tây giáp tỉnh
Mondulkiri của Vương quốc Campuchia; có hệ
thống giao thông đường bộ, đường không tương đối hoàn chỉnh; cảnh quan thiên
nhiên hấp dẫn, đa dạng, đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác
ghềnh hùng vĩ; có 38 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc
biệt, 17 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh; đặc biệt “Không gian văn hóa
cồng chiêng Tây Nguyên” được UNSCO công nhận là Di sản văn
hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; kết hợp với bản sắc văn hóa truyền thống
đặc sắc của 49 dân tộc, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, phong phú và
đa dạng nổi bật như: Trường ca Đam San, Xing Nhã...; các
loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre
nứa, mỹ thuật, âm nhạc, tạc tượng...; văn hóa mẫu hệ, văn hóa cộng đồng, văn
hóa nhà dài, văn hóa ẩm thực...; Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả...
Bên cạnh đó, Đắk
Lắk còn là “Thủ phủ Cà phê Việt Nam”, là điểm đến của cà
phê thế giới; văn hóa cà phê đã và đang được xây dựng và hình thành là thế mạnh
hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Việc ban hành “Bộ quy tắc ứng xử Người
Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến
khách” là cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ
chức, cá nhân về ứng xử, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước
tạo được niềm tin, sự hòa đồng, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk đối
với khách đến sinh sống, học tập, tham quan, du lịch tại tỉnh nhà; góp phần thực
hiện tốt mục tiêu của Đề án phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và
định hướng đến năm 2030.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Giải
thích từ ngữ
1. “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk
Văn minh - Thân thiện - Mến khách” là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định
hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh, thân thiện, mến khách
của người dân Đắk Lắk.
2. Bộ quy tắc ứng xử người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách được viết tắt: “Bộ quy tắc ứng xử”.
Điều 2. Đối tượng
và phạm vi điều chỉnh
Cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện trên phạm vi trong và ngoài tỉnh.
Chương II
NỘI DUNG BỘ QUY
TẮC ỨNG XỬ
Điều 3. Tôn trọng
và bảo vệ môi trường sống
1. Giữ gìn vệ sinh, làm đẹp nhà cửa,
đường phố, đường thôn, đường buôn và nơi công cộng.
2. Phân loại và đổ rác, phế thải,
đúng nơi quy định; khuyến khích sử dụng túi cá nhân, hạn chế sử dụng túi ni
lông và các chế phẩm nhựa sử dụng 01 lần.
3. Có trách nhiệm trồng và bảo vệ cây
xanh cùng các nguồn lợi tự nhiên.
4. Tích cực tham gia các hoạt động bảo
vệ môi trường; giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
5. Không tự ý chiếm dụng, thay đổi
hiện trạng, đun nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng
đường, nơi công cộng.
6. Không treo, dán, đặt biển hiệu, biển
quảng cáo trái phép.
7. Không tự ý chặt, nhổ cây xanh,
hoa, cỏ nơi công cộng.
Điều 4. Ứng xử tại
vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên
1. Tham gia bảo vệ, đóng góp, phát
huy giá trị công trình.
2. Không đập phá, làm đổ vỡ, viết bậy,
bôi bẩn, dán quảng cáo, leo trèo lên các công trình, tượng đài, tác phẩm điêu khắc.
3. Không hái hoa, bẻ cành, giẫm đạp,
phá rào, trèo cây, hái quả.
4. Không bày bán, ăn, ngủ, nghỉ,
phóng uế tùy tiện.
5. Không nói xấu, bôi nhọ lãnh tụ quốc
gia, danh nhân văn hóa.
Điều 5. Ứng xử tại
khu vui chơi, giải trí, điểm di tích, tham quan, du lịch
1. Có thái độ thân thiện, niềm nở,
nhiệt tình và mến khách.
2. Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, nội quy của điểm đến và khuyến khích mua, bán các
sản phẩm địa phương.
3. Bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh
môi trường, không xả rác bừa bãi; cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm với môi
trường và xã hội.
4. Kinh doanh sản phẩm hàng hóa có
nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm
yết; không buôn bán những hàng hóa mang tính chất đồi trụy, mê tín dị đoan.
5. Không gây hình ảnh phản cảm, ấn tượng
xấu tới du khách; không lấy sách hướng dẫn, bản đồ, tập gấp du lịch và các ấn phẩm
quảng bá khác khi chưa thực sự cần thiết.
6. Không chen lấn, xô đẩy, gây rối;
không ăn uống, ngủ nghỉ tùy tiện.
7. Không tranh giành, chèo kéo du
khách và nâng giá hàng hóa và dịch vụ trái quy định; không để người ăn xin, ăn mày làm phiền khách.
8. Không sử dụng đồ chơi kích động bạo
lực gây nguy hiểm, độc hại.
9. Tuân thủ nghiêm các quy định bảo đảm
an toàn.
Điều 6. Ứng xử tại
trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn
1. Niêm yết giá
và bán đúng giá niêm yết; khuyến khích niêm yết nguồn gốc sản phẩm tại quầy;
giao tiếp, trao đổi đúng mực; cân, đong hàng hóa đúng, đủ;
không mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.
2. Kinh doanh, bảo quản và chế biến
thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn.
3. Xếp hàng khi
mua bán; sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng
túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
4. Không sử dụng lãng phí hàng hóa, đồ
ăn, đồ uống; sử dụng có kiểm soát rượu, bia và đồ uống có cồn; không dùng từ ngữ miệt thị để xưng hô,
gọi thức ăn, đồ uống.
5. Tôn trọng, bảo quản các sản phẩm
văn hóa truyền thống, hàng thủ công, mỹ nghệ của người dân địa phương.
6. Bình tĩnh, nhường nhịn khi giải
quyết mâu thuẫn.
Điều 7. Ứng xử tại
cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo
1. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng địa phương.
2. Giữ gìn, phát huy nghi thức, giá
trị truyền thống.
3. Chấp hành quy định, hướng dẫn tại
nơi thờ tự.
4. Không đặt, rải tiền tùy tiện; không
nên đốt vàng mã.
5. Không sử dụng trang phục thiếu lịch
sự và có hành vi gây phản cảm.
6. Không hoạt động mê tín dị đoan, lợi
dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
7. Không chen lấn, xô đẩy, tranh cướp
vật dụng, đồ lễ.
8. Đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự,
giữ gìn vệ sinh chung.
9. Không xâm hại cảnh quan, không
gian tín ngưỡng tôn giáo.
Điều 8. Ứng xử tại
thư viện, bảo tàng, trường học
1. Cầu thị học hỏi, hợp tác và tuân thủ
nội quy, hướng dẫn.
2. Đóng góp, xây dựng và bảo vệ tài sản.
3. Giữ gìn trật tự, hạn chế sử dụng
thiết bị điện tử cá nhân ảnh hưởng đến xung quanh.
4. Không tác động, làm hư hại tài liệu,
hiện vật.
Điều 9. Ứng xử tại
bến xe ô tô, nhà chờ xe buýt, nhà ga cảng hàng không, trên các phương tiện công
cộng
1. Giữ gìn trật tự, tôn trọng quy định
chung.
2. Xếp hàng, mua
vé, xuất trình vé, giấy tờ tùy thân để làm thủ tục theo quy định.
3. Tuân thủ theo hướng dẫn, điều tiết
của người hướng dẫn.
4. Nhường chỗ, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em, khách nước ngoài.
5. Không mua, bán hàng rong; không
bày biện, ăn uống, ngủ nghỉ tùy tiện.
Điều 10. Ứng xử
khi tham gia giao thông
1. Tự giác chấp hành luật giao thông;
dừng xe nhường đường cho người đi bộ, xe ưu tiên; bình tĩnh, hòa nhã, nhường nhịn
xử lý, không sử dụng vũ lực khi có va chạm giao thông.
2. Hỗ trợ cấp cứu người bị nạn, cung cấp thông tin tới cơ quan công an khi xảy ra tai nạn
giao thông.
3. Quan sát kỹ khi tham gia lưu
thông; dừng, đỗ xe trước cổng cơ quan, trường học, hàng
quán, nhà dân đúng quy định; không chửi tục, nói bậy, khạc nhổ, vứt rác thải
trên đường.
Điều 11. Ứng xử
trên không gian mạng
1. Sử dụng thông tin trên mạng xã hội
vì lợi ích của đất nước, Nhân dân, tổ chức, cá nhân phù hợp với pháp luật quy định; tuyên truyền, vận động Nhân dân, người thân trong
gia đình sử dụng mạng xã hội phải cân nhắc, phù hợp, hiệu quả, đúng pháp luật.
Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con
người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam nói chung, của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, chia
sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
2. Cân nhắc bày
tỏ cảm xúc, sử dụng, chia sẻ những thông tin có nguồn gốc chính thống, đáng tin
cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa truyền
thống của dân tộc của Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
3. Không đăng tin, clip, hình ảnh phản
cảm, không phù hợp với văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của các dân tộc;
không tung tin giả, tin sai sự thật; gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
4. Không kết bạn, tiết lộ thông tin với
những người chưa quen biết, những thông tin nghi ngờ; cần có người đi cùng khi
gặp gỡ người mới quen trên mạng xã hội.
5. Không sử dụng từ ngữ gây thù hận,
kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không sử dụng mạng
xã hội để tư lợi cá nhân bất hợp pháp.
6. Giải quyết bất đồng trên mạng xã hội
hài hòa, tế nhị, nhẹ nhàng, phù hợp với pháp luật; khi cần thiết nhờ đến cơ
quan liên quan hỗ trợ về pháp luật theo quy định.
Điều 12. Ứng xử
trong cộng đồng dân cư
1. Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp,
thân thiện.
2. Nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ người
dân và du khách khi được đề nghị; tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên, nhường đường cho
khách du lịch,
3. Xếp hàng theo
thứ tự, không chen lấn, xô đẩy khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động
tại nơi công cộng.
4. Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp
với các hoạt động.
5. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc;
tuân thủ luật tục, tuân thủ sự hướng dẫn,
các quy định khi tham quan bến nước, các công trình văn hóa truyền thống
của đồng bào dân tộc; không sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, lông
đuôi voi, tự ý lại gần voi và sử dụng
loại hình du lịch cưỡi voi.
6. Không “chèo kéo”, đeo bám khách du
lịch.
7. Giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi
giải quyết sự cố đối với khách; không có lời nói, cử chỉ, hành vi thô tục;
không trêu chọc hay có hành động khiếm nhã với khách du lịch.
8. Không tranh giành, gây gỗ với khách du lịch.
9. Không xả rác, khạc nhổ, đi vệ sinh
bừa bãi, hút thuốc lá ở những nơi không được phép.
10. Không khắc, vẽ, viết bậy lên tường,
tượng, bia đá, cây xanh, công trình kiến trúc; không hái
hoa, bẻ cành, giẫm đạp lên bãi cỏ, trêu chọc vật nuôi tại các khu, điểm du lịch
và nơi công cộng.
12. Không bán các sản phẩm từ động,
thực vật hoang dã (bị cấm theo pháp luật).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Triển
khai và thực hiện
1. Các cơ quan, tổ chức căn cứ Bộ quy
tắc ứng xử này triển khai thực hiện và phổ biến nội dung của Bộ quy tắc ứng xử
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức của
mình.
2. Các tổ chức, cá nhân sinh sống,
làm việc, công tác, học tập, tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khuyến
khích thực hiện đầy đủ các nội dung Bộ quy tắc ứng xử và
tuyên truyền, phổ biến về Bộ quy tắc ứng xử này.
Điều 14. Điều
khoản thi hành
Bộ quy tắc ứng xử này được phổ biến đến
tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc đề nghị phản ánh về UBND tỉnh Đắk Lắk (thông
qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tổng hợp, nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp./.