Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1434/QĐ-UBND 2020 Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu: 1434/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Phạm Duy Hưng
Ngày ban hành: 10/08/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1434/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị;

Căn cứ Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2018 về việc thay thế Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 55/TTr-SVHTTDL ngày 21 tháng 6 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết

Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ; có nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên vừa đa dạng, phong phú, vừa độc đáo, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là hồ Ba Bể, danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (năm 2012). Tuy nhiên du lịch Bắc Kạn nói chung và du lịch hồ Ba Bể nói riêng còn nhiều hạn chế nhất định như: Lượng khách du lịch đến Bắc Kạn còn ít (đặc biệt là khách quốc tế), tổng thu từ du lịch còn thấp chưa có nhiều đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn chưa hấp dẫn. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong điều kiện Bắc Kạn còn nghèo, chưa có khả năng cạnh tranh du lịch chất lượng cao thì việc xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 là cần thiết nhằm nghiên cứu và xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, định hướng ưu tiên đầu tư các dự án để thu hút đầu tư phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

2. Căn cứ lập Đề án

- Luật Du lịch;

- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị;

- Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

- Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch Ba Bể tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030;

- Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thay thế Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

- Quyết định số 1430/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025;

- Quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019;

- Công văn số 447/UBND-VXNV ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc cho ý kiến về đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1591/SVHTTDL-QLDL;

- Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030.

II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Thực trạng hoạt động du lịch giai đoạn 2015 - 2020

1.1. Hoạt động kinh doanh du lịch

- Lượng khách du lịch đến Bắc Kạn: Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay khách du lịch đến Bắc Kạn đã có mức tăng đáng kể qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về khách du lịch là 10%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế là 14,8%/năm, khách du lịch nội địa là 9,8%/năm.

Bảng số liệu khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Bắc Kạn giai đoạn từ 2015 đến 2019:

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

Tổng số lượng khách du lịch đến Bắc Kạn

(ĐVT: Lượt)

360.000

400.000

450.100

484.500

528.241

Khách du lịch quốc tế

10.000

10.200

13.778

15.500

18.957

Khách du lịch nội địa

350.000

389.800

436.322

469.000

509.284

Tổng thu từ khách du lịch (ĐVT: Tỷ đồng)

252

280

315,1

321

348,639

- Tổng thu từ khách du lịch: Cùng với sự gia tăng về số lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch của tỉnh cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8,4%/năm. Tuy nhiên, do mức chi tiêu bình quân của khách còn thấp (bình quân 700.000 đồng/lượt khách) nên tổng thu từ khách du lịch chung còn hạn chế. Để tăng tổng thu từ khách du lịch thời gian tới, ngành du lịch Bắc Kạn cần có các giải pháp thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và tăng cường các dịch vụ bổ sung, dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi trội để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách.

- Thị trường khách du lịch: Thị trường khách du lịch quốc tế đến Bắc Kạn trong thời gian qua chủ yếu là khách Pháp, Đức, Anh, Italia, Úc... Mục đích của phần lớn khách du lịch quốc tế đến Bắc Kạn là tham quan, nghiên cứu, sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa. Thị trường khách du lịch nội địa đến Bắc Kạn khá đa dạng từ nhiều vùng miền, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, có thể đi lẻ, theo nhóm bạn bè, gia đình, hoặc đi theo đoàn. Tuy nhiên bình quân ngày lưu trú của khách du lịch đến Bắc Kạn còn ngắn.

1.2. Cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch

- Cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch: Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 219 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó: 26 khách sạn, 59 nhà nghỉ du lịch và 134 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 1.978 phòng, buồng và 3.503 giường; có khoảng gần 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc, xông hơi massage, Karaoke...); 162 xuồng vận chuyển khách tham quan hồ Ba Bể; 50 điểm bán hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở lưu trú còn mang tính tự phát, số lượng các cơ sở tương đối nhiều nhưng đa phần đều ở quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ, không đồng bộ, chất lượng kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa cao, chưa phù hợp với xu thế phát triển và chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Đa số các nhà hàng ăn uống có quy mô nhỏ; các điểm bán hàng dịch vụ nhỏ lẻ, tạm bợ, hàng hóa, hàng lưu niệm ít và không mang giá trị đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt, xuồng vận chuyển khách du lịch tại khu du lịch Ba Bể số lượng nhiều nhưng chất lượng thấp, tiếng ồn lớn và chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch. Các cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên chưa kích thích được khả năng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

- Cơ sở hạ tầng: Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, cụ thể:

+ Công bố tuyến đường thủy nội địa, địa phương Sông Năng - Hồ Ba Bể, chiều dài 29,2km. Cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (tạm thời) cho 06 bến gồm bến Bờ Bắc, bến Bờ Nam, bến Buốc Lốm, bến Kéo Sliu, bến Pác Ngòi và bến Đầu Đẳng.

+ Đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Dự án đường nối khu du lịch Ba Bể với khu du lịch Na Hang (Tuyên Quang); Dự án Trung tâm đón tiếp Buốc Lốm - Khang Ninh; Dự án xây dựng Bến thuyền, nhà chờ điểm đón khách du lịch Tà Kèn; nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT258 đoạn từ km42 đến km48 (đường vào khu du lịch hồ Ba Bể). Để phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển du lịch, tỉnh Bắc Kạn đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương xây dựng tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến Ba Bể.

- Đầu tư khai thác phát triển du lịch văn hóa, một số di tích lịch sử cấp quốc gia, đền, chùa cũng được trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại phục vụ cho nhu cầu tham quan như: Di tích lịch sử Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông (huyện Bạch Thông), di tích Chiến thắng Đèo Giàng (huyện Ngân Sơn); di tích lịch sử Nà Pậu, di tích Khuổi Linh (huyện Chợ Đồn); Đền Thắm, chùa Thạch Long (huyện Chợ Mới); Đền Mẫu, Đền Cô (thành phố Bắc Kạn); chùa Phố Cũ, đền An Mã (huyện Ba Bể).... Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch Ba Bể.

+ Hệ thống giao thông vận tải: Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 05 tuyến quốc lộ đi qua địa phận tỉnh Bắc Kạn (QL3, QL3B, QL3C, QL279 và tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới) với tổng chiều dài 455,39km đạt tiêu chuẩn đường từ cấp V-MN đến cấp III-ĐB; 13 tuyến đường tỉnh với chiều dài là 450,29km đạt tiêu chuẩn đường từ GTNT-A đến cấp IV-MN. Ngoài ra có đường huyện lộ, đường đô thị, đường chuyên dùng, đường xã, thôn bản; có 01 tuyến đường thủy nội địa trên Sông Năng, hồ Ba Bể, huyện Ba Bể được khai thác phục vụ du lịch và hàng hóa dân sinh.

+ Hệ thống cung cấp điện, nước: Cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh cả tỉnh. Hệ thống nước sạch đã được đầu tư và giải quyết nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt trên 93%.

1.3. Đầu tư phát triển du lịch

Để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, Bắc Kạn đã tập trung cho công tác đầu tư phát triển du lịch, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gồm:

- Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể của Công ty Cổ phần Sài Gòn - Ba Bể.

- Dự án đầu tư xây dựng Nhà hàng khách sạn Sơn Nữ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Sơn Bắc Kạn.

- Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ba Bể Ecologde của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lê Hùng.

- Dự án đầu tư khai thác tuyến, điểm du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể và Khu du lịch sinh thái Nature and Fresh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch GREENCANAL Việt Nam.

- Dự án điểm du lịch sinh thái Thác Bạc - đèo Áng Toòng của Công ty Cổ phần Sông Đà Bắc Kạn.

- Dự án đầu tư trồng rừng, phát triển chăn nuôi và kết hợp du lịch sinh thái của Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông Hoa Phát.

1.4. Các loại hình, sản phẩm du lịch

Tiềm năng du lịch của Bắc Kạn khá dồi dào, là một trong những yếu tố cơ bản cấu thành nên sản phẩm du lịch, trong thời gian qua Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Cùng với đó, các dự án đầu tư tập trung vào việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; khai thác chương trình du lịch về nguồn, về các điểm di tích lịch sử - cách mạng như ATK Chợ Đồn, Đèo Giàng, Phủ Thông…; phục dựng và bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể khác, bảo tồn các bản làng còn mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc để xây dựng các chương trình tham quan hấp dẫn, đặc trưng.

Hiện nay, Bắc Kạn đã đầu tư khai thác và phát triển một số loại hình du lịch chính như: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch cộng đồng; du lịch lễ hội gắn với nghề thủ công truyền thống; du lịch tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc; du lịch mạo hiểm, leo núi. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác trong khu vực, sản phẩm du lịch của tỉnh Bắc Kạn còn nghèo nàn, chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

1.5. Nguồn nhân lực du lịch

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có gần 1.000 lao động đang làm việc tại các cơ sở lưu trú và các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá cao (70%), lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp (20%). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch có khoảng 30 người nhưng đa số là chuyên ngành khác, không học chuyên ngành du lịch. So với các tỉnh, thành trong khu vực, trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bắc Kạn hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu, số lao động biết đến các loại ngoại ngữ cơ bản (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga...) rất ít. Đồng thời do lượng khách du lịch đến Bắc Kạn không thường xuyên liên tục nên nguồn nhân lực du lịch không được thường xuyên thực hành các kỹ năng phục vụ khách do đó chưa tạo ra được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch.

1.6. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

Trong những năm qua Bắc Kạn đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: In ấn, xuất bản tập gấp, in cuốn cẩm nang, bản đồ du lịch và đĩa DVD giới thiệu về du lịch Bắc Kạn; xây dựng pano quảng cáo du lịch tấm lớn tại huyện Chợ Mới; xây dựng các chuyên mục “Du lịch Bắc Kạn” phát trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn; phối hợp với Trung tâm Truyền hình Nhân dân thực hiện phóng sự giới thiệu về các nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tại địa phương; phối hợp với Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện việc ghi hình chương trình Fine Cuisine “Vị quê hương” và Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện Phim tài liệu về dân ca dân tộc Dao tại huyện Ba Bể. Đăng tải tin, bài liên quan đến du lịch lên Cổng Thông tin du lịch của tỉnh (dulich.backan.gov.vn); tham gia các cuộc giới thiệu, quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch, hội chợ thương mại - du lịch trong khu vực và cả nước... Qua đó, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của tỉnh đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch chưa đạt hiệu quả cao, kinh phí dành cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế.

2. Kết quả khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch Bắc Kạn

Việc khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch tỉnh Bắc Kạn được thực hiện thông qua khảo sát thực địa và điều tra thu thập thông tin từ 300 phiếu bảng hỏi đối với khách du lịch, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch và cán bộ quản lý địa phương, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, nhu cầu, mong muốn về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, thống nhất lựa chọn những tài nguyên du lịch có tính khác biệt, tiêu biểu để làm cơ sở định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, cụ thể:

2.1. Kết quả phỏng vấn khách du lịch

Kết quả điều tra tại các điểm du lịch với khách nội địa, quốc tế như sau:

70% lượng khách du lịch được hỏi đến Bắc Kạn sử dụng dịch vụ lưu trú Homestay là chính.

Các điểm khách du lịch chủ yếu đến đó là Vườn Quốc gia Ba Bể (96%), Động Puông (34%), động Hua Mạ (23%), du ngoạn trên Sông Năng (27%), bản Pác Ngòi (41%), đền An Mạ (36%)... điều đó cho thấy hầu hết việc khai thác du lịch mới chỉ tập trung phần lớn trong khu vực hồ Ba Bể, còn các điểm du lịch khác, chưa được khai thác tốt nên lượng khách du lịch biết và đến còn rất ít.

Du khách đến với Bắc Kạn chủ yếu lựa chọn loại hình du lịch sinh thái (59%), tiếp đến là loại hình du lịch văn hóa (du lịch cộng đồng 49%) và loại hình du lịch tâm linh (24%)... điều đó cho thấy loại hình du lịch sinh thái là loại hình được ưa chuộng nhất của khách du lịch khi đến Bắc Kạn. Hầu hết khách du lịch cho rằng các loại hình du lịch của Bắc Kạn là hấp dẫn, độc đáo nhưng chất lượng dịch vụ còn kém, môi trường du lịch chưa đảm bảo, không có các dịch vụ vui chơi giải trí vào buổi tối, các dịch vụ bổ trợ còn sơ sài.

Về thăm dò ý kiến của khách du lịch về các điểm du lịch đặc trưng của Bắc Kạn, ý kiến của khách du lịch cho rằng những điểm du lịch sau được đánh giá cao đó là: Vườn Quốc gia Ba Bể, Hồ Ba Bể (98%); bản Pác Ngòi (19%); đền An Mạ (16%); Động Puông (14%) và động Hua Mạ (11%). Kết quả cho thấy, phần lớn khách được hỏi đều cho rằng Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể là điểm du lịch đặc trưng nhất của tỉnh Bắc Kạn.

Về mức độ hài lòng của khách du lịch: Kết quả điều tra cho thấy khách du lịch rất hài lòng khi đến đây đó là tài nguyên du lịch, sự thân thiện của người dân, giá cả dịch vụ du lịch và thái độ phục vụ. Những vấn đề khách du lịch rất không hài lòng đó là: Thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm, dịch vụ hỗ trợ tại các điểm du lịch.

2.2. Kết quả phỏng vấn cộng đồng dân cư

Có đến 78% cộng đồng trả lời phỏng vấn có tham gia vào hoạt động du lịch tại địa phương và 22% cộng đồng không tham gia vào hoạt động du lịch trên tinh thần tự nguyện.

Các hoạt động cộng đồng tham gia chủ yếu đó là: Tham gia cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch (42%); dịch vụ tư vấn, giúp đỡ khách du lịch (39%); dịch vụ biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch (19%); cho thuê phương tiện và các thiết bị du lịch (17%).

Các điểm du lịch được cộng đồng địa phương biết đến: Đầu tiên đó là Vườn Quốc gia Ba Bể (hồ Ba Bể) (100%); Động Puông và động Hua Mạ (76%), tiếp đến là bản Pác Ngòi (69%), bản Bó Lù (60%), bản Cốc Tộc (55%), Bản Cám (51%), du lịch trên Sông Năng (45%) và thác Tát Mạ (46%).

Khi được hỏi về những phản hồi của khách du lịch với cộng đồng địa phương thì đa phần người dân cho rằng khách du lịch cần đảm bảo về vấn đề vệ sinh môi trường, việc xử lý rác thải, kiến nghị với cộng đồng cần có cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm, chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ bổ sung khác.

Kết quả phỏng vấn cho thấy, có đến 85,9% cộng đồng trả lời phỏng vấn cho rằng cần cải thiện đường giao thông, tiếp đến là yếu tố môi trường, sinh thái, cảnh quan điểm đến, dịch vụ du lịch, các dịch vụ bổ trợ, ngoài ra còn có một số ý kiến bổ sung khác như cần tổ chức tour tuyến cũng như quảng bá, thuyết minh tại điểm đến theo cách chuyên nghiệp hơn.

Ý kiến của cộng đồng về điểm du lịch đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, các ý kiến cho rằng điểm du lịch đặc trưng nhất đó là: Vườn Quốc gia Ba Bể (hồ Ba Bể) là tài nguyên du lịch đặc trưng nhất (97%), tiếp đến là động Hua Mạ (62%), Động Puông (49%), bản Pác Ngòi (47%), hang Tát Mạ (35%), ATK Chợ Đồn (30%).

2.3. Kết quả phỏng vấn cơ quan quản lý du lịch

Theo kết quả điều tra, phỏng vấn đại diện các cơ quan quản lý (chiếm 63,1%) cho rằng du lịch đóng vai trò rất quan trọng với kinh tế - xã hội của địa phương, số còn lại cho rằng du lịch đóng vai trò quan trọng.

Kết quả thăm dò ý kiến của cơ quan quản lý du lịch đối với 03 di tích lịch sử đặc trưng nhất của tỉnh Bắc Kạn, các ý kiến cho rằng đặc trưng nhất đó là: ATK Chợ Đồn, các di tích lịch sử Nà Tu, di tích đồn Phủ Thông.

Kết quả thăm dò ý kiến đối với 03 tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng nhất của tỉnh Bắc Kạn, các ý kiến cho rằng đặc trưng nhất đó là: Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và động Hua Mạ.

Kết quả thăm dò ý kiến đối với 03 món ăn đặc trưng nhất của tỉnh Bắc Kạn, các ý kiến cho rằng đặc trưng nhất đó là: Bánh trứng kiến; bánh ngải và bánh trời, bánh ngô.

Kết quả thăm dò ý kiến đối với 03 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhất của địa phương, các ý kiến cho rằng đặc trưng nhất có thể làm quà, đồ lưu niệm cho du khách khi đến địa phương: Miến dong, chè Shan tuyết, hồng không hạt.

Kết quả thăm dò ý kiến đối với tài nguyên có giá trị đặc trưng, khác biệt của Bắc Kạn so với các địa phương khác, các ý kiến cho rằng đặc trưng, khác biệt nhất đó là: Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể (chiếm 86%); ATK Chợ Đồn (chiếm 72%); Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (chiếm 70%); bản Pác Ngòi (chiếm 60%); Động Puông (chiếm 55%) và động Hua Mạ (chiếm 50%).

2.4. Kết quả phỏng vấn doanh nghiệp du lịch

Theo kết quả điều tra, phỏng vấn đối với các doanh nghiệp du lịch đang khai thác các loại hình du lịch tại Bắc Kạn, như sau: Tham quan thắng cảnh (100%), du lịch sinh thái, trải nghiệm (91%), tìm hiểu văn hóa, lịch sử (64%), du lịch cộng đồng (55%).

Loại hình dịch vụ lưu trú doanh nghiệp khai thác chủ yếu là dịch vụ Homestay (82%) và khách sạn từ 3 đến 5 sao (60%).

Kết quả thăm dò ý kiến doanh nghiệp về tài nguyên du lịch có thể khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho tỉnh Bắc Kạn, các ý kiến cho rằng tài nguyên đặc trưng của Bắc Kạn đó là: Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể (95%), bản Pác Ngòi (95%), ATK Chợ Đồn (82%), Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (70%).

Ý kiến của doanh nghiệp đánh giá rất cao về tài nguyên du lịch tỉnh Bắc Kạn, nhưng với phương tiện vận chuyển hầu hết các doanh nghiệp đánh giá chưa cao, đặc biệt là các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm, dịch vụ bổ trợ.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Điểm mạnh

- Sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh là một lợi thế quan trọng đối với sự phát triển du lịch.

- Nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tốt về vai trò quan trọng của du lịch cũng như sự cần thiết phải gìn giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, là cơ sở để phát triển du lịch Bắc Kạn một cách bền vững.

- Bắc Kạn có nhiều tiềm năng tài nguyên để phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng với các loại tài nguyên du lịch tự nhiên điển hình của miền Bắc như: Rừng, thác, hồ và hang động. Các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa cũng được giữ gìn, bảo tồn, nhất là các nền văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó đáng chú ý là các lễ hội, văn hóa văn nghệ dân gian, các phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống với văn hóa ẩm thực. Các tài nguyên du lịch văn hóa tuy ít nổi trội như tài nguyên tự nhiên, song cũng rất đáng chú ý vì gắn với các dân tộc thiểu số, là đối tượng quan trọng của hoạt động du lịch, những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

- Tương đối dễ tiếp cận về mặt địa lý: Có các trục đường giao thông quan trọng chính của vùng Đông Bắc (Quốc lộ 3, 3B, 3C; Quốc lộ 279; đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Kạn...), có mối liên hệ vùng mật thiết với các điểm du lịch quan trọng của vùng Đông Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng đây là điểm mạnh của Bắc Kạn trong tổ chức khai thác tài nguyên du lịch của mình.

2. Điểm yếu

- Nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch là rất lớn trong khi đó nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận thực tế các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chất lượng thấp, chưa đồng bộ, chưa kết nối thành mạng lưới. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng để phục vụ du khách như hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, thương mại, dịch vụ...

- Phương tiện vận chuyển du khách trong khu du lịch chưa đảm bảo, kém chất lượng và chưa chặt chẽ trong quản lý, xuồng vận chuyển khách du lịch tại khu du lịch Ba Bể số lượng nhiều nhưng chất lượng kém, không đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Thực tế hiện nay cho thấy hệ thống xuồng vận chuyển khách du lịch gây ô nhiễm tiếng ồn và dầu thải ảnh hưởng đến môi trường... hiện nay, phương tiện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các phương tiện xe cơ giới bình dân, chưa có xe chất lượng cao.

- Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch có số lượng phát triển khá nhanh nhưng đa số quy mô nhỏ, chưa đồng bộ, vận hành chưa chuyên nghiệp. Thiếu các cơ sở phục vụ du lịch chất lượng cao.

- Tài nguyên du lịch chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, hiệu quả đầu tư thấp, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu nên khó thu hút đầu tư.

- Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cũng như chính quyền và cộng đồng địa phương chưa chặt chẽ; các doanh nghiệp của tỉnh kinh doanh trong lĩnh vực du lịch quy mô nhỏ, mang tính tự phát chưa có kinh nghiệm về du lịch.

- Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của tỉnh; dịch vụ kém phát triển, thiếu các dịch vụ bổ trợ phục vụ du lịch; chất lượng dịch vụ thấp. Các tuyến, điểm du lịch chưa hoàn chỉnh và không mang tính độc đáo, đặc thù riêng cho tỉnh. Lượng khách du lịch đến Bắc Kạn hằng năm có tăng nhưng thấp hơn tăng trưởng chung cả nước, thời gian lưu lại của khách du lịch ngắn. Cơ cấu dịch vụ chưa cân đối, cụ thể là thiếu các điểm vui chơi, trải nghiệm nên thời gian lưu trú của du khách ngắn và chi tiêu thấp...

- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và đội ngũ cán bộ quản trị; thiếu đội ngũ doanh nhân giỏi, thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng xử của đội ngũ nhân viên du lịch tại doanh nghiệp nhìn chung còn yếu, đa số chưa được đào tạo (70%).

- Công tác quảng bá, xúc tiến chưa được thường xuyên, liên tục; chưa kịp thời đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến; hình thức quảng bá chưa phong phú. Kinh phí đầu tư cho hoạt động quảng bá chưa đáp ứng yêu cầu.

- Hệ thống sản phẩm còn đơn điệu, rời rạc, thiếu tính liên kết trong tỉnh cũng như trong vùng; chất lượng sản phẩm, dịch vụ cơ bản chưa cao và không đồng đều; môi trường du lịch còn nhiều bất cập, vấn đề xử lý rác thải tại các khu du lịch chưa thực sự được quan tâm giải quyết có hiệu quả; môi trường xã hội chưa đảm bảo tính bền vững; tính mùa vụ trong phát triển du lịch còn cao.

3. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém

- Chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết tại các khu, điểm du lịch do đó việc thu hút các nhà đầu tư chưa có hiệu quả, khó xây dựng cơ chế thu hút đầu tư riêng cho du lịch của tỉnh. Tiến độ đầu tư của một số doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án về du lịch còn chậm.

- Công tác quản lý hệ thống xuồng, các điểm bán hàng, việc thu gom rác thải chưa khoa học, thiếu chặt chẽ và quyết liệt.

- Hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện chưa được đầu tư đúng mức.

- Chưa kịp thời đổi mới về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; chưa áp dụng kịp thời công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến; hình thức quảng bá chưa phong phú.

- Việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa có động lực vì thiếu sự ổn định nghề nghiệp.

- Nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển du lịch còn rất hạn chế.

IV. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG

1. Mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án

1.1. Mục tiêu

- Mục tiêu chung: Căn cứ nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Bắc Kạn để xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, trọng tâm là du lịch sinh thái hồ Ba Bể, nhằm định hướng, đề xuất các giải pháp và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch hồ Ba Bể, giúp nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Bắc Kạn; bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự khác biệt và chất lượng của sản phẩm du lịch, góp phần quan trọng trong tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch tỉnh Bắc Kạn.

- Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030 phát triển đồng bộ, hoàn thiện các dịch vụ tại Khu du lịch Ba Bể để hình thành dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn trải nghiệm văn hóa truyền thống tại Khu du lịch Ba Bể là sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

1.2. Nhiệm vụ

- Khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch; các giá trị tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan khác làm cơ sở xác định sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn.

- Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, xác định các dịch vụ du lịch phụ trợ để thu hút đầu tư, nâng cấp và xây dựng các giải pháp về nguồn lực, công tác quản lý, khai thác sử dụng để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn.

2. Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn

Trên cơ sở các tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch đã được lựa chọn ở phần trên, tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt đáp ứng xu hướng, nhu cầu thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên với điều kiện thực tế của tỉnh hiện nay, trước mắt Bắc Kạn sẽ ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa, truyền thống tại Khu du lịch Ba Bể, với những nhiệm vụ cụ thể như sau:

2.1. Hỗ trợ cải tạo, không gian cảnh quan tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể

- Nội dung: Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo, sửa chữa rãnh thoát nước hai bên đường, hàng rào, chậu hoa, cây cảnh; hỗ trợ xử lý nước thải, cảnh quan môi trường, xây dựng điểm tập kết thu gom rác thải tại thôn Pác Ngòi.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2022.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 1.500.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể và các đơn vị liên quan.

2.2. Đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến du lịch đi bộ đặc trưng trong rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng

- Nội dung: Đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang hành lang 02 tuyến đường đi bộ thăm quan du lịch trong rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng (đoạn từ Kéo Sliu - đền An Mã và đoạn Kéo Sliu - Thẳm Khít) và xây dựng, cải tạo lại 02 chòi quan sát, ngắm cảnh trên nền chòi cũ của Vườn Quốc gia Ba Bể thuộc 02 tuyến đường trên.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022 - 2023.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 3.000.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể và Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể.

2.3. Đầu tư, khai thác phát triển hang Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ phục vụ phát triển du lịch

- Nội dung: Đầu tư xây dựng đường đi bộ lối vào cửa hang bằng lát bậc đá tạo lối đi thân thiện với môi trường; lắp đặt lối đi an toàn trong hang, hệ thống chiếu sáng phù hợp với điều kiện môi trường thực tế; đầu tư xây dựng một số công trình phụ trợ: Bãi đỗ xe, điểm dừng chân, điểm bán vé, khu vệ sinh công cộng...

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 5.000.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Nguồn xã hội hóa.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Nhà đầu tư.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Nhà đầu tư.

2.4. Đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể

- Nội dung

+ Đầu tư, xây dựng, trang trí, sắp xếp lại các gian hàng và các hoạt động tại khuôn viên của chợ đêm thành khu bán hàng ẩm thực; khu bán hàng lưu niệm; khu biểu diễn văn nghệ và tổ chức trải nghiệm các trò chơi dân gian; khu chụp ảnh; khu vệ sinh… như: Trang trí khu vực sân khấu biểu diễn văn nghệ và tổ chức các trò chơi dân gian; lắp đặt cọn nước chụp ảnh lưu niệm; triển khai hệ thống điện thắp sáng và đèn trang trí....

+ Đầu tư, xây dựng bãi đỗ xe.

+ Xây dựng chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông và tổ chức biểu diễn, giao lưu phục vụ khách du lịch tại chợ đêm Pác Ngòi vào các tối thứ 6, thứ 7 hằng tuần.

+ Mời các nghệ nhân tham gia chế biến các món ẩm thực dân tộc để phục vụ khách du lịch.

+ Xây dựng quy chế quản lý, điều hành và khai thác các hoạt động tại chợ đêm Pác Ngòi.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2023.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 3.000.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Nguồn xã hội hóa.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Nhà đầu tư.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Nhà đầu tư.

2.5. Đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan, môi trường một số điểm tham quan Khu du lịch Ba Bể

- Nội dung: Đầu tư cải tạo môi trường cảnh quan, sinh thái hai bên đường lên Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, Động Puông; xây dựng điểm dừng chân, ngắm cảnh; thu gom, xử lý rác thải; xắp xếp lại hoạt động bán hàng hai bên đường lên các điểm tham quan tạo cảnh quan, không gian thân thiện với môi trường xung quanh.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 1.500.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể, Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể, Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể.

2.6. Đầu tư, tôn tạo nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm du lịch động Hua Mạ

- Nội dung: Đầu tư tôn tạo, nâng cấp, chỉnh trang hệ thống đường lên động, khuôn viên cảnh quan ngoài cửa động, hệ thống đường đi trong động và hệ thống đèn chiếu sáng trong động; đầu tư xây dựng, cải tạo một số công trình phụ trợ: Bãi đỗ xe, điểm dừng chân, điểm bán vé, khu vệ sinh công cộng...

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2024.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 5.000.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Nguồn xã hội hóa.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Nhà đầu tư.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Nhà đầu tư.

2.7. Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch

- Nội dung: Thu hút đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí để phục vụ du lịch tại khu vực xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn từ năm 2021 - 2030.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Theo thực tế đề xuất dự án của nhà đầu tư.

- Nguồn lực đầu tư: Nguồn xã hội hóa.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Nhà đầu tư.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Nhà đầu tư.

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp bổ trợ phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

3.1. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch

- Nội dung: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại bến thuyền phía Bắc và bến thuyền Buốc Lốm theo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2026 - 2027.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 1.000.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể.

3.2. Đầu tư cải tạo không gian, cảnh quan tại bến thuyền phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể

- Nội dung: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp tạo cảnh quan, không gian, điểm dừng chân kết hợp soát vé tham quan và bán hàng lưu niệm tại các bến thuyền phục vụ khách du lịch.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2025.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Dự kiến 2.000.000.000 đồng.

- Nguồn lực đầu tư: Ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể.

3.3. Đầu tư xây dựng không gian trưng bày, bán và giới thiệu các sản phẩm lưu niệm; sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương phục vụ khách du lịch

- Nội dung: Kêu gọi đầu tư xây dựng không gian trưng bày, bán và giới thiệu các sản phẩm lưu niệm; sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn từ năm 2021 - 2030.

- Tổng nhu cầu đầu tư: Theo thực tế đề xuất dự án của nhà đầu tư.

- Nguồn lực đầu tư: Nguồn xã hội hóa.

- Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Nhà đầu tư.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác: Nhà đầu tư.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Căn cứ nhiệm vụ được giao và thời gian thực hiện tại Đề án các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thẩm định, tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.

1. Khái toán tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án: 21.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi mốt tỷ đồng). Trong đó:

- Nguồn ngân sách Nhà nước: 8.000.000.000 đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 13.000.000.000 đồng.

2. Phân kỳ đầu tư và nguồn lực đầu tư

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Năm

Tổng nhu cầu đầu tư

Nguồn ngân sách Nhà nước

Nguồn xã hội hóa

1

2020

0

0

0

2

2021

4.000

750

3.250

3

2022

5.500

2.250

3.250

4

2023

5.250

2.000

2.250

5

2024

3.250

1.000

2.250

6

2025

2.000

1.000

1.000

7

2026

500

500

0

8

2027

500

500

0

TỔNG CỘNG:

21.000

8.000

13.000

(Chi tiết kinh phí và các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn được cụ thể trong phần Phụ lục)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình thực hiện xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng theo nội dung Đề án đã phê duyệt.

- Là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị việc triển khai thực hiện Đề án. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án hằng năm, giai đoạn 05 năm và điều chỉnh bổ sung (nếu cần thiết).

- Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; thực hiện xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ nội dung Đề án, từ đó triển khai các hoạt động đầu tư phù hợp.

2. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách tham mưu bố trí kinh phí thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên (nguồn sự nghiệp) theo đúng quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, phân bổ ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển để thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá, đào tạo và các nhiệm vụ khác phục vụ công tác quản lý phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các bản làng, cơ sở lưu trú du lịch. Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, quản lý di tích trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích.

5. Sở Xây dựng

Sở Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện quy hoạch chung xây dựng.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về ứng dụng các sản phẩm nông nghiệp cho phát triển du lịch.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai thác loại hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

7. Sở Công Thương

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển và quản lý các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch.

8. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì công tác tham mưu phát triển hệ thống giao thông vận tải kết nối thuận lợi các khu, điểm du lịch đảm bảo thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn. Phối hợp, tham mưu phát triển đa dạng các dịch vụ vận tải đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho phát triển du lịch Bắc Kạn.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan định hướng cho các cơ quan báo chí tuyên truyền về Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn; tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch Bắc Kạn.

10. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án theo đúng quy định.

11. Công an tỉnh

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhằm tạo môi trường an ninh, an toàn để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi đến du lịch tại địa phương.

12. Báo Bắc Kạn

Tuyên truyền, giới thiệu Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn; tăng cường công tác đưa tin, quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Bắc Kạn dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

13. Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn

Tập trung tuyên truyền, giới thiệu Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn, cũng như quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Bắc Kạn.

14. Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể, Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể

Tập trung quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao trong Đề án chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện; xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện và nguồn tài nguyên du lịch của địa phương.

15. Các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và các tổ chức xã hội liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của đơn vị có trách nhiệm kêu gọi, liên kết thực hiện công tác phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh; tăng cường phối hợp trong công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bắc Kạn.

16. Các Sở, Ngành, đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, chất lượng đảm bảo theo mục tiêu đề ra./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1434/QĐ-UBND ngày 10/08/2020 về phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.410

DMCA.com Protection Status
IP: 44.222.82.133
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!