THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1270/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU
SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày
29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn
hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 05/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg
ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược
phát triển văn hóa đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc
thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, với những nội dung sau:
1. Tên Đề án: “Bảo tồn, phát triển
văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.
2. Cơ quan chủ quản Đề án: Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Các cơ quan phối hợp: Ủy ban Dân
tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng
(Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Thông tin và Truyền thông,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ
Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Khoa học xã
hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung
ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc
thiểu số Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam,
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dân tộc thiểu số.
4. Thời gian thực hiện Đề án: Từ
năm 2011 đến năm 2020, chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2011 đến năm
2015.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2016 đến năm
2020.
5. Đối tượng, địa bàn thực hiện Đề
án:
- Đối tượng: Các dân tộc thiểu số
Việt Nam, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít
người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của
dân tộc mình.
- Địa bàn: Miền núi, dân tộc thiểu
số. Ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo;
những vùng phải di dời để phát triển kinh tế; vùng có nguy cơ cao bị mai một bản
sắc văn hóa; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).
6. Mục tiêu của Đề án:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Huy động sức mạnh của toàn xã hội
nhằm phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh
thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm
bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
- Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa
truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt
chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao (các dân tộc
rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình; bảo tồn và phát triển
văn hóa các dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, hải đảo, khu vực tái định
cư của các thủy điện). Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển
văn hóa truyền thống của các dân tộc.
- Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng,
các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa
các dân tộc.
- Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy
mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và
phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, gắn kết giữa nhiệm vụ phát
triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm: Vùng
đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 1 (2011 - 2015):
+ Cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất
ít người (có số dân dưới 5.000 người) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về
văn hóa và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.
+ 50 - 60% số làng, bản, buôn,
phum, sóc, thôn … có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn
hóa tự thực hiện.
+ Định hình và triển khai xây dựng
đời sống văn hóa tại các khu tái định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số.
+ 40 - 50% cán bộ làm công tác văn
hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình (hoặc của dân tộc anh em
có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán,
văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa) đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên
môn của ngành.
+ Mỗi huyện vùng dân tộc thiểu số
được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động
du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
+ 100% các dân tộc được tổng kiểm
kê các tài sản văn hóa của dân tộc mình; hoàn thành bộ chỉ số phát triển văn
hóa dân tộc đến năm 2020.
- Giai đoạn 2 (2016 - 2020):
+ Cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất
ít người (có số dân dưới 10.000 người) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về
văn hóa.
+ 70 - 85% số làng, bản, phum, sóc,
thôn … có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực
hiện.
+ 60 - 80% cán bộ làm công tác văn
hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống
trên địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.
+ Mỗi huyện vùng dân tộc thiểu số
được hỗ trợ phát triển ít nhất 02 nghề truyền thống, dân ca dân vũ hoặc hoạt động
du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
+ Các giá trị văn hóa đặc trưng của
các dân tộc được bảo tồn và phát huy.
+ Cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn
cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc có số dân
dưới 10.000 người.
7. Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án:
- Bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân
tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) các dân tộc thiểu số tại
các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, kết nối toàn diện với các
chương trình, dự án có liên quan.
- Xây dựng đời sống văn hóa và môi
trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động
xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với
từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
- Chủ thể văn hóa, cộng đồng kế thừa
và thực hành văn hóa có một vai trò to lớn và là nhân tố quyết định trong việc
bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
- Coi trọng và tổ chức thực hiện
các chương trình về bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây
dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là
hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
- Ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn
và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số;
sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có
nguy cơ thất truyền.
- Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và
phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình phát
triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng kết hợp
với xóa đói giảm nghèo.
- Phát triển và hiện đại hóa mạng
lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin
phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp
vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, thực sự phát huy
vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động cộng đồng phát huy hiệu quả
thực sự của các thiết chế văn hóa.
- Tăng cường các hoạt động giao lưu
văn hóa cấp địa phương, vùng, miền và toàn quốc.
- Xây dựng các chính sách khuyến
khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản
văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
- Hoàn thiện hệ thống thể chế và
thiết chế văn hóa.
- Ban hành bộ chỉ số về phát triển
văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.
8. Giải pháp thực hiện Đề án:
a) Giải pháp đột phá: Đào tạo nhân
lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo
tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở
địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài
hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
b) Chính phủ và Ủy ban nhân dân các
tỉnh có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy
cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người.
c) Xây dựng các chương trình hoạt động,
lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia định
kỳ hàng năm và cả giai đoạn 2011 - 2020.
d) Huy động nguồn tài chính từ ngân
sách nhà nước, từ xã hội hóa, các nguồn viện trợ chính thức; khuyến khích và tạo
điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển
khai các hoạt động có liên quan đến Đề án; tiếp tục đầu tư và phát huy có hiệu
quả hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
đ) Tăng cường công tác thông tin,
truyền thông: Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo
tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phối hợp giữa Đài Truyền hình Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình tại các địa
phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa dân
tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc.
e) Kết nối, lồng ghép giữa các
chương trình dự án về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội với chương trình mục tiêu quốc gia về văn
hóa; giữa Đề án với các chương trình, dự án đã và đang triển khai.
g) Xây dựng cơ chế chính sách đặc
thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng các dân tộc thiểu số.
Trong đó chú ý các chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di
sản văn hóa, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu các di sản văn hóa. Chính sách này lồng
ghép với các chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân ở
các dân tộc.
9. Đề án gồm 06 dự án thành phần:
a) Dự án 1: Xây dựng bộ chỉ số phát
triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020. Tổng kiểm kê di sản văn hóa
các dân tộc thiểu số.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và
Đầu tư (Tổng cục Thống kê); Ủy ban Dân tộc, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội
Biên phòng), các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thời gian thực hiện: 2011 - 2015.
b) Dự án 2: Bảo tồn khẩn cấp và hỗ
trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục
ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Dân tộc,
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc
phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu
số rất ít người, các địa phương có thủy điện.
- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020.
c) Dự án 3: Đào tạo và sử dụng nguồn
nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch
- Cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, các địa phương có đồng bào
dân tộc thiểu số.
- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020
d) Dự án 4: Gắn kết phát triển kinh
tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020.
đ) Dự án 5: Giới thiệu quảng bá các
sản phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu
số và đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các Hội Văn học,
Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học, nghệ thuật
các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Di sản văn hóa, Đài Truyền hình Việt Nam,
Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền
thông, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020
e) Dự án 6: Chương trình hoạt động,
lễ hội và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia
giai đoạn 2011 - 2020.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Dân tộc,
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí,
các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020.
10. Nguồn vốn thực hiện Đề án:
a) Tổng kinh phí dự kiến: 1.512 tỷ
đồng (một nghìn năm trăm mười hai tỷ đồng).
- Giai đoạn 1 (2011 - 2015):
1.030,7 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2 (2016 - 2020): 481,3
tỷ đồng.
b) Nguồn vốn:
- Nguồn ngân sách nhà nước (trung
ương và địa phương).
- Nguồn vốn lồng ghép với các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép với Chương trình mục tiêu
quốc gia về văn hóa.
- Nguồn vốn huy động xã hội hóa,
tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Nguồn vốn do nhân dân đóng góp.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện Đề án
1. Tổ chức điều
hành Đề án:
- Trên cơ sở Đề án tổng thể được
phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc,
các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan, xây dựng các dự án thành
phần. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt các dự án
thành phần theo quy định.
- Cơ quan quản lý và tổ chức thực
hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với dự án đầu tư hỗ trợ phát triển.
2. Phân công thực
hiện:
a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì xây dựng, thẩm định và
phê duyệt các dự án thành phần thuộc Bộ quản lý trực tiếp; phân công nhiệm vụ
các đơn vị thuộc Bộ để triển khai tổ chức thực hiện Đề án.
- Tổng hợp kế hoạch hàng năm, thống
nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối bố trí vốn ngân sách thực
hiện Đề án.
- Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra,
thanh tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc triển khai
thực hiện Đề án, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án thành phần hàng năm, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, địa phương cân đối nguồn vốn, lồng ghép
các chương trình kinh tế - xã hội để thực hiện Đề án, hướng dẫn quản lý tài
chính, kinh phí của Đề án.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch trong việc chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo và phối hợp thực hiện dự
án số 1.
c) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc
bố trí ngân sách thực hiện hàng năm, đảm bảo theo kế hoạch, mục tiêu và tiến độ
các dự án thành phần đã được duyệt.
d) Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, áp dụng, phối hợp triển khai những vấn đề
liên quan đến các nội dung được phân công trong Đề án.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông phối
hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn văn hóa
dân tộc, xây dựng các chương trình, chuyên mục về bảo tồn và phát triển văn hóa
các dân tộc thiểu số.
e) Các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào
tạo, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng
(Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Khoa học và Công nghệ, Tài
nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức và
hội nghề nghiệp có liên quan phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng
dẫn, chỉ đạo theo ngành và theo lĩnh vực chuyên môn; xây dựng kế hoạch thống nhất
và lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án để triển khai các nội dung,
chính sách liên quan để thực hiện đúng, hiệu quả các nội dung của Đề án và các
dự án thành phần đã được phê duyệt.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
có dân tộc thiểu số:
- Tổ chức thực hiện các dự án thành
phần trên địa bàn quản lý; thành lập bộ phận thường trực triển khai Đề án của tỉnh
do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban; đại diện lãnh đạo Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Phó Ban thường trực, có sự tham gia của đại diện
các Sở, Ban, ngành liên quan.
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung
đã được phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.
- Chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn,
Ủy ban nhân dân các huyện, xã thuộc địa bàn triển khai thực hiện Đề án nghiêm
túc theo trách nhiệm được giao.
- Định kỳ 6 tháng và 01 năm tổng hợp
báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả thực hiện và Kế hoạch thực
hiện các nội dung dự án thành phần trên địa bàn.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (5b)
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|