ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1240/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày 05 tháng 07 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI TỈNH YÊN
BÁI, GIAI ĐOẠN 2016-2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP
ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định 524/QĐ-TTg ngày
20/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới
các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm
định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số
1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội
phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Quyết định số
14/2014/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 của UBND tỉnh Yên Bái ban hành quy định về lập,
thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa
bàn tỉnh Yên Bái;
Xét đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 127/TTr-SLĐTBXH ngày 19/5/2017 và của Sở
Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 83/TTr-SKHĐT ngày 22/5/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã
hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2025 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp
xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2025 phải đảm bảo phù hợp với
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và phù hợp với Quy hoạch mạng lưới
cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước giai đoạn 2016-2025 đã được phê duyệt tại Quyết
định 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đảm bảo phù hợp về số lượng,
quy mô, cơ cấu, loại hình cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận
và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật,
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS và
đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.
c) Đa dạng hóa các hình thức đầu tư,
quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút các nguồn
lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư, phát triển mạng lưới cơ sở trợ
giúp xã hội theo quy định của pháp luật.
d) Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp
xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2025 là quy hoạch mở, tùy thuộc
vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tế của các địa phương
trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ nghiên cứu, điều
chỉnh quy hoạch cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu trợ
giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung: Phát triển mạng lưới
cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu trợ giúp của các nhóm đối tượng bảo
trợ xã hội và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp
dịch vụ của các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp cận với các tỉnh, thành phố phát triển
ở trong nước và khu vực, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiệu
quả.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Củng cố, phát triển mạng lưới các
cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó số cơ sở trợ giúp xã
hội ngoài công lập đạt tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội toàn tỉnh.
- Đến năm 2020 số
người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ, quản lý trường hợp từ các cơ sở
trợ giúp xã hội đạt 50% và năm 2025 đạt 75%, trong đó, ưu tiên trợ giúp người
cao tuổi không có người phụng dưỡng, người tâm thần, người
khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn
nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố.
- Đến năm 2025, tất cả cơ sở trợ giúp
xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo các điều kiện tối thiểu tiếp cận với người
khuyết tật.
3. Nội dung quy hoạch
3.1. Quy mô phục vụ của các cơ sở
trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2025
- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 05 cơ sở
trợ giúp xã hội (02 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 03 cơ sở trợ giúp xã hội
ngoài công lập). Quy mô phục vụ 680 đối tượng tại cơ sở và 850 đối tượng/năm tại
cộng đồng.
- Đến năm 2025 toàn tỉnh có 08 cơ sở
trợ giúp xã hội (03 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 05 cơ sở trợ giúp xã hội
ngoài công lập). Quy mô phục vụ 1.000 đối tượng tại cơ sở và 1.200 đối tượng/năm
tại cộng đồng.
3.2. Phân bố mạng lưới cơ sở trợ
giúp xã hội
- Đến năm 2020, toàn tỉnh có 05 cơ sở
trợ giúp xã hội, trong đó: Thành phố Yên Bái có 03 cơ sở; huyện Yên Bình có 02
cơ sở.
- Đến năm 2025, toàn
tỉnh có 08 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó: Thành phố Yên Bái có 03 cơ sở; huyện
Yên Bình có 02 cơ sở; huyện Văn Chấn có 01 cơ sở; huyện Văn Yên có 01 cơ sở; thị
xã Nghĩa Lộ có 01 cơ sở.
3.3. Phát triển mạng lưới các cơ sở
trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2025
a) Giai đoạn 2016-2020: Duy trì, củng
cố các cơ sở hiện có và phát triển thêm 02 cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh,
cụ thể như sau:
- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập:
+ Củng cố, nâng cấp, mở rộng Trung
tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái. Quy mô phục vụ sau khi mở rộng,
nâng cấp tại Trung tâm là 260 người, tại cộng đồng 300 người/năm.
+ Thành lập mới 01 Trung tâm chăm sóc
phục hồi chức năng tâm thần tại huyện Yên Bình. Quy mô phục vụ tại cơ sở là 300
người, tại cộng đồng là 250 người/năm.
- Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập:
+ Củng cố, nâng cấp, mở rộng Trung
tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tại huyện Yên Bình. Quy mô phục vụ tại cơ sở là 50 trẻ.
+ Thành lập mới 01 Trung tâm cung cấp
dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại thành phố Yên Bái. Quy mô phục vụ tại cơ sở
là 30 người, tại cộng đồng là 200 người/năm.
+ Nâng cấp, bổ sung chức năng để chuyển
đổi Trung tâm Trợ giúp và Can thiệp sớm trẻ em khuyết tật Hương Giang từ mô
hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ khuyết tật hiện nay thành Trung tâm Bảo
trợ trẻ em khuyết tật Hương Giang tại thành phố Yên Bái. Quy mô phục vụ sau khi
nâng cấp tại cơ sở là 40 trẻ, tại cộng đồng là 100 trẻ/năm.
Giai đoạn này toàn tỉnh có tổng số 05
cơ sở trợ giúp xã hội.
b) Giai đoạn 2021-2025: Duy trì, giữ
nguyên các cơ sở hiện có, phát triển thêm 03 cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn
tỉnh, cụ thể như sau:
- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập:
Thành lập mới 01 Trung tâm Phục hồi
chức năng trẻ em khuyết tật tại huyện Văn Chấn. Quy mô phục vụ tại cơ sở là 150
trẻ, tại cộng đồng là 200 người/năm.
- Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập:
+ Thành lập mới 01 cơ sở bảo trợ xã hội
tổng hợp tại thị xã Nghĩa Lộ. Quy mô phục vụ tại cơ sở là 100 người, tại cộng đồng
là 150 người/năm.
+ Thành lập mới 01 Trung tâm trợ giúp
xã hội tổng hợp tại huyện Văn Yên. Quy mô phục vụ tại cơ sở là 70 người; tại cộng
đồng là 100 người/năm.
Giai đoạn này toàn tỉnh có tổng số 08 cơ sở trợ giúp xã hội.
3.4. Yêu cầu về cơ sở vật chất để
nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng mới cơ sở trợ giúp xã hội: Cơ sở vật chất của các cơ sở trợ giúp xã hội sau khi thành lập hoặc
nâng cấp, mở rộng phải đảm bảo được các yêu cầu tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP
ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt
động, giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày
25/02/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội và các quy định hiện hành.
3.5. Nhu cầu vốn để thực hiện quy
hoạch: Tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch giai đoạn
2016 -2025 dự kiến là 558 tỷ đồng, chia ra:
a) Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách nhà nước: 349 tỷ đồng,
chiếm 62,5% tổng số;
- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác:
209 tỷ đồng, chiếm 37,5% tổng số.
b) Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2016-2020 là 201 tỷ đồng,
chiếm 36% tổng số.
- Giai đoạn 2021-2025 là 357 tỷ đồng,
chiếm 64% tổng số.
c) Chia theo nội dung đầu tư:
- Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị là 295 tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng số.
+ Giai đoạn 2016-2020 là 147 tỷ đồng,
trong đó: vốn ngân sách nhà nước 125 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động hợp pháp khác 22 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2021-2025 là 148 tỷ đồng,
trong đó: vốn ngân sách nhà nước 80 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động hợp pháp khác 68 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn đảm bảo hoạt động thường
xuyên là 263 tỷ đồng, chiếm 47,1% tổng số.
+ Giai đoạn 2016-2020 là 54 tỷ đồng,
trong đó: vốn ngân sách nhà nước 35 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động hợp pháp khác 19 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2021-2025 là 209 tỷ đồng,
trong đó: vốn ngân sách nhà nước 109 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động hợp pháp khác
100 tỷ đồng.
4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu
tư: Chi tiết như Phụ lục kèm theo.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
đối với các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm túc việc
thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp phép hoặc thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội để
đảm bảo tất cả các cơ sở trợ giúp trên địa bàn tỉnh đều được thành lập theo
đúng các quy định của pháp luật.
- Xây dựng và ban hành hệ thống quy
chế, quy định nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của pháp luật về tổ chức và hoạt động
của các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt
động của các cơ sở trợ giúp xã hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội đồng
thời duy trì tốt các quy định về tiêu chuẩn chăm sóc trong các cơ sở nhằm đảm bảo
các quyền cơ bản của đối tượng được trợ giúp.
- Xây dựng hệ thống các chính sách ưu
đãi đặc thù của tỉnh về đất đai, về đào tạo nâng cao trình độ của người lao động
cũng như hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất ban đầu đối với các dự
án đầu tư, xây dựng, thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nhằm
khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư, xây dựng, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường thực hiện các biện pháp
truyền thống để các cấp ủy đảng,
chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và nhân dân trên địa
bàn hiểu rõ về vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở trợ giúp xã hội trong việc
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng cần trợ giúp, đồng thời góp
phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
- Tăng cường thu hút nguồn vốn từ
ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, chăm sóc đối tượng cho các cơ sở
trợ giúp xã hội. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương để
huy động lồng ghép nguồn lực thuộc các chương trình, đề án, kế hoạch
đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa từ
các tổ chức, cá nhân, nhất là đối với các tập đoàn lớn để huy động nguồn lực đầu
tư vào các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn.
- Đổi mới hình thức, cơ chế cung cấp
dịch vụ trợ giúp của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc cung cấp các
dịch vụ trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật và các nhóm đối tượng có nhu
cầu khác theo cơ chế tự nguyện, có trả phí đối với các đối tượng có điều kiện
chi trả.
- Thành lập, hoàn thiện tổ chức bộ
máy và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Ưu tiên tuyển chọn những sinh viên được đào tạo các chuyên ngành y tế, giáo dục,
công tác xã hội, tâm lý xã hội,... có tâm huyết, nhiệt tình vào làm việc tại
các cơ sở.
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, viên chức và người
lao động tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó ưu tiên đào tạo về các chuyên
ngành như: Y tế, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội để nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp, từng bước tiếp cận với các
phương pháp, kỹ năng hiện đại trong trợ giúp đối tượng.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách
nhiệm triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định. Xây dựng, trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch hàng năm để thực
hiện quy hoạch có hiệu quả.
Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2025
trên phạm vi toàn tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD, TC, NC, VX.
|
CHỦ TỊCH
Đỗ Đức Duy
|