Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1170/QĐ-UBND 2017 Phê duyệt văn kiện dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai

Số hiệu: 1170/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Nguyễn Đức Hoàng
Ngày ban hành: 29/12/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 1170/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT VĂN KIỆN DỰ ÁN “PHÁT TRIỂN TRẺ THƠ TOÀN DIỆN TỈNH GIA LAI” DO QUỸ NHI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC (UNICEF) TÀI TRỢ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định 16/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 1818/QĐ-TT ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án do Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc tài trợ không hoàn lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 233/KHĐT-KGVX ngày 29 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Văn kiện dự án “Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai”, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ không hoàn lại (có Văn kiện dự án kèm theo), với các nội dung chính như sau:

1. Tên dự án: Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ.

2. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

3. Chủ dự án: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai

4. Mục tiêu của dự án: Đến năm 2021, tất cả trẻ em là đối tượng đích của dự án (từ 0 đến 8 tuổi) và gia đình các em, đặc biệt những người trong các nhóm dễ bị tổn thương nhất tại địa bàn dự án được sử dụng các dịch vụ phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) có chất lượng để thực hiện đầy đủ quyền sống còn, phát triển, giáo dục và được bảo vệ của trẻ em.

5. Một số kết quả chính của dự án:

- Đến năm 2021, phụ huynh, người chăm sóc và các thành viên cộng đồng tại các xã dự án có kiến thức, kỹ năng, tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn, và thực hành chăm sóc PTTTTD tại gia đình.

- Đến năm 2021, nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các sở, ngành, liên quan đến PTTTTD.

- Đến năm 2021, có các dịch vụ PTTTTD tối thiểu với chất lượng chấp nhận được cho phụ huynh, người chăm sóc và trẻ em tại các địa bàn dự án

- Đến năm 2021, tạo ra và duy trì một môi trường hỗ trợ, tạo điều kiện để triển khai các can thiệp PTTTTD trong tỉnh.

- Quản lý giám sát công tác triển khai hoạt động dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

6. Địa điểm thực hiện dự án; tại 9 xã của 3 huyện Mang Yang, KBang, Krông Pa (mỗi huyện chọn 3 xã).

7. Thời gian thực hiện dự án: Từ 2017-2021.

8. Tổng vốn thực hiện dự án:

- Vốn ODA không hoàn lại: 3.403.350 USD, trong đó:

+ Vốn ODA đã có sẵn: 991.350 USD

* Vốn thường xuyên: 679.350 USD

* Vốn đã vận động: 312.000 USD

+ Vốn sẽ vận động: 2.412.000 USD

- Vốn đối ứng:

+ Bằng tiền mặt: 7.760.000.000 đồng Việt Nam; tương đương 340.335 USD do NSĐP (HCSN) bố trí.

+ Bằng hiện vật: 500.000.000 đồng Việt Nam; tương đương 22.000 USD, đóng góp thông qua hình thức sử dụng cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn sẵn có.

9. Cơ chế tài chính:

- Đối với vốn ODA: Cấp phát 100% vốn ODA không hoàn lại.

+ Phần vốn viện trợ của UNICEF chuyển cho Gia Lai và do Gia Lai quản lý sẽ được thực hiện theo quy định quản lý tài chính trong nước và HPPMG.

+ Phần vốn do UNICEF trực tiếp quản lý được thực hiện theo cơ chế tài chính của Nhà tài trợ. Gia Lai sẽ phối hợp, tổng hợp và báo cáo với các cơ quan quản lý của Chính phủ Việt Nam.

- Đối với vốn đối ứng:

+ Ngân sách địa phương sẽ bố trí đủ vốn đối ứng và đóng góp thông qua hình thức sử dụng cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn sẵn có phục vụ cho công tác triển khai dự án.

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai các bước tiếp theo để thực hiện dự án đúng quy định và đúng mục tiêu.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Ngoại vụ; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&ĐT (b/c);
- Bộ Tài chính (b/c);
- VP UNICEF Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các đ/c PCT- UBND tỉnh;
- Các PCVP-UBND tỉnh;
- Lưu VT, KGVX, KTTH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hoàng

 

VĂN KIỆN

DỰ ÁN PHÁT TRIỂN TRẺ THƠ TOÀN DIỆN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2017-2021 DO QUỸ NHI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC (UNICEF) TÀI TRỢ

Tháng 12 năm 2017

 

MỤC LỤC

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

PHẦN A: TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN

I. Thông tin cơ bản về dự án

II. Bối cảnh và sự cần thiết của dự án

III. Cơ sở đề xuất lựa chọn cơ quan LHQ hỗ trợ cho dự án

IV. Mục tiêu của dự án

V. Mô tả dự án

VI. Đối tượng thụ hưởng

VII. Kế hoạch thực hiện, giám sát và đánh giá dự án

VIII. Tổ chức quản lý thực hiện dự án

IX. Tổng vốn của dự án

X. Cơ chế tài chính trong nước đối với dự án

 

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AIDS

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải

C4D

Truyền thông phát triển

CIP

Cơ quan đồng thực hiện

CLTS

Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ

CTV

Cộng tác viên

PTTT

Phát triển trẻ thơ

EENC

Chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu

EPI

Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR)

EU

Liên minh Châu Âu

CP

Chính phủ Việt Nam

BHYT

Bảo hiểm Y tế

GD&ĐT

Giáo dục và Đào tạo

GS&ĐG

Giám sát và đánh giá

MCH

Sức khỏe bà mẹ và trẻ em

HIV

Virus Suy giảm miễn dịch ở người

HPPMG

Quy chế chung về quản lý chương trình, dự án hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc

PTTTTD

Phát triển trẻ thơ toàn diện

IMAM

Quản lý lồng ghép và điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính

IMR

Tỉ lệ tử vong sơ sinh

IYCF

Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

KH&ĐT

Kế hoạch và Đầu tư

KH-TC

Kế hoạch và Tài chính

KT-XH

Kinh tế - xã hội

CTXH

Công tác xã hội

U5MR

Tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi

LĐ-TBXH

Lao động - Thương binh và Xã hội

LHQ

Liên Hợp quốc

MDG

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

MTQG

(Dự án) Mục tiêu quốc gia

NIP

Chủ dự án

NN&PTNT

Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

NS-VS

Nước sạch, vệ sinh

ODA

Hỗ trợ phát triển chính thức

ODF

Chấm dứt phóng uế bừa bãi

OSP

Kế hoạch chiến lược chung hợp tác giữa Việt Nam và LHQ

PIP

Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

PMTCT

Phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con

PPMU

Ban quản lý dự án cấp tỉnh

SDG

Mục tiêu phát triển bền vững

TKT

Trẻ khuyết tật

UBND

Ủy ban nhân dân

SDD

Suy dinh dưỡng

UNFPA

Quỹ dân số Liên hợp quốc

UNICEF

Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc

USD

Đô la Mỹ

VND

Đồng Việt Nam

WHO

Tổ chức y tế thế giới

PCGDTH

Phổ cập giáo dục tiểu học

GDMN

Giáo dục mầm non

GDTH

Giáo dục tiểu học

PCGDXMC

Phổ cập giáo dục xóa mù chữ

 

VĂN KIỆN

DỰ ÁN PHÁT TRIỂN TRẺ THƠ TOÀN DIỆN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2017-2021 DO QUỸ NHI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC (UNICEF) TÀI TRỢ

I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án: Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021.

2. Tên cơ quan tài trợ: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)

3. Tên cơ quan Chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

• Địa chỉ liên hệ: Số 02 Trần Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

• Điện thoại/Fax: 0269.3.824.404/0269.3.824.711

4. Chủ Dự án: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai

• Địa chỉ liên hệ: Số 02 Hoàng Hoa Thám, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

• Điện thoại/Fax: 0269.3.824414

5. Thời gian dự kiến thực hiện dự án: ngày 01/11/2017 - 31/12/2021

6. Địa bàn thực hiện dự án: Huyện KBang, Krông Pa và Mang Yang (mỗi huyện 3 xã).

Tổng cộng: 9 xã

- Huyện KBang: Xã: Lơ Ku, Sơn Lang, Kông Lơng Khơng;

- Huyện Krông Pa: Xã: Chư Drăng, Chư Gu, Ia Mlah;

- Huyện Mang Yang: Xã: Ayun, Đăk Trôi; Kông Chiêng

II. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN

1. Sự phù hợp và các đóng góp của dự án vào kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Gia Lai

Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây nguyên, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam, với 17 huyện, thị xã, thành phố và 222 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1,4 triệu người, trong đó trên 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với 41% trẻ em dưới 18 tuổi. Với địa hình phức tạp, địa bàn rộng, đa dạng về các nhóm dân tộc và tập quán, nên điều kiện phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Trong hơn hai thập kỷ qua, Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các chính sách của tỉnh được thực hiện đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng tỷ lệ nhập học của học sinh, đặc biệt là học sinh các dân tộc thiểu số. Phổ cập giáo dục xóa mù chữ (PCGDXMC) đã được thúc đẩy, tập trung vào tỷ lệ biết đọc biết viết ở các nhóm tuổi học sinh phù hợp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có bước chuyển biến; đến năm 2015, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (theo cân nặng) giảm xuống còn 24,15% (theo Công bố của Viện dinh dưỡng quốc gia), tỉ lệ này năm 2011 là 25,4%, tất cả các xã đều có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 80% xã/phường/thị trấn được công nhận là “xã/phường/thị trấn phù hợp với trẻ em”. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là 1 trong 7 tỉnh nghèo nhất Việt Nam, với tỉ lệ nghèo đa chiều là 19,71%, trong đó 83,59% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (Tổng điều tra hộ nghèo năm 2015).

Là một tỉnh nghèo, Gia Lai còn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách trung ương trợ cấp, do tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cao nên người dân dễ bị tổn thương trước thiên tai và dịch bệnh, trình độ dân trí còn hạn chế, chênh lệch giàu nghèo lớn đã tác động nhiều tới các cộng đồng dân cư trong tỉnh.

1.1 Về Giáo dục:

Trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Gia Lai đã có những bước tiến đáng kể trong việc huy động trẻ em tới trường; tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,8% (trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi dân tộc ra lớp đạt 98,03% theo Báo cáo giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai năm 2016); tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,3%, 100 xã đã được công nhận đạt chuẩn PCGDXMC. Quy mô giáo dục mầm non (GDMN) và giáo dục tiểu học (GDTH) được củng cố, ổn định và phát triển, hệ thống trường, lớp, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh được đầu tư mở rộng đến tận các thôn, làng vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với đặc thù trên 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động trẻ em dân tộc đi nhà trẻ (2,9%) hoặc mẫu giáo (66,25%). Các rào cản tiếp cận giáo dục mầm non và chuyển tiếp vào lớp 1 của trẻ em bao gồm nhận thức về việc đi học của cha mẹ trẻ em và cộng đồng; năng lực của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non/ người chăm sóc trẻ về các vấn đề liên quan đến phát triển trẻ thơ như học tập sớm, tương tác sớm, phát hiện sớm trẻ chậm phát triển hay có khuyết tật, can thiệp sớm cho trẻ từ góc độ giáo dục cũng như giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật còn hạn chế; số lượng giáo viên không biết tiếng dân tộc còn thiếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ học tập cho các trẻ còn thiếu thốn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu giáo dục; hầu hết các điểm trường vùng khó khăn chưa đủ nước sạch, nhà vệ sinh cho trẻ em sử dụng; các điều kiện, tài liệu học tập, dự án giáo dục thiếu tiếp cận với trẻ em khuyết tật; chưa có các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật cũng như Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập.

1.2 Về quyền trẻ em

Tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền trẻ em. Trẻ em, đặc biệt là con em các hộ nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ. Các thách thức mà tỉnh đang phải đối mặt như: tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi đi học mầm non thấp, tồn tại rào cản ngôn ngữ trong giáo dục trẻ dân tộc thiểu số, trợ giúp xã hội không đầy đủ và 30% trẻ khuyết tật (TKT) chưa được xác định để nhận hỗ trợ, do tại nơi các em sinh sống chưa có các dịch vụ hỗ trợ này. Tỉ lệ TKT (48,6%) và trẻ mồ côi, bị bỏ rơi (26,7%) chiếm phần lớn tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những vấn đề này càng trở lên phức tạp với một hệ thống bảo vệ trẻ em chưa hiệu quả và thiếu lực lượng cán bộ công tác xã hội có chất lượng.

1.3 Về y tế

Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể về các chỉ số cung cấp dịch vụ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng và y tế, song ngành y tế của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức: các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của tỉnh chất lượng chưa cao so với mặt bằng chung của cả nước, người dân ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn khó có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế. Năm 2015, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều là 94,2%, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 17%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 35,2%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được uống viên sắt folic để phòng chống thiếu máu chỉ ở mức thấp (45,2%). Theo báo cáo của BYT năm 2015, có 87,7% số bà mẹ sinh con được đỡ bởi cán bộ y tế có kỹ năng, nhưng tỷ lệ này ở các huyện phía Tây/trung tâm có khác biệt lớn, ví dụ 58,4% ở huyện Chư Pưh và Chư Prông, 72% ở huyện Ia Grai, hoặc 99,8% ở thị xã An Khê. Điều này đồng nghĩa với việc 2/3 số trẻ sơ sinh ở huyện Ia Grai không được chăm sóc y tế đầy đủ. Cũng chỉ 85% các trường hợp sinh con được khám chăm sóc sơ sinh trong tuần đầu. Các huyện vùng phía Đông của tỉnh thường có tỷ lệ trẻ nhẹ cân và thấp còi cao nhất, tình trạng này cũng phổ biến ở các huyện phía Tây/trung tâm và thậm chí ở cả khu vực thành phố, thị xã.

Tình hình sức khỏe của người dân vùng nông thôn trong tỉnh còn bị ảnh hưởng thêm do thực hành vệ sinh kém, chỉ có 41% hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (tại thời điểm năm 2015, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT); đồng thời, chỉ có 46% người dân khu vực nông thôn trong tỉnh có thể tiếp cận nước đạt tiêu chuẩn QCVN 02 của Bộ Y tế và có ít cộng đồng nông thôn thực hành rửa tay với xà phòng.

1.4 Về bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực

Người dân Gia Lai đã hiểu biết về tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em; tuy nhiên người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ít hiểu biết về thực trạng xâm hại, bạo lực trẻ em; các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em được thông báo, tố cáo chưa phản ánh đầy đủ thực tế của vấn đề1. Ở Tây Nguyên, trong đó Gia Lai, có tỷ lệ cao nhất trẻ em 0-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt thể xác hoặc tinh thần bởi chính thành viên trong gia đình (79,4% so với tỉ lệ chung toàn quốc là 68,4%). Điều này một lần nữa được khẳng định khi những người trả lời khảo sát trong khu vực này cho rằng giáo dục hoặc dạy dỗ trẻ em một cách đúng đắn thì cần phải xử phạt thể xác (18,6% so với trung bình cả nước là 14,6%)2. Gia Lai hiện đang thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp tại cộng đồng. Công tác xã hội chưa được phát triển theo hệ thống. Quản lý trường hợp chưa phát huy được vai trò khi năng lực điều phối, kết nối và cung cấp dịch vụ ở các cấp các ngành còn chưa đủ mạnh.

1.5 Về dữ liệu

Việc có được dữ liệu tin cậy để định hình các chính sách và các can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bỏ mặc và bóc lột là một vấn đề cần được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Sự không đáng tin cậy của số liệu được thể hiện thông qua tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh giảm từ 11.373 trẻ vào năm 2012 xuống còn 6.746 trẻ vào năm 2014 mà không có bằng chứng rõ ràng hay nguyên nhân nào để giải thích cho sự sụt giảm lớn này. Tuy nhiên, một điểm được thừa nhận chung là trong số những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh thì rất nhiều trẻ là trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi và bị bỏ rơi. Dù không có thông tin cụ thể về tình trạng sắp xếp cuộc sống của trẻ em ở Gia Lai, dữ liệu ít ỏi cho thấy nhiều trẻ dưới 8 tuổi ở Gia Lai thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của bố/hoặc mẹ.

Dự án hợp tác gần đây nhất giữa UNICEF và tỉnh Gia Lai là Dự án Bạn hữu Trẻ em (2012-2016). Dự án này đã được xây dựng với mục tiêu nâng cao số trẻ thiệt thòi được hưởng lợi từ các dịch vụ công được cải thiện như y tế, dinh dưỡng, vệ sinh, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, phát triển trẻ thơ và bảo vệ trẻ em. Trong dự án này, dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở KH&ĐT và các sở ngành khác đã triển khai một loạt các hợp phần nhằm góp phần nâng cao năng lực lập kế hoạch và giám sát nhạy cảm với trẻ em, củng cố để có một hệ thống bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn, tăng số trẻ em thiệt thòi và trẻ em dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ giáo dục mầm non chất lượng cao với sự hỗ trợ của Kế hoạch ngành giáo dục và tăng số đối tượng thụ hưởng bảo hiểm y tế, xã hội và các lợi ích về y tế, xã hội. Tuy nhiên, cần có một mô hình toàn diện để tổng hòa các can thiệp ngành trong những lĩnh vực chuyên đề khác nhau (giáo dục trẻ thơ, bảo vệ trẻ em, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân (NS-VS) để có thể tạo ra tác động vượt xa cả những hội tụ về địa lý. Mỗi mô hình ngành đều có những bằng chứng tốt phục vụ mục đích xây dựng chính sách của ngành tương ứng, tuy nhiên những tác động và bằng chứng của các ngành, các lĩnh vực lại chưa được kết hợp với nhau một cách tổng thể để tạo ra tác động cộng hưởng nhằm cải thiện tình hình trẻ em ở Gia Lai. Hơn nữa cách tiếp cận trước đây cũng chưa đảm bảo sự liên kết theo ngành dọc giữa cấp tỉnh và cấp trung ương, chưa đủ mạnh để có thể xóa bỏ khoảng cách giữa việc thực thi chính sách và vận động chính sách ở cấp quốc gia.

Phát triển trẻ thơ toàn diện (Integrated Ealry Childhood Development-viết tắt là IECD) là kết quả tổng hòa của nhiều can thiệp và chương trình phát triển kinh tế, xã hội, y tế và giáo dục hướng tới sự phát triển của trẻ em. IECD bắt đầu từ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho đến vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (BMTE), đặc biệt là các chăm sóc về y tế và dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc trước trong và ngay sau sinh, cho trẻ bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiêm chủng đến khi trẻ được 24 tháng tuổi, chăm sóc trẻ phát triển sớm. IECD còn bao hàm các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc xã hội, giáo dục trẻ từ lúc sinh ra đến tuổi tiền học đường, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, và bảo trợ xã hội.

IECD là vấn đề ưu tiên trên phạm vi toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia, giữ vai trò quan trọng cho chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố đầu vào mang ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển bền vững trong mai sau. Trên thế giới, IECD là một trong những nội dung quan trọng thuộc Mục tiêu Phát triển bền vững 2 (SDG2) “Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững” và SDG3 “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”. Ngoài ra, SDG4.2 cũng nêu rõ “Vào năm 2030 đảm bảo tất cả trẻ em nữ và trẻ em nam được tiếp cận tới phát triển trẻ em chất lượng”, và cụ thể hơn, đề ra chỉ số theo dõi phát triển trẻ em toàn diện trong các khía cạnh về sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng học tập. Ở Việt Nam, IECD cũng được quy định trong Điều 4 của Luật Trẻ em năm 2016.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ và tích lũy những thành tựu đã đạt được từ chu kỳ trước, Dự án hợp tác của UNICEF với Chính phủ và tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 là dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD). Dự án sẽ tập trung xóa bỏ các khoảng trống và chênh lệch trong việc thực hiện quyền của những trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số. Dự án sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) nhằm tăng cường lồng ghép và sự liên kết, hợp lực của nhiều ngành để hỗ trợ xây dựng dự án hoàn thiện cho trẻ em cho các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, đặc biệt là cho những năm đầu đời của trẻ. Những năm đầu tiên này chính là thời kỳ trẻ dễ bị tổn thương nhất, có thể hạn chế sự phát triển nhận thức, tình cảm - xã hội và thể chất - trí thông minh của trẻ - nhưng đồng thời đây cũng là thời kỳ có nhiều cơ hội thúc đẩy khả năng của trẻ, giúp trẻ phát triển tối ưu và giảm những hệ quả tiêu cực khi gặp rủi ro. Các phân tích về kinh tế học cũng cho thấy lợi ích của việc đầu tư phát triển cho trẻ trong những năm đầu đời, ví dụ cứ mỗi Đô la Mỹ được đầu tư cho trẻ trong hiện tại thì lương/tiền công nhận được trong tương lai sẽ cao hơn từ 6-17 Đô la Mỹ (USD), hoặc cứ mỗi USD được đầu tư, lợi tức đầu tư (ROI) về kinh tế nói chung dự kiến sẽ tăng tới 12 USD. Các chi phí trong dự án ngắn hạn sẽ được đền bù bằng những lợi ích trung và dài hạn, ví dụ giảm dịch vụ giáo dục đặc biệt và điều trị, tình hình sức khỏe được cải thiện, giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội, giảm chi phí tư pháp hình sự, tăng cường tính độc lập3 và tăng năng suất. Các can thiệp phát triển trẻ thơ trong các dự án y tế, dinh dưỡng, NS-VS giúp tăng cơ hội sống của trẻ. Các can thiệp trong dự án giáo dục giúp cho trẻ chuẩn bị để đi học tiểu học, cải thiện thành tích học tập của trẻ và giảm tỉ lệ lưu ban, bỏ học. Ngay cả trong điều kiện khó khăn lớn về tài chính, việc đầu tư vào PTTTTD sẽ giúp một quốc gia ổn định, vững vàng và tăng trưởng trong tương lai. Dự án mới này sẽ tối đa hóa các kết quả PTTTTD và đảm bảo mọi trẻ em ở Gia Lai được mạnh khỏe, sẵn sàng học tập và phát triển tốt.

Ở cấp quốc gia, trong 2 thập kỷ trở lại đây, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng chú ý trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em và SDD, đặc biệt là SDD thấp còi, và tăng tỷ lệ hoàn thành bậc học. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách PTTTTD rõ ràng và toàn diện cũng như cơ chế điều phối hiệu quả ở cấp quốc gia để điều phối công tác PTTTTD giữa các bộ, ngành trung ương.

Luật Trẻ em mới ban hành năm 2016 là một khung pháp lý quan trọng để xây dựng các chiến lược và dự án của Chính phủ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Với việc ban hành Luật này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - cơ quan đầu mối của Chính phủ chịu trách nhiệm về các vấn đề trẻ em - hiện đang xây dựng Dự án phát triển trẻ thơ cấp trung ương4 để cung cấp hướng dẫn và tạo cơ chế cho các cơ quan, ban, ngành để phối hợp triển khai hiệu quả các can thiệp PTTTTD. Dự án PTTTTD Gia Lai sẽ được hưởng lợi từ Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện cấp trung ương, đồng thời dự án sẽ góp phần thực hiện dự án quốc gia thông qua việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công được tài liệu hóa.

2. Mối quan hệ với các chương trình, dự án khác nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của dự án

TT

Dự án

Giai đoạn

Đối tác phát triển/tổ chức PCP

Bo vệ trẻ em

01

Nhịp tim Việt Nam - Phẫu thuật tim và phục hồi chức năng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

2007 - 2017

2013 - 2017

Quỹ VinaCapital

Tổ chức Children Action;

Y tế, dinh dưỡng

02

Tăng cường nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở

2012-2016

GAVI

03

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

2014-2016

FIDR (Cứu trợ Trẻ em Nhật Bản)

04

Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên - giai đoạn 2

2015-2019

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

05

Dự án phục hồi và chăm sóc cho người bị bệnh phong và trẻ khuyết tật

2012-2016

Chính phủ Hà Lan

06

Dự án “Tăng cường Phòng chống sốt rét (PCSR) dựa vào cộng đồng tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, nâng cao năng lực và tính bền vững của Dự án PCSR quốc gia”

2016-2020

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và sốt rét

Dự án làm cha mẹ

07

Đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt (theo quyết định 704/2010/QĐ- TTg)

2010-2015

Hội Phụ nữ

08

Phòng chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em/kỷ luật tích cực chống lại bạo lực trẻ em

2009-2012

Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam

3. Các bài học rút ra từ dự án hợp tác trước đây với tổ chức UNICEF

Những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc triển khai dự án Bạn hữu trẻ em (2012-2016) đã được đúc kết tại Hội thảo tổng kết vào cuối tháng 12 năm 2016. Tại hội thảo, tất cả các bên tham gia, gồm cả UBND tỉnh Gia Lai, UNICEF và các ban ngành, cho rằng dự án đó phù hợp và hiệu quả với việc thúc đẩy xây dựng dự án dựa trên quyền của trẻ em. Dự án được đánh giá là đã củng cố các mạng lưới chăm sóc và bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và góp phần hiệu quả vào việc tăng cường năng lực lập kế hoạch dựa trên tình hình thực tế cho cán bộ tỉnh. Cụ thể, dự án đã góp phần cải thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em (Quyết định số 838/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 14/11/2016 ban hành các chỉ số của tỉnh về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Gia Lai). Ngoài ra, với tác động của dự án, các huyện KBang, Kông Chro, Krông Pa và Mang Yang đã tăng phân bổ ngân sách cho các vấn đề trẻ em, các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai hiệu quả và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án PTTTTD mới giai đoạn 2017-2021, một số thách thức và bài học kinh nghiệm cũng cần được lưu ý, như sau:

3.1. Các kế hoạch ngành của tỉnh chưa tập trung vào trẻ em và phụ nữ. Việc thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành đã khiến cho các vấn đề của trẻ em không được phản ánh đầy đủ trong kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, dẫn tới các vấn đề này không được phân bố đủ ngân sách. Vấn đề này có thể khắc phục bằng cách nâng cao khả năng chuyên môn về lập kế hoạch và lập ngân sách dựa vào trẻ em cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành trong tỉnh trong quá trình lập kế hoạch toàn diện và quản lý tài chính công đối với các vấn đề liên quan tới trẻ em.

3.2. Hiện vẫn thiếu dữ liệu và thông tin đáng tin cậy về các vấn đề trẻ em do các bộ chỉ số, định nghĩa và hướng dẫn chưa rõ ràng cũng như thiếu cơ chế có tính hệ thống về thu thập và báo cáo các vấn đề trẻ em từ cấp trung ương tới địa phương. Về mặt này, dự án mới nên hỗ trợ củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu, gồm cả khung GS&ĐG của dự án, hỗ trợ tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm của dự án để nhân rộng và mở rộng ở cấp quốc gia.

3.3. Các sáng kiến được trình diễn trong dự án này, ví dụ như mô hình điều trị trẻ SDD cấp tính (IMAM), ít được nhân rộng do tỉnh còn khan hiếm nguồn lực, hoặc mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS) phạm vi triển khai còn hạn chế, khiến cho các hành vi NS-VS chưa trở thành những chuẩn mực xã hội. Để khắc phục, dự án PTTTTD cần giới thiệu các mô hình chi phí thấp, hoặc các mô hình đề xuất phải có cơ hội để nhân rộng, đảm bảo tính kế thừa và tính bền vững của dự án.

3.4. Các hoạt động truyền thông cho nhiều bên vẫn chủ yếu theo hướng truyền tin một chiều, cần có một phương pháp tiếp cận toàn diện hơn, dựa trên bằng chứng và có chiến lược, tập trung vào kết quả và tác động. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông hiện tại, vốn đang phụ thuộc nhiều vào các tư liệu truyền thông và ấn bản, các hoạt động tiếp cận đối tượng thiếu tính phù hợp với các yếu tố văn hóa của địa phương để có thể tiếp cận với các nhóm dân số đích đa dạng về văn hóa bằng ngôn ngữ địa phương của họ và với các cộng đồng có trình độ đọc viết và tính toán thấp. Đồng thời, hiện chưa có diễn đàn/ để chia sẻ kiến thức và giám sát tiến độ thực hiện các kết quả về thay đổi hành vi và thay đổi xã hội, hướng tới cải thiện các mục tiêu của dự án.

4. Sự cần thiết của dự án

Mặc dù có tiến bộ trong nhiều lĩnh vực liên quan tới trẻ em và phụ nữ, song Gia Lai vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xóa bỏ bất công và thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em. Những vấn đề và thách thức này liên quan tới những lĩnh vực cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền tỉnh và UNICEF. Chi tiết các vấn đề và những can thiệp dự án liên quan sẽ được quyết định trong quá trình lập Kế hoạch hoạt động hàng năm toàn diện. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là Dự án PTTTTD Gia Lai sẽ giúp hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh thông qua việc giải quyết các yếu tố trong các vấn đề sau:

4.1. Việc thiếu các chính sách PTTTTD

Hiện vẫn chưa có chính sách PTTTTD hay cơ chế điều phối để đảm bảo sự điều phối liên ngành hoặc đa ngành hiệu quả đối với các dự án và hoạt động PTTTTD ở cấp trung ương và địa phương. Hơn nữa, hiện chưa có chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ nhỏ 0-3 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ nhỏ ra lớp thấp so với mục tiêu do điều kiện cơ sở vật chất, con người để thực hiện không đáp ứng mở trường, mở lớp cho đối tượng này. Đồng thời, vẫn còn tồn tại nhiều điểm chưa nhất quán trong các quy định và trong việc thúc đẩy thực thi những quy định pháp luật và các chính sách trên ở cơ sở. Ví dụ, hiện tại không có chiến lược toàn diện hoặc hướng dẫn triển khai để thúc đẩy làm cha mẹ tích cực. Ngoài ra, chưa có khung pháp lý bảo vệ trẻ em toàn diện nhằm giải quyết những vấn đề bạo lực, xâm hại, bóc lột và bỏ mặt trẻ em.

4.2. Phân bổ ngân sách công ở mức thấp

Đầu tư công hạn chế và chi phí mà người dân phải tự chi trả ở mức cao đang góp phần ảnh hưởng tiêu cực tới (sự sẵn có của) các dịch vụ được cung cấp và chất lượng dịch vụ, dẫn tới mức hưởng lợi của người dân còn hạn chế. Nhiều trẻ bị ốm không được chăm sóc y tế đầy đủ do nhiều dịch vụ chuyên khoa sâu chỉ có ở tuyến tỉnh mà cha mẹ các em không có tiền để đưa các em lên tỉnh điều trị cũng như không chi trả nổi chi phí ăn ở khi các em được điều trị.

4.3. Điều phối đa ngành còn hạn chế

Các dịch vụ của các cơ quan nhà nước đang được bố trí và cung cấp theo ngành dọc, ít có sự lồng ghép, phối hợp giữa các ngành/cơ quan cùng cấp để có thể hỗ trợ xã hội toàn diện cho trẻ em.

4.4. Hạn chế trong tiếp cận dịch vụ xã hội và chất lượng của dịch vụ xã hội

Do hệ thống thu thập, tổng hợp số liệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được cải thiện, chưa phân định rõ trách nhiệm thu thập số liệu của từng ngành và cơ chế phối hợp nên việc lập kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch ngân sách để triển khai các chính sách bảo trợ xã hội đối với trẻ em còn hạn chế; nhiều đối tượng chưa được quan tâm, chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Hiện chưa có những dịch vụ PTTTTD như chăm sóc tiền sản cho phụ nữ mang thai, trợ giúp xã hội cho trẻ 0-3 tuổi và chăm sóc thay thế cho trẻ không có sự chăm sóc của cha mẹ. Hiện cũng đang thiếu các mạng lưới cộng tác viên dựa vào cộng đồng - những người có khả năng cung cấp các dịch vụ PTTTTD (y tế, dinh dưỡng, NS-VS, đăng ký khai sinh, bảo vệ trẻ em). Ngoài ra, nhiều cán bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ (cán bộ y tế, giáo viên mầm non và cán bộ xã hội) ít có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao, do họ chưa được tập huấn, đào tạo đầy đủ và bài bản (các hình thức đào tạo chính quy và bồi dưỡng thêm trong quá trình làm việc).

Một số hành vi của cá nhân/gia đình, chuẩn mực xã hội, các niềm tin hiện có, các thực hành văn hóa đã tác động tiêu cực tới nhu cầu và việc tiếp cận các dịch vụ PTTTTD cũng như các hành vi thúc đẩy PTTTTD lành mạnh. Tập quán sinh con tại nhà đã và đang hạn chế các bà mẹ trẻ người dân tộc thiểu số tiếp cận tới gói làm mẹ an toàn do cơ sở y tế cung cấp. Thái độ đối với bạo lực gia đình rằng chồng có thể đánh vợ nếu có lý do “chính đáng” cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy các hình phạt thể xác đối với trẻ em và bạo lực gia đình.

5. Nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật bằng vốn ODA

Giai đoạn 2011-2015, bình quân hàng năm UBND tỉnh Gia Lai đã chi trên 29% ngân sách địa phương cho các dịch vụ xã hội chủ yếu trên địa bàn tỉnh (y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, đảm bảo xã hội, môi trường…), nhưng việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn từ 2016-2020, dự kiến khả năng ngân sách đáp ứng chi cho con người trong chi thường xuyên của các ngành khoảng 90%, trong khi các hoạt động nâng cao chất lượng các dịch vụ và kết nối các dịch vụ nhằm đảm bảo sự PTTTTD còn chiếm tỉ lệ thấp. Gia Lai là một trong những tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, hàng năm ngân sách trung ương phải trợ cấp cho ngân sách địa phương trên 50%; do vậy mức chi cho các hoạt động để nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối các dịch vụ của cấp huyện, cấp xã tỉnh Gia Lai rất thấp so với các huyện, xã của các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam, đặc biệt là các huyện/xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa với phần lớn ngân sách được sử dụng để trả lương và phụ cấp cho cán bộ.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp; mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Giai đoạn 2016-2020, các dự án vay vốn ưu đãi ODA đầu tư cho các dịch vụ xã hội ở Việt Nam giảm. Riêng Gia Lai hiện chỉ còn một vài hỗ trợ ODA từ UNICEF.

Tóm lại, trên cơ sở kết quả đạt được của chu kỳ hợp tác từ 2012-2016, tỉnh Gia Lai và UNICEF thực hiện dự án “PTTTTD tại Gia Lai” chu kỳ 2017-2021 với nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết các bất bình đẳng trong các dịch vụ xã hội để đảm bảo tiếp cận và chất lượng các dịch vụ toàn diện cho trẻ. Cụ thể, dự án nhằm đảm bảo mọi trẻ em và gia đình, đặc biệt là nhóm yếu thế, được sử dụng hiệu quả các dịch vụ phát triển trẻ em hòa nhập và chất lượng. Trong điều kiện khả năng ngân sách của địa phương có hạn, nguồn vốn ODA giảm, việc UNICEF tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA cho Gia Lai là rất cần thiết nhằm thúc đẩy các dịch vụ xã hội hòa nhập, công bằng, dựa trên quyền, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới năm 2030 với mục đích “không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.

III. CƠ SỞ LỰA CHỌN CƠ QUAN LHQ HỖ TRỢ CHO DỰ ÁN

1. Tính phù hợp của nội dung và mục tiêu dự án đối với nhiệm vụ và ưu tiên dự án của cơ quan LHQ hỗ trợ

Dự án PTTTTD này sẽ đóng góp vào Kế hoạch chiến lược chung giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ (2017-2021):

■ Kết quả 1.1: Đến năm 2021, tất cả mọi người được hưởng lợi từ các hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện và công bằng và các dịch vụ xóa đói giảm nghèo, qua đó sẽ giảm nghèo đa chiều và tình trạng dễ bị tổn thương.

■ Kết quả 1.2: Đến năm 2021, tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, được hưởng lợi từ hệ thống và các dịch vụ hòa nhập và công bằng và việc thúc đẩy môi trường lành mạnh.

■ Kết quả 1.3: Đến năm 2021, tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, được hưởng lợi từ các hệ thống và dịch vụ giáo dục có chất lượng hòa nhập, công bằng và các cơ hội học tập suốt đời.

■ Kết quả 4.1: Đến năm 2021, các quá trình ra quyết định có sự tham gia và minh bạch và các thể chế trách nhiệm giải trình được tăng cường, với những chính sách và cơ chế thực thi có tính đáp ứng với tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, phụ nữ, thanh niên và trẻ em.

■ Kết quả 4.2: Đến năm 2021, công tác bảo vệ quyền con người được tăng cường với những cải thiện trong hệ thống tư pháp, quy định luật pháp được tôn trọng hơn, tiếp cận tư pháp công bằng gia tăng, tăng cường bình đẳng giới và ngăn ngừa hiệu quả mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực.

Và vào Văn kiện Chương trình quốc gia hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF (2017-2021):

Dự án này sẽ đóng góp vào các đầu ra của Kết quả 3 trong Văn kiện Chương trình quốc gia hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF (2017-2021), như sau:

Kết quả 3: Đến năm 2012, tại một số địa bàn thuộc 3 tỉnh, mọi trẻ em và gia đình, đặc biệt là nhóm yếu thế, được sử dụng hiệu quả các dịch vụ phát triển trẻ em hòa nhập và chất lượng.

Đầu ra 3.1: Năng lực địa phương được nâng cao để xây dựng và vận hành các gói vì sự sống còn và phát triển của trẻ có tác động lớn lấy PTTTTD làm trung tâm, công bằng và hòa nhập tại các tỉnh lựa chọn.

■ Đầu ra 3.2: Năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tại các tỉnh lựa chọn được nâng cao để triển khai các dự án học tập sớm và chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ dưới 4 tuổi đi học.

■ Đầu ra 3.3: Năng lực địa phương tại các tỉnh lựa chọn được nâng cao để xây dựng và vận hành các hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, bao gồm cả làm cha mẹ tích cực và kỷ luật không bạo lực.

■ Đầu ra 3.4: Năng lực địa phương được nâng cao để xây dựng và vận hành cơ chế trợ giúp xã hội lấy PTTTTD làm trung tâm, tập trung vào công bằng và hòa nhập tại các tỉnh lựa chọn.

2. Lý do lựa chọn và lợi thế so sánh của cơ quan LHQ hỗ trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ

UNICEF đã hoạt động ở Gia Lai từ năm 2006 và trở thành đối tác tin cậy của tỉnh với những can thiệp và thành công trước đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vì sự sống còn của trẻ em, điều này đã giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho các can thiệp về PTTTTD, vì sự phát triển tối ưu của trẻ em. Có những can thiệp ngành toàn diện đã được triển khai thành công, ví dụ tiêm chủng và vắc xin cho trẻ nhỏ, nuôi dưỡng/chế độ ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, quản lý lồng ghép và điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính (IMAM), các dịch vụ chăm sóc trước và sau sinh, giáo dục hòa nhập và các dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Những điểm yếu trong khâu kết nối một số hệ thống dịch vụ ngành có thể được giải quyết bằng những can thiệp hiệu quả và sự lãnh đạo PTTTTD mới ở cấp quốc gia. Dự án PTTTTD và UNICEF tham gia ở Gia Lai là một phần của dự án PTTTTD cấp trung ương rộng hơn mà UNICEF đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021, dự án này do Bộ LĐ-TB&XH là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT).

Dự án PTTTTD quốc gia sẽ cung cấp khung quản lý và hướng dẫn cho địa phương, với sự gắn kết chặt chẽ giữa dự án cấp tỉnh và tỉnh Gia Lai. Nhiệm vụ này và Kế hoạch chiến lược 2014-2017 của UNICEF với phương pháp tiếp cận phát triển bền vững lấy trẻ em làm trung tâm, sẽ đưa trẻ em và vấn đề công bằng thành tâm điểm của tất cả các can thiệp liên quan và những trẻ em nghèo nhất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình phát triển.

UNICEF được Đại hội đồng Liên hợp quốc ủy nhiệm vận động để tất cả mọi trẻ em “mạnh khỏe về thể chất, minh mẫn về tinh thần, có năng lực xã hội, có xúc cảm và có khả năng học tập” (Thế giới phù hợp với trẻ em của LHQ, 2002). Hoạt động của UNICEF được định hướng bằng Công ước về quyền trẻ em (CRC) và phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người. Quyền của trẻ em được phát triển “tới mức tối đa có thể” (CRC, Điều 6) là yếu tố cơ bản trong các dự án của UNICEF. Do đó, đề xuất chủ trương đầu tư này và mục tiêu của dự án hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ của UNICEF và các ưu tiên của kế hoạch chiến lược toàn cầu.

Năng lực của UNICEF dựa trên hơn 40 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam và cơ quan LHQ này cũng rất quen với những vấn đề mà trẻ em và phụ nữ đang phải đối mặt ở địa phương. Thừa nhận vị trí trung tâm của hoạt động PTTTTD trong nhiệm vụ của mình, UNICEF có năng lực chuyên môn mạnh trong nhiều lĩnh vực của PTTTTD, gồm y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục, giáo dục phụ huynh, bảo vệ trẻ em và trợ giúp xã hội. Ngoài ra, với mạng lưới và quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế, UNICEF có khả năng khai thác các thực hành tốt nhất và cung cấp chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam trong lĩnh vực PTTTTD - nhiều cơ quan khác không thể làm việc này hoặc họ chỉ có thể hỗ trợ với những vấn đề của trẻ em trong những ngành cụ thể. Dựa trên kinh nghiệm và khả năng tiếp cận toàn cầu của mình, cùng với sự chỉ đạo chuyên môn chắc chắn, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa UNICEF và Việt Nam trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, NS-VS, giáo dục, bảo trợ xã hội cho trẻ em đã khiến Chính phủ Việt Nam coi cơ quan này như đối tác quốc tế dẫn đầu vì quyền trẻ em trong những lĩnh vực này.

Cụ thể, UNICEF là cơ quan chủ chốt trong mạng lưới các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các cơ quan LHQ cung cấp hỗ trợ chuyên môn về xây dựng và triển khai đề án quốc gia về phát triển nghề công tác xã hội và dự án quốc gia về bảo vệ trẻ em. UNICEF đã đóng vai trò triệu tập, điều phối với các tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), Plan, Tầm nhìn thế giới (World Vision) và Child Fund trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm để Bộ LĐTB&XH và các bộ ngành xây dựng luật pháp liên quan tới bảo vệ trẻ em cũng như củng cố các hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Là thành viên đi đầu trong quan hệ đối tác về phát triển công tác xã hội, UNICEF hợp tác với tổ chức Atlantic Philanthropy, tổ chức Cứu trợ trẻ em và các tổ chức khác để cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai đề án quốc gia về phát triển nghề công tác xã hội. Nhóm cán bộ bảo vệ trẻ em của UNICEF đã và đang là những người đồng triệu tập. Nhóm đối tác về khuyết tật5 và Liên minh về sức khỏe tâm thần Việt Nam6 để điều phối các nỗ lực phát triển giữa các cơ quan LHQ, các đối tác song phương, các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong vận động chính sách và nâng cao năng lực của Chính phủ và các đối tác khác để thực hiện quyền của trẻ em và người khuyết tật tốt hơn.

Trong kế hoạch Một LHQ, UNICEF là cơ quan LHQ đi đầu trong lĩnh vực quyền trẻ em và PTTTTD. Do đó, UNICEF đóng vai trò triệu tập để kết nối và quy tụ các cơ quan LHQ và các đối tác phát triển ở Việt Nam hoạt động trong những lĩnh vực này cũng như các thể chế và các cơ quan liên quan khác nhằm thành lập một nhóm tham khảo để có thể hoạt động với nhiều nỗ lực phối hợp hơn trong các vấn đề phát triển trẻ thơ. Trong lĩnh vực y tế và dinh dưỡng, UNICEF được coi là đối tác chiến lược của Chính phủ trong việc nâng cao sức khỏe trẻ em thông qua tiêm chủng, thực hành rửa tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và cấp nước.

Dinh dưỡng là một phần chính trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện, và UNICEF là cơ quan đi đầu trong hỗ trợ và phát triển ngành dinh dưỡng của Việt Nam. UNICEF hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dự án can thiệp dinh dưỡng toàn diện để hoạt động trong lĩnh vực này, gồm khuyến khích, bảo vệ và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn dặm đúng cách, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và rối loạn do thiếu vi chất dinh dưỡng (Vitamin A, kẽm, I-ốt). UNICEF hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dự án trình diễn mô hình trong lĩnh vực này bằng cách sử dụng kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất trên toàn cầu, và UNICEF là cơ quan đi đầu trong việc vận động Chính phủ đầu tư để nhân rộng các dự án này ở cấp quốc gia một cách bền vững. Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, các dự án PTTTTD do UNICEF hỗ trợ cũng thành công và đóng góp vào thành quả phổ cập giáo dục tiểu học. Do đó, UNICEF được coi là đối tác chiến lược để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em về y tế, NS-VS bảo vệ trẻ em và giáo dục trẻ em - tất cả những lĩnh vực này cùng nhau tạo nên nền tảng cơ bản của PTTTTD.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ LHQ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021 với nhiệm vụ trọng tâm và các ưu tiên chiến lược, UNICEF có một số điều kiện được liệt kê dưới đây cùng với ý kiến của UBND tỉnh Gia Lai về khả năng đáp ứng của đối tác địa phương:

3.1. UNICEF sẽ tập trung hỗ trợ đối thoại và xây dựng chính sách cho Việt Nam với một số nội dung chuyên môn được lựa chọn và triển khai các can thiệp và hoạt động có tính chất cung ứng dịch vụ và thường qui. Điều này đòi hỏi sự đóng góp của tỉnh khi phù hợp và cần thiết (ví dụ: đảm bảo kinh phí đối ứng trong quản lý và vận hành Ban quản lý dự án (PPMU) để tiến hành các can thiệp của dự án, đặc biệt là trình diễn mô hình mới về PTTTTD. Phần lớn nội dung của dự án đều phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện cũng còn nhiều thách thức và có rủi ro do nhiều chính sách chưa rõ ràng và có thể thay đổi, một số nội dung khá rộng, đòi hỏi kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật rất cao và nguồn vốn nhiều để triển khai và áp dụng.

3.2. Bên cạnh việc áp dụng các quy định hiện hành về quản lý ODA của Chính phủ Việt Nam, chương trình sẽ được thực hiện và quản lý theo quy chế chung quản lý chương trình, dự án hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc (HPPMC). Đây là tài liệu kết quả của sáng kiến thống nhất hành động (DaO) hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ về quy chế quản lý nhằm hài hòa các thủ tục, quy trình quản lý chương trình, dự án do 3 cơ quan LHQ (UNDP), UNICEF và UNFPA) tài trợ cho Việt Nam. Tài liệu này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký ban hành vào tháng 7/2010 và điều chỉnh một số điểm vào tháng 7/2016. Tỉnh Gia Lai thấy rằng việc áp dụng HPPMG cho phép nâng cao vai trò và trách nhiệm của các ngành và các bên tham gia với các quy định cụ thể, rõ ràng và được các bên cùng thống nhất. Tài liệu HPPMG giúp tránh áp dụng quy chế quản lý song hành, nâng cao tính minh bạch, đáp ứng các Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ mà Việt Nam đã tham gia. Tài liệu quy định rõ và nâng cao vai trò quốc gia điều hành (NIM) và sự phối hợp của các tổ chức LHQ với các cơ quan thực hiện của Việt Nam. Do đó, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị vẫn áp dụng HPPMG trong Chương trình PTTTTD giai đoạn 2017-2021.

3.3. Các định mức chi tiêu sẽ theo các quy định chung của các cơ quan LHQ trên cơ sở thống nhất với các cơ quan quản lý viện trợ của Việt Nam. Chương trình áp dụng định mức chi tiêu theo hướng dẫn của LHQ-EU về chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam được đại diện Chính phủ Việt Nam và LHQ, Liên minh Châu Âu tại Việt Nam ký ban hành (hiện nay đang là bản định mức chi tiêu UN/EU ban hành năm 2015). Các tài liệu này được cập nhật và thay thế theo quy định của các tổ chức quốc tế. Thông lệ này đã và đang được tất cả các chương trình, dự án do LHQ và EU tài trợ áp dụng và có hiệu quả và phản ánh đặc thù hợp tác của các tổ chức LHQ với Việt Nam. Định mức có quy định cụ thể, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tế được cập nhật của Việt Nam, và do đó, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện chương trình này.

3.4. Với đặc thù áp dụng HPPMG gồm các quy trình chặt chẽ về xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách cũng như quản lý thực hiện, UNICEF đề nghị xây dựng đề xuất kỹ thuật và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (PIP) theo quy định hiện hành của Chính phủ và tiếp tục áp dụng phương thức không xây dựng văn kiện chương trình. PIP sẽ là văn kiện chương trình chung của cả phía Việt Nam và UNICEF làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch năm, quý và các hoạt động khác. Phương thức này trong các chu kỳ trước đã chứng tỏ tính phù hợp với đặc thù nguồn cung cấp viện trợ của UNICEF (do có 2 nguồn: nguồn lực thường xuyên - RR và vận động thêm - OR) cũng như đảm bảo tính linh hoạt trong việc hỗ trợ kỹ thuật liên quan tới đối thoại chính sách trong quá trình triển khai chương trình (5 năm). Theo quy định của Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, UBND tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đúng các bước trong xây dựng và phê duyệt dự án hợp tác với UNICEF.

3.5. Nguồn lực có sẵn của UNICEF không đảm bảo hoàn toàn mà phụ thuộc vào việc phân bổ của UNICEF trung ương và vận động kinh phí thêm trong quá trình thực hiện dự án. Với đặc thù tổ chức LHQ không phải là nhà cung cấp trực tiếp vốn viện trợ và với bối cảnh khó khăn về tài chính toàn cầu nên UNICEF không thể đảm bảo tất cả các nguồn lực được có sẵn. Đây chính là thực trạng trong 40 năm hợp tác vừa qua và đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận và cùng phối hợp trong công tác vận động. Các tổ chức LHQ ở Việt Nam hiện nay có cam kết đảm bảo ít nhất 20% vốn có sẵn khi phê duyệt PIP và sẽ sử dụng PIP được phê duyệt để vận động thêm vốn ODA cho các dự án. Theo thông báo và cam kết của UNICEF, tổng ngân sách dự kiến cho dự án là 3.403.350 USD, trong đó nguồn ODA có sẵn cho dự án là 991.350 USD, đạt 29,12% tổng ODA theo kế hoạch cho chương trình trong 5 năm. UNICEF với những nội dung ưu tiên, thế mạnh và uy tín của mình cam kết sẽ có giải pháp vận động tối đa nguồn ngân sách cần vận động thêm, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của chu kỳ trước. Để tranh thủ nguồn hỗ trợ kỹ thuật quý báu của UNICEF, nếu được Chính phủ Việt Nam cho phép, UBND tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp chặt chẽ với UNICEF và các cơ quan liên quan vận động nguồn lực còn thiếu cho dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai và UNICEF đã thảo luận và thống nhất phải sử dụng vốn có sẵn cho các hoạt động ưu tiên cao và thực hiện tập trung trong giai đoạn đầu của dự án. Đến cuối năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai - cơ quan chủ quản dự án sẽ chủ trì tiến hành kiểm điểm việc thực hiện, đặc biệt xem xét việc huy động vốn cho dự án với sự tham gia của UNICEF, các cơ quan quản lý viện trợ của Chính phủ và sẽ tiến hành các bước tiếp theo cần thiết phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ trong hợp tác với UNICEF. Bên cạnh đó, 2 bên nhất trí xây dựng bổ sung hoạt động phối hợp vận động vốn cho dự án trong kế hoạch hoạt động của dự án (AWP) cho năm đầu tiên

3.6. Việc lập kế hoạch và triển khai dự án PTTTTD Gia Lai đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và sự phối hợp/lồng ghép hiệu quả của các đơn vị tham gia. Dự án PTTTTD cũng đòi hỏi UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cũng như với các huyện, các xã triển khai thí điểm PTTTTD nhằm xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và đảm bảo kinh phí cho triển khai các hoạt động PTTTTD thường qui. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo để đưa ra cơ chế thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và các dự án do UNICEF tài trợ trong chu kỳ này.

3.7. Phương pháp tiếp cận UNICEF áp dụng để triển khai các can thiệp trong chương trình này sẽ được xây dựng trên cơ sở phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và công bằng cho trẻ em cũng như các hướng dẫn chính của UNICEF trong những lĩnh vực cụ thể, ví dụ như ưu tiên nhóm trẻ em thiệt thòi (trẻ em nghèo, trẻ sống chung với HIV/AIDS, trẻ khuyết tật, trẻ dân tộc thiểu số, và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai). Lồng ghép giới trong lập kế hoạch cũng sẽ được tuân thủ. Đây cũng là các định hướng ưu tiên của quốc gia và của tỉnh, do đó khả năng nâng cao có thể đáp ứng các yêu cầu này.

3.8. Theo quy định của HPPMG, hầu hết các hoạt động do phía UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện. Nếu UBND tỉnh không thể thực hiện một hoạt động nào đó (ví dụ: thuê tư vấn quốc tế, các hoạt động ngoài nước…) thì UBND tỉnh sẽ yêu cầu UNICEF tiến hành hoạt động đó và phải được chính thức chấp thuận. các hoạt động này sẽ được UBND tỉnh và UNICEF trao đổi thống nhất thể hiện trong tài liệu này và cụ thể hóa trong kế hoạch hoạt động hàng năm của dự án.

3.9. Trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án, cần tiến hành thu thập bằng chứng và nghiên cứu với chất lượng cao để phục vụ cho các mục đích chính sách. Vì vậy, UNICEF và các cơ quan thực hiện dự án sẽ cùng tiến hành một số nghiên cứu chính thông qua đấu thầu cạnh tranh trong nước và quốc tế theo các thủ tục và quy trình của HPPMG. UNICEF và UBND tỉnh thống nhất là hai bên sẽ cùng tham gia và hỗ trợ kỹ thuật trong tất cả các giai đoạn nghiên cứu.

3.10. Dự án này có nhiều nội dung và nhiều đơn vị đồng thực hiện, thậm chí có đơn vị ngoài ngành y tế. Một số nội dung đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị kể cả các đơn vị không trực tiếp nhận kinh phí triển khai hoạt động. Ngoài ra, UNICEF cũng cần tiếp tục vận động kinh phí trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án. Do vậy, để thực hiện đạt được các kết quả, thì hoạt động dự kiến trong PIP cần được thiết kế linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần, nhằm phục vụ cho mục đích vận động tài trợ và xác định các đơn vị trực tiếp triển khai phù hợp. Chi tiết cụ thể về đơn vị trực tiếp triển khai và kinh phí sẽ được xác định trong kế hoạch hàng năm ký kết giữa UBND tỉnh và UNICEF. Cách làm việc này đã được áp dụng trong giai đoạn 2012-2016, UBND tỉnh Gia Lai đã có kinh nghiệm và có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu này.

Tóm lại, những điều kiện nêu trên đều phù hợp với thông lệ hợp tác giữa các đối tác địa phương và các cơ quan LHQ và đáp ứng các yêu cầu quản lý ODA của Chính phủ Việt Nam. Một số điều kiện (ví dụ 3.9) giúp nâng cao chất lượng các nghiên cứu và mở rộng phạm vi sử dụng các kết quả nghiên cứu đó, tuy quy trình và thủ tục sẽ đòi hỏi các bên tham gia cần tích cực, chủ động hơn nữa và có các phương pháp tiếp cận có tính xây dựng để đảm bảo tiến độ chương trình. Nếu được Chính phủ cho phép áp dụng, UBND tỉnh Gia Lai với nhiều năm hợp tác với UNICEF và các tổ chức LHQ khác có thể thực hiện và đáp ứng tất cả các yêu cầu nêu trên để triển khai dự án hiệu quả.

IV. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

1. Mục tiêu dài hạn và các chỉ số thành công chính:

Đến năm 2021, tất cả trẻ em là đối tượng đích của dự án (0-8 tuổi) và gia đình các em, đặc biệt những người trong các nhóm dễ bị tổn thương nhất tại địa bàn dự án được sử dụng các dịch vụ PTTTTD có chất lượng để thực hiện đầy đủ quyền sống còn, phát triển, giáo dục và được bảo vệ của trẻ em.

Chỉ số (nguồn)

Cách thẩm định

Đầu kỳ

Mục tiêu (Năm)

Tỉ lệ trẻ em 0-3 tuổi tại địa bàn dự án nhận được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, cùng với được thực hành tương tác sớm và tích cực bởi cha mẹ/người chăm sóc trẻ

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

35%

Ít nhất 70%

Tỉ lệ trẻ em 36-59 tháng tuổi tại địa bàn dự án được huy động tham dự lớp

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

65%

Ít nhất 90%

Tỉ lệ phụ huynh/người chăm sóc chính của trẻ 0-8 tuổi tại địa bàn dự án có thực hành kỷ luật không bạo lực và thực hành chăm sóc theo cách đáp ứng tích cực

Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ

35%

50%

Tỉ lệ trẻ 36-59 tháng tuổi tại địa bàn dự án đạt chuẩn trong ít nhất 3 trong 5 lĩnh vực phát triển theo chỉ số về PTTT của điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, bao gồm: nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm-xã hội và thẩm mĩ

Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ

40%

Ít nhất 75%

2. Mục tiêu ngắn hạn và các chỉ tiêu thành công chính (nếu có)

Chỉ số

Cách thẩm định

Đầu kỳ

Mục tiêu (Năm)

Mục tiêu ngắn hạn 1: Đến năm 2021, phụ huynh, người chăm sóc và các thành viên cộng đồng tại các xã dự án có kiến thức, kỹ năng, tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn, và thực hành chăm sóc PTTTTD tại gia đình.

 

 

 

Tỉ lệ phụ huynh và người chăm sóc của trẻ 0-8 tuổi tin rằng phương pháp giáo dục tích cực và kỷ luật không bạo lực là điều tốt nhất cho con cái họ

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

40%

90% (2021)

Tỉ lệ trẻ em trai và gái 6-8 tuổi biết tìm địa chỉ thông báo, tố cáo trong trường hợp chính các em hoặc trẻ em khác bị bạo lực, xâm hại

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

30%

90% (2021)

Tỉ lệ phụ huynh và người chăm sóc trẻ 0-8 tuổi thừa nhận lợi ích của tất cả các lĩnh vực PTTTTD, và biết nơi để tìm sự trợ giúp nếu họ cần hỗ trợ

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

50%

90% (2021)

Tỉ lệ phụ huynh và người chăm sóc trẻ 0-8 tuổi muốn tham gia vào các cơ sở/diễn đàn làm cha mẹ/tư vấn PTTTTD ở cấp cơ sở

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

40%

Ít nhất 60% (2021)

Mục tiêu ngắn hạn 2: Nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các sở, ngành, liên quan đến PTTTTD

 

 

 

Tỉ lệ các cán bộ y tế, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ mầm non tại địa bàn dự án có khả năng tư vấn về chế độ ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và thực hành tương tác sớm và tích cực nhằm kích thích phát triển não sớm 7

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

40%

80% (2021)

Số cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã có thể tiến hành quản lý trường hợp phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

Cấp xã chưa có; 100% thôn, làng có cộng tác viên

Ít nhất 09 CB (2018)

Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận được nguồn cung cấp nước sạch

Báo cáo 24hàng năm của địa phương

43%

>50 %

Tỉ lệ phụ huynh/người chăm sóc trẻ có phản hồi/nhận xét tích cực về các dịch vụ PTTTTD

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

30%

70% (2021)

Mục tiêu ngắn hạn 3: Có các dịch vụ PTTTTD tối thiểu với chất lượng chấp nhận được cho phụ huynh, người chăm sóc và trẻ em tại các địa bàn dự án

 

 

 

Tỉ lệ các cơ sở giáo dục mầm non, gồm cả các nhóm trẻ gia đình tại địa bàn dự án có trang thiết bị PTTT tối thiểu và các thực hành tương tác sớm và tích cực.

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

10%

80% (2021)

Số trạm y tế xã tại địa bàn dự án có dịch vụ tư vấn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bổ sung vi chất dinh dưỡng và các dịch vụ này được lồng ghép với các dịch vụ thực hành tương tác sớm giúp trẻ phát triển não sớm.

(Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ)

Có 4/9 xã đã triển khai nhưng chưa đầy đủ các nội dung

9/9 xã (2021)

Số trung tâm dịch vụ công tác xã hội áp dụng chuẩn quốc gia được xây dựng và đưa vào triển khai ở cấp tỉnh

Báo cáo dự án

Lồng ghép vào 01 Trung tâm có sẵn ở cấp tỉnh và 01 văn phòng tư vấn trẻ em ở cấp huyện

Lồng ghép vào các Trung tâm có sẵn: 01 ở cấp tỉnh và 01 ở mỗi huyện (2019)

Tỷ lệ xã tại địa bàn dự án triển khai được mô đun m-IPTTTTD (gồm các nội dung bảo vệ trẻ em, dinh dưỡng, giáo dục) để theo dõi nhanh tiến độ thực hiện các can thiệp PTTTTD tương ứng

Báo cáo, dự án

22,5%

(9/42 xã)

22,5% (2018)

Tỷ lệ trường mầm non/cơ sở giáo dục mầm non có hạ tầng NS-VS đáp ứng chuẩn quốc gia/chuẩn JMP8

Khảo sát đầu kỳ

Chưa có

50%

Mục tiêu ngắn hạn 4: Tạo ra và duy trì một môi trường hỗ trợ - tạo điều kiện để triển khai các can thiệp PTTTTD trong tỉnh

 

 

 

Có ban điều phối các cấp và cơ chế điều phối về PTTTTD ở tỉnh, các xã và huyện triển khai dự án

Báo cáo dự án

Chỉ có BCĐ công tác BVCSTE (1 ở cấp tỉnh, 3 ở cấp huyện và 09 ở cấp xã)

Củng cố, kiện toàn BCĐ công tác BVCSTE cấp tỉnh, huyện xã theo Luật trẻ em và quy định của BQL Dự án. (1 ở cấp tỉnh, 3 ở cấp huyện và 09 ở cấp xã)

Có kế hoạch hành động liên ngành PTTTTD của tỉnh cho giai đoạn 2018-2021 với ngân sách được phân bổ cho việc thực hiện kế hoạch này

Báo cáo dự án

Chưa có

Có (2018)

Có hệ thống giám sát để theo dõi tiến độ triển khai các mô hình PTTTTD

Báo cáo dự án

Có chỉ tiêu của từng ngành liên quan đến dự án để theo dõi, giám sát

Có (2018)

Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát chung của các hợp phần để đánh giá toàn diện mô hình PTTTTD

Mục tiêu ngắn hạn 5: Quản lý giám sát công tác triển khai hoạt động dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư

Báo cáo dự án và các đợt giám sát, đánh giá

 

Dự án thực hiện đúng tiến độ, giải ngân cao, đảm bảo quy định

V. MÔ TẢ DỰ ÁN

Các kết quả chính của dự án theo hợp phần hoặc các nhóm hoạt động chính, ước tính ngân sách phân bổ

Mục tiêu ngắn hạn 1: Đến năm 2021, phụ huynh, người chăm sóc và các thành viên cộng đồng tại các xã dự án có kiến thức, kỹ năng, tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn, và thực hành chăm sóc PTTTTD tại gia đình.

Kết quả 1: Có thông tin và dữ liệu phục vụ xây dựng, triển khai, theo dõi và đánh giá hiệu quả của các hoạt động truyền thông và phát triển về PTTTTD.

Các nhóm hoạt động:

1.1 Tiến hành các nghiên cứu định hướng9 (hồi cứu tư liệu, nghiên cứu kiến thức, thái độ và thực hành (KAP), nghiên cứu hành động có sự tham gia) để hiểu thực trạng chăm sóc trẻ 0-8 tuổi, gồm những khó khăn, rào cản chính, những nhân tố quyết định hành vi liên quan tới thực hành PTTTTD, nhất là các nhân tố khiến phụ huynh, người chăm sóc và cộng đồng không có nhu cầu sử dụng dịch vụ PTTTTD hoặc không thực hành chúng.

1.2 Xây dựng 1 khung GS&ĐG để theo dõi tiến độ các hoạt động truyền thông và truyền thông phát triển (C4D) để hỗ trợ PTTTTD.

1.3 Tiến hành theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động truyền thông và C4D để xác định kết quả và tác động.

Ngân sách ODA dự kiến: 57.996 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tnh Gia Lai thực hiện: 57.996 USD.

Kết quả 2: Một môi trường khuyến khích, hỗ trợ cho các thực hành mới PTTTTD lành mạnh trong cộng đồng được xây dựng.

Các nhóm hoạt động:

1.4 Tổ chức 1 chiến dịch truyền thông đại chúng ở địa phương (ví dụ đăng trên ti vi, radio, các công nghệ số tương tác, truyền thông xã hội và truyền thông giấy (ấn bản), loa phát thanh), chuyển thể/điều chỉnh theo bối cảnh địa phương nếu cần.

1.5 Tổ chức các hoạt động/sự kiện để huy động hỗ trợ và sự tham gia của cộng đồng như các diễn đàn cộng đồng; họp cán bộ địa phương, kết nối cùng với hoạt động của các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực PTTTTD tại địa phương

1.6 Củng cố các mạng lưới PTTTTD đưa vào thôn bản (các mạng lưới không chính thống, ví dụ lãnh đạo cộng đồng/người đứng đầu tôn giáo/người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng) để đưa những người tham gia truyền thông lại với nhau nhằm giải quyết những vấn đề về kiến thức, niềm tin và hành vi có liên hệ với PTTTTD.

1.7 Xây dựng các nhân tố tích cực làm nòng cốt cho sự thay đổi thực hành mới trong cộng đồng; các hoạt động biểu dương cá nhân có thực hành tốt như những tấm gương tốt cho cộng đồng noi theo.

Ngân sách ODA dự kiến: 312.744 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 312.744 USD.

Kết quả 3: Trẻ em, phụ huynh, người chăm sóc trẻ và thành viên trong cộng đồng có kiến thức và kỹ năng để áp dụng các thực hành PTTTTD lành mạnh.

Các nhóm hoạt động:

1.8 Xây dựng và triển khai dự án dạy kỹ năng làm cha mẹ đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện và kỷ luật phi bạo lực phù hợp với văn hóa địa phương, bao gồm xây dựng tài liệu hướng dẫn và tập huấn PTTTTD.

1.9 Triển khai các hoạt động truyền thông giữa các cá nhân về làm cha mẹ theo hướng đáp ứng và các hành vi PTTTTD chủ chốt khác cho các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ ở cấp độ gia đình và cấp thôn, thông qua các cộng tác viên y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội (ở cấp xã).

1.10 Tổ chức các hoạt động truyền thông dựa trên các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống địa phương để tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong PTTTTD (ví dụ vẽ tranh tường, ca múa nhạc, thể thao và các sự kiện cộng đồng…).

1.11 Hỗ trợ các CLB trẻ em, các sáng kiến huy động sự tham gia của trẻ vào PTTTTD, bao gồm các kỹ năng phòng chống bạo lực đối với trẻ và xây dựng các kỹ năng tình cảm xã hội.

1.12 Tổ chức các vở kịch có sự tham gia, có áp dụng các công nghệ hiện đại (công nghệ số để tăng cường các tương tác thúc đẩy PTTTTD.

Ngân sách ODA dự kiến: 383.080 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia lai thực hiện: 383,080 USD.

Mục tiêu ngắn hạn 2: Đến năm 2021, nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các sở, ngành liên quan đến PTTTTD

Kết quả 1: Nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các sở ngành tại địa phương đối với các dịch vụ thiết yếu cơ bản về PTTTTD.

Các nhóm hoạt động:

2.1. Hỗ trợ xây dựng và triển khai dự án tập huấn thiết yếu về thực hành cho trẻ tương tác tích cực với môi trường nhằm giúp trẻ phát triển bộ não sớm hơn, tốt hơn10 cho các cộng tác viên PTTTTD cấp xã và thôn bản. Gói nội dung tập huấn này sẽ được điều chỉnh từ dự án chuẩn của UNICEF-WHO năm 2012

2.2. Hỗ trợ nâng cao năng lực về các kỹ năng thực hiện cho các mạng lưới cộng tác viên địa phương tham gia hoạt động giáo dục cha mẹ về các chủ đề liên quan đến PTTTTD.

2.3 Hỗ trợ chính quyền địa phương (cấp xã, huyện và tỉnh) thiết lập mạng lưới các cộng tác viên PTTTTD tuyến cơ sở và trở thành những thành viên chủ chốt của cộng đồng thúc đẩy kiến thức và thực hành về PTTTTD. Mạng lưới cộng tác viên (CTV) PTTTTD này gồm có các CTV thôn/bản như nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế/dinh dưỡng hoặc CTV gia đình, nhân viên bảo vệ trẻ em hoặc giáo viên mầm non.

2.4 Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ của các bên tham gia dự án để phát hiện các nhóm trẻ nhỏ dễ bị tổn thương từ các dịch vụ trợ giúp xã hội/hỗ trợ xã hội có liên kết với các dịch vụ PTTT.

Ngân sách ODA dự kiến: 128.112 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 128.112 USD.

Kết quả 2: Nâng cao năng lực cán bộ thuộc hệ thống bảo vệ trẻ em ở địa phương và nhân viên xã hội và các bên tham gia trong phòng chống và ứng phó với các vấn đề bảo vệ trẻ em.

Các nhóm hoạt động:

2.5 Xây dựng hướng dẫn và tập huấn quản lý trường hợp để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em và cung cấp dịch vụ PTTTTD.

2.6 Triển khai tập huấn và nâng cao năng lực về chăm sóc thay thế tại cộng đồng phù hợp với Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

2.7 Xây dựng và triển khai tập huấn cho cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên xã hội và cán bộ cộng đồng về phương pháp làm cha mẹ tích cực và giáo dục phi bạo lực tại gia đình.

2.8 Xây dựng và triển khai tập huấn cho cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên xã hội và cán bộ trong các lĩnh vực liên quan về cung cấp dịch vụ BVTE và công tác xã hội.

Ngân sách ODA dự kiến: 172.072 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 172.072 USD.

Kết quả 3: Nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục mầm non và các đối tác liên quan khác có trách nhiệm đối với lĩnh vực ưu tiên của giáo dục mầm non.

Các nhóm hoạt động:

2.9 Hỗ trợ xây dựng năng lực, kỹ thuật và dịch vụ mới để cải thiện giáo dục trẻ thơ, phát hiện sớm các biểu hiện chậm phát triển, tình trạng khuyết tật của trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và cung cấp các can thiệp giáo dục sớm nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ ngay từ những năm đầu đời tại các cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ các bậc cha mẹ để họ sẵn sàng ủng hộ quá trình học tập của trẻ em tại nhà.

2.10 Hỗ trợ tập huấn cho 300 giáo viên, người giữ trẻ tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo trong thôn bản, các nhóm trẻ gia đình và các nhóm trẻ độc lập tư thục tại ít nhất 9 xã về dạy học phù hợp với văn hóa địa phương, tăng cường giáo dục bình đẳng giới, phát triển kỹ năng tình cảm - xã hội trong giáo dục mầm non.

2.11 Hỗ trợ tập huấn về nâng cao năng lực lập kế hoạch giáo dục và cải thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục có sự tham gia của cộng đồng để phân tích nhằm hạn chế tỉ lệ nhập học, bỏ học và lưu ban của trẻ em trong làng, lưu ý các vấn đề về giới và khuyết tật.

2.12 Nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập và tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên mầm non, đặc biệt là về giáo dục hòa nhập cho trẻ em dân tộc và trẻ khuyết tật.

2.13 Hỗ trợ các sáng kiến chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng chuyển tiếp vào lớp 1 và các sáng kiến dựa vào cộng đồng để đáp ứng các ưu tiên về giáo dục, ví dụ, như thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng tại một số trường mầm non trên địa bàn dự án.

2.14 Hỗ trợ các chuyến tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình giáo dục mầm non, tiểu học trong nước và quốc tế.

Ngân sách ODA dự kiến: 154.488 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 154.488 USD.

Kết quả 4: Nâng cao năng lực của hệ thống y tế và các bên tham gia trong cung cấp các dịch vụ PTTTTD về y tế, dinh dưỡng, NS-VS (CSD) ở cấp cộng đồng và cấp hộ gia đình trên địa bàn dự án.

Các nhóm hoạt động:

2.15 Tiến hành tập huấn cơ bản cho 500 cán bộ y tế và cán bộ làm công tác xã hội cấp thôn/bản và cấp xã tại 09 xã triển khai dự án về nội dung tư vấn cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ (IYCF) kết hợp với nội dung thực hành cho trẻ tương tác sớm giúp phát triển não sớm khi trẻ 0-3 tuổi.

2.16 Tổ chức tập huấn cho 300 giáo viên địa phương/giáo viên trường dân tộc/các cô nuôi dạy trẻ không chuyên đang làm việc tại các cơ sở, điểm nhà trẻ hoặc các nhóm trẻ trong cộng đồng hoặc giáo viên mẫu giáo tại các xã dự án về các thực hành phổ biến về tế, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và chăm sóc dựa theo nhu cầu cho trẻ nhỏ.

2.17 Hỗ trợ tập huấn và triển khai các can thiệp dinh dưỡng đặc thù có bằng chứng cao về hiệu quả tác động cho trẻ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (thực hành chăm sóc sơ sinh, quản lý điều trị trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính; bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ phòng ngừa thiếu máu) trên các xã dự án, bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và phụ nữ tiền thai tại các xã điểm dự án.

2.18 Hỗ trợ tập huấn các nội dung cập nhật của hoạt động tiêm chủng, nhất là các tập huấn thực hiện hệ thống báo cáo tiêm chủng online đang cần áp dụng trong cả nước theo quy định của BYT.

2.19 Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về các dịch vụ NS-VS (được quản lý) an toàn tại các điểm trông trẻ, trường mầm non và tiểu học, gồm cả quản lý và vận hành, xử lý nước uống, rửa tay với xà phòng và các mô hình NS-VS chi phí thấp.

2.20 Tiến hành nghiên cứu định hướng để cung cấp thêm đầu vào cho quá trình xây dựng dự án, đặc biệt là thiết kế các dịch vụ y tế, dinh dưỡng và NS-VS trong khuôn khổ dự án PTTTTD (có thể phối hợp cùng các nghiên cứu khác).

2.21 Hỗ trợ các chuyến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề y tế, dinh dưỡng, NS-VS trong nước và quốc tế.

Ngân sách ODA dự kiến: 135.648 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 135.648 USD.

Mục tiêu ngắn hạn 3: Đến năm 2021, có các dịch vụ PTTTTD tối thiểu với chất lượng chấp nhận được cho phụ huynh, người chăm sóc và trẻ em tại các địa bàn dự án

Kết quả 1. Phát triển được các dịch vụ liên quan tới bảo vệ trẻ em PTTTTD chất lượng cao ở địa bàn dự án

Các nhóm hoạt động:

3.1 Thành lập và duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng lồng ghép trong hệ thống các dịch vụ PTTTTD. Bao gồm quản lý trường hợp chuyên nghiệp và chuyển gửi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình tới các dịch vụ PTTT và các dịch vụ xã hội.

3.2 Xây dựng cơ sở trợ giúp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) ở mỗi huyện dự án đảm bảo cung cấp các dịch vụ CTXH và quản lý trường hợp. Cơ sở trợ giúp dịch vụ CTXH cấp huyện cũng sẽ đảm bảo vai trò là cơ sở nguồn cho các dịch vụ PTTTTD ở địa phương (thí điểm tại một huyện dự án trong giai đoạn đầu).

3.3 Tăng cường vai trò điều phối và hỗ trợ kỹ thuật về các dịch vụ CTXH của Trung tâm bảo trợ xã hội và công tác xã hội cấp tỉnh, bao gồm cả tư vấn về các dịch vụ PTTT cho cấp huyện.

3.4 Hỗ trợ thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu về chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các Trung tâm bảo trợ xã hội. Hoạt động này gồm việc phối hợp với ngành y tế và ngành giáo dục để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn về y tế, dinh dưỡng NS-VS và giáo dục cho trẻ em sống tại các cơ sở.

3.5 Hỗ trợ triển khai chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng và gia đình (chăm sóc nhận nuôi và chăm sóc ban ngày11) cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và những trẻ em không có sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. hoạt động này gồm cả mô hình chăm sóc ban ngày PTTTTD cho trẻ khuyết tật nặng và không thể theo học ở trường phổ thông. Phối hợp với ngành giáo dục để thúc đẩy tối đa khả năng học tập của trẻ. Ngoài ra, việc kết nối mô hình này với Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập (nếu Trung tâm này được thành lập tại Gia Lai sẽ là một ưu tiên).

Ngân sách ODA dự kiến: 129.368 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 129.368 USD.

Kết quả 2: Củng cố các dịch vụ liên quan tới giáo dục/học tập sớm phù hợp và có tính đáp ứng tại địa bàn dự án

Các nhóm hoạt động:

3.6 Hỗ trợ xây dựng các mô đun và hướng dẫn tập huấn về giáo dục âm nhạc và văn hóa trong học tập sớm, lồng ghép các mô đun trong dự án giáo dục mầm non (kể cả các nhóm trẻ gia đình và trung tâm/nhà trẻ)12 ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, phối hợp chặt chẽ với cấp trung ương, tỉnh và huyện.

3.7 Hỗ trợ trình diễn mô hình mà qua đó, học tập sớm, giáo dục tại nhà, giáo dục mầm non và các hoạt động tương tác giữa trẻ với trẻ được coi là các điểm bắt đầu PTTTTD tại cộng đồng, bao gồm các sáng kiến. Giúp trẻ chuyển tiếp tốt hơn từ môi trường điểm trường ở làng sang trường chính và bắt đầu đi học tiểu học.

3.8 Hỗ trợ giáo viên hướng dẫn cha mẹ làm đồ chơi giáo dục chi phí thấp, sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương. Những hoạt động làm đồ chơi này là một cách tăng cường sự quan tâm và tham gia của cha mẹ trẻ em vào quá trình giáo dục trẻ em.

3.9 Hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật và vui chơi ngoài trường học do trẻ có ít cơ hội tham gia vào những hoạt động này bên ngoài cơ sở giáo dục. Dự án sẽ xác định các cá nhân trong mạng lưới PTTDTD có khả năng làm việc với các nhóm trẻ để triển khai các hoạt động giải trí và hoạt động xã hội cho trẻ em trong làng.

Ngân sách ODA dự kiến: 126.228 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thc hiện: 126.228 USD.

Kết quả 3: Các dịch vụ thiết yếu về y tế, dinh dưỡng, NS-VS liên quan đến PTTTTD được thiết lập với chất lượng chấp nhận được tại các hệ thống cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ, trẻ em, người chăm sóc trẻ em và trẻ nhỏ trên địa bàn dự án (CSD)

Các nhóm hoạt động:

3.10 Hỗ trợ tiến hành giáo dục làm cha mẹ và các hoạt động tư vấn về chăm sóc toàn diện (y tế, dinh dưỡng, NS-VS, chăm sóc trẻ sớm và chăm sóc theo hướng đáp ứng) cho phụ nữ mang thai, các phụ huynh có con sơ sinh và con nhỏ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời tại các trạm y tế địa phương và các cơ sở liên quan tại 9 xã triển khai dự án.

3.11 Hỗ trợ triển khai các can thiệp y tế, dinh dưỡng có bằng chứng về hiệu quả cho trẻ nhỏ và phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ thiếu dinh dưỡng, gồm cả IMAM cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi bị SDD nặng cấp tính, các dịch vụ ngoại trú, nội trú, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em 6-23 tháng tuổi và phụ nữ mang thai để phòng tránh thiếu vi chất dinh dưỡng tại các xã dự án.

3.12 Hỗ trợ các hoạt động đưa gói dịch vụ lồng ghép y tế dinh dưỡng đến sát các cụm dân cư thuộc địa bàn khó khăn xa xôi cách trở thiếu nhân viên y tế.

3.13 Hỗ trợ triển khai các dịch vụ mới về phát hiện, phục hồi và chuyển gửi sớm đối với trẻ khuyết tật tại các xã dự án.

3.14 Phối hợp với các cơ sở, các điểm nhà trẻ mẫu giáo địa phương, triển khai sử dụng biểu đồ theo dõi sức khỏe và theo dõi các chỉ số phát triển của trẻ tại khoảng 30 điểm nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ (gia đình) thuộc các xã dự án.

3.15 Hỗ trợ cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế, dinh dưỡng trong hệ thống trường mầm non và tiểu học (dinh dưỡng và chế độ ăn học đường, tẩy giun, y tế, vệ sinh cá nhân).

3.16 Hỗ trợ thúc đẩy thực hành vệ sinh cá nhân tại gia đình, vệ sinh môi trường tại tất cả các cộng đồng và các trường mầm non ở địa bàn dự án; hỗ trợ phát huy nhà tiêu hợp vệ sinh trong các hộ gia đình, cộng đồng và trường học ở địa bàn dự án.

3.17 Hỗ trợ triển khai hoạt động vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS)/vệ sinh tổng thể do học sinh làm chủ (SLTS) và công nhận chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, xử lý và trữ nước hộ gia đình. Hỗ trợ tăng cường quản lý và vận hành các hệ thống cấp nước.

3.18 Tập huấn xây dựng năng lực cho địa phương về huy động xã hội trong sử dụng nước sạch và xử lý nước sạch, tích trữ nước an toàn tại hộ gia đình.

3.19 Hỗ trợ mua sắm các sản phẩm dinh dưỡng và y tế thiết yếu để duy trì cung cấp dịch vụ vì sự sống còn và phát triển của trẻ theo kế hoạch tại các cơ sở PTTTTD liên quan trên địa bàn dự án.

3.20 Hỗ trợ giám sát các hoạt động và can thiệp liên quan tới sự sống còn và phát triển của trẻ ở cấp cơ sở.

Ngân sách ODA dự kiến: 135.648 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 135.648 USD.

Kết quả 4: Cung cấp các sản phẩm và thiết bị thiết yếu liên quan tới triển khai dịch vụ PTTTTD cụ thể như mua sắm/cấp phát các vật tư để phục vụ các dịch vụ PTTTTD tại địa bàn dự án.

Các nhóm hoạt động:

3.21 Hỗ trợ mua sắm các sản phẩm thiết yếu để duy trì dịch vụ PTTTTD tối thiểu ở các cơ sở PTTTTD (sản phẩm y tế, dinh dưỡng cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe, thiết bị giáo dục cho Trung tâm PTTTTD của bản và thư viện dựa vào cộng đồng, nhóm trẻ gia đình, sản phẩm cho các ban bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng) tại 09 xã thuộc 3 huyện.

3.22 Hỗ trợ xây dựng một số mô đun m-PTTTTD để theo dõi tiến độ thực hiện PTTTTD tại 09 xã thuộc 3 huyện, gồm các dự án tập huấn cho khoảng 400 cán bộ kỹ thuật m-PTTTTD ở các thôn/bản và dự án tập huấn cho các cán bộ giám sát m-PTTTTD ở cấp xã, huyện và tỉnh. Mua sắm va cung cấp thiết bị m-PTTTTD tối thiểu để vận hành các mô đun m-PTTTTD được thiết kế và lập báo cáo m-PTTTTD.

Ngân sách ODA dự kiến: 113.668 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 113.668 USD.

Mục tiêu ngắn hạn 4: Đến năm 2021, tạo ra và duy trì một môi trường hỗ trợ, tạo điều kiện để triển khai các can thiệp PTTTTD trong tỉnh.

Kết quả 1: Cải thiện hệ thống dữ liệu để giám sát và theo dõi tiến độ kết quả phát triển trẻ em và củng cố cơ sở bằng chứng nhằm hỗ trợ đầu tư vào PTTTTD trong tỉnh.

Các nhóm hoạt động:

4.1. Tiến hành khảo sát/nghiên cứu/đánh giá sơ bộ, kể cả các khảo sát/nghiên cứu/đánh giá liên quan khác về các vấn đề PTTTTD để có hiểu biết toàn diện về các nhóm trẻ nguy cơ, hiểu các yếu tố rào cản cản trở sự tiếp cận của trẻ đến PTTTTD, kể cả điều kiện kinh tế nói chung, kiến thức, thái độ và thực hành của gia đình.

4.2 Tiến hành các điều tra đầu, giữa và cuối kỳ để đo lường tiến độ và kết quả của dự án.

4.3 Tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt từ các mô hình PTTTTD để phục vụ mục đích nhân rộng.

4.4 Xâu dựng năng lực về thu thập số liệu đa ngành, giám sát và viết báo cáo cho các chỉ số bảo vệ trẻ em.

4.5 Xây dựng bộ các chỉ số giám sát chung và các hợp phần phục vụ theo dõi giám sát và đánh giá và can thiệp PTTTTD tối thiểu.

4.6 Lập sơ đồ các đề án bảo trợ xã hội/trợ giúp xã hội (SP/SA) và các dịch vụ PTTTTD, các bên tham gia liên quan. Phân tích chính sách và khoảng trống thể chế trong những liên kết này.

4.7 Tài liệu hóa kinh nghiệm và bằng chứng về trợ giúp xã hội toàn diện và nhạy cảm với trẻ em để cung cấp thông tin đầu và cho quá trình ra quyết định khi triển khai đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, 1 đề án PTTTTD quốc gia và xây dựng luật trợ giúp xã hội.

Ngân sách ODA dự kiến: 140.672 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tnh Gia Lai thực hiện: 140.672 USD.

Kết quả 2: Củng cố chính sách, cấu trúc quản trị và quy trình áp dụng của địa phương trong cung cấp dịch vụ PTTTTD (gồm cả các cơ chế về tài chính).

Các nhóm hoạt động:

4.8 Thành lập và hỗ trợ hoạt động Ủy ban quyền trẻ em nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo, điều phối việc lập kế hoạch, thực hiện và giám sát dự án PTTTTD ở các cấp. Xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy chế hoạt động của Ủy ban, ở đó nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các ban ngành, tổ chức trong việc thực hiện dự án PTTTTD.

4.9 Hỗ trợ lập kế hoạch hành động PTTTTD của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021, triển khai kế hoạch này sẽ là trách nhiệm chủ yếu của Ban quản lý dự án (PMU) về hoạt động PTTTTD của tỉnh trong giai đoạn 2017-2021.

4.10 Hỗ trợ xác định các thiếu hụt về chính sách (tuyển dụng, phát triển nghề nghiệp, chính sách cho giáo viên mầm non vùng dân tộc thiểu số) để xây dựng chính sách phù hợp.

4.11 Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chính sách địa phương và các văn bản pháp lý liên quan do UBND tỉnh ban hành để tăng nguồn lực và thúc đẩy sự phối hợp giữa các ban, ngành trong quá trình tiến hành các hoạt động PTTTTD ở Gia Lai.

4.12 Vận động để tỉnh cam kết và ủng hộ việc tăng phân bổ ngân sách cho hoạt động bảo vệ trẻ em và sử dụng ngân sách cho PTTTTD.

4.13 Vận động sự cam kết và hỗ trợ từ phía tỉnh để tăng cường điều phối và hợp tác giữa các mạng lưới của các ngành, kể cả ở cấp cơ sở. Hoạt động này gồm: xây dựng các chính sách của địa phương, cơ chế và hướng dẫn liên quan để góp phần tăng hiệu quả và hiệu suất của các hoạt động PTTTTD và duy trì các hoạt động này sau khi dự án kết thúc.

4.14 Để kết nối với dự án PTTTTD ở trung ương do các bộ, ngành liên quan triển khai, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng bộ chỉ số PTTTTD tối thiểu, dựa vào các dịch vụ PTTTTD cụ thể được ưu tiên đầu tư tại Gia Lai/tập trung trong dự án Gia Lai cũng như dựa trên cơ sở lý luận của các hoạt động can thiệp lựa chọn. Bộ chỉ số này cũng là nền tảng cho hoạt động theo dõi giám sát kết quả các hoạt động của dự án.

4.15 Hỗ trợ thiết lập hệ thống giám sát và báo cáo liên ngành của tỉnh, do Sở LĐ-TB&XH điều phối kỹ thuật, phối hợp với các ngành khác và phù hợp với hệ thống giám sát và báo cáo cấp quốc gia để theo dõi những thay đổi về PTTTTD.

4.16 Hỗ trợ các chuyến tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế cho các đối tác ở Gia Lai.

4.17 Thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương để phát hiện những “lỗi/vấn đề” hoặc rào cản, gồm cả rào cản tài chính (xã hội hóa) khiến trẻ nhỏ không được tiếp cận các trợ giúp xã hội và các dịch vụ PTTTTD và để tìm ra những giải pháp, cơ chế tiềm năng nhằm vượt qua những “lỗi/vấn đề” hoặc rào cản đó.

4.18 Nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của giải pháp hỗ trợ tiền mặt trong trợ giúp xã hội toàn diện đối với trẻ nhỏ - như một khoản đầu tư để phòng chống nghèo trẻ em đa chiều (MDCP), phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo nhiều thế hệ và thúc đẩy phát triển con người.

4.19 Vận động và sử dụng ngân sách địa phương để triển khai thử phương pháp hỗ trợ xã hội bằng tiền mặt tại một số xã điểm của dự án trong các hoạt động cho trợ giúp xã hội (gói lợi ích cho trẻ).

4.20 Vận động sử dụng hướng dẫn về lập kế hoạch phát triển KT-XH, lập kế hoạch ngân sách chú ý đến trẻ em để cải thiện hoạt động lập kế hoạch và lên ngân sách cho PTTTTD.

4.21 Hỗ trợ lập bản đồ ngôn ngữ giáo dục mầm non và bản đồ các can thiệp/mô hình/sáng kiến PTTTTD cho trẻ em dưới 4 tuổi ở Gia Lai (Chính phủ, LHQ, tổ chức xã hội và khu vực tư nhân).

Ngân sách ODA dự kiến: 100.000 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD

- Do UBND tnh Gia Lai thực hiện: 100.000 USD.

Mục tiêu ngắn hạn 5: Quản lý giám sát công tác triển khai hoạt động dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Kết quả 1: Hỗ trợ điều phối và hành chính, vận hành và quản lý cho Văn phòng Ban quản lý dự án tỉnh Gia Lai.

Các nhóm hoạt động:

5.1. Quản lý dự án bao gồm họp lập kế hoạch và báo cáo tiến độ triển khai hoạt động dự án hàng quý và hàng năm, giám sát hoạt động, kiểm điểm đánh giá dự án hằng năm, đánh giá giữa chu kỳ năm 2019 và cuối chu kỳ năm 2021.

5.2. Phối hợp cùng với UNICEF tiến hành các hoạt động vận động đủ vốn để thực hiện các hoạt động theo kế hoạch, đạt các mục tiêu đề ra

Ngân sách ODA dự kiến: 47.580 USD, trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 0 USD.

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 47.580 USD.

Ngoài ra, Gia Lai cũng có đóng góp vốn đối ứng để triển khai mục tiêu này. Chi tiết kinh phí vốn đối ứng trong phụ lục 1 đính kèm văn bản này.

Kết quả 2: UNICEF đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật chất lượng

Các nhóm hoạt động:

UNICEF đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật chất lượng để đạt được mục tiêu của dự án: Văn phòng UNICEF, thông qua các cán bộ của văn phòng sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật quan trọng và chất lượng cao để hỗ trợ việc đạt được các kết quả dự kiến của dự án bao gồm: (i) thực hiện chức năng nhiệm vụ của UNICEF trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên của LHQ; (ii) hỗ trợ tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện dự án; (iii) hỗ trợ quản lý chương trình hợp tác giữa Gia Lai và UNICEF, bao gồm lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá dự án; (iv) huy động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các đối tác trong nước và quốc tế cho dự án. Các hoạt động này do Văn phòng UNICEF thực hiện thông qua sự đóng góp của 04 chuyên gia quốc tế, 06 chuyên gia trong nước, 01 trợ lý chương trình và các thành viên khác của Chương trình Vì sự sống còn của trẻ em, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chính sách xã hội và quản trị truyền thông và các cán bộ khác của Văn phòng UNICEF Việt Nam. Chi phí hỗ trợ kỹ thuật được trực tiếp quản lý và thực hiện bởi UNICEF là 1.266.046 USD được tính dựa trên cơ sở khối lượng công việc ước tính của các nhân viên của chương trình UNICEF để xác định thời gian làm việc dự kiến của họ trong các hoạt động tương ứng của dự án. Chi phí dự toán được áp dụng cho dự án sẽ được phản ánh trong kế hoạch hoạt động và ngân sách hàng năm của dự án thuộc dòng ngân sách riêng là “Hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF”.

Kinh phí dự kiến: 1.266.046 USD , trong đó:

- Do UNICEF thực hiện: 1.266.046 USD.

- Do UBND tỉnh Gia Lai thực hiện: 0 USD

VI. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

1. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp: Trẻ em từ lúc còn trong bụng mẹ tới khi 8 tuổi, phụ nữ mang thai tại 9 xã của 3 huyện (KBang, Krông Pa và Mang Yang) của tỉnh Gia Lai. Để tiếp cận hiệu quả với nhóm này, các can thiệp tổng thể sẽ tập trung vào các bậc phụ huynh, thành viên gia đình và người chăm sóc trẻ tại địa bàn triển khai chương trình.

2. Đối tượng thụ hưởng gián tiếp: Các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội tại địa phương cũng như các cộng tác viên PTTTTD, cán bộ y tế/dinh dưỡng, thầy cô giáo, trưởng thôn/bản và cán bộ các cơ quan liên quan ở tỉnh, huyện, xã tại Gia Lai.

VII. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN, GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN

1. Kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết thực hiện dự án cho năm đầu tiên (Có phụ lục 1 kèm theo)

2. Kế hoạch giám sát và đánh giá dự án

- Cơ chế GS&ĐG: GS&ĐG là một lĩnh vực quan trọng của dự án, Chính phủ và UNICEF sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa vào kết quả để đảm bảo đầu vào và các quá trình sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất và kết quả mong muốn. Một phương pháp tiếp cận toàn diện về lập kế hoạch và GS&ĐG sẽ được áp dụng trong dự án hợp tác quốc gia 2017-2021 và trong khuôn khổ Một Kế hoạch và Một LHQ rộng hơn. Trong khuôn khổ dự án này, Giám đốc PPMU là người có trách nhiệm cao nhất trong lập kế hoạch GS&ĐG và kế hoạch hàng năm/nhiều năm.

Tiến độ nhằm đạt được kết quả các hoạt động, kết quả đầu ra và tác động của dự án do UNICEF hỗ trợ sẽ được giám sát và đo lường thường xuyên dựa vào các bộ chỉ số và mục tiêu đã được xác định trước nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu của dự án và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Trong quá trình triển khai dự án và thực hiện các kế hoạch hàng năm/nhiều năm, cán bộ UNICEF, Giám đốc PPMU và các thành viên PPMU sẽ thường xuyên liên lạc, trao đổi. Về mặt GS&ĐG, việc thường xuyên liên lạc, trao đổi này sẽ giúp đảm bảo chất lượng các hoạt động được triển khai và khi cần, có thể tiến hành các hành động điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.

Một số công cụ GS&ĐG có thể sử dụng gồm: khảo sát ngành và khảo sát của Chính phủ, các nghiên cứu, phân tích tình hình, đánh giá định kỳ chung, các chuyến giám sát thực địa và đánh giá độc lập. Nhằm thường xuyên đảm bảo chất lượng triển khai, có 4 loại hình hoạt động GS&ĐG sau sẽ được áp dụng:

● Giám sát do PPMU thực hiện: Giám sát dự án là chức năng thường ngày của PMU nhằm theo dõi tiến độ triển khai dự án và khi cần thiết sẽ áp dụng các giải pháp điều chỉnh.

● Đánh giá định kỳ: Là một phần của hoạt động giám sát dự án thường xuyên, UNICEF và PPMU, NIP và CIP sẽ đánh giá tiến độ thực hiện dựa trên mục tiêu, đầu ra và hoạt động như nêu trong kế hoạch hoạt động năm/nhiều năm. Các cuộc họp đánh giá hàng quý sẽ được tổ chức dựa trên các hoạt động theo kế hoạch tương ứng trong kế hoạch năm/nhiều năm. Các cuộc họp này sẽ tập trung vào những vấn đề về thời gian, ngân sách, hoạt động, đầu ra, mục tiêu và các khó khăn trong quá trình hoàn thành những mục tiêu đã lên kế hoạch.

● Các chuyến giám sát hoạt động thực địa: Những chuyến giám sát này là một phần của hoạt động giám sát dự án thường qui do NIP, CIP, PPMU và UNICEF tiến hành. Sau mỗi chuyến giám sát, NIP và PPMU sẽ xem xét các kết quả và có các hành động tiếp theo nếu cần.

● Kiểm tra tài chính tại chỗ: Đánh giá định kỳ tại thực địa do UNICEF tiến hành để đánh giá tình hình thực hiện các quá trình kiểm soát nội bộ của NIP và độ chính xác của sổ sách tài chính do PPMU duy trì ghi chép. Việc này có vai trò quan trọng để đảm bảo quản lý chất lượng của hỗ trợ tiền mặt và hàng hỗ trợ.

● Trong năm 2019, sẽ có 01 đánh giá giữa kỳ (MTR) để tổng kết tiến độ thực hiện dự án và có các điều chỉnh nếu cần.

VIII. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Cấu trúc tổ chức

Theo Nghị định 16/2016/NĐ-CP, HPPMG và trên cơ sở mức độ phức tạp của dự án về hỗ trợ kỹ thuật, quản lý và điều phối đa ngành, đối tác cấp quốc gia của dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ dự án là Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan đồng thực hiện (CIP) trong dự án này là các sở liên quan, bao gồm: Sở LĐTB&XH, Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, các xã thực hiện dự án và các cơ quan liên quan khác được xác định trong quá trình triển khai. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án sẽ tham vấn chặt chẽ với các bộ liên quan, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tương tự như các CIP tham gia vào các can thiệp liên quan, trong suốt quá trình triển khai dự án.

2. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án

Theo Nghị định 16/2016/NĐ-CP, Thông tư 12/2016/TT-BKHĐT và HPPMG, dự án sẽ thành lập một Ban quản lý dự án cấp tỉnh (PPMU); thành phần PPMU gồm: Giám đốc dự án là một PGĐ Sở KH&ĐT, 01 PGĐ dự án chuyên trách (nếu có), các thành viên là Phó Giám đốc các sở: Sở LĐTB&XH, Sở Y tế, Sở GD&ĐT. Trong đó Giám đốc và kế toán trưởng của Ban quản lý dự án phải là cán bộ thuộc biên chế của chủ dự án; các thành viên Ban quản lý dự án được điều động từ các sở, ngành phải được sự nhất trí bằng văn bản của sở, ngành đó.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai sẽ quyết định thành lập Ban quản lý dự án trên cơ sở đề xuất của chủ dự án và tham mưu của Sở Nội vụ. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ PPMU bằng cách chỉ đạo, đảm bảo hỗ trợ kịp thời để triển khai dự án thuận lợi áp dụng các chính sách và quyết định chiến lược khác để vận động nguồn lực (nhân lực, vật lực) nhằm nhân rộng các phương pháp tiếp cận được trình diễn trong dự án.

Nhiệm vụ của Ban quản lý dự án có trách nhiệm:

+ Quản lý dự án và điều phối dự án, tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch hoạt động năm hoặc kế hoạch hoạt động tổng thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các thành viên PPMU sẽ chịu trách nhiệm điều phối, quản lý và triển khai dự án của tiểu ban mình phụ trách hàng ngày. Hàng tháng PPMU họp để đánh giá tình hình và điều chỉnh (nếu cần) đồng thời báo cáo cho cơ quan chủ quản và chủ dự án để quản lý, điều hành.

+ Giám đốc dự án sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo và đưa ra định hướng chiến lược trong quản lý, triển khai, GS&ĐG dự án. Cụ thể, Giám đốc dự án sẽ hướng dẫn cách duy trì và nhân rộng kết quả của dự án phù hợp.

+ Giám đốc Ban quản lý dự án lựa chọn, thuê tuyển cán bộ từ bên ngoài vào làm việc cho Ban quản lý dự án gồm: chuyên gia tư vấn, nhân sự hành chính, cán bộ tài chính và cán bộ chuyên môn phải được quy định cụ thể trong Hợp đồng trách nhiệm, điều khoản giao việc phù hợp với nhiệm vụ Văn kiện dự án đã được cơ quan chủ quản phê duyệt và thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

+ Phó Giám đốc chuyên trách dự án (nếu có) và các thành viên PPMU sẽ chịu trách nhiệm quản lý, điều phối, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động thường nhật của dự án trong phạm vi phụ trách, đảm bảo sự điều phối và kết nối giữa các cơ quan, sở ngành với các huyện của dự án để tối đa hóa kết quả can thiệp của dự án.

+ Lãnh đạo các sở tham gia vào PPMU được UBND tỉnh phân công nhiệm vụ sẽ chịu trách nhiệm vận động đủ nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính từ cơ quan mình để triển khai các can thiệp liên quan của dự án. Giám đốc PPMU sẽ phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, sở ngành là thành viên PPMU thành lập 1 tiểu ban PPMU tại mỗi cơ quan (cơ quan đồng thực hiện - CIP) và các đại diện của cơ quan đó là thành viên của PPMU sẽ là trưởng các tiểu ban này. Mỗi tiểu ban PPMU bao gồm: 01 thành viên của PPMU, 01 cán bộ chuyên môn và 01 cán bộ kế toán được cơ quan phân công kiêm nhiệm sẽ chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động đã được phê duyệt hàng ngày trong phạm vi chức năng của cơ quan mình, tuân thủ Hợp đồng trách nhiệm được ký giữa chủ dự án và các CIP theo quy định tại HPPMG và báo cáo định kỳ hàng tháng kết quả hoạt động cho PPMU.

+ Đối với các xã hưởng lợi từ dự án có trách nhiệm cử cán bộ xã tham gia vào dự án để theo dõi, triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án tại địa bàn xã mình phụ trách.

3. Tóm tắt quan hệ làm việc giữa các bên liên quan (cơ quan chủ quản, NIP và CIP, PPMU, UNCO, nhà thầu phụ và các bên tham gia khác trong quản lý và triển khai dự án

Đối tác Việt Nam trong dự án này là UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn tổng thể. NIP là chủ dự án, là Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh điều phối và quản lý dự án. Các CIP với tư cách là thành viên PPMU là các sở, ngành chịu trách nhiệm trước cơ quan thực hiện, NIP và Giám đốc PPMU về việc trực tiếp thực hiện các hoạt động của dự án. CIP sẽ phối hợp với NIP thông qua PPMU và UNICEF để lập kế hoạch, triển khai, giám sát và báo cáo các hoạt động dự án và các kết quả chính đạt được theo quy định giữa Chính phủ và UNICEF. Trong quá trình triển khai dự án, có thể xác định và mời các CIP mới tham gia dự án kịp thời với những mức độ trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình được nêu cụ thể.

Cấu trúc quản lý của dự án sẽ được thiết lập dựa vào cơ chế báo cáo của Chính phủ để đảm bảo sự nhất quán và tính bền vững. UNICEF sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình quản lý và triển khai dự án khi phù hợp. Trong trường hợp không có đủ khả năng chuyên môn, các đối tác thực hiện và UNICEF sẽ thuê nhà thầu để tiến hành các can thiệp, trên cơ sở thống nhất giữa các bên.

IX. TỔNG VỐN DỰ ÁN

1. Đối với vốn ODA

1.1. Vốn ODA không hoàn lại: 3.403.350 USD (do UNICEF trực tiếp thực hiện là 37,2%)

Trong đó:

a. Vốn ODA đã có sẵn: 991.350 USD

a.1. Vốn thường xuyên: 679.350 USD

a.2. Vốn đã vận động: 312.000 USD

b. Vốn sẽ vận động: 2.412.000 USD

1.2. Cơ chế tài chính: Cấp phát 100% vốn ODA không hoàn lại.

● Phần vốn viện trợ của UNICEF chuyển cho Gia Lai và do Gia Lai quản lý sẽ được thực hiện theo quy định quản lý tài chính trong nước và HPPMG.

● Phần vốn do UNICEF trực tiếp quản lý được thực hiện theo cơ chế tài chính của Nhà tài trợ. Gia Lai sẽ phối hợp tổng hợp và báo cáo với các cơ quan quản lý của Chính phủ Việt Nam.

2. Đối với vốn đối ứng:

- Bằng tiền mặt: 7.760.000.000 đồng Việt Nam; tương đương 340.335 USD; (có dự trù cụ thể kèm theo tại Phụ lục 2);

- Bằng hiện vật: Tương đương 500.000.000 đồng Việt Nam; tương đương 22.000 USD.

- Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cấp phát (HCSN): 7.760.000.000 đồng Việt Nam;

- Đóng góp cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn sẵn có trị giá 500.000.000 đồng Việt Nam.

UBND tỉnh cam kết bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và đóng góp thông qua sử dụng cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn sẵn có.

X. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC ĐỐI VỚI DỰ ÁN

Cơ chế cơ bản lập và thực hiện kế hoạch hoạt động, quản lý tài chính (gồm hình thức chuyển tiền/tài trợ được lựa chọn và đánh giá rủi ro bằng hướng dẫn HACT)

1. Cơ chế tài chính: Hình thức áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật được cấp phát từ ngân sách nhà nước.

2. Cơ chế xây dựng kế hoạch hoạt động

- Các cơ chế xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm/2 năm (AWP/BWP) thực hiện theo các quy định tại quy chế HPPMG.

- Các kế hoạch năm/2 năm của dự án sẽ do PPMU xây dựng với sự hỗ trợ của UNICEF. Kế hoạch hàng năm được xây dựng dựa trên báo cáo PIP này và phản ánh các hoạt động sẽ được triển khai kèm theo kinh phí trong khung thời gian của kế hoạch năm và các cơ quan thực hiện. Cơ quan thực hiện hoạt động được phân công trong kế hoạch năm hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình cho hoạt động đó. Kế hoạch năm sẽ được lãnh đạo UBND tỉnh và Văn phòng UNICEF phê duyệt. Thời gian cho bản kế hoạch năm thường là 12 tháng, tuy nhiên, có thể dao động tới 18 hoặc 24 tháng. Kế hoạch hoạt động hàng quý được xây dựng dựa trên kế hoạch năm đã được phê duyệt. Các đơn vị thực hiện sẽ chủ động xây dựng đề cương hoạt động và kinh phí chi tiết cho hoạt động do đơn vị phụ trách với sự hỗ trợ của PPMU và UNICEF. PPMU sẽ tổng hợp tất cả hoạt động của quý thông qua 01 bản kế hoạch quý (FACE form). Bản kế hoạch quý (FACE form) sẽ được Giám đốc PPMU phê duyệt và gửi cho UNICEF.

3. Cơ chế quản lý tài chính

- Dự án này tuân thủ các quy định về quản lý tài chính của Chính phủ đối với dự án ODA không hoàn lại và hướng dẫn qui trình tài chính của UN, đặc biệt là HPPMG, hướng dẫn chung UN-EU về định mức chi và tiếp cận hài hòa quản lý tài chính (HACT). Các văn bản này là tài liệu tham chiếu chính cho các qui tắc và qui định quản lý tài chính và hành chính để thực hiện Cam kết Hà Nội về tăng cường hiệu quả viện trợ, đơn giản hóa bộ máy quản lý dự án, giảm bớt các bước quản lý và chuyển tiền trung gian, đồng thời phù hợp với đặc thù của dự án (có nhiều đơn vị cùng tham gia dự án và một số đơn vị này đều có tài khoản riêng).

- PPMU sẽ mở tài khoản riêng để tiếp nhận kinh phí viện trợ để quản lý tài chính của dự án. Tài khoản mở tại Ngân hàng thương mại để tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của UNICEF. Tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn đối ứng của dự án. PPMU có trách nhiệm tiếp nhận kinh phí, quản lý tài chính, lưu giữ hồ sơ, chứng từ, thanh quyết toán với nhà tài trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam và theo yêu cầu của UNICEF.

Hóa đơn chứng từ của các hoạt động sẽ được ghi cho PPMU và dự án sẽ thực hiện các nghĩa vụ về thuế và các quy định về tài chính khác theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước và các cam kết của Chính phủ với UNICEF.

Văn kiện dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện dự án hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Ngoại giao;
- VP UNICEF Việt Nam;
- Sở Tài chính;
- Sở Ngoại vụ;
- Sở KH&ĐT;
- Sở: GD&ĐT, Y tế; LĐTB&XH;
- BQLDA PTTTTD (5b);
- Lưu VT-KT-VX;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hoàng

 

 

 



1 Phân tích tình hình trẻ em ở tỉnh Gia Lai, 2015 (UNICEF, tỉnh Gia Lai)

2 Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) 2014

3 self-sufficiency

4 National Programme on Early Childhood Development

5 Partnership Group on Disabilities

6 Viet Nam Consortium on Mental Health

7 Early stimulation

8 Dự án giám sát hợp tác giữa WHO và UNICEF về lĩnh vực cấp và xử lý nước

9 Formative research

10 Responsive care

11 respite daycare

12 curricular specific to home- or centre-based pre-schools

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1170/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 về phê duyệt Văn kiện dự án “Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai” do Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) tài trợ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


690

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.71.166
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!