Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 111/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Đặng Văn Minh
Ngày ban hành: 13/02/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 02 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 71/2022/TT-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2381/TTr-SVHTTDL ngày 21/12/2022 về việc đề nghị ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục Di sản văn hóa;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- BTT UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXthiên64

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, có từ lâu ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Bài chòi là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo, nghệ thuật diễn xướng mang tính ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất vừa mang đậm tính giáo dục về nhân cách, lối sống, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp.

Nghệ thuật Bài chòi là sản phẩm văn hóa tinh thần, là một đặc trưng quý báu vùng đất Trung bộ nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Bài chòi là sự sáng tạo thích nghi và trở thành một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu, đầy tính ngẫu hứng được nhiều người dân vùng nông thôn hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn trong sinh hoạt Bài chòi mỗi nơi có lối thức riêng, mang truyền thống của từng vùng, miền, nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may mắn và sự kết nối cộng đồng. Chơi Bài chòi trở thành tập quán đầu xuân của người dân Quảng Ngãi, người ta đến với Bài chòi trong dịp năm mới để khai lộc đầu xuân và giao lưu giải trí. Tính chất dân gian của nghệ thuật Bài chòi Quảng Ngãi rất đậm nét, thể hiện nhiều khía cạnh, từ nội dung sáng tác đến diễn xuất, trang điểm đều xuất phát từ quan điểm dân gian tạo ra. Nghệ thuật Bài chòi là nghệ thuật tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng nên dễ đi sâu vào đời sống cộng đồng dân cư. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, vui tươi, hấp dẫn và mang tính đại chúng rất cao. Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia chơi Bài chòi, không phân biệt giới tính, độ tuổi.

Qua những thăng trầm của lịch sử, Nghệ thuật Bài chòi đã thấm đẫm trong tâm hồn và đời sống của nhiều thế hệ cộng đồng dân cư khu vực Trung bộ. Từ các làn điệu, lời ca bình dị ngọt ngào, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, Bài chòi đã đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của các tầng lớp Nhân dân.

Ngày 07/12/2017, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với các tỉnh, thành phố có di sản, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành Trung bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi luôn được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả trên thực tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 09 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi; có Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi được thành lập vào năm 2013; có 05 câu lạc bộ Bài chòi ở các huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ. Một số huyện, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn và truyền dạy dân ca Bài chòi trong trường học và cộng đồng dân cư; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia Liên hoan cấp khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có những khó khăn, tồn tại. Tỉnh Quảng Ngãi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, nghệ nhân bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi; chưa điều tra, khảo sát, kiểm kê đánh giá hệ thống giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi; các giá trị truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật bài chòi có nguy cơ thất truyền và mai một; việc trao truyền, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi chưa được quan tâm tương xứng với Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thực hiện Luật Di sản văn hóa và Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam, thì việc ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết và phù hợp.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

- Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009;

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;

- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 (Hội nghị lần thứ 9) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Thông tư số 71/2022/TT-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

- Nghị Quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững;

- Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XII - Kỳ họp thứ 6 về việc thông qua Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững;

- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

- Công văn số 2414/BVHTTDL-DSVH ngày 06/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ;

- Kết luận số 635-KL/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy khóa XIX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững;

- Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

II. THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

1. Thực trạng Di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi nằm trên các tuyến đường huyết mạch của đất nước, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam dọc theo chiều dài của tỉnh, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 130 km, trên đất liền với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng.

Trong không gian đó, cùng với các tỉnh láng giềng, Nghệ thuật Bài chòi Quảng Ngãi đã có từ lâu đời và phát triển mạnh nhất vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vào dịp xuân về, tại các đình, chùa, miếu, hầu hết các làng quê đều tổ chức trình diễn nghệ thuật chơi Bài chòi. Trước năm 1975 ở Quảng Ngãi đã có nhiều làng quê thuộc các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ... đào tạo và truyền dạy Nghệ thuật Bài chòi. Từ 1975 đến 1989, chủ yếu tập trung ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Nghĩa Hành. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có có 5 Câu lạc bộ Bài chòi gồm:

- Câu lạc bộ Bài chòi xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

- Câu lạc bộ Bài chòi huyện Mộ Đức.

- Câu lạc bộ Bài chòi huyện Tư Nghĩa.

- Câu lạc bộ Bài chòi huyện Nghĩa Hành.

- Câu lạc bộ Bài chòi phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản Bài chòi, đặc biệt từ khi Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại thì nghệ thuật Bài chòi đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Nét độc đáo của Nghệ thuật Bài chòi chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ xưa để lại, hoặc do anh Hiệu (anh Hô) tự sáng tác, mang nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước.... Trong hội tham gia Bài chòi thường có:

- Đội nhạc: Trống chầu, trống chiến, sanh, đàn nhị, đàn bầu.

- Anh Hiệu (người hô, quản trò) phải là người có giọng tốt, hát hay, có tài ứng khẩu linh hoạt tại chỗ, có khả năng diễn xuất tốt, duyên dáng, hài hước, điều khiển, quản lý được toàn bộ chương trình, làm cho hội Bài chòi luôn luôn sôi nổi, hấp dẫn. Anh Hiệu có nhiệm vụ chia bài đem đến cho các chòi, rút bài trong ống tre (bài tỳ, bài cái) ra và hô tên lên cho các chòi nghe để đánh bài, đem phần thưởng và cờ giao cho các chòi trúng được trong mỗi ván. Vai trò của Anh Hiệu vô cùng quan trọng trong lịch sử Bài chòi. Có thể nói, không có Anh Hiệu thì cũng không có làn điệu Bài chòi, vì Anh Hiệu là người sáng tạo ra điệu hát Bài chòi.

Loại hình diễn xướng dân gian này hấp dẫn người tham gia với các làn điệu Bài chòi cổ, dân ca đặc trưng của cộng đồng dân cư Quảng Ngãi. Lời hô Bài chòi truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, phản ánh tư duy thẩm mỹ của cư dân nông nghiệp, thấm đượm tình đất, tình người ở một vùng đất dãi dầu mưa nắng. Các câu hát trong Bài chòi thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, tình yêu đôi lứa, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu. Từ ngữ địa phương hiện diện khắp các câu hát trong hội Bài chòi. Vì vậy, hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần mà có thể coi hội Bài chòi chính là một sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng của từng vùng đất với những nét rất riêng về thổ ngữ, về đời sống xã hội, con người. Cùng với câu hát, cách thức chòi, tên các con bài cũng hội tụ rất nhiều nét văn hóa. Đây chính là một trong những nét đặc sắc, là “phần hồn” trong tổng thể giá trị văn hóa phi vật thể Bài chòi ở Quảng Ngãi mà người dân không thể quên được.

Bên cạnh sự phát triển các thể loại nhạc mới, nhạc trẻ thì hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống của các địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập. Các làn điệu dân ca như: hò, vè, lý, ru con..., các làn điệu Bài chòi như: Xuân nữ, Cổ bản, Xàng-xê, Hò Quảng - một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, vốn đặc trưng riêng có của Nam Trung bộ đang ngày càng mai một dần trong đời sống sinh hoạt của thế hệ trẻ hôm nay.

Hiện nay, số lượng nghệ nhân, diễn viên Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 150 người; 05 câu lạc bộ Bài chòi có khoảng 15 diễn viên/01 câu lạc bộ. Số lượng nghệ nhân truyền dạy cơ bản về hô, hát Bài chòi; về âm nhạc Bài chòi; các làn điệu dân ca nguyên gốc, sáng tác mới,... còn rất ít, chưa có điều kiện để truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Đặc biệt, hiện nay diễn viên nhạc (nhạc công) đệm đàn cho Dân ca - Bài chòi rất hiếm, quá trình tìm kiếm, đào tạo những người thực sự có tố chất để kế thừa nghệ thuật truyền thống này gặp nhiều khó khăn, đào tạo hàng trăm người cũng chỉ được 3-4 người đáp ứng tiêu chí của Bài chòi. Số người hiểu biết gốc gác, căn bản về Dân ca - Bài chòi còn khiêm tốn dẫn đến việc vay, mượn, hô, hát những làn điệu không phải của Bài chòi, mang tính đối phó trong các Hội thi, Liên hoan... Mặt khác, tác giả sáng tác kịch bản văn học cho Bài chòi hiện nay rất hiếm, bởi những tiêu chuẩn, quy định để viết một kịch bản (kịch, tiểu phẩm, ca cảnh) đòi hỏi phải đạt được 03 yêu cầu: giá trị xã hội, giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật, kể cả kết hợp với âm nhạc.

Từ trước và sau khi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoạt động Bài chòi đã được chú ý tổ chức riêng lẻ hoặc lồng ghép trong các hội thi, hội diễn, các lễ hội; tạo nhiều dấu ấn, được nhiều người trong công chúng yêu thích. Tuy vậy, Nghệ thuật Bài chòi vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, đặc trưng riêng.

2. Những hạn chế và nguyên nhân

a) Hạn chế

- Nếu Bài chòi là hoạt động văn hóa không thể thiếu trong tổng thể văn hóa trước đây, thì nay đã có phần bị mai một. Hiện nay, hội Bài chòi đã và đang được phục hồi, tổ chức tại một số địa phương trong tỉnh mỗi dịp Xuân về hoặc trong các lễ hội. Tuy nhiên, các hoạt động còn đơn lẻ, ít sức thu hút chưa đi vào chiều sâu.

- Chưa có chính sách, cơ chế đặc thù liên quan đến bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi, cũng như chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân để thu hút những người muốn gắn bó lâu dài với Nghệ thuật Bài chòi.

- Hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu nhằm tôn vinh giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể trong đó có Bài chòi chưa được chú trọng đúng mức; công tác truyền thông còn mang tính thời điểm, chưa thường xuyên, nên nhìn chung chưa tạo nên một bước ngoặt thực sự trong nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân để biến thành các hoạt động trên thực tế.

- Sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch chưa nhiều, chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong việc quảng bá, xây dựng chương trình tour, tuyên truyền du lịch với những hoạt động bảo tồn di sản Bài chòi. Chưa khai thác hết tiềm năng của Nghệ thuật Bài chòi trong hoạt động phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Xu thế phát triển của xã hội hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin và thiết bị nghe nhìn, có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Trong bối cảnh đó, nhìn chung giới trẻ ít quan tâm đến văn hóa dân gian, nhiều di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một, trong đó có di sản Nghệ thuật Bài chòi.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh là việc quan trọng và cấp bách, không chỉ là trách nhiệm của địa phương, của ngành mà còn là của toàn xã hội.

b) Nguyên nhân

- Về mặt khách quan, bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều điểm bất lợi trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong đó có Nghệ thuật Bài chòi. Trong xã hội ngày nay người dân bị cuốn hút với quá nhiều sản phẩm giải trí khác nhau. Nhiều người dân không còn hào hứng thưởng thức văn hóa truyền thống, do sự lôi cuốn môi trường sống mới, nhất là ở lớp thanh thiếu niên. Các nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy, có tuổi nghề, am hiểu về Bài chòi tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo để cống hiến cho Nghệ thuật Bài chòi, từ đó có nguy cơ mai một dần.

- Về mặt chủ quan, các cấp, ngành, địa phương trước đây chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, giá trị của Nghệ thuật Bài chòi, chưa có sự quan tâm đúng mức cho nghệ thuật này; chưa có chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi, làm cho các nghệ nhân không nhiệt huyết cống hiến. Việc truyền dạy Nghệ thuật Bài chòi chưa được tổ chức rộng rãi và thường xuyên trong cộng đồng Nhân dân.

III. BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Đối tượng và phạm vi thực hiện Đề án

a) Đối tượng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Câu lạc bộ Bài chòi, nghệ nhân, tư liệu, hiện vật có liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi.

b) Phạm vi: Trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Lý Sơn.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài Chòi - một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam tham gia ký kết và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Góp phần quảng bá, giới thiệu, tôn vinh những giá trị đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi.

- Huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đó có Nghệ thuật Bài chòi.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2023 - 2025:

+ Phấn đấu 100% di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi được sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại.

+ Xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ Nhân dân và khách du lịch tại 01 điểm du lịch. Phục dựng thí điểm 01 điểm trò chơi dân gian hô Bài chòi (giàn 09 chòi) tại thành phố Quảng Ngãi.

+ Tiếp tục duy trì các câu lạc bộ, Trung tâm Bài chòi đã thành lập; phấn đấu có 100% các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và hải đảo thành lập câu lạc bộ bài chòi trực thuộc cấp huyện.

+ Định kỳ tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn Nghệ thuật Bài chòi cấp tỉnh và tham gia giao lưu với tỉnh, thành phố có di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi.

+ Thường xuyên tổ chức các lớp học cơ bản về Dân ca - Bài chòi, bồi dưỡng cho các nghệ nhân, diễn viên, học sinh, sinh viên về kỹ năng thực hành di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi.

+ Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, quảng bá, tuyên truyền, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi.

- Định hướng đến năm 2030:

+ Tiếp tục nhân rộng tổ chức trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ Nhân dân và khách du lịch tại các điểm du lịch khu vực đồng bằng, hải đảo. Phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô Bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố.

+ Tiếp tục duy trì và phát triển các câu lạc bộ, trung tâm bài chòi đã thành lập; phấn đấu có 50% các xã, phường, thị trấn đồng bằng và hải đảo thành lập Câu lạc bộ Bài chòi cấp xã.

+ Định kỳ tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật bài chòi cấp tỉnh, cấp huyện và tham gia giao lưu với các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi.

+ Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các nghệ nhân, diễn viên, học sinh, sinh viên về kỹ năng thực hành di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi.

3. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

a) Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Nghệ thuật Bài chòi

- Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thông qua các tin, bài, ảnh, phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và năng lực của cán bộ ở các cấp chính quyền và toàn cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi.

- Trình diễn các tiết mục Nghệ thuật Bài chòi tại các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi.

- Tuyên truyền thông qua các ấn phẩm tờ rơi, tập gấp giới thiệu về Nghệ thuật Bài chòi nhằm quảng bá rộng rãi đến công chúng về giá trị văn hóa và hoạt động của Nghệ thuật Bài chòi đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch, thu hút đông đảo khách tham quan du lịch.

b) Tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật kịch bản, nhạc cụ, trang phục về Nghệ thuật Bài chòi để trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh

- Tổ chức điều tra, khảo sát, sưu tầm nhằm đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh.

- Quay phim, chụp hình, ghi âm, kiểm kê tài liệu, ghi lời kể của nghệ nhân đối với hiện vật sưu tầm, lưu trữ bằng số hóa.

- Mua sắm, phục dựng trang phục, đạo cụ, hiện vật về Nghệ thuật Bài chòi.

- Lập hồ sơ khoa học hiện vật sưu tầm nhằm bảo vệ, lưu trữ, quảng bá, tuyên truyền và đưa vào Danh mục trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

- In ấn phẩm các kịch bản Bài chòi dân gian.

c) Xây dựng mạng lưới Câu lạc bộ, Trung tâm di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi

Hỗ trợ hoạt động của 05 câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi hiện có và hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, biểu diễn để thành lập mới 05 câu lạc bộ dân ca Bài chòi thuộc cấp huyện, thị xã, thành phố và 53 câu lạc bộ dân ca Bài chòi thuộc xã, phường, thị trấn có Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

d) Tổ chức truyền dạy, tập huấn về Nghệ thuật Bài chòi trong cộng đồng

- Tổ chức tập huấn, biểu diễn mẫu cho nghệ nhân, diễn viên có năng khiếu về Nghệ thuật Bài chòi; vận động và tạo điều kiện để các câu lạc bộ, mở các lớp truyền dạy thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi tại địa phương.

- Tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi cho 16 trường học tại các huyện, thị xã, thành phố theo hình thức ngoại khóa.

- Cử đoàn nghệ nhân đi tập huấn nâng cao, học hỏi kinh nghiệm nếu cấp trên tổ chức.

đ) Tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn về Nghệ thuật Bài chòi

- Tham gia Liên hoan Dân ca - Bài chòi của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

- Tổ chức Liên hoan Dân ca - Bài chòi cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

- Hỗ trợ tổ chức trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ Nhân dân và khách du lịch tại 01 điểm du lịch (định kỳ tổ chức hàng tháng) nhằm xây dựng Nghệ thuật Bài Chòi trở thành một sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ mua sắm, phục dựng thí điểm 01 điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố.

- Tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí nhà nước đảm bảo duy trì và phát triển cho hoạt động trình diễn Nghệ thuật Bài Chòi tại các địa phương, các câu lạc bộ thông qua các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, những người yêu thích bộ môn Nghệ thuật Bài chòi.

e) Hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi

- Hỗ trợ các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi trong việc trực tiếp phổ biến, lưu truyền, truyền dạy những người kế cận, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

- Hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

- Đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

f) Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi

- Xây dựng, vận dụng thích hợp các cơ chế, chính sách của địa phương để hỗ trợ về vật chất, điều kiện hoạt động góp phần động viên tinh thần của các nghệ nhân; đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự của Nhà nước cho các nghệ nhân Bài chòi có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành và truyền dạy Nghệ thuật Bài chòi trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

- Định kỳ hàng năm xem xét khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi.

4. Kinh phí thực hiện

a) Phân kỳ kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 14.423 triệu đồng. Trong đó:

- Giai đoạn 2023 - 2025: 4.472 triệu đồng.

- Định hướng giai đoạn 2026 - 2030: 9.951 triệu đồng.

b) Cơ cấu kinh phí thực hiện: Nguồn ngân sách nhà nước (nguồn vốn chi thường xuyên) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, phân cấp ngân sách và khả năng cân đối ngân sách; nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, cụ thể:

- Giai đoạn 2023 - 2025: Ngân sách cấp tỉnh bảo đảm: 2.560 triệu đồng; ngân sách huyện bảo đảm: 1.300 triệu đồng; huy động nguồn xã hội hóa: 612 triệu đồng

- Giai đoạn 2026-2030: Ngân sách cấp tỉnh bảo đảm: 2.402 triệu đồng; ngân sách cấp huyện bảo đảm: 5.708 triệu đồng; ngân sách cấp xã: 550 triệu đồng; huy động nguồn xã hội hóa: 1.291 triệu đồng.

c) Việc quản lý và sử dụng kinh phí: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 71/2022/TT-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” và theo quy định tài chính hiện hành.

(Chi tiết có Phụ lục phân kỳ kinh phí thực hiện Đề án kèm theo)

5. Tổ chức thực hiện

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát địa phương tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng nội dung tuyên truyền, quảng bá sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng cư dân về bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy thực hành kỹ năng di sản Nghệ thuật Bài chòi ở các cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức công tác điều tra, kiểm kê, phân loại, sưu tầm, biên soạn và in ấn sách, phục dựng, quay phim tư liệu về Nghệ thuật Bài chòi phục vụ phát triển văn hóa và du lịch.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ cơ sở vật chất; đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi.

- Tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn về Nghệ thuật Bài chòi cấp tỉnh; đề xuất biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi.

- Căn cứ nội dung Đề án được duyệt, hàng năm xây dựng kế hoạch đưa di sản Nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; phối hợp với các cơ quan liên quan lập dự toán cụ thể, báo cáo UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án.

- Đôn đốc các sở, ban ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án, tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tuyên truyền Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng các chương trình, chuyên mục giới thiệu và truyền dạy di sản Nghệ thuật Bài chòi để đăng tải trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí và mạng xã hội.

c) Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành, địa phương có liên quan đưa Nghệ thuật Bài chòi vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa hoặc tổ chức câu lạc bộ đối với học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

d) Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán do các cơ quan, đơn vị có liên quan lập, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, thẩm tra, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khả năng cân đối của ngân sách địa phương, phân cấp ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

đ) Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành, địa phương có liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh hồ sơ khen thưởng, biểu dương tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi.

e) Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi vào danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án.

f) Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành, địa phương có liên quan thực hiện quy hoạch đất đai ở các di tích, thiết chế có không gian diễn ra các hoạt động của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chú trọng đến khu vực điều chỉnh nhằm đảm bảo việc khai thác sử dụng di sản đạt hiệu quả xã hội.

g) Hội Văn học - Nghệ thuật

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các nội dung sáng tác, phổ biến Nghệ thuật Bài chòi; phối hợp công tác tổ chức, chuyên môn, vận động nghệ sỹ, nghệ nhân tham gia các trại sáng tác kịch bản cho Bài chòi.

h) Các sở, ban ngành trong tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo theo lĩnh vực chuyên môn quản lý; xây dựng kế hoạch thống nhất và lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án để triển khai các nội dung, chính sách có liên quan nhằm thực hiện đúng, hiệu quả các nội dung của Đề án.

i) UBND thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Lý Sơn

- Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành tỉnh có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trên địa bàn.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi; huy động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng đoàn viên, thanh, thiếu niên và nhân dân tích cực tham gia tìm hiểu về Nghệ thuật Bài chòi.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt Nghệ thuật Bài chòi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi ở địa phương; chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án trên địa bàn.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ Bài chòi hoạt động và triển khai các nội dung liên quan đến Đề án.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp tập huấn, truyền dạy thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi ở địa phương.

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi tại địa phương.

- Có kế hoạch tiếp nhận kinh phí được phân bổ khi thực hiện các nội dung Đề án có liên quan trên địa bàn, đồng thời cân đối kinh phí của địa phương cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về kết quả thực hiện các nội dung của Đề án.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xem xét, chỉ đạo./.


PHỤ LỤC

PHÂN KỲ KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung nhiệm vụ

Phân kỳ và nguồn kinh phí giai đoạn 2023-2025

Định hướng kinh phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa giai đoạn 2026-2030

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tỉnh

Cấp huyện

XHH

Tỉnh

Cấp huyện

XHH

Tỉnh

Cấp huyện

XHH

Ngân sách nhà nước

XHH

1.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu

1.1.

Tuyên truyền thông qua các tin, bài, ảnh, phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng

50

80

10

50

80

20

50

80

20

1.200

120

1.2.

Tuyên truyền thông qua trình diễn các tiết mục Nghệ thuật Bài chòi tại 10 trường học trên địa bàn tỉnh

200

20

240

24

480

48

1.3.

Tuyên truyền thông qua các ấn phẩm tờ rơi, tập gấp... giới thiệu Nghệ thuật Bài chòi

60

10

160

16

160

16

2.

Tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật kịch bản, nhạc cụ, trang phục về Nghệ thuật Bài chòi để trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh

2.1.

Tổ chức điều tra, khảo sát, sưu tầm

120

120

2.2.

Quay phim, chụp hình, ghi âm, kiểm kê tài liệu, ghi lời kể của nghệ nhân đối với hiện vật sưu tầm

160

2.3

Mua sắm, phục dựng trang phục, đạo cụ, hiện vật về Nghệ thuật Bài chòi

50

50

5

2.4.

Lập hồ sơ khoa học hiện vật sưu tầm

30

30

2.5.

In ấn phẩm các kịch bản bài chòi dân gian

150

15

100

10

3.

Xây dựng mạng lưới câu lạc bộ, trung tâm di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền

4.

Tổ chức truyền dạy, tập huấn về Nghệ thuật Bài chòi trong cộng đồng

4.1.

Tổ chức tập huấn, biểu diễn mẫu cho nghệ nhân, diễn viên có năng khiếu về Nghệ thuật Bài chòi

200

20

600

60

4.2.

Tổ chức truyền dạy Nghệ thuật Bài chòi cho 16 trường học theo hình thức ngoại khóa

320

32

320

32

5.

Tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn về Nghệ thuật Bài chòi

5.1.

Tham gia Liên hoan dân ca Nghệ thuật Bài chòi các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tổ chức

300

300

1.500

5.2.

Tổ chức Liên hoan dân ca Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Quảng Ngãi

400

40

1.200

120

5.3.

Tổ chức Liên hoan dân ca Nghệ thuật Bài chòi cấp huyện, thị xã, thành phố

200

20

200

20

200

20

2.000

200

5.4.

Hỗ trợ tổ chức trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ Nhân dân và khách du lịch tại 01 điểm du lịch (định kỳ tổ chức hàng tháng)

60

60

60

60

480

480

5.5.

Hỗ trợ mua sắm, phục dựng thí điểm 01 điểm trò chơi dân gian hô bài chòi giàn 09 chòi

60

30

420

210

6.

Hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền

TỔNG CỘNG:

390

280

40

1.500

280

400

670

740

172

8.660

1.291

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 111/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 về Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


479

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.69.48
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!