ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2020/QĐ-UBND
|
Bà Rịa-Vũng
Tàu, ngày 07 tháng 4 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA CÔN ĐẢO, TỈNH
BÀ RỊA – VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng
11 năm 2018 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều thi hành Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 168/20177NĐ-CP ngày 31
tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Theo đề nghị của Sở Du lịch tại Tờ trình số
382/TTr-SDL ngày 31 tháng 3 năm 2020 về việc đề nghị ban hành Quyết định phê
duyệt quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Du lịch; Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Tuấn
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2020 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về việc quản lý các hoạt động
có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Côn Đảo, bao gồm: Quản lý
an ninh trật tự, quản lý hoạt động du lịch, quản lý và sử dụng đất trong khu du
lịch, điểm du lịch, các hoạt động về xây dựng kiến trúc, sử dụng và khai thác
cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu du lịch, điểm du lịch, du lịch cộng đồng, các
hoạt động dịch vụ kinh doanh du lịch, quản lý bảo vệ môi trường trong khu du lịch,
điểm du lịch; quy hoạch du lịch cho mục tiêu phát triển du lịch của huyện Côn Đảo.
2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch hoặc
có các hoạt động có liên quan đến du lịch trên địa bàn huyện Côn Đảo.
Điều 2. Yêu cầu quản lý
các hoạt động du lịch
1. Quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên
thiên nhiên một cách hợp lý, đúng mục tiêu, nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế
- xã hội địa phương.
2. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của
tài nguyên du lịch.
3. Thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trong
và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu
du lịch quốc gia Côn Đảo.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền đến người
dân địa phương việc hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm
giữ gìn và bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ di tích Côn Đảo và bản sắc dân
tộc.
5. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm
du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hóa; kiểm tra
giám sát chất lượng, giá cả dịch vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch trong Khu
du lịch quốc gia Côn Đảo.
6. Cung cấp thông tin, giới thiệu, hướng dẫn
thông tin, hình ảnh, các tuyến điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch
uy tín đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý đến du khách; tiếp nhận yêu cầu, kiến
nghị của khách du lịch, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời
để bảo vệ quyền lợi du khách.
7. Công khai quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi
tiết phát triển khu du lịch, điểm du lịch; quản lý và triển khai thực hiện quy
hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
8. Kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm
trong việc khai thác, sử dụng các tài nguyên nước, tài nguyên rừng, công trình
văn hóa, kiến trúc, di tích, nghệ thuật làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây ô
nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và
các hành vi khác làm phương hại đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng
cảnh trên địa bàn.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Quản lý quy hoạch
và đầu tư trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
1. Thực hiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch
chi tiết phát triển khu du lịch, điểm du lịch và các khu di tích lịch sử - văn
hóa trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
2. Quản lý, triển khai các dự án đầu tư phát triển
du lịch trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo quy hoạch đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
Điều 4. Quản lý và sử dụng đất
theo quy hoạch Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
1. Các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hợp
pháp được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng, khi có nhu cầu Nhà nước sẽ thu hồi
đất và bồi thường tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Việc quản lý và sử dụng đất vào mục đích xây
dựng các công trình phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt
và các quy định hiện hành khác về bảo vệ môi trường, di tích lịch sử - văn hóa
trên địa bàn Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
3. Đối với quỹ đất chưa sử dụng trong khu du lịch,
điểm du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia
Côn Đảo, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm quản lý theo thẩm quyền và chỉ
được phép khai thác sử dụng khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho
phép.
4. Tổ chức và cá nhân đang sử dụng đất trong khu
vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia phải tuân thủ những quy định
sau đây:
a) Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới được
giao.
b) Tuân thủ việc bảo vệ môi trường, không làm tổn
hại đến người sử dụng đất xung quanh và tài nguyên đất.
c) Các chủ đầu tư có nhu cầu xây dựng công trình
phục vụ du lịch trong khu vực được quy hoạch phải lập dự án đầu tư trình cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Quản lý, xây dựng, sử
dụng và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
1. Các khu vực phát triển du lịch, tuyến, điểm
du lịch trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo được xây dựng, phát triển và quản lý
đúng quy hoạch và từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đề án ở từng khu vực phát triển du lịch, điểm
du lịch được phê duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý, tiến hành công tác đầu tư
xây dựng, lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay
đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.
3. Đối với các khu vực văn hóa du lịch cộng đồng,
khi muốn xây dựng, sửa chữa nhà, tường bao và các hạng mục khác phải được sự tư
vấn của cơ quan chuyên môn để tránh phá vỡ cảnh quan chung của điểm du lịch.
4. Các khu du lịch, điểm du lịch, phải thành lập
tổ quản lý khách du lịch tùy theo quy mô từng điểm, các điểm du lịch phải xây dựng
nội quy, quy chế quản lý để khách du lịch biết và thực hiện.
5. Việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh,
di tích lịch sử, công trình văn hóa trong khu du lịch quốc gia phải thực hiện
theo định hiện hành.
Điều 6. Bảo vệ môi trường
trong khu du lịch, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng và khai thác môi trường
nhằm mục đích kinh doanh du lịch phải thực hiện.
a) Đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết
bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, trong đó giải trình các yếu tố
có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu. Bảo đảm thực
hiện đúng các tiêu chuẩn môi trường trong quá trình kinh doanh du lịch.
b) Niêm yết nội quy bảo vệ môi trường tại khu du
lịch, điểm du lịch, khu vực du lịch cộng đồng, tổ chức phương tiện đường thuỷ,
đường bộ, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải đúng quy định.
c) Có biện pháp phòng chống, khắc phục suy thoái
môi trường, ô nhiễm môi trường.
d) Bồi thường thiệt hại do có hành vi gây tổn hại
đến môi trường.
2. Việc khai thác nguồn nước ngầm nhằm sử dụng
vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phải có thiết kế theo dự án đầu tư được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo khai thác và sử dụng lâu bền, hợp lý
tài nguyên nước, có tính đến yếu tố bảo vệ môi trường.
3. Việc sử dụng mặt nước
a) Nghiêm cấm các hành vi gây xói lở, làm trượt
đất, phá hoại cảnh quan thiên nhiên trong khu du lịch, điểm du lịch.
b) Rác, chất thải phải được thu gom và xử lý
đúng quy định. Nghiêm cấm việc xả chất thải, xác động vật, dầu, nhớt ra môi trường
không đúng quy định.
c) Các loại tàu thuyền đánh bắt thủy sản phải
neo đậu đúng nơi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, không làm ảnh hưởng đến
tài nguyên du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi của khách du lịch.
4. Khách du lịch đến tham quan các điểm di tích
lịch sử - văn hóa phải chấp hành nội quy quy định. Giữ gìn vệ sinh môi trường,
không có hành vi làm tổn hại đến các di tích lịch sử - văn hóa.
5. Không chặt phá các loại cây trồng trong khu
du lịch, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa; tổ chức, cá nhân đang sử
dụng đất hợp pháp, vì mục đích cải tạo mặt bằng hoặc lý do chính đáng khác muốn
chặt, đốn cây trồng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khuyến khích các
tổ chức và cá nhân lập quy hoạch và tổ chức trồng cây trong khu du lịch, điểm
du lịch.
6. Cộng đồng dân cư tại các khu du lịch, điểm du
lịch, khu văn hóa du lịch cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và khách du lịch có
trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, thuần
phong mỹ tục của dân tộc.
7. Tại các khu du lịch, tuyến, điểm du lịch
trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo căn cứ quy định hiện hành xây dựng quy định
sức chứa của môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7. Tuyến, điểm tham
quan du lịch
Các tổ chức và cá nhân có hoạt động đưa khách du
lịch tham quan các tuyến, điểm trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo phải tuân thủ
những quy định sau đây:
1. Đối với tuyến, điểm tham quan di tích lịch sử
a) Hướng dẫn viên du lịch được hành nghề khi có
thẻ hướng dẫn viên và phải có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.
b) Phải mua vé, hoặc trả
phí tham quan theo quy định của từng tuyến, điểm tham quan trong khu
di tích.
c) Phải giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật
tự, thực hiện các quy định phòng chống cháy nổ trong khu vực bảo vệ di tích.
d) Trang phục gọn gàng, lịch sự. Có trách nhiệm
bảo vệ các hiện vật, tài sản trong quần thể khu di tích.
e) Cấm lợi dụng quần thể khu di tích để tuyên
truyền mê tín, dị đoan và các tệ nạn xã hội khác hoặc xuyên tạc lịch sử, nói xấu
Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ.
g) Cấm làm hư hại, di chuyển vị trí hiện vật
trong khu vực bảo vệ quần thể khu di tích lịch sử.
h) Khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu,
học tập trong quần thể khu di tích phải liên hệ với Ban Quản lý Khu di tích để
được thuyết minh, hướng dẫn; không tự ý viết, vẽ, thêm, bớt các các nội dung hướng
dẫn, nội dung thuyết minh di tích được lắp đặt tại các điểm di tích.
i) Chỉ có nhân viên thuyết minh của Ban Quản lý
di tích Côn Đảo mới được thuyết minh, hướng dẫn cho khách tham quan. Các tổ chức
cá nhân khác không được thuyết minh, hướng dẫn trong các khu di tích.
2. Đối với các tuyến, điểm tham quan trong Vườn
quốc gia Côn Đảo:
a) Các hoạt động du lịch sinh thái không được
làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật
hoang dã, cảnh quan thiên nhiên trong Vườn quốc gia Côn Đảo.
b) Mức thu phí tham quan, du lịch phải tuân theo
quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
c) Mức thu tiền dịch vụ tham quan, du lịch thực
hiện theo hợp đồng, thoả thuận giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch với du
khách.
d) Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng kinh
doanh du lịch sinh thái khi công bố giá vé tham quan du lịch, dịch vụ phải có sự
thống nhất của Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.
e) Cán bộ được phân công làm công tác hướng dẫn
viên, thuyết minh du lịch sinh thái có kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng
sinh học, du lịch và văn hóa bản địa. Hướng dẫn viên du lịch phải có các tiêu
chuẩn theo quy định của Luật Du lịch.
Điều 8. Quản lý các hoạt động
kinh doanh dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch,
sản phẩm du lịch phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện,
nghĩa vụ đối với từng loại hình kinh doanh du lịch; ngoài ra phải tuân thủ những
quy định của pháp luật về đo lường chất lượng sản phẩm, giá bán sản phẩm, bảo đảm
an toàn thực phẩm được quy định trong Luật Du lịch hiện hành và các văn bản hướng
dẫn có liên quan.
Điều 9. Quản lý an ninh, trật
tự an toàn xã hội và quốc phòng
1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện các quy định về an ninh và trật tự an toàn xã hội liên quan đến
hoạt động du lịch đối với các cơ sở kinh doanh du lịch; thông tin kịp thời về
âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm lợi dụng hoạt động
du lịch xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhằm nâng cao tinh
thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ngành du lịch với sự
nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2. Thực hiện nghiêm công tác bảo vệ an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống cháy nổ, tệ nạn xã hội ở các
khu, tuyến, điểm du lịch, khu di tích và trong các sự kiện, hoạt động phục vụ
du lịch.
3. Quản lý việc thực hiện đăng ký khách lưu trú,
xuất nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế; quản lý người nước ngoài cư trú,
làm việc, hoạt động trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ
chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh du lịch và khách du lịch thực hiện đúng quy
định về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và các quy định khác
liên quan đến an ninh, trật tự.
4. Thực hiện các biện pháp tập trung người lang
thang, xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào
Trung tâm xã hội tỉnh theo quy định, nhằm đảm bảo môi trường du lịch trong sạch,
lành mạnh tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn.
5. Chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các hoạt động
buôn bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách du lịch, các hành vi gây mất trật tự,
tranh giành khách, lừa đảo trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; các hành
vi cò mồi, các tệ nạn xã hội tại tuyến, điểm, khu du lịch, các cơ sở thờ tự,
tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn quản lý.
6. Các cơ sở kinh doanh du lịch có trách nhiệm
thực hiện công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự;
phòng, chống cháy nổ; tổ chức lực lượng bảo vệ theo nội quy và các quy định
khác liên quan đến an ninh, trật tự trong khu vực quản lý.
7. Thực hiện đầy đủ các bước đánh giá tác động đến
quốc phòng trong hoạt động khai thác du lịch theo quy định; kịp thời chấn chỉnh
hoặc chấm dứt hoạt động đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC ĐỐI VỚI KHU DU LỊCH QUỐC GIA CÔN ĐẢO
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân huyện Côn Đảo
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan
thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong Khu
du lịch quốc gia theo thẩm quyền.
2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan phổ biến cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, đầu tư trong Khu
du lịch quốc gia Côn Đảo chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về cư trú,
bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ rừng, bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan môi
trường.
3. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý quy hoạch, quản lý đất
đai, xây dựng trái phép; chủ động giải quyết dứt điểm các vi phạm về quản lý hoạt
động Khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo phân cấp quản lý trong khu du lịch quốc
gia.
Điều 11. Trách nhiệm của
các sở, ngành liên quan
1. Sở Du lịch
a) Thực hiện việc quản lý quy hoạch tổng thể
ngành du lịch, phối hợp thực hiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch
và các di tích lịch sử - văn hóa đưa vào phục vụ du lịch, tổ chức hướng dẫn thực
hiện các đề án quy hoạch được duyệt trong Khu du lịch Quốc gia gia Côn Đảo.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan và Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo hướng dẫn thi hành và kiểm tra, xử lý việc
thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý kinh doanh du lịch và
các quy định của Quy chế này.
c) Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành các văn bản tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, các chính sách nhằm đẩy
nhanh tốc độ phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
2. Sở Văn hoá và Thể thao
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa
phương quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo và sử dụng các công trình di tích lịch
sử - văn hóa đã được đưa vào hoạt động du lịch theo các quy định hiện hành của
Nhà nước.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp Sở Du lịch trong việc thực
hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Thẩm định hồ sơ dự án đầu tư phát
triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập
doanh nghiệp của các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài vào hoạt động du lịch,
khách sạn và các dịch vụ khác Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo và
các sở, ngành có liên quan xác định ranh giới tại thực địa và trên bản đồ các
khu du lịch, điểm du lịch, các khu di tích lịch sử - văn hóa làm cơ sở cho việc
quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
b) Chủ trì, hướng dẫn các sở, ngành có liên
quan, Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo thường xuyên giám sát chất lượng môi trường
tại các khu du lịch, điểm du lịch để đề xuất các biện pháp bảo vệ tốt môi trường
tại khu du lịch, điểm du lịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
c) Hướng dẫn việc thực hiện báo cáo đánh giá tác
động môi trường, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư
khu du lịch, điểm du lịch hoặc lập đề án bảo vệ môi trường đối với các cơ sở
kinh doanh du lịch đang hoạt động trên địa bàn Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
theo quy định hiện hành.
d) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ
môi trường ở các khu du lịch, điểm du lịch, du lịch cộng đồng và xử lý hoặc đề
nghị cơ quan thẩm quyền xử lý các hành vi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực
du lịch.
e) Riêng việc giao đất, cho thuê đất, cho phép
chuyển mục đích sử dụng đất tại các khu du lịch, điểm du lịch thì các nhà đầu
tư phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
và các văn bản pháp luật khác có liên quan để thực hiện.
5. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Ủy ban nhân
dân huyện Côn Đảo thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng các khu du lịch, điểm
du lịch theo thẩm quyền. Tham gia cùng các ngành, địa phương trong quá trình lập
quy hoạch và lập dự án đầu tư các khu du lịch.
b) Chủ trì, phối hợp các ngành, các cấp xử lý vi
phạm hành chính về xây dựng theo thẩm quyền.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, chính quyền địa
phương trong việc quản lý, xây dựng các công trình phục vụ du lịch phù hợp với
quy hoạch phát triển các khu bảo tồn sinh thái do ngành quản lý và có trách nhiệm
theo dõi quản lý các loài động vật hoang dã quý hiếm ở các khu du lịch, điểm du
lịch.
7. Sở Giao thông vận tải
Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch quản lý dự án đầu
tư các công trình du lịch có liên quan đến hệ thống giao thông đường bộ, đường
thủy theo thẩm quyền và cấp giấy phép theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Phối hợp kiểm tra các phương tiện vi phạm điều kiện kinh doanh vận chuyển du lịch
theo quy định.
8. Sở Công thương
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trong Khu du lịch
quốc gia Côn Đảo theo quy hoạch được phê duyệt. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư và các sở, ngành có liên quan kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng
(theo Danh mục tại Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo,
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”).
b) Thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động kinh
doanh thương mại dịch vụ tại Khu du lịch quốc gia Côn Đảo; phát hiện và xử lý
theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm pháp luật về mua bán hàng cấm, hàng kém
chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa, giá dịch vụ không đúng
quy định.
9. Sở Tài chính
a) Hướng dẫn và phối hợp với các sở, ngành, Ủy
ban nhân dân huyện Côn Đảo tổ chức thực hiện các quy định về việc niêm yết giá.
b) Phối hợp với Sở Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện
Côn Đảo và các ngành có liên quan thẩm định mức thu, cơ chế quản lý và sử dụng
các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động du lịch có thu tại Khu du lịch quốc
gia Côn Đảo theo quy định.
10. Sở Y tế
a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn vệ
sinh thực phẩm, vệ sinh phòng dịch cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh
thương mại, dịch vụ du lịch trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
b) Phối hợp các ngành chức năng mời gọi và hỗ trợ
các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám Đông y chất lượng
cao để phục vụ du khách có nhu cầu khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Tăng cường kiểm
tra nguồn gốc, xuất xứ các loại thuốc gia truyền, đông dược được bày bán trong
Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
c) Phối hợp các sở, ngành chức năng thực hiện tốt
công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà
hàng, quán ăn trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo nhằm đảm bảo sức khỏe cho du
khách và cộng đồng dân cư.
11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp các ngành, đoàn thể và Ủy
ban nhân dân huyện Côn Đảo giải quyết các tệ nạn xã hội, tổ chức tập trung các
đối tượng lang thang, xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú
ổn định đeo bám khách du lịch vào các Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh theo
quy định, nhằm tạo môi trường du lịch trong sạch, lành mạnh trong Khu du lịch
quốc gia Côn Đảo.
b) Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du
lịch tỉnh xây dựng khu du lịch không tệ nạn xã hội; gắn phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
xanh, sạch, đẹp, là điểm đến lý tưởng của du khách.
12. Sở Nội vụ
Hướng dẫn thực hiện và phối hợp kiểm tra việc chấp
hành các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa
- Vũng Tàu
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các
lễ hội, hoạt động du lịch của tỉnh gắn với giới thiệu cảnh quan, khí hậu, môi
trường sinh thái, các hoạt động tâm linh, nghỉ dưỡng đặc sắc của Khu du lịch quốc
gia Côn Đảo; đồng thời quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch.
14. Công an tỉnh
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo và
các sở, ngành liên quan thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh
trật tự cho các cơ sở, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự
và vệ sinh môi trường trong Khu du lịch quốc Côn Đảo.
b) Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể
và Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội
phạm, tệ nạn xã hội.
c) Quản lý chặt chẽ việc cư trú, tách, nhập hộ
khẩu; quản lý người nước ngoài cư trú hoạt động tại Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
theo đúng quy định của pháp luật.
d) Tham gia thẩm định về mặt an ninh, xác minh
tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của các nhà đầu tư để tham mưu cho Ủy ban
nhân dân tỉnh trong việc cấp phép đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn huyện để
đảm bảo vừa phát triển du lịch, vừa đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự quốc gia,
trật tự an toàn xã hội.
e) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện
Côn Đảo và đơn vị liên quan thẩm định, kiểm tra việc thực hiện phòng cháy, chữa
cháy tại Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
15. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thẩm
định chủ trương đầu tư của các dự án, bảo đảm mục tiêu kết hợp kinh tế với quốc
phòng.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm
định nhu cầu sử dụng đất của từng doanh nghiệp, đánh giá cụ thể sự tác động đến
nhiệm vụ quốc phòng, kịp thời đề xuất điều chỉnh phạm vi của từng dự án.
c) Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện các biện
pháp bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
16. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban
nhân dân huyện Côn Đảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quản lý, bảo vệ
biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới
biển, đảo.
b) Tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ biên
giới ven biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa
trái phép ven biển, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
c) Phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết xuất
nhập cảnh, giải quyết các yếu tố có người nước ngoài, giải quyết an ninh trật tự
ven biển theo quy định.
17. Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo
a) Có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng,
bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học rừng, biển, đất ngập nước;
nghiên cứu khoa học; tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục
môi trường; cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hợp tác quốc tế.
b) Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái đặc
trưng, hấp dẫn trong Vườn quốc gia Côn Đảo như: nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng; ngắm cảnh
thiên nhiên hoang dã, cắm trại dã ngoại; du lịch thể thao - sinh thái như đi bộ
trong rừng, leo núi, bơi lặn biển kết hợp xem san hô và sinh vật biển, quan sát
động vật hoang dã; các môn thể thao biển; du lịch kết hợp nghiên cứu, hội thảo
khoa học, thực tập về rừng biển, môi trường. Chú trọng các loại hình du lịch
không hoặc ít tác động đến môi trường, sinh vật rừng và biển.
18. Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thống nhất quản
lý mọi hoạt động đầu tư phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch
sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.
b) Công khai quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi
tiết phát triển khu du lịch; quản lý việc thực hiện quy hoạch và đầu tư theo
quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện công tác kiểm tra,
giám sát nội dung, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
c) Phát hiện, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm
quyền các dự án đầu tư không đúng với quy hoạch hoặc có tác động tiêu cực đến cảnh
quan môi trường.
d) Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ
theo quy định của phát luật hiện hành đối với mỗi ngành nghề kinh doanh. Kiểm
tra giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các
cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.
e) Thực hiện việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên và
môi trường du lịch, quản lý hoạt động du lịch trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
theo quy định của pháp luật.
g) Xây dựng kế hoạch đầu tư và thu hút đầu tư để
hình thành hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú (dịch vụ: phố đi bộ, phố
ẩm thực, điểm ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm, trình diễn văn hóa, văn nghệ) đáp ứng
nhu cầu ngày càng cao của du khách.
h) Quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển;
các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của hướng dẫn viên du lịch.
i) Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho
khách du lịch.
k) Xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm
cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch; các nội dung khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 12. Trách nhiệm của
các tổ chức, cá nhân liên quan
1. Chủ đầu tư các dự án tại Khu du lịch quốc gia
Côn Đảo
Thực hiện dự án đầu tư đúng theo quy định của
pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; triển khai dự án đúng tiến độ đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình đầu tư và triển khai dự án nếu có vướng
mắc, phát sinh, kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để được giải
quyết.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu du lịch
quốc gia Côn Đảo
a) Tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất,
kinh doanh trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo phải chấp hành nghiêm túc Quy chế
này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
b) Có trách nhiệm tham gia đóng góp chi phí giữ
gìn an ninh trật tự, bảo vệ rừng, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy theo
quy định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Thực hiện đúng quy hoạch xây dựng; đồng thời
có trách nhiệm bảo vệ rừng, cảnh quan môi trường; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các
di tích lịch sử theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
Trưởng ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo,
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động
kinh doanh trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế
này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Ủy ban
nhân dân huyện Côn Đảo để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp./.