ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/QĐ-UBND
|
Huế, ngày 04 tháng 01 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 36/2009/NQ-QH12 ngày 06 tháng 11 năm
2009 của Quốc Hội về kế hoạch phát triển KTXH năm 2010 và các Nghị quyết của
Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế xã hội năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 04 tháng 12 năm 2009 của
Tỉnh uỷ, Nghị quyết số 13a/2009/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2010;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và
Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân công theo dõi, chỉ đạo, thực
hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và triển khai các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển
kinh tế - xã hội năm 2010 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM
2010
1. Phương hướng và nhiệm vụ trọng
tâm
Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện
kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của quê hương, dân
tộc và là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XI. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang biến động phức tạp, khó
lường; kinh tế trong nước đang từng bước phục hồi, song những tác động của
khủng hoảng kinh tế còn ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất và đời sống; những hậu
quả nặng nề do thiên tai phải mất nhiều thời gian và nguồn lực mới khắc phục được.
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010 là: Tập trung mọi nỗ lực phục hồi
tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; đẩy mạnh sản xuất - kinh
doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một
bước đời sống nhân dân, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế;
giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phấn đấu
hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, sớm đưa
Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm
2010
UBND tỉnh phân công theo dõi chỉ đạo
thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường đã được HĐND tỉnh thông
qua như sau:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi
chỉ tiêu:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trên
12%.
- Tổng sản phẩm trong tỉnh BQ đầu
người (GDP): 1.150 USD
- Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 9.000
tỷ đồng, tăng trên 25%. b) Sở Tài chính theo dõi chỉ tiêu:
- Thu ngân sách nhà nước trên địa
bàn trên 2.750 tỷ đồng, phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng.
c) Sở Công thương theo dõi chỉ tiêu:
- Giá trị xuất khẩu hàng hoá trên
200 triệu USD.
d) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
theo dõi chỉ tiêu:
- Doanh thu du lịch tăng trên 15%.
đ) Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi
chỉ tiêu:
- Sản lượng lương thực có hạt trên
265 nghìn tấn;
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,1%, diện
tích rừng trồng mới 4.000 ha;
- Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước
hợp vệ sinh 95%; Tỷ lệ hộ thành thị sử dụng nước hợp vệ sinh 100%.
e) Sở Y tế theo dõi chỉ tiêu:
- Phấn đấu giảm tỷ suất sinh 0,3%o;
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn
1,2%;
- Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng giảm còn 17%.
f) Sở Lao động Thương binh và Xã hội
theo dõi chỉ tiêu:
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7% và giảm
50% số xã nghèo.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt
40%;
- Tạo việc làm mới cho trên 16.000
người. g) Sở Xây dựng theo dõi chỉ tiêu:
- Tỷ lệ chất thải rắn ở khu vực đô
thị được thu gom 85%;
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử
lý: 80%;
- Tỷ lệ dân cư đô thị đạt 40-45%.
3. Về các chương trình và dự
án trọng điểm:
a) Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với
UBND các huyện thành phố Huế thực hiện Chương trình nâng cấp các thị trấn, xây
dựng thị xã Hương Thủy và chỉnh trang đô thị Huế; theo dõi các dự án chỉnh
trang đô thị, các dự án xi măng: Đồng Lâm, Nam Đông, Dây chuyền 5 XM Luks; các
dự án Ký túc xá sinh viên tập trung, Khu nhà ở xã hội.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá xã nghèo và bảo
đảm an sinh xã hội; theo dõi dự án hồ Tả Trạch; hồ Thủy Yên - Thủy Cam, Tây Nam
Hương Trà.
c) UBND thành phố Huế và Sở Nông
nghiệp và PTNT thực hiện Chương trình tái định cư dân vạn đò sông Hương và đầm
phá Tam Giang.
d) BQL Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng
Cô chủ trì phối hợp với UBND huyện Phú Lộc thực hiện Chương trình phát triển
KKT Chân Mây - Lăng Cô; theo dõi dự án Khu du lịch Laguna Huế của Tập đoàn
Banyan Tree; dự án Cảng xăng dầu và Kho Xăng dầu của Tổng công ty dầu Việt Nam;
đ) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì
phối hợp với Sở lao động Thương binh và Xã hội thực hiện Chương trình phát
triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; theo dõi các dự án thuộc chương trình
kiên cố hóa trường học.
e) Sở Thông tin Truyền thông chủ trì
thực hiện Chương trình phát triển CNTT và công nghiệp phần mềm; theo dõi dự án
Làng truyền thông và CNTT.
f) Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì
thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường.
g) Phân công theo dõi các dự án
trọng điểm khác:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi dự
án đầu tư Sân bay Quốc tế Phú Bài;
- Sở Công thương theo dõi các dự án
thủy điện: Thủy điện Hương Điền, Thủy điện A Lưới, Thủy điện A Lin.
- Sở Giao thông Vận tải theo dõi dự án
cầu qua Sông Hương, cầu Ca Cút; Đường La Sơn - Nam Đông; hoàn thành chương
trình nhựa hoá 100% tỉnh lộ, trong đó, ưu tiên đoạn Phú Đa - Vinh Hà và đoạn
Phong Xuân - Phong Mỹ.
- UBND thành phố Huế theo dõi dự án
tái định cư dân vạn đò thành phố Huế; dự án xử lý nước thải thành phố Huế, các
dự án chỉnh trang thành phố Huế: Chỉnh trang hai bên bờ sông Hương, tập trung
tuyến đường Chương Dương (chợ Đông Ba), giải toả, chỉnh trang khuôn viên 19 Lê
Lợi - Huế và hoàn thành việc giải toả, chỉnh trang một bước sông Ngự Hà.
- Sở Y tế theo dõi dự án Bệnh viện Đa
khoa phía Bắc; các dự án xây dựng bệnh viện tuyến huyện, liên huyện bằng nguồn
vốn trái phiếu Chính phủ.
Các nhiệm vụ cụ thể của các chương
trình trọng điểm thực hiện theo Kế hoạch riêng đã được UBND tỉnh phê duyệt.
4. Các chương trình đề án và
danh mục các văn bản quy phạm pháp luật năm 2010: Các ngành địa phương thực hiện theo
phân công tại Chương trình công tác năm 2010 và danh mục văn bản QPPL kèm theo
Quyết định này.
II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Để thực hiện thành công các mục tiêu
và nhiệm vụ đề ra trong năm 2010, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các địa
phương tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
1.
Tổ chức thực hiện tốt Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị.
a) Các địa phương, các cấp các ngành
quán triệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nội dung chủ yếu của
Kết luận 48 của Bộ Chính trị nhằm góp phần cùng cả tỉnh sớm đưa Thừa Thiên Huế
trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
- UBND các huyện và thành phố Huế
phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành xây dựng hoặc điều chỉnh các quy hoạch đô
thị theo định hướng quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh, trên cơ sở đó tập trung
huy động nguồn lực để đầu tư chỉnh trang và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.
- Thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục
hành chính; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tập trung hỗ trợ và tạo môi
trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi để nâng cao khả năng kêu gọi đầu tư, tạo
động lực tăng trưởng kinh tế.
- Thu hút các nhà đầu tư trong và
ngoài nước có tiềm năng, có thương hiệu, đầu tư các dự án có quy mô lớn... Ưu
tiên giải quyết các thủ tục để tăng nguồn vốn giải ngân từ các dự án FDI đã được
cấp phép.
- Huy động tối đa tất cả các nguồn
vốn cho đầu tư phát triển, lồng ghép nhiều nguồn lực cho các chương trình kinh
tế xã hội, dự án trọng điểm của tỉnh.
b) Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành
thành phố trực thuộc Trung ương.
- Triển khai kế hoạch thực hiện
chương trình nâng cấp các thị trấn, xây dựng thị xã Hương Thủy và chỉnh trang đô
thị Huế, nâng cấp đô thị Tứ Hạ, Thuận An; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch
chi tiết các trục đường có lợi thế để chỉnh trang và kêu gọi đầu tư, đồng thời
tăng cường công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch ở các đô
thị của các huyện và thành phố Huế.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp
với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể
phát triển KTXH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020; trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư
phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, nhất là du lịch, tài
chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, đào tạo, y tế và các loại hình dịch vụ
có giá trị gia tăng cao.
d) UBND huyện Hương Thủy phối hợp
với Sở Nội vụ theo dõi hồ sơ trình phê duyệt đề án xin thành lập thị xã Hương
Thủy và tập trung thực hiện các yêu cầu cần thiết sớm đưa toàn huyện trở thành
thị xã Hương Thủy.
đ) UBND huyện Hương Trà phối hợp với
Sở Xây dựng hoàn thành hồ sơ xin nâng cấp đô thị từ loại V lên loại IV trong
năm 2010 và đề án xin thành lập thị xã Hương Trà.
e) UBND huyện Phú Vang phối hợp với
Sở Xây dựng lập quy hoạch chung mở rộng thị trấn Thuận An và hoàn thành thủ tục
thành lập thị trấn Phú Đa.
f) BQL Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch khu đô thị Chân Mây để kêu gọi đầu tư phát
triển đô thị.
g) Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô
Huế tiếp tục theo dõi hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch
bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế trên cơ sở đó lập các dự án đầu tư để xin hỗ
trợ vốn và triển khai thực hiện.
2.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, góp phần cùng cả nước khôi phục đà
tăng trưởng, chủ động ngăn ngừa tái lạm phát.
a) Các cấp, các ngành tiếp tục thực
hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích phát triển kinh tế. Tập trung hỗ trợ
các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã đăng ký. Thực hiện tốt chính sách
kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với
các địa phương và các ngành liên quan triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (đường, trường, trạm y tế, đê kè, kênh
mương thủy lợi...) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 về "Nông nghiệp,
nông dân, nông thôn".
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng các dự
án đầu tư và lập kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về đề án phát triển KTXH Vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy
nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân chương trình kiên cố hoá trường học, xây
dựng bệnh viện tuyến huyện, hoàn thành các cơ sở y tế cấp xã.
- Hỗ trợ triển khai nhanh các dự án
phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân, lao động, người có thu
nhập thấp. Giải quyết kịp thời vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư
xây dựng đã được bố trí vốn;
- Triển khai các giải pháp khuyến
khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để bổ
sung cho nguồn vốn của Nhà nước bằng các hình thức thích hợp như BT, BOT, PPP…
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu
UBND tỉnh ưu tiên tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, các dự án lớn,
các dự án hạ tầng ngoài hàng rào đến các nhà máy. Tập trung xử lý các nguồn
vốn, giải ngân nhanh và quyết toán ngay các công trình đã hoàn thành; khai thác
các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA, NGO.
Rà soát lại các công trình đầu tư
xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách để kiên quyết thực hiện dứt điểm. Tăng
cường công tác thanh tra, giám sát, khắc phục đầu tư dàn trải, chống thất thoát
và lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư, BQL Khu
Kinh tế Chân Mây Lăng Cô, BQL Các Khu Công nghiệp tỉnh và các địa phương tăng cường
tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi đến các doanh nghiệp, nhất là
khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ cá thể để giúp các cơ sở mạnh dạn đầu
tư và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu cụm công nghiệp. Vận dụng các
chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, chính sách kích cầu của Chính phủ để thu hút đầu
tư…
đ) Sở Công thương tiếp tục tăng
cường quản lý giám sát và kiểm tra đảm bảo bình ổn giá cả thị trường, chống đầu
cơ tăng giá, chống hàng kém chất lượng, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hoạt động
vi phạm để trục lợi, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực,
xăng dầu, sắt, thép, phân bón... trên địa bàn; trước hết là thị trường phục vụ
Tết nguyên đán 2010.
3. Đẩy
mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
a) Các cấp các ngành cần linh hoạt
trong chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp,
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản
xuất, kinh doanh.
b) Các địa phương cần cơ cấu lại
nguồn vốn địa phương để tăng năng lực cho các ngành sản xuất trực tiếp như công
nghiệp, nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, những doanh
nghiệp sử dụng nhiều lao động.
c) Các ngành, địa phương cần coi
trọng thực hiện các giải pháp tích cực nhằm thu hút nguồn lực tại chỗ, nhất là
các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn trong dân. Tạo điều kiện, tháo gỡ khó
khăn cho các dự án triển khai thuận lợi để nâng cao năng lực sản xuất.
- Giải quyết nhanh các thủ tục hành
chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án đã được
cấp phép, đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai.
- Áp dụng và triển khai nhanh chóng
các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng thị trường
và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu; tăng cường vận động xúc tiến đầu tư,
thương mại tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào các đối tác lớn, các nhà đầu
tư tiềm năng. Duy trì công tác quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình
trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm bảo vệ sản xuất.
- Tranh thủ sự giúp đỡ trong quan hệ
đối ngoại để giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nghiên cứu thành lập văn phòng đại diện của tỉnh tại các thành phố lớn trong
nước và nước ngoài.
- Thúc đẩy dự án đầu tư, khai thác
sân bay quốc tế Phú Bài, xúc tiến mở đường bay trực tiếp đến một số nước có
quan hệ giao thương lớn. Đẩy mạnh khai thác cảng Chân Mây.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây
dựng, Sở Tài Nguyên Môi trường, BQL Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và các địa
phương liên quan ưu tiên giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ
các dự án: Dự án Kho Cảng dầu khí và Cầu Cảng Xăng dầu tại Chân Mây, dự án
Laguna Huế, Dự án khu dịch vụ cao cấp của Công ty Sông Đà Thăng Long ở đường Lý
Thường Kiệt, các dự án xi măng Nam Đông, Đồng Lâm, dây chuyền 5 xi măng Lusk…
- Tăng cường tiếp cận và thu hút các
nhà đầu tư lớn đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có
giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường; phát triển nhanh một số ngành
công nghiệp hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh. Phát triển đa dạng các lĩnh vực dịch
vụ nhằm tăng tỷ trọng giá trị ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát
triển các dịch vụ chất lượng cao.
e) Sở Công thương và các ngành liên
quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam", đẩy mạnh phát triển thị trường nông thôn, tạo điều
kiện hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá nông sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.
4.
Quan tâm đầu tư cho văn hóa - xã hội, khoa học, công nghệ, kết hợp hài hòa giữa
bảo tồn và phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân.
a) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
phối hợp với các ngành và địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện và cơ sở vật
chất để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn của đất
nước: 80 năm thành lập Đảng, 35 năm Ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất
nước, 120 năm Ngày sinh Bác Hồ, 60 năm Ngày Quốc khánh, Festival Huế 2010, các
hoạt động hướng về Đại Lễ 1000 năm Thăng Long...
b) Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành
và địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá, nâng cao chất lượng
giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và học
ngoại ngữ trong nhà trường. Giữ vững chất lượng phổ cập tiểu học, trung học cơ
sở, từng bước hoàn thành phổ cập trung học phổ thông. Đẩy mạnh chương trình xây
dựng trường chuẩn quốc gia.
c) Sở Y tế và các địa phương chỉ đạo
thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tập trung triển khai các
chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về chăm sóc và nâng cao sức khoẻ
nhân dân, nhất là Luật khám, chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế và các nghị quyết,
chỉ thị của Chính phủ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên
quyết không để dịch bệnh xảy ra.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường tập
trung triển khai Chương trình bảo vệ môi trường. Phối hợp với các ngành có giải
pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân và toàn xã
hội về phòng ngừa ô nhiễm, bảo vệ, cải thiện môi trường. Tập trung xử lý và di
dời Nhà máy xi măng Long Thọ và các xưởng sản xuất vôi hàu ở Lăng Cô.
e) Các ngành liên quan cần triển
khai lồng ghép thực hiện các mục tiêu về chiến lược phát triển bền vững của
tỉnh. Khi quy hoạch và xây dựng kế hoạch, từng chương trình, dự án phải có
phương án bảo vệ môi trường; trong quy hoạch các khu đô thị, phải dành ít nhất
30% diện tích cho cây xanh. Ngăn chặn ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp,
làng nghề, kênh, rạch, hồ, sông, biển, nơi có nhiều dân cư; sự cố sạt lở bờ
sông, bờ biển, nước đọng và rác thải. Thực hiện nghiêm túc di dời đối với các
nhà máy, xí nghiệp thuộc danh mục gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu đô thị.
5. Thực hiện tốt công tác đảm
bảo an sinh xã hội.
a) Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với
các ngành, địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá xã
nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường các giải pháp hỗ trợ sản xuất cho
bà con nông dân, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hạ tầng kỹ thuật thủy lợi,
giao thông, nuôi trồng thủy sản, phấn đấu xóa 50% xã nghèo trên toàn tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và
chuẩn bị các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng ven biển nhằm hạn chế
thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trình Bộ Nông nghiệp và PTNT để kêu gọi
các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và quốc tế về thực hiện mục tiêu hạn chế
ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
b) Các cấp các ngành và địa phương
thực hiện các giải pháp:
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong
việc giúp đỡ những người neo đơn tàn tật, không nơi nương tựa, những người bị
nhiễm chất độc màu da cam, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người
thiệt thòi trong xã hội...
- Tiếp tục thực hiện lồng ghép, tổ
chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm,
chương trình 135, 134, 257. Thực hiện chủ trương các tổ chức, đơn vị, doanh
nghiệp đỡ đầu và ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần cho 13 xã nghèo để quyết tâm
xoá 50% xã nghèo trong năm 2010.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình
xây dựng nhà ở cho người nghèo và nhà ở xã hội. Di dời các khu dân cư ven sông,
suối, bờ biển có nguy cơ sạt lở và nguy hiểm trong mùa bão, lụt.
6. Tăng cường quốc phòng, an
ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, đẩy
nhanh quá trình hội nhập kinh tế.
a) Các ngành nội chính tham mưu cho các
cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp tăng cường nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân về xây dựng nền quốc
phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh
ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Tiếp tục thực hiện các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và các tệ
nạn xã hội khác.
b) Các ngành liên quan tiếp tục thực
hiện Chương trình hành động về một số chủ trương, giải pháp lớn để kinh tế Thừa
Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức
thương mại thế giới. Tranh thủ sự hỗ trợ trong quan hệ đối ngoại để giúp các
doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
c) Ưu tiên tạo mọi điều kiện để đầu
tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đầu tư phát triển Cảng Chân Mây,
tạo điều kiện cho các ngành đầu tư phát triển Cảng chuyên dụng ở Phong Điền…
7. Đẩy mạnh cải cách hành
chính; tiếp tục đổi mới phương thức điều hành, nâng cao hiệu lực quản lý nhà
nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
a) Văn phòng UBND tỉnh theo chức
năng và nhiệm vụ tập trung theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện
các nhiệm vụ được giao, đảm bảo nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành
của UBND tỉnh.
b) Các cấp các ngành tiếp tục tập
trung chỉ đạo cải cách hành chính; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính
theo hướng đơn giản, minh bạch. Thực hiện nghiêm túc các nội dung thực hiện đề
án 30 của Chính phủ.
- Thực hiện công khai minh bạch
thông tin về các cơ chế, chính sách nhằm tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính
trị và nhân dân. Tập trung rà soát các quy định về quản lý đất đai, đầu tư xây
dựng để điều chỉnh theo hướng đơn giản thủ tục, nhanh gọn, xác định rõ trách
nhiệm của từng đơn vị.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế
dân chủ cơ sở. Đổi mới, hoàn thiện công tác lập kế hoạch, theo dõi đánh giá
thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cải thiện quy trình và phương pháp
thu thập, cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự
báo về tình hình kinh tế - xã hội.
c) Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng
UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính ở
cấp cơ sở. Triển khai nhanh các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
của các cơ quan quản lý cấp tỉnh, huyện.
d) Sở Nội vụ phối hợp các địa phương
tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra ở các cấp. Phát huy tinh thần đoàn kết,
nhất trí trong tập thể lãnh đạo các cấp, tinh thần trách nhiệm và năng lực của
cán bộ trong thực thi công vụ. Thực hiện phân cấp gắn với kiểm tra, kiểm soát,
tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ. Quan tâm công
tác đào tạo cán bộ công chức, công tác lãnh đạo tư tưởng; thực hiện quản lý điều
hành theo quy định của Pháp luật.
e) Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham
nhũng tỉnh và các cấp các ngành thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp
phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, tăng cường
tính công khai, minh bạch; đề cao vai trò giám sát của nhân dân và trách nhiệm
của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các thành viên UBND tỉnh theo
chức năng và nhiệm vụ được phân công tập trung chỉ đạo, điều hành các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, các chương
trình, đề án và các dự án trọng điểm nói trên nhằm thực hiện thành công Kế
hoạch phát triển KTXH năm 2010.
2. Các đơn vị được phân công chủ trì
hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nội dung cụ thể trong kế hoạch thực hiện các
chương trình trọng điểm (đã được ban hành), khẩn trương phân công cán bộ lãnh đạo
và phòng ban chuyên môn triển khai cụ thể để tổ chức thực hiện.
3. Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân
công tại Quyết đinh này; các sở, ngành, địa phương tùy theo chức năng nhiệm vụ
của mình bám sát các công việc được giao để xây dựng kế hoạch, chương trình công
tác của ngành, địa phương mình, với phương châm tập trung vào các nhiệm vụ
trọng tâm để có biện pháp phân công, chỉ đạo, điều hành kiên quyết, đạt hiệu
quả cao. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh.
4. Các sở, ngành, UBND các huyện,
thành phố Huế cần quán triệt đến từng cán bộ công chức, các cấp các ngành thuộc
cơ quan địa phương mình quản lý nhằm phát huy cao độ tinh thần thi đua đẩy mạnh
sản xuất quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện thành công các kế hoạch năm
2010, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Điều
2. Ban
hành kèm theo Quyết định này: Chương trình công tác năm 2010 của UBND tỉnh và
Danh mục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2010 của UBND tỉnh.
Điều
3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều
4. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố Huế; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và thủ trưởng các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Thiện
|