Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 9-L/CTN Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Lê Đức Anh
Ngày ban hành: 08/03/1993 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-L/CTN

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1993

LỆNH

SỐ 9-L/CTN NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 1993 CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CÔNG BỐ PHÁP LỆNH VỀ PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật tổ chức Quốc hội;

NAY CÔNG BỐ

Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá IX) thông qua ngày 8 tháng 3 năm 1993.

PHÁP LỆNH

PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

Lụt, bão là hiện tượng tự nhiên, thường xảy ra ở nước ta có khi gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước, của tập thể và của cá nhân đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái;
Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão;
Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Pháp lệnh này quy định việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công tác phòng, chống lụt, bão là hoạt động phòng ngừa, chống và khắc phục hậu quả gây hại của lụt, bão nhằm giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, bảo vệ và phục hồi sản xuất, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Điều 2

Lụt, bão quy định trong Pháp lệnh này gồm lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra.

Điều 3

Nhà nước thống nhất quản lý công tác phòng, chống lụt, bão trong phạm vi cả nước, kết hợp khoa học hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Điều 4

Nhà nước có chính sách đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư dưới nhiều hình thức, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào các hoạt động dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.

Điều 5

Nhà nước Việt Nam mở rộng quan hệ và hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực khảo sát, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ về dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Điều 6

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có nghĩa vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài sống trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật về phòng, chống lụt, bão của Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 7

Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan Nhà nước khác, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và thực hiện pháp luật về phòng, chống lụt, bão.

Điều 8

Nghiêm cấm mọi hành vi gây hư hại công trình phòng, chống lụt, bão và công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão.

Chương 2:

PHÒNG NGỪA LỤT, BÃO

Điều 9

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải chủ động và tích cực thực hiện việc phòng ngừa lụt, bão lâu dài và hàng năm theo pháp luật về phòng, chống lụt, bão.

Điều 10

Việc phòng ngừa lụt, bão lâu dài bao gồm:

1- Tổ chức và xây dựng hệ thống thu thập thông tin về sự biến động thời tiết toàn cầu, thời tiết khu vực và từng vùng trong cả nước; xử lý thông tin để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; phục vụ điều hành chỉ đạo, chỉ huy phòng ngừa lụt, bão;

2- Lập kế hoạch củng cố, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão; giữ gìn và tu bổ đê điều; bảo vệ và trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, dải cây chắn sóng, chắn gió, chắn cát ven sông, ven biển; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác phòng ngừa lụt, bão;

3- Quy hoạch hợp lý vùng dân cư ở các khu vực thường chịu tác động của lụt, bão;

4- Xác định cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp phù hợp với đặc điểm lụt, bão của từng vùng;

5- Quy định tiêu chuẩn về phòng, chống lụt, bão cho từng vùng đối với các loại công trình xây dựng;

6- Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về phòng, chống lụt, bão;

7- Định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch phòng ngừa lụt, bão.

Điều 11

Việc phòng ngừa lụt, bão hàng năm bao gồm:

1- Quản lý, bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão; ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây hư hại hoặc huỷ hoại công trình phòng, chống lụt, bão và công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão;

2- Trong phạm vi quản lý thuộc cấp nào thì cấp đó phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình phòng, chống lụt, bão và công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão. Nếu phát hiện có hư hỏng hoặc suy yếu phải kịp thời có biện pháp xử lý.

Trong trường hợp vượt quá khả năng xử lý của mình, cấp kiểm tra phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết trước mùa mưa bão;

3- Xây dựng phương án phòng ngừa lụt, bão trên toàn địa bàn và từng khu vực xung yếu, từng trọng điểm phòng, chống lụt, bão;

4- Dự phòng vật tư, phương tiện ứng cứu khi lụt, bão xảy ra trên địa bàn;

5- Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh tại những nơi xung yếu hiểm trở để sử dụng khi cấp thiết;

6- Tổ chức lực lượng và huấn luyện nghiệp vụ về dự báo, phòng, chống lụt, bão.

Điều 12

Việc xây dựng mới các loại công trình phòng phải phù hợp với quy hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn về phòng, chống lụt, bão.

Điều 13

Khi xây dựng mới các kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư thiết yếu và tài sản quan trọng khác trong vùng phân lũ, vùng thường bị ngập lụt thì ngoài việc tuân theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này còn phải được cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống lụt, bão có thẩm quyền cho phép.

Điều 14

Nghiêm cấm việc tạo ra các vật làm cản hoặc các hoạt động khác gây khó khăn cho việc tiêu thoát lũ.

Điều 15

Việc quản lý, khai thác hồ chức nước, các công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão phải có quy trình vận hành hàng năm, nhất là trong mùa mưa bão. Quy trình đó phải được cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống lụt, bão có thẩm quyền xét duyệt.

Điều 16

Vùng biển phải có trạm cứu hộ tàu thuyền.

Số lượng trạm, địa điểm xây dựng và quy chế hoạt động của trạm cứu hộ tàu thuyền do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 17

Các loại tàu, thuyền khi ra biển phải được trang bị hệ thống thông tin, tín hiệu, phương tiện cứu hộ tàu thuyền, cứu hộ người và phải chấp hành quy chế báo bão.

Các thuyền viên và người làm nghề biển, ngoài việc phải tuân theo các quy định của pháp luật về hàng hải còn phải có kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống bão để xử lý khi nhận được tin cảnh báo bão.

Chương 3:

CHỐNG LỤT, BÃO

Điều 18

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải chủ động và khẩn cấp thực hiện việc chống lụt, báo để cứu người, cứu tài sản và cứu hộ công trình bị lụt, bão uy hiếp hoặc phá hoại.

Điều 19

Việc chống lụt, bão bao gồm:

1- Phát tin báo lụt, bão; quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão; quyết định huy động khẩn cấp; quyết định biện pháp khẩn cấp về chống lụt, bão;

2- Bảo đảm thông tin, liên lạc chỉ huy thông suốt;

3- Kịp thời triển khai lực lượng và phương tiện ứng cứu chống lụt, bão;

4- Bảo vệ và cứu hộ các công trình phòng, chống lụt, bão đang bị sự cố hoặc có nguy cơ gây ra tai hoạ;

5- Cấp cứu người bị nạn; sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và của cá nhân;

6- Bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội trong vùng có lụt, bão;

7- Hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường sinh thái và đề phòng dịch bệnh tại vùng có lụt, bão và ở khu vực dân sơ tán.

Điều 20

Thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan dự báo lụt, bão; cơ quan ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, báo và cơ quan ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp chống lụt, bão được quy định như sau:

1- Tổng cực khí tượng thuỷ văn dự báo mưa, lụt, bão, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng trong phạm vi cả nước;

2- Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp tỉnh ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão trong địa phương mình.

Đối với vùng cao, hẻo lánh, trong trường hợp cần thiết Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện có thể ra quyết định cảnh báo, báo động lũ tại địa phương và phải báo cáo ngay với Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp trên;

3- Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương ra quyết định cảnh báo lụt, bão trong phạm vi cả nước;

4- Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp chống lụt, bão.

Khi hết lụt, bão cơ quan nào ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão; ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp chống lụt, bão thì cơ quan ấy có trách nhiệm thông báo bãi bỏ quyết định của mình.

Điều 21

Khi có nguy cơ lụt, bão xảy ra nghiêm trọng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để cứu hộ người, tài sản, công trình theo quy định của pháp luật.

Điều 22

Trong trường hợp có nguy cơ lụt, bão gây hại nghiêm trọng vượt quá khả năng xử lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện của các ngành, các cấp để chi viện cho việc ứng cứu phòng, chống lụt, bão.

Điều 23

Mọi chi phí cho việc huy động ứng cứu khẩn cấp chống lụt, bão do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định huy động chịu trách nhiệm đền bù theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LỤT, BÃO

Điều 24

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải chủ động và tích cực tiến hành việc khắc phục hậu quả lụt, bão nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lụt, bão gây ra, nhanh chống ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất.

Điều 25

Việc khắc phục hậu quả lụt, bão bao gồm :

1- Cứu hộ người và tài sản;

2- Kịp thời cứu trợ, giúp đỡ và ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị lụt, bão gây thiệt hại;

3- Thực hiện các biện pháp để nhanh chóng phục hồi sản xuất;

4- Thực hiện vệ sinh môi trường sinh thái, chống dịch bệnh;

5- Sửa chữa các công trình phòng, chống lụt, bão và các công trình hạ tầng bị hư hỏng;

6- Điều tra, thống kê thiệt hại.

Điều 26

Việc khắc phục hậu quả lụt, bão ở địa phương nào do Uỷ ban nhân dân địa phương đó chỉ đạo thực hiện.

Trong trường hợp vượt quả khả năng của địa phương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải báo cáo kịp thời với Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan phòng, chống lụt, bão cấp trên trực tiếp giải quyết.

Chương 5:

NGUỒN TÀI CHÍNH PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO

Điều 27

Nguồn tài chính phòng, chống lụt, bão bao gồm:

1- Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm;

2- Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương do nhân dân đóng góp theo quy định của Chính phủ;

3- Khoản cứu trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước khi lụt, bão xảy ra.

Điều 28

Nhà nước thành lập quỹ dự phòng quốc gia và khuyến khích cấp tỉnh lập quỹ dự phòng địa phương về phòng, chống lụt, bão.

Việc lập quỹ dự phòng, chế độ quản lý và sử dụng quỹ dự phòng do Chính phủ quy định.

Điều 29

Nguồn tài chính phòng, chống lụt, bão được sử dụng trong các công việc sau đây:

1- Sửa chữa, xây dựng, nâng cấp công trình, trang thiết bị kỹ thuật cho công tác dự báo và chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống lụt, bão;

2- Cứu hộ người và tài sản, cứu hộ công trình bị sự cố do lụt, bão gây ra;

3- Khắc phục hậu quả lụt, bão.

Điều 30

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp nhận và phân phối kịp thời, đúng đối tượng các khoản cứu trợ trong nước, ngoài nước cho tổ chức, cá nhân nơi xảy ra lụt, bão.

Điều 31

Kinh phí, vật tư đã sử dụng để phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão không phân biệt từ nguồn nào, phải vào sổ sách và thanh quyết toán ngay sau mùa mưa bão.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO

Điều 32

Nội dung quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão bao gồm:

1- Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc dự báo, phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão;

2- Quản lý, bảo vệ, xây dựng và tu bổ các công trình phòng, chống lụt, bão và công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão;

3- Quy định và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, thể lệ về dự báo, về phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão;

4- Thu thập và xử lý thông tin có liên quan đến lụt, bão;

5- Quản lý các nguồn tài chính về phòng, chống lụt, bão;

6- Nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong việc dự báo, phòng, chống lụt, bão; bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác dự báo, làm công tác phòng, chống lụt, bão;

7- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về phòng, chống lụt, bão;

8- Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các chế độ, chính sách, thể lệ về dự báo, về phòng, chống lụt, bão, về khắc phục hậu quả lụt, bão và xử lý các vi phạm chế độ, chính sách, thể lệ đó;

9- Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực dự báo, phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai.

Điều 33

Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão trong phạm vi cả nước.

Bộ Thuỷ lợi là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan theo các chức năng chuyên ngành giúp Chính phủ quản lý Nhà nước trong công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các phương án phòng, chống lụt, bão; quản lý, kiểm tra, hướng dẫn các cấp, các ngành trong việc thực hiện chế độ, chính sách, quy định kỹ thuật về bảo vệ đê điều; chỉ đạo công tác dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão. Các bộ, ngành khác theo chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thuỷ lợi trong việc phòng, chống lụt, bão.

Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong phạm vi địa phương mình theo quy hoạch, kế hoạch và phân cấp quản lý của Nhà nước.

Cơ quan quản lý Nhà nước về thuỷ lợi ở địa phương phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ này.

Điều 34

Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập có nhiệm vụ trình Chính phủ xét duyệt hoặc giúp Chính phủ xét duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các phương án phòng, chống lụt, bão; phối hợp điều hành và kiểm tra, đôn đốc việc dự báo, các hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương; chỉ đạo xử lý các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả lụt, bão trong phạm vi cả nước.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp thành lập có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cấp mình xét duyệt và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các phương án phòng, chống lụt, bão do cơ sở lập hàng năm theo quy hoạch và kế hoạch; chỉ đạo công tác hộ đê; tổ chức phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong địa phương mình theo sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão của bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ do thủ trưởng bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập có nhiệm vụ giúp thủ trưởng tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong phạm vi bộ, ngành, cơ quan mình theo sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.

Điều 35

Cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về công tác phòng, chống lụt, bão do Chính phủ quy định.

Điều 36

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan thanh tra chuyên ngành về công tác dự báo, phòng, chống lụt, bão hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão cấp trên trực tiếp về kết luận và biện pháp xử lý khi thanh tra tại cơ sở mình.

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác những vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 37

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; ngăn chặn các hành vi gây hư hại công trình phòng, chống lụt, bão thì được khen thưởng theo chế độ của Nhà nước. Những người tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống lụt, bão mà bị thiệt hại tính mạng hoặc tài sản thì được đền bù theo quy định của pháp luật.

Điều 38

Người nào có hành vi phá hoại, gây tổn hại hoặc cản trở việc phòng, chống lụt, bão; không tuân theo sự huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có lụt, bão xảy ra; lợi dụng lụt, bão để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 39

Người nào thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác dự báo, quyết định cảnh báo, báo động; bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ trực ban, canh đê, hộ đê theo quy định về công tác phòng, chống lụt, bão; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm dụng quyền hạn chiếm dụng kinh phí, vật tư, tiền, hàng cứu trợ về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; bao che cho người vi phạm pháp luật phòng, chống lụt, bão hoặc vi phạm những quy định khác của Pháp lệnh này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 40

Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống lụt, bão mà gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Pháp lệnh này còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 41

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 42

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Lê Đức Anh

(Đã ký)

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


18.491

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.37.200
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!