NGHỊ QUYẾT
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
Nghị quyết nêu rõ: từ nay đến năm 2020, trên cơ sở
vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-
xã hội 2011-2020, các nghị quyết của Trung ương gắn với thực hiện có hiệu quả
Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, Nghệ An cần tiếp tục nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát
huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước
ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào
năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là
trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục- đào tạo, khoa học- công
nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ;
có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trên,
Bộ Chính trị yêu cầu tỉnh Nghệ An cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm
vụ, giải pháp sau:
1.Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi
thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng,
nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với đặc điểm, vị trí của tỉnh. Phấn
đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020
đạt 11-12%. GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 2.800-3.500 USD.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu
tư trong và ngoài nước, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng
khoa học- công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ,
công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Tăng cường hợp
tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn và với các
tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực.
Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc
Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học- công nghệ, công nghệ
thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục- đào tạo;
cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng
của tỉnh.
Cùng với Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển vùng Nam
Thanhh Hóa- Bắc Nghệ An, tập trung xây dựng vùng Hoàng Mai- Đông Hồi gắn với
Khu kinh tế Nghi Sơn; phát triển các ngành công nghiệp động lực như nhiệt điện,
xi măng, luyện thép, cơ khí, hóa chất, cảng biển.
Cùng với Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển vùng Nam
Nghệ An- Bắc Hà Tĩnh. Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm,
đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện
tử, công nghệ thông tin, chế tạo ô tô, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, chế biến
nông- lâm- hải sản. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và tạo cơ chế, chính sách để
thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế.
Thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới,
phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng
công nghệ cao. Đầu tư phát triển kinh tế- xã hội khu vực miền tây thành một
trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn vùng nguyên liệu với khai thác,
chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Xây dựng Khu nông nghiệp
công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp
khu vực miền tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển
hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Thanh
Thủy, nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu
mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan, Miama.
2. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội; bổ sung cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực,
khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, góp vốn xây dựng kết
cấu hạ tầng đồng bộ. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa
phương trong vùng tập trung nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt,
nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế, xây dựng và khai thác hiệu quả các
cảng biển. Xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê ngăn lũ, cống ngăn mặn
giữ ngọt, hệ thống cấp nước, thoát nước đô thị; xử lý chất thải; hạ tầng năng
lượng, hạ tầng viễn thông.
Đối với một số dự án trọng điểm cấp vùng Bắc
Trung Bộ và duyên hải miền Trung, ngoài phần vốn hỗ trợ theo các tiêu chí, quy
định thì ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện đúng
tiến độ.
3. Tăng cường đầu tư của Nhà nước gắn với nâng
cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển
giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục- thể thao.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng
giáo dục; đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trường đại học, trường dạy nghề
chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật
liệu mới… Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học
và dạy nghề hiện có.
Phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển
giao khoa học – công nghệ; thu hút các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học
công nghệ của các bộ, ngành Trung ương, quốc tế đặt trụ sở tại Nghệ An. Xây dựng
đội ngũ trí thức đủ năng lực tham mưu, hoạch định quy hoạch, kế hoạch, chính
sách phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ của
tỉnh.
Từng bước đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống
bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế và bệnh viện huyện, trạm y tế phường, xã,
thị trấn. Xây dựng, phát triển một số cơ sở y tế ở thành phố Vinh thành trung
tâm y tế kỹ thuật cao, từng bước hiện đại hóa theo hướng chuyên sâu về ung bướu,
tim mạch, phụ sản, nhi…có khả năng hỗ trợ về chuyên môn cho các tỉnh Bắc Trung
Bộ.
Hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống di tích lịch sử -
văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tiến độ dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy
giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê
Hồng Phong và một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu khác gắn với phát triển
du lịch. Khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống.
Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động thể
dục – thể thao quần chúng, thể dục – thể thao thành tích cao; đưa Nghệ An trở
thành một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước.
Thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an
sinh xã hội; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát
triển sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nghề, đưa người đi lao động ở nước ngoài,
ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản
đặc biệt khó khăn.
4 .Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định
chính trị xã hội trong mọi tình huống; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính
trị và khối đại đoàn kết dân tộc, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội với bảo
đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng thế trận an
ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; không để xảy ra điểm
nóng, phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là ở vùng đặc thù.
5. Tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh
quá trình hội nhập quốc tế. Củng cố quan hệ với các tỉnh của nước bạn Lào chung
đường biên giới. Đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt
Nam và tiềm năng của Nghệ An để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ động
ngăn ngừa tác động tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
6. Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng
và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thường xuyên chăm lo công tác xây
dựng Đảng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4( khóa XI) về
xây dựng Đảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công
tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Đổi mới nội dung và phương thức
hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện tốt Quy chế
dân chủ ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân….
Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng và phát triển tỉnh
Nghệ An- quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân Nghệ An, đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức
đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội ở Trung ương,
các địa phương với tấm lòng vì quê hương và tấm lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
Đảng bộ, chính quyền nhân dân Nghệ An phải phát
huy mạnh hơn nữa tinh thần tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo, khai thác mọi
tiềm năng, thế mạnh nguồn lực tại chỗ để xây dựng quê hương.
Các cơ quan Trung ương phải thường xuyên phối hợp,
hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Nghệ An thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ
Bộ Chính trị đề ra. Các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh bắc miền Trung cần
tích cực củng cố, tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác với Nghệ An, tạo
không gian kinh tế thống nhất cùng phát triển.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp với tỉnh
Nghệ An cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nêu trên./.