HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2016/NQ-HĐND
|
Thừa
Thiên Huế, ngày 31 tháng 8 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
ĐẨY
MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc
và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày
22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
Sau khi xem xét Tờ trình số
5080/TTr-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Đẩy mạnh
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020”;
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội
đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành và thông qua Đề án “Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020”. Đồng thời, nhấn mạnh một số nội
dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng môi trường sống an toàn,
thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ
em.
Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu
hoặc loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em rơi
vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại bởi các hành động xâm hại, bóc lột.
Trợ giúp phục hồi kịp thời cho trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị tổn
hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát
triển. Xây dựng hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em đồng bộ và hoạt động có hiệu
quả.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đảm bảo 100% xã, phường, thị
trấn đăng ký xây dựng và 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn và chất lượng
xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
- Duy trì và đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và
được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế. 100% trẻ em bị ảnh hưởng
HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ về y tế.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị
suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 20%; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị
suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10%.
- Đến năm 2020 có 90 - 100% trẻ
em từ 3 đến 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ
lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp một đạt 100%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em
dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật.
- Đến năm 2020 có 12.500 học
sinh được dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có
điểm vui chơi cho trẻ em đạt 60%.
- 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt được chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.
- Duy trì 100% trẻ em có hoàn cảnh
khó khăn (khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi) đủ điều kiện được thực hiện các chính
sách về phúc lợi xã hội do Nhà nước quy định.
- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát
hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
- 95%
trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn.
- Phấn đấu đến năm 2020 có 50% xã,
phường, thị trấn xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em.
2. Nhiệm vụ và giải pháp:
a) Tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn
thể để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nâng
cao hiệu quả hoạt động và điều hành của ban chỉ đạo, ban điều hành bảo vệ trẻ
em các cấp; bố trí đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho
việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em. Đưa các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em
vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Đẩy mạnh công tác thông tin,
truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành
vi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình,
nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng,
pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thực hiện tốt các chính sách
đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ nghèo để giảm số
lượng trẻ em lang thang, bị lạm dụng sức lao động, bị tai nạn thương tích, là
nạn nhân của bạo lực; đảm bảo cung cấp đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ chăm
sóc và bảo vệ trẻ em.
c) Duy trì, củng cố và kiện toàn
đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; bố trí đủ số
lượng, nâng cao chất lượng và năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho
cán bộ chuyên trách, đặc biệt là cán bộ và cộng tác viên ở xã, phường, thị
trấn. Thực hiện hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc
trẻ em thôn, bản, tổ dân phố với định mức 0,1 mức lương cơ sở/cộng tác
viên/tháng.
d) Các cấp, các ngành, các đoàn
thể và các tổ chức kinh tế, xã hội có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế
hoạch hoạt động của mình và phối hợp thực hiện tốt các kế hoạch bảo vệ, chăm
sóc trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phát triển phong trào
“Toàn dân bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em”, đẩy mạnh xã hội hóa trong
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực sự dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ
em, tạo điều kiện thuận lợi để các em thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản và bổn
phận của mình.
đ) Hàng năm, cân đối và bố trí
ngân sách của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, đáp ứng nhu cầu
cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các huyện, thị xã, thành
phố, xã, phường, thị trấn hàng năm dành nguồn ngân sách với tỷ lệ thích hợp cho
chương trình này ở cấp mình. Ngoài ra huy động các nguồn lực khác để phục vụ
cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2016.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao
Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến
hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã
được pháp luật quy định.
3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa
Thiên Huế khóa VII, kỳ họp thứ 02 thông qua ngày 31 tháng 8 năm 2016./.