HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2018/NQ-HĐND
|
Cần Thơ, ngày
11 tháng 7 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11
tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường,
phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20
tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch) hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên đường, đổi tên đường,
phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày
11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;
Xét Tờ trình số 49/TTr-UBND ngày 11 tháng 6
năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đặt tên đường; Báo cáo thẩm tra
của Ban Văn hóa - Xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ
họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất đặt
tên 09 tuyến đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ, cụ thể:
1. Quận Ninh Kiều (01 tuyến đường):
Trần Vĩnh Kiết.
2. Quận Cái Răng (02 tuyến đường):
Lý Thái Tổ, Lê Hồng Nhi.
3. Quận Bình Thủy (02 tuyến đường):
Trần Văn Nghiêm, Nguyễn Viết Xuân.
4. Quận Ô Môn (02 tuyến đường):
Tôn Đức Thắng, Hồ Văn Tửu.
5. Quận Thốt Nốt (02 tuyến đường):
Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh.
Kèm theo:
- Phụ lục I: Thuyết minh quy
mô, vị trí các tuyến đường.
- Phụ lục II: Tóm tắt tiểu sử
danh nhân.
Điều 2. Trách nhiệm thi
hành
1. Giao Ủy ban nhân dân
thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
được pháp luật quy định.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2018.
2. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, kỳ họp thứ chín
thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2018./.
PHỤ LỤC I
THUYẾT MINH QUY MÔ, VỊ TRÍ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Hội
đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)
STT
|
TÊN ĐƯỜNG
|
CHIỀU DÀI (mét)
|
LÒNG ĐƯỜNG (mét)
|
LỘ GIỚI (mét)
|
SỐ LÀN XE
|
PHÂNNHÓM
|
GIỚI HẠN (Điểm
đầu - điểm cuối)
|
TÊN TẠM GỌI HIỆN
NAY
|
GHI CHÚ
|
I
|
QUẬN NINH KIỀU (01 tuyến đường)
|
1
|
Trần Vĩnh Kiết
|
1.500
|
6
|
10
|
2
|
IV
|
Từ cầu Ngã Cạy, nối tiếp đường Trần Vĩnh Kiết
hiện hữu đến đường Nguyễn Văn Cừ (địa bàn phường An Bình)
|
Đường Trần Vĩnh Kiết
|
Đường Trần Vĩnh Kiết (mới) có chiều dài toàn
tuyến là 2.100m
|
II
|
QUẬN CÁI RĂNG (02 tuyến đường)
|
1
|
Lý Thái Tổ
|
1.170
|
35
|
47
|
4
|
I
|
Từ đường Quang Trung đến đường A10, khu dân cư
Hưng Phú
|
Đường A1, khu dân cư Hưng Phú
|
|
2
|
Lê Hồng Nhi
|
1.100
|
5,5
|
13,5
|
2
|
IV
|
Từ đường Phạm Hùng đến cuối đường Trường Chính
trị hiện hữu (chùa Long An, phường Lê Bình)
|
Đường Trường Chính trị
|
|
III
|
QUẬN BÌNH THỦY (02 tuyến đường)
|
1
|
Trần Văn Nghiêm
|
500
|
6
|
7
|
2
|
IV
|
Từ đường Trần Quang Diệu đến cuối Hẻm 172 đường
Trần Quang Diệu hiện hữu
|
Hẻm 180 đường Trần Quang Diệu
|
|
2
|
Nguyễn Viết Xuân
|
2.848
|
4
|
6
|
1
|
IV
|
Từ Rạch Chùa, nối tiếp đường Nguyễn Viết Xuân hiện
hữu đến đường Nguyễn Văn Linh (địa bàn phường Thới An Đông)
|
Đường Rạch Chùa - Năm Non - Bà Lý - 91B
|
Đường Nguyễn Viết Xuân (mới) có chiều dài toàn
tuyến là 5.900m
|
IV
|
QUẬN Ô MÔN (02 tuyến đường)
|
1
|
Tôn Đức Thắng
|
9.600
|
11 - 24
|
42
|
2 - 4
|
I
|
Từ cầu Ô Môn, nối tiếp đường Tôn Đức Thắng hiện
hữu đến cầu Bánh Tét (giáp ranh phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt)
|
Quốc lộ 91
|
Đường Tôn Đức Thắng (mới) có chiều dài toàn
tuyến là 19.200m
|
2
|
Hồ Văn Tửu
|
250
|
6
|
35
|
2
|
III
|
Từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Rạch Nhum
(giáp ranh xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai)
|
Đường tỉnh 922
|
|
V
|
QUẬN THỐT NỐT (02 tuyến đường)
|
1
|
Nguyễn Tuân
|
310
|
7
|
17
|
2
|
IV
|
Từ đường Võ Duy Dương đến đường Nguyễn
Hữu Cảnh
|
Đường số 2, khu dân cư Long Thạnh 2
|
|
2
|
Lương Thế Vinh
|
235
|
7
|
17
|
2
|
IV
|
Từ đường số 5, khu dân cư Long Thạnh 2 đến
đường Nguyễn Hữu Cảnh
|
Đường số 6, khu dân cư Long Thạnh 2
|
|
PHỤ LỤC II
TÓM TẮT TIỂU SỬ DANH NHÂN
(Kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2018 của
Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)
I. QUẬN NINH KIỀU (01 tuyến đường)
Trần Vĩnh Kiết (1942 - 1971)
Trần Vĩnh Kiết quê xã An Bình, tỉnh Cần Thơ. Xuất
thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Lúc mới 18 tuổi đã thoát ly gia
đình, gia nhập lực lượng biệt động thành phố Cần Thơ.
Là cán bộ Chính trị viên Đại đội biệt động thành
phố Cần Thơ, Trần Vĩnh Kiết là người đã xây dựng trên 70 cơ sở trong nội ô
thành phố và hàng trăm cơ sở quanh vùng ngoại thành. Phục vụ tốt yêu cầu cất giấu
vũ khí, nuôi dưỡng cán bộ và bộ đội đáp ứng yêu cầu đánh địch ở nội ô và ngoại
thành.
Đồng chí là một chiến sĩ biệt động kiên cường,
đã trực tiếp tham gia đánh trên 60 trận chiến. Trong công tác, đồng chí luôn nhận
phần khó khăn về mình, đã nhiều lần cải trang, táo bạo thọc vào ấp chiến lược
diệt ác, phá kềm, xây dựng cơ sở bám đất, bám dân tiếp tục chiến đấu ở các địa
bàn thuộc xã An Bình, Thuận Đức vào những năm 1966 - 1968.
Tháng 10 năm 1971, trong một chuyến đi công tác
xây dựng cơ sở trong nội thành, trên đường về căn cứ, đồng chí bị rơi vào ổ phục
kích của giặc. Thà hy sinh chứ nhất định không để cho địch bắt, đồng chí Trần
Vĩnh Kiết đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.
Đồng chí Trần Vĩnh Kiết được tặng thưởng Huân
chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba; hai lần được phong tặng danh
hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy và chiến sĩ thi đua, cùng nhiều bằng khen, giấy
khen của các cấp.
Ngày 06 tháng 11 năm 1978, Chủ tịch Nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng đồng chí Trần Vĩnh Kiết
danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân tỉnh Cần Thơ/Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cần Thơ, 2001.- tr.640).
II. QUẬN CÁI RĂNG (02 tuyến đường)
1.
Lý Thái Tổ (974 - 1028)
Tên thật là Lý Công Uẩn, người sáng lập nhà Lý.
Quê ở châu Cổ Pháp (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm 03 tuổi, mẹ ông phải nhờ
nhà sư Lý Khánh Văn nuôi hộ. Thuở nhỏ, ông thông minh, tuấn tú, được sư cho
sang chùa Lục Tổ học với sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh rất quý trọng, từng nói rằng:
“Đứa bé này không phải là người thường”.
Lớn lên ông làm một chức quan nhỏ trong Điện tiền
quân của vua Lê Đại Hành. Năm 1005, vua Lê Đại Hành chết, Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa
Triều) lên ngôi đã phong ông làm Phó Chỉ huy sứ quân Tứ Sương. Cuối năm 1009,
vua Lê Ngọa Triều chết, ông được Đào Cam Mộc và một số quan trong triều suy tôn
lên ngôi. Lý Công Uẩn lên làm vua đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1010, ông
xuống Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La, rồi đổi tên thành Thăng Long. Kinh
thành được xây dựng, nhân dân các nơi tụ về làm ăn, sinh sống. Trong những năm
trị vì, ông ổn định chính trị, củng cố nền thống nhất, phát triển sản xuất, đề
cao Phật giáo,... Tháng 4 năm 1028 ông mất, miếu hiệu là Lý Thái Tổ.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển nhân vật lịch sử Việt
Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên; Phan Đại Doãn....- H.: Giáo dục,
2006.- tr.; 24cm).
2. Lê Hồng Nhi (1941 - 1975)
Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiểu đội trưởng trinh sát vũ trang - Ban An ninh nhân dân Khu Tây Nam bộ.
Quê xã Hưng Thiện, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; vào ngành an ninh năm 1973.
Khi còn niên thiếu, anh là một đội viên tích cực
của Đội thiếu niên. Năm 17 tuổi, anh tham gia dân quân vệ xóm làng, bảo vệ cán
bộ cách mạng. Năm 1973, anh chính thức được tuyển vào Đội An ninh vũ trang thuộc
Tiểu đoàn 1 Khu Tây Nam bộ. Sau đó, anh được phân công về Đại đội 3, Tiểu đoàn
1 An ninh vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Khu ủy. Tuy ít tuổi nhưng anh rất
tích cực tham gia công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.
Trong quá trình làm công tác bảo vệ khu căn cứ,
anh đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng chục trận chống càn, chống bình định,
lấn chiếm của địch vào khu căn cứ, anh đã tiêu diệt 146 tên địch, phá hủy hàng
trăm súng, thu nhiều phương tiện chiến tranh.
Tháng 02 năm 1975, lực lượng ta bao vây đánh đồn
Vàm Xáng (huyện Vĩnh Thuận). Địch cho 01 tiểu đoàn đến hỗ trợ giải vây. Để bảo
vệ an toàn khu căn cứ, anh được phân công chỉ huy 06 đồng chí khác chặn đánh lực
lượng chi viện của địch. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, buộc địch phải rút
quân. Tuy nhiên địch tiếp tục tăng cường quân. Sự tương quan lực lượng quá
chênh lệch và cuộc chiến đấu kéo dài, cả 06 đồng chí đều bị thương, một mình
anh phải đương đầu và đánh trả quyết liệt cả một tiểu đoàn địch. Đạn hết, anh bị
thương nặng và hy sinh anh dũng. Nhờ kéo dài trận đánh và quyết liệt này, Khu ủy
đã có đủ thời gian di chuyển địa điểm bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Anh được tặng thưởng Huân chương Huân công hạng
nhì, 15 bằng khen, giấy khen. Ngày 24 tháng 01 năm 1976, anh được Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Những đơn vị, cá nhân anh
hùng Công an nhân dân.- H.: Công an nhân dân).
III. QUẬN BÌNH THỦY (02 tuyến đường)
1. Trần Văn Nghiêm (1923 - 1985)
Quê quán xã Ninh Sơn, huyện Hoa
Lư, tỉnh Ninh Bình. Sớm tiếp thu những ảnh hưởng của phong trào cách mạng,
nhập ngũ từ năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí trưởng thành từ
chiến sĩ đến Trung đoàn trưởng.
Trong kháng chiến chống Mỹ
(1955 - 1963), trải qua các chức vụ Phó phòng, Trưởng phòng, Cục phó Cục tác
chiến Bộ Tổng tham mưu. Tháng 9 năm 1964, ông giữ chức vụ Trưởng Phòng tác chiến,
sau đó là Tham mưu phó Bộ tham mưu Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tháng 10
năm 1972, ông giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 2 (T2) thuộc Chiến trường B2
(Quân khu 8). Tháng 02 năm 1975, ông giữ chức vụ Phó Tư lệnh Đoàn 232, tham gia
Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tháng 8 năm 1977, ông giữ chức
vụ Phó Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh Quân khu 9 (1979 - 1985). Năm 1984, ông được
thăng quân hàm Trung tướng. Ông mất năm 1985.
Ông
đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương
Quân công hạng nhất,…
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển bách khoa quân sự Việt
Nam - Trang 1.008, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2004).
2. Nguyễn Viết Xuân (1934 - 1966)
Quê xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên
(nay là Vĩnh Phúc).
Nguyễn Viết Xuân đã có đóng góp quan trọng trong
chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Nguyễn Viết Xuân là Chính trị viên đại đội pháo
phòng không, làm nhiệm vụ ở khu vực Tây Quảng Bình. Trong trận chiến đấu ngày
18 tháng 11 năm 1966, mặc dù bị thương nặng anh vẫn không rời vị trí chỉ huy,
bình tĩnh yêu cầu y tá cắt đứt phần chân bị địch bắn nát và tiếp tục động viên
cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị bằng khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”.
Nguyễn Viết Xuân đã được Nhà nước truy tặng danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển nhân vật lịch sử/Đinh
Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên; Phan Đại Doãn....- H.: Giáo dục, 2006.-
648 tr.; 24cm).
IV. QUẬN Ô MÔN (02 tuyến đường)
1.
Tôn Đức Thắng (1888 - 1980)
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm
1888, tại làng Mỹ Hoà Hưng, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).
Năm 1910, sau khi học xong trường dạy nghề, ông
vào làm việc trong xưởng máy của Hải quân Pháp tại Sài Gòn. Năm 1912, ông lãnh
đạo cuộc bãi công của học sinh trường dạy nghề và công nhân nhà máy Ba Son. Bị lùng
bắt ráo riết, ông phải trốn sang Pháp làm thợ máy trong hải quân Pháp.
Năm 1919, ông tham gia cuộc binh biến tại Biển
Đen, bị điều động tới một đơn vị hải quân tham gia tấn công Xê-va-tô-pôn, ông
đã tự tay kéo lá cờ đỏ trên đỉnh cột tàu Phơ-răng-xơ (France) để chào mừng Cách
mạng tháng Mười Nga. Trở về nước năm 1920, ông ra sức xây dựng các cơ sở công hội
bí mật tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba
Son tháng 8 năm 1925 thắng lợi. Năm 1926, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên. Năm 1927, được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Nam kỳ. Cuối
năm 1929, ông bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được chính
quyền cách mạng đón về. Từ năm 1945 - 1969, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng
như: Chủ tịch Mặt trận liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ 1955; Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà từ 1960,... Từ năm 1969, ông được cử làm Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà. Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, giải
thưởng “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc” do Ủy ban giải thưởng hoà
bình Quốc tế Lê-nin tặng. Năm 1967, ông được Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao
Liên Xô tặng Huân chương Lê-nin.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường
và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển
nhân vật lịch sử Việt Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Phan Đại
Doãn....- H.: Giáo dục, 2006.- 648tr.; 24cm).
2.
Hồ Văn Tửu (1936 - 1969)
Hồ Văn Tửu, hay còn gọi là Bành Tửu. Liệt sĩ,
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông sinh năm 1936, tại xã Thới Thạnh, huyện Ô
Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ).
Tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam
năm 1950 (lúc 14 tuổi), tại Chi bộ xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
Năm 1950, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ xã
Thới Thạnh, huyện Ô Môn. Năm 1951, giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã Thới Thạnh,
huyện Ô Môn. Từ năm 1961 - 1963, ông là Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Huyện
đội trưởng Huyện đội Ô Môn.
Từ năm 1963 - 1964, ông được bổ nhiệm làm Đại đội
trưởng Đại đội 20, Tiểu đoàn Tây Đô. Từ năm 1965 - 1966, ông giữ chức Tiểu đoàn
phó và Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn Tây Đô. Từ năm 1967 - 1968, ông là Tỉnh ủy
viên, Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Tây Đô.
Từ năm 1968 - 1969, ông là Tỉnh ủy viên chỉ đạo
mặt trận tiền phương và chỉ đạo Cụm 3 huyện Kế Sách, Châu Thành B, Châu Thành A
- tỉnh Cần Thơ; Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Tây Đô - Tỉnh đội phó Chỉ huy tiền
phương.
Ông là người luôn nêu cao tinh thần cách mạng,
có bản lĩnh chính trị vững vàng, đã trực tiếp chiến đấu, lãnh đạo và chỉ huy
đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, góp phần cùng lực lượng vũ trang nhân dân Cần Thơ,
mà tiêu biểu là Tiểu đoàn Tây Đô loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên giặc.
Điển hình như các trận: Thị đội, Hòa Hưng, Cái Sắn (1964 - 1965); trận Lung
Đưa, Ông Hào, Ông Cửu (1965 - 1969). Ông đã cùng đồng đội tiêu diệt 07 tiểu
đoàn của Sư đoàn 20, làm thiệt hại nặng các lữ đoàn của Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, ông đã tham gia
đánh chiếm nhiều vị trí quan trọng của địch tại Cần Thơ, ông hy sinh năm 1969.
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương
Kháng chiến chống Pháp hạng ba; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, nhì,
ba; Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất,
nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến
công hạng nhì, ba. Ngày 30 tháng 01 năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Báo cáo thành tích đề
nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do Đại tá Hồ
Quốc Quang - em ruột ông Hồ Văn Tửu cung cấp).
V. QUẬN THỐT NỐT (02 tuyến đường)
1.
Nguyễn Tuân (1910 - 1987)
Nhà văn. Quê làng Mọc Thượng Đình, sinh tại phố
Hàng Bạc, Hà Nội. Thời trẻ sống ở miền Trung, làm báo, viết văn, đóng phim. Ông
nổi tiếng với thể loại tùy bút mang phong cách riêng cả trước cách mạng, trong
kháng chiến và sau hòa bình. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó tham
gia phong trào đi Nam tiến. Ông là Thư ký Hội văn nghệ Việt Nam, dự các chiến dịch
sông Thao, Đường số 4,…
Ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị: Thiếu quê
hương, Vang bóng một thời, Tóc chị Hoài, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Ông
được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công
trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Tiểu từ điển đường phố Hà Nội/Giang
Quân. H.: Nxb. Từ điển Bách khoa.: Trung tâm văn hóa Tràng An. 2010.- 408 tr;.
17cm).
2. Lương Thế Vinh (1442 - 1496)
Nhà văn hóa lớn và nhà toán học. Quê làng Cao
Hương, huyện Thiên Bản (Vụ Bản, Nam Định). Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm
1463, thường gọi là Trạng Lường. Lúc đầu, ông giữ các chức văn thư, soạn thảo
các giấy tờ giao thiệp với Nhà Minh. Thời Hồng Đức (1470 - 1497), ông giữ các
chức quan phụ trách giáo dục, làm Hàn lâm viện thi thư, Nhập thị kinh diện kiêm
chức Tri huấn Sùng Văn quán và Tú Lâm cục; vua cũng cử ông làm Sái phu (sửa chữa
và bình phẩm thơ văn) của hội Tao đàn.
Ông không ham công danh phú quý, dám nói thẳng
và hay khôi hài. Khi về già, sống bình dị ở quê hương. Ông là nhà văn, nhà toán
học, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu Phật học đã để lại một số tác phẩm
có giá trị như: Đại thành toán pháp, Hí phường phả lục, Thiền môn giáo khoa,…
(Cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình
công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển nhân vật lịch sử Việt
Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên; Phan Đại Doãn, Chương Thâu...-H.:
Giáo dục, 2006. -647 tr.; 24cm)./.