Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Di sản văn hóa năm 2024 số 45/2024/QH15

Số hiệu: 45/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 23/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 45/2024/QH15

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2024

 

LUẬT

DI SẢN VĂN HÓA

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Di sản văn hóa.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người Việt Nam định cư ở Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người nước ngoài định cư, hoạt động ở Việt Nam; người Việt Nam định cư, hoạt động ở nước ngoài liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Di sản văn hóa phi vật thể là tri thức, kỹ năng, tập quán, biểu đạt văn hóa cùng đồ vật, đồ tạo tác, không gian liên quan được cộng đồng, nhóm người, cá nhân thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ và hình thành nên bản sắc văn hóa của họ, không ngừng được trao truyền, bảo vệ, tái tạo, sáng tạo, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

2. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có một, một số hoặc tất cả giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

3. Di tích lịch sử - văn hóa là công trình kiến trúc, nghệ thuật, cụm công trình xây dựng, địa điểm, di chỉ khảo cổ hoặc cấu trúc có tính chất khảo cổ học; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, cụm công trình, địa điểm, di chỉ hoặc cấu trúc đó, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

4. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ.

5. Di sản tư liệu là nội dung thông tin gốc được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân, thể hiện trực tiếp bằng ký hiệu, mật mã, chữ viết, hình vẽ, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và dạng thức khác trên vật mang tin gốc có thể tiếp cận và có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng, được kế thừa và trao truyền.

6. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

7. Cổ vật là di vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ 100 năm tuổi trở lên.

8. Bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

9. Sưu tập là một tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu được thu thập, giữ gìn, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung hoặc chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội.

10. Bảo tàng là thiết chế văn hóa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, bảo quản, trưng bày, diễn giải, giáo dục, truyền thông di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, khoa học của công chúng và thúc đẩy phát triển bền vững.

11. Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị, đánh giá hiện trạng, nguy cơ hủy hoại, xác lập cơ sở pháp lý và lập danh mục, hồ sơ khoa học di sản văn hóa.

12. Ghi danh là hoạt động đưa di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đáp ứng tiêu chí vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể, Danh mục quốc gia về di sản tư liệu hoặc các danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), bao gồm ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, ghi danh di sản tư liệu.

13. Bảo quảntập hợp các hoạt động, biện pháp nhằm phòng ngừa và hạn chế nguy cơ làm hư hỏng, gây hủy hoại mà không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bao gồm bảo quản di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu.

14. Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sáng tạo, kế thừa, sở hữu, nắm giữ, thực hành, trao truyền và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể.

15. Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể là người thực hành, nắm giữ và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết ở trình độ cao và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể.

16. Người thực hành là thành viên của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, tham gia tích cực vào thực hành, trao truyền, tái tạo di sản văn hóa, góp phần để di sản văn hóa được thực hành hoàn chỉnh, hình thành bản sắc văn hóa và vì lợi ích của cộng đồng chủ thể.

17. Không gian văn hóa liên quan là nơi cộng đồng chủ thể sáng tạo, thể hiện, duy trì và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể.

18. Cảnh quan văn hóa của di tích là cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái và không gian cảnh quan vật chất tự nhiên chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ cùng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan có tầm quan trọng trong việc hình thành giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

19. Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

20. Phục hồi di tích là hoạt động phục dựng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

21. Tu bổ di tích là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

22. Tôn tạo di tích là hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

23. Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động sửa chữa hoặc chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời để ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại nhưng không được tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

24. Công trình kinh tế - xã hội là công trình được thực hiện theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương.

25. Công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích là công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan văn hóa của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, nhà trưng bày liên quan đến giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, chức năng bảo đảm an toàn, an ninh cho di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và sử dụng, phục vụ hoạt động văn hóa diễn ra tại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phù hợp với tính chất, loại hình của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

26. Thăm dò, khai quật khảo cổ là hoạt động khoa học nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và địa điểm khảo cổ.

27. Bảo tồn di sản văn hóa là hoạt động nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại lâu dài, ổn định của di sản văn hóa theo dạng thức vốn có của di sản văn hóa.

Điều 4. Sở hữu di sản văn hóa

1. Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân. Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ di sản văn hóa thuộc hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung theo quy định của Hiến pháp, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:

a) Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản tư liệu và hiện vật thuộc di tích; hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và không thuộc quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Hiện vật, di sản tư liệu thuộc bảo tàng công lập;

c) Di sản văn hóa ở trong lòng đất, dưới nước thuộc đất liền, hải đảo, vùng nước nội địa, vùng biển Việt Nam;

d) Di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc Việt Nam nằm ngoài các vùng nước nội địa, vùng biển Việt Nam được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Di sản văn hóa do cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập sưu tầm theo các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 42 và khoản 2 Điều 58 của Luật này;

e) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do bảo tàng công lập sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, phát huy giá trị;

g) Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của Bộ luật Dân sự khi được xác định là di sản văn hóa;

h) Tài sản là di sản văn hóa do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; không có người nhận thừa kế và tài sản là di sản văn hóa khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

i) Di sản văn hóa phi vật thể không xác định được chủ thể sáng tạo và chủ sở hữu hoặc do cộng đồng, nhóm người, cá nhân sáng tạo, thực hành, trao truyền, nắm giữ và kế thừa chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước;

k) Trường hợp khác do luật quy định.

3. Di sản văn hóa được xác lập sở hữu riêng bao gồm:

a) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu do 01 cá nhân hoặc 01 pháp nhân sưu tầm, lưu giữ;

b) Di vật, cổ vật do 01 cá nhân hoặc 01 pháp nhân chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của Bộ luật Dân sự;

c) Di tích lịch sử - văn hóa, hiện vật, di sản tư liệu thuộc di tích, di sản tư liệu do 01 cá nhân hoặc 01 pháp nhân khởi lập, tạo dựng, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị;

d) Bí quyết, kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể do 01 cá nhân sáng tạo, kế thừa, nắm giữ, thực hành và trao truyền;

đ) Trường hợp khác do luật quy định.

4. Di sản văn hóa được xác lập sở hữu chung bao gồm:

a) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu do tổ chức không phải là pháp nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng sưu tầm, lưu giữ, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều này;

b) Di vật, cổ vật do tổ chức không phải là pháp nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của Bộ luật Dân sự;

c) Di tích lịch sử - văn hóa, hiện vật, di sản tư liệu thuộc di tích, di sản tư liệu do tổ chức không phải là pháp nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng khởi lập, tạo dựng, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị;

d) Di sản văn hóa phi vật thể, bí quyết, kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể do cộng đồng, nhóm người sáng tạo, kế thừa, nắm giữ, thực hành và trao truyền;

đ) Trường hợp khác do luật quy định.

5. Quyền sở hữu đối với di sản văn hóa được xác lập, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa

1. Quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng, gia đình, dòng họ, pháp nhân, cá nhân đối với di sản văn hóa bao gồm:

a) Sở hữu hợp pháp di sản văn hóa; được thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

b) Tham quan, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa;

c) Khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa;

d) Được Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật;

đ) Kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế, thực hành, truyền dạy di sản văn hóa và các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng, gia đình, dòng họ, pháp nhân, cá nhân đối với di sản văn hóa bao gồm:

a) Tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa;

b) Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

c) Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 của Luật này và hành vi vi phạm pháp luật khác;

d) Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;

đ) Nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyền của chủ sở hữu di sản văn hóa bao gồm:

a) Thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;

b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hỗ trợ, phối hợp nhận diện, xác định giá trị và thực hiện quy trình, thủ tục đưa vào danh mục kiểm kê; được giữ bí mật thông tin, nếu có yêu cầu;

c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hỗ trợ và phối hợp về nghiệp vụ lưu giữ, bảo quản, tư liệu hóa, tạo điều kiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo thoả thuận;

d) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ và hướng dẫn các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa;

đ) Gửi tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu vào bảo tàng công lập hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức của Nhà nước có thẩm quyền, chức năng phù hợp trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị;

e) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của chủ sở hữu di sản văn hóa bao gồm:

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham quan, tiếp cận, nghiên cứu di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất;

c) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

5. Quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng, gia đình, dòng họ, pháp nhân, cá nhân quản lý di sản văn hóa bao gồm:

a) Được Nhà nước xem xét, hỗ trợ kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

b) Được quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở bảo đảm không ảnh hưởng yếu tố gốc cấu thành di tích, tính toàn vẹn các giá trị vốn có của di sản văn hóa;

c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng, gia đình, dòng họ, pháp nhân, cá nhân quản lý di sản văn hóa bao gồm:

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham quan, tiếp cận, nghiên cứu di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;

b) Bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa;

c) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa;

d) Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn khi di sản văn hóa có biểu hiện sai lệch giá trị, có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mất;

đ) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.

3. Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo luật pháp quốc tế và theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng, cá nhân; tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sự đối thoại giữa các cộng đồng và tính đặc thù dân tộc, vùng, miền.

5. Ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

6. Bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu; giá trị và hình thức thể hiện vốn có của di sản văn hóa phi vật thể.

7. Tôn trọng quyền của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể trong việc quyết định các yếu tố cần được bảo vệ và hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản văn hóa; xác định nguy cơ, tác động đe dọa sự tồn tại và lựa chọn giải pháp bảo vệ di sản văn hóa.

8. Lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương.

Điều 7. Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa

1. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng, miền, của đồng bào dân tộc.

2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa.

3. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây:

a) Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận;

b) Bảo vệ và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các biểu đạt và truyền thống truyền khẩu; nghệ thuật trình diễn dân gian; kiến trúc truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức, kinh nghiệm dân gian về phòng bệnh, chữa bệnh và tri thức dân gian khác; ẩm thực, trang phục, lễ hội truyền thống;

c) Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người;

d) Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng; bảo tàng công lập có vai trò quan trọng; bảo vật quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu; di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền.

Chính phủ quy định chi tiết bảo tàng công lập có vai trò quan trọng quy định tại điểm này;

đ) Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, số hóa di sản văn hóa, chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

4. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số, nghệ nhân sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, nghệ nhân là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

5. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực, kỹ thuật đối với nhân lực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhân lực sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo.

6. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và Quỹ bảo tồn di sản văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập.

7. Tạo điều kiện để các vùng, địa phương đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, các địa phương thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa theo quy định của pháp luật để chủ động trong việc bảo tồn di sản văn hóa bị xuống cấp, nhất là di sản văn hóa bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, thiên tai, bão lũ, di sản văn hóa thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

8. Miễn, giảm vé tham quan, học tập, nghiên cứu di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu toàn dân đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

9. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ về di sản văn hóa theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Ngày 23 tháng 11 hằng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Chiếm đoạt di sản văn hóa; làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích, nội dung và giá trị của di tích, di sản tư liệu; phổ biến, thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể.

2. Xâm hại, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa và cảnh quan văn hóa của di tích.

3. Khai thác, sử dụng di sản văn hóa làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc.

4. Lợi dụng di sản văn hóa và việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, công nhận, ghi danh di sản văn hóa để trục lợi, thờ tự, thực hành tín ngưỡng và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật; phân biệt đối xử, kỳ thị văn hóa, tạo ganh đua, mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột văn hóa; cản trở quyền sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa.

5. Công nhận, trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa trái quy định của pháp luật.

6. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; tìm kiếm, trục vớt trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước; đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật; xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích, khu vực thăm dò khai quật khảo cổ và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ.

7. Mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp.

8. Lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

9. Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến hoặc không thực hiện đúng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phê duyệt dự án, nội dung thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

10. Kinh doanh dịch vụ về di sản văn hoá khi chưa đủ điều kiện kinh doanh, hành nghề quy định tại các điều 78, 79, 80 và 81 của Luật này.

11. Làm giả di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu ra nước ngoài.

12. Lợi dụng hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín.

13. Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được giao quản lý bảo tàng và chủ sở hữu hiện vật.

Chương II

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Điều 10. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các loại hình sau đây:

1. Biểu đạt và truyền thống truyền khẩu gồm các hình thức thể hiện thông tin bằng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, ký tự và ngữ văn dân gian;

2. Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu truyền thống và các hình thức trình diễn dân gian khác;

3. Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên, ổn định, thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng, thông qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể;

4. Lễ hội truyền thống gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan;

5. Tri thức dân gian gồm tri thức về tự nhiên và vũ trụ, sức khỏe và đời sống con người, lao động, sản xuất, phòng bệnh, chữa bệnh, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác;

6. Nghề thủ công truyền thống gồm các thực hành thủ công bằng tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết, nghệ thuật cùng với công cụ, đồ vật, đồ tạo tác, nguyên vật liệu tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể.

Điều 11. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

1. Di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể). Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phải được rà soát, cập nhật hằng năm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm kê và phê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và đưa ra khỏi Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Danh mục, danh sách và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung về di sản văn hóa phi vật thể

1. Di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, ghi danh bổ sung vào danh mục, danh sách sau đây:

a) Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể;

b) Danh sách của UNESCO bao gồm: Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đăng ký những thực hành bảo vệ tốt.

2. Di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, ghi danh bổ sung vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

a) Là di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể;

b) Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương;

c) Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;

d) Biện pháp bảo vệ được đề xuất có tính khả thi;

đ) Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

3. Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

a) Là di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể;

b) Đáp ứng tiêu chí ghi danh theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

Điều 13. Ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể 

1. Việc ghi danh, ghi danh bổ sung vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể phải có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

Trường hợp di sản văn hóa phi vật thể phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từng địa phương nơi có di sản văn hóa phi vật thể có thể lập và trình hồ sơ khoa học riêng của di sản văn hoá phi vật thể đó trên địa bàn hoặc các địa phương thống nhất 01 địa phương chủ trì lập và trình hồ sơ khoa học chung của di sản văn hoá phi vật thể phân bố trên địa bàn của các địa phương;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, ghi danh, ghi danh bổ sung vào Danh mục quốc gia về di sản văn hoá phi vật thể;

c) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định ghi danh, ghi danh bổ sung, công bố và cấp bằng ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia về di sản văn hoá phi vật thể theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

2. Việc ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách của UNESCO được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị ghi danh hoặc ghi danh bổ sung vào danh sách của UNESCO đối với di sản văn hoá phi vật thể phân bố trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc di sản văn hoá phi vật thể phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sau khi thống nhất 01 địa phương chủ trì và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể.

Trường hợp đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị ghi danh hoặc ghi danh bổ sung để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị phải có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập;

c) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;

d) Việc ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong các danh sách của UNESCO thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

3. Việc hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể không còn đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập;

b) Việc hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong các danh sách của UNESCO thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều này.

Điều 14. Chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể

1. Nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước như sau:

a) Được Nhà nước xét tặng, trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

b) Hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

c) Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho việc thành lập, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền;

d) Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết;

đ) Có chế độ, chính sách đặc biệt ưu tiên nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số;

e) Chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài các chính sách quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chế độ đãi ngộ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

3. Chính phủ quy định chi tiết các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này.

Điều 15. Duy trì thực hành, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể

1. Nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể duy trì thực hành, truyền dạy, giữ gìn giá trị của di sản văn hóa trong cộng đồng và lan tỏa di sản văn hóa đến cộng đồng khác trong xã hội.

2. Nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể ở phạm vi trong và ngoài cộng đồng nhằm củng cố, tăng số lượng, chất lượng thực hành di sản văn hóa phi vật thể, ưu tiên các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số rất ít người để bảo đảm di sản văn hóa được duy trì thực hành thường xuyên, liên tục, đúng với giá trị, bản chất và chức năng của di sản văn hóa; giảm nguy cơ mai một, thất truyền thông qua các hình thức sau đây:

a) Nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và biểu đạt văn hóa cho thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể thông qua thực hành di sản văn hóa phi vật thể;

b) Nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và biểu đạt văn hóa cho cộng đồng khác thông qua đào tạo có chủ đích.

Điều 16. Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể

1. Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động tìm hiểu, nhận diện đặc điểm, giá trị và chức năng của di sản văn hóa phi vật thể và ghi, thu lại hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể để lưu giữ.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đối với di sản văn hóa phi vật thể phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp thực hiện quản lý nhà nước về văn hóa (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh) đối với di sản văn hóa phi vật thể thuộc 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Các tổ chức, cộng đồng và cá nhân phối hợp với cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trên địa bàn để củng cố giá trị và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

5. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 17. Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê và ghi danh

1. Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể và các danh sách của UNESCO phải có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị sau ghi danh và thực hiện việc báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định, hướng dẫn của UNESCO.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh trên địa bàn sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trình hồ sơ khoa học ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể chủ trì xây dựng, lấy ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại trước khi phê duyệt hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từng địa phương xây dựng, phê duyệt đề án riêng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; hướng dẫn báo cáo; xây dựng và gửi các báo cáo quốc gia theo yêu cầu của UNESCO.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 18. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền

1. Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được xác định theo một trong các tiêu chí sau đây:

a) Khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất;

b) Số lượng nghệ nhân giảm mạnh, suy giảm người thực hành và thế hệ kế cận;

c) Suy giảm, biến đổi điều kiện và hình thức thực hành;

d) Không gian văn hóa liên quan, môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể bị thu hẹp hoặc biến mất.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kết quả kiểm kê, thực trạng thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, ý kiến đề xuất của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh và đề nghị của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể để xác định di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

3. Các biện pháp bảo vệ khẩn cấp di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền bao gồm:

a) Nghiên cứu, tư liệu hóa các thực hành, hình thức thể hiện;

b) Phục hồi các thực hành, hình thức thể hiện, điều kiện, hiện vật và không gian văn hóa liên quan;

c) Tổ chức truyền dạy;

d) Biện pháp khác.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khẩn cấp quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO hỗ trợ bảo vệ các di sản được ghi danh trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp từ Quỹ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Điều 19. Biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam

Nhà nước bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, đặc biệt đối với tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số và tiếng nói, chữ viết có nguy cơ mai một thông qua các biện pháp sau đây:

1. Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ và truyền dạy các biểu đạt và truyền thống truyền khẩu bằng tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc;

2. Dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân công tác ở vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số theo yêu cầu công việc, cho học sinh người dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật về giáo dục;

3. Ban hành quy tắc phiên âm tiếng nói của những dân tộc chưa có chữ viết;

4. Sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, phân loại và lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian;

5. Xây dựng từ điển, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, cơ sở dữ liệu về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc;

6. Khuyến khích giới thiệu di sản văn hóa tại các bảo tàng, di tích bằng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số;

7. Xuất bản sách, báo, thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình, sân khấu về di sản văn hóa bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Điều 20. Biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống

Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị lễ hội truyền thống thông qua các biện pháp sau đây:

1. Bảo đảm cộng đồng chủ thể được chủ động tham gia thực hành nghi thức truyền thống trong không gian văn hóa và thời điểm theo đúng chu kỳ của lễ hội;

2. Bảo đảm quyền của cộng đồng chủ thể trong việc chủ động lựa chọn hình thức quảng bá lễ hội và đối tượng ngoài cộng đồng tiếp cận hay tham gia tổ chức, thực hiện các hoạt động trong lễ hội;

3. Phục hồi có chọn lọc nghi thức truyền thống và trò diễn dân gian trong lễ hội trên cơ sở sự đồng thuận tham gia rộng rãi nhất của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể;

4. Có biện pháp hỗ trợ cộng đồng ngăn chặn các yếu tố, những hoạt động ảnh hưởng đến thành tố, cấu trúc lễ hội và không đúng quy định nếp sống văn minh trong các hoạt động tại lễ hội;

5. Khuyến khích việc phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài về nguồn gốc, nội dung, giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội.

Chương III

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

Mục 1. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH

Điều 21. Các loại hình di tích

Di tích bao gồm các loại hình sau đây:

1. Di tích lịch sử - văn hóa gồm các loại hình sau đây:

a) Di tích lịch sử gồm di tích lưu niệm sự kiện lịch sử, văn hóa, di tích lưu niệm danh nhân;

b) Di tích kiến trúc, nghệ thuật;

c) Di tích khảo cổ;

2. Danh lam thắng cảnh;

3. Di tích hỗn hợp.

Điều 22. Tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình

1. Di tích lịch sử phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương trong quá trình dựng nước và giữ nước;

b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử;

c) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với lịch sử phát triển công nghiệp, đô thị, nông thôn có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.

2Di tích kiến trúc, nghệ thuật phải đáp ứng tiêu chí là công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc đô thị, nông thôn, địa điểm cư trú, khu vực đô thịnông thôn, công trình công nghiệp chứa đựng công trình kiến trúc và không gian lịch sử, văn hóa có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

3. Di tích khảo cổ phải đáp ứng tiêu chí là địa điểm phát hiện dấu tích liên quan đến hoạt động của con người, có tầng văn hóa chứa đựng di tích, di vật phản ánh lịch sử văn hóa, con người, có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.

4. Danh lam thắng cảnh phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Cảnh quan thiên nhiên có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ tiêu biểu;

b) Cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ tiêu biểu;

c) Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.

5. Di tích hỗn hợp là di tích đáp ứng tiêu chí của ít nhất 02 loại hình di tích quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 23. Kiểm kê di tích và Danh mục kiểm kê di tích

1. Các công trình, địa điểm, quần thể kiến trúc đô thị, nông thôn, khu vực đô thịnông thôn, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên được nhận diện theo tiêu chí quy định tại Điều 22 của Luật này phải được kiểm kê, đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Danh mục kiểm kê di tích). Danh mục kiểm kê di tích phải được rà soát, cập nhật hằng năm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm kê, phê duyệt, công bố đưa vào Danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn và đưa ra khỏi Danh mục kiểm kê di tích đối với di tích không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 22 của Luật này.

3. Các di tích trong Danh mục kiểm kê di tích được thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị như đối với di tích cấp tỉnh theo quy định của Luật này.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 24. Xếp hạng và hủy bỏ xếp hạng di tích

1. Di tích được xếp hạng ở phạm vi quốc gia bao gồm:

a) Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương và đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại Điều 22 của Luật này;

b) Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia và đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại Điều 22 của Luật này;

c) Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia và đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại Điều 22 của Luật này.

2. Di tích được UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới bao gồm:

a) Di sản văn hóa thế giới là di tích tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa;

b) Di sản thiên nhiên thế giới là di tích tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về thiên nhiên;

c) Di sản thế giới hỗn hợp là di tích tiêu biểu của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí của cả di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới.

3. Di tích được xếp hạng, công nhận theo phạm vi phân bố bao gồm:

a) Di tích được xếp hạng quy định tại khoản 1 Điều này, có phạm vi phân bố trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Di tích được xếp hạng quy định tại khoản 1 Điều này, có phạm vi phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

c) Di tích được công nhận là di sản thế giới có phạm vi phân bố trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trên lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác (sau đây gọi là di sản thế giới đa quốc gia).

4. Các trường hợp xem xét, hủy bỏ xếp hạng di tích ở phạm vi quốc gia và hủy bỏ công nhận di sản thế giới bao gồm:

a) Di tích đã được xếp hạng ở phạm vi quốc gia không còn đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Di sản thế giới trong Danh mục di sản thế giới bị đe dọa.

Điều 25. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích, di sản thế giới

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích trên địa bàn. Hồ sơ khoa học di tích phải có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

Trường hợp di tích phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích thống nhất 01 địa phương chủ trì việc lập và trình hồ sơ khoa học di tích, đề nghị xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh; cấp bằng xếp hạng, xếp hạng bổ sung di tích cấp tỉnh.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định xếp hạng và cấp bằng xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích quốc gia theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng và cấp bằng xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

5. Việc công nhận, công nhận bổ sung, hủy bỏ công nhận và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ di sản thế giới được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì lập hồ sơ khoa học di tích đề nghị UNESCO công nhận, công nhận bổ sung và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ di sản thế giới đối với di tích phân bố trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc di tích phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sau khi thống nhất 01 địa phương chủ trì và lập hồ sơ khoa học di tích.

Trường hợp đề nghị UNESCO công nhận, công nhận bổ sung và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ di sản thế giới đa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có di tích chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên lập hồ sơ khoa học di tích;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận, công nhận bổ sung và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ di sản thế giới đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đề nghị UNESCO công nhận, công nhận bổ sung và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ di sản thế giới sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. Hồ sơ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;

c) Việc hủy bỏ công nhận di sản thế giới thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

6. Di tích sau khi xếp hạng phải được quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; đối với di sản thế giới còn phải thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

Di tích thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có di tích phải thống nhất lập kế hoạch quản lý chung và quy chế bảo vệ di tích.

7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích, di sản thế giới quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; quy định chi tiết khoản 6 Điều này.

Điều 26. Hoạt động phát huy giá trị di tích

Hoạt động phát huy giá trị di tích bao gồm:

1. Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa về giá trị di tích; ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc phát huy giá trị di tích;

2. Tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, trưng bày, phổ biến, giới thiệu ở trong nước và nước ngoài về vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích;

3. Hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan;

4. Tổ chức hoặc liên doanh, liên kết tổ chức hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích;

5. Phát triển sản phẩm, dịch vụ và tạo điều kiện để cộng đồng trên địa bàn có di tích tham gia phát triển sản phẩm, dịch vụ liên quan đến di tích;

6. Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu tài liệu, hiện vật gắn với giá trị di tích;

7. Hoạt động văn hóa ở di tích; tổ chức thực hành, trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích;

8. Trưng bày, triển lãm lưu động bên ngoài phạm vi di tích;

9. Hoạt động phát huy giá trị di tích khác theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới

1. Di tích được xếp hạng quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật này được khoanh vùng 02 khu vực bảo vệ, gồm khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II.

2. Khu vực bảo vệ I là vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian của các yếu tố gốc cấu thành di tích, được xác định theo các nguyên tắc sau đây:

a) Đối với di tích lịch sử, phạm vi khu vực bảo vệ I là vùng có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, văn hóa hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có liên quan hoặc lịch sử phát triển công nghiệp, đô thị, nông thôn trong một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử có liên quan;

b) Đối với di tích kiến trúc, nghệ thuật, phạm vi khu vực bảo vệ I là vùng có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và yếu tố khác liên quan cấu thành giá trị của di tích;

c) Đối với di tích khảo cổ, phạm vi khu vực bảo vệ I là vùng đã phát hiện di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp đến môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên di tích;

d) Đối với danh lam thắng cảnh, phạm vi khu vực bảo vệ I phải bảo đảm cho việc giữ gìn toàn vẹn của cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc công trình kiến trúc có liên quan;

đ) Đối với di tích gồm nhiều công trình xây dựng, công trình kiến trúc, nghệ thuật, công trình công nghiệp, địa điểm phân bố trên phạm vi rộng thì phải xác định khu vực bảo vệ I cho từng công trình xây dựng, công trình kiến trúc, nghệ thuật, công trình công nghiệp, địa điểm.

3. Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I của di tích, để bảo vệ cảnh quan văn hóa của di tích, được xác định theo một trong các nguyên tắc sau đây:

a) Là khu vực gắn trực tiếp với khu vực bảo vệ I, cảnh quan văn hóa có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ di tích;

b) Là khu vực có chứa đựng tiềm năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, củng cố giá trị di tích;

c) Là khu vực có chức năng ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo vệ I của di tích, đến công trình, địa hình, cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái tự nhiên của di tích.

4. Khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều này quyết định.

5. Khu vực bảo vệ di tích quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều này xác định bằng ranh giới trên bản đồ địa chính, thể hiện trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ khoa học di tích đã xếp hạng, phải được cập nhật vào bản đồ quy hoạch có liên quan và phải được cắm mốc giới trên thực địa.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác định ranh giới khu vực bảo vệ, điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ, khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II quy định tại khoản 4 Điều này đối với di tích trên địa bàn sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận ranh giới khu vực bảo vệ di tích, quyết định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II quy định tại khoản 4 Điều này đối với di tích quốc gia theo hồ sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng, chấp thuận điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ theo hồ sơ khoa học di tích quốc gia đã xếp hạng theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận ranh giới khu vực bảo vệ di tích, quyết định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II quy định tại khoản 4 Điều này đối với di tích quốc gia đặc biệt theo hồ sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng, chấp thuận điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ theo hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đã xếp hạng theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích. Việc cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích phải được tiến hành ngay sau thời điểm di tích được xếp hạng theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Phân định rõ ranh giới khu vực bảo vệ di tích với khu vực tiếp giáp trên thực địa theo biên bản và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ khoa học di tích đã xếp hạng;

b) Cột mốc phải được làm bằng chất liệu bền vững và đặt ở vị trí dễ nhận biết; hình dáng, màu sắc, kích thước cột mốc phải phù hợp với môi trường, cảnh quan của di tích và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.

8. Khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới được xác định như sau:

a) Di sản thế giới có khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới được xác định theo quy định, hướng dẫn của UNESCO;

b) Khu vực di sản thế giới là vùng chứa đựng các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới; được bảo vệ như khu vực bảo vệ I của di tích;

c) Vùng đệm của khu vực di sản thế giới là vùng bao quanh khu vực di sản thế giới, là một phần hoặc góp phần tạo nên giá trị và đặc điểm riêng biệt của di sản thế giới có tác dụng tạo thêm một lớp bảo vệ cho di sản thế giới; được bảo vệ như khu vực bảo vệ II của di tích;

d) Khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới được xác định trên bản đồ trong hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới và phải được cập nhật vào bản đồ các quy hoạch có liên quan.

9. Việc điều chỉnh thu hẹp hoặc mở rộng ranh giới khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích được xếp hạng ở phạm vi quốc gia được quy định như sau:

a) Khu vực bảo vệ I của di tích chỉ được điều chỉnh khi phương án điều chỉnh bảo đảm bảo tồn nguyên vẹn yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều này;

 b) Khu vực bảo vệ II của di tích chỉ được điều chỉnh khi phương án điều chỉnh bảo đảm ngăn chặn được các yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ được cảnh quan văn hóa của di tích, bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Việc điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện như quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.

10. Việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp ranh giới khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO, bảo đảm không được làm thay đổi tiêu chí tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới và phải lập thành hồ sơ; trường hợp điều chỉnh lớn ranh giới khu vực di sản thế giới hoặc vùng đệm của khu vực di sản thế giới thì phải lập thành hồ sơ đề cử mới.

11. Chính phủ quy định chi tiết việc cập nhật ranh giới khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới vào bản đồ các quy hoạch có liên quan quy định tại khoản 5, điểm d khoản 8 Điều này; quy định chi tiết các khoản 6, 9 và 10 Điều này.

Điều 28. Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, thực hiện các hoạt động trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới

1. Trong khu vực bảo vệ I của di tích, khu vực di sản thế giới chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình sau đây:

a) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới;

b) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có.

2. Trong khu vực bảo vệ II của di tích, vùng đệm của khu vực di sản thế giới chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình và thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới;

b) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ;

c) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình kinh tế - xã hội;

d) Sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển;

đ) Thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định của các luật chuyên ngành.

3. Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không làm sai lệch các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử, tác động tiêu cực đến cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới;

b) Không phá vỡ cấu trúc quy hoạch của quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc tác động tiêu cực đến hình dáng kiến trúc của công trình kiến trúc đơn lẻ, liên quan đến di tích, di sản thế giới;

c) Không thuộc khu vực đã phát hiện dấu tích di vật, có địa hình, cảnh quan văn hóa liên quan đến di tích khảo cổ hoặc địa điểm khảo cổ, di sản thế giới;

d) Giữ gìn sự toàn vẹn về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái, địa hình, địa mạo và yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh, di sản thế giới;

đ) Bảo đảm phù hợp với quy luật tự nhiên, hệ sinh thái tài nguyên biển, bảo tồn và giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học biển, môi trường biển liên quan đến danh lam thắng cảnh, di sản thế giới;

e) Không che khuất tầm nhìn đối với công trình, không gian cảnh quan của di tích; không gây sạt lở làm biến đổi địa hình, sụt lún công trình di tích, di sản thế giới.

Điều 29. Dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ, thực hiện hoạt động trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới

1. Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, thực hiện hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 và các điểm a, c, d, đ khoản 2 Điều 28 của Luật này được quy định như sau:

a) Thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh, di tích thuộc Danh mục kiểm kê di tích. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới, còn phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát, đánh giá các yếu tố tác động đến di sản thế giới theo quy định của Luật này và quy định, hướng dẫn của UNESCO;

c) Căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27, Điều 28 của Luật này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh có ý kiến bằng văn bản về sự phù hợp với yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chủ trì thẩm định, cấp phép dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội quy định tại khoản 1 Điều này trong khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới, trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan chủ trì thẩm định, cấp phép dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội quy định tại khoản 1 Điều này trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích cấp tỉnh có trách nhiệm gửi văn bản kèm hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội đến cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh để xin ý kiến theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới được quy định như sau:

a) Trường hợp sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình nhà ở riêng lẻ đã có là yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích hoặc là bộ phận cấu thành cảnh quan văn hóa của di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia được thể hiện trong hồ sơ khoa học xếp hạng, thể hiện trong quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt có yêu cầu sửa chữa, cải tạo, xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới thực hiện theo quy định về dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Điều 35 của Luật này;

b) Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới không thuộc quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.

 5. Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm b khoản 4 Điều này được quy định như sau:

a) Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ theo quy định của Luật này đến cơ quan chuyên môn về văn hoá cấp tỉnh để xin ý kiến.

Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản kèm hồ sơ theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng đến cơ quan chuyên môn về văn hoá cấp tỉnh để xin ý kiến;

b) Căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27, khoản 2 và khoản 3 Điều 28 của Luật này, trên cơ sở lấy ý kiến của người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích, di sản thế giới, người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh có ý kiến bằng văn bản về sự phù hợp với yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc đánh giá các yếu tố tác động đến di sản thế giới quy định tại điểm b khoản 1; quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh cho ý kiến quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 30. Dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ, thực hiện hoạt động nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới

1. Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới, còn phải tuân thủ quy định, hướng dẫn của UNESCO.

Trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật này, trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội không thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc trước khi xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp không phải cấp giấy phép xây dựng, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới, trường hợp xác định có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

2. Dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có thể làm sai lệch các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử, tác động tiêu cực đến cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới;

b) Có nguy cơ phá vỡ cấu trúc quy hoạch của quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc tác động tiêu cực đến hình dáng kiến trúc của công trình kiến trúc đơn lẻ, liên quan đến di tích, di sản thế giới;

c) Có phạm vi thực hiện thuộc khu vực đã phát hiện dấu tích di vật, có địa hình, cảnh quan văn hóa liên quan đến di tích khảo cổ hoặc địa điểm khảo cổ, di sản thế giới;

d) Có nguy cơ tác động tiêu cực đến sự toàn vẹn về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh, di sản thế giới;

đ) Có nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tài nguyên biển, bảo tồn và giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học biển, môi trường biển liên quan đến danh lam thắng cảnh, di sản thế giới;

e) Có nguy cơ che khuất tầm nhìn đối với công trình, không gian cảnh quan của di tích; có nguy cơ gây sạt lở làm biến đổi địa hình, sụt lún công trình di tích, di sản thế giới.

3. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới có trách nhiệm gửi văn bản kèm hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến.

4. Cơ quan chủ trì thẩm định, cấp phép dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích cấp tỉnh hoặc nhà ở riêng lẻ nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, di sản thế giới có trách nhiệm gửi văn bản kèm hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội, nhà ở riêng lẻ đến cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh để có ý kiến.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 3 và 4 Điều này.

Điều 31. Đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích

1. Việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Không làm sai lệch nội dung, giá trị của di tích;

c) Hiện vật được đưa thêm, di dời, thay đổi phải được cập nhật vào Bản thống kê hiện vật thuộc di tích.

2. Thẩm quyền đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt;

b) Cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh quyết định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, di tích trong Danh mục kiểm kê di tích thuộc sở hữu toàn dân trên địa bàn;

c) Chủ sở hữu di tích được đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích cấp tỉnh, di tích trong Danh mục kiểm kê di tích thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Định kỳ hằng năm, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh tổ chức rà soát, cập nhật Bản thống kê hiện vật thuộc di tích, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích quy định tại khoản 2 và quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 32. Tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích

1. Di tích thuộc sở hữu toàn dân phải có tổ chức được giao quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

2. Di tích không thuộc sở hữu toàn dân phải có tổ chức hoặc người đại diện được giao quản lý, sử dụng chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích.

Người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương căn cứ loại hình, quy mô, giá trị, tính chất của di tích và tình hình thực tiễn của địa phương, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức được giao quản lý, sử dụng đối với một hoặc nhiều di tích; cấp quản lý của tổ chức đó; quyết định việc giao trách nhiệm cho người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Di tích phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từng địa phương có di tích quyết định việc thành lập hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích, quyết định giao trách nhiệm cho người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn.

Điều 33. Nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích

1. Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích căn cứ loại hình, giá trị, quy mô, yêu cầu bảo vệ và giữ gìn di tích thuộc trách nhiệm quản lý, quyết định giao tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích thực hiện toàn bộ hoặc một số nhiệm vụ sau đây:

a) Lập chương trình, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, kế hoạch, phương án, tổ chức thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tổ chức giám sát tình trạng bảo tồn di tích, ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 của Luật này theo phạm vi, trách nhiệm được giao;

c) Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

d) Tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật; trưng bày, tuyên truyền, quảng bá về di tích;

đ) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

e) Tổ chức hoạt động tham quan, dịch vụ phù hợp với từng di tích; thu, quản lý và sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật;

g) Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động;

h) Tham gia quản lý, liên doanh, liên kết và giám sát hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sinh vật trong khu vực bảo vệ di tích; phối hợp với các cấp, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ di tích;

i) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân tổ chức thông tin, thảo luận, thu thập, tham gia ý kiến về quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến di tích;

k) Tổ chức thực hiện chương trình hợp tác quốc tế;

l) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và quản lý di tích;

m) Nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao.

Điều 34. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

1. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định nội dung và các biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian trong khu vực di tích, các hạng mục công trình xây dựng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 28 của Luật này.

2. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được lập cho di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, trong đó lồng ghép nội dung bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, di sản văn hóa, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, thủy sản, địa chất và khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý thuộc trách nhiệm quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

5. Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Điều 35. Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

1. Công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là công trình có tính chất chuyên ngành, phải lập thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định. Việc lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 34 của Luật này và xác định được khả năng bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật;

b) Khi di tích bị xuống cấp, được cơ quan chuyên môn về văn hóa xác nhận và đã được bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc bảo đảm khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh xác nhận đối với di tích cấp tỉnh, di tích trong Danh mục kiểm kê di tích.

2. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này;

c) Tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, di sản văn hóa, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt; bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hài hòa về cảnh quan và kiến trúc khu vực;

đ) Tuân thủ quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

e) Công khai nội dung bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích.

3. Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải được thẩm định trước khi cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định thực hiện. Đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, còn phải được thẩm định trước khi cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh thẩm định dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích cấp tỉnh, di tích thuộc Danh mục kiểm kê di tích.

Việc thẩm định dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng. Đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, còn phải có ý kiến thẩm định của Hội đồng khoa học về bảo tồn di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập trước khi ban hành văn bản thẩm định; dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới còn phải thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, điểm b và điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 36. Bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích

1. Bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ di tích được quy định như sau:

a) Bảo quản thường xuyên là hoạt động kiểm tra, phát hiện, vệ sinh cơ học để phòng, chống nấm mốc, mối mọt, côn trùng, sinh vật gây hại cấu kiện, thành phần kiến trúc, hiện vật, cảnh quan văn hóa của di tích;

b) Sửa chữa nhỏ di tích là hoạt động sửa chữa, thay thế nhỏ các cấu kiện, thành phần kiến trúc không thuộc bộ phận cấu thành yếu tố gốc của di tích, cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục tình trạng xuống cấp của di tích;

c) Người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích thực hiện việc bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ di tích phải thực hiện các yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ; ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật truyền thống và bảo đảm sự bền vững và ổn định của di tích.

2. Tu sửa cấp thiết di tích được quy định như sau:

a) Việc thực hiện tu sửa cấp thiết di tích phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 78 của Luật này;

b) Việc tu sửa cấp thiết di tích phải lập thành báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 của Luật này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm c khoản này;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương theo thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu sửa cấp thiết di tích sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh;

d) Việc tu sửa cấp thiết di tích có sự giám sát của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh, người đại diện cho cộng đồng dân cư nơi có di tích.

Điều 37. Quy hoạch khảo cổ

1. Quy hoạch khảo cổ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

2. Quy hoạch khảo cổ là việc nhận diện, xác định địa điểm, khu vực khảo cổ gắn với đề xuất kế hoạch, phương án, nguồn lực thực hiện bảo vệ, nghiên cứu, thăm dò, khai quật, phát huy giá trị địa điểm, khu vực khảo cổ.

3. Đối tượng được đưa vào quy hoạch khảo cổ là các địa điểm, khu vực trong lòng đất và dưới nước đã phát hiện di tích, di vật hoặc có dấu hiệu lưu giữ di tích, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khảo cổ ở địa phương; phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khảo cổ sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; công bố quy hoạch.

5. Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khảo cổ.

Điều 38. Quản lý, bảo vệ địa điểm, khu vực khảo cổ

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm, khu vực khảo cổ, di vật khảo cổ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư dự án, xây dựng công trình ở địa điểm, khu vực khảo cổ hoặc thuộc quy hoạch khảo cổ có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức đủ điều kiện thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định tại khoản 6 Điều 39 của Luật này tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trước và trong quá trình triển khai dự án.

3. Trong quá trình thực hiện dự án, xây dựng công trình mà phát hiện dấu hiệu có di tích, di vật hoặc phát hiện được di tích, di vật, chủ đầu tư phải tạm ngừng thi công và có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn.

Khi nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn phải có biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ địa điểm, khu vực khảo cổ, di tích, di vật; trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý hoặc xét thấy cần ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, phải báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

4. Trong trường hợp cần tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực, địa điểm xây dựng công trình thì kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ được quy định như sau:

a) Đối với công trình xây dựng thực hiện theo pháp luật về đầu tư công thì kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ được tính trong tổng vốn đầu tư của công trình đó;

b) Đối với công trình xây dựng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ được Nhà nước cấp hoặc nguồn vốn xã hội hóa.

Điều 39. Thăm dò, khai quật khảo cổ

1. Hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ gồm thăm dò, khai quật khảo cổ trong lòng đất và thăm dò, khai quật khảo cổ dưới nước.

2. Việc thăm dò, khai quật khảo cổ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch khảo cổ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 37 của Luật này, trừ trường hợp phát hiện trong quá trình thực hiện dự án, xây dựng công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật này;

b) Lập dự án khai quật khảo cổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Việc thăm dò, khai quật khảo cổ khẩn cấp được thực hiện trong trường hợp địa điểm, khu vực khảo cổ đang bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ khẩn cấp trong lòng đất.

4. Địa điểm, khu vực thăm dò, khai quật khảo cổ phải được bảo vệ. Khi phát hiện hoặc nhận được thông báo hoặc báo cáo về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải kịp thời có kế hoạch, chỉ đạo và huy động lực lượng trên địa bàn bảo vệ an toàn, an ninh, trật tự khu vực có di sản văn hóa dưới nước được phát hiện; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hoạt động làm nguy hại đến sự an toàn của di sản văn hóa dưới nước; thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ khác và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp di sản văn hóa dưới nước xác định có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Di vật, cổ vật phát hiện được tại địa điểm, khu vực thăm dò, khai quật khảo cổ phải được tạm thời bảo vệ tại địa điểm, khu vực thăm dò, khai quật khảo cổ và thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định phương án bảo vệ, phát huy giá trị. Trường hợp xác định phương án bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 45 của Luật này thì di vật, cổ vật phải được chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học, tạm nhập vào bảo tàng công lập nơi có địa điểm, khu vực khảo cổ.

6. Cơ quan, tổ chức được thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ gồm cơ quan nghiên cứu khảo cổ học của Nhà nước; cơ sở giáo dục đại học có bộ môn khảo cổ học; bảo tàng, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ; hội có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ ở trung ương.

Cơ quan, tổ chức thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ được hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có trình độ đại học trở lên chuyên ngành khảo cổ học;

b) Có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác khảo cổ;

c) Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 6 Điều này.

8. Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2, các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Mục 2. DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Điều 40. Phân loại và xác định di vật, cổ vật

1. Di vật, cổ vật bao gồm:

a) Di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam;

b) Di vật, cổ vật, tài liệu của Việt Nam có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia, liên quan đến sự kiện quan trọng của đất nước hoặc sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia;

c) Cá thể hoặc bộ phận hóa thạch người, động vật, thực vật thuộc thời kỳ Tiền sử Việt Nam;

d) Bản thảo tác phẩm văn học, bản gốc tác phẩm tạo hình, nhiếp ảnh có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, hình thức nghệ thuật có tác dụng ảnh hưởng lớn trong xã hội;

đ) Di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học có xuất xứ từ nước ngoài.

2. Di vật, cổ vật được xác định thông qua kết luận giám định quy định tại Điều 41 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 41. Giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật

1. Giám định di vật, cổ vật là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để đánh giá, kết luận về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, niên đại, chất liệu của di vật, cổ vật.

2. Việc thực hiện giám định di vật, cổ vật phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định;

b) Có ít nhất 03 chuyên gia giám định di vật, cổ vật.

3. Cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh, bảo tàng công lập, đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này hoặc cơ sở kinh doanh giám định di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật này được thực hiện giám định di vật, cổ vật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định.

4. Cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận chuyên gia giám định di vật, cổ vật cho người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc công việc có liên quan đến di sản văn hoá theo bản án, quyết định của Toà án; không đang bị khởi tố hình sự, bị tạm giữ, tạm giam; không đang trong thời gian chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, chấp hành đưa vào các cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành, chuyên ngành liên quan đến di vật, cổ vật; có ít nhất 05 năm trực tiếp tham gia một hoặc một số hoạt động về: khảo cổ học, sưu tầm, bảo quản, phục chế di vật, cổ vật; có ít nhất 01 bài báo khoa học về di vật, cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học hoặc tham gia biên soạn ít nhất 01 quyển sách chuyên khảo về di vật, cổ vật được xuất bản;

b) Là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến di vật, cổ vật; có ít nhất 10 năm trực tiếp tham gia một hoặc một số hoạt động về: khảo cổ học, sưu tầm, bảo quản, phục chế di vật, cổ vật; có ít nhất 02 bài báo khoa học về di vật, cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học hoặc tham gia biên soạn ít nhất 02 quyển sách chuyên khảo về di vật, cổ vật được xuất bản.

5. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ giám định di vật, cổ vật; cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận chuyên gia giám định di vật, cổ vật.

Điều 42. Sưu tầm, kiểm kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được sưu tầm thông qua các phương thức sau đây:

a) Thám sát, thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc thu thập tại thực địa do cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp thực hiện;

b) Mua bán theo giá thỏa thuận, tổ chức đấu giá, hình thức chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật;

c) Tiếp nhận từ tổ chức, cá nhân chuyển giao.

2. Việc sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong nước và nước ngoài phù hợp với quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhằm bảo tồn, bảo quản, phát huy giá trị của di sản văn hóa, lịch sử của quốc gia, hình thành các sưu tập có giá trị vì mục đích nghiên cứu, giáo dục về lịch sử, văn hóa, xã hội và bảo vệ pháp lý, chứng minh chủ quyền đối với các di sản văn hóa và lịch sử quan trọng, có giá trị của quốc gia.

3. Nhà nước được ưu tiên sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Việc sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải được lập hồ sơ gồm tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý liên quan đến nội dung, quá trình phát hiện, sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

5. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia sau khi sưu tầm phải được tiến hành kiểm kê nhằm xác lập thủ tục pháp lý, làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa, giá trị và tình trạng bảo quản của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Hoạt động kiểm kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 68 và Điều 72 của Luật này.

Điều 43. Đăng ký di vật, cổ vật

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng với cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn nơi đăng ký hoạt động của tổ chức, nơi cư trú của cá nhân.

2. Di vật, cổ vật phải được giám định tại cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này trước khi đăng ký.

3. Tổ chức, cá nhân sở hữu di vật, cổ vật đã đăng ký được cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật hỗ trợ nghiệp vụ về trưng bày, bảo quản; tạo điều kiện bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật; giữ bí mật thông tin về di vật, cổ vật đã đăng ký (nếu có yêu cầu).

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký di vật, cổ vật và quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 44. Công nhận, công nhận bổ sung, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia

1. Bảo vật quốc gia phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

a) Là hiện vật gốc độc bản;

b) Là hiện vật có hình thức độc đáo;

c) Là một trong các hiện vật sau: hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử tiêu biểu; là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên;

d) Đã được đăng ký di vật, cổ vật theo quy định tại Điều 43 của Luật này.

2. Việc công nhận, công nhận bổ sung bảo vật quốc gia được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chỉ đạo lựa chọn, lập hồ sơ khoa học hiện vật đề nghị công nhận, công nhận bổ sung bảo vật quốc gia gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp hiện vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có đề nghị của chủ sở hữu hiện vật;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận, công nhận bổ sung bảo vật quốc gia, cấp bằng công nhận, công nhận bổ sung bảo vật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;

c) Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, công nhận bổ sung bảo vật quốc gia, cấp bằng công nhận, công nhận bổ sung bảo vật quốc gia.

3. Việc hủy bỏ quyết định công nhận bảo vật quốc gia được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định công nhận bảo vật quốc gia, gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia, thu hồi bằng công nhận bảo vật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;

c) Thủ tướng Chính phủ quyết định hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia, thu hồi bằng công nhận bảo vật quốc gia trong trường hợp bảo vật quốc gia đã được công nhận mà sau đó có đủ căn cứ xác định không đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này hoặc bị hủy hoại không có khả năng phục hồi.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 45. Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp

1. Việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quy định như sau:

a) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong bảo tàng công lập, di tích và cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp và không được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác hoặc để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự;

b) Di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác, để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự và để thừa kế ở trong nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác và để thừa kế ở trong nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia, tổ chức, cá nhân sở hữu bảo vật quốc gia phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi đã đăng ký di vật, cổ vật về chủ sở hữu mới;

d) Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá, thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản;

đ) Bảo vật quốc gia được bảo vệ, bảo quản theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 của Luật này.

2. Việc chuyển giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Việc xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp được quy định như sau:

a) Di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân phát hiện mà không xác định được chủ sở hữu phải giao nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn. Cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi có di vật, cổ vật được phát hiện chịu trách nhiệm tiếp nhận, tạm nhập vào bảo tàng công lập để bảo quản, tổ chức giám định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Căn cứ giá trị, yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao di vật, cổ vật cho bảo tàng công lập hoặc cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp;

c) Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản, được khen thưởng và được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

4. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu giữ được do tìm kiếm, vận chuyển, kinh doanh, chuyển quyền sở hữu, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu trái pháp luật phải được xác định quyền sở hữu và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi có di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu giữ được chịu trách nhiệm tiếp nhận, tạm nhập vào bảo tàng công lập để bảo quản, tổ chức giám định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc mang di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài, việc quản lý bảo vật quốc gia khi chuyển quyền sở hữu quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, quy định chi tiết khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 46. Yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được bảo vệ, bảo quản như sau:

a) Bảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

b) Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quản lý tại bảo tàng công lập và các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, ngoài yêu cầu quy định tại điểm a khoản này, phải được lưu giữ và trưng bày trong kho bảo quản hoặc phòng trưng bày.

2. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh và bảo tàng công lập hướng dẫn, hỗ trợ công tác bảo vệ, bảo quản phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm phát huy giá trị.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu bảo vật quốc gia phải xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia.

4. Kho bảo quản, phòng trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Có thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp với yêu cầu bảo quản đối với từng loại hình, chất liệu của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được lưu giữ;

c) Có nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ bảo đảm kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và các yếu tố khác có thể gây hư hại đến di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

d) Có thiết bị kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm an toàn cho người trực tiếp làm việc trong kho bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Điều 47. Bảo quản, phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1. Bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là hoạt động bảo vệ, giữ gìn, phòng ngừa và loại trừ các yếu tố gây hại do thiên nhiên hoặc con người gây ra, được thực hiện theo chế độ sau đây:

a) Sắp xếp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tổ chức kho để bảo quản;

b) Lập hồ sơ về hiện trạng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và môi trường bảo quản;

c) Bảo quản định kỳ, bảo quản thường xuyên theo quy định chung và quy định đặc thù cho từng loại chất liệu của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

d) Bảo quản phòng ngừa phù hợp với chất liệu của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bằng các biện pháp ngăn ngừa và loại trừ sự tự hủy hoại hoặc sự hủy hoại do thiên nhiên hoặc con người gây ra;

đ) Bảo quản trị liệu bằng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ phù hợp tác động vào di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bị hư hại một phần hoặc có nguy cơ hư hại toàn bộ, nhằm loại trừ nguyên nhân gây hư hại và tăng cường sự ổn định.

2. Việc bảo quản phải được thực hiện đối với toàn bộ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi trưng bày, lưu giữ trong kho hoặc đưa ra ngoài.

3. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là hiện vật của bảo tàng công lập khi không đưa đi nghiên cứu, bảo quản hoặc trưng bày phải được lưu giữ trong kho bảo quản đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 46 của Luật này.

4. Phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là việc dựa trên các cứ liệu khoa học, lịch sử và sử dụng các biện pháp, kỹ thuật, công nghệ phù hợp để phục hồi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Việc phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm giữ nguyên trạng ban đầu, không làm thay đổi tính chất, hình dáng, màu sắc và các đặc điểm nguyên gốc; bảo đảm tính chính xác và trung thực lịch sử; ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật truyền thống và quá trình chế tác gốc để thực hiện phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện bảo quản, phục chế phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, nhằm ngăn chặn nguy cơ gây hư hỏng, hủy hoại.

6. Việc bảo quản, phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản, phục chế và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan và được thực hiện bởi người có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp.

7. Hồ sơ quá trình thực hiện việc bảo quản, phục chế và chi tiết phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải được lưu giữ, bổ sung trong hồ sơ khoa học của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Điều 48. Trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1. Trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, bao gồm:

a) Trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề tại cơ quan, tổ chức quản lý, sở hữu;

b) Trưng bày có thời hạn ở trong nước và nước ngoài;

c) Trưng bày trên môi trường điện tử.

2. Trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý, sở hữu;

b) Thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và phù hợp với đối tượng khách tham quan;

c) Có không gian phù hợp cho việc trưng bày phục vụ khách tham quan;

d) Trưng bày trên môi trường điện tử phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Việc trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được quy định như sau:

a) Nhà nước khuyến khích chủ sở hữu tổ chức trưng bày các sưu tập, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu;

b) Việc trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại bảo tàng công lập do chủ sở hữu và bảo tàng công lập thỏa thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 49. Bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày, thiết chế văn hóa khác

Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày và thiết chế văn hóa khác được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 50. Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài

1. Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Phục vụ các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước;

b) Phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam;

c) Phối hợp nghiên cứu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

d) Thực hiện bảo quản đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không thể bảo quản ở trong nước hoặc tại cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sở hữu.

2. Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có thỏa thuận bằng văn bản hoặc hợp đồng bằng văn bản và kế hoạch về việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản với phía tiếp nhận;

b) Có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, không gây hư hại cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

c) Có quyết định của cơ quan chủ quản, văn bản của chủ sở hữu đối với di vật, cổ vật;

d) Có quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với bảo vật quốc gia.

3. Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có thỏa thuận bằng văn bản hoặc hợp đồng bằng văn bản và kế hoạch về việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài với phía tiếp nhận;

b) Có bảo hiểm cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

c) Có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, không gây hư hại cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

d) Có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương đối với di vật; có quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với cổ vật; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với bảo vật quốc gia.

4. Trường hợp mượn di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để trưng bày, nghiên cứu ở nước ngoài, ngoài điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này, phía tiếp nhận còn phải cung cấp nội dung giới thiệu hoặc mục đích nghiên cứu phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và có trách nhiệm chi trả chi phí thực hiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trực tiếp quản lý, sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được đưa đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài chịu trách nhiệm phối hợp với phía tiếp nhận thực hiện việc bảo đảm an ninh, an toàn, không gây hư hại cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Việc đưa bảo vật quốc gia là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài, ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, còn phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng được giao quản lý hoặc sở hữu.

7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài.

Điều 51. Thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước

1. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất phương án thu hồi hoặc mua, cấp giấy phép nhập khẩu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài và đưa về nước; đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.

3. Trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài có xuất xứ trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nhận diện, lập danh mục và xác định giá trị; huy động nguồn lực theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện phương án thu hồi, việc mua và đưa về nước.

4. Việc mua, chuyển quyền sở hữu, chuyển giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật này.

5. Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nnước mua, đưa về Việt Nam.

 6. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam để trưng bày, bảo vệ và phát huy giá trị trong bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận không vì mục đích lợi nhuận hoặc tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước, được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và chi phí thực hiện được tính vào khoản chi phí hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế, các ưu đãi về thuế, phí liên quan khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước tại khoản 2 Điều này và quy định chi tiết khoản 6 Điều này.

Điều 52. Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1. Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm từ bản gốc, giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí, những đặc điểm khác, có dấu hiệu riêng và thể hiện rõ thời gian làm bản sao để phân biệt với bản gốc.

2. Việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được thực hiện nhằm mục đích bảo vệ và phát huy giá trị trong trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia dễ bị hư hại, cần hạn chế sử dụng.

Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không có giá trị tương đương bản gốc, không thay thế được bản gốc; không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận; khi sử dụng phải có chú thích là bản sao.

3. Quy trình làm bản sao, chất liệu, trình tự kỹ thuật chế tác, số lượng, thời gian làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải được thể hiện chi tiết và lưu thành hồ sơ.

4. Điều kiện làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm:

a) Có bản gốc để đối chiếu;

b) Có dấu hiệu riêng và ghi rõ thời gian chế tác trên bản sao để phân biệt với bản gốc;

c) Có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trực tiếp quản lý, sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

d) Có giấy phép của người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Thẩm quyền cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép làm bản sao bảo vật quốc gia;

b) Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật trên địa bàn.

6. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, mục đích, sự cần thiết của việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định số lượng bản sao được làm.

7. Sản phẩm làm giống di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng không đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được xác định là làm giả di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

8. Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép làm bản sao; số lượng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được làm.

Chương IV

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN TƯ LIỆU

Điều 53. Phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu gồm 02 thành tố là nội dung thông tin và vật mang tin.

2. Di sản tư liệu bao gồm:

a) Nội dung thông tin được thể hiện bằng ký tự, mật mã, chữ viết, hình vẽ trên vật mang tin là lá cây, xương, gỗ, đá, gốm, giấy, nhựa, vải, kính, kim loại hoặc trên vật mang tin có chất liệu khác;

b) Nội dung thông tin được thể hiện bằng âm thanh, hình ảnh tĩnh, động trên vật mang tin là phim, ảnh, bản ghi, bản thu âm và các vật mang tin gốc khác;

c) Nội dung thông tin được thể hiện bằng dạng số trên vật mang tin chứa đựng dữ liệu điện tử.

3. Di sản tư liệu được nhận diện theo các tiêu chí sau đây:

a) Bảo đảm tính xác thực gồm: nội dung thông tin gốc, đầy đủ được ghi lại có chủ đích trên vật mang tin gốc phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm tạo lập, quá trình hình thành, lưu giữ và quyền sở hữu;

b) Bảo đảm tính độc bản và độc đáo gồm: nội dung thông tin và hình thức, phong cách vật mang tin có giá trị tiêu biểu, duy nhất, hiếm có cho một loại hình, một giai đoạn lịch sử hay một nền văn hoá của quốc gia, khu vực hoặc thế giới;

c) Bảo đảm tính toàn vẹn gồm: nội dung thông tin gốc, hiện trạng của vật mang tin gốc;

d) Bảo đảm giá trị, ý nghĩa và ảnh hưởng gồm: nội dung thông tin có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được lưu truyền qua các thế hệ, đánh dấu các bước ngoặt của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử gắn với địa điểm, sự kiện, con người; có ảnh hưởng đối với quốc gia, khu vực hoặc thế giới.

Điều 54. Kiểm kê di sản tư liệu và Danh mục kiểm kê di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu được nhận diện theo tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này phải được kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản tư liệu trong phạm vi quản lý. Danh mục kiểm kê di sản tư liệu phải được rà soát, cập nhật hằng năm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm kê, phê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di sản tư liệu trong phạm vi quản lý; rà soát, đưa ra khỏi Danh mục kiểm kê di sản tư liệu đối với di sản tư liệu không còn đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết Điều này.

Điều 55. Danh mục và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu được ghi danh, ghi danh bổ sung vào các danh mục sau đây:

a) Danh mục quốc gia về di sản tư liệu;

b) Danh mục của UNESCO bao gồm: Danh mục di sản tư liệu khu vực và Danh mục di sản tư liệu thế giới.

2. Tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu bao gồm:

a) Là di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê di sản tư liệu;

b) Đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này;

c) Có thể bảo quản được và có biện pháp bảo quản mang tính khả thi;

d) Được cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình, dòng họ hoặc nhóm người, cá nhân đồng thuận, tự nguyện đề cử, cam kết bảo vệ và phát huy giá trị.

3. Tiêu chí lựa chọn di sản tư liệu để lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung bao gồm:

a) Là di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu;

b) Đáp ứng tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

Điều 56. Ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu

1. Thẩm quyền ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu trên địa bàn hoặc trong phạm vi quản lý. Hồ sơ khoa học di sản tư liệu phải có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương thành lập;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định ghi danh, ghi danh bổ sung, công bố và cấp bằng ghi danh, ghi danh bổ sung cho di sản tư liệu được đưa vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương trình sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

2. Thẩm quyền đề nghị ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào các danh mục của UNESCO được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ trì lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu đề nghị ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào các danh mục của UNESCO;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu đề nghị ghi danh, ghi danh bổ sung đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định;

c) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu của Việt Nam sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. Hồ sơ khoa học di sản tư liệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

3. Thẩm quyền hủy bỏ ghi danh được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu thuộc Danh mục quốc gia về di sản tư liệu trong trường hợp di sản tư liệu không đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập;

b) Việc hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu của Việt Nam trong các danh mục của UNESCO thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu quy định tại Điều này.

Điều 57. Bảo quản di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu đã được ghi danh phải được bảo quản như sau:

a) Lập hồ sơ về hiện trạng di sản tư liệu và môi trường bảo quản;

b) Bảo quản thường xuyên theo quy định chung và các quy định đặc thù đối với di sản tư liệu;

c) Bảo quản phòng ngừa bằng các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa và hạn chế sự hủy hoại tự nhiên do thiên nhiên hoặc con người gây ra đối với di sản tư liệu;

d) Bảo quản trị liệu bằng các biện pháp khoa học, kỹ thuật và các biện pháp khác phù hợp nhằm loại trừ nguyên nhân gây hại và phục hồi một phần hư hỏng của di sản tư liệu;

đ) Chuyển dạng số, cập nhật, sao lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Kho bảo quản di sản tư liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được xây dựng phù hợp với yêu cầu bảo vệ, bảo quản theo loại hình và chất liệu của di sản tư liệu;

b) Bảo đảm các điều kiện về nhân lực, công nghệ, kỹ thuật cần thiết để bảo vệ, bảo quản di sản tư liệu;

c) Có ứng dụng khoa học, công nghệ bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo vệ, bảo quản di sản tư liệu;

d) Được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn theo quy định của pháp luật; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho việc quan sát, giám sát, phòng, chống trộm cắp, thiên tai, hỏa hoạn, hỏng và các yếu tố khác có thể gây hư hại đến di sản tư liệu.

3. Di sản tư liệu dạng âm thanh, hình ảnh phải được bảo quản trong kho đặc thù theo tiêu chuẩn về nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với loại hình, chất liệu, bảo đảm chế độ kỹ thuật; được kiểm tra định kỳ, bảo quản, tu sửa theo quy định tại khoản 1 Điều này bằng thiết bị chuyên dụng, phù hợp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Di sản tư liệu dạng số phải được lưu trữ bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, cấu trúc dữ liệu toàn vẹn, thống nhất, xác thực, đáp ứng về dung lượng, cập nhật trên hệ thống quản lý thông tin quốc gia, dữ liệu thường xuyên được sao lưu, bảo đảm an ninh, an toàn và khả năng truy cập trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân thực hiện bảo quản theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; đối với di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO còn phải xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt.

6. Di sản tư liệu thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng phải được bảo quản tại chỗ hoặc phù hợp với thực tế; được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan nhà nước có chức năng liên quan tùy theo khả năng và tình hình thực tiễn bảo đảm việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu.

7. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 58. Nghiên cứu và sưu tầm di sản tư liệu

1. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình, dòng họ, cá nhân được nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu ở trong nước và nước ngoài phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật này, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Di sản tư liệu được sưu tầm thông qua khảo sát điền dã, thu thập, tiếp nhận, chuyển giao, tặng cho, mua bán, trao đổi, chuyển quyền sở hữu và các hình thức sưu tầm khác theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Di sản tư liệu sau khi được sưu tầm, phải được xử lý kỹ thuật; lập, hoàn thiện và quản lý hồ sơ.

4. Trình tự, thủ tục, hồ sơ của hoạt động nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 59. Phục chế di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu đã được ghi danh được phục chế trong trường hợp bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.

2. Việc phục chế di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân được quy định như sau:

a) Có dự án phục chế di sản tư liệu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di sản tư liệu trên địa bàn trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản tư liệu trong các danh mục di sản tư liệu của UNESCO;

b) Quá trình phục chế phải bảo đảm tính chính xác, tính nguyên gốc về nội dung thông tin gốc và tính nguyên mẫu về chất liệu, hình thức của vật mang tin gốc, được thực hiện bởi người có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật truyền thống và quá trình tạo lập, chế tác gốc để thực hiện phục chế di sản tư liệu;

c) Việc thực hiện phục chế di sản tư liệu tuân thủ quy định tại Điều 47 và Điều 57 của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Di sản tư liệu dạng âm thanh, hình ảnh phải được đánh giá, xây dựng kế hoạch phục chế, hiệu chỉnh màu sắc hình ảnh, xử lý âm thanh trên cơ sở khoa học và phải chuyển dạng lưu trữ, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Di sản tư liệu dạng số phải được nghiên cứu và phục chế bằng phương tiện kỹ thuật trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và được chuyển đổi phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về an toàn thông tin mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Việc phục chế di sản tư liệu đã được ghi danh thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng được các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ liên quan hỗ trợ theo khả năng.

Điều 60. Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị trong các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp và không được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác hoặc để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự.

2. Di sản tư liệu thuộc hình thức sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác, thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự và để thừa kế ở trong nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi chuyển quyền sở hữu di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, tổ chức, cá nhân sở hữu di sản tư liệu phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi đã đăng ký di sản tư liệu về chủ sở hữu mới.

3. Di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này.

4. Di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia và các danh mục của UNESCO phải thực hiện đúng các cam kết về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Di sản tư liệu được phát huy giá trị bằng các hình thức sau đây:

a) Công bố, giới thiệu các danh mục kiểm kê di sản tư liệu, danh mục ghi danh di sản tư liệu, dự án và đề án liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu;

b) Xuất bản ấn phẩm; trưng bày, triển lãm trực tiếp, trên môi trường điện tử và các hình thức khác;

c) Trao đổi, liên kết, hợp tác và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 61. Đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh

1. Đề án, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu đã được ghi danh gồm các nội dung sau đây:

a) Nghiên cứu, đánh giá khả năng tác động tiêu cực đến tính xác thực của nội dung thông tin và tính nguyên gốc của vật mang tin;

b) Nghiên cứu, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản tư liệu;

c) Truyền thông, quảng bá di sản tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường điện tử và hình thức khác;

d) Hỗ trợ hoạt động bảo vệ và quảng bá di sản tư liệu; đặc biệt trong trường hợp bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, phê duyệt đề án, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu thuộc trách nhiệm quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định đề án, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; hướng dẫn báo cáo; xây dựng và gửi các báo cáo quốc gia theo yêu cầu của UNESCO.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 4 Điều này.

Điều 62. Đưa di sản tư liệu được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài; đưa di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước

1. Đưa di sản tư liệu được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước và nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Phục vụ các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước;

b) Phối hợp nghiên cứu, tổ chức trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam;

c) Bảo quản di sản tư liệu mà cơ quan, tổ chức, gia đình, dòng họ, cá nhân sở hữu, quản lý không có khả năng thực hiện.

2. Việc đưa di sản tư liệu đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có thỏa thuận bằng văn bản hoặc hợp đồng và kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn cho việc đưa di sản tư liệu đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản với phía tiếp nhận;

b) Có quyết định hoặc văn bản đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trực tiếp quản lý, sở hữu di sản tư liệu;

c) Trường hợp đưa di sản tư liệu ra nước ngoài phải có bảo hiểm;

d) Có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương đối với di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO;

đ) Có văn bản báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Trường hợp mượn di sản tư liệu để trưng bày, nghiên cứu ngoài điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, phía tiếp nhận phải cung cấp nội dung giới thiệu hoặc mục đích nghiên cứu phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và có trách nhiệm chi trả chi phí bảo vệ an toàn và bảo hiểm quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này.

4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về di sản tư liệu có giá trị có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước ưu tiên ngân sách nhà nước để mua và đưa di sản tư liệu có giá trị có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Di sản tư liệu được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam để tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và chi phí thực hiện được tính vào khoản chi phí hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế, các ưu đãi về thuế, phí liên quan khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

Điều 63. Bản sao di sản tư liệu

1. Bản sao di sản tư liệu là sản phẩm được làm từ bản gốc, giống bản gốc về nội dung thông tin và vật mang tin.

2. Việc làm bản sao di sản tư liệu chỉ được thực hiện nhằm mục đích bảo vệ, phát huy giá trị trong trường hợp di sản tư liệu dễ bị hư hại, cần phải hạn chế sử dụng.

3. Quy trình làm bản sao, chất liệu, số lượng, thời gian làm bản sao di sản tư liệu phải được thể hiện chi tiết và lưu trong hồ sơ.

4. Điều kiện làm bản sao di sản tư liệu bao gồm:

a) Có bản nội dung thông tin gốc để đối chiếu;

b) Có dấu hiệu riêng và ghi rõ thời gian chế tác trên bản sao để phân biệt với bản gốc;

c) Có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trực tiếp quản lý, sở hữu di sản tư liệu;

d) Có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

5. Bản sao di sản tư liệu không có giá trị tương đương bản gốc, không thay thế được bản gốc; không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận; khi sử dụng phải có chú thích là bản sao.

6. Bản sao di sản tư liệu dạng âm thanh, hình ảnh và dạng số phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Việc làm bản sao di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO là tài liệu lưu trữ thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Căn cứ quy định của Chính phủ, mục đích, sự cần thiết của việc làm bản sao di sản tư liệu, người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định số lượng bản sao được làm.

9. Sản phẩm làm giống di sản tư liệu nhưng không đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được xác định là làm giả di sản tư liệu.

10. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép làm bản sao; số lượng bản sao di sản tư liệu được làm.

Chương V

BẢO TÀNG

Điều 64. Hệ thống bảo tàng Việt Nam

1. Hệ thống bảo tàng Việt Nam bao gồm:

a) Bảo tàng công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động, đại diện chủ sở hữu và được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

b) Bảo tàng ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

2. Bảo tàng có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Thành lập bảo tàng công lập

1. Bảo tàng công lập được thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hiện vật, sưu tập hiện vật theo một hoặc nhiều chủ đề;

b) Có trưng bày, kho và thiết bị kỹ thuật, công nghệ hoặc có dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày nội thất, trưng bày ngoài trời phù hợp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật, sưu tập hiện vật quy định tại điểm a khoản này và các hoạt động thường xuyên khác của bảo tàng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

c) Có nhân lực chuyên môn phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập bảo tàng công lập được quy định như sau:

a) Đối với bảo tàng là đơn vị sự nghiệp công lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập thực hiện theo quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Đối với bảo tàng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập thực hiện theo quy định của pháp luật điều chỉnh việc thành lập cơ quan, tổ chức chủ quản của bảo tàng;

c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản xác nhận đủ điều kiện thành lập bảo tàng công lập quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 66. Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập

1. Việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập phải có phương án quản lý bảo đảm an ninh, an toàn đối với hiện vật và hồ sơ kiểm kê hiện vật của bảo tàng.

2. Cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền thành lập bảo tàng quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập hoặc pháp luật điều chỉnh cơ quan, tổ chức chủ quản của bảo tàng.

Điều 67. Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập

1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được quy định như sau:

a) Có hiện vật, sưu tập hiện vật theo một hoặc nhiều chủ đề; hiện vật là di vật, cổ vật phải được đăng ký theo quy định tại Điều 43 của Luật này;

b) Có trưng bày phục vụ khách tham quan;

c) Có đề án tổ chức và hoạt động.

2. Việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được quy định như sau:

a) Giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được cấp cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được cấp lại trong trường hợp bị hư hỏng hoặc bị mất;

c) Giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau: tự nguyện giải thể; vi phạm quy định tại một trong các khoản 3, 4, 7, 10, 11 và 12 Điều 9 của Luật này; không còn đủ điều kiện hoạt động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này; bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định của pháp luật; trường hợp khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh quyết định cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Nhiệm vụ của bảo tàng

1. Bảo tàng có các nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

b) Sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, bảo quản, phục chế và quản lý hiện vật thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

c) Trưng bày hiện vật tại bảo tàng, trên môi trường điện tử; trưng bày ở trong nước và nước ngoài;

d) Diễn giải, truyền thông và giáo dục di sản văn hóa thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

đ) Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của bảo tàng;

e) Quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của bảo tàng;

g) Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với tính chất, nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

i) Tổ chức hoạt động dịch vụ theo quy định tại Điều 77 và Điều 81 của Luật này; thu và sử dụng phí, giá tham quan theo quy định của pháp luật;

k) Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này.

Điều 69. Xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng và thẩm quyền xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng

1. Việc xếp hạng bảo tàng căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây:

a) Số lượng và giá trị của hiện vật, sưu tập hiện vật;

b) Chất lượng kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục và truyền thông;

c) Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật;

d) Mức độ chuẩn hóa nhân lực chuyên môn, nghiệp vụ;

đ) Hiệu quả hoạt động.

2. Bảo tàng được xếp hạng như sau:

a) Bảo tàng hạng I;

b) Bảo tàng hạng II;

c) Bảo tàng hạng III.

3. Việc xếp lại hạng bảo tàng được quy định như sau:

a) Thời hạn xem xét việc xếp lại hạng bảo tàng là 05 năm, kể từ ngày có quyết định xếp hạng lần trước;

b) Trường hợp bảo tàng bảo đảm tiêu chuẩn hạng cao hơn, được xem xét xếp lại hạng trước thời hạn.

4. Thẩm quyền xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chỉ đạo lập, thẩm định hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quyết định xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng II, hạng III sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng, tổ chức kiểm tra thực tế, quyết định xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng I, có ý kiến bằng văn bản đối với việc xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng II, hạng III.

5. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng.

Điều 70. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập

1. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Có đề cương trưng bày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ý kiến của Hội đồng khoa học về bảo tàng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

Việc phê duyệt đề cương trưng bày phải được thực hiện trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập. Đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư thì việc phê duyệt đề cương trưng bày phải được thực hiện trước khi quyết định chủ trương đầu tư;

b) Đáp ứng điều kiện an ninh, an toàn cho hiện vật, quản lý, sử dụng bảo tàng, thực hiện nhiệm vụ của bảo tàng quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

c) Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập phải được cơ quan chủ trì thẩm định gửi kèm văn bản đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Hoạt động sưu tầm hiện vật của bảo tàng

1. Bảo tàng được sưu tầm hiện vật ở trong nước và nước ngoài phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.

2. Bảo tàng tổ chức việc sưu tầm hiện vật thông qua các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này và thông qua mua bán di vật, cổ vật theo quy định tại Điều 80 của Luật này.

3. Việc sưu tầm hiện vật phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 72. Hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật của bảo tàng

1. Hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật của bảo tàng bao gồm:

a) Tiếp nhận, phân loại, đăng ký, sắp xếp, theo dõi tình hình xuất, nhập và tình trạng bảo quản hiện vật;

b) Lập và quản lý hồ sơ liên quan đến hiện vật;

c) Bổ sung thông tin về hiện vật;

d) Nghiên cứu xây dựng sưu tập hiện vật;

đ) Xây dựng hệ thống phiếu tra cứu hiện vật;

e) Tin học hóa hệ thống quản lý hiện vật.

2. Hồ sơ kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật được lập, quản lý, lưu trữ bằng văn bản và bằng công nghệ thông tin.

Điều 73. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng

1. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng bao gồm:

a) Sắp xếp hiện vật và tổ chức kho để bảo quản;

b) Lập hồ sơ về hiện trạng hiện vật và môi trường bảo quản;

c) Tổ chức việc bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu hiện vật.

2. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng phải được thực hiện với tất cả hiện vật trong kho, đang trưng bày và khi đưa ra ngoài bảo tàng.

3. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan đến hiện vật.

Điều 74. Hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng

1. Hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm:

a) Trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề tại bảo tàng;

b) Trưng bày có thời hạn ở trong nước và nước ngoài;

c) Trưng bày trên môi trường điện tử;

d) Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

2. Trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

b) Chú trọng trưng bày hiện vật gốc; thông tin về hiện vật và nội dung trưng bày phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác;

c) Bản phục chế, bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu phải được chú thích rõ ràng;

d) Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải phù hợp với nội dung trưng bày của bảo tàng;

đ) Thuận lợi cho việc tham quan và bảo đảm an ninh, an toàn cho hiện vật, khách tham quan;

e) Tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 75. Hoạt động giáo dục của bảo tàng

1. Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm:

a) Hướng dẫn tham quan; tổ chức hoạt động trải nghiệm;

b) Tổ chức chương trình giáo dục;

c) Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề.

2. Hoạt động giáo dục phải phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng; nhu cầu học tập, hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Điều 76. Hoạt động truyền thông của bảo tàng

1. Hoạt động truyền thông của bảo tàng bao gồm:

a) Giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại chúng và trên môi trường điện tử;

b) Tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chúng;

c) Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động của bảo tàng;

d) Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong nước và nước ngoài;

đ) Tổ chức phát triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của bảo tàng.

2. Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 77. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng

1. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng bao gồm:

a) Cung cấp thông tin, tư liệu về di sản văn hóa;

b) Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch;

c) Tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng;

d) Giám định di vật, cổ vật;

đ) Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu tư vấn lập hồ sơ khoa học di tích;

e) Cung cấp dịch vụ sản phẩm lưu niệm, văn hóa phẩm của bảo tàng;

g) Bảo quản, phục chế, làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu; cung cấp dịch vụ sử dụng, khai thác di sản văn hóa theo quy định tại Điều 88 của Luật này;

h) Hợp tác khai quật khảo cổ;

i) Hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng;

k) Dịch vụ gửi, lưu giữ hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu;

l) Tổ chức cửa hàng lưu niệm, dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác.

2. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bảo tàng công lập được sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công để thực hiện các hoạt động dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này, theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết điểm k khoản 1 Điều này.

Chương VI

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ VỀ DI SẢN VĂN HÓA

Điều 78. Kinh doanh bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

1. Tổ chức, cá nhân được kinh doanh trong lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tư vấn giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quy định khác của pháp luật có liên quan, phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Tổ chức kinh doanh trong lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tư vấn giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn phải đáp ứng quy định đối với từng ngành, nghề như sau:

a) Đối với ngành, nghề lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện hành nghề lập thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và có ít nhất 02 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

b) Đối với ngành, nghề lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và có ít nhất 02 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

c) Đối với ngành, nghề thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và có ít nhất 02 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

d) Đối với ngành, nghề thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và có ít nhất 02 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

đ) Đối với ngành, nghề tư vấn giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và có ít nhất 02 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Chứng chỉ hành nghề lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Chứng chỉ hành nghề thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Điều 79. Kinh doanh giám định di vật, cổ vật

1. Tổ chức, cá nhân được kinh doanh giám định di vật, cổ vật theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức kinh doanh giám định di vật, cổ vật còn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có trụ sở bảo đảm điều kiện để lưu giữ, bảo quản di vật, cổ vật được giám định;

b) Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định;

c) Có ít nhất 03 chuyên gia giám định di vật, cổ vật đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Luật này;

d) Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định di vật, cổ vật do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định di vật, cổ vật.

Điều 80. Kinh doanh di vật, cổ vật

1. Tổ chức, cá nhân được kinh doanh di vật, cổ vật; bảo quản, phục chế di vật, cổ vật; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu di vật, cổ vật thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quy định khác của pháp luật có liên quan và đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh di vật, cổ vật đối với cơ sở kinh doanh;

b) Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật đối với chủ cơ sở hoặc người đại diện theo pháp luật;

c) Có trụ sở bảo đảm điều kiện để lưu giữ, bảo quản hoặc trưng bày di vật, cổ vật và các phương tiện, kỹ thuật phù hợp với ngành, nghề đăng ký.

2. Chính phủ quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh di vật, cổ vật và chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật.

Điều 81. Kinh doanh dịch vụ bảo tàng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kinh doanh hoạt động dịch vụ bảo tàng theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quy định khác của pháp luật có liên quan và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập bảo tàng công lập theo quy định tại Điều 65 của Luật này;

b) Được cấp giấy phép hoạt động bảo tàng theo quy định tại Điều 67 của Luật này.

2. Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo tàng phải phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng quy định tại Điều 68 của Luật này.

Chương VII

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

Điều 82. Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Ngân sách nhà nước bố trí t chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Nguồn thu từ các hoạt động khai thác, sử dụng di sản văn hóa và các hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật.

3. Viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

4. Nguồn tài chính hợp pháp khác.

Điều 83. Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Ngân sách nhà nước chi thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, thực hành, truyền dạy, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, xếp hạng, công nhận, ghi danh di sản văn hóa; công nhận bảo vật quốc gia;

b) Thực hiện các biện pháp, chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khoanh vùng cắm mốc khu vực bảo vệ di tích; bảo quản, phục hồi, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, phục chế, tu sửa cấp thiết di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, trưng bày bảo tàng công lập, kho và hiện vật bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu;

c) Lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh, đánh giá quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và quy hoạch khảo cổ; lập, thẩm định, thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thẩm định, thực hiện dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, trưng bày bảo tàng công lập; dự án phục chế di sản tư liệu;

d) Xây dựng và thực hiện Chương trình hành động quốc gia, báo cáo quốc gia, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

đ) Giám định di vật, cổ vật, di sản tư liệu; sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước đối với các trường hợp được xác định tại khoản 4 Điều 51 và khoản 4 Điều 62 của Luật này; đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu đi trưng bày ở trong nước và nước ngoài; tiếp nhận, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu thu được do tìm kiếm, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép từ nước ngoài về nước;

e) Thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích thuộc sở hữu toàn dân, bảo tàng công lập;

g) Thăm dò, khai quật khảo cổ và nghiên cứu xử lý kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ;

h) Hỗ trợ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, người trực tiếp trông coi di tích lịch sử - văn hóa, cá nhân chủ sở hữu di sản tư liệu được UNESCO ghi danh theo quy định của pháp luật;

i) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

k) Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa; 

l) Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; bảo dưỡng, duy trì, nâng cấp, mở rộng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

m) Hoạt động của các Hội đồng thẩm định, khoa học, chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia theo quy định của Luật này;

n) Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, nội dung chi, mức chi cho các nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều này.

Điều 84. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá

1. Nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc theo quy định của pháp luật; được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật, đặc biệt ưu tiên đối với nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhưng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hưởng chế độ từ nguồn thu khai thác, sử dụng di sản văn hóa và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Điều 85. Cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa nhằm lưu giữ, quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về dữ liệu, giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật về dữ liệu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, duy trì và hướng dẫn việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa theo phân cấp; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa và đáp ứng yêu cầu an ninh, an toàn và bảo mật theo quy định của pháp luật.

5. Việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; giá trị pháp lý đối với dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được chuyển đổi thực hiện theo quy định của pháp luật về dữ liệu, giao dịch điện tử.

6. Nghiên cứu xây dựng dự án, đề án, chương trình, kế hoạch, đề tài khoa học về chuyển đổi số, số hóa di sản văn hóa, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

7. Chính phủ quy định chi tiết về chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Điều 86. Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử

1. Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua trưng bày, giới thiệu, hội thảo khoa học, tọa đàm, thi sáng tác, triển lãm về di sản văn hóa; liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động tìm hiểu, tham quan, học tập về di sản văn hóa gắn kết với chương trình, hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục; biên soạn, xuất bản tài liệu chuyên ngành về di sản văn hóa và các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử thực hiện theo các quy định của Luật này, pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, quy định khác của pháp luật có liên quan và phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho di sản văn hóa trong quá trình xây dựng dữ liệu số về di sản văn hóa và nội dung trưng bày số;

b) Việc thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và sử dụng các cơ sở dữ liệu số của tổ chức, cá nhân phải tuân theo quy định pháp luật về quyền tác giả và bảo vệ dữ liệu cá nhân;

c) Dữ liệu số phải bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 87. Xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

2. Nguồn lực xã hội hóa được sử dụng cho các hoạt động sau:

a) Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, lập hồ sơ khoa học để công nhận, xếp hạng, ghi danh di sản văn hóa;

b) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa;

d) Tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa trong nước và nước ngoài;

đ) Tổ chức phục hồi, thực hành, truyền dạy, giới thiệu, quảng bá, trình diễn, liên hoan về di sản văn hóa phi vật thể;

e) Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích;

g) Thăm dò, khai quật khảo cổ;

h) Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, số hóa, lưu giữ, phục chế và phát huy giá trị di sản tư liệu;

i) Nghiên cứu, sưu tầm, giám định, kiểm kê, bảo quản, phục chế, trưng bày, giáo dục, truyền thông của bảo tàng;

k) Hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa quy định tại khoản 2 Điều này được hưởng các ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn theo quy định của pháp luật.

Điều 88. Sử dụng, khai thác di sản văn hóa

1. Tổ chức, cộng đồng và cá nhân được sử dụng, khai thác di sản văn hóa trong các trường hợp sau đây:

a) Sáng tạo, sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật; biểu diễn nghệ thuật;

b) Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, giáo dục di sản văn hóa;

c) Nghiên cứu khoa học;

d) Phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và phát triển công nghiệp văn hóa;

đ) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc sử dụng, khai thác di sản văn hóa bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam;

b) Góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế;

c) Quảng bá giá trị di sản văn hoá Việt Nam trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển bền vững;

d) Tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Di sản văn hóa hạn chế sử dụng, khai thác trong các trường hợp sau đây:

a) Di sản văn hóa dễ bị hư hại;

b) Chứa nội dung thông tin nếu sử dụng rộng rãi có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

c) Thuộc Danh mục bí mật nhà nước, hạn chế sử dụng, tiếp cận có điều kiện, hạn chế quyền tiếp cận theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, tiếp cận thông tin;

d) Có thể bị lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; phân biệt đối xử, kỳ thị văn hóa, tạo ganh đua, mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột văn hóa;

đ) Có thể bị lợi dụng để tuyên truyền, gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, chính trị, xúc phạm anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các điểm a, b, d và đ khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hoặc sở hữu hợp pháp di sản văn hóa có trách nhiệm xây dựng danh mục di sản văn hóa bị hạn chế sử dụng, khai thác.

Điều 89. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

1. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ, bao gồm:

a) Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền;

b) Thực hiện các công trình, hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

c) Mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước;

d) Mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có giá trị của Việt Nam để bổ sung cho các sưu tập của bảo tàng, di tích.

2. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

3. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết thúc năm tài chính, số dư Quỹ (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

4. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính, kết quả hoạt động của Quỹ.

5. Thẩm quyền thành lập Quỹ như sau:

a) Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập;

b) Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn, khả năng huy động các nguồn lực xã hội và tính hiệu quả của quỹ để quyết định việc thành lập.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VIII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DI SẢN VĂN HÓA

Điều 90. Trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

b) Phê duyệt, thẩm định dự án, đề án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo thẩm quyền;

c) Thực hiện, hướng dẫn xếp hạng, công nhận, ghi danh và cấp bằng xếp hạng, công nhận, ghi danh di sản văn hóa theo thẩm quyền;

d) Thực hiện, hướng dẫn xếp hạng bảo tàng theo thẩm quyền;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

e) Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

g) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

h) Tổ chức công tác thi đua, khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

i) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về di sản văn hóa theo thẩm quyền;

k) Giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế về di sản văn hóa và thực hiện trách nhiệm, cam kết của quốc gia thành viên tham gia các công ước của UNESCO về di sản văn hóa;

l) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ, cơ quan ngang Bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn;

b) Chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với di sản văn hoá trên địa bàn được đưa vào các danh mục kiểm kê, di sản văn hoá trên địa bàn được xếp hạng, ghi danh, công nhận trong các danh mục của quốc gia, các danh sách, danh mục của UNESCO theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định, hướng dẫn của UNESCO;

c) Ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá với các địa phương có chung di sản văn hoá được xếp hạng, ghi danh, công nhận ở các danh mục của quốc gia hoặc các danh sách, danh mục của UNESCO;

d) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 91. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

1. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia là cơ quan tư vấn do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có con dấu và tài khoản riêng.

2. Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Điều 92. Thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

1. Cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan tham mưu, giúp quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở trung ương để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 93. Sửa đổi, bổ sung luật có liên quan

Bổ sung điểm h vào sau điểm g khoản 3 Điều 49 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 như sau:

“h) Dự án đầu tư công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Điều 94. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95 của Luật này.

Điều 95. Quy định chuyển tiếp

1. Các hoạt động, quy hoạch, dự án trong khu vực bảo vệ di tích đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2009/QH12.

2. Di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2009/QH12 thì được chuyển sang Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể; loại hình “Tiếng nói, chữ viết” loại hình “Ngữ văn dân gian” được chuyển sang loại hình “Các biểu đạt và truyền thống truyền khẩu” kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “Tiếng nói, chữ viết” và loại hình “Ngữ văn dân gian” được chuyển sang loại hình “Các biểu đạt và truyền thống truyền khẩu” kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2024./.

 

 

 

 

 

Epas: 114331

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI





Trần Thanh Mẫn

 

THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 45/2024/QH15

Hanoi, November 23, 2024

 

LAW

CULTURAL HERITAGE

Pursuant to the Constitution of Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Cultural Heritage.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law provides for cultural heritage, management, protection and promotion of value of cultural heritage; rights, obligations and responsibilities of agencies, organizations, community and natural persons to manage, protect and promote value of cultural heritage of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 2. Regulated entities

This Law applies to Vietnamese agencies, organizations, community in and persons residing in Vietnam; foreign agencies, organizations, community and persons operating and residing in Vietnam; Vietnamese persons residing in foreign countries and involved in management, protection and promotion of value of cultural heritage.

Article 3. Term interpretation

For the purpose of this Law, these terms below shall be construed as follows:

1. ” Intangible cultural heritage” refers to knowledge, skill, practice, cultural expression in association with a relevant object, artifact, space practiced and handed down by a community, group of people, natural person from generation to generation and establishing their cultural identity. The intangible cultural heritage is constantly recreated, protected and handed down and has the historical, cultural or scientific value.

2. ”Tangible cultural heritage” refers to a material product which has one, some or all of the historical, cultural, scientific and artistic values. The tangible cultural heritage includes historical-cultural monuments, scenic spots, relics, antiquities and national treasures.

3. ”Historical-cultural monument” refers to an architectural or artistic work, a cluster of construction works, sites, archaeological sites or structures of archaeological nature; a relic, antiquity or national treasure of the work or the cluster of works, sites, archaeological sites or structures that has the historical, cultural or scientific value.

4. ”Scenic spot” refers to a natural landscape or natural landscape or place combined with an architectural work that has the historical, cultural or scientific value.

5. “Documentary heritage” refers to original information intentionally created by a group of people or a natural person, directly expressed in symbols, codes, writing, drawings, sounds, static and movable images, digital and other formats attached on a carrier. The documentary heritage is accessible to, has the historical, cultural, scientific or artistic value for at least a community, is inherited and handed down.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. ”Antiquity” refers to a relic that has typical value in terms of history, culture and/or science and is at least one hundred years old.

8. ”National treasure” refers to a relic or antiquity that has extremely precious, rare and typical value in terms of history, culture and/or science.

9. ”Collection” refers to a group of relics, antiquities and national treasures or documentary heritage which are gathered, preserved and arranged systematically according to common signs in terms of presentation, content and material to meet the demand for inquiry into natural and social history.

10. “Museum” refers to a cultural institution performing tasks of research, inventory, documentation, collection, preservation, display, education and communication of cultural heritage to meet public demands for study, sightseeing and experience in terms of history, culture and science and sustainable development.

11. Inventory of cultural heritage” refers to identification, valuation, assessment of status, risk of damage, establishment of legal bases and making of a list of, scientific dossier on cultural heritage.

12. ”Entry" refers to an act of entering intangible cultural heritage and documentary heritage that meet the criteria in the National List of Intangible Cultural Heritage, the National List of Documentary Heritage or lists made by the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO), and includes the entry of intangible cultural heritage and the entry of documentary heritage.

13. ”Preservation” refers to a combination of activities and measures for preventing and reducing risk of damage and destruction without change in original elements constituting historical - cultural monuments, scenic spots, relics, antiquities, national treasures, and documentary heritage. The preservation includes preservation of historical - cultural monuments, scenic spots, relics, antiquities, national treasures, and documentary heritage.

14. ”Subject of intangible cultural heritage” refers to a community, group of people or natural person creating, inheriting, owning, possessing, practicing, handing down and re-creating intangible cultural heritage.

15. ”Intangible cultural heritage artisan” refers to a person who practices, possesses and hands down high-level skills, techniques, know-how and has a deep understanding of intangible cultural heritage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



17. “Relevant cultural space” refers to a place where the community of subjects creates, displays, maintains and hands down intangible cultural heritage.

18. ”Cultural landscape of monument” refers to natural landscape, ecological environment and natural physical landscape space containing historical, cultural, scientific and/or aesthetic value, ​​along with relevant tangible and intangible cultural space that are important to creation of the value of the historical - cultural monument or scenic spot.

19. ”Original element that constitutes monument” refers to an element which sets historical, cultural, scientific and/or aesthetic value specific to a historical-cultural monument or scenic spot.

20. ”Restoration of monument” refers to an act of reconstructing a historical-cultural monument or scenic spot that was destroyed on the basis of scientific data about the historical-cultural monument or scenic spot.

21. ”Renovation of monument” refers to an act aimed at repairing, reinforcing and/or embellishing a historical-cultural monument or scenic spot without affecting original elements that constitute the historical-cultural monument or scenic spot.

22. ”Embellishment of monument” refers to an act aimed at increasing capacity for use, access to and promotion of value without affecting original elements that constitute the monument, cultural landscape of the historical - cultural monument or scenic spot.

23. ”Urgent renovation of monument” refers to an act of temporarily repairing, fortifying or reinforcing a monument to prevent it from collapse or destruction without dismantling the entire structural components of the historical-cultural monument or scenic spot.

24. ”Social-economic work” refer to a work carried out according to a national, regional or local strategy, planning or plan for social-economic development.

25. "Work” directly serving protection and promotion of value of monument refers to an auxiliary work or infrastructure constructed to embellish cultural landscape of the historical - cultural monument, scenic spot, museum, gallery related to the value of the historical - cultural monument, scenic spot, ensure safety and security of the historical - cultural monument, scenic spot and serve cultural activities conducted at the historical - cultural monument, scenic spot. The work shall be constructed in a manner that is consistent with the nature and type of the historical - cultural monument, scenic spot.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



27. ”Conservation of cultural heritage” refers to an act aimed at protecting and maintaining long-term and stable existence of the cultural heritage in its inherent form.

Article 4. Ownership of cultural heritage

1. Vietnamese cultural heritage is a precious property of ethnic groups in Vietnam and a part of the cultural heritage of mankind, and plays a great role in national construction and defense of Vietnamese people. The State acts as a representative owner of and uniformly manages the publicly-owned cultural heritage; recognizes and protects the cultural heritage under the private or common ownership according to regulations of the Ordinance, this Law and relevant laws.

2. The cultural heritage of which public ownership is established includes:

a) Historical - cultural monuments, scenic spots, documentary heritage and artifacts belonging to monuments; artifacts, relics, antiquities, national treasures and documentary heritage of state agencies, political organizations, socio-political organizations, public service providers and those not regulated by clause 3 and clause 4 of this Article;

b) Artifacts and documentary heritage of public museums;

c) Cultural heritage under the ground, in the water within the mainland, islands, internal waters and sea areas of Vietnam;

d) Underwater cultural heritage of Vietnamese origin which is located outside internal waters and sea areas of Vietnam and has its public ownership established regulations of this Law, other relevant laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

dd) Cultural heritage collected by agencies, organizations and public service provides, using the methods specified in clause 1 Article 42 and clause 2 Article 58 of this Law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Unclaimed property and property without identifiable owners that have their public ownership established according to regulations of the Civil Code in case when such property is identified as cultural heritage;

 h) Property that is cultural heritage and has its ownership voluntarily transferred by its owner to the State; property without heirs and property that is cultural heritage belonging to the State as prescribed by the Civil Code and the law on Management and Use of Public Property;

i) Intangible cultural heritage without identifiable authors and owners, or created, practiced, handed down, possessed, inherited and having its ownership transferred to the State by a community, group of people or natural person;

k) Other cases prescribed by law.

3. The cultural heritage of which private ownership is established includes:

a) Relic, antiquity, national treasure or documentary heritage collected and stored by 01 natural person or 01 juridical person;

b) Relic or antiquity having 01 continuous, transparent and bona fide possessor that is a natural person or a juridical person according to the Civil Code;

c) Historical - cultural monument, artifact or documentary heritage belonging to a monument or documentary heritage created, constructed, managed, protected and having its value promoted by 01 natural person or 01 juridical person;

d) Know-how or skills in practice of tangible cultural heritage created, inherited, possessed, practiced and handed down by 01 natural person;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The cultural heritage of which common ownership is established includes:

a) Relic, antiquity, national treasure or documentary heritage collected and stored by an organization that is not a juridical person, family, clan or community, except for the case specified in point e clause 2 of this Article;

b) Relic or antiquity having 01 continuous, transparent and bona fide possessor that is not a juridical person, family, clan or community according to the Civil Code;

c) Historical - cultural monument, artifact or documentary heritage belonging to a monument or documentary heritage created, constructed, managed, protected and having its value promoted by an organization that is not a juridical person, family, clan or community;

d) Tangible cultural heritage, know-how or skills in practice of tangible cultural heritage created, inherited, possessed, practiced and handed down by a community or group of people;

dd) Other cases prescribed by law.

5. The establishment of ownership of cultural heritage, settlement of disputes and handling of violations shall comply with regulations of this Law and relevant laws.

Article 5. Rights and obligations to, and responsibilities for cultural heritage

1. An agency, organization, unit, community, family, clan, juridical person or natural person has the following rights to cultural heritage:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Visit, research, collect and document the cultural heritage;

c) Access, utilize and promote the value of the cultural heritage;

d) Be commended and rewarded by the State according to regulations of the law;

dd) Trade, purchase, sell, exchange, give, bequeath, practice and teach the cultural heritage and other rights as prescribed by this Law and relevant laws.

2. An agency, organization, unit, community, family, clan, juridical person or natural person has the following obligations to and responsibilities for cultural heritage:

a) Comply with the law on cultural heritage.

b) Respect, protect and promote the value of the cultural heritage;

c) Prevent or request a competent authority to prevent and promptly handle the prohibited acts specified in Article 9 of this Law and other violations against laws;

d) Promptly notify sites where relics, antiquities, national treasures, documentary heritage, historical - cultural monuments and scenic spots are detected; give relics, antiquities, national treasures and documentary heritage collected to the nearest competent authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. An owner of cultural heritage has the following rights:

a) Enjoy benefits from protection and promotion of value of the cultural heritage according to regulations of law;

b) Receive assistance and cooperation from a cultural authority in identifying and determining the value and following procedures for inclusion in an inventory list; have their information secrets kept if requested;

c) Receive assistance and cooperation from a cultural authority in storing, preserving, documenting and facilitating protection and promotion of value of the cultural heritage as agreed;

d) Receive assistance in and guidance on protection and promotion of value of the cultural heritage from a competent authority;

dd) Transfer documents on intangible cultural heritage, relics, antiquities, national treasures and documentary heritage to a public museum or state authority or organization affiliated to a competent authority that has appropriate functions in case the owner is ineligible for and incapable of protection and promotion of the value.

e) Other rights prescribed by law.

4. An owner of cultural heritage has the following responsibilities:

a) Facilitate sightseeing, access to and research on the cultural heritage according to regulations of law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Other responsibilities as prescribed by law.

5. An agency, organization, unit, community, family, clan, juridical person or natural person managing the cultural heritage has the following rights:

a) Receive the State’s subsidies for costs incurred from protection and promotion of value of the cultural heritage;

b) Manage, access, utilize and promote the value of the cultural heritage without affecting original elements constituting the monument and the integrity of inherent values ​​of the cultural heritage;

c) Other rights prescribed by law.

6. An agency, organization, unit, community, family, clan, juridical person or natural person managing the cultural heritage has the following responsibilities:

a) Facilitate sightseeing, access to and research on cultural heritage according to regulations of law;

b) Protect and preserve the cultural heritage;

c) Implement measures for promptly preventing and stopping acts of infringing upon cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Other responsibilities as prescribed by law.

Article 6. Principles of management, protection and promotion of value of cultural heritage

1. All cultural heritage of Vietnamese or foreign origin, located within Vietnamese territory and owned in different forms shall be managed and protected, and have its value promoted according to regulations of this Law and relevant laws.

2. All agencies, organizations, community and natural persons shall have rights, obligations to and responsibilities for management, protection and promotion of value of the cultural heritage.

3. Vietnamese cultural heritage located in foreign countries shall be protected according to international laws and regulations of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

4. Protecting national and public interests in harmony with legitimate rights and interests of organizations, community and natural persons; respecting cultural diversity, dialogues among communities and ethnic, regional and local characteristics.

5. Prioritizing protection and promotion of value of cultural heritage ​​at risk of being abandoned or forgotten, historical-cultural monuments, scenic spots, cultural heritage of a community of ethnic groups, mountainous areas, border areas, islands, endangered ethnic groups and cultural heritage sites that benefit the whole community and society.

6. Preserving original elements constituting monuments and the originality of documentary heritage; inherent value and forms of expression of intangible cultural heritage to the maximum.

7. Respecting the rights of intangible cultural heritage subjects and artisans to decide elements to be protected and forms and levels of cultural heritage to be promoted; identifying risks and impacts that threaten existence of and selecting solutions to protect cultural heritage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 7. State’s policies on cultural heritage

1. The State plays key role in maintenance and development of protection and promotion of value of cultural heritage; mobilizes social resources for protection and promotion of value of regional, local and ethnic cultural heritage sites.

2. Protect legitimate rights and interests of cultural heritage owners.

3. Prioritize allocation of state budget for the following activities:

a) protecting and promoting value of cultural heritage entered or recognized by UNESCO;

b) protecting and promoting value ​​of spoken and written languages of Vietnamese ethnic groups; oral expressions and traditions; folk performing arts; traditional architecture; traditional crafts; folk knowledge and experience in disease prevention and treatment and other folk knowledge; traditional festivals, cuisine and costumes.

c) protecting and promoting value of cultural heritage of ethnic minority and mountainous areas, border areas and islands, especially cultural heritage of endangered ethnic groups and ethnic groups at risk of losing their cultures;

d) protecting and promoting value of special national monuments, historical-cultural monuments under the public ownership that have severely deteriorated; public museums that have important roles; national treasures; intangible cultural heritage included in the National List of Intangible Cultural Heritage; documentary heritage included in the National List of Documentary Heritage; intangible cultural heritage at risk of being abandoned or forgotten.

The Government shall elaborate public museums that have important roles specified in this point;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Honor and issue preferential policies applicable to talented artisans and artisans who have merit in protecting and promoting the value of intangible cultural heritage, especially artisans of ethnic minority groups, artisans who live in mountainous areas, border areas and islands, artisans with disabilities, and those living in poor and near-poor households.

5. Assist in professional training and refresher training, improvement of capacity and technical skills for personnel participating in protection and promotion of value of cultural heritage, especially human resources of ethnic minority groups and those living in mountainous areas, border areas, and islands.

6. Assist and enable organizations and individuals to provide aid, financial support and support for, give to, invest funding, human resources and facilities in protection and promotion of value of cultural heritage and Cultural Heritage Conservation Funds established under decisions issued by the Minister of Culture, Sports and Tourism, and Chairpersons of People's Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “Chairpersons of Provincial People's Committees).

7. Enable regional and local authorities to strengthen connection in and enhance protection and promotion of the value of cultural heritage, and local authorities to establish Cultural Heritage Conservation Funds in accordance with the law to proactively preserve cultural heritage that has deteriorated, especially cultural heritage affected by natural conditions, natural disasters, storms and floods and cultural heritage in ethnic minority and mountainous areas.

8. Exempt children, pupils, students, people living poor and near-poor households, the elderly, people with disabilities, people with meritorious services to the revolution, ethnic minorities in communes with especially difficult socio-economic conditions, People's Artisans, Meritorious Artisans and some special subjects from tickets for sightseeing, study and research on cultural heritage at museums, historical - cultural monuments and scenic spots under the public ownership or reduce prices of such tickets with regard to these subjects according to regulations of this Law and relevant laws.

9. Assist and enable organizations and individuals to provide cultural heritage-related services according to regulations of this Law and relevant laws.

Article 8. Vietnam Cultural Heritage Day

Vietnam Cultural Heritage Day is celebrated on November 23 every year.

Article 9. Prohibited acts

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Violating, destroying or causing risks of destroying cultural heritage and cultural landscape of monuments.

3. Accessing and utilizing cultural heritage in a manner that infringes upon the legitimate rights and interests of agencies, organizations, individuals, communities, and national and ethnic interests.

4. Taking advantage of cultural heritage and management, protection, promotion of value of cultural heritage, recognition and entry of cultural heritage for rent-seeking, worship, religious practice and other illegal acts; committing acts of discrimination and prejudice against culture and creating culture-related competition, contradictions, disputes and conflicts; hindering the community of cultural heritage subjects from their rights to cultural creation, practice and enjoyment of.

5. Recognizing and awarding titles related to cultural heritage in a manner that is contrary to regulations of law.

6. Illegally excavating archaeological sites; illegally search and salvaging relics, antiquities and national treasures still submerged under water; excavating and searching relics and antiquities; performing an act of illegally construction in zones in which monuments are protected (hereinafter referred to as ”protective zones”), archaeological exploration and excavation areas and sites under archaeological planning.

7. Purchasing, selling, collecting, trading and exchanging relics, antiquities, national treasures, and documentary heritage of illegal origin.

8. Encroaching and destructing land with historical - cultural monuments and scenic spots.

9. Preserving, renovating, and restoring historical-cultural monuments and scenic spots without obtaining opinions from, abiding by decisions on approval for investment guidelines, decision on investment guidelines, decisions on investment, or following written approvals for projects, appraisal contents issued by competent state agencies according to regulations of this Law and other relevant laws.

10. Providing cultural heritage services without meeting trade and practice requirements prescribed in Articles 78, 79, 80 and 81 of this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



12. Taking advantage of protection and promotion of the value of cultural heritage to distort the State's policies and laws and oppose the Socialist Republic of Vietnam; damaging the great national unity bloc; inciting violence and causing hatred among ethnic groups and religions; propagating wars of aggression; destroying good customs and traditions; spreading superstition.

13. Taking advantage of collection of collectables to purchase or advise other organizations or individuals to purchase or sell artifacts that are collectibles of public museums or to disclose information related to the purchase or sale of artifacts without obtaining written consent from competent persons of agencies or organizations assigned to manage museums and owners of such artifacts.

Chapter II

PROTECTION AND PROMOTION OF VALUE OF TANGIBLE CULTURAL HERITAGE

Article 10. Types of tangible cultural heritage

Types of tangible cultural heritage include:

1. Oral expressions and traditions, including forms of information expression in language, spoken language, written language, characters and folk literature;

2. Folk performing arts, including music, dance, singing, traditional theater and other forms of folk performance.

3. Social customs and beliefs, including regular and stable practices that express concepts and beliefs of the community through rituals associated with traditional customs and practices bearing the cultural identity of the community of subjects;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Folk knowledge, including knowledge about nature and universe, human health and life, labor, production, prevention and treatment of diseases, cuisine, costumes and other folk knowledge;

6. Traditional crafts, including manual practices using knowledge, skills, techniques, know-how, art, together with tools, objects, artifacts, and natural materials to create products bearing the cultural identity of the community of subjects.

Article 11. Inventory of intangible cultural heritage and list of intangible cultural heritage

1. Intangible cultural heritage shall be inventoried and included in the List of intangible cultural heritage located in provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as "List of intangible cultural heritage”). The List of intangible cultural heritage shall be reviewed and updated every year.

2. The Chairperson of provincial People's Committee shall direct and organize the inventory, approve and promulgate the List of intangible cultural heritage and remove intangible cultural heritage from the provincial List of intangible cultural heritage.

3. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate this Article.

Article 12. List of, criteria for entry and additional entry of intangible cultural heritage

1. Intangible cultural heritage shall be entered or additionally entered in the following lists:

a) National List of intangible cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Intangible cultural heritage shall be entered or additionally entered in the National List of intangible cultural heritage when meeting the following criteria:

a) It is included in the List of intangible cultural heritage;

b) It is representative and expresses the identity of a community and the local identity;

c) It is capable of restoration and long-term existence;

d) Proposed protective measures are feasible;

dd) It is accepted and voluntarily proposed by a community and the community commits to protect such intangible cultural heritage.

3. An application to UNESCO for entry or additional entry of intangible cultural heritage shall be formulated when such intangible cultural heritage meets the following criteria:

a) It is included in the National List of intangible cultural heritage;

b) It meets criteria for entry according to regulations and guidelines issued by UNESCO.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Entry or additional entry of intangible cultural heritage in the National List of intangible cultural heritage is regulated as follows:

a) The People's Committee of province or central-affiliated city (hereinafter referred to as ”provincial People's Committee”) is responsible for filing a scientific dossier on intangible cultural heritage within its province. The scientific dossier on intangible cultural heritage shall contain appraisal opinions given by an appraisal council established by the Chairperson of the provincial People's Committee.

If the intangible cultural heritage is located in two or more provinces or centrally-run cities, the People's Committee of each province where the intangible cultural heritage is located can prepare and submit a separate scientific dossier of such intangible cultural heritage within the province/city or local authorities can reach an agreement to select a local authority that will preside over preparation and submission of a common scientific dossier on the intangible cultural heritage located in such provinces/cities;

b) The provincial People's Committee shall submit the scientific dossier on intangible cultural heritage within its province, and request the Minister of Culture, Sports and Tourism to consider entering or additionally entering the intangible cultural heritage in the National List of Intangible Cultural Heritage.

c) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider deciding entry, additional entry, announcement and issuance of a certificate of entry or additional entry of intangible cultural heritage in the National List of intangible cultural heritage according to the scientific dossier on intangible cultural heritage, the application made by the Provincial People's Committee and appraisal opinions given by an appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

2. Entry or additional entry of intangible cultural heritage in the UNESCO’s Lists is regulated as follows:

a) The Chairperson of the Provincial People's Committee shall send a written application to the Minister of Culture, Sports and Tourism that will consider submitting it to the Prime Minister to grant permission and assign the provincial People's Committee to preside over preparation of a scientific dossier on intangible cultural heritage for application for entry or additional entry of intangible cultural heritage located within ​​01 province or central-affiliated city or intangible cultural heritage located within ​​02 or more provinces or central-affiliated cities after agreement on selection of 01 local authority that presides over preparation of the scientific dossier on intangible cultural heritage in the UNESCO’s Lists.

In case of application to UNESCO for entry or additional entry of multinational intangible cultural heritage, the Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider requesting the Prime Minister to grant permission and assign the People's Committee of province where the intangible cultural heritage is located to preside over and cooperate with a competent authority of a member country to file a scientific dossier on intangible cultural heritage.

b) The provincial People's Committee is responsible for preparing a scientific dossier on intangible cultural heritage for application for entry or additional entry to request the Minister of Culture, Sports and Tourism to make appraisal. The scientific dossier on intangible cultural heritage shall contain appraisal opinions given by an appraisal council established by the Chairperson of the provincial People's Committee.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) The entry and additional entry of Vietnam's intangible cultural heritage in UNESCO's lists shall comply with UNESCO's regulations and guidelines.

3. Cancellation of entry of intangible cultural heritage is regulated as follows:

a) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall decide cancellation of entry of intangible cultural heritage in the National List of intangible cultural heritage in case such intangible cultural heritage no longer meets the criteria specified in clause 2 Article 12 of this Law after obtaining appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism;

b) The cancellation of entry of Vietnam's intangible cultural heritage in UNESCO's lists shall comply with UNESCO's regulations and guidelines.

4. The Government shall elaborate procedures and applications for entry, additional entry and cancellation of entry of intangible cultural heritage specified in this Article.

Article 14. Policies applicable to artisans and subjects of tangible cultural heritage

1. Artisans and subjects of intangible cultural heritage shall be entitled to the State’s preferential policies. To be specific:

a) They are considered and awarded by the State honorary titles of the State and receive other forms of commendation and honor according to the law on emulation and commendation.

b) They receive assistance with facilities, tools, objects, artifacts and relevant cultural space to maintain practice, teaching, creation and performance, protect and promote the value of intangible cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) People's Artisans and Meritorious Artisans receive monthly allowances, health insurance subsidies and funeral allowance upon death

dd) Artisans and subjects of intangible cultural heritage of ethnic minorities are entitled to special preferential policies;

e) Other preferential policies as prescribed by law.

2. In addition to the policies prescribed in clause 1 of this Article, according to socio-economic development conditions, budget balancing capacity, and mobilization of social resources, the People's Committee shall request the People's Council at the same level to decide preferential policies applicable to artisans and subjects of intangible cultural heritage within its province.

3. The Government shall elaborate points b, c, d and dd clause 1 of this Article.

Article 15. Maintenance of practice and teaching on intangible cultural heritage

1. Artisans and subjects of intangible cultural heritage shall maintain practice and teaching on, and preserve the value of cultural heritage in their community and spread cultural heritage to other communities in society.

2. Artisans and subjects of intangible cultural heritage shall teach intangible cultural heritage within and outside their community to consolidate and increase the quantity and improve the quality of intangible cultural heritage practice, with priority given to cultural heritage of the community of ethnic groups and endangered ethnic groups to ensure that the practice of cultural heritage is maintained in a manner that is regular, continuous and appropriate to the value, nature and function of cultural heritage, thereby reducing the risk that the cultural heritage is abandoned or forgotten by the following forms:

a) Artisans and practitioners teach knowledge, skills and cultural expressions to the next generation within the community of subjects by practicing intangible cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 16. Research, collection or documentation of intangible cultural heritage

1. Research, collection or documentation of intangible cultural heritage refers to an act of learning about, identifying characteristics, value ​​and functions of intangible cultural heritage, and recording current status of intangible cultural heritage for preservation.

2. Overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals conducting research on, collecting and documenting intangible cultural heritage in Vietnam shall obtain written consent from the Minister of Culture, Sports and Tourism regarding intangible cultural heritage located in two or more provinces or central-affiliated cities; or from a specialized agency under the provincial People's Committee that advises and assists the People's Committee to perform state management of culture (hereinafter referred to as ”provincial culture agency”) regarding intangible cultural heritage located in one province or central-affiliated city.

3. Organizations, communities and individuals shall cooperate with provincial culture agencies to conduct research, collect and document intangible cultural heritage.

4. Each provincial People's Committee is responsible for directing research, collection, and documentation of intangible cultural heritage that has been entered within its provinces to maintain its value ​​and update such intangible cultural heritage to the national database on cultural heritage.

5. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate clause 2 and clause 3 of this Article.

Article 17. Management, protection and promotion of value of intangible cultural heritage inventoried and entered

1. Intangible cultural heritage included in the List of intangible cultural heritage shall be protected and have its value promoted according to regulations of this Law and relevant laws.

2. There must be measures for management, protection and promotion of value of intangible cultural heritage entered in the National List of intangible cultural heritage and UNESCO’s lists after the entry and reports shall be prepared according to regulations of laws and UNESCO’s regulations and guidelines.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall promulgate a National Action Program for protection of intangible cultural heritage after it is entered by UNESCO; provide report guidance; prepare and submit national reports as requested by UNESCO.

5. The Government shall elaborate clauses 2, 3 and 4 of this Article.

Article 18. Protection of intangible cultural heritage at risk of being abandoned or forgotten

1. Intangible cultural heritage at risk of being abandoned or forgotten is identified according to one of the criteria. To be specific:

a) Capacity for existence and practice of, and teaching on intangible cultural heritage within the community of subjects is being obstructed or threatened, or it is difficult restoring intangible cultural heritage and it may disappear;

b) The number of artisans, practitioners and successors declines;

c) There are deterioration and changes in practice conditions and forms

d) Relevant cultural space and intangible cultural heritage practice environment are narrowed or disappear.

2. The Chairperson of the provincial People's Committee shall, pursuant to results of the inventory, the current status of practice of intangible cultural heritage and the criteria specified in clause 1 of this Article, request the provincial culture agency and the subject of the intangible cultural heritage to identify the intangible cultural heritage at risk of being abandoned or forgotten.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Research and documentation of practices and forms of expression;

b) Restoration of relevant cultural space, practices, forms of expression, conditions and artifacts;

c) Organization of teaching;

d) Other measures.

4. The Chairperson of the provincial People's Committee shall direct local authorities to implement measures for urgent protection prescribed in clause 3 of this Article.

5. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall, according to a written proposal submitted by the Chairperson of the provincial People's Committee, consider requesting the Prime Minister to grant permission for formulation of an application to UNESCO for assistance in protection of heritage entered in the List of Intangible Cultural Heritage in Need of Urgent Safeguarding from UNESCO's Fund for the Safeguarding of the Intangible Cultural Heritage of 2003 Convention for the Safeguarding of the Intangible Cultural Heritage.

Article 19. Measures for protecting and developing spoken and written languages of Vietnamese ethnic groups

The State shall protect and develop spoken and written languages of ethnic groups living together in Vietnam, especially spoken and written languages of ethnic minorities and those at risk of being abandoned by the following measures:

1. Studying, collecting, documenting, preserving and teaching oral expressions and traditions in spoken and written languages ​​of the community of ethnic groups;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Issuing rules for transcribing transcription of spoken language of ethnic groups without written language;

4. Collecting, compiling, translating, classifying and preserving literary, artistic, scientific and oral linguistic works and folk performances;

5. Developing dictionaries, textbooks, teaching materials on spoken and written languages ​​of ethnic groups, databases on spoken and written languages ​​of ethnic groups;

6. Encouraging the introduction of cultural heritage at museums and monuments by spoken and written languages of ethnic minorities;

7. Publishing books and newspapers, and running radio, television and stage programs for cultural heritage in ethnic minority languages.

Article 20. Measures for protection and promotion of value of traditional festivals

The State shall facilitate maintenance and promotion of value of traditional festivals by the following measures:

1. Ensuring that the community of subjects is entitled to proactively participate in practice of traditional rituals in cultural space and at time in conformity with to the festival cycle;

2. Protecting the rights of the community of subjects to proactively choose festival promotion forms and of non-community subjects to access or participate in organization and implementation of festival activities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Taking measures to assist the community in preventing factors and activities that affect components and structure of festivals and do not comply with civilized lifestyle regulations regarding festival activities;

5. Encouraging widespread dissemination of origin, contents, typical and unique values ​​of festivals in Vietnam and foreign countries.

Chapter III

PROTECTION AND PROMOTION OF VALUE OF TANGIBLE CULTURAL HERITAGE

Section 1. HISTORICAL - CULTURAL MONUMENTS AND SCENIC SPOTS

Article 21. Types of monuments

Monuments include:

1. Historical – cultural monuments

a) Historical monuments, including memorials to historical and cultural events and memorials to historical figures;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Archaeological monuments;

2. Scenic spots;

3. Mixed monuments.

Article 22. Criteria for identification of monuments by their types

1. Historical monuments shall meet one of the following criteria:

a) They are construction works or sites associated with national or local typical historical and cultural events during national development and defense.

b) They are construction works or sites associated with the life and career of each national hero or historical figure having positive influence on national or local development in one or more historical periods;

c) They are construction works or sites associated with the history of industrial, urban and rural development, having positive influence on national or local development in one or more historical periods;

2. Architectural and artistic monuments shall be architectural and artistic works, urban and rural architectural complexes, residential sites, urban and rural areas or industrial works containing architectural works and historical and cultural spaces having typical values ​​for one or more periods of historical, architectural and artistic development.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Scenic spots shall meet one of the following criteria:

a) They are natural landscapes having typical historical, cultural or scientific value;

b) They are natural landscapes or sites combined with architectural works having typical historical, cultural or scientific value;

c) They are natural areas having scientific value in terms of geology, geomorphology, geography, biodiversity, specific ecosystems or natural areas containing material traces of periods of the earth's development.

5. Mixed monuments are monuments meeting the criteria applicable to at least 02 types of monuments specified in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article.

Article 23. Inventory and List of monuments

1. Works, sites, urban and rural architectural complexes, urban and rural areas, natural landscapes, and natural areas identified according to the criteria specified in Article 22 of this Law shall be inventoried and included in the provincial List of Monuments (hereinafter referred to as ”List of Monuments”). The List of monuments shall be reviewed and updated every year.

2. The Chairperson of provincial People's Committee shall direct and organize inventory, approve and promulgate the List of monuments located within its provinces and remove monuments that no longer meet the criteria specified in Article 22 of this Law from the List of monuments.

3. Measures for management, protection and promotion of value of monuments included in the List of monuments shall be the same as those for management, protection and promotion of value of provincial monuments in accordance with this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 24. Ranking and deranking monuments

1. Nationally-ranked monuments include:

a) Provincial monuments that are ones having typical local values and meeting at least one of the criteria specified in Article 22 of this Law;

b) National monuments that are ones having typical national values and meeting at least one of the criteria specified in Article 22 of this Law;

c) Special national monuments that are ones having typical and special national values and meeting at least one of the criteria specified in Article 22 of this Law;

2. Monuments will be considered to be recognized as world heritage by UNESCO as follows:

a) Typical monuments of Vietnam, having outstanding universal cultural value will be considered to be recognized as world cultural heritage;

b) Typical monuments of Vietnam, having outstanding universal natural value will be considered to be recognized as world natural heritage;

c) Typical monuments of Vietnam, meeting the criteria applied to both world cultural heritage and world natural heritage will be considered to be recognized as mixed world heritage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Monuments ranked according to regulations in clause 1 of this Article and located within 01 province/central-affiliated city;

b) Monuments ranked according to regulations in clause 1 of this Article and located within 02 or more provinces/central-affiliated cities;

c) Monuments recognized as world heritage and located within the territory of the Socialist Republic of Vietnam and the territory of one or more other countries or territories (hereinafter referred to as ”multinational world heritage”).

4. Cases in which national monuments may be deranked and world heritage may be derecognized:

a) Monuments have been ranked as national monuments but no longer meet the regulations specified in clause 1 of this Article;

b) World heritage included in the List of world heritage is threatened.

Article 24. Authority over, procedures and applications for ranking, additionally ranking, annulling decisions to rank, and amending scientific dossiers on monuments and world heritage

1. The provincial People's Committee shall be responsible for preparing a scientific dossier to apply for ranking, additionally ranking, annulling a decision to rank, and amending the scientific dossier on monuments located within its province. The scientific dossier on monuments shall contain appraisal opinions of an appraisal council established by the Chairperson of the provincial People's Committee.

If an monument is located in two or more provinces or centrally-run cities, People's Committees of provinces where the monument is located shall reach an agreement to select a local authority that will preside over preparing, submitting a scientific dossier on the monument, applying for ranking, additionally ranking, annulling a decision to rank, and amending the scientific dossier.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider making decision on ranking, issuing certificates of ranking, additionally ranking, annulling a decision to rank, and amending a scientific dossier on national monuments as requested by the People's Committee after obtaining appraisal opinions from an appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

4. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider requesting the Prime Minister to rank, issue certificates of ranking or additionally ranking, annul a decision to rank, and amend a scientific dossier on special national monuments as requested by the provincial People's Committee after obtaining appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism. The dossier submitted to the Prime Minister shall contain written opinions of the National Cultural Heritage Council.

5. Recognition, additional recognition, derecognition and amendments to a dossier on world heritage are regulated as follows:

a) The Chairperson of the Provincial People's Committee shall send a written application to the Minister of Culture, Sports and Tourism that will consider submitting it to the Prime Minister to grant permission and assign the provincial People's Committee to preside over preparation of a scientific dossier on a monument for application to UNESCO for recognition, additional recognition and amendments to the dossier on world heritage with regard to the monument located within ​​01 province or central-affiliated city or located within ​​02 or more provinces or central-affiliated cities after agreement on selection of 01 local authority that presides over preparation of the scientific dossier on monument.

In case of application to UNESCO for recognition, additional recognition and amendments to the dossier on multinational world heritage, the Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider requesting the Prime Minister to grant permission and assign the People's Committee of province where the monument is located to preside over and cooperate with a competent authority of a member country to prepare a scientific dossier on monument.

b) The provincial People's Committee assigned to prepare an application to UNESCO for recognition, additional recognition and amendments to the dossier on world heritage shall request the Minister of Culture, Sports and Tourism to make appraisal and require the Prime Minister to decide application to UNESCO for recognition, additional recognition and amendments to the dossier on world heritage after obtaining appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism. The dossier submitted by the Ministry of Culture, Sports and Tourism to the Prime Minister shall contain written opinions given by National Cultural Heritage Council;

c) Derecognition of world heritage shall comply with UNESCO’s regulations and guidelines.

6. Ranked monuments shall be managed, protected, and have their values ​​promoted in accordance with regulations of this Law and other relevant laws; regarding world heritage, in addition to these regulations, management, protection and promotion of its value shall comply with UNESCO's regulations and guidelines.

If a monument under the management of provincial People's Committees is located in two or more provinces or centrally-run cities, People's Committees of provinces and cities where the monument is located shall reach an agreement on formulation of a general management plan and issuance of monument protection regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 26. Promotion of value of monuments

The value of monuments is promoted through the following activities:

1. Studying, collecting and documenting value of monuments; applying science and technology to promotion of their value;

2. Disseminating, educating, spreading, displaying and introducing roles, meanings and historical, cultural, scientific and artistic value of monuments on a national and international basis;

3. Giving guidance and explanations to visitors;

4. Organizing/providing or entering into joint venture and association to organize/provide tourism activities and services which serve sightseeing, research and study by the public at monuments;

5. Developing products and services and enabling communities living in provinces/cities where monuments are located to participate in development of products and services related to such monuments;

6. Studying, collecting, displaying and introducing materials and artifacts associated with value of monuments;

7. Conducting cultural activities at monuments; organizing practice, performances and introduction of intangible cultural heritage associated with monuments;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



9. Other activities as prescribed by law.

Article 27. Protective zones, principles of determining and planting boundary markers at protective zones and adjusting protective zones or world heritage sites

1. Each monument ranked in accordance with clause 1 Article 24 of this Law has 02 protective zones, including protective zone I and protective zone II.

2. Protective zone I refers to a zone containing original elements constituting the monument, in which the status quo of area and space of such elements must be protected. The protective zone I is determined as follows:

a) Regarding a historical monument, protective zone I is determined as a zone containing a construction work or site marking typical developments of historical and cultural event(s) or associated with the life and career of a relevant national hero or historical figure or the history of industrial, urban and rural development in one or more relevant historical periods;

b) Regarding an architectural and artistic monument, protective zone I is determined as a zone containing an architectural work, yard, garden, pond, lake and other relevant elements that constitute the value of the monument.

c) Regarding an archaeological monument, protective zone I is determined as a zone where relics, artifacts, terrain, and landscapes that are directly related to living environment of the subject that has created the monument are discovered.

d) Regarding a scenic spot, protective I shall be such as to ensure preservation of the integrity of natural landscape, terrain, geomorphology and other geographical elements containing biodiversity and specific ecosystems, physical traces of periods of the earth's development or relevant architectural works;

dd) Regarding a monument consisting of multiple construction works, architectural and artistic works, industrial works and sites located within a large area, protective zone I shall be determined for each construction work, architectural and artistic work, industrial work, and site.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Be a zone directly connected to the protective zone I and containing cultural landscape that has an important function in protection of the monument;

b) Be a zone where potentials need to be researched and added and the value of monument need to be promoted;

c) Be a zone that has functions of prevention, control and reduction of negative impacts that may directly affect the protective zone I, construction work, terrain, cultural landscape and natural ecosystem of the monument.

4. Zone adjacent to a monument and not determined as a protective zone II refers to a zone containing a construction work that cannot be relocated, or a residential area decided by the competent authority specified in clause 6 of this Article.

5. Protective zones specified in clause 2 and clause 3 of this Article shall be delineated by competent authorities specified in clause 6 of this Article on cadastral maps and in protection zoning records of scientific dossiers on monuments ranked, updated to relevant planning maps and have boundary markers planted on field.

6. The Chairperson of the provincial People's Committee shall decide to determine boundaries of protective zones, and adjust boundaries of protective zones and the zone adjacent to monument and not determined as the protective zone II as prescribed in clause 4 of this Article with regard to any monument located within its province after receiving appraisal opinions from the appraisal council established by the Chairperson of the Provincial People's Committee.

The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider approving boundaries of protective zones, deciding the zone adjacent to monument and not determined as the protective zone II as prescribed in clause 4 of this Article with regard to any national monument proposed to be ranked according to its scientific dossier, and approving adjustment to boundaries of protective zones in accordance with the scientific dossier on national monument ranked as requested by the Chairperson of the provincial People's Committee after receiving appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

The Prime Minister shall consider approving boundaries of protective zones, deciding the zone adjacent to monument and not determined as the protective zone II as prescribed in clause 4 of this Article with regard to any special national monument proposed to be ranked according to its scientific dossier, and approving adjustment to boundaries of protective zones in accordance with the scientific dossier on special national monument ranked as requested by the Minister of Culture, Sports and Tourism, the Chairperson of the provincial People's Committee after receiving appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism. The dossier submitted to the Prime Minister shall contain written opinions of the National Cultural Heritage Council.

7. The Chairperson of the provincial People's Committee shall be responsible for planting or authorizing the head of the provincial culture agency or the Chairperson of the district-level People's Committee to plant boundary markers on protective zones. Boundary markers shall be planted on protective zones right after the monument is ranked according to regulations of this Law and relevant laws, and the following principles:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Markers shall be made of durable materials and planted in locations where they are recognizable; the shape, color, and size of each marker must be suitable for the environment and landscape of the monument and must not affect original elements constituting the monument.

8. World heritage area and buffer zone of world heritage area shall be determined as follows:

a) Each world heritage has a world heritage area and its buffer zone determined according to UNESCO’s regulations and guidelines;

b) World heritage area refers to an area containing original elements that create the outstanding universal value of the world heritage; this area shall be protected in the same manner as that applied to the protective zone I;

c) Buffer zone of a world heritage area refers to a zone which surrounds the world heritage area, is a part of or contributes to value and unique characteristics of the world heritage, and is an additional layer of protection of the world heritage site; it shall be protected in the same manner as that applied to the protective zone II;

d) The world heritage area and the buffer zone of the world heritage area shall be determined on maps included in the application to UNESCO for recognition of the world heritage and updated to relevant planning maps.

9. Boundaries of protective zone I and protective zone II of nationally-ranked monuments are narrowed or expanded as follows:

a) The boundary of the protective zone I may only be adjusted when the adjustment ensures that original elements constituting the monument are completely preserved, and follows the principles specified in clause 2 of this Article.

 b) The boundary of the protective zone II may only be adjusted when the adjustment ensures that elements that can negatively impact and affect original elements constituting the monument are prevented and cultural landscape of the monument is protected and follows the principles specified in clause 3 of this Article;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. Boundaries of the world heritage area and its buffer zone shall be narrowed or expanded according to UNESCO’s regulations and guidelines, making sure that criteria for establishment of outstanding universal value of the world heritage are not changed and a dossier must be filed; in case of major adjustment to the boundary of the world heritage area or its buffer zone, a new nomination dossier must be filed.

11. The Government shall provide for updating boundaries of protective zones and the world heritage area to relevant planning maps specified in clause 5, point d clause 8 of this Article; and elaborate clauses 6, 9 and 10 of this Article.

Article 28. Repairing, renovating or constructing works and performing activities within protective zones or world heritage areas

1. Within the protective zone I of a monument or the world heritage area, it is only allowed to repair, renovate or construct the following works. To be specific:

a) Repairing, renovating, or constructing works directly serving the protection and promotion of the value of the monument or world heritage.

b) Repairing, renovating, or reconstructing single-family houses on the basis of the current status of existing single-family houses.

2. Within the protective zone II of a monument or a buffer zone of world heritage area, it is only allowed to repair, renovate or construct works and perform activities. To be specific:

a) Repairing, renovating, or constructing works directly serving the protection and promotion of the value of the monument or world heritage.

b) Repairing, renovating, or constructing single-family houses;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Using sea areas for exploitation and use of marine resources;

dd) Conducting socio-economic activities as per specialized laws.

3. Repair, renovation or construction of a work or single-family house specified in clause 1 and clause 2 of this Article shall meet the following requirements:

a) Do not distort historical events, the life and career of any national hero or historical figure, or negatively impact the cultural landscape of the monument or the world heritage.

b) Do not damage the planning structure of a complex of architectural and artistic works or negatively impact the architectural shape of a single architectural work related to the monument or the world heritage;

c) Do not repair, renovate or construct any work or single-family house in an area where traces of relics have been discovered, or terrain or cultural landscape related to an archaeological monument or site, world heritage exists;

d) Maintain the integrity of the value of natural landscape, ecological environment, terrain, geomorphology and other geographical elements containing biodiversity and specific ecosystem, physical traces of periods of the earth's development or an architectural work related to a scenic spot or world heritage;

dd) Be consistent with natural laws, protect marine resource ecosystems, conserve and preserve original elements constituting natural value ​​and marine biodiversity, marine environment related to scenic spots and world heritage;

e) Do not block the work, landscape space of the monument; or cause landslide that changes terrain, subsidence of the construction work, the monument, world heritage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Projects on investment in construction, construction of works, performance of activities specified in point a, clause 1 Article 28 and points a, c, d, dd clause 2 Article 28 of this Law shall be implemented as follows:

a) Complying with regulations of this Law, laws on investment, public investment, construction and other relevant regulations of law;

b) The approval for investment guidelines and decision on investment guidelines for projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, and performance of socio-economic activities shall only be issued after receiving written consent from the Minister of Culture, Sports and Tourism regarding world heritage, special national monuments, or national monuments; from the head of the provincial culture agency regarding provincial monuments or monuments included in the List of Monuments. In case of projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, and performance of socio-economic activities within world heritage areas, buffer zones of world heritage areas, in addition to compliance with the above-mentioned regulations, requirements for environmental protection, prevention, control, and assessment of elements affecting world heritage according to this Law and UNESCO's regulations and guidelines shall be satisfied;

c) Pursuant to clause 2 and clause 3, Article 27 and Article 28 of this Law, the Minister of Culture, Sports and Tourism and the head of the provincial culture agency shall give written opinions about the satisfaction to requirements for protection and promotion of the value ​​of world heritage and monuments.

2. Provincial People's Committees or agencies in charge of appraising and licensing projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, and performance of socio-economic activities specified in clause 1 of this Article within world heritage areas, buffer zones of world heritage areas, protection zones I and protection zones II of special national monuments, national monuments shall be responsible for sending dossiers on projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, and performance of socio-economic activities to the Ministry of Culture, Sports and Tourism to seek opinions in accordance with regulations of this Law and other relevant laws.

3. District-level People's Committees or agencies in charge of appraising and licensing projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, and performance of socio-economic activities specified in clause 1 of this Article within protection zones I and protection zones II of provincial monuments shall be responsible for sending written statements enclosed with dossiers on projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, and performance of socio-economic activities to the provincial culture agency to seek opinions in accordance with regulations of this Law and other relevant laws.

4. Repair, renovation or construction of a single-family house in a protective zone or a world heritage area is regulated as follows:

a) The repair, renovation, or reconstruction of the single-family house on the basis of the current status of an existing single-family house that is an original element constituting the value of the monument or a component of the cultural landscape of the world heritage, a special national monument or a national monument cluster mentioned in the scientific dossier on the monument ranked, planning for preservation, renovation or restoration of the monument approved by a competent authority that requires repair, renovation or construction in the protective zone or the world heritage area shall comply with regulations applicable to a project on preservation, renovation or restoration of the monument specified in Article 35 of this Law;

b) The repair, renovation, or construction of the single-family house within the protective zone or the world heritage area that is not regulated by point a of this clause shall comply with regulations of the law on construction and the single-family house is only repaired, renovated or constructed after the provincial culture agency grants a written consent.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Regarding repair, renovation, or construction of the single-family house, not requiring a construction permit according to regulations of the law on construction, an investor shall be responsible for sending a dossier as per this Law to the provincial culture agency to seek its opinions.

Regarding repair, renovation, or construction of the single-family house, requiring a construction permit according to regulations of the law on construction, an authority having power to issue the construction permit shall be responsible for sending a written statement enclosed with a dossier as per this Law and the law on construction to the provincial culture agency to seek its opinions.

b) Pursuant to clause 2 and clause 3, Article 27 and clause 2 and clause 3 Article 28 of this Law, on the basis of opinions given by a representative, the organization assigned to manage, use the monument, the world heritage, the head of the provincial culture agency shall give written opinions about the satisfaction to requirements for protection and promotion of the value ​​of the monument, the world heritage.

6. The Government shall elaborate assessment of elements affecting the world heritage specified in point b, clause 1; procedures and dossiers for application to the Minister of Culture, Sports and Tourism, the head of the provincial culture agency for their opinions specified in point b and point c, clause 1 of this Article, clauses 2, 3, 4 and 5 of this Article.

Article 30. Projects on investment in construction, construction of works, single-family houses, performance of activities outside protective zones, buffer zones of world heritage areas

1. Projects on investment in construction, construction of works, single-family houses, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities outside protective zones, buffer zones of world heritage areas which are likely to negatively impact original elements constituting monuments, cultural landscape of monuments, world heritage shall be implemented according to regulations of this Law, the law on investment, public investment, construction and other relevant laws. In addition to the above-mentioned regulations, projects on investment in construction, construction of works, single-family houses, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities outside buffer zones of world heritage areas shall comply with UNESCO’s regulations and guidelines.

Before approval for investment guidelines, decision on investment guidelines for projects on investment in construction, construction of works, issuance of permits for construction of single-family houses, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities according to regulations of this Law, implementation of projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities not subject to approval for investment guidelines, decision on investment guidelines or construction of single-family houses not requiring construction permits outside protective zones, buffer zones of world heritage areas, if they are likely to negatively impact original elements constituting monuments or cultural landscape of monuments, world heritage, the cultural authority shall give its written opinions.

2. Projects on investment in construction, construction of works, single-family houses, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities which may negatively impact original elements constituting monuments or cultural landscape of monuments, world heritage shall be implemented outside protective zones, buffer zones of world heritage areas if:

a) They are likely to distort historical events, the life and career of any national hero or historical figure, or negatively impact the cultural landscape of monuments or world heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) They are being implemented in any area where traces of relics have been discovered, or terrain or cultural landscape related to archaeological monuments or sites, world heritage exists;

d) They are likely to negatively impact the integrity of the value of natural landscape, ecological environment, terrain, geomorphology and other geographical elements containing biodiversity and specific ecosystems, physical traces of periods of the earth's development or architectural works related to scenic spots or world heritage;

dd) They are likely to negatively impact marine resource ecosystems, conservation and preservation of original elements constituting natural value and marine biodiversity, marine environment related to scenic spots and world heritage;

e) They are likely to block works, landscape space of monuments; or cause landslides that change terrain, subsidence of works, monuments, world heritage.

3. Agencies in charge of appraisal of projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities outside buffer zones of world heritage areas, protective zones of special national monuments, national monuments which are likely to negatively impact original elements constituting monuments or cultural landscape of monuments, world heritage shall be responsible for sending written statements enclosed with applications for approval for investment guidelines, decision on investment guidelines for projects, dossiers on projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities to the Ministry of Culture, Sports and Tourism to seek its opinions.

4. Agencies in charge of appraising, licensing projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities outside protective zones of provincial monuments or construction of single-family houses outside buffer zones of world heritage areas, protective zones of special national monuments, national monuments, provincial monuments which are likely to negatively impact original elements constituting monuments or cultural landscape of monuments, world heritage shall be responsible for sending written statements enclosed with applications for approval for investment guidelines, decision on investment guidelines for projects, dossiers on projects on investment in construction, construction of works, use of sea areas for exploitation and use of marine resources, performance of socio-economic activities, construction of single-family houses provincial culture agencies to seek their opinions.

5. The Government shall elaborate clauses 1, 3 and 4 of this Article.

Article 31. Adding, relocating or changing artifacts to/in monuments

1. Addition, relocation or change of an artifact to/in a monument shall adhere to the following principles:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) It does not falsify the content and value of the monument;

c) The artifact that is added, relocated or changed shall be updated to Inventory Table of artifacts at monument.

2. Authority to add, relocate or changing the artifact to/in the monument is regulated as follows:

a) The Ministry of Culture, Sports and Tourism has authority to decide to add, relocate or changing the artifact to/in the special national monument or the world heritage;

b) The provincial culture agency has authority to decide to add, relocate or changing the artifact to/in the national monument, the provincial monument or the monument included in the List of monuments under the public ownership located within its province;

c) The owner of the monument has authority to add, relocate or changing the artifact to/in the provincial monument or the monument included in the List of monuments under the common/private ownership according to the principles specified in clause 1 of this Article;

3. Annually, the provincial culture agency shall review and update the Inventory Table of artifacts at monument and send a report to the provincial People's Committee.

4. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall provide for procedures and applications for adding, relocating or changing artifacts to/in monuments specified in clause 2 and elaborate clause 3 of this Article.

Article 32. Organizations and representatives assigned to manage and use monuments

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. An organization or a representative shall be assigned to manage and use a monument not under the public ownership and responsible to the law for management, protection and promotion of its value.

The representative assigned to manage and use the monument must be a Vietnamese citizen permanently residing in Vietnam, and having full legal capacity and prestige in the residential community.

3. The chairperson of the provincial People's Committee, the Minister, a head of a central authority or organization shall, according to type, scale, value, nature of the monument and practical situation of their province, Ministry, central authority or organization, decide or request a competent authority to decide establishment of an organization assigned to manage and use one or more monuments; an authority managing such organization; decide to delegate responsibilities to a representative assigned to manage and use the monument under their management according to regulations of this Law and other relevant laws.

4. Regarding a monument located in 02 or more provinces or central-affiliated cities, the Chairperson of the People's Committee of each province/city where the monument is located shall decide or request the competent authority to decide the establishment of an organization assigned to manage and use the monument, and decide to delegate responsibilities to a representative assigned to manage and use the monument within its province.

Article 33. Tasks to be performed by organizations assigned to manage and use monuments

1. Organizations assigned to manage and use monuments shall perform tasks in accordance with this Law and other relevant laws.

2. Chairpersons of provincial People's Committees, Ministers, heads of central authorities and organizations assigned to directly manage monuments shall, according to types, scale, value, requirements for protection and preservation of monuments under their management, decide to assign organizations assigned to manage and use monuments to perform all or some tasks. To be specific:

a) Develop programs, plannings for preservation, renovation, and restoration of monuments, plans, proposals, and organize the protection and promotion of value of monuments ​​after competent authorities grant approval;

b) Organize supervision of the status of conservation of monuments and prevent prohibited acts specified in Article 9 of this Law within their assigned responsibilities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Organize or cooperate in organizing research on and collection of documents and artifacts; display, propagate and promote monuments.

dd) Research and apply science and technology to management, protection and promotion of value of monuments;

e) Organize sightseeing and provide services suitable for each monument; collect, manage and use revenues according to regulations of law;

g) Develop and implement plans for training and refresher training in order to improve professional qualifications for public employees and employees;

h) Participate in management, joint venture, association and supervision of investment, environmental protection, conservation and development of organisms in protective zones; cooperate with relevant authorities to inspect and supervise socio-economic activities performed in protective zones;

i) Cooperate with agencies, organizations, communities and individuals in organizing information and discussions, collecting and giving opinions on plannings, projects, and programs for socio-economic development related to monuments;

k) Organize and run international cooperation programs;

l) Comply with regulations on information and report on protection and management of monuments;

m) Perform other tasks assigned by competent authorities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Planning for preservation, renovation and restoration of a monument refers to a technical and specialized planning that determines content and measures for preservation, renovation and restoration of original elements constituting the monument, and contains orientations to organization of space in the monument, and items of construction works as prescribed in clauses 1 and 2, Article 28 of this Law.

2. Restoration, preservation and renovation planning is formulate for a world heritage, a special national monument, a national monument cluster or a cluster of national and provincial monuments scattered over a specific geographical area with historical, cultural, scientific and artistic connections, in which the monument protection is integrated with the protection of forest resource, biodiversity, aquatic resource, geological resource, geomorphology, rights and obligations of a community according to regulations of law on planning, cultural heritage, forestry, biodiversity, aquatic resources, geology and minerals and other relevant laws.

3. Chairpersons of Provincial People's Committees, Ministers, heads of central authorities and organizations assigned to directly manage monuments shall approve plannings, adjust plannings for preservation, renovation and restoration of national monument clusters or clusters of national and provincial monuments scattered over specific geographical areas under their management after obtaining appraisal opinions from the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

4. The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall preside over and cooperate with relevant ministries and central authorities in consideration to request the Prime Minister to approve plannings and adjust plannings for preservation, renovation and restoration of world heritage and special national monuments as requested by Chairpersons of Provincial People's Committees, Ministers, heads of central authorities and organizations assigned to directly manage monuments after receiving appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

5. The Government shall elaborate authority, procedures and applications for establishment, appraisal, approval for plannings, and adjustment to plannings for preservation, renovation and restoration of monuments.

Article 35. Projects on preservation, renovation and restoration of monuments

1. Work of preservation, renovation and restoration of a monument refers to a specialized work that must be made into a project on preservation, renovation and restoration of the monument according to economic and technical standards for preservation, renovation and restoration of monuments as prescribed by the Minister of Culture, Sports and Tourism. The project on preservation, renovation and restoration of the monument shall be formulated in one of the following cases:

a) The project shall be formulated after the planning for preservation, renovation and restoration of the monument is approved by the competent authority in accordance with Article 34 of this Law and funding sources, including state budget and other sources, are determined;

b) The monument is degraded, the degradation is confirmed by the culture agency and funding from the state budget has been granted or other funding sources are available according to regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The preservation, renovation and restoration of the monument shall meet the following requirements:

a) Original elements constituting the monument shall be maintained to the maximum;

b) A feasibility study report, an economic-technical report of the preservation, renovation and restoration project shall be made and submitted to the competent authority for approval, except for minor repairs specified in clause 1, Article 36 of this Law;

c) Regulations of law on planning, investment, public investment, construction, cultural heritage, international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and other relevant laws shall be complied with.

d) The preservation, renovation and restoration of the monument shall be consistent with the approved socio-economic development plan and relevant plannings; and ensure synchronization of technical infrastructure and harmony between regional landscape and architecture;

dd) Regulations issued by the Minister of Culture, Sports and Tourism on preservation, renovation and restoration of monuments shall be complied with;

e) Contents of preservation, renovation and restoration of the monument shall be publicly announced at the province/city where the monument is located.

3. Projects on preservation, renovation and restoration of monuments shall be appraised before competent authorities decide investment and implementation. Projects on preservation, renovation and restoration of world heritage, special national monuments and large and complex national monuments shall be appraised before competent authorities approve investment guidelines and decide investment guidelines.

The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall appraise projects on preservation, renovation and restoration of world heritage, special national monuments, national monuments; provincial culture agencies shall appraise projects on preservation, renovation and restoration of provincial monuments or monuments included in the List of monuments.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Government shall elaborate clause 1, point b and point e clause 2 and clause 3 of this Article.

Article 36. Regular preservation, minor repair, urgent renovation of monuments

1. Regular preservation and minor repair of a monument are regulated as follows:

a) Regular preservation refers to an act of inspection, detection and mechanical cleaning for prevention and control of mold, termites, insects, organisms causing harm to architectural components, structures, artifacts, and cultural landscape of the monument;

b) Minor repair refers to an act of minor repair and replacement of architectural components and structures that are not constituents of original elements of the monument, thereby improving natural landscape and environment - ecology to prevent or remedy the degradation of the monument;

c) The representative or organization assigned to manage and use the monument shall, upon regular preservation and minor repair of the monument, comply with technical standards and regulations, and employ qualified and professional personnel; prioritize the use of traditional materials and techniques, and ensure the sustainability and stability of the monument.

2. Urgent renovation of a monument is regulated as follows:

a) The urgent renovation of the monument shall meet the requirements specified in Article 78 of this Law;

b) The urgent renovation shall be made into an economic-technical report in accordance with point b clause 2 Article 35 of this Law, and the report shall be submitted to a competent authority for approval according to regulations in point c of this clause;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) The urgent renovation of the monument shall be supervised by the culture agency of province or a representative of the residential community of area where the monument is located.

Article 37. Archaeological planning

1. Archaeological planning is a technical and specialized planning.

2. Archaeological planning refers to identification or determination of an archaeological site or area associated with a proposal for a plan and resources for protection, research, exploration, excavation, and promotion of the value of the archaeological site or area.

3. Subjects to be included in the archaeological planning are underground and underwater archaeological sites or areas where monuments and relics are discovered or which show signs of preserving monuments and relics having historical, cultural or scientific value.

4. The Chairperson of the provincial People's Committee shall organize formulation of and adjustment to a local archaeological planning; approve and adjust the archaeological planning after receiving appraisal opinions from the Ministry of Culture, Sports and Tourism; and publicly announce the planning.

5. The Government shall elaborate authority, procedures and application for formulation, appraisal, approval and adjustment to the archaeological planning.

Article 38. Management and protection of archaeological sites or areas

1. State authorities, organizations and individuals shall be responsible for protecting and promoting value of archaeological sites or areas and archaeological relics according to regulations of this Law and relevant laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. During implementation of projects and construction of works, if signs of monuments or relics, or monuments or relics are discovered, investors shall suspend construction and be responsible for promptly notifying local culture authorities.

Upon receiving notification, local culture authorities shall promptly take measures to protect archaeological sites, areas, relics, and monuments; if the situation is outside their jurisdiction or projects on investment in construction, construction of works must be partially or fully suspended, such agencies shall send reports to superior authorities for consideration and resolution.

4. If it is necessary to organize archaeological exploration, excavation at a construction area or site, funding for archaeological exploration, excavation is stipulated as follows:

a) Regarding a construction work under the law on public investment, funding for archaeological exploration and excavation is included in the total investment capital for such work;

b) Regarding a construction work other than that specified in point a of this clause, funding for archaeological exploration and excavation shall be granted by the State or derived from private capital.

Article 39. Archaeological exploration and excavation

1. Archaeological exploration and excavation include underground and underwater archaeological exploration and excavation.

2. Archaeological exploration and excavation shall meet the following requirements:

a) The archaeological exploration and excavation shall be consistent with the archaeological planning approved by the competent authority in accordance with Article 37 of this Law, except for cases of discovery of signs of monuments or relics, or monuments or relics according to regulations in clause 3 Article 38 of this Law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) A license shall be granted by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

3. Emergency archaeological exploration and excavation shall be carried out in case where archaeological sites or areas are being destroyed or are at risk of being destroyed. Heads of provincial culture agencies shall issue licenses for underground emergency archaeological exploration and excavation.

4. Archaeological exploration and excavation sites or areas shall be protected. Upon discovery or receipt of a notice or report on the discovery of underwater cultural heritage, the provincial People's Committee shall promptly make a plan, direct and mobilize local forces to protect the safety, security and order of the area where the underwater cultural heritage is discovered; promptly prevent and handle all acts that endanger the safety of underwater cultural heritage; implement other measures for management and protection and submit a report to the Ministry of Culture, Sports and Tourism. If the underwater cultural heritage is determined that it is large and has important historical, cultural and scientific significance, the Prime Minister shall be promptly notified.

5. Relics and antiquities discovered at an archaeological exploration and excavation site or area shall be temporarily protected such archaeological exploration and excavation site or area, and safety and security measures shall be implemented before the competent authority decides a plan to protect and promote their value. In case of development of the plan to protect and promote the value according to point a clause 1 and point b clause 3 Article 45 of this Law, relics and antiquities shall be adjusted, the scientific dossier shall be completed and they shall be put into the temporary archive of a public museum where the archaeological exploration and excavation site or area exists.

6. Agencies and organizations that are allowed to carry out archaeological exploration and excavation include State’s archaeological research authorities; higher education institutions having archaeology disciplines; museums and organizations assigned to manage and use state monuments and having archaeological research functions and tasks; and central associations having archaeological research functions and tasks.

Agencies and organizations carrying out archaeological exploration and excavation may cooperate with foreign organizations and individuals to carry out archaeological exploration and excavation in Vietnam in accordance with regulations of this Law and other relevant laws.

7. A person presiding over archaeological exploration and excavation shall meet the following requirements:

a) Obtaining at least bachelor's degree in archaeology;

b) Gaining at least 5 years of experience in archaeology;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. The Government shall elaborate point b and point c clause 2, clauses 3, 4, 5 and 6 of this Article.

Section 2. RELICS, ANTIQUITIES, NATIONAL TREASURES

Article 40. Classification and identification of relics and antiquities

1. Relics and antiquities include:

a) Relics and antiquities having historical, cultural and scientific value in different historical periods of Vietnam and of ethnic groups living together in Vietnam;

b) Relics, antiquities, and documents of Vietnam that are valuable to the study of history, culture, and national sovereignty, or relevant to important events of Vietnam or careers of national heroes or historical figures that have had positive influence on the development of the country;

c) Fossil individuals or parts of humans, animals, plants from the prehistoric period of Vietnam;

d) Manuscripts of literary works, original copies of visual artworks and photographic works that have high value in terms of content, ideology and artistic forms and have great influence in society;

dd) Relics and antiquities of foreign origin having historical, cultural and scientific value.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate clause 1 of this Article.

Article 41. Appraisal and conditions for appraisal of relics and antiquities

1. Appraisal of a relic or antiquity refers to an act of using knowledge, means, scientific, technical and professional measures to assess and conclude historical, cultural or scientific value, age, and material of the relic or antiquity.

2. The appraisal of the relic or antiquity shall meet the following conditions:

a) Having means and equipment for appraisal;

b) Have at least 03 experts in appraisal of relics and antiquities.

3. Provincial culture agencies and public museums that meet all the conditions specified in clause 2 of this Article, or relic and antique appraising-establishments specified in clause 1, Article 79 of this Law may appraise relics and antiquities and shall be responsible to the law for appraisal results.

4. The provincial culture agency shall issue a certificate of relic and antique appraisal expert to a person with full legal capacity; person who is not currently banned from holding a position or practicing related to cultural heritage according to a judgement or decision issued by a Court; a person who is not currently being criminally prosecuted, detained, or imprisoned; a person who is not currently serving a prison sentence, non-custodial sentence, or is not sent to a compulsory educational establishment/compulsory rehabilitation center, and such person shall meet one of the following standards:

a) Obtain at least a bachelor's degree in one of disciplines or majors related to relics and antiquities; have at least 05 years of direct participation in one or several activities related to: archaeology, collection, preservation, reconstruction of relics and antiquities; have at least 01 scientific article on relics and antiquities published in a scientific journal or participate in compilation of at least 01 monograph on relics and antiquities that has been published.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. The Government shall elaborate procedures and applications for appraisal of relics and antiquities; issuance, re-issuance and revocation of certificates of relic and antique appraisal experts

Article 42. Collection and inventory of relics, antiquities, national treasures

1. Relics, antiquities or national treasures are collected by the following methods:

a) Archaeological supervision, exploration, excavation or collection on the field by State’s agencies and organizations having appropriate functions and tasks;

b) Purchase and sale at prices as agreed, auctions, other forms of transfer of the ownership according to regulations of law;

c) Receipt of relics, antiquities or national treasures transferred from organizations and individuals.

2. Collection of relics, antiquities and national treasures on a national and international basis shall comply with regulations of this Law, other relevant laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory in order to preserve, maintain and promote the value of the cultural and historical heritage of Vietnam, build up valuable collections for research and education on history, culture, society and legally protect and prove sovereignty over important and valuable cultural and historical heritage of Vietnam.

3. The State is prioritized for collection of relics, antiquities, national treasures according to regulations in clause 1 of this Article.

4. Collection of a relic, antiquity or national treasure shall be made into a dossier, including a collection of scientific and legal documents related to the content and process of discovery and collection of the relic, antiquity or national treasure.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 43. Registration of relics and antiquities

1. The State encourages organizations and individuals to register relics and antiquities under the common and private ownership with culture agencies of provinces where these organizations register their operations or such individuals reside.

2. Relics and antiquities shall be appraised at agencies or organizations specified in clause 3 Article 41 of this Law before registration.

3. Organizations and individuals owing relics and antiquities that have been registered shall be issued with certificates of registration of relics and antiquities and assisted in display and preservation by provincial culture agencies; enabled to protect and promote value of relics and antiquities; have information on relics and antiquities registered kept confidential (if requested).

4. The Government shall provide for procedures and applications for registration of relics and antiquities and elaborate clause 3 of this Article.

Article 44. Recognition, additional recognition, and derecognition of national treasures

1. A national treasure shall meet all of the following criteria:

a) Be an unique original artifact;

b) Be an artifact with a unique form;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Be registered as a relic or antiquity according to regulations in Article 43 of this Law;

2. Recognition or additional recognition of a national treasure is regulated as follows:

a) The Chairperson of the provincial People's Committee, the Minister, or the head of the central authority or organization shall direct selection, preparation of a scientific dossier on an artifact proposed for recognition or additional recognition as a national treasure and send such dossier to the Minister of Culture, Sports, and Tourism. In case of an artifact under the common/private ownership, the dossier submitted to the Ministry of Culture, Sports, and Tourism shall contain proposals made by the owner of the artifact;

b) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider requesting the Prime Minister to recognize or additionally recognize a national treasure, and issue a certificate of recognition or additional recognition of national treasure after obtaining appraisal opinions from the Appraisal Council established by the Minister of Culture, Sports, and Tourism.

The dossier submitted to the Prime Minister shall contain written opinions of the National Cultural Heritage Council;

c) The Prime Minister shall decide to recognize or additionally recognize the national treasure, and issue a certificate of recognition or additional recognition of national treasure.

3. Derecognition of a national treasure is regulated as follows:

a) The Chairperson of the provincial People's Committee, the Minister, or the head of the central authority or organization shall direct preparation of an application for derecognition of a national treasure and send the application to the Minister of Culture, Sports, and Tourism;

b) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider requesting the Prime Minister to decide the derecognition of the national treasure, and revoke the certificate of recognition of the national treasure after obtaining appraisal opinions from the Appraisal Council established by the Minister of Culture, Sports, and Tourism.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) The Prime Minister shall decide to derecognize the national treasure, and revoke the certificate of recognition of national treasure in case the national treasure has been recognized but there is a ground that it no longer meets one of the criteria specified in clause 1 of this Article or it is damaged and unrecoverable.

4. The Government shall elaborate clauses 2 and 3 of this Article.

Article 45. Management of relics, antiquities, national treasures and settlement of relics and antiquities discovered or handed over

1. A relic, antiquity or national treasure shall be managed as follows:

a) The relic, antiquity or national treasure under the public ownership shall be managed in a public museum, monument or State’s agency or organization having appropriate functions and tasks, and must not be traded, purchased, sold, exchanged, given, otherwise transferred to other owners or used as collateral for civil liability;

b) The relic or antiquity under the common/private ownership may be traded, purchased, sold, exchanged, given, otherwise transferred to other owners, used as collateral for civil liability and inherited on a national basis according to regulations of this Law and other relevant laws.

c) The national treasure under the common/private ownership may only be purchased, sold, exchanged, given, otherwise transferred to other owners, and inherited on a national basis according to regulations of this Law and other relevant laws.

Upon transfer of the ownership of the national treasure, the owner of the national treasure shall notify in writing the provincial culture agency where the relic or antiquity has been registered of a new owner;

d) In case of purchase/sale of the relic, antiquity or national treasure under the common/private ownership through an auction, regulations of the law on property auction shall be complied with;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Relics, antiquities and national treasures under the public ownership shall be transferred according to regulations in this Law and the law on management and use of public property.

3. A relic or antiquity discovered or handed over shall be settled as follows:

a) If the relic or antiquity is discovered by an organization/individual but its owner cannot be identified, it shall be handed over to a local culture authority. The culture agency of province where the relic or antiquity is discovered shall be responsible for receiving and putting it into the temporary archive of the public museum for preservation and organization of appraisal and sending a report to the Minister of Culture, Sports, and Tourism;

b) According to the value and requirements for protection and promotion of the value of the relic or antiquity, the Minister of Culture, Sports, and Tourism shall decide to transfer the relic or antiquity to the public museum or State’s agency or organization having appropriate functions and tasks;

c) The organization/individual discovering/handing over the relic or antiquity shall have the costs of discovery and preservation reimbursed, be commended and receive a cash bonus according to regulations of law.

4. The relic, antiquity or national treasure collected and kept from illegal search, transport, trade, transfer of ownership, purchase/sale, export or import shall have its ownership determined and be settled according to regulations of law. If the relic, antiquity or national treasure is under the public ownership, the provincial culture agency where the relic, antiquity or national treasure is kept shall be responsible for receiving and putting it into the temporary archive of the public museum for preservation and organization of appraisal and sending a report to the Minister of Culture, Sports, and Tourism.

5. The Government shall provide for bringing relics, antiquities or national treasures abroad and managing national treasures upon transfer of the ownership according to point c clause 1 of this Article and elaborate clauses 3 and 4 of this Article.

Article 46. Requirements for protection and preservation of relics, antiquities, national treasures

1. A relic, antiquity or national treasure under the public ownership shall be protected and preserved as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) In case the relic, antiquity or national treasure is managed at a public museum or State's agency or organization having appropriate functions and tasks, in addition to requirements specified in point a of this clause, it shall be kept and displayed at a treasure vault or display room.

2. The provincial culture agency and the public museum shall provide guidance on and assistance in protecting and preserving the relic, antiquity or national treasure under the common/private ownership in a manner that is consistent with practical conditions and ensures the promotion of its value.

3. The agency/organization/individual managing and owning a national treasure shall formulate and implement a plan for special protection and assurance of absolute safety of the national treasure.

4. The treasure vault or display room of the relic, antiquity or national treasure specified in point b clause 1 of this Article shall meet all of the following requirements:

a) The treasure vault or display room must be built according to national technical regulations/standards;

b) There must be technical and technological equipment meeting requirements for preservation regarding each type or material of the kept relic, antiquity or national treasure;

c) Conditions for personnel, technical equipment and technology shall be fully satisfied in order to control preservation environment, respond to natural disasters, prevent and control fire and explosion, theft and other elements that may damage the relic, antiquity or national treasure;

d) There must be technical and technological equipment to ensure safety for people directly working at the treasure vault.

Article 47. Preservation and reconstruction of relics, antiquities, national treasures

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Arranging the relic, antiquity or national treasure and keeping it in a treasure vault for preservation;

b) Making a document on the current status of relic, antiquity or national treasure and preservation environment;

c) Periodically and regularly preserving the relic, antiquity or national treasure according to general and specific regulations regarding each type/material;

d) Carrying out preventive preservation in a manner consistent with the material of the relic, antiquity or national treasure by measures for preventing and eliminating self-damage or damage caused by nature or humans;

dd) Carrying out treatment preservation by appropriate scientific, technical and technological measures to impact the relic, antiquity or national treasure that is partially damaged or at risk of being completely damaged, in order to eliminate the cause of damage and increase the stability.

2. All relics, antiquities and national treasures that are displayed, kept in treasure vaults or taken out shall be preserved.

3. Relics, antiquities and national treasures that are artifacts of public museums when they are not used for research, preservation or display shall be kept in treasure vaults that meet requirements specified in clause 4, Article 46 of this Law.

4. Reconstruction of a relic, antiquity or national treasure refers to an act of reconstructing the relic, antiquity or national treasure on the basis of scientific and historical data by appropriate measures, techniques and technologies. The reconstruction of the relic, antiquity or national treasure shall make sure that it remains in its original state, not change the nature, shape, color and original characteristics; and ensure historical accuracy and honesty. Traditional materials, techniques and original manufacturing processes are prioritized for reconstruction of the relic, antiquity or national treasure.

5. The agency/organization/individual preserving or reconstructing the relic, antiquity or national treasure shall take measures for ensuring safety for the relic, antiquity or national treasure, thereby preventing risks of damage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. Documents on processes of preservation and reconstruction and details about reconstruction of relics, antiquities and national treasures shall be kept and included in scientific dossiers on relics, antiquities and national treasures.

Article 48. Display of relics, antiquities, national treasures

1. Display of relics, antiquities, national treasures includes:

a) Regular display and special display at agencies and organizations managing or owing relics, antiquities, national treasures;

b) Time-bound display in Vietnam and foreign countries;

c) Online display.

2. Display of relics, antiquities, national treasures shall meet the following requirements:

a) Be consistent with scope, entities, and operations of agencies and organizations managing or owing relics, antiquities, national treasures

b) Supply information on relics, antiquities, national treasures in a full, clear and accurate manner, and be suitable for visitors;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Online display shall comply with regulations of this Law and relevant laws.

3. Relics, antiquities and national treasures under the common/private ownership shall be displayed as follows:

a) The State encourages owners to display their collections, relics, antiquities and national treasures to serve visitors who go sightseeing, research and learn collections, relics, antiquities and national treasures;

b) Display of relics, antiquities and national treasures at public museums shall be agreed in writing by owners and public museums according to the civil law and other relevant laws.

Article 49. Protection and promotion of value of relics, antiquities and national treasures in traditional houses, memorial houses, galleries, other cultural institutions

Relics, antiquities and national treasures in traditional houses, memorial houses, galleries, other cultural institutions shall be preserved, displayed and have their value promoted according to regulations of this Law and other relevant laws.

Article 50. Sending relics, antiquities and national treasures for national and international display, research or preservation for a certain period of time

1. Relics, antiquities and national treasures shall be sent for national and international display, research or preservation for a certain period of time in one of the following cases:

a) Serving State-level foreign affairs;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Cooperating in research on relics, antiquities and national treasures;

d) Preserving relics, antiquities and national treasures which cannot be preserved on a national basis or at agencies/organizations/individuals directly managing, owning relics, antiquities and national treasures.

2. A relic, antiquity or national treasure shall be sent for national display, research or preservation for a certain period of time according to the following requirements:

a) Enter into a written agreement on or contract for and make a plan for sending the relic, antiquity or national treasure for display, research or preservation with a receiver;

b) Formulate a plan to ensure security and safety of, and avoid causing damage to the relic, antiquity or national treasure;

c) Have a decision issued by a presiding agency or a written statement provided by an owner regarding the relic or antiquity;

d) Have a decision issued by the Minister of Culture, Sports and Tourism regarding the national treasure.

3. A relic, antiquity or national treasure shall be sent for international display, research or preservation for a certain period of time according to the following requirements:

a) Enter into a written agreement on or contract for and make a plan for sending the relic, antiquity or national treasure abroad with a receiver;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Formulate a plan to ensure security and safety of, and avoid causing damage to the relic, antiquity or national treasure;

d) Have a decision issued by the Chairperson of the provincial People's Committee, the Minister, the head of the central authority or organization regarding the relic; a decision issued by the Minister of Culture, Sports and Tourism regarding the antiquity; a decision issued by the Prime Minister regarding the national treasure.

4. If the relic, antiquity or national treasure is borrowed for international display or research, in addition to the requirements specified in clause 3 of this Article, the receiver shall also provide introduction contents or research purposes in accordance with regulations of Vietnamese law and is responsible for paying costs specified in point b and point c, clause 3 of this Article.

5. The agency/organization/individual/family/clan/community directly managing, owning a relic, antiquity or national treasure sent for national and international display, research or preservation for a certain period of time shall be responsible for cooperating with the receiver to ensure security and safety of, and avoid causing damage to the relic, antiquity or national treasure according to regulations of this Law and relevant laws.

6. Regarding a national treasure that is an archived document having special value or a private archive having special value and is sent for national and international display, research or preservation for a certain period of time, in addition to compliance with regulations in clauses 1, 2, 3, 4 and 5 of this Article, written opinions of the agency/organization/individual/family/clan/community assigned to manage or own the national treasure must be given.

7. The Government shall provide for procedures and applications for sending relics, antiquities and national treasures for national and international display, research or preservation for a certain period of time.

Article 51. Recovery, purchase and repatriation of relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin

1. Domestic and foreign organizations and individuals are encouraged to discover and notify overseas relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin to competent authorities; purchase, give and transfer them to the State.

2. The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall direct the compilation of lists and determination of the value of overseas relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin; propose plans to recover or purchase, and issue licenses for import of overseas relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin and repatriate them to Vietnam; propose commending organizations and individuals that have discovered and notified overseas relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin to competent authorities or purchased, given or transferred them to the State.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Overseas relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin shall be purchased, have their ownership transferred and be handed over in accordance with regulations in point b and point c clause 1 Article 42 of this Law.

5. If a relic, antiquity or national treasure is identified by and a plan to recover or purchase and repatriate it to Vietnam is proposed by the Ministry of Culture, Sports and Tourism, the Prime Minister shall decide the recovery plan or use state budget for purchase and repatriation.

 6. Relics, antiquities and national treasures purchased and repatriated to Vietnam by organizations and individuals and then displayed, protected and having their value promoted at museums, traditional houses, memorial houses, galleries, and certified by competent state agencies for non-profit purposes or given or transferred to the State shall be entitled to preferential policies on import duty and value added tax and the costs for purchase and repatriation will be included in valid expenses upon determination of taxable income, other relevant tax and fee incentives according to regulations of the law on tax, fees and charges.

7. The Government shall provide for procedures and applications for issuance of licenses for import of overseas relics, antiquities and national treasures of Vietnamese origin and repatriation to Vietnam in clause 2 of and elaborate clause 6 of this Article.

Article 52. Replicas of relics, antiquities, national treasures

1. Replica of a relic, antiquity or national treasure refers to a product that is made from an original, identical to the original in terms of shape, size, material, color, decoration, other characteristics, bears distinguishable marking and clearly shows the time the replica is made to distinguish it from its original.

2. The replica of the relic, antiquity or national treasure is only made for protection and promotion of its value in case where the relic, antiquity or national treasure is prone to damage and should be restricted from use.

The replica of the relic, antiquity or national treasure is not equivalent to its original and cannot replace the original; and must not be used for profit purposes. When the replica is used, there must be a note stating that it is a replica.

3. Procedures for creation of a replica, materials, techniques and process, quantity, and duration for creation of a replica of a relic, antiquity or national treasure shall be detailed and made into a dossier.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) There must be an original for comparison;

b) The replica shall bear a distinguishable marking and the time of creation of the replica shall be clearly written for distinction between the replica and its original;

c) A written consent from the agency/organization/individual/family/clan/community directly managing, owning a relic, antiquity or national treasure shall be granted.

d) A license must be issued by the competent person specified in clause 5 of this Article.

5. Authority to issue a license to create a replica of a relic, antiquity or national treasure is regulated as follows:

a) The Minister of Culture, Sports and Tourism has authority to issue the license to create the replica of the national treasure;

b) The head of provincial culture agency has authority to issue the license to create the replica of the relic or antiquity located within its province.

6. Pursuant to the Government’s regulations, purposes and necessity for creation of replicas of relics, antiquities and national treasures, persons having authority to issue licenses shall decide the quantity of replicas to be created.

7. Products that are same as relics, antiquities and national treasures but contrary to regulations in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article will be considered as counterfeits.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter IV

PROTECTION AND PROMOTION OF VALUE OF DOCUMENTARY HERITAGE

Article 53. Classification and criteria for identification of documentary heritage

1. Documentary heritage consists of two components that are information content and information carrier.

2. Documentary heritage includes:

a) Information contents that are expressed in symbols, codes, writing, drawings on information carriers, including leaves, bones, wood, stone, ceramics, papers, plastics, fabric, glass, metal or information carriers of other materials.

b) Information contents that are expressed in sounds or static and movable images on information carriers, including films, photos, records, audio recordings and other original information carriers.

c) Digital information contents on information carriers containing electronic data.

3. Documentary heritage shall be identified according to the following criteria:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Its originality and uniqueness shall be ensured. To be specific: information contents and form and style of the information carrier shall have typical, unique and rare value for a type, a historical period or a culture of a country, region or the world;

c) Its integrity shall be ensured. To be specific: original information contents and current status of the original information carrier shall be maintained;

d) Its value, meaning and influence shall be ensured. To be specific: information contents shall have the typical historical, cultural, scientific and aesthetic value, be passed down through generations, and mark moments of one or more historical periods associated with locations, events and people; and have influence on the country, region or world.

Article 54. Inventory and List of documentary heritage

1. Documentary heritage identified under the criteria specified in clause 3 Article 53 of this Law shall be inventoried and included in the List of documentary heritage within the scope of management. The List of documentary heritage shall be reviewed and updated every year.

2. The Chairperson of provincial People's Committee, the Minister, or the head of the central authority or organization shall direct and organize inventory, approve and promulgate the List of documentary heritage located within its management; review and remove documentary heritage that no longer meets one of the criteria specified in clause 3 Article 53 of this Law from the List of documentary heritage.

3. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate this Article.

Article 55. List of, criteria for entry and additional entry of documentary heritage

1. Documentary heritage shall be entered or additionally entered in the following lists:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) UNESCO’s lists, including Regional Documentary Heritage List and World Documentary Heritage List.

2. Documentary heritage shall be entered or additionally entered in the National List of documentary heritage when meeting the following criteria:

a) It is included in the List of documentary heritage;

b) It meets the criteria specified in clause 3 Article 53 of this Law;

c) It is preservable and there are feasible measures for preservation;

d) The agency/organization/community/family/clan/group of people/individual agrees, voluntarily nominates, makes a commitment to protect and promote value of documentary heritage.

3. An application to UNESCO for entry or additional entry of documentary heritage shall be formulated when such documentary heritage meets the following criteria:

a) It is included in the National List of documentary heritage;

b) It meets the criteria for entry or additional entry according to UNESCO’s regulations and guidelines.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Authority to enter or additionally enter documentary heritage in the National List of documentary heritage is regulated as follows:

a) The provincial People's Committee, the Ministry, or the central authority/organization shall be responsible for preparing a scientific dossier on documentary heritage within its province or management. The scientific dossier on documentary heritage shall contain appraisal opinions given by an appraisal council established by the Chairperson of the provincial People's Committee, the Minister or the Head of the central authority/organization.

b) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider deciding entry, additional entry, announcement and issuance of a certificate of entry or additional entry of documentary heritage in the National List of documentary heritage proposed by the provincial People's Committee, the Ministry or the central authority/organization after obtaining appraisal opinions given by the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

2. Authority to apply for entry or additional entry of documentary heritage in UNESCO's lists is regulated as follows:

a) The Chairperson of the Provincial People's Committee, the Minister or the Head of the central authority/organization shall send a written application to the Minister of Culture, Sports and Tourism that will consider submitting it to the Prime Minister to grant permission and assign the provincial People's Committee, the Ministry or the central authority/organization to preside over preparation of a scientific dossier on documentary heritage for application for entry or additional entry of documentary heritage in the UNESCO’s Lists.

b) The provincial People's Committee, the Ministry or the central authority/organization is responsible for preparing a scientific dossier on documentary heritage for application for entry or additional entry in order to request the Minister of Culture, Sports and Tourism to make appraisal.

c) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider requesting the Prime Minister to decide application to UNESCO for entry or additional entry of Vietnam's documentary heritage after obtaining appraisal opinions given by the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism. The scientific dossier on documentary heritage submitted by the Ministry of Culture, Sports and Tourism to the Prime Minister shall contain written opinions given by National Cultural Heritage Council.

3. Authority to cancel the entry is regulated as follows:

a) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall decide cancellation of entry of documentary heritage in the National List of documentary heritage in case such documentary heritage does not meet the criteria specified in clause 2 Article 55 of this Law after obtaining appraisal opinions from the appraisal council established by the Minister of Culture, Sports and Tourism;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Government shall provide for procedures and applications for entry, additional entry and cancellation of entry of documentary heritage specified in this Article.

Article 57. Preservation of documentary heritage

1. Entered documentary heritage shall be preserved as follows:

a) Making a document on the current status of documentary heritage and preservation environment;

b) Regularly preserving documentary heritage according to general and specific regulations applied to documentary heritage;

c) Carrying out preventive preservation by measures for promptly preventing and limiting self-damage or damage caused by nature or humans;

d) Carrying out treatment preservation by appropriate scientific and technical measures and others to eliminate the cause of damage and partially restore the damaged documentary heritage;

dd) Converting documentary heritage to digital documentary heritage, updating, and backing documentary heritage up on the national database so as to serve management, protection, and promotion of its value ​​on electronic environment according to regulations of this Law, the Law on Access to Information, the Law on Intellectual Property, and other relevant laws.

2. An archival room of documentary heritage shall meet the following requirements:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Conditions for personnel, technologies and techniques necessary for protection and preservation of the documentary heritage shall be satisfied;

c) Science and technology shall be applied to preservation in a manner that meets requirements for protection and preservation of the documentary heritage;

d) The archival room shall be closely protected and safety and security shall be ensured according to regulations of law; technical equipment and devices necessary for supervision, prevention and control of theft, natural disasters, fire, damage and other elements that can cause damage to documentary heritage shall be fully provided.

3. Audio and visual documentary heritage shall be preserved in specialized archival rooms in a manner that meets temperature and humidity standards, is appropriate to their types and materials, and complies with technical standards; they shall be periodically inspected, preserved and repaired according to regulations of clause 1 of this Article by specialized equipment, in accordance with regulations of this Law and other relevant laws.

4. Digital documentary heritage shall be stored in such a way to comply with standards for data structure integrity, uniformity, authentication and file sizes and updated on the national information management system, data shall be regularly backed up and safety, security and accessibility on electronic environment shall be ensured in accordance with regulations of this Law, the Law on Access to Information, the Law on Intellectual Property, and other relevant laws.

5. Documentary heritage under the public ownership shall be preserved according to regulations in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article; regarding documentary heritage included in UNESCO's lists, a plan for special protection shall be formulated and implemented.

6. Documentary heritage under the common/private ownership shall be preserved at the site or in an appropriate manner; State’s agencies having relevant functions shall provide their assistance in and guidance on preservation of documentary heritage within their capabilities and according to practical situation to protect and promote the value of documentary heritage.

7. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate clause 2 of this Article.

Article 58. Research and collection of documentary heritage

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The documentary heritage may be collected through fieldwork, gathered, received, transferred, given, purchased/sold, exchanged, have its ownership transferred or collected by other forms according to regulations of this Law, the Law on Intellectual Property and relevant laws.

3. After being collected, the documentary heritage shall be technically processed; a dossier on documentary heritage shall be formulated, completed and managed.

4. Procedures and applications for research and collection of documentary heritage shall comply with regulations issued by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

Article 59. Reconstruction of documentary heritage

1. The entered documentary heritage will be reconstructed in case it is damaged or at risk of damage.

2. The documentary heritage under the public ownership is reconstructed as follows:

a) There must be a plan to reconstruct the documentary heritage approved by the Chairperson of the provincial People's Committee after receipt of appraisal opinions from the provincial culture agency in case of the local documentary heritage included in the National List of documentary heritage and from the Ministry of Culture, Sports and Tourism in case of the documentary heritage included in UNESCO's lists of documentary heritage;

b) The reconstruction of documentary heritage shall ensure accuracy and originality of original information contents and materials and forms of original information carriers. The documentary heritage shall be reconstructed by qualified, skilled and experienced people or agencies and organizations having appropriate functions and tasks, and traditional materials, techniques and original manufacturing and creation processes are prioritized for reconstruction of the documentary heritage;

c) The reconstruction of documentary heritage shall comply with regulations of Articles 47 and 57 of this Law, the Law on Intellectual Property and other relevant laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Digital documentary heritage shall be researched and reconstructed by technical means on electronic environment according to regulations of this Law, the Law on Intellectual Property and converted in a manner that is consistent with technology changes and meets the requirements of the law on cyberinformation security and other relevant laws.

5. State’s agencies and organizations having relevant functions and tasks shall assist reconstructing the entered documentary heritage under the common/private ownership within their capacities.

Article 60. Management, protection and promotion of value of documentary heritage

1. The documentary heritage under the public ownership shall be managed, protected and have its value promoted in State’s agencies and organizations having appropriate functions and tasks, and must not be traded, purchased, sold, exchanged, given, otherwise transferred to other owners or used as collateral for civil liability;

2. The documentary heritage under the common/private ownership may be traded, purchased, sold, exchanged, given, otherwise transferred to other owners, used as collateral for civil liability and inherited on a national basis according to regulations of this Law and other relevant laws.

Upon transfer of the ownership of the documentary heritage under the common/private ownership, the owner of the documentary heritage shall notify in writing the provincial culture agency where the documentary heritage has been registered of a new owner;

3. The documentary heritage included in the List of documentary heritage shall be protected and have its value promoted according to regulations in Articles 57, 58, 59 and 60 of this Law.

4. The management, protection and promotion of value of documentary heritage included in the National List and UNESCO’s lists shall properly fulfill commitments on management, protection and promotion of value of documentary heritage ​​according to regulations of this Law, the Law on Intellectual Property, other relevant laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

5. The documentary heritage shall have its value promoted by one of the following methods:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Publishing publications; displaying and exhibiting documentary heritage in person, online and by other forms;

c) Exchanging documentary heritage and giving cooperation and other forms according to regulations of law.

6. The Government shall elaborate clause 2 of this Article.

Article 61. Project, plan and periodic reports on protection and promotion of value of documentary heritage that has been entered

1. A project on or plan for protection and promotion of value of documentary heritage that has been entered shall contain the following contents:

a) Research on and assessment of potential negative impacts on the authenticity of information contents and the originality of information carriers;

b) Research, collection and establishment of the database on documentary heritage;

c) Communication and promotion of documentary heritage on mass media, electronic environment and other forms;

d) Assistance in protection and promotion of documentary heritage, especially case where the documentary heritage is damaged or at risk of damage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Prime Minister shall consider approving the project or plan for protection and promotion of value of documentary heritage included in UNESCO’s lists on the basis of written opinions given by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

4. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall appraise the project or plan for management, protection and promotion of value of documentary heritage; provide guidance on preparation of reports; prepare and send national reports as requested by UNESCO.

5. The Government shall elaborate clauses 2 and 4 of this Article.

Article 62. Sending documentary heritage entered for national and international display, research or preservation; repatriating documentary heritage of Vietnamese origin

1. Documentary heritage entered shall be sent for national and international display, research or preservation in one of the following cases:

a) Serving State-level foreign affairs;

b) Cooperating in research, organization of display and introduction of Vietnamese cultural heritage;

c) Preserving documentary heritage in case the agency/organization/family/clan/individual owning, managing such documentary heritage is not capable of preserving it.

2. When the documentary heritage is sent for national and international display, research or preservation, the following requirements shall be satisfied:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Have a decision or a written consent from the agency/organization/individual/family/clan/community directly managing, owning the documentary heritage;

c) Buy insurance in case the documentary heritage is sent abroad;

d) Have a decision issued by the Chairperson of the provincial People's Committee, the Minister, the head of the central agency or organization regarding the documentary heritage included in the National List of documentary heritage; a decision issued by the Prime Minister regarding the documentary heritage included in UNESCO’s lists;

dd) Prepare and submit a report to the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

3. If the documentary heritage is borrowed for display or research, in addition to the requirements specified in clause 2 of this Article, the receiver shall also provide introduction contents or research purposes in accordance with regulations of Vietnamese law and is responsible for paying costs of safety protection and insurance specified in point a and point c, clause 2 of this Article.

4. Domestic and foreign organizations and individuals are encouraged to discover and notify the overseas and valuable documentary heritage of Vietnam origin to competent authorities; purchase, give and transfer such documentary heritage to the State. The State will prioritize the use of state budget for purchase and repatriation of the valuable documentary heritage of Vietnam origin from foreign countries to Vietnam. Documentary heritage purchased and repatriated to Vietnam by organizations and individuals and then given and transferred to the State shall be entitled to preferential policies on import duty and value added tax and the costs for purchase and repatriation will be included in valid expenses upon determination of taxable income, other relevant tax and fee incentives according to regulations of the law on tax, fees and charges.

Article 63. Copy of documentary heritage

1. A copy of documentary heritage refers to a product made from its original, and identical to the original in terms of information content and information carrier.

2. The copy of the documentary heritage is only made for protection and promotion of its value in case where the documentary heritage is prone to damage and should be restricted from use.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The following conditions for making a copy of documentary heritage shall be satisfied:

a) There must be an information content original for comparison;

b) The copy shall bear distinguishable marking and the time of making the copy shall be clearly written for distinction between the copy and its original;

c) A written consent from the agency/organization/individual/family/clan/community directly managing, owning the documentary heritage shall be granted;

d) A license shall be issued by a competent authority.

5. The copy of the documentary heritage is not equivalent to its original and cannot replace the original; and must not be used for profit purposes. When the copy is used, there must be a note stating that it is a copy.

6. Copies of audio, visual and digital documentary heritage shall be made in accordance with regulations in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article and other relevant laws.

7. The copy of documentary heritage that is an archived document and included in UNESCO’s lists shall be made according to regulations of this Law and relevant laws.

8. Pursuant to the Government’s regulations, purposes and necessity for making copies of documentary heritage, persons having authority to issue licenses shall decide the quantity of copies to be made.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. The Government shall provide for authority to issue, procedures and applications for issuance of licenses to make copies; and quantity of documentary heritage copies to be made.

Chapter V

MUSEUMS

Article 64. System of Vietnam’s museums

1. A system of Vietnam's museums includes:

a) public museums invested and having their operations maintained by the State, which will act as owner's representative and organized as public service providers or organized in a manner that is consistent with models of supervisory agencies and organizations;

b) non-public museums invested and having their operations maintained by Vietnamese organizations and individuals, overseas Vietnamese people, foreign organizations and individuals and organized as enterprises, non-public service providers or in other models.

2. Each museum has its own seal and account according to regulations of law.

Article 65. Establishment of public museums

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) It has artifacts or artifact collections according to one or more themes;

b) It has a display room, warehouse and technical and technological equipment or there is a project on construction, renovation and upgradation of architectural works, technical infrastructure and indoor and outdoor displays in conformity with the protection and promotion of the value of artifacts and artifact collections specified in point a of this Clause and other regular operations conducted by the museum, appraised and approved by a competent authority.

c) It has personnel whose qualifications are appropriate for the museum's operations.

2. Authority to establish, procedures and application for establishment of the public museum are regulated as follows:

a) With regard to a museum that is a public service provider, authority to establish, procedures and application for establishment of the museum shall comply with regulations of the law on public service providers;

b) With regard to a museum other than that specified in point a of this clause, authority to establish, procedures and application for establishment of the museum shall comply with regulations of the amended law on establishment of supervisory agencies and organizations of museums;

c) The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall issue a certificate of eligibility for establishment of the public museum specified in clause 1 of this Article.

Article 66. Merger, consolidation, division or dissolution of public museums

1. Regarding merger, consolidation, division or dissolution of a public museum, there must be a plan to manage assurance of safety and security for artifacts and dossiers on inventory of artifacts of the museum.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 67. Issuance, re-issuance and revocation of licenses to operate non-public museums

1. A license to operate a non-public museum shall be issued when the following conditions are satisfied:

a) There are artifacts or artifact collections according to one or more themes; such artifacts are relics or antiquities that have been registered according to Article 43 of this Law;

b) There are display rooms to serve visitors;

c) An organization or operation project shall be set up.

2. The issuance, re-issuance or revocation of the non-public museum operation license is regulated as follows:

a) The non-public museum operation license is issued to the organization/individual meeting all the conditions specified in clause 1 of this Article;

b) The non-public museum operation license is reissued in case it is damaged or lost;

 c) The non-public museum operation license is revoked when the museum voluntarily dissolves; or violates regulations in one of Clauses 3, 4, 7, 10, 11 and 12 Article 9 of this Law; or no longer meets the conditions for operation specified in point a or point b clause 1 of this Article; or has its operations permanently terminated according to regulations of law; or in other cases in accordance with the law on enterprises and relevant laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Government shall elaborate this Article.

Article 68. Tasks of museums

1. A museum has the following tasks:

a) Conduct study and apply science and technology to protection and promotion of value of cultural heritage;

b) Collect, inventory, document, preserve, reconstruct and manage artifacts for which the museum is responsible;

c) Display artifacts at the museum or on electronic environment; organize national and international displays;

d) Explain, communicate and educate on cultural heritage for which the museum is responsible;

dd) Develop, provide training and refresher training for personnel of the museum;

e) Manage its facilities and technical equipment;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Organize cultural activities appropriate to nature, contents, target audience and scope of operation of the museum;

i) Provide services specified in Article 77 and Article 81 of this Law; collect and use sightseeing prices and fees in accordance with regulations of law;

k) Perform other tasks prescribed by law.

2. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate points a,b,c,d and dd clause 1 of this Article.

Article 69. Ranking or re-ranking museums and authority to rank or re-rank museums

1. A museum shall be ranked according to the following criteria:

a) Quantity and value of artifacts or artifact collections;

b) Quality of inventory, preservation, display, education and communication;

c) Facilities and technical equipment;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Efficiency in operations.

2. Museums are ranked as follows:

a) Rank-I museums;

b) Rank-II museums;

c) Rank-III museums.

3. A museum will be re-ranked as follows:

a) The interval between two ranking times of a museum shall be 05 years from the date on which the prevision ranking decision is issued;

b) If the museum is qualified for a higher rank, it will be considered to be re-ranked by the deadline.

4. Authority to rank or re-rank museums is regulated as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider the application for ranking or re-ranking museums, conduct on-site inspections, decide to rank or re-rank rank-I museums and give written opinions about ranking or re-ranking rank-II museums and rank-III museums.

5. The Government shall provide for criteria, procedures and applications for ranking or re-ranking museums.

Article 70. Investment in construction, renovation and upgradation of architectural works, technical infrastructure and displays at public museums

1. Investment in construction, renovation and upgradation of architectural works, technical infrastructure and displays at public museums shall comply with regulations of this Law, laws on public investment, construction and other relevant laws and the following requirements shall be satisfied;

a) There must be display outlines approved by competent authorities after receipt of written consent from the Minister of Culture, Sports and Tourism on the basis of opinions given by the Scientific Council for Museums established by the Minister of Culture, Sports and Tourism.

Display outlines shall be approved before feasibility study reports or economic-technical reports of projects on investment in construction, renovation and upgradation of architectural works, technical infrastructure and displays at public museums are approved. Regarding projects for which investment guidelines must be decided, display outlines shall be approved before decisions on investment guidelines are issued;

b) Conditions for security and safety for artifacts, management and use of museums shall be satisfied and museums shall perform their tasks in accordance with regulations in clause 1 Article 68 of this Law;

c) Dossiers on projects on investment in construction, renovation and upgradation of architectural works, technical infrastructure and displays at public museums shall be appraised by presiding agencies and enclosed with written statements submitted to the Ministry of Culture, Sports and Tourism to seek their opinions before requesting competent authorities to grant approval according to this Law and relevant laws.

2. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Museums are entitled to collect domestic and foreign artifacts appropriate to contents, target audience and scope of operations.

2. Museums shall organize collection of artifacts by the methods specified in clause 1 Article 42 of this Law and by purchase/sale of relics or antiquities in accordance with Article 80 of this Law.

3. Collection of artifacts shall comply with regulations of this Law, other relevant laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 72. Inventory and documentation of artifacts of museums

1. Inventory and documentation of artifacts of museums include:

a) Receipt, classification, registration, arrangement, and supervision of export, import and status of preservation of artifacts;

b) Formulation and management of dossiers related to artifacts;

c) Addition of information on artifacts;

d) Research and development of artifact collections;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) Computerization of systems for managing artifacts

2. Dossiers on inventory and documentation of artifacts shall be prepared, managed and stored in the written/electronic form.

Article 73. Preservation of artifacts of museums

1. Preservation of artifacts of a museum includes:

a) Arranging artifacts and keeping them in an artifact vault for preservation;

b) Making a document on current status of each artifact and preservation environment;

c) Organizing periodical/preventive/treatment preservation of artifacts.

2. All artifacts that are displayed, kept in the artifact vault or taken out the museum shall be preserved.

3. The preservation of artifacts of the museum shall follow procedures and principles, use techniques for preservation and be suitable to customs, practices and beliefs related to artifacts.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Display of artifacts and introduction of intangible cultural heritage of a museum include:

a) Regular and special displays at the museum;

b) Time-bound display in Vietnam and foreign countries;

c) Online display;

d) Introduction of intangible cultural heritage.

2. Display of artifacts and introduction of intangible cultural heritage of the museum shall comply with the following regulations:

a) Be appropriate to contents, target audience and scope of operations;

b) Focus on display of original artifacts; the artifact information and display contents shall be full, clear and accurate;

c) Documentary heritage, relics, antiquities, national treasures that have been reconstructed, replicas of relics, antiquities, national treasures and copies of documentary heritage shall be fully explained;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Facilitate sightseeing and maintain security and safety for artifacts and visitors;

e) Conform to regulations of law.

Article 75. Education

1. Education includes:

a) Guidance on sightseeing; organization of experience activities;

b) Organization of education programs;

c) Organization of scientific discussions, seminars and specialized talks.

2. The education shall be appropriate to contents, target audience and scope of operations; and meet the public’s demands for learning and enjoyment of culture.

Article 76. Communication

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Introduction of contents and operations of museums on mass media and electronic environment;

b) Organization of programs for promotion and development of public relations;

c) Collection of public opinions on assessment of operations conducted by museums;

d) Establishment of a network of relevant organizations/individuals for development of operations on a national and international basis;

dd) Development of souvenirs and publications of museums.

2. The communication shall be appropriate to contents, target audience and scope of operations; and comply with regulations of law.

Article 77. Services

1. Services include:

a) Provision of information and documents on cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Provision of advice on techniques and professional operations of museums;

d) Appraisal of relics and antiquities;

dd) Documentation of intangible cultural heritage; research and provision of advice on establishment of scientific dossiers on monuments;

e) Provision of souvenir services and products and cultural products of museums;

g) Preservation, reconstruction and creation of replicas of relics, antiquities, national treasures and copies of documentary heritage; provision of services related to utilization and access to cultural heritage in accordance with Article 88 of this Law;

h) Cooperation in archaeological excavation;

i) Cooperation in refresher training in museums;

k) Delivery and storage of artifacts, documents on intangible cultural heritage, relics, antiquities, national treasures, documentary heritage;

l) Establishment of souvenir shops, provision of food, beverage, rest, entertainment-related services and other services.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Public museums are entitled to use public facilities and property to provide services specified in clause 1 of this Article, in accordance with this Law, the law on management and use of public property and other relevant laws.

4. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate point k, clause 1 of this Article.

Chapter VI

CULTURAL HERITAGE-RELATED SERVICE BUSINESS

Article 78. Business that involves preservation, renovation and restoration of monuments

1. Organizations and individuals may do business that involves preparation of plannings for preservation, renovation and restoration of monuments; production of projects and economic and technical reports on preservation, renovation and restoration of monuments; designs in preservation, renovation and restoration of monuments; execution of preservation, renovation and restoration of monuments; provision of advice on supervision of execution of preservation, renovation and restoration of monuments according to regulations of this Law, laws on investment and enterprises and relevant laws, and shall be granted certificates of eligibility to practice preservation, renovation and restoration of monuments and certificates of practicing preservation, renovation and restoration of monuments.

An organization doing business that involves preparation of a planning for preservation, renovation and restoration of monuments; production of a project/economic and technical report on preservation, renovation and restoration of monuments; design in preservation, renovation and restoration of monuments; execution of preservation, renovation and restoration of monuments; provision of advice on supervision of execution of preservation, renovation and restoration of monuments shall comply with regulations applicable to each business line. To be specific:

a) Regarding the preparation of the planning for preservation, renovation and restoration of monuments, the organization shall be eligible to practice production of a construction planning design according to the law on construction and at least 02 individuals of the organization are granted certificates of practicing preparation of plannings for preservation, renovation and restoration of monuments;

b) Regarding the production of the project/economic and technical report on preservation, renovation and restoration of monuments, the organization shall be eligible to practice construction design according to the law on construction and at least 02 individuals of the organization are granted certificates of practicing production of projects on preservation, renovation and restoration of monuments;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Regarding the execution of preservation, renovation and restoration of monuments, the organization shall be capable of executing construction according to the law on construction and at least 02 individuals of the organization are granted certificates of practicing execution of preservation, renovation and restoration of monuments;

dd) Regarding the provision of advice on supervision of execution of preservation, renovation and restoration of monuments, the organization shall be capable of providing advice on supervision of execution of construction according to the law on construction and at least 02 individuals of the organization are granted certificates of practicing provision of advice on supervision of execution of preservation, renovation and restoration of monuments;

2. The Government shall elaborate conditions, authority, procedures and applications for issuance, re-issuance and revocation of certificates of eligibility to practice preservation, renovation and restoration of monuments; certificates of practicing preparation of plannings for preservation, renovation and restoration of monuments; certificates of practicing production of projects/economic and technical reports on preservation, renovation and restoration of monuments, design in preservation, renovation and restoration of monuments; certificates of practicing execution of preservation, renovation and restoration of monuments; certificates of practicing provision of advice on supervision of execution of preservation, renovation and restoration of monuments.

Article 79. Business that involves appraisal of relics and antiquities

1. Organizations and individuals may do business that involves appraisal of relics and antiquities in accordance with this Law and laws on investment and enterprises and relevant laws.

An organization doing business that involves appraisal of relics and antiquities shall meet the following conditions:

a) Has a head office that meets conditions for storage and preservation of relics and antiquities to be appraised;

b) Be equipped with equipment and means for appraisal;

c) Employ at least 03 experts in appraisal of relics and antiquities that meet standards specified in clause 4 Article 41 of this Law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Government shall elaborate conditions, authority, procedures and applications for issuance, re-issuance and revocation of certificates of eligibility to do business that involves appraisal of relics and antiquities.

Article 80. Business that involves relics and antiquities

1. Each organization/individual may do business that involves relics and antiquities; preservation and reconstruction of relics and antiquities; digitization and establishment of a database on relics and antiquities in accordance with this Law, laws on investment and enterprises, relevant laws and the following conditions shall be satisfied:

a) In case of a business establishment, it shall be issued with a certificate of eligibility for investment in business that involves relics and antiquities;

b) In case of an establishment’s owner or a legal representative, he/she shall be issued with a certificate of practicing business that involves relics and antiquities;

c) It has a head office that meet conditions for storage, preservation and display of relics and antiquities, equipment and techniques appropriate to its registered business line.

2. The Government shall elaborate conditions, authority, procedures and applications for issuance, re-issuance and revocation of certificates of eligibility to do business that involves relics and antiques and certificates of practicing business that involves relics and antiquities.

Article 81. Business that involves museum services

1. Each agency/organization/individual may do business that involves museum services in accordance with this Law and laws on investment and enterprises and relevant laws and shall meet one of the following conditions:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Be issued with a license to operate the museum in accordance with Article 67 of this Law;

2. The business that involves museum services shall be consistent with tasks of museums according to Article 68 of this Law.

Chapter VII

CONDITIONS FOR MAINTENANCE OF PROTECTION AND PROMOTION OF VALUE OF CULTURAL HERITAGE

Article 82. Sources of funding for protection and promotion of value of cultural heritage

1. State budget allocated from frequent expenditures and expenditures on investment in development of Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, central and local authorities and organizations in accordance with the law on state budget.

2. Revenues from utilization and access to cultural heritage and services according to regulations of law.

3. Sources of aid, assistance, donation or contribution from domestic and foreign organizations and individuals as per by law; Cultural Heritage Conservation Funds.

4. Other lawful funding sources.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. State budget is allocated to the following tasks:

a) Researching, collecting, documenting, practicing, teaching, inventorying, preparing scientific dossiers on, ranking, recognizing and entering cultural heritage; recognizing national treasures;

b) Implementing measures, programs and projects on management, protection and promotion of value of cultural heritage; zoning and planting boundary markers at protective zones; preserving, restoring, renovating, maintaining, repairing, reconstructing and urgently renovating historical and cultural monuments, museums, display rooms at public museums, vaults, museum artifacts, relics, antiquities, national treasures, documentary heritage;

c) Formulating, appraising, approving, announcing, adjusting, assessing plannings for preservation, renovation or restoration of monuments and archaeological plannings; setting up, appraising and carrying out projects on preservation, renovation or restoration of monuments; appraising and implementing projects on investment in construction, improvement and upgradation of works and display at public museums; and projects on reconstruction of documentary heritage;

d) Developing and carrying out national action programs, reports, schemes and projects on protection and promotion of value of cultural heritage;

dd) Appraising relics, antiquities, documentary heritage; collecting relics, antiquities, national treasures, documentary heritage; purchasing and repatriating overseas relics, antiquities, national treasures, documentary heritage of Vietnam origin to Vietnam in the cases specified in clause 4 Article 51 and clause 4 Article 62 of this Law; sending relics, antiquities, national treasures and documentary heritage for national and international display; receiving and repatriating relics, antiquities, national treasures and documentary heritage collected from illegal search, purchase, sale, transport, export, import from foreign countries to Vietnam;

e) Performing tasks of organizations assigned to manage and use monuments under the public ownership and public museums;

g) Carrying out archaeological exploration, excavation and conducting research on processing of results of archaeological exploration and excavation;

h) Assisting artisans and subjects of intangible cultural heritage, persons directly in charge of historical and cultural monuments, and individual owners of documentary heritage entered by UNESCO in accordance with law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



k) Disseminating, introducing and promoting cultural heritage;

l) Running projects on investment in application of information technology and digital transformation; maintaining, upgrading and expanding systems for applying information technology and digital transformation to protection and promotion of value of cultural heritage;

m) Conducting operations of appraisal councils, scientific councils and professional councils for cultural heritage and National Cultural Heritage Council in accordance with this Law;

n) Perform other tasks according to regulations of law.

2. The Government shall elaborate tasks and expenditures on protection and promotion of value of cultural heritage in this Article.

Article 84. Provision of training and refresher training for personnel in charge of management, protection and promotion of value of cultural heritage

1. Personnel in charge of management, protection and promotion of value of cultural heritage shall be entitled to training and refresher training appropriate to their tasks in accordance with regulations of law; and benefits as per by law, especially personnel living ethnic minority and mountainous areas.

2. Non-state-budget salaried personnel participating in management, protection and promotion of value of cultural heritage shall be entitled to financial support for training and refresher training, benefits from revenues from access to and utilization of cultural heritage and other benefits and policies according to regulations of law.

3. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate programs, documents, organization of training and refresher training for personnel in charge of management, protection and promotion of value of cultural heritage.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. National database on cultural heritage shall be established to store, manage, protect, access and promote value of cultural heritage, thereby serving socio-economic development in accordance with regulations of the law on data, the law on electronic transactions and other relevant laws.

2. The Prime Minister shall approve the national database on cultural heritage in accordance with regulations of the law on data and other relevant laws.

3. The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall be responsible for establishing, managing, operating, updating, maintaining and providing guidance on access to and use of the national database on cultural heritage.

4. Agencies, organizations and individuals shall be responsible for organizing establishment of databases on cultural heritage within their jurisdiction; and ensuring that such databases are integrated, linked and connected with the national database on cultural heritage and meet requirements for security, safety and confidentiality in accordance with law.

5. Establishment, update, maintenance, access to and use of the national database on cultural heritage; the validity of the converted data on intangible cultural heritage and documentary heritage shall comply with regulations of the law on data and the law on electronic transactions.

6. It is required to study and develop projects, proposals, programs, plans, and scientific topics on digital transformation, digitization of cultural heritage, establishment and development of information systems, application of new technologies to management, protection and promotion of value of cultural heritage.

7. The Government shall elaborate digital transformation in the cultural heritage sector.

Article 86. Dissemination, promotion and traditional education through cultural heritage and promotion of value of cultural heritage on electronic environment

1. Dissemination, promotion and traditional education through cultural heritage on mass media; through display, introduction, scientific seminars, talks, composition competitions, exhibitions on cultural heritage; festivals and performances on intangible cultural heritage; learning, sightseeing and study on cultural heritage in association with education programs and activities carried out at educational institutions; compilation and publishing of specialized documents on cultural heritage and other appropriate forms shall comply with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The safety of cultural heritage during development of digital data on cultural heritage and digital display shall be absolutely ensured;

b) Collection, storage, processing of data and use of digital databases by organizations and individuals shall comply with regulations of the law on copyright and the law on protection of personal data;

c) Digital data shall meet technical standards and regulations on digital data, cyberinformation security, cybersecurity and other relevant laws.

Article 87. Private sector involvement in protection and promotion of value of cultural heritage

1. Organizations and individuals are encouraged and enabled to participate in protection and promotion of value of cultural heritage

2. Resources from the private sector are used to:

a) Study, collect, inventory, document and establish scientific dossiers on cultural heritage to recognize, rank and enter such cultural heritage.

b) Study and apply science and technology to protection and promotion of value of cultural heritage;

c) Establish database on cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Restore, practice, teach, introduce, promote, give performances on and organize festivals related to intangible cultural heritage;

e) Preserve, renovate, restore and promote value of monuments;

g) Conduct archaeological exploration and excavation;

h) Study, collect, preserve, digitize, store, reconstruct and promote the value of documentary heritage; 

i) Carry out study, collection, appraisal, inventory, preservation, reconstruction, display, education and communication tasks of museums;

k) Do other activities according to regulations of law.

3. Organizations and individuals participating in protection and promotion of value of cultural heritage specified in clause 2 of this Article shall be entitled to tax and loan incentives as per by law.

Article 88. Utilization and access to cultural heritage

1. Organizations, communities and individuals are entitled to utilize and access cultural heritage in the following cases:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Dissemination, introduction, promotion and education about cultural heritage;

c) Scientific research;

d) Business, provision of services, tourism and development of culture industry;

dd) Other cases according to regulations of law.

2. The utilization and access to cultural heritage shall meet the following requirements:

a) promoting fine traditions of ethnic groups living together in Vietnam;

b) contributing to creation of new cultural values, enriching the treasure of Vietnamese cultural heritage and expanding international cultural exchange;

c) promoting value of Vietnamese cultural heritage on a national and international basis, thereby contributing to sustainable development;

d) complying with regulations of this Law, the law on intellectual property, the civil law and other relevant laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The cultural heritage is prone to damage;

b) The cultural heritage contains information that may affect the State’s interests, legitimate rights and interests of agencies, organizations and individuals if it is widely used.

c) The cultural heritage is included in the list of state secrets. It is cultural heritage with restricted use, conditional access or limited access according to regulations of this Law, the law on protection of state secrets, and the law on access to information.

d) It can be taken advantage of to distort the State's policies and laws, and oppose the Socialist Republic of Vietnam; damage the great national unity bloc; incite violence, cause hatred among ethnic groups and religions; propagate wars of aggression; destroy good customs and traditions; spread superstition; discriminate and cause cultural discrimination, competition, contradictions, disputes and cultural conflicts.

dd) It can be taken advantage of for dissemination, affecting national sovereignty, defense, security, politics, and insulting national heroes or historical figures.

4. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall elaborate points a, b, d and dd, clause 3 of this Article. Agencies, organizations and individuals directly managing or legally owning cultural heritage shall be responsible for compiling a list of cultural heritages with restricted utilization and access.

Article 89. Cultural Heritage Conservation Fund

1. Cultural Heritage Conservation Fund is a state off-budget financial fund, established and operating in accordance with regulations of law to provide financial support for protection and promotion of value of cultural heritage that has not yet been invested in, given financial support or sufficiently invested in by the state budget. To be specific:

a) protecting intangible cultural heritage at risk of being abandoned or forgotten;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) purchasing and repatriating relics, antiquities, national treasures, documentary heritage, rare documents on intangible cultural heritage of Vietnam origin from foreign countries to Vietnam;

d) purchasing Vietnamese relics, antiquities, national treasures and documentary heritage that are valuable to add them to collections of museums and monuments.

2. Fund’s financial sources include aids, donations or assistance from domestic and foreign organizations and individuals and legal financial sources other than state budget as per by law. Funding for operations of the Fund is not covered by state budget.

3. The Cultural Heritage Conservation Fund has juridical person and its own seal; and is entitled to open an account at the State Treasury or a commercial bank to reflect receipt, management and use of financial sources for protection and promotion of value of cultural heritage. At the end of fiscal year, any remainder of the Fund shall be carried forward to the next year for continuation in protection and promotion of value of cultural heritage.

4. The Cultural Heritage Conservation Fund operates for non-profit purposes; the Fund shall make and follow its estimate, and comply with regulations on accounting, final settlement and audit as per by law. The Fund’s finances and operation results shall be public and transparent.

5. Authority to establish the Fund is regulated as follows:

a) The central Cultural Heritage Conservation Fund shall be established under a decision issued by the Minister of Culture, Sports and Tourism;

b) Local Cultural Heritage Conservation Funds shall be established under decisions issued by Chairpersons of Provincial People's Committees according to local socio-economic conditions, capacity for mobilizing social resources and the effectiveness of the Funds.

6. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



STATE MANAGEMENT OF CULTURAL HERITAGE

Article 90. Responsibilities for state management of cultural heritage

1. The Government shall unify state management of cultural heritage.

2. The Ministry of Culture, Sports and Tourism is a presiding agency that assists the Government in unifying state management of cultural heritage and has the following responsibilities:

a) Formulate, promulgate or request a competent authority to promulgate, and execute legislative documents, strategies, programs, plannings and plans for protection and promotion the value of cultural heritage;

b) Approve and appraise projects, plans, programs, plannings and plans for protection and promotion the value of cultural heritage ​​within its jurisdiction;

c) Rank, recognize, enter, provide guidelines for ranking, recognizing, entering cultural heritage and issue certificates of ranking, recognizing, entering cultural heritage within its jurisdiction;

d) Rank and provide guidelines for ranking museums within its jurisdiction;

dd) Give training and refresher training in order to improve management and professional qualifications for personnel in charge of protection and promotion of value of cultural heritage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Disseminate and educate in laws on protection and promotion of value of cultural heritage;

h) Organize commendation and emulation in protection and promotion of value of cultural heritage;

i) Conduct inspection, resolve complaints and denunciations, and handle violations against regulations on cultural heritage within its jurisdiction;

k) Introduce, promote and ensure international cooperation in cultural heritage and fulfill responsibilities and commitments of member countries participating in UNESCO’s conventions on cultural heritage;

l) Assume other responsibilities according to this Law and other relevant laws.

3. Ministries and ministerial agencies, within their tasks and powers, shall be responsible for cooperating with the Ministry of Culture, Sports and Tourism in state management of cultural heritage according to this Law and other relevant laws; cooperating with the Ministry of Culture, Sports and Tourism, other Ministries and ministerial agencies, and provincial People's Committees in recovering, purchasing and repatriating relics, antiquities, national treasures and documentary heritage of Vietnam origin from foreign countries to Vietnam.

4. Provincial People's Committees, within their tasks and powers, have the following responsibilities:

a) Formulate and promulgate Regulations on management, protection and promotion of value of local cultural heritage within their jurisdiction;

b) Be fully responsible for management, protection and promotion of value of local cultural heritage included in Lists and local cultural heritage ranked, entered and recognized in National Lists, UNESCO’s Lists according to regulations of this Law, relevant laws and regulations and guidelines issued by UNESCO;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Assume other responsibilities according to this Law and other relevant laws.

Article 91. National Cultural Heritage Council

1. National Cultural Heritage Council is an advisory agency that is established by the Prime Minister and has its own seal and account.

2. The Government shall issue regulations on organization and operation of the National Cultural Heritage Council.

Article 92. Specialized inspection of cultural heritage

1. A cultural heritage-inspecting agency is established at an agency that advises on and assists in state management of central cultural heritage to conduct specialized inspection of cultural heritage, receive citizens, resolve complaints and denunciations, and ensure anti-corruption in the cultural heritage sector according to regulations of law.

2. The Government shall elaborate this Article.

Chapter IX

IMPLEMENTATION CLAUSES

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Point h shall be added after point g clause 3 Article 49 of the Law on Construction No. 50/2014/QH13 amended by the Law No. 03/2016/QH14, the Law No. 35/2018/QH14, the Law No. 40/2019/QH14 and the Law No. 62/2020/QH14 as follows:

“h) Projects on investments in works that serve preservation, renovation and restoration of historical-cultural monuments and scenic spot".

Article 94. Entry into force

1. This Law enters into force from July 01, 2025.

2. The Law on Cultural Heritage No. 28/2001/QH10 amended by the Law No. 32/2009/QH12 will cease to have effect from the effective date of this Law, except for the case specified in clause 1 Article 95 of this Law.

Article 95. Transition clauses

1. Operations, plannings and projects carried out within protective zones and appraised and approved by a competent authority before the effective date of this Law shall be carried out according to regulations of the Law on Cultural Heritage No. 28/2001/QH10 amended by the Law No. 32/2009/QH12.

2. Intangible cultural heritage included in the List of National Intangible Cultural Heritage according to the Law on Cultural Heritage No. 28/2001/QH10 amended by Law No. 32/2009/QH12 will be moved to the National List of Intangible Cultural Heritage; the forms "Tiếng nói, chữ viết (spoken, written language)” and ”Ngữ văn dân gian (folk literature)” will be converted into the form ”Các biểu đạt và truyền thống truyền khẩu (oral expressions and traditions)” from the effective date of this Law.

3. The titles of People's Artisans, Meritorious Artisans in “Tiếng nói, chữ viết (spoken, written language)” and “Ngữ văn dân gian (folk literature)” forms shall be moved to “Các biểu đạt và truyền thống truyền khẩu (oral expressions and traditions)” form from the effective date of this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



 

 

 

 

 

Epas: 114331

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Law No. 45/2024/QH15 dated November 23, 2024 on cultural heritage

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.206.19
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!